VĂN CHƯƠNG KITÔ GIÁO Ở ÐÔNG PHƯƠNG VÀO KHÚC QUANH CỦA THẾ KỶ IV
J. LIÉBAERT
J. Liébaert. Giáo phụ. Tập 1: Từ thế kỷ I đến thế kỷ IV. Phân III: "Bình minh của một giai đoạn mới - Các giáo phụ đầu tiên của thế kỷ IV". Nxb. Trở Về Nguồn. | Nguyên bản tiếng Pháp: Les Pères de l’Église. Vol. I, Paris, 1986.
Về phương diện Giáo Phụ học, thời kỳ kéo dài từ lúc thánh Cyprien qua đời (258) cho tới khi khởi đầu cuộc tranh luận Ariô (khoảng năm 320) có thể coi là một thời kỳ chuyển tiếp không phong phú bằng những thời kỳ khác xét về nhân vật và tác phẩm nổi bật. Phía Latinh, chúng ta đã nêu lên khuôn mặt và tác phẩm của Lactance, phía Hylạp, chúng ta có thể kể ra nhiều tên tuổi, nhưng công trình quan trọng duy nhất còn truyèn đến chúng ta là công trình của Eusèbe thành Césarée. Tuy nhiên, 40 năm cuối của thế kỷ III (từ 260 đến 302) là những năm may mắn cho Giáo Hội. Khi đó, trên thực tế Giáo Hội được hưởng sự khoan dung của chính quyền đế quốc, và có thể công khai phát triển. Nhưng như người ta nói, các dân tộc sung sướng thì không có lịch sử, cũng thế chúng ta được biết rất ít về đời sống Giáo Hội trong thời kỳ này. Trên bình diện tư tưởng, người ta còn giữ được dấu vết của nhiều cuộc tranh luận : tranh luận về Paul de Samosate, kẻ đã dùng mưu mô lên ngôi Giám Mục Antioche, bị một hội nghị lên án năm 268 vì đã đụng chạm đến thần tính của Ðức Kitô, tranh luận giữa Giám Mục Denys dAlexandrie và Giáo Hoàng Denys de Rome (259 -268) liên quan đến định thức đức tin Ba Ngôi: ở Roma, người ta lầm tưởng rằng, sau Origène, có thể nói đến ba "hypostases" thần linh, một từ ngữ được dịch là "substances" (dịch theo ngữ nguyên: hypo - stasis - sub - stantia) : đây là sự khai mào cho những hiểu lầm dai dẳng giữa người Latinh và người Hylạp về thuật ngữ Ba Ngôi và Kitô học. Ở trên, chúng ta đã lưu ý đến cuộc tranh luận sôi nổi chung quanh một số luận đề của Origène vài thập kỷ sau khi ông mất : Méthode (Giám Mục ?) thành Olympe nổi bật trong cuộc tranh luận do lập trường "chống Origène"của ngài, thực ra từ ngữ này chỉ có nghĩa tương đối, vì ngoài những điểm bị bác bỏ trong các tác phẩm của Origène, ngài không hề từ khước việc dựa vào các tác phẩm đó. Người ta còn giữ được của ngài một tác phẩm tu đức bàn về đức trinh khiết Kitô giáo, nhan đề "Bữa tiệc" (le Banquet) hiển nhiên ám chỉ tới tác phẩm "Bữa tiệc" (Le Banquet) nổi tiếng của Platon. Ðột nhiên vào năm 302, hoàng đế Dioclétien lại khơi dậy việc bách hại đạo, một cuộc bách hại dữ dội nhất mà Giáo Hội cổ thời phải chịu, và chỉ tàn lụi năm 313 ở Ðông Phương. Ðây là một sự thức tỉnh khủng khiếp và hàng Giám Mục lại phải đương đầu với những vấn đề nội bộ gay gắt : vấn đề "lapsi" và nhiều nhóm ly khai theo chủ trương nghiêm ngặt. Sự hiệp nhất của Giáo Hội Aicập bị phá vỡ trong nhiều thập kỷ mặc dầu có hoạt động của thánh Giám Mục Pierre dAlexandrie, tử đạo năm 311. Phía Giáo Hội Bắc Phi thì bị ly giáo Donat làm rách nát trong hơn một thế kỷ. Trong số những nạn nhân của cuộc bách hại, có những nhà trí thức như thánh Pamphile thành Césarée, một nhà thông thái tiếp nối Origène tại Palestine, tử đạo năm 309 hoặc 310 ; thánh Lucien thành Antioche, cũng là người thông thạo Thánh Kinh và là nhà thần học, được coi là người khởi xướng "Trường phái" chú giải và Kitô học Antioche, tử đạo năm 312. Về tác phẩm của Pamphile, chúng ta chỉ còn giữ được những mảnh nhỏ, còn tác phẩm của Lucien thì không còn gì. Tiếp đến, những năm 312 - 313 đánh dấu một khúc quanh quyết định đối với Giáo Hội : chiếm được quyền hành, Constantin và đồng sự là Lucinius chấm dứt cuộc bách hại Kitô giáo trong đế quốc Roma, thiết lập chính sách khoan dung đối với Kitô giáo. Constantin tiến đần đến đức tin Kitô giáo và tích cực ủng hộ Giáo Hội. Sự bảo trợ này của nhà vua tất nhiên sớm cho thấy tính hàm hồ của nó và các Giám Mục sẽ phải bảo vệ sự độc lập của mình, đôi khi phải trả giá đắt. Dầu vậy, sự đão ngược tình trạng của Giáo Hội không dám ngờ tới này sẽ cho phép sinh lực của Giáo Hội triển nở cách đặc biệt trong mọi lãnh vực. Các thế kỷ IV và V là thời kỳ vĩ đại của các Giáo Phụ từ thánh Athanase đến thánh Cyrille thánh Alexandrie, từ thánh Augustin đến thánh Léon. Thoát khỏi thái độ thù nghịch của chính quyền, ngoại trừ dưới triều đại xen kẽ ngắn ngủi của Julien "Kẻ bội giáo" (Julien lApostat) (361-363), Giáo Hội tuy vậy vẫn không thoát khỏi những vấn đề nội bộ. Trong lịch sử Giáo Hội, các cuộc tranh luận lớn về giáo lý, tuy không phải là tất cả lịch sử này, nhưng lại là những gì sẽ chiếm lĩnh mặt trước sân khấu. Giáo Hội thời Athanase và Augustin là một Giáo Hội đang giữa thời triển nở và đồng thời lâm vào khủng hoảng. Ðó là hai khía cạnh kích thích và làm cho tư tưởng Kitô giáo phát triển ; các Giáo Phụ và các Công Ðồng sẽ kiến tạo nên những nền tảng thần học và tín lý mà đức tin luôn luôn dựa vào. Trong lúc đó, các tôn giáo cổ của dân ngoại tàn lụi dần, còn nền văn hóa cổ, nhờ các Giáo Phụ đảm nhận, không những sẽ tiếp tục tồn tại mà còn tìm được chất men đổi mới và hướng tới những thời đại mới.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC