Triết học tôn giáo

Về tình yêu và sự tiếp xúc với các thế giới khác

VỀ TÌNH YÊU VÀ SỰ TIẾP XÚC VỚI CÁC THẾ GIỚI KHÁC

 

FYODOR DOSTOIEVSKY (1821-1881)

 


Fyodor Dostoievsky. “Về tình yêu và sự tiếp xúc với các thế giới khác” trong Anh em nhà Karamazov. Phần 6, Chương 3: “Rút từ những cuộc chuyện trò và thuyết giáo của trưởng lão Zoxima”. Cao Xuân Hạo dịch. Nxb. Văn học. | Phiên bản điện tử: https://gacsach.com


 

 

Hỡi anh em, đừng sợ tội lỗi của con người, hãy yêu con người trong tội lỗi của họ, bởi vì đó là thể theo tình yêu của Chúa và là cực đỉnh của tình yêu trên thế gian. Hãy yêu mọi tạo vật của Chúa, cả toàn bộ và từng hạt cát. Hãy yêu từng phiến lá, từng tia sáng của Chúa, hãy yêu loài vật, yêu cỏ cây, yêu từng sự vật bạn sẽ yêu tìm sự vật và sẽ hiểu được bí mật của Chúa trong các sự vật. Một lần bạn hiểu được và rồi sẽ không ngừng nhận ra ngày càng nhiều hơn, cứ thế mỗi ngày. Cuối cùng bạn sẽ yêu cả thế gian bằng một tình yêu bao trùm tất thảy. Hãy yêu loài vật: trời đã ban cho chúng nền tảng nghĩ suy và niềm vui hiền hòa, đừng chọc giận chúng, đừng hành hạ chúng, đừng phá rối niềm vui của chúng, đừng chống lại ý trời. Hỡi con người, đừng lên mặt với loài vật: chúng không có tội lỗi, còn con người, với sự cao cả của mình, đang làm ung thối trái đất bằng sự có mặt của mình và để lại dấu vết ung nhọt sau khi qua đời, hỡi ôi, hầu như mỗi người chúng ta đều thế! Nhất là hãy yêu trẻ em, bởi vì trẻ em cũng không có tội lỗi, các em như thiên thần, các em sống để làm chúng ta cảm động, để làm cho trái tim chúng ta trở nên trong sạch và như một sự chỉ dẫn cho chúng ta.

Khốn thay cho kẻ xúc phạm một đứa trẻ thơ. Chính Cha Afim đã dạy cho tôi yêu trẻ: trong thời gian chúng tôi cùng nhau đi hành hương, con người dễ thương luôn luôn trầm lặng ấy đã dùng tiền người ta quyên cũng mua bánh kẹo phân phát cho trẻ em. Ông không thể đi qua chỗ trẻ em mà không rung động cõi lòng, ông là con người như thế đấy.

Đôi khi người ta băn khoăn, đặc biệt khi nhìn thấy tội lỗi của người khác và tự hỏi: “Dùng bạo lực hay tình trêu khiêm nhường?” Bao giờ cũng nên quyết định dứt khoát: “dùng tình yêu khiêm nhường”. Hãy quyết định mãi mãi như vậy và bạn sẽ chinh phục được toàn thế giới. Sự khiêm nhường chan chứa tình yêu thương là một sức mạnh ghê gớm, vô địch, không gì sánh được. Từng ngày, từng giờ, từng phút hãy từ phía ngoài nhìn lại mình, làm sao giữ được cho mình một hình ảnh cao quý. Này nhé, bạn đi ngang chỗ một đứa trẻ nhỏ mà vẻ mặt hầm hầm, buông lời phỉ báng, lòng đầy giận dữ; có thể bạn không để ý đến đứa trẻ nhưng nó nhìn thấy bạn, và có thể hình ảnh xấu xa, đáng khinh của bạn sẽ in lại trong trái tim bé bỏng không có gì bảo vệ của nó. Bạn không biết điều đó, nhưng có lẽ bạn đã gieo vào nó một hạt giống xấu, rồi hạt giống ấy có thể sẽ nảy mầm, tất cả chỉ vì bạn đã không giữ gìn trước mặt trẻ em, bởi vì bạn đã không nuôi dưỡng được cho mình tình yêu chín chắn, hoạt động. Hỡi anh em, bởi vì tình yêu khó mà có được, phải mua bằng giá đắt, bằng cố gắng lâu dài và qua một thời gian dài, bởi vì không phải yêu trong chốc lát, chỉ do tình cờ, mà là yêu trọn đời. Bất cứ người nào cũng có thể yêu một cách tình cờ, kể cả kẻ bất lương. Người anh trẻ tuổi của tôi xin chim chóc tha thứ: làm thế dường như là dớ dẩn, nhưng lại là đúng, bởi vì tất cả gộp lại như một đại dương, tất cả đều trôi chảy và tiếp xúc với nhau, động chỗ này thì có tiếng vang đáp lại từ nơi cùng trời cuối đất.

Cho dù cầu xin chim chóc tha lỗi là điên rồ đi nữa, nhưng chim chóc, hay đứa trẻ, hay bất cứ con vật nào ở quanh ta cũng sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn, nếu như bản thân ta trở nên cao quý hơn ta hiện giờ, dù chỉ chút thôi. Tất cả gộp lại như một đại dương, tôi nói với các vị thế đấy. Khi ấy ta sẽ cầu khấn chim chóc, đắm đuối trong một tình yêu bao trùm, như trong lúc xuất thần, ta sẽ cầu khấn chim chóc tha tội cho ta. Hãy quý trọng sự xuất thần ấy thì người ta cho là dớ dẩn. Các bạn ơi, hãy cầu xin Chúa ban cho sự vui vẻ. Hãy vui vẻ như trẻ em, như chim trời. Đừng vì tội lỗi của người đời mà bối rối trong sự đạo của mình, đừng sợ rằng tội lỗi sẽ lấn át công quả của mình và không để cho nó được thành tựu, đừng nói: “Tội lỗi có sức mạnh, sự báng bổ có sức mạnh, hoàn cảnh xấu có sức mạnh, còn chúng ta cô độc và bất lực, hoàn cảnh xấu sẽ lấn át chúng ta và không để cho sự đạo tốt lành của chúng ta thành tựu.” Các con, đừng nản lòng như vậy! Chỉ có một cách cứu rỗi: hãy can đảm tự coi mình là người chịu trách nhiệm về tất cả tội lỗi của mọi người. Bạn ạ, sự thật là như vậy đấy, bởi vì hễ bạn thành tâm tự coi mình có trách nhiệm về mọi việc và bạn đích thực là có lỗi về mọi sự và về mọi người. Còn nếu trút sự lười nhác và bất lực lên mọi người thì rốt cuộc sẽ nhiễm thói kiêu ngạo của quỷ Sa tăng và sẽ oán trách Chúa Trời. Về thói kiêu ngạo của quỷ Sa tăng thì tôi nghĩ thế này: chúng ta khó mà hiểu được thói kiêu ngạo ấy trên trái đất này vì thế ta rất dễ phạm sai lầm và nhiễm thói kiêu ngạo ấy mà lại vẫn cho rằng ta đang làm một cái gì vĩ đại và tuyệt đẹp. Vả chăng trong những tình cảm và diễn biến mãnh liệt nhất của thiên tính chúng ta, còn nhiều điều chúng ta chưa thể hiểu được trong lúc còn sống trên cõi trần này, đừng vì thế mà ngã lòng và đừng nghĩ rằng đấy có thể là sự bào chữa nào đó cho mình, bởi vì vị pháp quan vĩnh hằng sẽ chỉ xét xử về những gì ta có thể hiểu được, chứ không phải về những gì ta không hiểu được, chính bạn sẽ thấy rõ điều đó, bởi vì khi ấy bạn sẽ thấy hết mọi điều đúng sai và sẽ không cãi lại. Trên cõi trần này quả là chúng ta như đang lạc đường, và nếu như trước mắt ta không có hình ảnh cao quý của đấng Kito thì chúng ta sẽ hư mất và lầm lạc không phương cứu vẫn như loài người trước trận hồng thủy. Trên cõi trần này có nhiều điều ẩn giấu ta không thấy được, bù lại ta được trời phú cho cái cảm giác bí ẩn thầm kín về mối liên hệ sống động của chúng ta với một thế giới khác, thượng giới cao siêu, và gốc rễ của những ý nghĩ và tình cảm của chúng ta không phải ở đây, mà ở những thế giới khác. Vì thế các triết gia nói rằng ở cõi thế gian này không thể hiểu được bản chất của sự vật. Chúa lấy hạt giống ở các thế giới khác, gieo trên cõi đất này và gây trồng ở khu vườn của Ngài, tất cả những gì có thể mọc lên đã mọc lên, nhưng cây đã mọc lên vẫn đang sống và nó sống chỉ là do cảm giác về sự cộng thông với những thế giới bí ẩn khác của mình.

Nếu cảm giác ấy suy yếu hay bị hủy diệt trong ta thì cái được gây trồng trong ta cũng chết lụi. Khi ấy ta sẽ thờ ơ với cuộc sống, thậm chí căm ghét nó. Tôi nghĩ như thế đấy.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt