Triết học tôn giáo

Tôn giáo tự nhiên

 

TÔN GIÁO TỰ NHIÊN

1 2 3 4

 

GEORG WILHELM FRIEDRICH HEGEL (1770-1831)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải

 


Georg Wilhelm Friedrich Hegel. Hiện tượng học tinh thần. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2006. | Phiên bản điện tử đăng trên website này đã có sự đồng ý của dịch giả.


 

 

§ 684

Tinh thần biết về Tinh thần tức là: ý thức về chính mình; và xuất hiện cho chính mình trong hình thức của cái gì mang tính đối tượng [khách quan]. | [Theo nghĩa ấy] Tinh thần tồn tại; và đồng thời là cái tồn tại-cho-mình (Fürsichsein). Tinh thần tồn tại cho-mình: đó là phương diện của Tự-ý thức; và như vậy, là đối lập lại với phương diện của ý thức của nó, tức với phương diện qua đó Tinh thần đặt mối quan hệ (Beziehen) chính mình với chính mình như là với đối tượng. Trong ý thức của Tinh thần, có sự đối lập và do đó, có tính quy định nhất định (Bestimmheit) của hình thái, trong đó Tinh thần xuất hiện ra cho chính mình và biết chính mình. Trong việc nghiên cứu hiện nay về tôn giáo, ta chỉ tập trung vào tính quy định nhất định này của hình thái mà thôi, bởi ta đã xem xét cái bản chất không mang tính hình thái, tức Khái niệm thuần túy của Tinh thần. Nhưng, sự phân biệt giữa ý thức và Tự-ý thức đồng thời cũng rơi vào bên trong cái sau [Tự-ý thức] này. | Hình thái của tôn giáo không chứa đựng sự hiện hữu (Dasein) của Tinh thần theo nghĩa là giới tự nhiên thoát ly khỏi tư tưởng, cũng không theo nghĩa là tư tưởng thoát ly khỏi sự hiện hữu. | Trái lại, hình thái mà tôn giáo mang lấy là sự hiện hữu được bảo tồn ở trong tư tưởng, như là một cái gì “được suy tưởng” nhưng lại hiện hữu một cách khách quan và có ý thức (ein Gedachtes, das sich da ist)[1].

     Chính dựa theo đặc điểm quy định nhất định (Bestimmheit) của hình thái trong đó Tinh thần nhận biết chính mình mà một tôn giáo này được phân biệt với một tôn giáo khác. | Chỉ có điều phải đồng thời lưu ý rằng trong thực tế, việc trình bày cái biết về chính mình này của Tinh thần – căn cứ vào tính quy định nhất định, cá biệt nói trên – không tát cạn được hết cái Toàn bộ của một tôn giáo hiện thực. Cũng thế, chuỗi các tôn giáo khác nhau như ta sẽ thấy sau đây chỉ diễn tả những phương diện khác nhau của một tôn giáo duy nhất hay nói đúng hơn, của mọi tôn giáo cá biệt; và những biểu tượng [những hình dung bằng hình ảnh] [khác nhau] dường như làm căn cứ để phân biệt một tôn giáo hiện thực này với một tôn giáo khác, đều xuất hiện trong từng tôn giáo. Nhưng đồng thời, sự đa dạng cũng phải được xem xét như một sự đa dạng của tôn giáo[2]. Bởi lẽ Tinh thần đang ở trong sự phân biệt giữa ý thức và Tự-ý thức của nó, nên tiến trình vận động của Tinh thần có mục đích là vượt bỏ (aufheben) sự phân biệt nền tảng này và mang lại hình thức của Tự-ý thức cho từng hình thái nhất định vốn là đối tượng của ý thức [của Tinh thần]. Tuy nhiên, sự phân biệt này không phải là đã được vượt bỏ một cách đơn giản chỉ bằng sự kiện rằng: những hình thái mà ý thức này chứa đựng cũng có trong lòng mình yếu tố của Tự ngã và rằng: Thượng đế đã được hình dung bằng biểu tượng (vorgestellt) như là Tự-ý thức. Tự ngã được hình dung [bằng hình tượng như thế] không phải là Tự ngã hiện thực. | Để cho Tự ngã, cũng như bất kỳ sự quy định chính xác hơn nào khác của hình thái có thể thuộc về hình thái này trong tính chân lý, thì Tự ngã ấy, một phần, phải được thiết định vào trong hình thái bằng việc làm của chính Tự-ý thức; và phần khác, sự quy định thấp hơn của hình thái phải cho thấy chính nó đã được thủ tiêu, vượt bỏ và thấu hiểu bằng Khái niệm (begriffen) bởi sự quy định cao hơn. Bởi vì, cái gì được hình dung bằng biểu tượng (vorgestellt) chỉ ngưng không còn là cái gì “được hình dung” [đơn thuần] và không còn xa lạ với cái biết của Tinh thần là khi chính Tự ngã đã sản sinh ra nó và do đó, trực quan (anschaut) sự quy định của đối tượng như là sự quy định của chính mình và như thế là trực quan chính mình ở trong đối tượng ấy. Chính nhờ tiến trình hoạt động này, sự quy định thấp hơn đã lập tức bị tiêu biến đi, bởi việc làm là cái phủ định tiến hành trên sự tiêu vong của một cái khác. | Còn trong chừng mực sự quy định thấp hơn vẫn cứ tiếp tục hiện diện, nó quay trở lại tình trạng không có tính bản chất; cũng như, mặt khác, ở đâu sự quy định thấp hơn vẫn còn giữ vị trí chủ đạo trong khi sự quy định cao hơn cũng đã có mặt thì sự quy định này cộng tồn với sự quy định kia theo kiểu không có Tự ngã. Do đó, nếu những [hình thức] biểu tượng khác nhau bên trong một tôn giáo riêng lẻ tuy diễn tả toàn bộ tiến trình vận động của những hình thức của tôn giáo thì tính cách riêng biệt (Charakter) của mỗi một tôn giáo là được quy định bởi sự thống nhất đặc thù giữa ý thức và Tự-ý thức [trong tôn giáo ấy], nghĩa là, bởi sự kiện: Tự-ý thức [của Tinh thần] tiếp thu vào trong chính mình sự quy định vốn thuộc về đối tượng của ý thức, và, bằng việc làm ấy, biến sự quy định này hoàn toàn thành sự quy định của chính mình và nhận biết sự quy định ấy là quy định bản chất so với những sự quy định khác. Chân lý đúng thật của lòng tin nơi một sự quy định nhất định của Tinh thần-tôn giáo tự chứng tỏ trong sự kiện sau đây: Tinh thần hiện thực được cấu tạo theo cùng một đặc tính giống như là hình thái, trong đó Tinh thần trực quan chính mình trong tôn giáo. | Cho nên, chẳng hạn sự nhập thể thành người (Menschwerdung) của Thượng đế – như trong tôn giáo [nguyên thủy] của phương đông – không có chân lý đúng thật, vì Tinh thần hiện thực của tôn giáo ấy không có sự hòa giải này [giữa Ý thức và Tự-ý thức][3].

     Đây chưa phải là chỗ để đi từ tính toàn thể của những sự quy định đặc thù quay lùi lại đến những sự quy định cá biệt và để cho thấy rằng bên trong sự quy định này và trong tôn giáo đặc thù của nó, hình thái nào bao hàm trọn vẹn tất cả mọi hình thái khác[4]. Hình thức cao hơn, khi bị đặt lùi lại dưới một hình thức thấp hơn, sẽ mất hết ý nghĩa đối với Tinh thần tự ý thức về mình [Tinh thần tự giác] và chỉ đơn thuần thuộc về Tinh thần một cách hời hợt bên ngoài và ở cấp độ của sự hình dung bằng biểu tượng. Hình thức cao hơn phải được xem xét trong ý nghĩa riêng biệt của nó và ở nơi mà nó là nguyên tắc (Prinzip) của tôn giáo đặc thù ấy, cũng như được Tinh thần hiện thực của tôn giáo ấy thử thách và xác nhận.

 

 


[1] Tôn giáo là Tự-ý thức của Tinh thần-tuyệt đối, nhưng sự thể hiện của cái Tuyệt đối này trước ý thức tùy thuộc vào hình thái của cái tuyệt đối này xuất hiện ra cho ý thức. Trong “tôn giáo tự nhiên”, cái Tuyệt đối được hình dung bằng sự tồn tại của giới Tự nhiên như ánh sáng, cây cối, thú vật v.v.. Tất nhiên, tồn tại tự nhiên này được hiểu theo ý nghĩa tinh thần vượt ra khỏi bản thân nó, vì thế Hegel gọi hình thái này là “hiện hữu được bảo tồn ở trong tư tưởng”. Nói cách khác, trong tôn giáo tự nhiên, “giới tự nhiên [ánh sáng, cây cối, thú vật được tôn thờ như là hiện thân của cái Tuyệt đối] không thoát ly khỏi tư tưởng [tức mang ý nghĩa tinh thần], đồng thời tư tưởng cũng không thoát ly khỏi sự hiện hữu [tức cái Tuyệt đối còn mang hình thái tự nhiên bất tất].

[2] Quan hệ biện chứng giữa tôn giáo và những tôn giáo khác nhau. Mỗi tôn giáo đều là tôn giáo trong tiềm năng, nhưng nó vẫn chỉ là trong tiềm năng, vì Tinh thần hiện tồn của nó chưa được nâng lên tới bình diện Tự-ý thức của cái Tuyệt đối.

[3] Biện chứng của tôn giáo là biện chứng của những tính quy định trong các hình thái của Tinh thần-tuyệt đối. Để xác định hình thái nào là hình thái đúng thật (hình thái khách quan) của một tôn giáo nào đó, cần phải tìm hình thái nào thích hợp với Tinh thần hiện thực của tôn giáo ấy, hình thái nào được Tự-ý thức chấp nhận và thiết định như là bản chất. Như thế, sự hình dung về việc nhập thể của Thượng đế trong các tôn giáo phương đông cổ đại không phải là hình thái đúng thật của các tôn giáo này. Hình thái này tuy cũng có mặt, nhưng không tương ứng với Tinh thần hiện thực của các tôn giáo ấy, bởi ở đây Tinh thần-tuyệt đối chưa phải là Tự-ngã, mà còn ở tình trạng trực tiếp.

[4] Hình thái cá biệt của Tinh thần mà lại bao hàm mọi hình thái khác sẽ là hình thái của tôn giáo khải thị. (§§748-787).

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt