Triết học tôn giáo

Tôn giáo và triết học Đức

TÔN GIÁO VÀ TRIẾT HỌC ĐỨC

(Phạm Anh Tuấn dịch)

GS Philippe BÜTTGEN* 

 


Bài nói của GS Philippe BÜTTGEN tại Khoa Triết Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tháng 3 năm 2017. | Phiên bản bản dịch trực tiếp bài nói chuyện này do dịch giả Phạm Anh Tuấn gửi cho triethoc.edu.vn


 

 

TÓM TẮT: Quãng từ năm 1785 trở đi, bản tuyên xưng đức tin Ausbourg được đệ trình cho Hoàng đế Charles vào ngày 26/6/1530 là bối cảnh khởi nguyên đối với triết học Đức và bản Tuyên xưng Ausbourg trở thành như bản Đại Hiến chương về các quyền tự do [Magna Charta] hay là bản tuyên bố về các quyền cơ bản của con người [Bill of Right] cho triết học Đức. Bài viết này nhìn lại vấn đề của quá trình tuyên xưng đức tin theo hệ phái Tin lành Luther đối với triết học Đức [confessionalization luthéranne], nhấn mạnh chiều kích chính trị và luật pháp của quá trình này và những hệ lụy của nó đối với triết học Đức.

 

1. Giáo phái và việc việc tuyên xưng đức tin tôn giáo (tức sự tự khẳng định độc lập-tự chủ của hai đức tin Kitô giáo ở Đế chế La mã thần thánh: Cơ đốc giáo và Tin lành Thệ phản Luther)

Nhiều người ngạc nhiên khi thấy việc tuyên xưng đức tin tôn giáo xuất hiện trong các đoản văn trong triết học duy tâm Đức. Nổi bật hơn cả là ở trường hợp của Hegel:

“Tôi là một tín đồ Tin lành Luther và triết học làm tôi càng vững thêm vào giáo lý Tin lành Luther”. (Thư gửi cho Tholuck ngày 3/7/1826).

Câu nói trên chứa đựng trong nó một sự tuyên bố công khai mình đứng về đức tin tôn giáo nào (sự tuyên xưng đức tin tôn giáo: confession). Hegel đã phát triển lập trường đích xác của mình dựa trên sự tuyên xưng tôn giáo đích thực (Bekenntnis – confession) trong một văn bản xưa nay ít người đọc tới, đó là trong một bài nghị luận viết bằng tiếng Latinh tháng 6 năm 1930 (Hegel mất tháng 11/1931) để kỉ niệm 300 năm ngày ra đời bản Tuyên xưng đức tin Ausbourg (gồm 28 tín niệm hay tín điều của hệ phái Tin lành Luther). Bài nghị luận này có câu cuối nói tới “lập trường chính trị của ông chịu ảnh hưởng của học thuyết Tin lành thệ phản: protestantisme politique) (cf: Theologies du Vormärz (giai đoạn trong lịch sử Đức trước tháng Ba năm 1848, tức trước cuộc cách mạng 1848, chấm dứt thời kỳ của Cách mạng Pháp, sự tan rã của Đế chế La Mã Thần thánh và sự  ra đời của Liên hiệp Đức, một thời kì “bảo thủ”, “kiểm duyệt” kéo dài cho tới Thế chiến I).

Việc một triết gia tuyên xưng đức tin tôn giáo không phải là điều mới mẻ. Lessing cũng đã làm như vậy, hãy đọc một đoạn bức thư Lessing trả lời Mendelssohn, được Jacobi dẫn trong tác phẩm Những bức Thư của Lessing gửi cho Mendelssohn bàn về học thuyết của Spinoza (Lettres sur la doctrine de Spinoza) (năm 1785):

“Ông bày tỏ sự vui mừng gần như là cuồng nhiệt về quyết định được đề ra tại Ausbourg (tức bản Tuyên xưng đức tin bị vua Charles bác bỏ và sau đó Melanchthon đã viết một bài Tự biện (Apologie) – Bản tuyên xưng Ausbourg và bản Tự biện là hai văn bản nền tảng của các hội thánh Tin lành thệ phản); thế nhưng tôi vẫn là một tín đồ Luther thành thực và tôi chủ kiến rằng việc cho rằng không có ý chí tùy chọn hay ý chí tự do (libre arbitre) như là sai lầm của loài vật vật hơn là thuộc con người [cf. câu châm ngôn “sai lầm là chuyện bình thường của con người] và có tính phỉ báng” mà trong chừng mực này đầu sáng suốt của Spinoza cũng đã đồng ý”.

Hai văn bản trên củng cố sự nhận định về việc tuyên xưng đức tin Tin lành Luther trong trong triết học. Bài học này đã được Fichte rút ra ngay từ năm 1813:

“Đạo Ki-tô và Tin lành thệ phản áp dụng giác tính [Verstand; understanting] hoàn toàn giống hệt nhau; từ đó suy ra rằng triết gia, nhà bác học hiện đại, cần thiết và nhất định phải là một tín dồ tin lành thệ phản”.

Nói gọn gàng như vậy là để cho thấy việc tuyên xưng đức tin Tin lành Luther là rõ ràng, nhưng sự việc không dễ dàng như vậy. Đối với trường hợp của triết học ở Đức thì cần phải có những kết luật phân biệt cụ thể hơn chứ không chỉ nói chung chung là “tín đồ Tin lành thệ phản”. Vậy tín đồ Tin lành thệ phản ở Đức họ là những ai? Hãy đọc tiếp Lessing:

“Tôi là một người mê môn thần học nhưng tôi không phải là nhà thần học. Tôi không thề trung thành với bất kì hệ thống đặc thù nào. Tôi không bị ràng buộc phải nói bất kì ngôn ngữ nào ngoài ngôn ngữ của chính mình”.

“Hệ thống đặc thù” như Lessing nói tới chính là hệ thống mà ông viện dẫn ra trong Những bức thư gửi cho Mendelssohn bàn về Spinoza: đó là bản Tuyên xưng đức tin Ausbourg – CONFESSIO AUGUSTANA. Đó là “học thuyết” [hay là sự “giảng giải” được rút ra từ “lời thuần túy của Thiên Chúa hay là từ Kinh Thánh] (cf. một trong 5 tín lí của Tin lành thệ phản: Sola Scriptura: Kinh Thánh là Lời Thiên Chúa, là thẩm quyền và mặc khải duy nhất đến từ Thiên Chúa được ban cho mọi người (nghĩa là mọi người có thể hiểu và tự giải thích Kinh Thánh). Học thuyết này đi ngược lại giáo huấn của Giáo hội Công giáo cho rằng Kinh Thánh chỉ nên được giải thích theo Truyền thống Tông đồ bởi Magisterium (gồm có Giáo hoàng và các giám mục tại các công đồng của giáo hội) được trao cho Hoàng đế Charles Quint ngày 25/6/1530 tại hội nghị chính trị [la diète] họp tại Ausbourg, các giáo sĩ Tin lành thệ phản đã tuyên bố mong muốn được truyền dạy tại các lãnh thổ của họ thông qua các nhà giảng đạo [prédicateur]. Ngày từ nửa sau thế kỉ 16 các nhà thờ Tin lành Luther đã có những buổi biểu diễn dựng lại cảnh trao văn bản này tại Ausbourg, đôi khi đi kèm trực tiếp với nghi thức Tiệc li của Đấng Ki-tô [la Cène du Christ]: một thể loại tranh Thánh về sự kiện này đã ra đời – Konfessionsgemälde.

Đối với trường hợp của Lessing làm sao ta biết chắc được điều ông nói tới trong tác phẩm trên chính là sự kiện ở Ausbourg năm 1530? Ta dựa vào chính việc ông bày tỏ sự từ chối tuyên thề trung thành [jurer] (Tôi không buộc phải tuyên thệ trung thành với bất kì hệ thống nào). Bản Tuyên xưng đức tin Ausbourg ngay lập tức đã được thừa nhận như là chuẩn mực nguyên tắc có tính học thuyết [hay có tính giảng đạo] của những tín đồ Tin lành Luther. Xét như vậy bản tuyên xưng này đã được tích hợp để trở thành một tập hợp những libri symbolici hay là Bekenntnisschriften [Cuốn sách giáo lý hay là nguyên lí của giáo hội Tin lành: Glaunbengrunlagen; Catéchisme] mà bất cứ ai có tham vọng giữ một chức vụ trong chính quyền hay nhà thờ tại các lãnh thổ theo đạo Tin lành Luther thì đều phải tuyên thệ và điều này được duy trì cho tới khi Đế chế La Mã thần thánh tan rã vào năm 1806. Sự thực hành này đã được đặt thành luật có tên gọi là iuramentum religionis hay là Konfessionseid [lời tuyên thệ của giáo hội]; từ khoảng 30 năm nay các nhà luật học và các sử gia bắt đầu chú ý tới sự thực hành này.

Tất cả, cho tới cả sự làm thành công thức trong quyển Axiomata [của Érasmus viết về sự tranh cãi liên quan đến Luther] đều dẫn chiếu tới sự tuyên xưng đức tin kì lạ: tuyên xưng theo cách đảo ngược: Tôi không phải chịu ràng buộc vào bất cứ hệ thống nào” và gây ảnh hưởng vọng lại nơi Lessing ở thuật ngữ [terminus technicus] “bổn phận” [Bindung], là cái chỉ rõ giá trị cưỡng bách của các văn bản về tuyên xưng đức tin tôn giáo và sau đó sẽ ấn định cuộc nghị luận kéo dài hơn 20 năm, từ Eberhard tới Schleiermacher, cho tới tận bài nghị luận của Hegel viết năm 1830.

Do đó ta có thể đi đến kết luận thứ nhất sau đây: tương ứng với việc tuyên xưng đức tin Tin lành Luther là một tình cảm tự nhiên [sensibilité] cực độ đối với một vấn đề của sự tuyên xưng đức tin. Để nói về bản chất hay bề sâu của thuyết Spinoza, Lessing tự gọi mình là “người theo Tin lành Luther trung thực” và để chứng minh ông đã dẫn ra sự bác bỏ của phe Cơ đốc giáo đối với văn bản của bản Tuyên xưng đức tin Tin lành Luther Ausbourg và câu nói “sai lầm là chuyện bình thường của loài vật” [erreur bestiale]. Để tự nhận mình là người yêu môn thần học, ông phải từ bỏ việc tuyên xưng đức tin, từ chối tuyên thệ để trở thành thủ thư ở Wolfenbüttel [ở bang Niedersachsen]. Như vậy câu hỏi là: liệu ta có thể tự lí giải được hay hiểu được những “chiến thuật” này, những chiến thuật quanh co nhất đã được triển khai khi tiếp xúc với lời nói trực tiếp nhất, có tính khẳng quyết nhất như đã được sáng tác nên kể từ thời các Thánh Tông đồ: tín điều, biểu trưng, sự tuyên xưng đức tin? [le credo, le symbole, la profession de foi?

2. Nền chính trị của sự khẳng quyết

Hãy thay đổi thế giới nhưng không thay đổi vấn đề. Đó là câu cuối rất nổi tiếng trong Phê phán cương lĩnh Gotha của Marx. Sau khi thẳng thừng chống lại lời kêu gọi của đảng xã hội chủ nghĩa Đức đòi một “đạo luật trại giam có hiệu lực”, Marx viết:

“Tóm lại, cả bản phụ lục này cũng biểu lộ rõ là đã được soạn thảo một cách cẩu thả như thế. Dixi et salvavi animam meam [Cách nói khi xưng tội của tín đồ Cơ đốc: Tôi đã tự thú và linh hồn tôi được cứu rỗi].

Louis Althusser dừng lại ở câu tiếng Latinh; ông thấy đây là những lời nói của một người “nói để mà nói” trong nỗi cô độc: lúc này Marx đang ở xa Gotha, đang ở London, như một nhà tiên tri ở trong xa mạc đang nói bằng ngôn ngữ của lễ bí tích [sacrement]. Sự trớ trêu ở đây [Marx viết Phê phán Cương lĩnh Gotha song không xuất bản] là không kém so với trường hợp “sai lầm là chuyện bình thường của loài vật” như Lessing chê trách. Trước đó 30 năm, năm 1843, trong bức thư trao đổi với Arnold Ruge đăng trên Tạp chí Niên giám Pháp-Đức, Marx cũng trình bày cương lĩnh của mình như một lời “thú tội”:

Đây là nhiệm vụ vì thế giới và vì chúng ta [nước Phổ]. Đó chỉ có thể là sự nghiệp của các lực lượng được tập hợp lại. Vấn đề ở đây là một sự xưng tội [Beichte; confession], có vậy thôi. Để được xá tội tổ tông loài người chỉ cần thừa nhận chúng xét như là những tội.

“Công việc” như đang được nói tới được phát biểu bằng một “tiêu ngữ” [Wahlspruch; devise, mot d’ordre]: “Cải tổ ý thức không phải bằng các giáo điều mà bằng việc phân tích đối với ý thức bí nhiệm [conscience mystique]. Do đó Marx đem một sự “xưng tội” đối lập lại với các “giáo điều”: lí giải việc làm này thế nào? Chống lại Hegel và thuyết tin lành thệ phản chính trị, phương pháp của Marx là cầu viện đến sự xưng tội khác, không còn là sự tuyên xưng đức tin [Bekennitnis] mà là xưng các tội [Beichte]. Và hệt như Lessing viện dẫn Charles Quint, hoàng đế Cơ đốc, việc Marx chọn “ngôn ngữ xưng tội của Nhà thờ” gây ra sự đổ vỡ tan tành. Đối diện với một thuyết Tin lành thệ phản đã mang mọi nét đặc điểm tiêu biểu của Nhà nước tư sản, từ chỗ là Liên hiệp các Giáo hội tới chỗ trở thành cuộc chiến văn hóa [Kulturkampf], sự cắt đứt này có thể mượn cách đi vòng tránh đầy chất châm biếm của cơ đốc giáo La tinh [tức Thiên chúa giáo La mã]. Nó phải làm như thế, hiểu theo nghĩa nào đó, trong một thế giới bị phân cực cạnh tranh giữa Cơ đốc giáo và Tin lành và thật khó để hình dung được một vực thẳm ngăn cách rộng thế nào – cứ như thể không có cách nào rõ ràng hơn để nói về bề sâu của sự cắt đứt về chính trị trừ phi qui chiếu tới sự khác biệt về hệ phái [la différence confessionelle].

Chiến thuật của Marx và Lessing là mở rộng việc tuyên xưng đức tin trong bề sâu của những tác động của nó. Chúng ta thấy cả Marx và Hegel đều có một tình cảm tự nhiên rõ rệt [sensibilité] dành cho học thuyết [la doctrine], đây là đặc điểm của thực hành triết học và chính trị ở lãnh thổ Đức. Ngay cả sự dè dặt trước “giáo lí” cũng được thấy trong những từ ngữ xưng tội, trong lời lẽ khoa trương giáo lí. Các nhà chú giải tìm ra tận căn nguyên của lòng trung thành tưởng như nghịch lí đối với học thuyết, đối với sự xưng tội mang một  nhiệm vụ còn phức tạp hơn là việc tự-khẳng định một sự hệ thuộc giữa Tin lành thệ phản và triết học – sự tuyên xưng đức tin Tin lành Luther trong triết học như chúng ta nói tới ở đầu. Điều cần tra hỏi là những thể cách [modalité] của việc tự-khẳng định của triết học như nó bắt đầu từ năm 1780 ngày càng trở nên được đồng hóa thường xuyên và rõ nét hơn vào một sự tuyên bố thuộc về một nhóm đi theo đức tin nào.

Bắt đầu từ cuối thời kì Khai minh, triết học ở Đức đã trải qua giai đoạn có sự tuyên xưng đức tin, Trước mọi biện pháp của sự tuân phục giáo lí – đi theo Tin lành thệ phản hay đi theo giáo lí khác – thì triết học ở Đức được phân biệt rõ ở việc nó phô trương lòng trung thành của mình, nghĩa là phô trương việc lựa chọn giọng điệu phát biểu về những gì nó suy tưởng. Những “đề tài” và những “tuyên ngôn” nảy nở ở Đức chứng thực cho việc triết học Đức luôn từ chối hay là không thể vi phạm hay thương lượng – cái pathos [đặc tính, tâm hồn] được thấy ở việc nó luôn “khẳng định”, còn hơn cả sự xác tín, mà là sự khẳng quyết, một sự chọn lập trường [parti pris], một sự “thuộc về’, như Luther tuyên bố tại hội nghị chính trị tại Worms năm 1521: Tôi đang đứng tại đây, tôi không thể làm khác: một cột mốc có tính biểu tượng [cf. câu nói nổi tiếng của Luther từ chối rút lại 95 luận đề của mình trước hội nghị chính trị của Đế chế tại Worms].

Tôi đã nói về một thời đại của những giáo phái, rồi đến thời đại của sự khẳng quyết mà dường như cho đến tận hôm nay triết học Đức có vẻ muốn thoát ra khỏi nó: một hiện tại đang xưng tội [un présent confessant]. Kỉ nguyên như Heidegger nói, Sự tự-khẳng định tính phổ quát Đức như là tự-khẳng định tính nhân loại như Hans Blumenberg ngợi ca. Dưới đây là những hệ lụy kéo theo liên quan đến mối liên hệ giữa một mặt là triết học và lịch sử và mặt khác là giữa triết học và luật pháp.

3. Bản tính và lịch sử của việc xưng tội

Một tính chất đặc thù của văn hóa xưng tội Tin lành Luther là việc học thuyết [hay là sự giảng giải] được gọi là “xưng tội” [confession]; việc này được hiểu là sự xưng tội dẫn thẳng tới học thuyết và có thể dễ dàng kết hợp tham vọng học thuyết với một cảm xúc xưng tội. Bản Tuyên xưng đức tin Ausbourg năm 1530 là một trong những cách phát biểu đầu tiên về những điểm chính yếu của học thuyết Tin lành Luther, tới những gì tín đồ Luther giảng giải bởi lẽ họ coi đó là đúng thật. Tất cả các tín điều đều bắt đầu bằng câu “Item docent”: chúng tôi tuyên bố và giảng giải. Việc bày tỏ sự nhất trí  với văn bản này (được gọi là “thú tội”: Confessio theo tiếng La tinh hay là “Bekenntnis” theo tiếng Đức là điều kiện để một người thuộc về giáo phái Tin lành Luther (Konfession). Việc bày tỏ sự nhất trí còn được diễn ra qua sự “tuyên xưng đức tin” (cũng vẫn là “Confessio” và “Bekennitnis” – nghĩa là một cách kết hợp sự “xưng tội” và sự “tuyên xưng đức tin” thông qua lời thề (serment), điều được thấy ở Đế chế La mã thần thánh thời hiện đại (tức từ lúc xuất hiện Tin lành thệ phản).

Do đó sự tuyên xưng đức tin được hiểu đồng thời như là “việc làm” (acte), như là “văn bản” (texte), như là “nhóm có chung đức tin” (groupe). Sự “đa nghĩa” này [plurivocité] được kết hợp xoay quanh khái niệm bằng tiếng Đức là “Lehre” (doctrine). Tại sao lại có sự say mê đối với “Lehre” như vậy? Nào là Rechtlehre [học thuyết pháp quyền], Wissenschaftslehre [học thuyết khoa học hay là học thuyết về tri thức] và một từ hầu như không thể dịch được sang thứ tiếng khác, đó là Dogmenlehre [học thuyết về tín lý: doctrine du dogme]. Nếu chúng ta tạm gác lại đặc tính dân tộc của người Đức là ưa thích “học thuyết”, tôi nghĩ có lẽ chúng ta được dẫn thẳng tới trọng tâm của điều mà sự nghiên cứu đã đặt tên cho nó là “văn hóa xưng tội” [culture confessionnelle].

Để nói vắn tắt một nghị luận đã từ 40 năm nay song vẫn đang diễn ra rất sôi động trong nghiên cứu về văn hóa Đức, ta sẽ bắt đầu từ nhận xét năm 1980 của Wolfgang Reinhard, sử gia xuất sắc chuyên nghiên cứu về các giáo hoàng thời hiện đại: thuật ngữ “confessio” đã được mở rộng nghĩa của nó, nó có thêm nghĩa (khi bước vào thời hiện đại), đó là từ chỗ là “hành động” tuyên xưng đức tin có tính cá nhân, credo, confiteor [người cầu nguyện, người xám hối] để có thêm nghĩa là tập thể các cá nhân có chung một đức tin cụ thể hay là tổ chức của những người cùng tuyên xưng một đức tin [organisation des confessants]. Sự mở rộng nghĩa này đã dẫn đến việc sử dụng tính ngữ “confessionnel” [có liên quan đến một đức tin tôn giáo cụ thể, chứ không chỉ đơn thuần là “xưng tội” hay “xám hối”], tức nó mang nghĩa một “cộng đồng” hơn là nghĩa “credo” [tín điều hay tín niệm]. Nghiên cứu yếu tố này trong triết học Đức tức là buộc phải tính đến sự biến chuyển nối liền hành động của đức tin với nhóm có cùng chung một đức tin.

Từ sự biến chuyển này, ta được phép rút ra một phần quan trọng của nghị luận nói trên về sự tuyên xưng đức tin: việc chép sử Đế chế La mã thần thánh hầu như được quy định qua hai đề tài thuộc về Konfessionalisierungsparadigma [hệ hình tuyên xưng đức tin], đó là sự “chồng chéo” ngày càng gia tăng giữa quyền lực nhà nước và quyền lực của nhà thờ (Verzahnung, imbrication de pouvoirs] xuất phát từ sự chia rẽ hai Giáo hội bắt đầu từ năm 1520 (Cơ đốc giáo và Tin lành); và sự “bình đẳng” giữa các giáo phái hay các đức tin tôn giáo khác nhau như là kết quả của quá trình hình thành nhà nước và hiện đại hóa xã hội (cơ đốc giáo La mã, tin lành Luther, Tin lành cải cách). Từ năm 2000 đã có nghiên cứu phản bác lại quan điểm này, từ đó ra đời đề tài nghiên cứu về “các nền văn hóa liên quan đến các hệ phái tôn giáo khác nhau” [Konfessionskulturs]. Trước đây người ta không tính đến một hệ hình tin lành Luther trong triết học ở các lãnh thổ thuộc Đức vào lúc kết thúc thời đại Khai minh. Vấn đề không chỉ là nghiên cứu các hệ phái như là những nền văn hóa đối xứng nhau, mà là như những thế giới trải nghiệm đặc thù riêng biệt được thấy ở trong những sản phẩm văn hóa gắn với truyền thống riêng: thần học, nghệ thuật, khoa học – người ta cố gắng tìm cách nghiên cứu về tính đặc thù của một môn nghệ thuật, nghi lễ hay một tư tưởng cơ đốc, Luther hay Cải cách tôn giáo.

Mặt khác, tôi cố gắng chỉ ra rằng một hướng nghiên cứu như vậy không thể hi vọng lật đổ hoàn toàn “hệ hình” cũ – hệ hình chức năng luận của việc tuyên xưng đức tin: tính độc lập-tự tồn của các nền văn hóa hệ phái tôn giáo tiền giả định thực tế chính trị và xã hội. Ngược lại, chúng ta lưu ý tới một “đối tượng” nghiên cứu mà các môn khoa học xã hội về giai đoạn sơ kỳ hiện đại vốn không thực sự chỉ ra được: đó là người ta không minh giải được sự biến đổi về ngữ nghĩa của “confessio” như Reinhard đã nhận xét. Vẫn còn vấn đề cần minh giải là bản chất hay bản tính của việc tuyên xưng đức tin, nói chính xác là cái gì cho phép chỉ ra được nghĩa của một từ như là “confessio”, hành động tuyên bố đức tin và một nhóm có chung một đức tin, lời “xưng tội” công khai và tính cộng đồng cũng như cái gì được coi là chuẩn mực bằng văn bản để mọi thứ tựa vào đó: lời nói, hành động và cộng đồng.

Từ 15 năm nay đã có những công trình nghiên cứu về vấn đề này ở khu vực nói tiếng Đức. Từ đây ta thấy nổi lên rõ rệt cái có thể gọi là “học thuyết” xét như là sự kiện văn hóa nối liền, chẳng hạn, việc hát các bài Thánh vịnh, kinh đọc bên mộ người chết, nghiên cứu thần học, nghệ thuật tranh ảnh của một hệ phái cụ thể (mang tính giáo dục) – Lehrbild. Nghiên cứu lịch sử triết học còn cho thấy tính phức tạp của các hình thức xưng tội khi chúng được hình thành bên trong các “học thuyết” và khi chúng được chọn để nói về chân lí hay sự thật.

TÓM TẮT: “học thuyết” là “môi trường”, là hình thức của sự thật chung trong đó việc xưng tội được phát biểu ra, không chỉ trong các luận văn về thần học tín lí mà còn cả trong các lĩnh vực khác nữa. Triết học kể từ khoảng năm 1780 đã đặt thành vấn đề rõ rệt, ngoài việc đây là điều có liên quan giữa nó với chính quyền (sự kiểm duyệt) và tính hiệu quả chính trị đặc thù của mình, triết học còn muốn xây dựng một học thuyết hay là sự giảng giải của riêng mình.

Sự khác biệt về hệ phái tôn giáo là một sự kiện trong lịch sử triết học Đức, và vẫn còn tiếp tục là như vậy rất lâu sau giai đoạn sơ kì hiện đại. Sự khác biệt này, sau khi ta đã thấy nó trải qua môi trường trung giới là “học thuyết” hay giáo lí, thì nó tường trình cho ta thấy sự tất yếu phải nắm bắt trên phương diện triết học đối với lịch sử văn hóa của thế giới Đức ngữ. Bằng cách nào?

5. Pháp quyền và triết học

Làm thế nào để đưa triết học vào trong lịch sử văn hóa của thế giới Đức ngữ, và nhất là: làm thế nào để đưa ra một ý nghĩa triết học cho thao tác này? Tôi đề xuất câu trả lời: thông qua pháp quyền [droit]. Pháp quyền của Đế chế, và hơn nữa còn cả pháp quyền của các Giáo hội của Đế chế, từ nay đã đi ra khỏi giới hạn nghiêm ngặt của lịch sử pháp quyền: nó đã trở thành một điều kiện của tính “khả niệm” của triết học. Hãy quay lại với bản tuyên xưng đức tin Ausbourg năm 1530.

Năm 1530, cùng với bản tuyên xưng Ausbourg, cùng với Kinh tin kính [Symbole des Apôtres] Hòa ước Ausbourg năm 1555 đã đề ra những điều khoản về tôn giáo: chấp nhận Tin lành Luther, chấp nhận quyền được cải cách [ius reformandi]. Tín đồ luther được gọi là “thệ phản” hay “kháng cách” có nguồn gốc từ ius reformandi: những người theo tôn giáo được hiểu theo  Confession Ausbourg.

Ý nghĩa của bản tuyên xưng Ausbourg: Tin lành thệ phản Luther được chấp nhận, tuy cơ đốc giáo la mã vẫn tiếp tục là “quốc giáo”, cho tới khi Đế chế La mã thần thánh tan rã, bản tuyên xưng tuy không có được địa vị một văn bản pháp lí, mà chỉ được xem xét trên phương diện “giáo lí’, song nó đem lại một sự cải cách đáng kể. Chẳng hạn, các lãnh thổ của Đế chế có quyền cải cách tôn giáo, quyền di cư cho những ai thay đổi tôn giáo – con người trở thành một chủ thể của pháp luật. Chính vì thế, Hegel hay Lessing khi nghiên cứu bản tuyên xưng Ausbourg đã coi nó là một đề tài thuộc lĩnh vực pháp quyền [sujet de droit].

Một câu hỏi mà lịch sử các triết học ở Đức ắt cho phép nêu ra: không chỉ hiểu được cách nào mà triết học “suy tưởng” về đề tài pháp quyền, mà còn phải hiểu thấu cách nào mà triết học tự suy tưởng chính mình với tư cách được làm ra bởi các chủ thể của pháp quyền. Đó có lẽ, từ bản chất sâu xa, là một cách mới mẻ để tự tra hỏi về mối quan hệ giữa triết học và Nhà nước.

Có lẽ ngày hôm nay ta đã trả lời được câu hỏi của Heine: tôn giáo và triết học là nguồn gốc của tham vọng lí thuyết của người Đức. Người Đức có được quyền [chính trị] của mình là nhờ bản tuyên xưng Ausbourg năm 1530 [bối cảnh đầu tiên], Hòa ước năm 1555, được tái khẳng định tại Osnabrück năm 1648, và Hòa ước Westphalie.

 

Phillipe BÜTTGEN

Giáo sư triết học tại Đại học Paris 1-Panthéon-Sorbonne, 17, rue de la Sorbonne, F-75005 PARIS; thư điện tử: Philippe.Buettgen@univ-paris1.fr

 



* Philippe BÜTTGEN, giáo sư triết học tại Đại học Paris 1-Panthéon-Sorbonne, 17, rue de la Sorbonne, F-75005 PARIS; thư điện tử: Philippe.Buettgen@univ-paris1.fr

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Vân Quỳnh - 13:15 27/12/2019
Không biết người dịch có biết khoá học ngắn hạn hay các hoạt động mở cửa cho người không chuyên ngành triết ở Việt Nam không ạ?
Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt