Triết học tôn giáo

Trên đường đi tới triết học chân chính

 

TRÊN ĐƯỜNG ĐI TỚI TRIẾT HỌC CHÂN CHÍNH

VLADIMIR SOLOVIEV (1853-1900)

 

Bảo vệ được một cách khoa học tính độc lập của sinh linh cá thể của chúng ta và tìm được cho nó một vị trí riêng giữa “cái tuyệt đối” hút thu tất cả của triết học Đức và nguyên tắc cơ chế phân hoá tất cả của khoa học tự nhiên - đó là nhiệm vụ quả thật lý thú của sách Chủ nghĩa cá thể.

Trí tuệ con người đã sáng tạo ra triết học trừu tượng và khoa học tự nhiên trừu tượng rốt cuộc phải nhận ra rằng những kiến trúc phức tạp và tinh xảo ấy có một khuyết điểm chung nghiêm trọng: ở đấy không có chỗ cho bản thân người kiến trúc.

Một mặt, thuyết phiếm thần tư biện dựng xây “cái tuyệt đối” của mình trên sự thoát ly triệt để mọi yếu tố cá thể mà không nhận thấy rằng bằng cách ấy bản thân “cái tuyệt đối” biến thành chỗ trống không; mặt khác, trong thế giới quan “thực chứng” thống ngự hiện nay, trí tuệ của chúng ta, tính đếm các phần tử cấu thành hoàn vũ, một cách ngây thơ nhất bỏ qua chính mình.

Cho dù những khác biệt và thậm chí sự đối lập giữa siêu hình học duy tâm và quan điểm thực chứng của các nhà khoa học tự nhiên thời nay có gay gắt đến đâu đi nữa, chúng vẫn gặp nhau ở một điểm: cả ở nơi này cũng như nơi kia con người đều không dự phần một tí nào. Nếu bản chất và ý nghĩa của hoàn vũ chỉ là ở những cái như “sự đồng nhất tuyệt đối”, “ý tưởng tuyệt đối”, “cái vô thức” và v. v... , thì con người với những nhu cầu tinh thần và những nhiệm vụ nhân sinh của nó không có chỗ ở đấy; không có chỗ cho nó cả trong trường hợp nếu vũ trụ chỉ là một cơ chế phức tạp của vật chất vận động. Trong trường hợp thứ nhất con người mất hút, với tư cách một hiện tượng nhất thời, trong cái tuyệt đối bất phân, trong trường hợp thứ hai nó cũng biến mất như là một tổ hợp nhất thời của những hạt vật chất hợp thành rồi lại ly tán. Những cái nhìn như thế về con người, không liên quan đến việc ta có ưa thích chúng hay không, trực tiếp tự phá hoại mình bằng tính không tương hợp nội tại của mình, và nếu chúng ta bác bỏ chúng thì không phải vì chúng mang tính phi nhân, mà vì chúng phi lý.

Trước hết, cho dù triết học duy tâm và triết học duy vật có nói với ta những gì đi nữa, chúng ta phải nhớ rằng bản thân những nền triết học ấy, tất cả các hệ thống ý tưởng tuyệt đối hoặc các hệ thống nguyên tử của chúng chỉ là những sản phẩm của trí óc con người, chúng không có và không được có tham vọng về một ý nghĩa nào khác.

“Thế giới là một ý tưởng tuyệt đối”. Nhưng, như chính Hegel đã phải thừa nhận, ý tưởng ấy đạt được sự tự ý thức và trong thực tế được thể hiện chỉ trong trí tuệ con người, nói một cách khác tất cả những gì mà chúng ta biết về ý tưởng ấy, chúng ta chỉ rút ra từ hoạt động của tư duy con người.

“Thế giới là một bộ máy của các nguyên tử vận động”. Nhưng từ đâu có chính khái niệm về những nguyên tử ấy và tất cả những gì mà người ta bàn về chúng, nếu không phải cũng từ hoạt động của tư duy con người chúng ta?

Và thế là trong khi một số nhà tư tưởng khẳng định rằng con người có thật trên đời chỉ là một biểu hiện của ý tưởng tuyệt đối (Hegel) hoặc chỉ là một tổ hợp của các hạt vật chất (các nhà duy vật), những nhà tư tưởng khác với một tính nhất quán hơn phán rằng bản thân ý tưởng tuyệt đối cũng chỉ là một tư tưởng của trí tuệ con người (Feuerbach) và cơ chế vật chất của giới tự nhiên cũng là quan niệm của chúng ta mà thôi, là một loạt trạng thái của ý thức chúng ta và thậm chí vật chất cũng chỉ là tiềm năng của những trạng thái ý thức ấy (Mill, Taine).

Vũ trụ là ý tưởng trong sự phát triển, lôgic học tuyệt đối của Hegel khẳng định; song cái ý tưởng ấy ở đây chỉ có thể được nhận thức bởi trí tuệ con người, mà trong khi đó thì trí tuệ ấy lại chỉ là thành quả cuối cùng (kết cục) của sự phát triển ý tưởng ấy. ý thức con người là một trạng thái của vật chất, chủ nghĩa duy vật tuyên bố, song vật chất ấy lại chỉ là trạng thái của ý thức của chúng ta, triết học kinh nghiệm minh xác. Thế giới là một bộ máy; song xác định cơ cấu của bộ máy ấy là công việc của bộ não chúng ta, nhưng bản thân bộ não lại chỉ là một bánh xe tí xíu nhất và không đáng kể nhất trong bộ máy ấy. Đây là mâu thuẫn cơ bản trong thế giới quan của con người ngày nay. Phản bác các nhà duy tâm chủ nghĩa khẳng định rằng con người với ý thức của nó chỉ là biểu hiện của ý tưởng tuyệt đối, và cả các nhà duy vật chủ nghĩa quả quyết rằng con người và ý thức của nó chỉ là trạng thái của vật chất, luôn luôn có hiệu lực kết luận của nhà kinh nghiệm chủ nghĩa - phân giải cả khái niệm vật chất lẫn khái niệm ý tưởng tuyệt đối, anh ta chỉ ra rằng cả ý tưởng lẫn vật chất chỉ là trạng thái ý thức của con người chúng ta. Nhưng nhà kinh nghiệm chủ nghĩa cũng không thể tự bằng lòng với kết luận ấy, bởi vì kinh nghiệm lập tức nhủ bảo anh ta rằng những trạng thái của ý thức chúng ta không tồn tại một cách nào khác mà chỉ trong quan hệ với hoạt động của não, mà não là một trong những hiện tượng của thế giới vật chất; như vậy, thế giới vật chất có trước ý thức của chúng ta và tuyệt không thể chỉ là trạng thái của ý thức.

Từ cái mâu thuẫn ấy, tức là từ quan niệm cho rằng một mặt thế giới vật chất của chúng ta chỉ là một hiện tượng của trí não (Gehirnsphenomen), mặt khác, bản thân trí não lại chỉ là một trong những hiện tượng của thế giới vật chất của chúng ta - từ cái mâu thuẫn lộ liễu và thô thiển ấy cả những nhà nghiên cứu sắc sảo như Herbert Spenser lẫn những nhà tư tưởng mạnh bạo như Schopenhauer cũng đã không thoát ra được đến cùng. Bản chất của cái mâu thuẫn ấy nằm ở sự không tương hợp giữa ý nghĩa chủ quan của con người như là chủ thể của mọi nhận thức, mọi tư tưởng và từ đấy mọi chân lý, và sự quá đỗi bé nhỏ của nó do chính cái chân lý mà nó nhận thức và ý thức được. Khi con người triết luận trên cơ sở khái niệm mà chính nó chế tác ra về giới tự nhiên, đi đến nhận thức về mình như kẻ bị phán quyết chịu đựng thân phận hèn mọn, thì cái đó giống như một quan toà tự định ra một luật rồi căn cứ vào luật ấy mà kết án tử hình chính mình. Xét từ điểm nhìn của cả chủ nghĩa duy tâm lẫn duy vật, thế giới nội tâm của con người, với tư cách một chủ thể nhận thức chân lý, là một cái gì đó riêng biệt hoàn toàn, còn vị trí bên ngoài và số phận của cũng con người ấy, với tư cách một thành viên của thiên nhiên, lại là cái khác cũng riêng biệt như thế - giữa cái này với cái kia không có quan hệ qua lại, và cái đó có nghĩa là ý nghĩa của cả con người lẫn thiên nhiên đều là cái bất khả tri; bởi vì ý nghĩa (logos, ratio) chính là ở trong quan hệ tương hỗ và mối liên kết nội tại giữa các sự vật. Con người nhận thức được chân lý, bất chấp vị trí vô cùng bé nhỏ và nô lệ của nó trong thiên nhiên, và thiên nhiên tiêu diệt con người không đếm xỉa đến chân lý của nó, rõ ràng, không có ý nghĩa gì cho nhau, giữa chúng không có mối liên hệ nội tại nào, không có quan hệ tương hỗ tất yếu nào. Con người thông hiểu thiên nhiên không có quyền lực gì đối với nó, còn thiên nhiên có quyền lực đối với con người lại không có trí tuệ thông hiểu. Cứ thế, chúng mãi mãi là xa lạ và thù địch lẫn nhau, mặc dù, xét cũng từ điểm nhìn ấy, con người chỉ là sản phẩm của giới tự nhiên, còn giới tự nhiên là quan niệm của con người.

Cả những cấu trúc tư tưởng của các triết gia siêu nghiệm, cả những kết cấu cơ học của các nhà khoa học tự nhiên thích triết lý đều không những không khám phá ra ý nghĩa của hoàn vũ, mà còn để thất lạc con đường dẫn đến nó. Những người đại diện cho những học thuyết ấy không phải lúc nào cũng nói hết những điều họ nghĩ, nhưng khi họ quả quyết nói ra lời cuối cùng của mình về thế giới, thì cái lời cuối cùng ấy lại hoá ra vô nghĩa. Theo quan điểm của chúng tôi, cái đó chỉ có nghĩa là sự phát triển gia tốc của triết học duy ý tưởng và khoa học duy vật chất trong ba hoặc bốn thế kỷ gần đây mang tính hào nhoáng nhiều hơn năng sản, và kết quả cuối cùng của sự phát triển ấy là sự thất bại khốc liệt của những nguyên tắc đã thay nhau thống trị trong nền triết học và khoa học mới.

Triết học ấy và khoa học ấy có những công lao cục bộ không thể tước bỏ của chúng. Nhưng nếu mục tiêu lý luận chung của tri thức con người là làm thế nào hiểu được ý nghĩa của thế giới, thì cả triết học lẫn khoa học mới đều không chỉ cho chúng ta con đường thẳng đưa tới đích ấy.

Hiểu ý nghĩa của thế giới - tức là trước hết hiểu được quan hệ tương hỗ nội tại và tất yếu giữa hai cực của hoạt động nhận thức chân chính - con người nhận thức và thế giới được nhận thức. Nhưng thay vì tìm ra cái tương quan ấy giữa hai cực tất yếu, cả chủ nghĩa duy vật lẫn chủ nghĩa duy tâm đều đánh mất chúng. Bởi vì trong chủ nghĩa duy vật con người cũng như giới tự nhiên bị phân hoá thành những bộ phận vô cùng nhỏ bé, mất đi toàn bộ thực tại sống động của mình, và chúng cũng mất đi y như thế trong chủ nghĩa duy tâm, tan biến trong phép biện chứng của những khái niệm trừu tượng. Kết quả cuối cùng của cả hai hệ quan điểm ấy là toàn bộ hiện thực của cả cái nhận thức và cái được nhận thức, thay vì được thấu hiểu, đơn thuần biến mất trong những khái niệm trừu tượng trống rỗng.

Sự bất thành công như nhau ấy hình như ám chỉ khá rõ ràng toàn bộ sự phát triển trí tuệ vĩ đại của châu Âu thời mới - cả ở phân nhánh thuần tuý triết học lẫn ở phân nhánh khoa học thực chứng - đều mắc một bệnh thâm căn cố đế chung nào đó, một tội tổ tông nào đó.

Theo dõi lịch sử quá trình tiến triển của hệ quan điểm cơ học, hiện đang thống ngự trong những khoa học chính xác, và quá trình tiến triển của chủ nghĩa duy tâm, trước đây thống ngự trong triết học, chúng ta lần tìm đến khởi nguyên, mà ở đấy tiềm ẩn nguyên căn của bệnh chung của chúng. Tôi muốn nói đến chủ nghĩa Descartes và sai lầm cơ bản của trường phái ấy, sai lầm này được phong trào khai sáng của châu Âu tiếp thụ, Leibnitz và sau đó Schelling đã cố gắng giải thoát triết học khỏi nó, nhưng có lẽ toàn bộ nền học thức châu Âu chỉ có thể được giải thoát đến cùng khỏi sai lầm ấy bằng con đường khác, phi tư biện. Giả sử sai lầm ấy chỉ thuộc về một hệ thống triết học nào đó, thì đã có thể nộp nó, cùng với những nguyên nhân ngẫu nhiên của Genlinex hay những cơn lốc của cũng Descartes ấy, vào kho lưu trữ mênh mông của các lầm lạc khoa học; nhưng vì nó vẫn đè nặng một cách hữu thức hay vô thức lên toàn bộ nền học vấn châu Âu, cho nên nó có ý nghĩa rất to lớn. Cái lầm lạc định mệnh ấy, dưới dạng đơn giản nhất, như nó hiện ra ở chính Descartes, là sự thừa nhận sự tồn tại có thật trong thế giới của chúng ta của hai thực thể riêng biệt và độc lập tuyệt đối: một bên là vật chất chết, mà toàn bộ thực chất của nó được nhìn thấy trong quảng tính trơ ì (res exten - sa seu substantia corporalis) và bên khác là tinh thần phi vật chất, phi nhục thể, mà toàn bộ thực chất được nhìn nhận trong tư duy thuần tuý (res cogitans seu substantia spiritualis). Trong khi ấy thì trong thực tế cả vật chất thuần tuý, mà thuộc tính chỉ là quảng tính, lẫn tinh thần thuần tuý mà thuộc tính chỉ là tư duy đều không tồn tại và - như đã được Leibnitz chứng minh - đều không thể tồn tại. Cái đó chỉ là những hư tưởng thuần tuý của trí tuệ chúng ta.

Nguồn gốc của những hư tưởng ấy không mang trong mình một cái gì bí ẩn cả. Một trong những đặc điểm và những hoạt động cơ bản của trí tuệ chúng ta, như ta biết, là sự trừu tượng hoá, có nghĩa là trí tuệ chúng ta, xem xét cái tồn hữu, tập trung sự quan tâm của mình vào mặt này hay mặt kia, thành tố này hay thành tố kia của nó, và bỏ qua tất cả những cái khác. Kiểu hoạt động trí tuệ này là thiết yếu, nhưng thiết yếu chỉ do tính hữu hạn của trí tuệ chúng ta, do nó không có khả năng cùng một lúc bao quát toàn bộ thực tại và vì thế phải trong từng khoảnh khắc nhất định tập trung vào một cái gì đó, xao lãng tất cả những cái khác. Dễ hiểu là từ sự tất yếu có điều kiện của sự xao lãng ấy không thể nào và không bằng cách nào có được tính chân lý vô điều kiện của những kết quả cuối cùng. Trừu tượng hoá và kết hợp những sản phẩm của sự trừu tượng hoá ấy, có thể đi rất xa khỏi mọi thực tại. ở đây ta vô giác nhớ đến một thí dụ muôn thuở của sự trừu tượng hoá hết mực - toán học với những đại lượng ảo của nó. Như được biết, các nhà toán học làm việc cả với những đại lượng, mà họ tự gọi là ảo, bởi vì không có cái gì tương ứng và có thể tương ứng với chúng trong thực tại. Sử dụng vì những mục đích của mình những đại lượng ảo ấy, toán học không coi chúng và không mạo nhận chúng là những đại lượng hữu thực. Nhưng triết học có một đối tượng nghiên cứu không đơn giản và rõ ràng như những con số, và vì thế ở đây có thể xảy ra những sai lầm mà không thể có được trong toán học. Quả thật, mấy thế kỷ liền thế giới bác học tập luyện thao tác với cái thực thể quảng tính và thực thể tư duy của Descartes mà không ngờ rằng đó chỉ là những đại lượng ảo.

Hệ quả đầu tiên của sai lầm tai hại này là sự phân liệt giữa triết học tự nhiên biến thành khoa học về vật chất chết và nhanh chóng phân hoá thành nhiều khoa học cục bộ và chối bỏ bản thân cái tên triết học cũ, với triết học duy ý tưởng tự tập trung vào khu vực tư duy thuần tuý và nhanh chóng đánh mất tính khoa học, tức là tính tri thức chính diện và xác thực.

Sự phân công giữa những lực tinh thần và sự chuyên môn hoá lao động trí óc là hữu ích, khi chúng được tiến hành vì một mục đích chung và chân chính, nhằm đạt tới cái đích ấy nhanh hơn và thắng lợi hơn, nhưng sự phân biệt trong nền học thức châu Âu lại mang tính chất khác. Do thuyết nhị nguyên của Descartes đã được đặt làm nền móng của học thức ấy, cho nên chính mục đích chung đã bị đánh mất: đối với người này tìm hiểu chỉ một vật chất chết, đối với người kia tìm hiểu chỉ một thực chất của trí tuệ trở thành những mục đích riêng. Toàn bộ thế giới bác học châu Âu phân chia thành hai phe xa lạ và đa phần thù địch lẫn nhau: một số người chỉ bận tâm nghiên cứu bình diện vật chất và cơ giới của thế giới, không để ý đến hay thậm chí còn trực tiếp phủ định mọi yếu tố tinh thần; những người khác thì lại chỉ tập trung vào phương diện ý tưởng và lôgic của cái tồn tại, coi thường tất cả những gì là vật thể và vật chất. Những người thứ nhất, trong những khoa học phân tán của họ nghiên cứu không phải bản thân thiên nhiên, mà chỉ bộ xương chết của nó, đã tạo ra một quan niệm không phù hợp về thế giới như là một cơ chế triệt để, một cỗ máy khổng lồ mà thực ra không ai làm ra nó cả và nó cũng không phục vụ một mục đích nào cả(1*); còn những người thứ hai thì trong hệ tư tưởng trừu tượng của mình, khảo cứu không phải bản thân trí tuệ con người, mà chỉ những thủ pháp và phương pháp tư duy chung của nó, cuối cùng đã đi đến (trong chủ nghĩa Hegel) quan niệm về thế giới như là một tam đoạn luận, mà cái tam đoạn luận ấy ở đây xuất hiện không có chủ thể tư duy và không có nội dung được tư duy - một tam đoạn luận không của ai cả và không về cái gì cả (2*).

Trong khi ấy thì toàn bộ thực tại của chúng ta, bản thân chúng ta và thế giới mà ta sống trong đó xa cách như nhau cả với tư tưởng thuần tuý lẫn cơ chế thuần tuý. Toàn bộ thế giới thực tại luôn luôn ở trong quan hệ tương hỗ thường hằng và tương tác nội tại liên tục giữa cái tự nhiên tinh thần và cái tự nhiên vật chất. Nhưng với những quan niệm trừu tượng chi phối nền học thức châu Âu, người ta đã phải lảng tránh cái thực tại ấy và sự tương tác giữa cái vật chất và cái tinh thần ấy - lảng tránh bằng hai giả định đối nghịch nhau: hoặc phải thừa nhận thế giới tinh thần của chúng ta là sản phẩm của vật chất, hoặc phải coi thế giới vật chất là hiện tượng của ý thức của chúng ta. Mọi sự thao tác những dữ liệu của kinh nghiệm hình như đều gợi ý rằng cả hai giải pháp đều là tất yếu như nhau, trong khi ấy thì chỉ một lôgic đơn giản nhất đã không phép kết hợp hai luận điểm loại trừ lẫn nhau ấy.

Từ mớ bòng bong tinh thần ấy chỉ có một lối thoát: từ bỏ sai lầm căn bản đã gây ra nó tức là kiên quyết thừa nhận rằng cả vật chất chết lẫn tư duy thuần tuý, cả res extensa lẫn res cogitans, cả cơ chế hoàn vũ lẫn tam đoạn luận hoàn vũ đều chỉ là những khái niệm trừu tượng của trí tuệ chúng ta, chúng tự mình không thể tồn tại, mà chỉ có tính hữu thực ở trong cái, mà từ đấy chúng được trừu xuất, ở trong cái thứ ba không phải là vật chất vô hồn mà cũng không phải là ý tưởng phi nhục thể. Để chỉ ra cái thứ ba ấy không phải trong chính nó, mà trong biểu hiện chung nhất của nó, chúng tôi sẽ gọi nó là sự sống. Cả vật chất thuần tuý lẫn tư duy thuần tuý đều không có hoạt tính như nhau bởi vì chúng được trừu xuất khỏi sự sống. Sự sống chính là cái khuyết vắng cả ở tư duy thuần tuý, cả ở vật chất thuần tuý. Vì thế dễ hiểu là Descartes đã phải xem các động vật như là những máy tự động, còn chủ nghĩa duy vật thời nay thì chỉ triển khai triệt để quan điểm ấy sang con người. Mặt khác, nếu thừa nhận, như chúng tôi làm, rằng cả vật chất chết lẫn tư duy thuần tuý chỉ là những khái niệm trừu tượng của trí tuệ, thì sẽ phải công nhận tính thực tại đầy đủ của cái, mà từ đấy những khái niệm ấy đã được trừu xuất, tức là phải thừa nhận tính thực tại đầy đủ của sự sống và không được dẫn đưa sự giải thích sự sống về sự phủ nhận nó.

Sự sống là cái tên chung nhất và phổ quát nhất cho thực tại chu toàn ở mọi nơi và trong tất cả. Chúng ta có quyền như nhau nói về sự sống của thánh thần, về sự sống của con người và về sự sống của thiên nhiên.

Để sang một bên sự sống của thánh thần mà tác giả Chủ nghĩa cá thể không đề cập đến và chỉ bàn về sự sống của con người và của thiên nhiên, chúng tôi phải nói rằng dấu hiệu chung của sự sống ấy là ở trình tự của những biến đổi không phá vỡ thể đồng nhất cơ bản trong chủ thể giả định của những biến đổi ấy. Chúng tôi nhìn thấy sự sống chỉ ở trong những biến đổi mà đằng sau chúng, theo xác tín của chúng tôi, ẩn náu một chủ thể tồn hữu: sự sống đòi hỏi có vật sống. Cái sống động ấy, cái hoạt động và khổ đau trong muôn vàn biến thiên của sự sống, bị chúng làm cho biến đổi nhưng không bị tiêu huỷ bởi chúng, nói chung được gọi là linh hồn.

Chỉ có thể thoát ra khỏi mâu thuẫn cơ bản đục khoét cơ sở của mọi kiến tạo lý luận của triết học và khoa học hiện đại bằng cách khôi phục khái niệm chính thực về linh hồn. Tác giả Chủ nghĩa cá thể đương đi trên con đường ấy. Để thực hiện được sự khôi phục ấy, trước hết phải chứng minh được rằng linh hồn như một yếu tố bản nguyên (nachalo) của sự sống trong thiên nhiên là một cái gì đó to lớn hơn kết quả của những tổ hợp vật lý học và hoá học của vật chất, và cũng như thế linh hồn với tư cách một yếu tố bản nguyên (nachalo) của sự sống con người là một cái gì đó to lớn hơn ý thức phản xạ hàng ngày của chúng ta; nói một cách khác, phải bảo vệ được linh hồn khỏi chủ nghĩa duy vật dung tục, từ một phía, và khỏi chủ nghĩa duy tâm phiến diện, hay là chủ nghĩa duy linh kinh viện, từ phía khác. Ba trước tác chính của Hellenbach: Die Philosophie des gesunden Verstandes, Die menschlichen VorurtheileDer Individualismus nhằm giải quyết hai nhiệm vụ liên đới ấy. Trong trước thuật cuối (mà theo trật tự phát triển tư duy thì nó đi trước những trước thuật khác) Hellenbach dừng lại chủ yếu ở nửa trước của nhiệm vụ của mình, ở vấn đề đầu tiên, vấn đề sinh học, nhưng thực ra ông vẫn trình bày cả những quan điểm của mình cả về vấn đề thứ hai.

Với một xác tín có sức mạnh đáng kể tranh luận với những nhà sinh học không muốn thừa nhận linh hồn trong giới tự nhiên hữu cơ, tác giả Chủ nghĩa cá thể chứng minh rằng sự sống hữu cơ không thể nảy sinh và cũng không thể phát triển một cách cơ giới, mà đòi hỏi sự tham gia của một yếu tố bản nguyên hoạt động đặc biệt, hay là linh hồn. Không lặp lại những lập luận mà bạn đọc có thể tìm thấy ngay trong cuốn sách, xin chỉ ra chỉ một sự việc kỳ thú và quan trọng đã bất giác hiện ra trong đầu tôi khi tôi suy nghĩ về vấn đề này, mà Hellenbach xem ra chưa tập trung vào đấy một cách đầy đủ(3*).

Cơ sở khởi thủy của mọi sự sống hữu cơ, cái gọi là chất nguyên sinh, như phân tích hoá học đã cho thấy, bao gồm những chất liệu (những chất protêin - protit, v. v.. , sau đó các chất hidrat cacbon, các chất mỡ, v.v..) mà về phương diện hoá học không những là trung tính đối với nhau, không những không biểu hiện bất kỳ một ái lực lựa chọn nào giữa nhau, mà trong đa số trường hợp chúng còn không chịu đựng được sự kết hợp với nhau, cho nên mọi sự kết hợp xác định những chất liệu ấy, nếu để cho những quy luật vật lý học và hoá học chung tác động, đều tan rã nhanh chóng, là cái vẫn thường xuyên xảy ra với những sinh thể đã chết. Từ đó phải trực tiếp đi đến kết luận là nếu những chất liệu xa lạ nhau ấy kết hợp được với nhau trong chất nguyên sinh, mà lại kết hợp với tính xác định và ổn định làm nên sự sống, thì tất yếu phải ý niệm rằng trong mỗi một cơ thể sống có sự hoạt động của một sức mạnh đặc biệt, nó khắc phục tính dửng dưng hoá học và tính trơ ì cơ học của các chất liệu làm nên thành phần của cơ thể ấy và tạo ra từ chúng một sinh thể hữu cơ, một cơ thể sống. Chính cái sức mạnh hữu cơ ấy, không phát sinh từ những thuộc tính cơ học hay hoá học của vật chất, nhưng tác động thông qua chúng, không đồng chất với những nguyên tố vật chất, mặc dù gắn bó với chúng, được gọi, theo thuộc tính của sự hiển hiện của nó, là linh hồn sống.

Sự có mặt của linh hồn ấy đã không thể thiếu được cho những hình thái nguyên thủy nhất và đơn sơ nhất của chất nguyên sinh, tức là không thể thiếu được cho bước phát sinh đầu tiên của thế giới hữu cơ. Những tác động đặc biệt của linh hồn ấy hay của những linh hồn ấy cũng không thể thiếu được cho sự phát triển tiếp tục của các thế giới hữu cơ, cho sự hình thành vô số những hình thái phức tạp của sự sống mà chúng ta tìm thấy trên hành tinh chúng ta.

Đến đây, tác giả Chủ nghĩa cá thể đụng phải thuyết của Darwin, hay nói đúng hơn, đụng phải những hệ thống luận điểm của các môn đệ Đức của chủ nghĩa Darwin. Như ta biết, bản thân Darwin, ít nhất ban đầu, trong những trước thuật quan trọng nhất về vấn đề này, hoàn toàn không quy cho thuyết của mình ý nghĩa của một học thuyết “vũ trụ luận” bao quát tất cả và giải thích tất cả, nó chỉ xuất hiện dưới hình thức ấy ở những người hâm mộ Darwin sống ở châu Âu lục địa. Hiện nay tất cả các nhà khoa học nghiêm túc nhất ở tất cả các nước, đánh giá không thiên vị chủ nghĩa Darwin, đều đi đến một kết luận rằng thuyết lựa chọn tự nhiên trong đấu tranh vì sinh tồn, như nó được Darwin trình bày, là một chỉ dẫn thông minh sắc sảo, được minh hoạ bằng một trữ lượng rất lớn của những thí nghiệm và quan sát, về một trong những điều kiện hay nhân tố trợ lực cho sự phát triển tiến bộ của thế giới tự nhiên, song mức độ ý nghĩa của điều kiện ấy và những giới hạn tác động của nhân tố ấy vẫn còn là khả nghi và còn phải tranh luận, nhưng vô luận thế nào đi nữa thì chúng vẫn không to lớn như chính Darwin nghĩ, không nói đến những người cuồng tín chủ nghĩa Darwin(4*).

Chính để phản bác những người ấy - những người biến sự phát triển thuần tuý cơ học của toàn bộ sự sống thành một giáo điều - mà Hellenbach đưa ra những suy luận và lập luận của mình, chứng minh tính bất khả của sự phát triển ấy và tính không thể thiếu của những bản nguyên khác, phi cơ giới, cho sự tiến bộ của tổ chức thực vật và động vật. Tôi không dám đảm nhận sự đánh giá có luận cứ cuộc đấu tranh ấy của chủ nghĩa cá thể chống lại những người theo chủ rnghĩa Darwin ở Đức. Xin để dành việc làm này cho các nhà khoa học thám hiểm tự nhiên của chúng ta. Trong giới họ, ở hàng đầu có những người sẽ lưu ý đặc biệt đến nỗ lực gắn bó những dữ liệu của lịch sử tự nhiên với nguyên tắc về những lực tâm lý cá thể(5*).

Còn nếu nói về vấn đề tâm lý nằm trong nhiệm vụ của công trình của Hellenbach, thì khi giải quyết vấn đề này, tác giả Chủ nghĩa cá thể đã phạm phải một sai lầm khá quan trọng mà tôi thấy cần phải chỉ ra ở đây. Khẳng định một cách chính đáng chống lại chủ nghĩa duy tâm học trò, rằng linh hồn trong thực thể của mình không đồng nhất với ý thức thường nhật của chúng ta và độc lập đối với nó, tiếp theo phân biệt một cách chính đáng trong chỉnh thể của sinh linh sống của chúng ta ba bộ phận: 1) linh hồn như là một thực thể siêu hình, 2) thân thể hữu cơ được cấu thành bởi linh hồn , và 3) ngã thể hiển lộ của chúng ta, hay là cái tôi hữu thức, được quy định bởi cấu tạo và hoạt động của thân thể chúng ta (chủ yếu của hệ thần kinh trung ương hay là não ), Hellenbach không dừng lại ở những điều khẳng định và phân biệt chính đáng ấy, mà đi xa hơn rất nhiều. Những cực đoan của sự lẫn lộn duy vật chủ nghĩa và duy tâm chủ nghĩa đã bị ông đối lập bằng sự phân chia nhị nguyên chủ nghĩa cũng mang tính cực đoan như thế. Gắn nối một cách cẩn trọng những tư tưởng mới hay được đổi mới của mình với một sai lầm cũ kỹ của các hiền triết gõ đầu trẻ, Hellenbach khẳng định rằng linh hồn toàn bộ thuộc về thế giới của những bản thể, nó là “vật trong nó” (Ding an sich), trong khi ấy thì ý thức và cái tôi hữu thức, phụ thuộc toàn bộ vào tổ chức thân thể, chỉ thuộc về thế giới của những hiện tượng, vì thế mà giữa cái này và cái kia, tức là giữa linh hồn mang tính bản thể và ý thức mang tính hiện tượng (hiển lộ) không có một quan hệ nội tại nào cả, thành thử sau khi con người chết đi, với sự phân huỷ của cơ thể của nó, tan biến toàn bộ cả nội dung của cuộc sống hữu thức của nó, và linh hồn còn lại y như là nó đã có trước khi con người được thụ thai.

Một quan điểm như thế không có đủ căn cứ và ngoài ra mâu thuẫn với những tư tưởng chủ đạo của chính Hellenbach. Cái tôi của chúng ta, cái sống và suy nghĩ ở trong ta, trước khi trở thành hiện tượng của ý thức, đã là chủ thể của ý thức, tức là đã là linh hồn, là sinh linh cá thể, mà về tính hữu thực bền vững của nó tác giả Chủ nghĩa cá thể khẳng định kiên quyết đến thế. Giống như khuôn mặt thể xác của con người trước khi được phản chiếu vào trong gương phải tồn tại không phụ thuộc vào gương, cũng đúng như thế, khuôn mặt tâm hồn của chúng ta, cái tôi của ta, trước khi được phản ánh trong những hiện tượng của ý thức, phải tồn tại không phụ thuộc vào những hiện tượng ấy. Tác giả của chúng ta đúng, khi ông chống lại những thuyết thống ngự trong triết học Đức quy toàn bộ bản chất linh hồn về ý thức. Nhưng trong cuộc đấu tranh chính nghĩa ấy ông đã uổng công liên minh với chủ nghĩa duy vật, khi ông khẳng định rằng ý thức chỉ là sản phẩm của những hoạt động cơ thể, chủ yếu những hoạt động thần kinh, và ngã thể hữu thức chỉ là một hiện tượng trí não (Gehirnphenomen). Kiểu quan niệm ấy, trong mọi trường hợp đều là sai lầm, ở các nhà duy vật chủ nghĩa ít nhất cũng phát xuất từ những luận điểm cơ bản của họ, còn ở Hellenbach thì không có cả lý do biện minh ấy. Nói về ý thức như là một sản phẩm của vật chất hữu cơ, tác giả quên bẵng đi rằng theo chính luận điểm cơ bản của ông, vật chất hữu cơ không phải là cái gì đó độc lập và nguyên khởi, mà được cấu thành bởi hoạt động của linh hồn. Không phải thân thể tự nó sống, mà linh hồn cấu thành nó sống trong nó và thông qua nó. Thân thể tự mình lại càng ít có khả năng ý thức hoặc tư duy. Cho nên cần phải thừa nhận rằng ý thức và ngã thể, cuộc sống hữu thức của cá thể không phải là những tác phẩm của bản thân thân thể hữu cơ, mà là những tác phẩm hay biểu hiện của linh hồn thông qua thân thể hữu cơ.

Và nếu là thế, nếu sự sống và tư duy không thuộc về cơ thể, mà thuộc về linh hồn sống và tư duy thông qua cơ thể, thì với sự tiêu huỷ của cơ thể linh hồn không tất yếu phải mất đi tất cả những gì mà nó đã thực hiện và trải nghiệm thông qua cơ thể. Bản thân Hellenbach thích so sánh thân thể hữu cơ với tấm gương mà thông qua nó linh hồn nhìn vào thế giới hiện tượng bất cập trực tiếp đối với nó. Nhưng lẽ nào khi tấm gương ấy của tôi bị vỡ thì tôi tất yếu sẽ phải quên đi hết tất cả những gì đã nhìn thấy qua nó? Vả lại, toàn bộ hình tượng so sánh này hết sức khập khiễng. Linh hồn cấu thành cho mình thân thể hữu cơ tuyệt không phải chỉ để thông qua nó nhìn vào thế giới hiện tượng, mà còn nhiều phần hơn rất nhiều để thông qua nó mà hành động trong thế giới này và, đương nhiên, những kết quả của sự hoạt động ấy không thể là dửng dưng đối với linh hồn cả sau khi những công cụ của sự hoạt động ở cõi trần của nó đã bị tiêu hủy. Điều này, ngay tác giả của chúng ta cũng công nhận, nhưng cái đó hoàn toàn không ăn khớp với sự phân chia nhị nguyên luận của ông giữa linh hồn siêu thức và ngã thể hữu thức.

Còn về những vấn đề siêu hình học theo nghĩa hẹp, thì về phương diện này từ những trước thuật của Hellenbach chúng ta có thể thu hoạch được rất ít. Tất nhiên, tác giả Chủ nghĩa cá thể có lý khi ông phản đối những thuyết “tuyệt đối” khác nhau của triết học Đức. Nhưng chỉ phản đối ở đây còn chưa đủ. Những hệ thống tuyệt đối của các nhà triết học Đức thiếu căn cứ - đó là sự thật. Nhưng khát vọng hướng tới bản nguyên tuyệt đối của sự sống và tri thức không được các triết gia ấy bịa ra, mà là một nhu cầu cơ bản của tinh thần con người. Bản thân Hellenbach, bảo vệ tính hữu thực hữu tồn của các sinh linh cá thể khỏi những xâm hại của thuyết phiếm thần với cái “nhất thể” hút thu tất cả của nó, tuy vậy đã không thể dừng lại ở những sinh linh cá thể ấy mà bên ngoài phạm vi của chúng còn phải thừa nhận một bản nguyên nào đó của mọi sinh tồn, mang tính tuyệt đối và phổ quát. Ông chỉ không muốn (và hoàn toàn có căn cứ) thừa nhận cái bản nguyên tuyệt đối ấy là bản chất trực tiếp của thế giới hữu hình của chúng ta; giữa thế giới của những hiện tượng ấy và bản nguyên tuyệt đối, hay là thần thánh, ông đặt nhiều vô số những sinh linh cá thể (linh hồn) như là những khâu trung gian và nối kết cái này với cái kia. Nhưng với một cái nhìn như thế, tất yếu xuất hiện hai câu hỏi: về quan hệ tương liên giữa các sinh linh cá thể ấy và về quan hệ chung của chúng với bản nguyên tuyệt đối, hay là thần thánh. Bác bỏ quan hệ cơ bản giữa các linh hồn cá thể và từ đấy mối kết đoàn giữa tất cả các sinh linh sẽ là điều mâu thuẫn cả với kinh nghiệm, cả với tình cảm hữu luân hữu đức, cả với trí tuệ. Cũng đúng như thế, để lại trong tình trạng bất định hoàn toàn quan hệ giữa linh hồn cá thể và bản nguyên tuyệt đối của tất cả mọi thứ tồn hữu sẽ là từ chối thoả mãn không chỉ tình cảm tôn giáo, mà cả nhu cầu siêu hình của con người. Trong khi ấy thì tác giả của chúng ta không những không đưa ra một giải đáp nào cho hai câu hỏi tối quan trọng ấy, mà thậm chí còn cố tình né tránh câu hỏi thứ hai. Ông gạt bỏ những nhiệm vụ cấp cao nhất của siêu hình học, vì ông muốn nhất quyết ở lại trong lĩnh vực cấp thấp hơn của chủ nghĩa duy lý phủ định, hay là cái mà ông gọi là lý trí lành mạnh(6*). Có thể ông đúng, xét từ quan điểm của ông, nhưng cái quan điểm của ông thì lại không đúng. Và sự không thành công của những hệ thống siêu hình học trước đây tuyệt không thể biện hộ cho một sự vô tâm phản triết học như thế. Sai lầm của các nhà triết học trước đây tuyệt đối không phải ở chỗ họ muốn nhận thức những đối tượng tuyệt đối và thần thánh mà ở chỗ họ tìm những đối tượng ấy chỉ trong tư duy con người của chính mình - cái tư duy còn xa mới tuyệt đối và không thần thánh một tý nào, mà hết sức tương đối. Nhưng một phương cách thiếu cơ sở như thế của nhận thức siêu hình học tuyệt không phải là phương cách hữu khả duy nhất. Không có một lý do hữu trí nào cho nhà triết học xây dựng một khoa siêu hình học tối thượng chỉ trên những hư tưởng của trí tuệ của mình, cũng như không có một lý do hữu trí nào cho nhà thám hiểm tự nhiên xây dựng trên những hư tưởng của mình nền khoa học về thiên nhiên. Tất nhiên, trong mọi nhận thức của chúng ta, vật lý học cũng như siêu hình học, có yếu tố thuần tuý lý tính, tiên nghiệm, do mọi nhận thức của chúng ta đều là hoạt động của trí tuệ của ta. Nhưng cũng không thể hồ nghi rằng trong mọi nhận thức hữu thực, hoạt động của trí tuệ của ta đều nhằm vào một đối tượng nhất định không được trí tuệ ta tạo ra mà độc lập đối với nó. Quan hệ với một đối tượng hữu thực như thế, trí tuệ ta thu nhận được từ nó nội dung cơ bản cho khoa học này hay khoa học kia. Chẳng hạn, nội dung cơ bản cho vật lý học (hiểu theo nghĩa rộng) trí tuệ của chúng ta thu nhận được từ thế giới hữu hình tác động tới ta trong kinh nghiệm cảm tính; nội dung cơ bản của tâm lý học chứa đựng trong thực tại của tinh thần chúng ta được ta phát hiện bằng kinh nghiệm nội tâm, hay là tâm thức; cũng đúng như thế, nội dung cơ bản cho khoa siêu hình học chính thực như là một khoa học về những đối tượng thần thánh trí tuệ của chúng ta tìm thấy trong Thần Khải, hay là trong kinh nghiệm tôn giáo của toàn nhân loại.

Có thể không tin vào Thần Khải, cũng như có thể không tin vào thế giới bên ngoài(7*). Nhưng nhà tư tưởng phủ nhận tính hiện thực của thế giới bên ngoài vị tất sẽ dành cả cuộc đời mình cho vật lý học. Cũng đúng như thế, một nhà tư tưởng bác bỏ Thần Khải về thực tại siêu nhiên và siêu nhân sẽ hành động khôn ngoan nếu anh ta từ chối xây dựng những thuyết siêu hình học. Anh ta có đúng hay không trong sự không tin của mình - đấy lại là vấn đề khác rồi. Vô luận thế nào đi nữa thì thái độ hoài nghi của anh ta vẫn hoá ra rất đáng buồn cho chính anh ta. Nó làm nổ tung nơi anh ta cội rễ của mọi tri thức thực thụ và tước đi của anh ta mọi thành quả của những xác tín tốt đẹp nhất. Bởi vì ý nghĩa cuối cùng của tất cả mọi vấn đề khác - sinh học, tâm lý học, xã hội - phụ thuộc trực tiếp vào sự giải quyết chính diện vấn đề siêu hình học. Thí dụ, có ý nghĩa gì sự giải thích bản tính của hoạt động tâm lý, khi mà chính cái tâm của con người còn chưa được giải thích? Cuộc sống của tâm hồn, bị ngăn cách khỏi nội dung tuyệt đối và mục đích cuối cùng của nó, mất đi mọi ý nghĩa và vì thế không còn khả năng giải thích hay là cắt nghĩa sự sống của thiên nhiên và nhân loại. Và ngay cả đối với mình, tâm hồn cũng để mất đi mọi giá trị, khi nó không tìm thấy bên trong mình cái to lớn hơn mình, cái mà nó có thể tin và phụng sự.

Tuy vậy, chúng tôi không nghĩ rằng tác giả của chúng ta đã uổng công bênh vực sự tồn tại của linh hồn. Nhiệm vụ gần nhất của Chủ nghĩa cá thể là bảo vệ tính độc lập của linh hồn chống lại chủ nghĩa duy vật dung tục quy nó về vật chất và chống lại chủ nghĩa duy tâm học đường giới hạn nó bằng mặt nổi của ý thức trần thế - nhiệm vụ ấy đã được tác giả thực hiện một cách đầy cố gắng và không phải không có kết quả. Còn những sai lầm tiếp theo của ông thì không nguy hiểm với bất kỳ một ai. Độc giả nào đã tiếp thụ những kết luận chính diện của sách Chủ nghĩa cá thể về tính hữu thực của linh hồn, thì người ấy vị tất sẽ dừng lại ở sự không tin của tác giả vào tất cả những gì mà vì chúng linh hồn tồn tại. Dẫu có giải thích bằng cách nào đi nữa thái độ hoài nghi ấy đối với cái siêu hình , nó tuyệt đối không bắt nguồn từ công trình khảo cứu sinh học và tâm lý học này và vì thế không thể cản trở người đọc thu lượm những trái chín của công trình, mà chính tác giả đã để rơi rụng.

Sự thờ ơ đối với những nhiệm vụ cao nhất của siêu hình học chỉ có thể bắt rễ trên mảnh đất của chủ nghĩa duy vật dung tục theo một nguyên tắc nhất quán ghì chặt con người xuống mặt đất và làm tê liệt ý thức của linh hồn mà chỉ đối với nó những nhiệm vụ ấy có thể có ý nghĩa. Nhưng chủ nghĩa cá thể, như Hellenbach phát triển nó, ngược lại, cố gắng nhấc con người đứng dậy, kích thích ý thức cao nhất nơi nó, truyền cho nó niềm tin vào linh hồn không thuộc cõi trần của mình. Mà đã tin vào linh hồn ấy thì sẽ khó không tin vào cái mà bằng nó linh hồn sống, hoạt động và tồn tại.

Như vậy, tôi có cảm tưởng rằng, chủ nghĩa hoài nghi đối với mọi thứ siêu hình của Hellenbach, đáng buồn cho chính ông, không tước bỏ đi tí nào tính hữu ích hệ trọng của những trước tác của ông. Tác giả đã dừng lại ở nửa đường, nhưng ông đã đi con đường ấy bằng những bước thẳng tắp khiến người đọc theo bước ông sẽ không khó đi tiếp và nhìn thấy điểm kết của con đường. Điểm kết ấy là sự thừa nhận bởi trí tuệ triết luận của con người cái chân lý chính thực mà Thần Khải đem đến cho nó. Chỉ thừa nhận chân lý tôn giáo ấy, trí tuệ của chúng ta mới có được chỗ dựa cụ thể và vững chắc cho những công việc siêu hình học của mình và mới chuyển dịch được triết học từ khu vực những hư tạo của con người sang khu vực chân lý thần thánh.

 1883

PHẠM VĨNH CƯ dịch


Nguồn: http://vanhoanghean.com.vn



(1*)  Không thể nghi ngờ, trong giới tự nhiên tất cả đều có mặt cơ giới của mình, vì thế mà không có một khu vực tri thức nào của con người mà ở đấy quan điểm cơ học lại không thể đòi hỏi quyền hành của mình. Nhưng nếu nó biến những quyền ấy thành đặc quyền của một mình nó, tức là xem và mạo nhận bình diện cơ giới của đối tượng là toàn bộ đối tượng, xem và mạo nhận cách giải thích cơ học các hiện tượng là sự giải thích đầy đủ và tối hậu, thì khi ấy nó trở thành một lầm lạc độc đoán và nguy hại.

(2*)  Khỏi phải tranh cãi, bên cạnh mặt cơ học của vũ trụ có cả mặt lôgic của nó, và lôgic học ở đâu cũng có những quyền hành của mình. Nhưng cả ở đây cũng thế, sự chỉ thừa nhận những quyền của mình dẫn đến những sai lầm đáng buồn.

(3*)  Sự việc này đã được chỉ ra khá tận tường trong một bài viết kỳ thú của bác sĩ Trifanovski về nghiên cứu sinh học (Người đưa tin Nga, 1880).

(4*)  Cũng như mọi tư tưởng khoa học có quy mô lớn, mặc dù nội dung phiến diện, thuyết Darwin đã không ở lại trong ranh giới của khoa học nghiêm túc, mà đã nhanh chóng di chuyển sang lĩnh vực của dư luận xã hội. ở đây, như ta biết, nó đã phải chịu đựng những biến hoá khá kỳ lạ. Những người hâm mộ cuồng nhiệt chủ nghĩa Darwin đã gắn thuyết ấy với một số quan điểm xã hội mang tính hết mực dân chủ, trong khi ấy thì chủ nghĩa Darwin, được xây dựng trên nguyên tắc sự lấn át những kẻ yếu bởi những kẻ mạnh và sự chiến thắng của những ưu thế di truyền, chỉ có thể trợ lực trong lĩnh vực xã hội cho những học thuyết chủ trương một chế độ độc tài và quý tộc trị cực quyền. Điều này đã được để ý đến và được chỉ ra bởi những văn sĩ sáng suốt nhất thuộc trường phái dân chủ.

(5*) Tác giả của chúng ta lẽ ra có thể tìm thấy một đồng minh hùng mạnh cho những quan điểm sinh học của mình ở nhà thám hiểm tự nhiên người Anh A.R.Wallace. Nhà khoa học này, không phụ thuộc vào Darwin, đã xây dựng một lý thuyết giống chủ nghĩa Darwin, nhưng sau khi không tìm ra được ở đấy một sự giải thích đến nơi đến chốn cho sự phát triển tiến bộ của thế giới hữu cơ, đã thừa nhận trong thế giới ấy có tác động của những sức mạnh được phú bẩm ý chí.

(6*)  Đã được nhận thấy từ lâu rằng trong lĩnh vực những vấn đề triết học, giới tuyến của lý trí lành mạnh chưa được ai xác lập bao giờ và không ai biết nó đi qua đâu. Không thể hồ nghi, đối với nhiều độc giả có học của Chủ nghĩa cá thể, bản thân tác giả cuốn sách này - người không những tin vào linh hồn mà còn nói nghiêm túc về thực tại của chiều kích thứ tư và về những hiện tượng ngoại cảm - đã vượt khá xa ra ngoài ranh giới của lý trí lành mạnh. Nói chung mọi đầu óc hạn hẹp đều có thể không chỉ vừa lòng mà còn tự hào về sự hạn hẹp của mình, điểm trang cho nó bằng cái tên lý trí lành mạnh. Nhưng chính vì thế mà những văn sĩ thông minh và thành tâm như Hellenbach đáng lẽ không nên khuyến khích cái thủ doạn quá dễ dãi ấy.

(7*)  Trong hai sự không tin ấy cái nào dễ chịu đựng hơn - điều ấy phụ thuộc vào tính cách và những thiên hướng tinh thần của nhà tư tưởng này hay nhà tư tưởng khác. Như ta biết, có những người không tin vào cả cái này lẫn cái kia, mà chỉ tin vào sức mạnh của cái Tôi tư duy.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt