Thuật ngữ chuyên biệt

Niềm tin của sự ngụy tín

 

NIỀM TIN CỦA NGỤY TÍN

FAITH OF BAD FAITH 

 

Còn được gọi là dự phóng nguyên thủy của ngụy tín. Niềm tin của ngụy tín là nguyên thủy vì nó xuất hiện ngay trong giai đoạn đầu trong sự phát triển cá nhân và liên quan đến một niềm tin cơ bản và thơ ngây về bản tính của niềm tin, ảnh hưởng đến tất cả những niềm tin tiếp theo. Nếu một người nhận ra rằng anh ta đang ở trong sự ngụy tín, các dự phóng ngụy tín cụ thể của anh ta sẽ bị phá vỡ; niềm tin của anh ta sẽ bị phơi bày chỉ là những niềm tin thuần túy qua sự chiêm nghiệm của anh ta về chúng. Niềm tin của ngụy tín là một dự phóng nền tảng của ngụy tín luôn nâng đỡ cho các dự phóng ngụy tín cụ thể và không để cho một người nào đó nhận ra rằng anh ta đang ngụy tín. Niềm tin của ngụy tín là niềm tin nền tảng về bản tính của niềm tin. Đó là niềm tin rằng các niềm tin không nên được xem xét và đặt câu hỏi quá kỹ lưỡng; đó là niềm tin rằng các niềm tin không phải tự chính bản tính của chúng đã chứa đựng sự nghi ngờ; đó là niềm tin rằng cácniềm tin không chỉ đơn thuần là những niềm tin. Niềm tin rằng niềm tin không chỉ là những niềm tin đơn thuần là tự phục vụ chính mình, áp dụng trước hết và quan trọng nhất cho chính mình với tư cách là một niềm tin. Lý do một người có thể giữ những niềm tin đáng nghi ngờ là vì anh ta không chất vấn niềm tin nguyên thủy của mình, tức niềm tin cho rằng niềm tin là điều không thể bị nghi ngờ. Một người không chọn chấp nhận niềm tin của ngụy tín mà rơi vào nó, giống như rơi vào giấc ngủ, ở cái lứa tuổi mà sự tự ý thức của anh ta lần đầu tiên xuất hiện.

Có thể nói, niềm tin của ngụy tín dùng để duy trì sự mạch lạc của nhân cách vì nó cho phép một người tin vào chính mình như là một loại người có một tính cách nào đó. Nói cách khác, nó cho phép anh ta duy trì niềm tin vào sự thể hiện bản thân mình, sự thể hiện mà thông qua đó anh ta tạo ra chính mình. Vì trong phương cách tồn tại như là cái tự-mình (en-soi), con người không phải là hay không thể trở thành chính mình, nên anh ta phải đóng vai là chính mình. Vở kịch Kean (1954) của Sartre khảo sát tính cách của một diễn viên chuyên diễn kịch Shakespeare là Edmund Kean, người hồ nghi rằng cả trên sân khấu lẫn ngoài đời, anh ta chẳng là gì khác ngoài những vai diễn của mình. Cậu trai bồi bàn của Sartre là một ví dụ về một nhân vật "đóng vai với thân phận của mình để hiện thực hóa nó". Niềm tin của ngụy tín, như Kean và cậu bồi bàn minh họa, liên quan đến việc một người tạm gác sự hoài nghi của mình trong việc thể hiện bản thân. Niềm tin của ngụy tín được mô tả là "ngụy tín yếu", đối lập với "ngụy tín mạnh" được thể hiện trong các ví dụ về người tán tỉnh yêu đương và người đồng tính luyến ái. Những người trong ngụy tín mạnh tránh né việc chịu trách nhiệm cho chính mình và cho việc tồn-tại-trong-tình-cảnh của mình. Ở đâu ngụy tín mạnh diễn ra thì ở đó ngụy tín yếu bao giờ cũng làm cơ sở chống lưng cho nó. Như đã lưu ý ở trên, các dự phóng ngụy tín cụ thể luôn được dự phóng nguyên thủy của ngụy tín nâng đỡ. Tuy nhiên, ngụy tín yếu không nhất thiết phải hàm ý ngụy tín mạnh và có thể, như trong trường hợp cậu bồi bàn của Sartre, cho phép một người phải chịu trách nhiệm cho chính mình và cho tồn-tại-trong-tình-cảnh của mình, và vì thế đạt được mức độ nào đó của tính đích thực.

 


Nguồn: Từ điển triết học Jean-Paul Sartre.


 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt