Triết học xã hội

Chủ nghĩa tự do chính trị

NHỮNG NGƯỜI TỰ DO

Chủ nghĩa tự do chính trị

 

KARL MARX (1818-1883)

FRIEDRICH ENGELS (1820-1895)

 


Karl Marx và F. Engels. “Hệ tư tưởng Đức” in trong C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 3. Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1995, tr. 266-282. | Bản tiếng Anh: The free ones – political liberalism.


 

Mục lục

A - Chủ nghĩa tự do chính trị

B - Chủ nghĩa cộng sản

C - Chủ nghĩa tự do nhân đạo

 

"Người tự do" có quan hệ như thế nào với toàn bộ cái đó, - điều đó đã được nói rõ trong "Kinh tế của Cựu ước". Chúng tôi không chịu trách nhiệm về chỗ cái Tôi mà chúng tôi đã tiến gần sát, lại xa rời chúng tôi để đi tới một cõi xa xăm mờ mịt. Và nói chung, việc chúng tôi không chuyển ngay tức khắc, ở tr.20 của "Thánh thư", sang cái Tôi, đó không phải là lỗi của chúng tôi.

 

A. Chủ nghĩa tự do chính trị

 

Lịch sử của giai cấp tư sản Đức là cái chìa khóa để hiểu sự phê phán của thánh Ma-xơ và những bậc tiền bối của ông ta đối với chủ nghĩa tự do. Chúng ta hãy bàn đến một vài tình tiết của lịch sử này, kể từ Cách mạng Pháp.

Tình trạng nước Đức vào cuối thế kỷ trước được phản ánh một cách đầy đủ trong "Phê phán lý tính thực tiễn"[1] của Can-tơ. Trong khi giai cấp tư sản Pháp, bằng cuộc cách mạng vĩ đại nhất trong số những cuộc cách mạng mà lịch sử đã chứng kiến, đã giành được địa vị thống trị và đã chiếm được lục địa châu Âu, trong khi sự giải phóng chính trị của giai cấp tư sản Anh đã cách mạng hoá nền công nghiệp và khống chế Ấn Độ về mặt chính trị và tất cả các nơi khác trên thế giới về mặt thương nghiệp, - thì những người thị dân Đức bất lực chỉ mới đi tới "thiện ý" thôi. Can-tơ lấy làm thoả mãn với chỉ "thiện ý" thôi, dẫu rằng cái thiện ý ấy hoàn toàn không mang lại hiệu quả gì và ông ta đã chuyển việc thực hiện thiện ý ấy, sự hài hoà giữa thiện ý ấy với những nhu cầu và dục vọng của cá nhân sang thế giới bên kia. Thiện ý ấy của Can-tơ hoàn toàn phù hợp với tình trạng bất lực, bị áp chế và nghèo nàn của những người thị dân Đức, mà lợi ích nhỏ bé của họ chưa bao giờ có thể phát triển thành lợi ích dân tộc chung của một giai cấp, vì vậy họ luôn luôn bị giai cấp tư sản của tất cả các dân tộc khác bóc lột. Phù hợp với lợi ích địa phương nhỏ bé ấy, một mặt, là cái nhãn quan nhỏ hẹp thực tế có tính chất địa phương và tỉnh nhỏ của người thị dân Đức, và mặt khác, là tính tự mãn thế giới chủ nghĩa của họ. Nói chung, kể từ Cải cách tôn giáo, sự phát triển của nước Đức đã mang một tính chất hoàn toàn tiểu tư sản. Giới quý tộc phong kiến cũ phần lớn đã bị xoá bỏ trong những cuộc chiến tranh nông dân; những kẻ còn sót lại thì hoặc giả là những bọn chư hầu nhỏ trực thuộc đế quốc đã dần dần giành được một địa vị độc lập nào đó và bắt chước nền quân chủ chuyên chế trong một khu vực bé nhỏ và hẻo lánh, hoặc giả là những tên địa chủ nhỏ đã phung phí hết của cải ít ỏi của mình trong trang viên bé nhỏ rồi sau đó sống dựa vào bổng lộc của những chức vị bé nhỏ trong quân đội tiểu bang và trong các văn phòng của chính phủ, hoặc cuối cùng là những tên địa chủ vùng quê sống một cuộc đời mà bọn thân hào nhỏ nhất của nước Anh hoặc gentilhomme de province1* của nước Pháp cũng lấy làm xấu hổ. Nông nghiệp được kinh doanh không phải theo phương thức chia nhỏ ruộng đất, cũng không phải theo phương thức sản xuất đại quy mô; phương thức kinh doanh ấy mặc dù sự lệ thuộc kiểu nông nô và diêu dịch vẫn còn được duy trì, nhưng tuyệt nhiên không thể thức tỉnh nông dân tự giải phóng được, vì bản thân phương thức kinh doanh ấy không thể nào làm cho giai cấp tích cực cách mạng hình thành được, và cũng vì không có giai cấp tư sản cách mạng thích ứng với giai cấp nông dân như thế.

Về những người thị dân thì ở đây, chúng ta chỉ có thể nêu lên một vài đặc điểm. Điều đáng chú ý là công trường dệt gai, tức là công nghiệp lấy guồng quay sợi và máy dệt tay làm cơ sở, còn có tác dụng nào đó ở nước Đức chính vào lúc mà ở Anh những công cụ vụng về ấy bị máy móc loại trừ. Đặc biệt đáng chú ý là mối quan hệ giữa Đức với Hà Lan. Hà Lan - bộ phận duy nhất của đồng minh Han-dơ đã có một tầm quan trọng về mặt thương nghiệp - đã tách khỏi đồng minh ấy, làm cho nước Đức cách biệt với mậu dịch thế giới, chỉ trừ hai cửa biển (Hăm-buốc và Brê-men), và từ đó bắt đầu thống trị toàn bộ mậu dịch Đức. Người thị dân Đức quá bất lực nên không thể hạn chế được sự bóc lột của người Hà Lan. Giai cấp tư sản của nước Hà Lan nhỏ bé, với lợi ích giai cấp đã phát triển của nó thì lớn mạnh hơn nhiều so với giai cấp thị dân Đức đông đảo hơn rất nhiều là giai cấp không có những lợi ích chung và có những lợi ích nhỏ phân tán. Thích ứng với tính phân tán của lợi ích, là tính phân tán của tổ chức chính trị, là sự phân chia thành nhiều vương quốc nhỏ và thành thị tự do đế quốc. Làm thế nào mà có thể có sự tập trung chính trị trong một nước chưa có tất cả những điều kiện kinh tế của sự tập trung ấy? Tình trạng bất lực của mỗi một lĩnh vực sinh hoạt (ở đây, không thể nói đến đẳng cấp hoặc đến giai cấp, mà nhiều lắm cũng chỉ có thể nói đến những đẳng cấp đã thuộc về quá khứ và những giai cấp chưa ra đời) không cho phép bất cứ một lĩnh vực sinh hoạt nào giành được sự thống trị tuyệt đối. Do đó kết quả tất nhiên là trong thời đại quân chủ chuyên chế được biểu hiện ở đây dưới hình thức kỳ quái nhất, hình thức nửa gia trưởng thì cái lĩnh vực đặc thù, do phân công lao động mà nắm được quyền quản lý lợi ích công cộng, đã có được một sự độc lập khác thường, một sự độc lập càng được tăng cường hơn trong chế độ quan liêu của thời hiện đại. Như vậy, nhà nước cấu thành một lực lượng có vẻ độc lập và tình hình đó hiện tượng tạm thời (giai đoạn quá độ) trong những nước khác thì ở Đức vẫn được duy trì cho đến ngày nay. Tình hình ấy của nhà nước cũng nói lên là tại sao lại có cái phương pháp tư tưởng đứng đắn kiểu công chức nhà nước mà người ta không còn thấy có ở bất cứ nơi nào và tại sao có tất cả những ảo tưởng về nhà nước đang lưu hành ở Đức, điều ấy cũng nói lên sự độc lập bề ngoài của những nhà lý luận Đức đối với những người thị dân, tức là sự mâu thuẫn bề ngoài giữa hình thức mà những nhà lý luận ấy dùng để diễn đạt lợi ích của người thị dân, với bản thân những lợi ích đó.

Chúng ta lại tìm thấy ở Can-tơ cái hình thức đặc thù mà chủ nghĩa tự do Pháp, dựa trên những lợi ích giai cấp hiện thực, đã tiếp thu được ở Đức. Dù Can-tơ hoặc những thị dân Đức, mà Can-tơ là người tô điểm lợi ích của họ, đều không nhận thấy rằng lợi ích vật chất và ý chí do quan hệ sản xuất vật chất chi phối và quyết định là cơ sở của những tư tưởng lý luận ấy của giai cấp tư sản. Vì vậy, Can-tơ đã tách rời sự diễn đạt lý luận ấy với những lợi ích được diễn đạt trong đó, biến những quy định, có động cơ vật chất, của ý chí của giai cấp tư sản Pháp thành những tự quy định thuần túy của "ý chí tự do", của ý chí tự nó và vì nó, của ý chí của loài người, và do đó biến ý chí ấy thành những quy định khái niệm thuần túy về mặt tư tưởng và những định đề về đạo đức. Vì thế, những người tiểu tư sản Đức hốt hoảng lảng tránh cái thực tiễn của chủ nghĩa tự do tư sản kiên nghị ấy, ngay khi chủ nghĩa này vừa biểu hiện ra ở sự thống trị của sự khủng bố, cũng như ở việc kiếm lời vô sỉ của giai cấp tư sản.

Dưới sự thống trị của Na-pô-lê-ông, những người thị dân Đức vẫn đeo đuổi, mạnh hơn trước, những việc mua bán nhỏ và những ảo tưởng lớn. Cái tinh thần tiểu thương ngự trị ở nước Đức lúc bấy giờ, thì thánh Xăng-sô có thể đọc thấy chẳng hạn trong tác phẩm của Giăng Pôn, - nếu chỉ nêu ra những tài liệu văn chương hoa mỹ mà ông ta có thể hiểu được. Những người thị dân Đức đã chửi rủa Na-pô-lê-ông vì đã bắt họ uống cà-phê giả và quấy rối sự yên tĩnh của họ bằng những cuộc đóng quân và mộ lính, đều trút tất cả sự phẫn nộ tinh thần của mình lên đầu Na-pô-lê-ông và dành tất cả sự tán tụng của mình cho nước Anh; thực ra thì Na-pô-lê-ông đã có công lớn đối với họ khi quét sạch cái chuồng ngựa Ô-giát nước Đức và đã mở những đường giao thông văn minh, còn người Anh thì chỉ chờ cơ hội thuận lợi để bóc lột họ à tort et à travers1*. Những chư hầu của Đức đã biểu lộ cũng cái tinh thần tiểu tư sản như vậy, khi họ tưởng rằng họ đang đấu tranh cho nguyên tắc chính thống và đấu tranh chống cách mạng, kỳ thực họ chỉ là những tên lính đánh thuê của giai cấp tư sản Anh mà thôi. Trong bầu không khí của tất cả những ảo tưởng phổ biến ấy, thì điều đương nhiên là những đẳng cấp có đặc quyền về mặt ảo tưởng - các nhà tư tưởng, các thầy giáo, các sinh viên, các thành viên của "Hội đạo đức"[2] - đã đóng vai cầm cân nẩy mực và đã diễn đạt, bằng một hình thức khoa trương thích hợp với họ, cái ảo tưởng phổ biến và sự không quan tâm đến lợi ích.

Cách mạng tháng Bảy - chúng ta chỉ nêu lên những điểm quan trọng nhất, và do đó bỏ qua giai đoạn trung gian, - đã áp đặt từ bên ngoài vào cho người Đức những hình thức chính trị phù hợp với giai cấp tư sản phát triển. Vì rằng những quan hệ kinh tế của Đức còn xa mới đạt tới giai đoạn phát triển thích ứng với những hình thức chính trị ấy cho nên những người thị dân đã coi những hình thức ấy chỉ là những quan niệm trừu tượng, là những nguyên tắc tự nó và vì nó, là những nguyện vọng và lời nói thành kính, là những tự quy định của ý chí theo kiểu của Can-tơ và những tự quy định của những con người mà những thị dân ấy phải là như thế. Vì vậy, họ đối xử với những hình thức ấy một cách có đạo đức và vô tư hơn rất nhiều so với các dân tộc khác, tức là họ biểu lộ một tính hạn chế hết sức độc đáo và không một ý đồ nào của họ là thành công cả.

Cuối cùng, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của người nước ngoài và những sự giao tiếp thế giới mà nước Đức ngày càng ít có thể đứng ngoài được, đã làm cho những lợi ích địa phương khác nhau của người Đức kết thành một lợi ích chung trên một mức độ nào đó. Đặc biệt là từ năm 1840, những người thị dân Đức đã bắt đầu suy nghĩ về việc bảo đảm những lợi ích chung ấy như thế nào; họ đã trở thành dân tộc chủ nghĩa và tự do chủ nghĩa và đòi có thuế quan bảo hộ và hiến pháp. Như vậy, bây giờ họ đã tiến đến gần giai đoạn mà giai cấp tư sản Pháp đã tiến đến vào năm 1789.

Nếu giống như những nhà tư tưởng Béc-lin, người ta đứng trong khuôn khổ những ấn tượng có tính chất địa phương Đức mà đánh giá chủ nghĩa tự do và nhà nước, hoặc là chỉ hạn chế ở việc phê phán những ảo tưởng của người thị dân Đức về chủ nghĩa tự do mà không lý giải chủ nghĩa tự do trong mối quan hệ của nó với những lợi ích hiện thực sản sinh ra nó và nó chỉ tồn tại trong thực tế cùng với những lợi ích hiện thực ấy, thì đương nhiên là người ta phải đi tới những kết luận hết sức vô nghĩa. Cái chủ nghĩa tự do Đức ấy dưới hình thức biểu hiện từ trước cho đến thời gian gần đây nhất, thì như chúng ta đã thấy, đã là một ước mong trống rỗng ngay cả dưới hình thức thông tục của nó, là sự phản ánh tư tưởng của chủ nghĩa tự do hiện thực. Như vậy thì hoàn toàn biến nội dung của nó thành triết học, thành những quy định khái niệm thuần túy, thành "sự nhận thức về lý tính" là điều dễ biết chừng nào! Còn nếu ai mà chẳng may biết ngay cả cái chủ nghĩa tự do sặc mùi tinh thần thị dân ấy chỉ dưới hình thức lơ lửng trên mây mà Hê-ghen đã đem lại cho nó, thì người đó nhất định phải đi đến những kết luận chỉ hoàn toàn thuộc về lĩnh vực cái thần thánh. Chúng ta sẽ thấy ngay điều ấy qua cái ví dụ đáng buồn về Xăng-sô.

 

 

"Gần đây", trong những giới tích cực, người ta "đã nói nhiều" về sự thống trị của tư sản, "đến nỗi chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu tin tức về điều đó" dù chỉ thông qua sự trung gian của L.Blăng[3] (do một người tên là Bun ở Béc-lin dịch) "đã lan tới Béc-lin" và đã lôi cuốn sự chú ý của các thầy giáo dễ tính (Vi-găng, tr.190). Nhưng không thể nói rằng "Stiếc-nơ", trong phương pháp ông ta dùng để chiếm lấy những quan niệm đang lưu hành, "đã vạch ra cho mình một phương pháp đặc biệt có hiệu quả và có lợi" (Vi-găng, như trên), - đó là điều hiển nhiên nếu xét việc ông ta lợi dụng Hê-ghen như thế nào và sau này sẽ còn có thể hiển nhiên hơn nữa.

 

Các vị thầy giáo của chúng ta không để lọt qua con mắt mình là gần đây, những người tự do chủ nghĩa được đồng nhất với những người tư sản. Nhưng vì thánh Ma-xơ đồng nhất người tư sản với người thị dân lương thiện, với người tiểu thị dân Đức, nên ông ta không hiểu ý nghĩa thực sự của câu nói mà ông ta chỉ biết qua miệng của người khác, không hiểu ý nghĩa của câu nói mà tất cả những tác giả có quyền uy đã phát biểu, tức là ông ta không thấy rằng những câu nói tự do chủ nghĩa là sự diễn đạt duy tâm về những lợi ích hiện thực của giai cấp tư sản, mà ngược lại, ông ta cho rằng mục đích cuối cùng của người tư sản là trở thành người tự do chủ nghĩa hoàn thiện, người công dân của nhà nước. Đối với thánh Ma-xơ, không phải bourgeois1* là chân lý của citoyen2*, mà ngược lại citoyen là chân lý của bourgeois. Quan điểm ấy, vừa mang tính chất thần thánh vừa mang tính chất Đức, đã dẫn tới chỗ là ở tr.130, "địa vị thị dân" (nên đọc: sự thống trị của giai cấp tư sản) biến thành "tư tưởng, chỉ tư tưởng mà thôi", còn "nhà nước" thì xuất hiện ra là "người chân chính", tức là người mà trong "Quyền của con người" ban cho mỗi người tư sản những quyền của "Con người", đem lại cho họ danh chính ngôn thuận. Tất cả điều đó đều được hoàn thành sau khi những ảo tưởng về nhà nước và quyền của con người đã được bóc trần một cách đầy đủ trong "Deutsch - Französische Jahrbücher"1)- một sự thực mà cuối cùng thánh Ma-xơ đã chú ý đến trong "Bình luận có tính chất biện hộ" anno1* 1845. Vì vậy ông ta cũng có thể biến người tư sản - sau khi phân biệt người tư sản với tính cách là người tự do chủ nghĩa với người tư sản với tính cách là người tư sản kinh nghiệm - thành người tự do chủ nghĩa thần thánh, cũng hệt như ông ta biến nhà nước thành "cái thần thánh", biến mối quan hệ của người tư sản với nhà nước hiện đại thành mối quan hệ thần thánh, thành sự sùng bái (tr.131), và bằng cái đó thực ra ông ta cũng kết thúc sự phê phán của ông đối với chủ nghĩa tự do chính trị. Ông ta đã biến chủ nghĩa tự do chính trị thành "cái thần thánh"2*.

Ở đây chúng tôi muốn nêu lên một vài ví dụ để thấy rõ thánh Ma-xơ đã tô điểm sở hữu ấy của mình bằng những hoa văn lịch sử như thế nào. Để thực hiện ý định ấy, ông ta sử dụng Cách mạng Pháp, và người mối lái của ông ta về những sự việc lịch sử, là thánh Bru-nô, đã cung cấp cho ông ta một số tài liệu về cuộc cách mạng ấy, căn cứ theo giao kèo cung ứng đã được ký kết giữa họ với nhau.

Dựa vào một vài câu vay mượn của Bay-i và cũng lại được sao chép từ trong "Hồi ký" của thánh Bru-nô, người ta tuyên bố rằng do việc triệu tập hội nghị ba đẳng cấp nên "những người cho đến nay vẫn là thần dân, đã có được ý thức rằng họ là những người sở hữu" (tr.132). Trái lại thế, mon brave3*! Những người cho đến nay đã là những người sở hữu thì bây giờ qua việc làm của mình họ đã biểu lộ ý thức rằng họ không còn là thần dân nữa; ý thức ấy đã có từ lâu rồi, chẳng hạn ở phái trọng nông, ý thức đó cũng có - dưới hình thức luận chiến chống người tư sản, - ở trong tác phẩm của Lanh-ghê ("Lý luận về dân luật", 1767), của Méc-xi-ê, của Ma-bli và nói chung trong những tác phẩm chống phái trọng nông. Tư tưởng ấy đã được - chẳng hạn như Brít-xô, Phô-sê, Ma-rát trong "Câu lạc bộ xã hội"[4] và tất cả những người dân chủ chống đối La-phay-ét - nhận thức ngay trong thời kỳ đầu của cách mạng. Nếu như thánh Ma-xơ hiểu vấn đề theo cái cách là vấn đề diễn ra không tùy thuộc vào người mối lái của ông ta về những sự việc lịch sử thì ông ta chắc sẽ không ngạc nhiên rằng "những lời nói của Bay-i nghe như [là từ nay mỗi một người đều trở thành người sở hữu..."].

[..."Stiếc-nơ" tưởng rằng ""đối với những thị dân lương thiện"] thì [ai bảo vệ họ] và những nguyên tắc của họ - dù là quân chủ chuyên chế hay là quân chủ lập hiến, hay nước cộng hoà đi nữa, v.v. điều đó cũng không quan trọng". Đối với "những thị dân lương thiện" đang uống bia một cách thanh thản trong một hiệu bia nào đó ở Béc-lin thì hiển nhiên là "điều đó không quan trọng"; nhưng đối với những người tư sản có tác dụng lịch sử thì không phải như thế. Ở đây, cũng như trong suốt cả chương sách, "người thị dân lương thiện" "Stiếc-nơ" lại tưởng rằng những người tư sản Pháp, Mỹ và Anh đều là những tiểu thị dân Béc-lin lương thiện, những khách quen của hãng bia. Câu nói viện dẫn ở trên, nếu đem chuyển từ ngôn ngữ của ảo tưởng chính trị thành ngôn ngữ dễ hiểu của con người thì có nghĩa là: đối với người tư sản, họ có quyền thống trị không hạn chế hay không, hoặc quyền lực chính trị và kinh tế của họ có bị các giai cấp khác hạn chế hay không, điều đó "không quan trọng". Thánh Ma-xơ tưởng rằng một ông vua chuyên chế, hoặc bất cứ ai cũng đều có thể bảo vệ giai cấp tư sản một cách có hiệu quả như là giai cấp tư sản tự nó bảo vệ nó. Và thậm chí "những nguyên tắc của giai cấp tư sản" nhằm làm cho quyền lực nhà nước phải phục tùng quy tắc "chacun pour soi, chacun chez soi"1* và lợi dụng quyền lực nhà nước để đạt tới mục đích đó, - "một ông vua chuyên chế" thậm chí cũng có thể bảo vệ những "nguyên tắc" đó! Thánh Ma-xơ hãy chỉ cho chúng ta thấy một nước nào có nền thương nghiệp và nền công nghiệp phát triển, có sự cạnh tranh gay gắt mà người tư sản lại để cho "ông vua chuyên chế" bảo vệ lợi ích của mình.

Sau khi biến người tư sản có tác dụng lịch sử thành người tiểu thị dân Đức không có tác dụng lịch sử như vậy thì cố nhiên là "Stiếc-nơ" có thể không biết người tư sản nào khác ngoài "những người thị dân sung túc và những công chức trung thành" (!!) - hai cái bóng ma này chỉ có thể xuất hiện trên đất nước Đức "thần thánh", - và có thể thống nhất họ vào trong một giai cấp "những người đày tớ ngoan ngoãn" (tr.139). Vậy thì Stiếc-nơ hãy nhìn xem, dù chỉ nhìn một lần thôi, những người đày tớ ngoan ngoãn ấy tại các Sở giao dịch ở Luân Đôn, Man-xe-xtơ, Niu Oóc và Pa-ri! Bởi vì thánh Ma-xơ đã cưỡi lên con ngựa của mình, nên ông ta có thể làm mọi việc the whole hog2* và tin vào lời của một nhà lý luận tồi của "Hai mươi mốt trang" nói rằng "chủ nghĩa tự do là sự nhận thức lý tính vận dụng vào những điều kiện hiện có của chúng ta"[5], và tuyên bố rằng "những người tự do chủ nghĩa là những người có nhiệt tâm với lý tính". Qua những câu nói [...] ấy, có thể thấy rõ những người Đức vẫn còn chưa thoát khỏi những ảo tưởng ban đầu của họ về chủ nghĩa tự do đến mức độ nào. "A-bra-ham không có hy vọng vẫn tin là có hy vọng... vì vậy niềm tin của ông ta được quy là lẽ phải của ông ta" (Thư gửi người La Mã, 4, 18, và 22).

"Nhà nước trả tiền nhiều để những công nhân lương thiện của nhà nước có thể trả tiền ít mà không nguy hiểm gì cả; bằng cách trả tiền nhiều, nhà nước bảo đảm cho mình có những tôi tớ để tổ chức thành lực lượng để bảo vệ những công dân lương thiện tức là cảnh sát; và những công dân lương thiện ấy sẵn sàng nộp cho nhà nước những khoản thuế rất lớn để trả cho công nhân của mình những món tiền càng ít" (tr.125).

Thực ra thì phải hiểu như thế này: người tư sản trả nhiều tiền cho nhà nước của chúng và bắt cả nước phải trả tiền cho nhà nước để chúng có thể trả ít mà không nguy hiểm; bằng cách trả nhiều tiền, chúng bảo đảm cho chúng có một lực lượng là những công chức nhà nước có thể bảo vệ chúng - tức là cảnh sát; chúng sẵn sàng nộp và bắt cả nước phải nộp những khoản thuế cao để có thể trút sang cho công nhân phải chịu những khoản tiền mà chúng phải trả coi như tiền cống (khoản khấu tiền công) mà không nguy hiểm gì. Ở đây "Stiếc-nơ" có một phát hiện mới về kinh tế là: tiền công là thuế cống, là thuế, do giai cấp tư sản trả cho giai cấp vô sản; còn các nhà kinh tế học thông thường khác thì cho rằng thuế là tiền cống mà giai cấp vô sản trả cho giai cấp tư sản.

Bây giờ, Đức cha của chúng ta chuyển từ giai cấp thị dân thần thánh sang giai cấp vô sản "duy nhất" của Stiếc-nơ (tr.148). Giai cấp vô sản này bao gồm "những tên lừa đảo, những gái điếm, những tên trộm cắp, những bọn cướp của giết người, những tay cờ bạc, những người nghèo khổ không nghề nghiệp và những kẻ nông nổi" (như trên). Bọn họ là "giai cấp vô sản nguy hiểm" và bỗng chốc được "Stiếc-nơ" quy thành "những kẻ kêu gào đơn độc", rồi sau cùng; được quy thành "những kẻ lang thang" được diễn đạt một cách hoàn hảo bằng từ ngữ "những kẻ lang thanh tinh thần", họ không thể "đứng trong khuôn khổ của phương thức tư tưởng ôn hoà"... "Cái gọi là giai cấp vô sản, hoặc" (pen appos.1*)" "sự bần cùng hoá" có ý nghĩa rộng rãi như vậy!" (tr.159).

Ở tr.151, "ngược lại nhà nước bòn rút xương tủy" của giai cấp vô sản. Do đó toàn bộ giai cấp vô sản là gồm những người tư sản bị phá sản và những người vô sản bị phá sản, gồm một tổ hợp những người du đãng, họ tồn tại trong tất cả các thời đại và sau khi chế độ thời trung cổ sụp đổ, họ tồn tại trên quy mô lớn trước khi giai cấp vô sản thông thường được hình thành đông đảo, như thánh Ma-xơ có thể thấy rõ điều đó qua luật pháp của nước Anh và của nước Pháp và những văn phẩm tương ứng. Vị thánh của chúng ta có một quan niệm về giai cấp vô sản giống như quan niệm của "những thị dân sung túc lương thiện", và, đặc biệt là của "những công chức trung thành". Ông ta cũng vẫn trước sau như một đồng nhất giai cấp vô sản với sự bần cùng hoá, song trên thực tế sự bần cùng hoá chỉ là tình trạng của giai cấp vô sản đã bị phá sản, là giai đoạn cuối cùng trong đó người vô sản đã bất lực, không chống lại nổi sự áp bức của giai cấp tư sản - chỉ có người vô sản không còn một chút tinh lực nào nữa mới là kẻ bần cùng. Tham khảo Xi-xmôn-đi, U-ê-đơ[6], v.v.. Theo con mắt của người vô sản, "Stiếc-nơ" và bè bạn của ông, chẳng hạn trong những điều kiện nào đó, có thể được coi là người bần cùng nhưng không bao giờ có thể được coi là người vô sản.

Đó là những quan niệm "riêng" của thánh Ma-xơ về giai cấp tư sản và giai cấp vô sản. Nhưng với những ảo tưởng ấy về chủ nghĩa tự do của những người thị dân lương thiện và của những kẻ lang thang thì tất nhiên là ông ta không đi tới đâu cả, vì vậy muốn chuyển qua chủ nghĩa cộng sản, ông ta buộc phải đưa những người tư sản và những người vô sản hiện thực thông thường mà ông ta có thể nghe nói, vào đề câu chuyện. Điều đó biểu lộ ra ở tr.151 và 152, ở đây giai cấp vô sản lưu manh được biến thành "công nhân", thành người vô sản thông thường, còn người tư sản "theo dòng thời gian" "đôi khi" làm nên một loạt "những biến đổi đủ loại" và "những biến dạng muôn màu muôn vẻ". Trong một dòng, chúng ta đọc thấy: "sự thống trị của người hữu sản", tức là những người tư sản thông thường; sáu dòng sau ta đọc thấy: "Nhờ ân huệ của nhà nước, người tư sản mới là người tư sản", tức là người tư sản thần thánh; còn sáu dòng sau nữa: "Nửa nước là status1* của giai cấp tư sản" - đây muốn nói đến người tư sản thông thường; sau đó giải thích tiếp rằng: "nhà nước giao cho người hữu sản" "tài sản của họ với tính cách là thái ấp", cho nên "tiền bạc và tài sản" của "những nhà tư bản", tức là người tư sản thần thánh, là "tài sản nhà nước" do nhà nước giao cho họ với tính cách là "thái ấp". Cuối cùng, cái nhà nước vạn năng ấy lại được biến thành "nhà nước của những người hữu sản", tức là người tư sản thông thường; điều này ăn khớp với đoạn sau đây: "Do cách mạng mà giai cấp tư sản trở thành vạn năng" (tr.156). Những mâu thuẫn "tê tái tâm hồn" và "kinh khủng" ấy thì thậm chí thánh Ma-xơ cũng không thể nào xào xáo ra được, - hoặc ít ra ông ta cũng không bao giờ dám công bố những mâu thuẫn ấy, - nếu như ông ta không được sự giúp đỡ của cái từ Đức "Bürger" mà ông ta có thể tùy ý giải thích khi là "citoyen", khi là "bourgeois", khi là "người thị dân lương thiện" Đức.

Trước khi bàn tiếp, chúng ta còn phải nêu lên hai phát hiện vĩ đại về kinh tế chính trị mà anh chàng ngốc của chúng ta "ôm ấp" "trong đáy lòng", những phát hiện có một nét chung với "niềm sung sướng của thanh niên" được miêu tả ở tr.17, tức là những phát hiện ấy cũng là "những tư tưởng thuần túy".

Ở tr.150, tất cả tai ương của những quan hệ xã hội hiện hành chung quy lại là: "người thị dân và công nhân tin vào "sự thật" của đồng tiền". Jacques le bonhomme tưởng rằng dưới quyền lực của "những người thị dân" và của "những công nhân" ở rải rác trong tất cả các nước văn minh trên thế giới thì bỗng nhiên, một ngày nào đó, có thể ghi vào biên bản rằng họ "không tin" vào "sự thật của đồng tiền"; thậm chí ông ta còn tin rằng nếu điều vô lý ấy là điều có thể xảy ra, thì như thế là đã có thể đạt được một cái gì đó. Ông ta tin rằng bất cứ nhà văn nào ở Béc-lin đều có thể xóa bỏ "sự thật của đồng tiền" một cách cũng dễ dàng như ông ta xoá bỏ, trong đầu óc của mình, "sự thật" của Thượng đế hoặc "sự thật" của triết học Hê-ghen. Tiền tệ là sản phẩm tất nhiên của những quan hệ sản xuất và quan hệ giao tiếp nhất định, và vẫn là "sự thật" chừng nào những quan hệ ấy còn tồn tại, - như thánh Ma-xơ mắt ngẩng lên nhìn trời còn cái đít thế lực thì lại chổng về thế giới thế tục.

Phát hiện thứ hai được thực hiện ở tr.152 và là như sau: "công nhân không thể sử dụng lao động của mình" vì họ "rơi vào trong tay" "của những người" đã nhận "một tài sản nào đó của nhà nước" "dưới hình thức thái ấp". Đó chỉ là giải thích thêm cái luận điểm đã viện dẫn ở trên, tr.151, nói rằng nhà nước bòn rút xương tuỷ của công nhân. Và ở đây, bất cứ người nào đều có thể "nảy ra" ngay tức khắc "một ý nghĩ giản đơn" - nếu "Stiếc-nơ" không làm như vậy, thì cũng chẳng "đáng ngạc nhiên" - là cớ sao nhà nước không cấp cho "công nhân" cũng một loại "tài sản của nhà nước" như vậy dưới hình thức "thái ấp"? Nếu thánh Ma-xơ tự đặt cho mình câu hỏi ấy thì ông ta có lẽ không cần phải tạo ra cái hư cấu về giai cấp thị dân "thần thánh", vì lúc đó ông ta tất nhiên sẽ nhìn thấy mối quan hệ giữa người hữu sản và nhà nước hiện đại.

Qua sự đối lập của giai cấp tư sản với giai cấp vô sản, - điều này ngay cả "Stiếc-nơ" cũng đã biết, - người ta đi tới chủ nghĩa cộng sản. Nhưng người ta đi tới đó như thế nào, thì chỉ có "Stiếc-nơ" mới biết thôi.

"Công nhân nắm trong tay một lực lượng cực kỳ to lớn... họ chỉ cần đình công và coi sản phẩm do họ làm ra là tài sản của họ và vật phẩm tiêu dùng của họ. Đó là ý nghĩa của những cuộc bạo động của công nhân đang nổ ra chỗ này, chỗ nọ" (tr.153).

Những cuộc bạo động của công nhân đã dẫn đến đạo luật đặc biệt (Zeno, de novis operibus constitutio1*) dưới thời Dê-nông, hoàng đế của Bi-dăng-xơ; chúng "đã nổ ra" trong thế kỷ XIV dưới hình thức khởi nghĩa của nông dân Pháp và khởi nghĩa của Uốt Tai-lơ; chúng "đã nổ ra" vào năm 1518 dưới hình thức vụ Evil May-day[7] ở Luân Đôn, vào năm 1549 dưới hình thức cuộc khởi nghĩa lớn của người thợ thuộc da Két, và sau đó, đã dẫn đến việc ban hành pháp lệnh số 15, năm thứ 2 và năm thứ 3 của triều đại Ê-đu-a VI, và một loạt những pháp lệnh tương tự của Nghị viện; những vụ bạo động tiếp ngay sau đó vào năm 1640 và 1659 (trong năm này đã có tám vụ khởi nghĩa) đã nổ ra ở Pa-ri, và kề từ thế kỷ XIV trở đi thì luôn luôn nổ ra ở Pháp và ở Anh, nếu căn cứ vào pháp chế thời ấy mà xét; những cuộc chiến tranh liên miên, nổ ra ở Anh từ năm 1770 và ở Pháp từ thời kỳ cách mạng, đã được công nhân dùng bạo lực và mưu trí để tiến hành chống giai cấp tư sản, - tất cả, đối với thánh Ma-xơ để chỉ tồn tại "chỗ này, chỗ nọ" ở Xi-lê-di, ở Pô-dơ-nan, ở Mác-đơ-buốc và ở Béc-lin, "như báo chí Đức đã đưa tin".

Sản phẩm làm ra, theo sự tưởng tượng của Jacques le bonhomme, có thể tiếp tục tồn tại và được tái sản xuất ra như là đối tượng của sự "xem xét" và sự "tiêu dùng", dù cho người sản xuất có "đình công" đi nữa.

Cũng như trong vấn đề tiền tệ ở trên kia, bây giờ người thị dân lương thiện của chúng ta lại biến người "công nhân" ở rải rác trên khắp thế giới văn minh thành một đoàn thể hẹp, tức là một đoàn thể chỉ cần thông qua một quyết định nào đó là có thể thoát khỏi mọi khó khăn. Đương nhiên thánh Ma-xơ không biết rằng chỉ riêng từ năm 1850, ở Anh, người ta đã thí nghiệm ít nhất năm mươi lần, và bây giờ người ta còn đang thí nghiệm thêm một lần nữa về liên hợp tất cả công nhân, dù chỉ riêng công nhân Anh, thành một hội liên hiệp thống nhất; rằng những nguyên nhân kinh nghiệm chủ nghĩa đã gây trở ngại nghiêm trọng cho việc thực hiện có hiệu quả tất cả những kế hoạch ấy. Ông ta không biết rằng ngay cả một số nhỏ công nhân, nếu họ liên hợp lại để đình công thì sẽ nhanh chóng sa vào tình thế bắt buộc phải nổi lên làm cách mạng, đó là sự thực mà ông ta có thể thấy rõ qua cuộc khởi nghĩa ở Anh năm 1842 và qua cuộc khởi nghĩa nổ ra trước hơn nữa là cuộc khởi nghĩa Oen-xơ năm 1839, lúc mà tinh thần sôi sục cách mạng trong công nhân lần đầu tiên đã được biểu hiện một cách đầy đủ trong cái "tháng thần thánh" được tuyên bố đồng thời với việc võ trang toàn dân. Ở đây, chúng ta lại thấy thánh Ma-xơ luôn luôn ra sức bắt người ta tiếp thu điều vô nghĩa của ông ta coi như "ý nghĩa sâu sắc nhất" của sự thực lịch sử (ông ta có thể làm được điều đó hoạ chăng chỉ đối với "người nào đó" của ông ta mà thôi), - những sự thực lịch sử mà "ông ta đưa vào đó ý tứ của mình và như vậy thì chúng tất phải dẫn tới điều vô nghĩa" (Vi-găng, tr.194). Song không một người vô sản nào lại có thể nghĩ đến việc thỉnh giáo thánh Ma-xơ về vấn đề "ý nghĩa" của phong trào vô sản, hoặc xin ông ta chỉ bảo cho biết rằng hiện giờ cần phải hành động như thế nào để chống giai cấp tư sản.

Sau khi hoàn thành cuộc chinh phạt vĩ đại ấy, thánh Xăng-sô của chúng ta quay về phía ả Ma-ri-toóc-nơ của mình và kêu lên rằng:

"Nhà nước được xây dựng trên chế độ nô lệ của lao động. Nếu lao động trở thành tự do, nhà nước sẽ bị diệt vong (tr.153).

Nhà nước hiện đại, tức là sự thống trị của giai cấp tư sản, được xây dựng trên tự do của lao động. Cùng với tự do của tôn giáo, của nhà nước, của tư duy, v.v., - và "đôi khi" "cũng" "có thể" là cùng với tự do của lao động - không phải là Tôi được tự do mà chỉ là người đó trong những người nô dịch tôi - ý kiến ấy đã bị chính bản thân thánh Ma-xơ sao chép - nhiều lần, dưới hình thức rất lố bịch - trong "Deutsch-Französische Jahrbücher". Tự do của lao động là tự do cạnh tranh giữa công nhân với nhau. Thánh Ma-xơ rất không may trong kinh tế chính trị học cũng như trong tất cả những lĩnh vực khác. Lao động đã trở thành tự do trong tất cả các nước văn minh; vấn đề bây giờ không phải là giải phóng lao động, mà là xoá bỏ cái lao động tự do ấy.

 



[1] I. Kant. "Critik der practichen Vernunft". Riga, 1788 (I.Can-tơ. "Phê phán lý tính thực tiễn". Ri-ga, 1788).

1* - trưởng giả tỉnh lẻ

1* - bừa bãi

[2] "Tu-gen-đơ-bun-đơ" ("Tugendbund" - "Hội đạo đức") là một đoàn thể chính trị bí mật ra đời ở Phổ năm 1808. Hội này đề ra mục tiêu phát động tinh thần yêu nước, phát động cuộc đấu tranh nhằm giải phóng đất nước khỏi sự chiếm đóng của Na-pô-lê-ông và nhằm thiết lập chế độ lập hiến. Sau khi Na-pô-lê-ông thất bại, tổ chức này đã bị đàn áp vì đòi hiến pháp và chẳng bao lâu thì bị tan rã.

[3] Có ý muốn nói đến cuốn sách của L.Blanc. "Histoire de dix ans. 1830-1840". T.I - V. Paris, 1841 - 1844 (L.Blăng. "Lịch sử mười năm 1830 - 1840", T.I - V. Pa-ri, 1841 - 1844), bản dịch tiếng Đức của L.Bun xuất bản ở Béc-lin vào những năm 1844 - 1845.

1) Trong "Deutsch - Französische Jahrbücher", căn cứ theo tính chất của vấn đề được trình bày, điều đã được bóc trần chỉ nhằm nói về quyền của con người mà Cách mạng Pháp đã tuyên bố. Song toàn bộ quan điểm ấy về cạnh tranh coi cạnh tranh là "quyền của con người' thì có thể thấy ở những đại diện của giai cấp tư sản cách đó một thế kỷ (Giôn Hem-pơ-đen, Pét-ti, Boa-ghin-be, Sai-đơ, v.v.). Về mối quan hệ của những người tự do chủ nghĩa lý luận với người tư sản, xem điều đã nói ở trên về quan hệ của những nhà tư tưởng của giai cấp với bản thân giai cấp.

 

1* - người tư sản

2* - công dân

 

1* - năm

2* Tiếp theo là đoạn bị gạch bỏ trong bản thảo: "đối với ông ta như vậy là "đạt được mục đích cuối cùng" của mọi sự phê phán và tắt đèn nhà ngói cũng như nhà tranh; như vậy là ông ta cũng thừa nhận sự dốt nát của mình về cơ sở hiện thực và bản chất hiện thực của sự thống trị của giai cấp tư sản".

3* - ông bạn của tôi ơi

[4] Cercle social (Câu lạc bộ xã hội) là một tổ chức do các đại biểu của tầng lớp trí thức dân chủ thành lập, hoạt động ở Pa-ri trong những năm đầu của cuộc cách mạng tư sản Pháp hồi cuối thế kỷ XVIII. Sở dĩ Cercle social có địa vị trong lịch sử tư tưởng cộng sản chủ nghĩa là vì nhà tư tưởng của tổ chức này C.Phô-sê đã đề ra yêu cầu chia đều ruộng đất, hạn chế các tài sản lớn, đòi cho tất cả công dân có năng lực lao động phải có công ăn việc làm. Sự phê phán của C.Phô-sê đối với sự bình đẳng hình thức được công bố trong các văn kiện của cách mạng Pháp, đã thúc đẩy người lãnh đạo của phái "điên" tức Giắc-cơ Ru, phát biểu về vấn đề này, một cách táo bạo hơn nhiều.

1* - ai lo phận nấy, ai biết phận nấy

2* - đến nơi đến chốn

[5] Trích dẫn bài báo không ký tên "Nước Phổ kể từ khi An-đơ được bổ nhiệm cho đến khi Bau-ơ bị bãi chức" trong tập "Einundzwanzig Bogen aus der Schweiz", ("Hai mươi mốt trang gửi từ Thụy Sĩ") do nhà thơ Héc-vếch, một người dân chủ tiểu tư sản, xuất bản vào năm 1843 tại Xuy-rích và Vin-téc-tua.

1* - bằng đồng vị ngữ

[6] J.Wade. "History of the Middle and Working Classes". 3rd ed., London, 1835
(G.U-ê-đơ. "Lịch sử giai cấp trung sản và giai cấp công nhân". Xuất bản lần thứ ba, Luân Đôn, 1835).

1* - trạng thái

1* - Sắc lệnh về lao động mới của Dê-nông

[7] Evil May-day (Ngày đen tối trong tháng Năm) - cuộc khởi nghĩa ngày 1 tháng Năm 1518 của những người dân thành thị ở Luân Đôn nhằm chống lại sự thao túng của bọn thương nhân nước ngoài đã đi vào lịch sử với cái tên như vậy; tham gia cuộc khởi nghĩa ấy, chủ yếu là các tầng lớp dưới thành thị.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt