Triết học tôn giáo

Tôn giáo, thuốc phiện của nhân dân và sự phản kháng chống lại khốn cùng thực tại

 

TÔN GIÁO, THUỐC PHIỆN CỦA NHÂN DÂN VÀ SỰ PHẢN KHÁNG CHỐNG LẠI KHỐN CÙNG THỰC TẠI – CÁC QUAN ĐIỂM CỦA MÁC VÀ LÊNIN

SERGIO VUSCOVIC ROJO(*)

 

Sergio Vuscovic Rojo. “Tôn giáo, thuốc phiện của nhân dân và sự phản kháng chống lại khốn cùng thực tại – các quan điểm của Mác và Lênin”. Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, số 2-2000, tr. 12-17.

 

 

Hai trang đầu của bài Nhập đề(**) đã đặt ra một vấn đề liên quan đến cách đọc về  mặt hình thức, ngữ văn, đối với cách sử dụng làm thành ngữ một số ẩn dụ, nó góp phần định rõ hoặc biểu hiện nội dung của tôn giáo. Chúng tôi đã nói rằng khi Mác nói về con người nói chung tức là có Feuerbach ở đó. Chúng tôi cũng có thể nói tương tự về các câu: "Con người làm ra tôn giáo" và "phê phán tôn giáo" là những ngôn từ đặc thù của những nhà Hegel trẻ, từ Strauss đến Mocke Hess, từ Fueurbach đến Bruno Bauer. Chúng tôi cũng nhấn mạnh rằng, trong hai trang đó, Mác vừa thanh toán với quá khứ của chính mình, vừa thanh toán với những quan niệm của các nhà Hegel trẻ. Sự thanh toán này được tiến hành đồng thời và câu "Nhưng con người không phải sự trừu tượng hóa một tạo vật sống bên ngoài thế giới. Con người, đó là thế giới con người, là Nhà nước, là xã hội" là sự phê phán trực tiếp quan niệm của Fueurbach về con người như một tồn tại trừu tượng, quan niệm mà trước  đó  Mác  cũng  sử  dụng,  một  cách sử dụng kể ra là nhập nhằng cho đến khi ông viết hai trang này của Nhập đề.

Phần cuối của đoạn này có ý nghĩa tương tự so với Bruno Bauer: "Phê  phán  trời do vậy trở thành phê phán đất, phê phán tôn giáo thành phê phán pháp quyền, phê phán thần học thành phê phán chính trị". Điều này cho thấy con đường triết học ban đầu Mác đã đi qua mà nhờ đó ông bỏ rơi Bruno Bauer và các nhà Hegel trẻ khá xa ở phía sau. Song đó cũng là con đường cho phép Mác thôi không là một nhà Hegel trẻ nữa.

Chính vào thời kì từ "mùa xuân 1843 đến mùa hè 1844" Mác  và  Ăngghen,  bằng những cách khác nhau và độc lập với  nhau, đã chuyển từ chủ nghĩa duy tâm sang chủ nghĩa duy vật và từ lập trường dân chủ cấp tiến sang chủ nghĩa cộng sản. Sự diễn tiến này là một sự vượt lên theo cách hiểu của Hegel về từ này. Trên bình diện ngữ văn, nó thể hiện ở sự loại bỏ một số thuật ngữ khác hoặc đưa nội dung mới vào những từ cũ.

Zvi Rosen có công bố một tác  phẩm quan trọng[1] viết về ảnh hưởng của Bruno Bauer đối với thuật ngữ của Mác về tôn giáo. Trong phần hai của tiểu luận này, chương Các môtíp Bauer trong quan niệm của Mác về tôn giáo, tác giả chứng minh một cách thuyết phục rằng những câu, từ sau đây, tìm thấy trong hai trang đầu của Nhập đề vốn là lấy của Bauer.

1. "Der Wiederschein" (Sự phản ánh, hình ảnh được phản chiếu).

2. Ist die religion das Selbstbewusstsein und das Selbstgefšhl des Menschen" (Tôn giáo là ý thức và cảm xúc của con người về chính bản thân mình).

3. "Die religion, ein verkehrte Weltbewusstein" (Tôn giáo, một ý thức lộn ngược về thế giới).

4. "Eine verkehrte Welt" (Một thế giới lộn ngược).

5. "Die religion ist die allgemeine Theorie dieser Welt" (Tôn giáo  là học thuyết chung của thế giới này).

6. "Ihre moralische Sanktion" (Sự phê chuẩn đạo đức của nó).

7."Die imaginọren Blumen an der Kette" (Những bông hoa tưởng tượng của xiềng xích).

Bảy trích dẫn đó của Bauer mà Mác sử dụng được ông nhấn mạnh, vì chúng cho thấy một cách mạnh mẽ nhất chủ nghĩa vô thần triệt để của ông. Còn về một loạt những chỗ giống nhau mà Rosen nêu lên, chúng ta cần bổ sung chính xác như sau:

1. "Die Aufhebung der religion als des illusorischen Glšckes des Volkes" (Sự phủ định tôn giáo như là hạnh phúc ảo tưởng của nhân dân). Chúng ta cần ghi nhận ở đây một sự khác biệt quan trọng về thuật ngữ. Rosen dịch: "Aufhebung" thành "cancelled" (tiêu diệt, trừ khử, loại bỏ); nhưng trong tiếng Đức, từ này vừa có nghĩa xóa bỏ vừa có nghĩa lưu tồn (duy trì). Trong tiếng Pháp dịch thành "dépassenment" (vượt qua), theo cách hiểu của Hegel về từ này = vượt qua tôn  giáo  như là  "hạnh  phúc  ảo  tưởng của nhân dân", trong đó chỉ có vế thứ hai trong so sánh là thực sự của Bauer.

2. Rosen cũng gán cho Bruno Bauer câu sau đây của Mác: "Das religiửse Elend ist in eimem der Ausdruck des  wirklichen Elendes und in einem di Protestation gegen das wirkliche Elend" (Sự khốn cùng  tôn giáo đồng thời là biểu hiện của nỗi khốn cùng thực tại và sự phản kháng lại nỗi khốn cùng thực tại). Tuy nhiên, Rosen không chứng minh được đầy đủ cho điều khẳng định này và nhiều nhất ông ta chỉ xích gần Mác với Bauer khi ông ta nói: Từ "đau khổ" (thay vì khốn cùng) thay thế các định nghĩa của Bauer, "sự mất mát", "điều kiện đáng thương hại", "sự nghèo khổ, v.v...[2]

Nhưng vấn đề là Bauer luôn diễn tả tôn giáo như là giấc mơ, ảo tưởng, thuốc phiện, trạng thái chiêm bao, hoặc đơn giản như là sự tha hóa hay sự phản ánh bị tha hóa. Ngược lại, điển hình cho Mác là mong muốn mãnh liệt chỉ ra cơ sở thực tại của từng hiện tượng xã hội được nghiên cứu, ở đây là tôn giáo. Ông đã tìm ra một cơ sở như vậy với định nghĩa kép về tôn giáo: với tư cách là phản ánh nỗi khốn cùng thực tại và với tư cách là sự phản kháng chống lại khốn cùng thực tại, đặc trưng này được Mác nhắc tới hai lần trong văn bản tiếng Đức.

Sự tồn tại của khía cạnh thứ hai này trong quan niệm của Mác về tôn giáo trong thực tế đã bị Orlando Todisco, giáo sư thần học tại San Buenaventura ở Rôma phản bác: "Mặc dù là biểu tượng của khát vọng đạt đến hạnh phúc của con người, tôn giáo làm tăng thêm chứ không thủ tiêu nỗi đau khổ. Thật vậy, nó thể hiện một sự phản kháng "giả" và đi theo chiều hướng sau này sẽ tha hóa, hướng những lực lượng thiết yếu để cải tạo những điều kiện riêng biệt vào những mục tiêu ảo tưởng.

Không rõ từ đâu mà Todisco đã suy diễn rằng quan niệm macxít về tôn giáo coi nội dung  phản  kháng  của nó là "giả" trong khi ông ta không áp dụng cùng một tiêu chí với sự miêu tả macxít về tôn giáo, như là phản ánh nỗi khốn cùng thực tại. Cả hai điều quyết đoán này cùng đứng được hoặc cùng sụp đổ với nhau, bởi vì cùng quy chiếu vào một hiện tượng lịch sử - xã hội. Bởi lẽ đó sẽ là võ đoán, nếu chỉ chú ý đến một phần trong định nghĩa và dùng phần đó để nói lại dường như nó đại diện cho toàn thể. Chúng tôi nhấn mạnh điểm sau: Mác đưa ra một định nghĩa kép về tôn giáo: vừa là biểu hiện vừa là sự phản kháng nỗi khốn cùng thực tại.

Một vấn đề khác là về mặt lịch sử, thực tế đã chứng minh rằng chỉ phản kháng không thôi thì chưa đủ. Hơn nữa, đó lại không phải là đặc trưng mà chỉ một mình sự phản kháng tôn giáo mới có. Ngược hẳn lại, sự chưa đủ kia cũng đã biểu hiện ở chủ nghĩa vô thần triệt để của các nhà Hegel trẻ, sự phản kháng của họ đã không làm thay đổi được điều kiện sống trước mắt.

3. "Nó là thuốc phiện của nhân dân" ("Sie ist das Opium des Volkes"). Về thành công của từ thuốc phiện dùng để nói về tôn giáo, Rosen xác định như sau:

1/ Nam tước Holbach trong Đạo Kitô bị vạch trần năm 1761 đã định nghĩa tôn giáo là nghệ thuật đầu độc nhân loại;

2/ Sylvan Maréchal trong Từ điển các nhà vô thần cổ và hiện đại, năm 1800, đã dùng rõ ràng từ thuốc phiện khi nói về tôn giáo;

3/ Friedrich W. Hégel trong Triết học tôn giáo đã dùng từ thuốc phiện để nói về Hinđu giáo, khi ông miêu tả một tín đồ khao khát cuộc sống mộng tưởng và hạnh phúc trong điên loạn;

4/ Heinrich Heine đã  dùng  từ thuốc phiện để định tính tôn giáo;

5/ L.Feuerbach trong Pierre Bayle đã một lần dùng từ thuốc phiện với cùng nghĩa như vậy;

6/ Bruno Bauer trong Nhà nước Thiên Chúa giáo và thời đại chúng ta đã hai lần so sánh tôn giáo với thuốc phiện, và trong nhiều tác phẩm khác nhau, ông miêu tả tôn giáo như một giấc ngủ, một ảo tưởng, một chất rượu cồn, một trạng thái chiêm bao v.v...; song chính sự miêu tả tôn giáo như thuốc phiện của ông đạt được nhiều tiếng tăm nhất trong sách báo chống tôn giáo thời bấy giờ.

Chúng tôi có thể thêm rằng R.Seeger trong Nguồn gốc và ý nghĩa của câu: Die religion ist opium fšr das Volk cũng  cho rằng Bruno Bauer là tác giả của câu này và rằng Mocke Hess và Karl Marx chỉ làm cái việc là phổ biến nó. Ông nghĩ rằng Chiến tranh Nha phiến của Anh chống Trung Quốc, từ 1839 đến 1842, có thể đã gợi ra lối nói ẩn dụ đó. Dù sao, như chúng ta đã thấy, hình ảnh Mác dùng là "Sie ist das Opium des Volkes" tức là "Nó là thuốc phiện của nhân dân".

Sự khác nhau rất quan trọng bởi vì nói "Fšr das Volk" (đối với nhân dân) là coi tôn giáo chỉ như một chất ma tuý mà các giai cấp thống trị đem cho dân để dân ngoan ngoãn cam chịu. Ngược lại, cách nói của Mác: "des Volkes" (của nhân dân) cho thấy cội nguồn khởi đầu của nó, miêu tả nó như là xuất phát từ nhân dân để chống đỡ với nỗi khốn cùng thực tại. Chúng tôi nhân đây muốn nhấn mạnh rằng bản dịch tiếng ý của câu này trong Ghi chép chính trị thời trẻ của Mác (Torino, Einaudi, 1950, tr. 394 -  395) là sai: "Tôn giáo là thuốc phiện đối với nhân dân". Chính ở đầu nguồn là nơi nước trong nhất. Vì thế, dịch đúng câu nói này của Mác thì phải nhấn mạnh nghĩa của từ "của", vừa chỉ sở hữu, vừa chỉ nguồn gốc.

Cho mãi đến những thập kỉ đầu của thế kỉ XIX, từ thuốc phiện vẫn chưa có nghĩa như ngày nay (ma túy); nó là một thứ thuốc thông thường, một chất giảm đau mà các thầy thuốc vẫn kê đơn. Ngay Kant cũng đã dùng từ này để chỉ những lời an ủi mà các linh mục nói với những người hấp hối. Như vậy, để xem từ thuốc phiện áp dụng cho tôn giáo phải chăng là một điều nhàm, được các nhà chính luận thời đó sử dụng, mà bắt nguồn từ các triết gia của Cách mạng Pháp. Chính trong bối cảnh đó xuất hiện câu nói mà Mác gánh trách nhiệm, và đến lượt chúng ta cũng phải gánh, cho dù chỉ vì nó nổi tiếng cả trong các nhà macxít, lẫn các nhà không theo chủ nghĩa Mác.

Dù sao, cách dùng này của Mác thời ấy không mang bất kì bóng dáng lên án nào: ngược lại nó xuất hiện, trong hoàn cảnh của nó, như là đỉnh cao của một loạt những lập luận thực chứng về tôn giáo. Thật là thú vị lưu ý rằng câu nói đó nằm trong một đoạn văn rất sâu sắc về tư duy triết học kết hợp với hồn thơ phơi phới được diễn tả rất tài tình:

"Sự khốn cùng[3] của tôn giáo, một mặt là biểu hiện của sự khốn cùng hiện thực, và mặt khác là sự phản kháng chống lại sự khốn cùng hiện thực ấy. Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức, là trái tim của thế giới không có trái tim, cũng giống như nó là tinh thần của những điều kiện xã hội không có tinh thần. Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân".

Trong kho tàng lịch sử mà khi đọc đoạn văn này ta được thấy, có cả loạt các câu nổi tiếng nhất trong Nhập đề và một trong những luận đề macxít về tôn giáo. Chính là nhờ tiếng tăm của nó, nhờ sức mạnh của một hình tượng đã có sẵn, mà câu nói  đã làm hầu như lu mờ hoàn toàn ý nghĩa cơ bản của văn bản. Cố gắng của chúng tôi nhằm xuyên suốt hình tượng đó để đạt tới luận đề và, theo hướng đó, chúng tôi tin đã chứng minh được rằng câu "Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân":

a. Không phải do Mác nghĩ ra;

b. Mác tiếp nhận nó bởi vì nó phản ánh vai trò của tôn giáo ở nước Đức cho đến giữa thế kỉ trước và bởi vì nó tạo nên thành ngữ triết học sẵn sàng nhất để dùng vào thời bấy giờ;

c. Nó chỉ phản ánh khía cạnh hạnh phúc ảo tưởng, quy chiếu vào sự tồn tại của tôn giáo như là biểu hiện của nỗi khốn cùng thực tại. Như vậy là chỉ phản ánh một chiều.

Do vậy, nó không bao gồm đặc trưng chủ yếu khác mà Mác nhấn mạnh; đồng thời là sự phản kháng ban đầu chống lại nỗi khốn cùng  thực tại.

d. Nó phục vụ cho những ai mà vì những lí do khác nhau không muốn có đối thoại cũng như không muốn có hành động chung giữa các tín đồ và các nhà macxít;

e. Các nhà vô thần cấp tiến cũng sử dụng câu này để coi tôn giáo như một instrumentum regni (công cụ cai trị) và như "một sự bịp bợm hay một trò lừa đảo của các cha cố".

Đặc trưng của định nghĩa mà Mác đưa ra qua hai thuật ngữ: "Biểu hiện nỗi khốn cùng thực tại - phản kháng lại nỗi khốn cùng thực tại", tạo thành một mối liên hệ biện chứng, một thế cân bằng bất ổn định, bên trong đó chúng ảnh hưởng lẫn nhau, ngay cả khi, tùy theo giai đoạn lịch sử, một khía cạnh này đôi khi thắng thế so với khía cạnh kia. Chẳng hạn, tôn giáo mang tính "an ủi ảo tưởng" khi bị một quan niệm về thế giới tiến bộ hơn vượt lên trên và nó ngăn cản sự tiến hoá tiếp theo. Do mục tiêu đặt ra không thể nào đạt được, nó bèn hoạt động như một hệ tư tưởng với nội hàm là ý thức giả, và do đó nó phải bị vượt lên trên. Trong lịch sử, Kitô giáo đã thể hiện như một hệ tư tưởng với kích thước tạm thời của phe chống cải cách và rất rõ rệt trong Cách mạng Pháp. Nhưng sau đó, nó trở lại trạng thái cân bằng vẫn bất ổn định của nó. Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp đó, nó cũng đền bù cho những bất hạnh, những đau khổ của "cuộc đời này", vì nó cũng là "tiếng thở dài của tạo vật bị áp bức" và với tư cách như thế, nó mở rộng cửa để sự phản ánh nỗi khốn cùng thực tại, cũng trở thành sự phản kháng ban đầu.

Cơ sở của tôn giáo như một hệ tư tưởng thuần túy dựa trên giáo dục tôn giáo có đặc trưng là: a/ tính thụ động của con người trước sự tạo dựng số phận của chính mình và b/ sự lưu đày của con người trong thế giới này, và do đó, sự tha hoá của con người trong lịch sử. Từ vai chính, từ chủ thể, con người trở thành khách thể: anh ta không làm ra lịch sử, anh ta gánh chịu lịch sử. Một quan niệm như vậy thể hiện một cách hữu cơ trong tất cả mọi giáo hội, giáo phái với tư cách là một thiết chế do một đẳng cấp trí thức truyền thống tạo nên như Gramsci đã nêu rõ khi nói về nước Ý.

Hình thức gây tha hóa đó, mà tôn giáo có thể có khi nó được thiết lập như một tình cảm sùng đạo độc lập với mọi cam kết cụ thể trong thế gian, đối lập với quá trình phi huyền thoại hóa đang diễn ra ngày nay và trong những thuyết thần học giải phóng đa dạng của thời đại chúng ta. Những hiện tượng này cũng có một kích thước lịch sử, ngay khi chúng bị che khuất bởi một tấm màn lịch sử chính thức.

Về mặt lịch sử, với tư cách là sự phản kháng ban đầu, tôn giáo từng là một yếu tố tích cực, vì nó đã đóng vai trò tập hợp quần chúng tín đồ. Về Do Thái giáo, ta có thể nêu lên hai thời điểm quan trọng trong cội nguồn của nó: a/ Cuộc nổi dậy của phong trào macchabées chống Antiochos Epiphane (năm 166 -165 tr. CN), nhà vua này định áp đặt một tôn giáo khác và b/ cuộc nổi dậy của Bar Kochba, "Con đẻ của các vì sao" thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Do Thái chống ách đô hộ Rôma (năm 132-135 s. CN), vị anh hùng này, sau khi ngã xuống trong chiến đấu, đã được tôn thờ như một nhà tiên tri.

Trong lịch sử Kitô giáo, ta có thể nêu rõ chức năng của những điều không tưởng trong Kitô giáo nguyên thuỷ như là hệ tư tưởng của những giai cấp bị áp bức và những dân tộc bị đế quốc Rôma khuất phục và với tư cách là sự tách rời khỏi thế giới cổ đại. Cũng có thể làm như vậy với sự nảy nở những dị giáo thời Trung Cổ[4](4): cuộc khởi nghĩa do Jean Hus lãnh đạo (ở Tiệp Khắc cũ - ND), những cuộc chiến tranh nông dân ở Đức, những cuộc khởi nghĩa nông dân ở Pháp, những cuộc đấu tranh của dân communeros ở Tây Ban Nha dưới thời vua Sáclơ V, chủ nghĩa cấp tiến cào bằng thuộc Tân giáo đấu tranh chống những chế độ quân chủ phong kiến và "lí do quốc ích" của chính quyền qúy tộc - tư sản. Sau này, nhiều nhà tu hành còn tham gia những cuộc chiến tranh độc lập ở Châu Mỹ Latinh (ở Mêhicô, bản anh hùng ca giải phóng bắt đầu với bài El grito de Dolores của giáo sĩ Hidalgo; ở Chilê, giáo sĩ Camilo Henriquez dòng Đôminích cho xuất bản tờ nhật báo đầu tiên ủng hộ độc lập, mặc dầu đa số các giáo phẩm ủng hộ nhà vua Tây Ban Nha).

Vai trò đó dựa trên tính không tưởng chính trị đặc trưng cho quan niệm Kitô giáo về tính thống nhất của bản chất con người, tính bình đẳng siêu tự nhiên và tình huynh đệ hoàn vũ. Quan niệm đó là ý kiến chủ đạo đẩy tới cuộc đấu tranh chống sự khốn cùng thực tại. Tính chất không tưởng và tính chất siêu việt nổi bật của nó đóng vai trò kháng cự xã hội, đặc biệt trong những thời điểm tình hình khó khăn. Do cuộc đấu tranh giai cấp và cuộc đấu tranh của những dân tộc bị áp bức không được tiến hành nhân danh quyền lợi (vì ngay cả khái niệm giai cấp xã hội  trước  đây  cũng  không  có), sự phản kháng lại nỗi khốn cùng thực tại chỉ biểu hiện một cách tôn giáo, và điều đó khuyến khích quần chúng tín đồ trong ước muốn sâu xa của họ là thay đổi tình hình xã hội hay chính trị.

Ngay cả ngày nay, sự phản kháng xã hội không thể biểu lộ khác đi, nó vẫn thể hiện trước tiên dưới dạng phản kháng tôn giáo. Chính vì lẽ đó mà chúng tôi đã xác định đó là sự phản kháng ban đầu. Ngoài ra, nó tác động như một yếu tố thống nhất về học thuyết đối với quần chúng theo đạo, nhờ tạo ra được những niềm tin bình dân mới phù hợp với trình độ giác ngộ chớm nở về tính chất bất công của hoàn cảnh cụ thể họ đang sống. ở thời đại chúng ta có thể quan sát điều đó bằng các cách khác nhau như trong trường hợp lật đổ nhà vua ở Iran hay trong các trượng hợp của Nicaragoa và Xanvađo.

Công giáo, từ sau Vatican II, nổi lên với những nỗ lực đấu tranh cho hoà bình và qua đó cho bình thường hoá quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa[5], với sự bảo vệ quyền con người ở Mỹ Latin, với sự lên án kiên quyết chế độ phân biệt chủng tộc, v.v... Thời đại chúng ta cũng chứng kiến sự phản kháng  hàm  chứa  trong  các  tôn  giáo khác, đặc biệt trong các cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc: nhìn chung đó là vai trò của Chính giáo ở các nước thuộc bán đảo Bancăng hay ở Hy Lạp trong thời kháng chiến chống phát xít. Đó cũng là vai trò của Hồi giáo trong chiến tranh giải phóng Angiêri và các nước Arập khác, của Phật giáo trong chiến tranh giành độc lập ở Việt Nam, hay như cách mạng của các giới theo giáo thuyết Siít và Sunnít (trong Hồi giáo - ND) chống lại các giới độc tài Trung Đông.

Khía cạnh phản kháng giành tự do này là khía cạnh đảm bảo cho tôn giáo có được tính thường trực, bởi vì khía cạnh hạnh phúc ảo tưởng có thể bị vượt qua như chính Mác nói trong đoạn cuối mà chúng tôi sẽ phân tích: "Sự vượt qua tôn giáo như là hạnh phúc ảo tưởng của nhân dân là điều kiện cho hạnh phúc thực sự của họ. Nhu cầu từ bỏ những ảo tưởng về điều kiện của chính mình chính là nhu cầu từ bỏ một điều kiện cần đến ảo tưởng. Phê phán tôn giáo, ngay từ trong mầm mống, là phê phán bể khổ trần gian mà sự phản ánh linh thiêng là tôn giáo".

Điều kiện mà Mác nói đến, điều kiện cần đến ảo tưởng, chính là xã hội Đức những năm 50 của thế kỉ trước. ở đây, vượt qua tôn giáo như là hạnh phúc ảo tưởng của nhân dân là điều kiện cho hạnh phúc thực sự của họ. Như thế, đây là vượt qua tôn giáo như là hạnh phúc ảo tưởng chứ không phải vượt qua toàn bộ tôn giáo.

Đối với Mác, phê phán tôn giáo, từ trong mầm mống là phê phán bể khổ trần gian mà tôn giáo là phản ánh, là biểu hiện linh thiêng, là vầng hào quang. Phê phán tôn giáo biến thành phê phán thực tại. Mác từ bỏ cuộc đấu tranh chống các thánh thần và như vậy bắt đầu cuộc chiến đấu cải tạo xã hội hiện đại.

Nghiên cứu tôn giáo với tư cách là hiện tượng xã hội có hai ý nghĩa: a/ ý nghĩa lí luận, bởi vì khi phân tích về tôn giáo, ta có thể hiểu được một phương diện quan trọng của nền văn minh chúng ta: sự tồn tại của hình thức ý thức lộn ngược về thế giới thực tại, mà nhờ đó những mâu thuẫn thực sự được biểu hiện và tỏ rõ cho ta thấy, và b/ ý nghĩa thực tiễn, bởi vì trong thái độ tôn giáo có những yếu tố tích cực thúc đẩy các tín đồ tham gia xây dựng một xã hội nhân đạo và tốt đẹp hơn.

 


(*) Giáo sư triết học, người Chilê. Bài báo được giải thưởng của casa de las Americas de la Havane năm 1987. Bài  báo đã được dịch  ra nhiều  thứ tiếng và đăng trên các tạp chí của nhiều nước: Equipo de Estudios de Historia y Ciencias Sociales (Paris, 1981); Instituto para el Nuevo Chile (Rotterdam, 1982); Desarollo (Baranquilla, Colombia, 1985); Chile - America, No 80 - 81 (Rome, 1982); Topoi, No 2 (Hoa Kỳ, 1983); Analisis, No 85 (Chile, 1985); Araucania,  No   18  (Madrid,  Tây  Ban  Nha, 1982); Social  Compass,  N XXXV (Bỉ, 1988). Tại Việt Nam, Viện Nghiên cứu Tôn giáo đã dịch toàn văn dựa theo bản tiếng Pháp và in trong cuốn Về vấn đề Tôn giáo. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội 1993. Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo xin trích đăng  một phần liên quan đến luận điểm của C. Mác trong bài báo để bạn đọc tham khảo (BBT).

(**) Tên gọi tắt một bài viết của C. Mác viết cuối năm 1843 đầu năm 1844 và được đăng trong Tập san Pháp - Đức Biên Niên, tháng 3 - 1844. Tên đầy đủ của bài viết: Nhập đề phê phán triết học pháp quyền của Hegel.

[1] Zvi Rosen. Bruno Bauer et Karl Marx. Ed. M. Nijhoff, La Haye, 1977.

[2] Zvi Rosen. Sđd, tr. 139.

[3] Trong Tuyển tập, tập  I dịch  là  nghèo nàn không sát nghĩa với thuật ngữ détresse hay có tác giả dịch là misère (ND).

[4] Trong số những dị giáo thời Trung Cổ, chúng tôi xin nêu: (a.) Giáo phái Albigeois hay Cathares, thuộc nhánh Manicheen (tên một nhà sáng lập tôn giáo tại Ba Tư đầu Công nguyên - ND), sống  theo những nguyên tắc thanh khiết tuyệt đối. Dị giáo này lan truyền ở Italia và Pháp vào đầu thế kỉ XII. Dân Cathares chỉ thừa nhận Kinh Tân −ớc, dân Albigeois chiến đấu chống giới tăng lữ buôn bán thần thánh ở miền nam nước Pháp. Giáo hoàng Innocent III kêu gọi giáo dân Kitô làm thập tự chinh. Kết thúc là vương triều Pháp sáp nhập miền Provăngxơ và miền Tuluzơ vào Pháp năm 1299. (b.) Dị giáo Vaudois, do Pedro Valdès sáng lập khoảng năm 1170 (tại Lyon - ND). Căn cứ vào bài thuyết giáo trên núi, giáo phái này chỉ cho Giáo hội con đường thanh khiết, giản dị và nghèo khổ của tông đồ. Mãi đến năm 1848, Carlos Alberto mới cho họ những quyền bình đẳng với những người Công giáo miền Piemont (Tây - Bắc nước Italia - ND).

[5] Đó là quan niệm của tác giả thời kì viết bài báo này năm 1981 (ND).

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Lê Đức Tâm - 20:31 30/10/2015
Tài liệu tham khảo Tôn giáo học...
Life care - 11:58 18/01/2016
Xin cám ơn tác giả. Lâu nay tôi bị hiểu nhầm về câu nói của Mác. Như vậy thì theo tôi hiểu là Mác muốn nói nhân dân sử dụng tôn giáo giống như dùng thuốc an thần mà thôi, chứ không phải Mác muốn nói lên bản chất tôn giáo. Trên thế giới hiện nay và cả ở nước ta, tôn giáo đang bị lợi dụng bởi những kẻ buôn thần bán thánh, những kẻ bất chính lôi ra làm bình phong, đương nhiên có rất nhiều kẻ làm ăn bất chính sử dụng tôn giáo để giải thoát tâm lý tội lỗi. Bản chất cốt lõi thực sự của mọi tôn giáo là hướng thiện, là tốt đẹp chắc chắn tồn tại mãi mãi với loài người.
Vân Anh - 22:01 05/05/2016
Bài viết chi tiết,cụ thể.Cảm ơn tác giả
Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt