Triết học xã hội

Nhiệm vụ của cá nhân

 

NHIỆM VỤ CỦA CÁ NHÂN

BERTRAND RUSSELL tr li phng vn Woodrow Wyatt

MỤC LỤC

  1. Triết lý là cái gì vậy?
  2. Tôn giáo
  3. Chiến tranh và chủ nghĩa hòa bình
  4. Xã hội chủ nghĩa và tư bản
  5. Luân lý “ta bu”
  6. Quyền hành
  7. Thế nào là hạnh phúc?
  8. Chủ nghĩa quốc gia
  9. Nhiệm vụ của cá nhân
  10. Cuồng tín và bao dung
  11. Bom H
  12. Tương lai nhân loại

Theo cụ, cá nhân có nhiệm vụ gì?

BERTRAND RUSSELL: Trước hết tôi tự hỏi một cá nhân có thể làm được gì khi đứng ngoài một tổ chức. Có nhiều hoạt động quan trọng, hữu ích, đáng mong mà cá nhân đã đeo đuổi, một mình từ trước tới nay, không nhớ một đoàn thể nào giúp đỡ; nhưng bây giờ các hoạt động đó càng tùy thuộc các tổ chức, mỗi ngày mỗi nhiều. Ngày xưa các khoa học gia đại tài như Copernic, Galiee, Newton, Darwwin không trông cậy vào một tổ chức mạnh mẽ nào cả. Họ làm việc một mình và làm như vậy. Tôi đã gặp ở California:- một nhà thiên văn học trác tuyệt tuyệt đáng quí, sở dĩ ông ta làm việc rất có kết quả là nhờ những kính viễn vọng rất mạnh mà một nhà hảo tâm đã tặng một đài thiên văn nào đó. Trong một bữa tối, ông ta cho tôi hay rằng nếu ông không biết lấy lòng một đại phú ông nọ thì không sao làm việc được.

Cụ có thấy giải pháp nào không?

B.R: Về vấn đề đặc biệt đó, tôi không thấy có giải pháp nào cả, trừ phi là mọi người đều tích cực quan tâm tới sự tấn bộ của kiến thức loài người. Hi vọng đó mơ hồ quá, tôi biết vậy, nhưng cách nào khác đâu?

Cụ đã nói tới những dụng cụ rất tốn kém. Nếu mình muốn có những dụng cụ đó thì đòi hỏi nào, làm sao cho ngừi ta chấp nhận mình có quyền dùng nó?

B.R: Ông đưa vấn đề đó ra cho các bạn đồng sự biểu quyết. May thay, trong ngành khoa học dễ lường được khả năng của một người. Về nghệ thuật thì khác hẳn. Một thi sĩ, họa sĩ, kiến trúc sư được người đồng thời hoan nghênh, thường không phải là những nhà đại canh tân; hạng đại canh tân thường không được người đồng thời ưa. Nỗi khó khăn là ở đó.

Chúng ta phải đào sâu cái ý tự do đó trong văn hóa và trong khoa học nào. Cụ thấy nó có ý nghĩa gì đối với cộng đồng?

B.R: Tôi đã có lần nói rằng những xung động quyết định thái độ, hành động của ta có thể đại khái chia làm hai hạng: hạng sáng tác và hạng chiếm hữu. Sáng tác là tạo ra một cái gì chưa có, chứ không phải là chiếm của người khác. Chiếm hữu là lấy một cái gì đã có sẵn đó rồi, chẳng hạn một khúc bánh. Bình thường, có cả hai cơ năng đó: phải chiếm hữu mới duy trì đời sống của mình được; nhưng những xung động thực cao đẹp nhất; xét trong phạm vi tự do, là những xung động sáng tạo. Ông làm một bài thơ, điều đó không ngăn cản một người nào khác làm một bài thơ khác. Ông vẽ một bức họa, cái đó không ngăn cản một người nào khác vẽ một bức họa khác. Những hoạt động đó không làm hại gì ai cả. Vậy nó đáng được hoàn toàn tự do.

Cụ cho rằng trong văn hóa và khoa học sự tự do đã suy kém rồi sao?

B.R: Phải, gần như không tránh được điều đó. Trong khi vực nghệ thuật thì không tới nỗi nào, nhưng trong khu vực khoa học thì chắc chắn vậy -  do lẽ tôi đã trình bầy lúc nãy. Dụng cụ khoa học bây giờ đắt tiền quá chừng. Ngày nay không còn một Galilee nào có được một kính viễn vọng riêng mình. Không ai tự chế tạo lấy kính viễn vọng cho mình được.

Nhưng dù sao các nhà bác học ngày nay cũng được một cái lợi hiển nhiên. Họ có thể đưa ra một thuyết mới mà không sợ bị chặt đầu như các nhà phát kiến thời xưa.

B.R: Tôi không chắc chắn điều đó lắm. Xét chung thì người ta không chặt đầu họ nữa, nhưng nếu họ không để tỏa ra một hướng chính kiến chính thống -  điều đó vẫn xảy ra – thì người ta không cho họ vô những phòng thí nghiệm cần thiết cho công việc của họ.

Nhưng từ xưa, đã có thời nào khoa học và văn hóa được tự do không?

B.R: Không. Chưa bao giờ. Những người đạt được một tiến bộ nào trong bất kì hướng nào, luôn luôn gây một sự chống đối hoàn toàn trong quần chúng.

Thí dụ?

B.R: Copernic, Galilee. Những phát kiến của họ đã làm cho họ lúng túng, khổ sở. Rồi Darwin nữa mà thời đó người ta coi là một kẻ trụy lạc không biết gọi bằng tên gì. Người nào thực hện được một tiến bộ gì cũng bị thiên hạ khinh ghét như vậy.

Như vậy chẳng là một điều tốt ư? Một đề nghị nào đó có thể là một tiến bộ, mà cũng có thể không. Sự chống đối là một sự thử thách. Nhờ chống đối mà ta bỏ được hết những lí thuyết mù mờ họ cố nhồi vào óc ta.

B.R: Tôi không nghĩ rằng những thuyết mù mờ bị gạt bỏ đâu. Theo chỗ tôi biết, bất kì xứ nào trên thế giới này, chính quyền nào cũng thích và nâng đỡ các lí thuyết mù mờ. Các lí thuyết hữu hiệu mới riêng bị cái nạn chống đối, chống đối mạnh. Sự thực, lời ông nói đó có phần đúng. Sự chống đối có tác động kích thích, nếu nó không nghiêm khắc quá. Nếu không thì nó chẳng kích thích gì cả. Khi ông bị người ta chặt đầu thì ông suy nghĩ kém mạnh đi nhiều.

Tại sao có biết bao sáng kiến làm thiên hạ tức giận nhỉ?

B.R: Tôi cho rằng thiên hạ không thấy được yên ổn nữa. Con người cũng như con vật, cần cảm thấy rằng mình được an toàn, được sống trong một nơi không bị một nguy hiểm bất ngờ nào đe dọa. Nếu một người nào đó lại bảo ông rằng một điều nào đó từ trước ông vẫn tin, thực ra là sai, thì ông sẽ bị xúc động ghê gớm, tự nghĩ: “Mình ở đâu vậy? Mình tưởng tượng chân mình chạm đất, có lẽ sai chăng?” Và ông đâm hoảng.

Cái đó đúng về phạm vi tư tưởng hơn là phạm vi áp dụng khoa học. Một khí cụ để lên cung trăng, phát minh đó không làm ai khó chịu cả.

B.R: Không. Trái lại, có một cái đáng lí làm cho mọi người khó chịu – mà sự thực chỉ có một số người khó chịu, số này ít hơn là tôi tưởng – tức cái khi cụ có thể tận diệt được nhân loại ấy. Mà khí cụ đó là sản phẩm của khoa học.

Lúc này tôi nghĩ tới cái khác kia, tới những phát minh như vô tuyến truyền hình,chẳng làm cho ai phản kháng cả?

B.R: Đó là một sáng chế mới đây, mà những phát minh làm căn bản cho những sáng chế mới đó, thường có những hậu quả trên khu vực tư tưởng, (khu vực này chính vì vậy mà khác khu vực kĩ thuật), mà những hậu quả đó làm cho nhiều người thấy chướng.

Cụ rất coi trọng vấn đề nhiệm vụ cá nhân đó. Tại sao vậy?

B.R: Chúng ta thấy rằng từ những thời xa xăm nhất, mỗi khi nhân loại tiến được một bước lớn, là nhờ cá nhân cả; và những cá nhân đó gần như luôn luôn gặp phải một sự chống đối dữ dằn của xã hội.

Lòng sợ dư luận quần chứng quá đã ngăn cản nhiều người khiến họ không dám làm cái mà họ cho là tốt, là hợp lí chăng?

B.R: Phải, và hậu quả có thể sâu xa, nhất là những thời náo động, quần chúng cuồng loạn dự vào. Đương đầu với sự cuồng loạn của quần chúng, cái đó thật là khủng khiếp, nhiều người không dám đành bỏ, vì rốt cuộc thì sự lầm lẫn sẽ thắng kia mà.

Các nhà bác học và các nghệ sĩ cũng bị cảnh đó sao?

B.R: Phải, tôi nghĩ vậy. Các nhà bác học được cái lợi này là có thể thỉnh thoảng chứng minh rằng mình có lí. Nhưng các nghệ sĩ thì không được thế; không có hi vọng được chuẩn y. Tình cảnh họ vì cậy còn đáng thương hơn nữa. Mặc dù vậy, nhà khoa học thời nay không luôn luôn được yên ổn, nếu phát minh được điều gì không hợp ý chính quyền thì có thể bị nhiều nỗi phiền lụy đắng cay lắm.

Cụ có nghĩ rằng ở Tây phương, nhà khoa học cũng không có thể thoát cảnh đó sao?

B.R: Có mà không. Cái đó một phần còn tùy danh vọng của nhà bác học, một phần còn tùy những chứng cứ ông ta có thể đưa ra được và tùy ông ta có làm phiền bên hành chánh nhiều không.

Cụ có nghĩ sao về trường hợp các nhà tư tưởng, tôi muốn nói những người không phải là nghệ sĩ, cũng không phải là những nhà bác học nghiên cứu về những vấn đề thực tế?

B.R: Còn tùy. Nhiều nhà tư tưởng không muốn trình bày trước công chúng những ý kiến có thể làm cho công chúng chê bai, khiển trách họ được.

Còn có những nhà không thuộc hạng đó…

B.R: Đây là một trường hợp đặc biệt. Việc xảy ra ở Mĩ sau thế chiến thứ nhất. Hai người đàn ông, Sacco và Vanzetti bị tố cáo là giết người. Chưa đủ chứng cứ. Sau khi xử tội họ rồi, người ta phái một ủy ban xét kĩ những chứng cứ đó. Viện trưởng Viện Đại học Harvard ở trong ủy ban. Nhân viên trong ủy ban cho rằng hai người đó có tội và người ta hành hình họ. Mà tất cả những người đã xét những chứng cứ đó một cách vô tư đều nhận rằng không đáng để xử tử.

Cụ muốn nói rằng Viện trưởng Đại học Harvard biết rằng hai người đó không có tội ư?

B.R: Tôi nghĩ rằng ông ấy đã biết vậy. Tôi không dám nói chắc gì hết vì tôi không thể đọc trong tâm hồn ông ta được. Nhưng tôi nghĩ rằng ông ta đã biết vậy.

Biết mà vẫn xử tử vì sợ dư luận quần chúng?

B.R: Phải

Bây giờ chúng ta qua một vấn đề khác: phần tự do mà một cá nhân phải hi sinh để cho xã hội đứng vững được.

B.R: Tôi nghĩ rằng trật tự của xã hội phải được bảo vệ: đó là điểm cốt yếu. Phải gắng sức tránh cho xã hội nạn trộm cướp, giết người, vân vân. Trật tự trong nước đó được bảo đảm tới mức nào nhờ cơ quan cảnh sát. Những sự hạn chế tự do đó hoàn toàn cần thiết, nhất là khi cộng đồng rất đông người. Ông coi luật đi đường chẳng hạn. Hồi tôi trẻ, gần như không có vấn đề rắc rối gì cả. Bây giờ có những luật lệ rất mật. Ông thử không giữ đúng luật mà xem, sẽ gây biết bao sự bực mình, rắc rối cho ông và cho người khác. Thế giới ngày nay đông nghẹt người, cho nên tôi nghĩ rằng một số tự do nào đó mà hồi xưa các quốc gia nhiệt tâm duy trì, bây giờ hóa ra có hại. Các quốc gia ngày nay rất cần có cái “luật đi đường” với nhau.

Nghĩa là phải hạn chế thêm nhiều điều?

B.R: Phải, vì sự tự do của một quốc gia có thể tới mức phi lí. Các chính khách trong đảng xã hội đã đưa ra nhiều lí lẽ để bênh vực chính sách quốc hữu các tài nguyên thiên nhiên trong nước; các lí lẽ đó ngày nay cũng dùng được để quốc tế hóa các tài nguyên đó. Thí dụ này nổi bật nhất: dầu lửa. Thật là nhiều điều vô lí mà một quốc gia nhỏ xíu, chỉ vì đất đai có nhiều mỏ dầu phong phú, mà được quyền chuyên đoán, muốn dùng tài nguyên đó ra sao tùy ý.

Cụ nghĩ có cần mở rộng các tự do không?

B.R: Tôi nghĩ rằng sự tự do phải được tăng lên trong phạm vi tinh thần. Và nếu có cần giảm nó thì phải giảm trong khu vực mà tôi gọi là khu vực chiếm hữu.

 


Nguồn: Bertrand Russell. Thế giới ngày nay và tương lai nhân loại, Nguyễn Hiến Lê dịch Nxb. Văn Hóa, Hà Nội, 1996. Phiên bản điện tử do triethoc.edu.vn thực hiện.

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt