Triết học tôn giáo

[Tinh thần như là] người thợ tác tạo

 TÔN GIÁO TỰ NHIÊN

 

c

[TINH THẦN NHƯ LÀ] NGƯỜI THỢ TÁC TẠO*

 

GEORG WILHELM FRIEDRICH HEGEL (1770-1831)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải

 


Georg Wilhelm Friedrich Hegel. Hiện tượng học tinh thần. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2006, tr. 1339-1358. | Phiên bản điện tử đăng trên website này đã có sự đồng ý của dịch giả.


 

§ 691

Như thế, ở đây, Tinh thần xuất hiện ra như là Người-thợ-tác-tạo (der Werkmeister); và việc làm của Người-thợ-tác-tạo này – khi tạo ra chính mình như đối tượng nhưng chưa nắm bắt được tư tưởng về chính mình – là một loại lao động bản năng, giống như những con ong xây tổ.

§ 692

Hình thức đầu tiên, vì lẽ là hình thức trực tiếp, nên có tính trừu tượng của “giác tính” (Verstand), và công trình được tạo ra chưa được lấp đầy nơi chính nó bằng Tinh thần. Những khối tinh thể của các kim tự tháp và các cột hình tháp (Obelisken) [ở Ai Cập cổ đại. N.D], những sự nối kết đơn giản của các đường thẳng với các mặt phẳng và các tỉ lệ bằng nhau giữa những bộ phận, nơi đó tính vô ước (Inkommensura-bilität) của hình tròn bị triệt tiêu, là những công trình được tạo ra bởi Người-thợ-tác-tạo này, tức bởi Người thợ của hình thức nghiêm ngặt. Nhắm vào tính dễ hiểu thuần túy trừu tượng của hình thức, hình thức này không phải là ý nghĩa đích thực nơi chính bản thân nó; nó không phải là Tự ngã-tinh thần. Như thế, những công trình ấy hoặc chỉ đón nhận Tinh thần vào trong chúng như đón nhận một Tinh thần xa lạ, đã quá vãng – một Tinh thần đã rời bỏ sự thâm nhập sống động với hiện thực và bản thân là đã chết – đi vào trong những công trình không có sự sống này; hoặc chỉ có một mối quan hệ ngoại tại với Tinh thần như với một cái gì bản thân cũng là ngoại tại và không hiện hữu như là Tinh thần: chúng quan hệ với Tinh thần giống như với Ánh sáng đang lên ở phương đông [xem mục a: “Thượng đế như là thần ánh sáng”]; Ánh sáng ấy tỏa chiếu ý nghĩa của mình vào cho chúng[1].

§ 693

Việc tách rời các yếu tố – điểm xuất phát của Tinh thần với tư cách là Người-Thợ-tác-tạo –, tức việc tách rời cái tồn tại tự-mình – trở thành chất liệu cho Tinh thần ấy làm việc – và cái tồn tại cho-mình, tức phương diện của Tự-ý thức làm công việc tác tạo, đã trở thành khách quan ở trong công trình của Người Thợ. Nỗ lực tiếp theo của Tinh thần ấy là phải nhắm đến việc thủ tiêu sự tách rời này giữa hồn và xác: nó phải mang lại hình thái hiện thân cho phần hồn và thổi linh hồn vào cho phần xác. Hai phương diện này, bởi được mang lại gần nhau, nên, trong tình hình đó, đem đến đặc điểm đối lập với nhau, đó là: Tinh thần được hình dung [song đôi] vừa như là biểu tượng và vừa như là vỏ bọc bên ngoài. Tính hợp nhất (Einigkeit) của Tinh thần với chính mình chứa đựng sự đối lập này giữa tính cá biệt và tính phổ biến[2]. Vì lẽ công trình đến gần với chính nó qua việc những phương diện của nó tiến đến gần nhau nên đồng thời cũng tạo ra một kết quả khác, đó là: công trình tiến đến gần hơn với Tự-ý thức đang tác tạo nó; và Tự-ý thức đạt đến cái biết đúng thật, tự-mình và cho-mình về chính mình ở trong công trình. Tuy nhiên, bằng cách ấy, công trình thoạt đầu mới chỉ tạo nên phương diện trừu tượng của hoạt động của Tinh thần; Tinh thần này chưa nhận biết nội dung của hoạt động của mình ở bên trong chính mình, mà ở trong công trình của mình, tức trong cái vốn chỉ là một “sự vật”. Bản thân Người-thợ-tác-tạo, tức Tinh thần trong tính toàn bộ của nó, đã chưa xuất hiện ra, trái lại vẫn còn là cái bản chất ẩn kín ở bên trong; bản chất mà, với tư cách là cái toàn bộ, chỉ hiện diện ở đây như cái gì mới được tháo rời ra thành một bên là Tự-ý thức tác tạo và bên kia là đối tượng do nó đã tác tạo ra.

§ 694

Như thế, môi trường cư trú chung quanh, tức hiện thực bên ngoài – vốn mới chỉ được nâng lên hình thức trừu tượng của “giác tính” – sẽ được Người-Thợ-tác-tạo nhào nặn thành một hình thức sinh động [giống với đời sống] hơn. Người-thợ-tác-tạo sử dụng đời sống thực vật [cây cối] cho mục đích này; đời sống ấy không còn có tính thiêng liêng như trong trường hợp trước đây của thuyết phiếm thần bất động và bất lực nữa, trái lại, được Người-thợ-tác-tạo – vốn nắm bắt chính mình như là bản chất tồn tại-cho-mình – nắm lấy như một chất liệu có thể sử dụng được và hạ thấp đời sống thực vật xuống thành một phương diện ngoại tại, xuống cấp độ của một vật trang sức đơn thuần. Nhưng, đời sống thực vật không phải được sử dụng mà không bị biến đổi tính chất, trái lại: Người Thợ – là kẻ tác tạo nên hình thức có tính tự giác – đồng thời tiêu trừ tính nhất thời vốn là đặc tính mặc nhiên, tự-mình của sự tồn tại trực tiếp của đời sống thực vật này và mang những hình thức hữu cơ của thực vật đến gần với những hình thức chặt chẽ hơn và phổ biến hơn của tư tưởng. Hình thức hữu cơ – nếu cứ để tự do sẽ tiếp tục phát triển trong tính đặc thù – một mặt, về phía nó, bị hình thức của tư tưởng đè nén, khống chế; mặt khác, đến lượt mình, sẽ nâng những hình thái chỉ gồm đường thẳng và mặt phẳng lên thành những đường tròn sinh động, tiêu biểu cho hình thức hữu cơ hơn: một sự pha trộn trở thành gốc rễ cho nền kiến trúc tự do[3].

§ 695

Còn môi trường cư trú, tức phương diện của yếu tố phổ biến hay bản tính không-hữu cơ của Tinh thần, từ nay cũng bao hàm bên trong nó hình thức của tính cá biệt, mang Tinh thần – vốn trước đây bị tách rời khỏi sự hiện hữu ở bên ngoài lẫn bên trong – đến gần hơn với hiện thực; và như thế, làm cho công trình ngày càng giống nhiều hơn với Tự-ý thức hành động. Người-thợ-tác-tạo trước hết dựa vào hình thức của sự tồn tại-cho-mình nói chung, tức vào hình thái thú vật. Việc người thợ ấy không còn tiếp tục có ý thức về chính mình một cách trực tiếp trong đời sống thú vật nữa thể hiện ở chỗ chứng minh rằng: đối lập lại với đời sống ấy, người thợ tự kiến tạo mình như là sức mạnh tác tạo và nhận biết chính mình trong đó như là công trình của chính mình, qua đó hình thái thú vật đồng thời là một hình thái đã được vượt bỏ và trở thành dấu hiệu tượng hình của một ý nghĩa khác, dấu hiệu tượng hình của một tư tưởng. Do đó, hình thái ấy không còn đơn thuần và hoàn toàn được sử dụng bởi Người thợ, trái lại, được pha trộn với hình thái của tư tưởng, với hình thái của con người[4]. Thế nhưng, công trình vẫn còn thiếu hình thái và sự hiện hữu (Dasein), trong đó Tự ngã hiện hữu như là Tự ngã: tức nó còn thiếu khả năng diễn đạt trong chính bản tính của nó rằng nó bao hàm bên trong nó một ý nghĩa nội tại; tức nó còn thiếu ngôn ngữ, thiếu môi trường [hay chất liệu] (Element) trong đó bản thân ý nghĩa hiện diện để lấp đầy nội dung cho ngôn ngữ. Vì thế, công trình – dù đã được tẩy sạch hoàn toàn khỏi tính thú vật và chỉ mang hình thái của Tự-ý thức – vẫn còn là hình thái câm lặng, không có thanh âm; hình thái ấy cần có tia chiếu của mặt trời đang lên để có được thanh âm, nhưng thanh âm do Ánh sáng tạo ra cũng chỉ mới là tiếng ngân chứ không phải tiếng nói, chỉ mới chứng tỏ một Tự ngã bên ngoài chứ không phải Tự ngã bên trong[5].

§ 696

Đối lập lại với hình thái bên ngoài này của Tự ngã là một hình thái khác chỉ ra rằng nó có một cái Bên trong chính nó. Giới Tự nhiên, quay trở về lại vào trong bản chất của mình, hạ thấp đời sống đa tạp của nó – sự đa tạp được cá thể hóa và trở thành hỗn loạn trong tiến trình vận động của nó – xuống thành một lớp vỏ ngoài không-bản chất chỉ nhằm che phủ cái bản chất tồn tại bên trong. | Và, thoạt tiên, cái Bên trong này chỉ mới là Bóng tối đơn thuần, đơn giản, là cái Bất động, là Hòn Đá Đen không có hình dáng[6].

§ 697

Cả hai sự diễn tả này chứa đựng tính nội tại lẫn sự hiện hữu bên ngoài (Dasein), tức chứa đựng cả hai yếu tố của Tinh thần; và cả hai loại diễn tả này đồng thời chứa đựng hai yếu tố trong quan hệ đối lập nhau: cái Tự ngã vừa là cái Bên trong, vừa là cái Bên ngoài. Cả hai cái này phải được hợp nhất lại.

Linh hồn của những pho tượng có hình người chưa đi ra khỏi cái Bên trong, chưa phải là ngôn ngữ; còn sự hiện hữu là nội tại trong chính nó; và cái Bên trong của sự hiện hữu đa hình thái thì vẫn còn không có thanh âm, vẫn chưa được phân biệt hóa bên trong chính mình, vẫn còn tách rời với cái Bên ngoài của nó, tức là nơi chứa đựng mọi sự dị biệt. Vì thế, Người-thợ-tác-tạo hợp nhất cả hai bằng cách trộn lẫn hình thái tự nhiên và hình thái của Tự-ý thức; và các bản chất hàm hồ và bí hiểm ngay đối với chính bản thân chúng này, tức, cái có ý thức dằng co với cái không có ý thức; cái Bên trong đơn giản dằng co với cái Bên ngoài đa hình thể; sự tối tăm của tư tưởng song hành với sự sáng sủa của cách diễn tả ra bên ngoài: tất cả những điều này bùng vỡ thành Ngôn ngữ của một sự khôn ngoan sâu kín và khó hiểu[7].

§ 698

Với sự ra đời của công trình này, phương cách tác tạo theo kiểu bản năng – vốn đã tạo ra công trình không có ý thức, đối lập lại với Tự-ý thức – đã cáo chung. | Bởi, ở đây, hoạt động của Người-thợ-tác-tạo, – hoạt động kiến tạo nên Tự-ý thức – đi đến chỗ đối diện với một cái Bên trong cũng có tính tự giác và tự diễn đạt. Người-Thợ-tác-tạo, qua công trình của mình, đã nâng mình lên đến chỗ phân ly của ý thức của mình, trong đó Tinh thần gặp gỡ Tinh thần. Trong sự thống nhất này giữa Tinh thần tự giác với chính bản thân nó, trong mức độ Tinh thần có ý thức rằng mình tồn tại như hình thái hiện thân và như là đối tượng của ý thức của chính mình, sự trộn lẫn của Tinh thần với tình trạng vô ý thức của những hình thái trực tiếp của Tự nhiên được lọc bỏ, tẩy sạch. Những con quái vật trong hình thái, tiếng nói và việc làm trên đây đều tự tan rã và trở thành hình thái mang tính tinh thần: một cái Bên ngoài đã đi vào bên trong chính mình; một cái Bên trong tự diễn đạt ra bên ngoài chính mình và ở nơi chính mình; chúng đều chuyển hóa thành Tư Tưởng, tức thành cái hiện hữu tự sản sinh chính mình, bảo tồn hình thái của mình phù hợp với Tư tưởng và là một hiện hữu trong suốt, [sáng tỏ]. Tinh thần [bây giờ] là Nhà Nghệ thuật[8].

 

 



* “Der Werkmeister”: “Người thợ tác tạo” khác với “Nhà nghệ thuật hay Nghệ nhân” (Künstler) ở giai đoạn sau (§§699-747). Về mặt lịch sử, đó là sự khác biệt giữa cổ Ai Cập và cổ Hy Lạp. “Người thợ tác tạo” điển hình cho tôn giáo cổ Ai Cập; đây là loại hình lao động bản năng, không xuất phát từ tư duy về Tinh thần mà chỉ đến được với tư duy này sau khi “thần thánh hóa” công trình tác tạo của mình. Hình thái này tương ứng với tâm thức của Nô tự đào luyện mình trong khi nhào nặn, mang lại hình thái cho sự vật nhưng không tự giác về điều này.

[1] Ám chỉ các Kim tự tháp của Ai Cập cổ đại với chức năng là các nhà mồ. (Xem thêm: Hegel, Mỹ học, bản dịch của Phan Ngọc, NXB Văn học, 1999, phần “Nghệ thuật tượng trưng” và “kiến trúc”).

[2] Sự đối lập này sẽ dẫn đến sự tách rời và đối lập giữa kiến trúc và điêu khắc. Ngôi đền (công trình kiến trúc) như là vỏ bọc chung quanh cho sự hình dung bằng biểu tượng cảm tính cá nhân, tức cho tượng thần (điêu khắc). (Hegel sẽ bàn kỹ về sự phát triển này trong tác phẩm Mỹ học đã dẫn).

[3] Ám chỉ kiến trúc cột tròn của Ai Cập cổ đại. (Xem thêm tiến trình biện chứng của kiến trúc cột tròn trong Mỹ học).

[4] Ám chỉ những biểu tượng về thần linh có hình thức nửa người nửa thú, đánh dấu sự tiến hóa của nền điêu khắc cổ Ai Cập và sẽ dẫn đến nền điêu khắc cổ điển ở Hy Lạp cổ đại.

[5] Ám chỉ những pho tượng thần Memnon cất tiếng ngân giống như tiếng kèn hạc lúc mặt trời mọc.

[6] Ám chỉ “Hòn Đá Đen” ở Mecca, vẫn còn là ngẫu tượng được sùng bái đến tận ngày nay. Trong biểu tượng này, cái Bên trong được hình dung trong tính thuần túy của nó, do đó, chỉ là một tính bên ngoài thuần túy không có sự phát triển.

[7] Ám chỉ những câu đố của tượng Nhân sư, Ai cập. “Những ẩn ngữ của người Ai Cập đã là những ẩn ngữ đối với bản thân những người Ai Cập” (Hegel, Mỹ học, đd). Việc giải quyết những ẩn ngữ này sẽ là công việc dành cho những người Hy Lạp: lời giải cho câu đố bí ẩn ấy, như ta đã biết, chính là bản thân con người.

[8] Ý niệm về một “tôn giáo nghệ thuật” hay về một giai đoạn của tôn giáo tương ứng với nghệ thuật đã được Schleiermacher (trong “Reden”/“Các bài nói”, Prüyer, tr. 172) nêu ra. Schleiermacher nói về một tôn giáo nghệ thuật (Kunst-religion) như là bước trung gian từ tôn giáo tự nhiên và huyền học phương đông sang tôn giáo khải thị, tuy nhiên, ông không tin có một nền tôn giáo như thế. Trong quyển Hiện tượng học, việc Hegel xem nghệ thuật là một bước phát triển (Moment) của tôn giáo và phân chia tôn giáo thành tôn giáo tự nhiên, tôn giáo nghệ thuật, tôn giáo khải thị rõ ràng chịu ảnh hưởng của Schleiermacher và Schelling. Mãi về sau này, Hegel mới phân biệt Tinh thần-tuyệt đối thành ba cấp độ khác biệt nhau: nghệ thuật, tôn giáo và triết học. (Trong Mỹ học, Hegel vẫn xem nghệ thuật là phụ thuộc rất nhiều vào tôn giáo) (dẫn theo J.H).

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt