TRIẾT HỌC TÔN GIÁO LÀ GÌ?
MEL THOMSON
Mel Thomson. "Triết học tôn giáo là gì?" trong Triết học tôn giáo. Đỗ Minh Hợp dịch. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, trang 15-22. | Phiên bản điện tử: triethoc.edu.vn
Triết học tôn giáo khảo cứu các tư tưởng và các nguyên tắc chung mà tôn giáo căn cứ trên đó. Triết học này nghiên cứu những kỳ vọng nắm bắt chân lý mà tất cả các tôn giáo đều đề ra, và kiểm tra tính có lôgic chặt chẽ và ý nghĩa của những kỳ vọng ấy. Tính có lôgic chặt chẽ. Xét từ góc độ lôgic học thì niềm tin tôn giáo có ý nghĩa hay không? Nó có phù hợp với các sự kiện quan sát được hay không? Nó có đem lại một câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi này hay câu hỏi khác, và từ đó suy ra điều gì? Ý nghĩa. Liệu có thể hiểu đúng được nguyên văn ngôn ngữ được sử dụng để mô tả quan niệm tôn giáo không? Nếu có thì những sự kiện nào khẳng định hay bác bỏ tính chân thực của quan niệm tôn giáo? Nếu không thì phải chăng nó chỉ đơn giản là sự biểu thị trạng thái tinh thần hay nhu cầu sáng tạo của cá nhân tín đồ? Như vậy triết học tôn giáo xem xét niềm tin tôn giáo và giải quyết vấn đề niềm tin tôn giáo có ý nghĩa hay không và nó có chặt chẽ xét từ góc độ lôgic học hay không. Triết học tôn giáo không chỉ đơn giản đặt vấn đề niềm tin tôn giáo có chân thực hay không mà còn đào sâu hơn nữa và đặt ra các vấn đề: (1) Làm sao chúng ta có thể biết được niềm tin tôn giáo đúng hay sai? (2) Loại dữ kiện nào có thể khẳng định nó? (3) Tại sao tín đồ có kỳ vọng nắm bắt được chân lý? Nói cách khác Nghiên cứu niềm tin tôn giáo, triết học tôn giáo đặt ra vấn đề cần phải hiểu nó như thế nào trong trường hợp nó có nghĩa, và nó có phù hợp hay không với tri thức khác về vũ trụ mà chúng ta có trong tay. Triết học không có khả năng chứng minh được tính chân thực hay sai lầm của một tôn giáo nào đó. Nó chỉ có thể xác định niềm tin tôn giáo có lôgic hay là phi lôgic, cần phải hiểu ngôn ngữ của tôn giáo một cách đúng nguyên văn hay là ẩn ý, niềm tin tôn giáo dung hợp được với các quan niệm khác thì được coi là chân thực ở chừng mực nào? Chỉ có rất ít người hướng tới tôn giáo do các tính toán thuần túy duy lý. Theo Richard Dawkins từ Đại học Tổng hợp Oxford, con người thật sự có thể “đỡ lấy” tôn giáo từ tay cha mẹ hay từ tay những người lân cận giống như một con vi rút nào đó! Mặc khác, mọi tín đồ đều có kỳ vọng rằng họ là người có lý tính. Họ khẳng định rằng tôn giáo của họ không phải là nhảm nhí. Triết học tôn giáo có nhiệm vụ kiểm tra chính lời khẳng định này. Nghiên cứu tôn giáo từ lập trường như vậy để làm gì? Các đại diện của niềm tin tôn giáo thường cố chia sẽ niềm tin của mình với những người khác. Song họ không thể làm điều đó bằng cách nào khác như là dựa trên một ngôn ngữ chung và một tổ hợp tư tưởng chung. Thậm chí đơn giản chỉ suy ngẫm về niềm tin tôn giáo của mình, những người bảo vệ tôn giáo cũng không thể sử dụng các quan điểm và ngôn ngữ được thừa nhận ở thời đại hiện tại và trong xã hội hiện tại. Ngoài ra để bảo vệ tính toàn vẹn của nhân cách thì điều rất quan trọng là phải làm sao để có thể nghiên cứu và kiểm tra niềm tin tôn giáo giống như mọi luận điểm khác của con người. Đối lập với điều đó là tạo ra các vùng cấm đoán đối với trí tuệ, là khước từ việc khảo cứu tôn giáo, là làm cho nó trở nên bí ẩn và không diễn đạt được. Điều này không những là tai hại đối với thực thể biết tư duy mà còn mâu thuẫn với các truyền thống tôn giáo lớn, mỗi một trong số đó đều có diễn đạt quan niệm của mình về thế giới, đưa các tư tưởng và các giá trị của mình đến với toàn thể xã hội. Do vậy, tín đồ cần có thái độ nghiêm túc đối với triết học tôn giáo. Vậy người vô thần thì phải làm gì? Tại sao chúng ta nói chung lại nghiên cứu tôn giáo? Có lẽ vì đây là một yếu tố không thể tách rời được của cuộc sống. Khó có thể đánh giá đầy đủ tầm quan trọng toàn cầu của tôn giáo. (1) Chính trị, văn hóa và tư tưởng của thế giới phương Tây chủ yếu đã hình thành do có ảnh hưởng của truyền thống Do Thái giáo và Thiên Chúa giáo. Thậm chí một người tuyên bố rằng người đó không thuộc về một tôn giáo nào, thì lối tư duy, ngôn ngữ và các quan niệm chung của anh ta vẫn mang trên mình dấu ấn của tôn giáo, mặc dù sự ảnh hưởng của tôn giáo không nhất thiết phải là hiển nhiên. (2) Lẽ nào lại nói về Cận Đông mà ngay lập tức không đề cập văn hóa và lối sống Hồi giáo, có thể về Bán đảo Ấn Độ mà bỏ qua Ấn Độ giáo, có thể nói về Pinđgiabê mà không nhắc tới Chia giáo? (3) Lẽ nào có thể đánh giá quan niệm về bản thân mình của các dân tộc Viễn Đông mà không có khái niệm về Phật giáo, Khổng giáo và Đạo giáo? (4) Vô số tôn giáo của bộ lạc, các truyền thuyết của dân tộc Xcăngđinavơ, các truyền thống phong phú của dân bản xứ ở Mỹ và của người Exkimô, các tôn giáo của thày mo, nhiều tín ngưỡng đa thần khác có liên hệ sâu sắc với giới tự nhiên, - tất cả đều có đóng góp của mình cho việc làm phong phú đời sống tình cảm, tinh thần và nghệ thuật của nhân loại. Nói cách khác Không thể hiểu được thỏa đáng xã hội, dù trên quy mô toàn cầu hay trên quy mô khu vực, mà không ý thức được tôn giáo đã và đang đóng một vai trò nào trong xã hội đó. Thậm chí sự vắng mặt tự thân của tôn giáo cũng là một hiện tượng đáng được nghiên cứu. Như vậy, nếu không thể bỏ qua được tôn giáo, thì cần hiểu và đánh giá nó như thế nào? Có thể đánh giá nó về mặt tâm lý học, từ góc độ trạng thái tâm thần của những người bảo vệ nó, hay là về mặt xã hội học, về mặt tác động của nó đối với xã hội. Nhưng giữ vị trí trung tâm trong tôn giáo là việc nó có kỳ vọng nắm bắt chân lý. Đánh giá những kỳ vọng này – đó chính là nhiệm vụ của triết học tôn giáo. Triết học tôn giáo đề cập những vấn đề gì? Triết học tôn giáo đã xuất hiện như một nhánh của triết học phương Tây, nghiên cứu kỳ vọng nắm bắt chân lý mà các tôn giáo phương Tây, cụ thể là Thiên Chúa giáo, đề ra. Triết học tôn giáo có quan hệ với các cách chứng minh cho tồn tại của Thượng đế và với vấn đề cái ác, với khả năng cho phép của màu và biểu hiện của Tiên tri, với các vấn đề có liên quan tới quan niệm về tính tích cực của Thượng đến trên trần gian, đặc biệt là với bản chất và địa vị của ngôn ngữ tôn giáo. Triết học tôn giáo ít có liên quan nhất tới các hiện tượng riêng của tôn giáo. Chúng là đối tượng nghiên cứu của bộ môn chuyên sâu hơn, như tâm lý học tôn giáo và xã hội học tôn giáo. Ở thế kỳ XX, các nhà triết học phương Tây đã tăng cường nghiên cứu các vấn đề ngôn ngữ - ý nghĩa của những mệnh đề khẳng định, sự chứng minh hay bác bỏ chúng về mặt lôgic hay là về mặt kinh nghiệm. Điều đó đã để lại dấu ấn ở cách tiếp cận với triết học tôn giáo – cái làm cho nó quan tâm hơn cả không phải là bản thân hiện tượng tôn giáo, mà là kỳ vọng của tôn giáo nắm bắt được chân lý là có luận cứ ở chừng mực nào. Triết học tôn giáo trước hết nghiên cứu các phương diện duy lý của tôn giáo. Hiện nay, bất kỳ triết học nào cũng là duy lý. Đây là quá trình xem xét tỉ mỉ một phương diện nào đó của cuộc sống, là quá trình nghiên cứu nó về mặt lôgíc, là quá trình khảo cứu các lưỡng đề của nó, là ý định làm sáng tỏ các yếu tố không rõ ràng của nó và giải quyết các mâu thuẫn hiển nhiên của nó. Với nghĩa đó thì triết học cần phải là duy lý. Nhưng tôn giáo không hạn chế chỉ ở một phương diện hợp lý. Nó dựa vào trái tim không ít hơn là vào trí tuệ. Tín đồ tin vào các sự vật xác định, chứ không đơn giản cho rằng các sự vật ấy hiện hữu. Tín đồ hoàn toàn trung thành với các quan điểm tôn giáo của mình và không khước từ chúng, nếu thậm chí có các sự kiện bác bỏ chúng một cách không chối cãi được. Hiện tượng này tự thân nó là đáng được quan tâm. Nhưng chúng ta không có quyền loại bỏ một điều gì đó chỉ vì không thể đem lại sự luận chứng hợp lý cho hiện tượng ấy. Nhiều sự vật tuyệt vời trong cuộc sống của chúng ta không phải là hợp lý, thí dụ như tình yêu, âm nhạc, nghệ thuật và mọi cảm xúc của con người. Do vậy, cần ý thức được rằng cách tiếp cận duy lý là có những hạn chế của nó. Freud đã sai lầm khi cho rằng niềm tin sẽ bị tước mất sức mạnh nếu giải thích được nó; rằng tôn giáo sẽ lụi tàn và biến mất khỏi Trái Đất, nếu phát hiện ra được cơ sở tâm lý hay cơ sở chính trị của nó. Không có gì có thể xa rời chân lý hơn là sự lý giải như vậy về tôn giáo. Quyền lực của tôn giáo bắt nguồn không phải từ việc giải thích thế giới và con người, mà từ việc tổng hợp chúng. Con người trở thành tín đồ khi cảm nhận thấy rằng, ở thời điểm tâm trí sáng ra, sức mạnh của họ hòa làm một và bắt đầu hoạt động, cuộc sống nhận được một phương hướng mới, và hi vọng rọi sáng tương lai. Nhiều tôn giáo nói về đời sống tâm linh (tôn giáo) như về con đường, cuộc viễn du. Đây là quá trình tự nhận thức và phát triển, là quá trình mà động lực của nó là sự cảm nhận và nghị lực đổi mới và sự thỏa mãn. Nói cách khác Tôn giáo – đó là kinh nghiệm toàn vẹn, chứ không phải đơn giản là tổ hợp những luận điểm. Suy ngẫm về giá trị của mọi truyền thống tinh thần nói chung Giôn Hik đã viết trong Lời nói đầu cho cuốn sách của ông Thượng đế và thế giới tín ngưỡng (1993): “Tại sao chúng ta không đơn giản thừa nhận rằng, quá trình chuyển hóa của tồn tại người từ chủ nghĩa bản ngã trung tâm mang tính phá hủy sang việc có được một trung tâm mới trong thực tại siêu việt tối hậu mà chúng ta gọi là Thượng đế, diễn ra trong mọi tôn giáo lớn trên thế giới và nhờ mỗi tôn giáo trong số đó.” Những từ in nghiên truyền đạt rất tốt nội dung đích thực của tôn giáo. Chúng diễn đạt cái mà có thể gọi là sự giải thoát hay là mục đích tâm linh. Khi đó, khái niệm và danh từ “Thượng đế” được sử dụng không phải trong mỗi tôn giáo nhưng nếu thay thế nó bằng “cái Tuyệt đối” hay “cái Siêu việt”, thì dẫu sao nội dung chung vẫn được giữ lại. Điều cơ bản ở đây là, bản nguyên phá hủy (theo triển vọng tôn giáo) được xem là tính thiển cận của trực giác con người mà nhân loại cần được giải thoát khỏi nó. quá trình là như vậy, nhưng vấn đề là ở chỗ quan niệm duy lý về tôn giáo có cần để thực hiện quá trình ấy hay không. Cần phải trả lời là: “Có lẽ không cần”. Xét đến cùng, nhiều người tiến hành một cuộc sống được tôn giáo cải biến, mặc dù chưa bao giờ nghiên cứu triết học tôn giáo. Mặc khác, nếu tôn giáo không đưa ra một quan niệm thích hợp về các luận điểm chủ yếu của mình, thì các quan điểm của nó sẽ không thể thích hợp với hệ thống quan điểm chung về cuộc sống mà mọi người bảo vệ. Vì con người nói chung có thói quen là hay đặt ra vấn đề, nên một điều hoàn toàn tự nhiên là chúng ta đặt ra các vấn đề về tôn giáo. Triết học tôn giáo không hứa hẹn đem lại sự nhận thức được chân lý tối cao, song ít ra cũng có thể loại trừ một phần trở ngại mà trí tuệ duy lý xây dựng trên con đường dẫn tới nhận thức ấy. Bình luận Các cuộc tranh luận về đề tài tôn giáo thường được tiến hành theo phong cách duy lý, và cả hời hợt, khi mà những người tranh luận: (1) bày niềm tin của người khác dưới dạng xuyên tạc một cách lố bịch; (2) mạo nhận sự lố bịch đó là luận điểm hợp lý; (3) chứng minh rằng luận điểm ấy là vô nghĩa hay giả dối; (4) dựa trên đó để loại bỏ niềm tin ban đầu như quan điểm không đáng được xem xét nghiêm túc. Cuộc tranh luận như vậy hoàn toàn không đề cập trực giác (intuition) tôn giáo ban đầu, được biểu thị thông qua niềm tin đã nói tới ở trên. Bề ngoài thì người bảo vệ tôn giáo thể hiện là người chiến bại, nhưng người đó tiếp tục tin, vì người ta đã không thể hiểu, không thể làm suy yếu sức mạnh của niềm tin ở người đó. Dù cho các nhà triết học có nói gì về tôn giáo thì nó vẫn sẽ tồn tại cho tới khi con người còn kiên định rằng họ vẫn thực sự cảm nhận thấy hạnh phúc do nó đem lại. Nếu tôn giáo trên thực tế không đem lại cho con người sự cảm nhận về mục đích đích thực, thì nó đã không thể tồn tại. Hơn nữa, nó đơn giản đã không xuất hiện, nếu không đáp ứng được nhu cầu sâu xa nào đó của con người. ĐỖ MINH HỢP dịch
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC