Thuật ngữ chuyên biệt

Khái niệm "Bản thể" trong triết học Hegel

 

KHÁI NIỆM "BẢN THỂ" TRONG TRIẾT HỌC HEGEL

(Đức: Substanz; Anh: substance)

 

MICHAEL INWOOD

CÙ NGỌC PHƯƠNG dịch

 


Michael Inwood. Từ Điển Triết Học Hegel. Bùi Văn Nam Sơn và cộng sự dịch. Nxb. Tri thức. Hà Nội, 2015.


 

 

Chữ Substanz đã đi vào tiếng Đức thời Trung đại từ chữ La-tinh substantia, đến lượt nó, substantia bắt nguồn từ động từ substare (“đứng dưới, ở dưới, có mặt”). Nghĩa gốc của nó vì thế giống với nghĩa gốc của chữ “SUBJECT”, nhưng được liên kết với chữ Hy Lạp ousia (“tồn tại, bản thể, v.v.”, từ động từ eïnaï, “tồn tại”) hơn là với chữ to hypokeimenon (“cơ chất”). Những nét nghĩa của nó gần với chữ “substance” trong tiếng Anh: (1) chất liệu, vật chất, một loại chất liệu; (2) cái gì đó độc lập thường tồn, tương phản với những “tùy thể” (Akzidenz (en)), những thuộc tính, và/hay những “thể cách” phụ thuộc vào nó; (3) BẢN CHẤT thường tồn của một vật; (4) NỘI DUNG bản chất của, ví dụ, một cuốn sách, tương phản với HÌNH THỨC hay sự diễn đạt của nó; (5) sự sở hữu, sự chiếm hữu.

Nghĩa thống trị của chữ “bản thể” trong triết học trước-Hegel là (2). Descartes định nghĩa bản thể là “một vật hiện hữu theo cách không cần đến bất cứ vật nào khác cho sự hiện hữu của nó”. Ông thừa nhận có bản thể tư duy và bản thể quảng tính, cả hai đều do bản thể tuyệt đối, tức THƯỢNG ĐẾ, sáng tạo ra. Spinoza định nghĩa bản thể là “cái tồn tại tự thân và được quan niệm bởi chính nó, nghĩa là khái niệm của nó không cần đến khái niệm của cái khác để được hình thành”. Khi tin rằng sự đa tạp của các bản thể là không tương thích với ĐỊNH NGHĨA này, cũng như với định nghĩa của Descartes, nên Spinoza cho rằng chỉ có duy nhất một bản thể mà thôi. Bản thể này có vô số các thuộc tính, nhưng chỉ có hai thuộc tính mà ta có thể biết được, đó là: tư duy và quảng tính. Các sự vật HỮU HẠN, kể cả con người, là những “thể cách” của các thuộc tính này; thuộc nhóm mang thuộc tính tư duy, các thể cách này là các Ý NIỆM, còn thuộc nhóm mang thuộc tính quảng tính là các vật thể. Tư tưởng của Spinoza đã được hồi sinh vào cuối thế kỷ XVIII. Goethe và Herder đã xem bản thể của ông như một cái TOÀN BỘ hữu cơ, một toàn thể các LỰC sống. Ngược lại, Hegel xem thuyết Spinoza như là Akosmismus [thuyết vô vũ trụ], một sự “phủ nhận thế giới”, vì nó cho rằng chỉ có THƯỢNG ĐẾ hay bản thể là hoàn toàn hiện thực, trong khi các sự vật nơi thế gian chỉ là những HIỆN TƯỢNG/ẢO TƯỢNG (Scheine). Ông thường nghĩ đến Spinoza khi dùng Substanz theo nghĩa triết học.

Ở Kant, Substanz giữ vai trò hạn chế hơn, những nét nghĩa chính của nó nơi Kant là: (1) Chủ từ lô-gíc, có những thuộc từ gắn với nó và nó không làm thuộc từ cho bất cứ cái gì khác. (Theo nghĩa này, cái TÔI là một bản thể). (2) Một cái gì đó tương đối độc lập vẫn thường tồn qua nhiều sự thay đổi trong các tùy thể của nó. (Theo nghĩa này, cái Tôi hay chủ thể không phải là một bản thể). (3) Cái thường tồn qua “mọi sự thay đổi của các hiện tượng” và “lượng” của nó trong tự nhiên không tăng cũng không giảm” (PPLTTT, A182, B224). (Theo nghĩa này, chỉ có một bản thể, đó là VẬT CHẤT). Quan điểm của Hegel về Substanz không chịu quá nhiều ảnh hưởng của Kant. Nhưng trong Lô-gíc học, ông lại theo Kant khi xem xét nó như là hạn từ thứ nhất trong BỘ BA: bản thể, TÍNH NHÂN QUẢ, và TÍNH TƯƠNG TÁC.

Trong Lô-gíc học, Hegel phát biểu như thể chỉ có một bản thể duy nhất. Có nhiều lý do cho điều này: (1) Vì khi nghiên cứu về cái TUYỆT ĐỐI, ông nghĩ đến học thuyết Spinoza. (2) Nếu thoạt đầu, ta có thói quen coi nhẹ các tùy thể đa dạng và hay thay đổi của sự vật và tập trung vào cái bản thể trần trụi nằm bên dưới, thì sự dị biệt hóa các bản thể riêng biệt là có vấn đề. (3) Vì một bản thể tự sản sinh ra các tùy thể của nó, nên bất luận thế nào, bản thể cũng có tính độc lập tương đối với các bản thể khác và chúng không tham gia vào sự nghiên cứu thoạt đầu của ta về nó. Sự tương tác của hai hay nhiều bản thể thì lại được Hegel xem xét không phải dưới đề mục “bản thể” mà dưới đề mục “tính tương tác”.”

“Bản thể luôn trong trạng thái hoạt động không ngừng nghỉ: sản sinh và giải thể các tùy thể của nó. Bản thể xuất hiện ra hay “ánh hiện” trong các tùy thể của nó và các tùy thể ấy là ÁNH TƯỢNG (Schein) của nó. Nhưng sự ánh hiện này không chỉ tạo ra các tùy thể, mà cả bản thân bản thể: bản thể chỉ là bản thể nhờ vào việc sản sinh và giải thể các tùy thể. Vì vậy, các tùy thể là bản thể hay bao gồm bản thể, cũng hệt như việc bản thể bao gồm các tùy thể của nó.

Hegel thường đối lập bản thể với chủ thể (chủ yếu, chứ không phải duy nhất, là chủ thể người), với khái niệm, và TINH THẦN. Ông lập luận rằng cái tuyệt đối là chủ thể, và cũng là bản thể, rằng bản thể phải trở thành chủ thể, v.v. (chẳng hạn như trong HTHTT, i). Ông nghĩ đến một số điểm sau đây:

1. Bản thể của Spinoza, khác với Thượng Đế của Kitô giáo, không phải là một NGÔI VỊ hay chủ thể, và vì thế không có cái đặc trưng thống nhất của một chủ thể (BKT I, §151A).

2. Vẫn chưa có lời giải thích thỏa đáng nào về việc bản thể sinh ra các tùy thể hay bản thể phân thù ra thành những thuộc tính. Hegel đã hiểu nhầm định nghĩa của Spinoza về thuộc tính (“cái mà trí năng nhận biết về bản thể như là cái đang cấu tạo nên bản chất của nó”) theo nghĩa bản thể chỉ có các thuộc tính trong chừng mực chúng xuất hiện ra cho giác tính. Nhưng giác tính này hoặc bản thân là một thể cách của bản thể, và vì thế tiền-giả-định sự tự-phân-thù thành những thuộc tính, hoặc được đặt ở bên ngoài bản thể một cách không nhất quán.

3. Các tùy thể (hay các thể cách) của bản thể tự chúng không phải là những chủ thể độc lập thực sự. Con người chẳng qua chỉ là những biến thái của bản thể.

4. Một lý do tại sao các thể cách không phải là những chủ thể độc lập, đó là, trong khuôn khổ của Spinoza, điều này ắt hẳn không tương thích với việc chúng đều thuộc về một bản thể duy nhất, vì Spinoza không cung cấp cơ chế thỏa đáng nào cho sự quy hồi các thực thể độc lập vào trong bản thể: thực vậy, ông chỉ đơn giản yêu sách rằng mọi thứ (kể cả ông) đều là một trong cái tuyệt đối.

Ngược lại, theo quan điểm của Hegel, Thượng Đế (ở cấp độ TÔN GIÁO) là một ngôi vị, và (ở cấp độ triết học) thì Thượng Đế là một KHÁI NIỆM. Điều này giải thích sự xuất hiện của các chủ thể độc lập. Các hoạt động nhận thức, thực tiễn và tôn giáo của các chủ thể này (đồng nghĩa với TỰ-Ý-THỨC của Thượng Đế) đưa chúng và các thực thể khác, trở lại với sự thống nhất. (Một cách có cơ sở, Spinoza đã tiên đoán được về điều này nhiều hơn là Hegel thừa nhận, chẳng hạn, như trong học thuyết của Spinoza rằng “tình yêu trí tuệ của tinh thần [con người] dành cho Thượng Đế là một bộ phận của tình yêu vô hạn mà Thượng Đế yêu chính bản thân Ngài. Hegel cũng thảo luận điều này trong các văn cảnh khác, ví dụ như ở BKT I, §158A., nhưng không phải trong văn cảnh về bản thể).”

Khái niệm Substanz ở Hegel giữ một vai trò quan trọng trong nghiên cứu của ông về PHÁP QUYỀN và ĐỜI SỐNG ĐẠO ĐỨC. Một cộng đồng xã hội hay chính trị không thể chỉ gồm những chủ thể, những cá nhân luôn biết phản tư trong tư tưởng và hành vi của mình, như các nhà lý thuyết phái khế ước [xã hội] đã ngụ ý. Nó tiền giả định một bối cảnh của các mối quan hệ và các hành động thiếu tính phản tư, ở đó người ta không nổi bật lên như là các chủ thể cá nhân. (Tương tự vậy, diễn ngôn triết học hay văn học có tính phản tư tiền giả định một bối cảnh của diễn ngôn đời thường thiếu tính phản tư). Bối cảnh này chính là “bản thể đạo đức” làm cơ sở cho cộng đồng. Các thành quốc Hy Lạp cổ đại chủ yếu là “có tính bản thể”, với các chủ thể chỉ xuất hiện mờ nhạt. Nhưng nhà nước hiện đại thì có ba yếu tố:

(1) Một bối cảnh hoàn toàn có tính bản thể, trong đó các cá nhân được hợp nhất bởi những mối dây ràng buộc thiếu tính phản tư của XÚC CẢM và tình cảm, ví dụ như GIA ĐÌNH và, ở cấp độ NHÀ NƯỚC, đó là giai cấp nông dân.

(2) Sự xuất hiện của các chủ thể phản tư, tự tư tự lợi trong XÃ HỘI DÂN SỰ, và cũng trong cả những chủ thể LUÂN LÝ có tính phản tư.

“(3) Sự tái thống nhất của các chủ thể độc lập trong Nhà nước, (không giống như trong xã hội dân sự) bản thân là một chủ thể đơn nhất, được đại diện bởi một quốc vương, và (không giống như gia đình) đòi hỏi sự tán thành hợp lý tính có tính phản tư của các thành viên.

Theo quan điểm của Hegel, chỉ trong một nhà nước có độ thống nhất cao, vượt xa so với thành quốc Hy Lạp, mới có thể xuất hiện các chủ thể độc lập tự tồn; nếu không có một nhà nước như thế, xã hội sẽ tan rã thành một tập hợp của những cá nhân.

Vì thế, theo quan điểm của Hegel, bản thể đạo đức, trong hình thức của nhà nước hiện đại, phản ánh vũ trụ như một toàn bộ. Học thuyết của Spinoza phản ánh thành quốc Hy Lạp, và theo Hegel, bộc lộ tính bất ổn định tương tự.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Quang Nguyên - 14:22 23/02/2024
Nói về Bản Thể một cách ngắn gọn mà hiểu đầy đủ hơn Như sau: Chu Kỳ Sanh Tiến Hoá của Bản Thể Nhân Loại nầy, được gọi là: “Nhứt Bản Tán Vạn Thù, Vạn Thù Quy Nhứt Bản”.
Khái niệm về chu kỳ của Bản Thể Nhân Loại, ở đây nói về phương diện, Trí Giác, tinh thần. Nhứt Bản Tán Vạn Thù, nghĩa là bản thể nhân loại từ thuở sơ khai con người chưa hiểu biết gì về tự nhiên và xã hội, chưa làm ra được gì cho cá nhân và xã hội, và xã hội chưa có giai cấp, đó là một Chân Lý Đồng Nhứt, là Nhứt Bản chu kỳ từng bước sanh hoá ra các hệ phái tư tưởng khác nhau gồm cả đời la các trường phái xã hội, gồm cả đạo là các tôn giáo, gọi chung là Vạn Thù (vạn hữu sai khác, bất đồng, tranh chấp) trong một bản thể. Đến khi kết thúc khu kỳ, theo định luật Vạn Thù Quy Nhứt Bản là vạn thù sai khác bất đồng phải quy về lại với Chân Lý Đồng Nhứt thuở sơ khai thì vạn thù bất đồng của thế giới nhân loại nầy sẽ được hoà bình, đồng nhứt. Đó là chu kỳ Dịch Lý đầu tiên là của Bản Thể Vũ Trụ, đã thành lập nên vũ trụ, và đã phổ biến lặp lại trong mỗi bản thể vạn hữu, và đã lặp lại trong bản thể nhân loại chúng ta hôm nay.
Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt