Thuật ngữ chuyên biệt

MARCUS ANTONINUS AURELIUS (121-180)

 

BÁCH KHOA TOÀN THƯ VỀ TRIẾT HỌC CỔ ĐẠI

Donald J. Zeiy (chủ biên)

 

MARCUS ANTONINUS AURELIUS (121-180)

 

 

AURELIUS, Antoninus Marcus (121-180). Hoàng đế La Mã từ năm 161 đến 180. Sinh ra ở Rome, Marcus Aurelius qua đời trong chiến dịch ở Đức. Dù không phải là triết gia chuyên nghiệp, nhưng ông có xu hướng theo chủ nghĩa Khắc kỷ trong niềm tin của mình.

Marcus lên ngôi hoàng đế ở tuổi 40, kế vị cha nuôi Antoninus Pius, sau khi trải qua thời niên thiếu học hành chuyên cần và đảm nhận nhiều chức vụ cấp thấp hơn. Cái chết của ông kết thúc một giai đoạn ổn định và thịnh vượng đặc biệt - theo lời Gibbon, "giai đoạn trong lịch sử thế giới mà điều kiện sống của nhân loại hạnh phúc và thịnh vượng nhất." Các tài liệu lịch sử dạng tường thuật về triều đại của Marcus còn hạn chế về số lượng và chỉ đề cập ngắn gọn đến các sự kiện trong thời kỳ này. Một lượng lớn thông tin về thời trẻ của ông có thể được thu thập từ bộ thư tín giữa ông và Fronto - thầy dạy hùng biện của ông, mà phần đáng kể vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Bởi vì Fronto thường xuyên nhận xét về cái nhìn nghiêm túc của Marcus đối với cuộc sống và cố gắng thuyết phục ông từ bỏ việc nghiên cứu triết học, những lá thư này cũng giúp chúng ta hiểu thêm về xu hướng theo đuổi chủ nghĩa Khắc kỷ của vị hoàng đế. Ngoài ra còn có nhiều mẩu chuyện nhỏ thú vị và những đoạn đối thoại hóm hỉnh.

Danh tiếng triết học của hoàng đế, tuy nhiên, chủ yếu dựa trên một tác phẩm mà thần dân của ông chưa từng thấy, tác phẩm thường được gọi là Những suy tưởng. Tựa đề này không phải là tên gốc; nếu Marcus có đặt tên cho cuốn sách, có lẽ đó là "Gửi bản thân (tôi?)", được tìm thấy ở phần đầu của các bản thảo hiện có. Đây là một cuốn sách gối đầu giường hoặc nhật ký tâm linh, trong đó hoàng đế đã ghi lại những suy nghĩ của mình về cuộc sống con người và sự vận hành của vũ trụ, đồng thời tự thúc giục mình làm việc chăm chỉ hơn để loại bỏ những khuyết điểm đạo đức của mình. Nó được viết bằng tiếng Hy Lạp, ngôn ngữ của triết học, và có nhiều âm hưởng của tư tưởng và ngôn ngữ của Epictetus người Hy Lạp. Chắc chắn nó được viết trong thời kỳ ông làm hoàng đế, và chứng cứ trong tác phẩmcho thấy nó được viết trong những năm cuối đời và trong chiến dịch chống lại các bộ tộc Đức nổi loạn; ông tự nói về mình như một người già, và có nhiều lần nhắc đến cái chết sắp đến của mình. Tác phẩm còn tồn tại đến ngày nay dường như là do sự ngẫu nhiên may mắn. Nó không được biết đến bởi các tácgia cùng thời với ông và trong một thời gian dài sau đó, mặc dù dường như nó đã xuất hiện vào thế kỷ thứ tư. Thời kỳ ảnh hưởng lớn nhất của nó là trong thời hiện đại.

Mặc dù được các biên tập viên hiện đại chia thành mười hai "quyển," mỗi quyển chứa một loạt các "chương," tác phẩm dường như không có cấu trúc rõ ràng. Các phần được gọi là chương có nội dung rất khác nhau, đôi khi chứa đựng một sự trình bày chi tiết và liên tục về một luận điểm của họcthuyết nhưng thường cho rằng nhiều điều là hiển nhiên và chỉ đề cập qua loa vấn đề khó. Các câu cách ngôn ngắn gọn được đặt cạnh các trích dẫn (thường là các câu đạo đức, thỉnh thoảng là các đoạn dài hơn: đặc biệt là 7.38-46, 11.30-9; một số trong đó đến từ Plato, Epictetus, hoặc thậm chí Heraclitus, người mà các nhà Khắc kỷ ngưỡng mộ) và với các lập luận phát triển hơn về sự quan phòng thiêng liêng, sự ngắn ngủi của đời người, và sự cần thiết của nỗ lực đạo đức và lòng khoan dung đối với đồng loại của mình. Điều khiến ta hụt hẫng là những suy nghĩ này hầu như luôn mang tính khái quát: chúng ta không được biết những suy nghĩ riêng tư của Marcus về gia đình, những người trong triều đình, hay chính sách quân sự. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể hình dung được phần nào về cá tính và những điều ông quan tâm.

Quyển thứ nhất của tác phẩm Những suy tưởng là một trường hợp khác, có cấu trúc mạch lạc hơn so với các quyển còn lại. Có thể nó đã được viết một cách độc lập. Ở đây Marcus liệt kê danh sách những người thân cận và một số người thầy của mình, ghi lại những gì ông nợ mỗi người - trong một số trường hợp là một bài học cụ thể, nhưng thường là một tấm gương đạo đức chung. Danh sách này kết thúc bằng hai đoạn dài về những gì ông nợ người tiền nhiệm Antoninus Pius và các vị thần (đoạn 1.16 và 1.17). Mặc dù thường mang tính ám chỉ và khó hiểu, những đoạn này cho chúng ta cái nhìn độc đáo về tâm tư của một nhà cai trị cổ đại, và toàn bộ cuốn sách là một tài liệu cá nhân quý giá.

Vì tính chất tản mạn của các quyển sách còn lại, không dễ dàng để biên soạn một bản tường thuật có hệ thống về tư tưởng của Marcus, và các khái quát sau đây có thể ở một số chỗ sẽ đơn giản hóa quá mức.

Đối với Marcus, cũng như tất cả các nhà Khắc kỷ, vũ trụ là thần minh và lý tính; mọi thứ đều tồn tại vì một mục đích; sự quan phòng đã tổ chức và quy định mọi sự kiện, và cá nhân phải phản ứng một cách sẵn lòng và đóng vai trò thích hợp của mình. Quan điểm đối lập của trường phái Epicurus, cho rằng mọi hiện tượng đều là kết quả của sự chuyển động ngẫu nhiên của các nguyên tử, thường xuyên bị Marcus bác bỏ. Do đó, con người có các nghĩa vụ và trách nhiệm, đối với các vị thần và đối với nhau: những suy tư của Marcus về vật lý học và vũ trụ học nhanh chóng chuyển sang những hàm ýđạo đức của chúng. Những suy tưởng nhấn mạnh đặc biệt đến việc kiểm soát bản thân và tự kỷ luật. Sự tức giận, ham muốn, tham vọng, ghen tị và các cảm xúc không lành mạnh hoặc gây rối khác phải được loại bỏ; sự phẫn nộ trước những gì người khác nói hoặc làm là vô nghĩa. Hiểu rõ hơn về bản tính của những người xung quanh mình sẽ khiến mình trở nên khoan dung hơn. Điều quan trọng là phải sống có đạo đức. Điều có thể gây ngạc nhiên đối với một nhà cai trị là Marcus dường như không đặt nhiều hy vọng vào việc thuyết phục người khác nhận ra sai lầm của họ hay thay đổi những người đã quen với lối sống sai trái. Đối với vấn đề về cái ác, đôi khi Marcus cho rằng đây là một sản phẩm phụ không thể tránh khỏi của những khiếm khuyết trong vũ trụ vật chất, và vào những lúc khác, ông gợi ý rằng, trong viễn cảnh lâu dài của sự vĩnh hằng, cái ác cũng có chỗ của nó và những hành động của những người xấu có hậu quả tốt. Những suy ngẫm về sự quan phòng và thời gian thường dẫn ông đến việc chiêm nghiệm về sự bao la của vũ trụ so với sự nhỏ bé của một kiếp người, và những đoạn văn này có một chất lượng ám ảnh, thường là chất thơ, đã để lại ấn tượng sâu sắc cho nhiều độc giả. Một suy ngẫm điển hình là: "Bất cứ điều gì xảy đến với bạn đều đã được chuẩn bị sẵn cho bạn từ trước trong cõi vĩnh hằng, và sợi chỉ nhân quả đã xe từ muôn thuở cả sự tồn tại của bạn lẫn điều xảy đến với bạn" (10.5) Thuyết định mệnh này không dẫn đến thái độ dửng dưng, mà là một sự kết hợp kỳ lạ giữa quyết tâm và u sầu. Mặc dù quyết tâm kiên trì trong nỗ lực đạo đức của mình, tác giả thường cam chịu sự vô ích của chúng: "Ngay cả khi bạn làm tan nát trái tim mình, họ vẫn sẽ làm như vậy" (8.4); "Ai sẽ thay đổi niềm tin của con người?" (9.29). Marcus cũng bị ám ảnh bởi sự ngắn ngủi của cuộc sống và cách mà tất cả những người vĩ đại, ngay cả các triết gia và hoàng đế, đều phải ra đi và rồi bị quên lãng (ví dụ, 4.32). Về sự tồn tại sau khi chết, ông không chắc chắn; giống như hầu hết các nhà Khắc kỷ, ông dường như đã tin rằng bản chất của linh hồn vẫn tồn tại, nhưng lại do dự khi nói đến sự liên tục của ý thức sau khi chết (đặc biệt là 12.5). Theo một số nhà diễn giải, có một xu hướng mới hướng về thế giới tâm linh trong thuyết Khắc kỷ của Marcus, thường được giải thích bằng cách tham chiếu đến xu hướng Plato hóa trong trường phái này, được cho là bắt nguồn từ Posidonius. Tuy nhiên, nó cũng có thể dễ dàng được quy cho tính cách của chính Marcus.

Đối với con mắt hiện đại, thật đáng thất vọng khi những nguyên tắc cao cả của Marcus không dẫn đến cải cách xã hội hay chính trị triệt để hơn; ông dường như xem triết lý của mình chủ yếu như một khuôn khổ đạo đức cho hành vi hàng ngày và các mối quan hệ cá nhân của chính mình. Nhưng cuốn sách ngắn Những suy tưởng đã tiếp tục mang lại sự an ủi và kích thích cho những độc giả khác nhau như Goethe và Cecil Rhodes.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO: Văn bản Meditations trong J. Dalfen, biên tập, Marcus Aurelius ad se ipsum Libri xii2 (Teubner), Leipzig, 1987. Tr. and comm. trong A. S. L. Farquharson, The Meditations of Marcus Aurelius Antoninus, Oxford, 1944. Asmis, E., ANRW2,32.3, 1989, 2228-52; Brunt, P. A., JRS 64, 1974, 1-20; xem thêm: “Marcus Aurelius and the Christians,” trong C. Deroux, ed., Studies in Latin Literature and Roman History, vol. 1, Brussels, 1979, 483-520; Champlin, E., Fronto and Antonine Rome, Cambridge, MA, 1980; Pohlenz, M., Die Stoa,3 Göttingen, 1964, vol. i, 341-53; Rutherford, R. B., The Meditations of M. Aurelius: A Study, 1989, với bài điểm sách của Brunt, /RS 80,1990,218- 19; Theiler, W., Kaiser Marc Aurel, Wege zu sich selbst, Zürich, 1951.-R. B. RUTHERFORD

Đinh Hồng Phúc dịch 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt