KHÁI NIỆM "BIỆN CHỨNG PHÁP" TRONG TRIẾT HỌC KANT (Đức: Dialektik; Anh: dialectic)
HOWARD CAYGEL ĐINH HỒNG PHÚC dịch
Howard Caygel. A Kant dictionary. Blackwell Publishing. 2004.
Nội dung của môn Lôgíc học siêu nghiệm trong PPLTTT được chia thành hai đề mục: “Phân tích pháp” và “Biện chứng pháp”. Phân tích pháp tháo rời những công việc có tính hình thức của giác tính và lý tính thành những yếu tố, và giữ vai trò như một bộ chuẩn tắc (canon), hay “hòn đá thử tiêu cực về chân lý”, trong khi biện chứng pháp là việc sử dụng những yếu tố này “như thể [chúng] là một bộ công cụ (organon) nhằm thực sự tạo ra – hay ít nhất cũng có vẻ tạo ra – các khẳng định khách quan” (PPLTTT A 61/B 85). Biện chứng pháp siêu nghiệm là một “ môn Lôgíc học về ảo tượng ”, được đối lại bằng một “sự phê phán ảo tượng biện chứng ” (PPLTTT A 62/B 86) trong triết học phê phán. Biện chứng pháp với tư cách là sự phê phán ảo tượng biện chứng, do đó, đi sau phân tích pháp trong cả ba quyển phê phán. Kant biện minh việc ông sử dụng biện chứng pháp bằng cách quy chiếu đến “những ý nghĩa khác nhau” “mà người xưa đã sử dụng từ “biện chứng pháp” để đặt tên cho một môn khoa học hay nghệ thuật” (PPLTTT A 61/B 86), nhưng định nghĩa riêng của ông dứt khoát theo lối Aristoteles. Đây chỉ là một trong ba định nghĩa có ảnh hưởng về thuật ngữ được lưu truyền từ thời cổ đại. Thứ nhất là định nghĩa nâng biện chứng pháp lên “trên hết thảy những nghiên cứu khác để làm viên đá gờ tường, có thể nói như vậy, – và không một nghiên cứu nào khác có thể được đặt một cách chính đáng lên trên nó” (Platon, 1961, Cộng hòa, 534e). Nó không gì khác hơn là phương pháp của bản thân sự nghiên cứu khoa học, tức phương pháp tìm định nghĩa qua những công việc tập hợp và phân chia có tính cách biện chứng (Platon, 1961, Phaedon. 266b). Ngược lại, trong Topics , Aristoteles phân biệt rạch ròi lập luận chứng minh (khoa học) với lập luận biện chứng: cái trước suy ra từ những tiền đề “đúng và tiên khởi”, còn cái sau suy ra từ “những tư kiến được chấp nhận một cách phổ biến” (Aristoteles, 1941, 100a, 28-30). Trong Phân tích pháp II (Aristoteles) , biện chứng pháp “về nguyên tắc” được ví như môn tu từ học, vì nó sử dụng lập luận tam đoạn theo cách quy nạp từ những tiền đề được một người nghe nào đó chấp nhận để thuyết phục và tạo niềm tin. Với Aristoteles, biện chứng pháp, nói như Kant, thực ra là một môn Lôgíc học về ảo tượng. Cicero phát triển xa hơn tiềm năng tu từ học của biện chứng pháp khi ông cố đặt tu từ học lên trên triết học. Ông chia tu từ học hay khoa học về lập luận thành hai phần: phần thứ nhất liên quan đến sự tổ chức các chất liệu của một lập luận mà ông gọi là Topica; phần thứ hai liên quan đến phương pháp đưa ra những phán đoán, và ông gọi là “Biện chứng pháp” (Long và Sedley, 1987, tr. 185). Qua Boethius, truyền thống ngự trị của biện chứng pháp được truyền lại cho triết học Tây Âu là truyền thống của Cicero, với toàn bộ khoa học về lập luận giờ đây được gọi là “Biện chứng pháp”. Theo tên gọi này, truyền thống biện chứng pháp chuyển dịch giữa lập trường của Cicero và lập trường của Aristoteles, với nỗ lực chủ yếu cuối cùng nhằm hòa giải chúng là Những định chế biện chứng (1543) của Ramus. Công trình này chia biện chứng pháp – “năng lực diễn ngôn chính xác” – thành sự phát hiện và sự sắp đặt (phán đoán) (xem Ramus, 1549, tr. 12-14). Cách phân chia của Ramus được sao chép rộng rãi và trở thành tiêu chuẩn cho sự trình bày các văn bản lôgíc học: sự phân chia riêng của Kant về lôgíc học thành phân tích pháp (phát hiện) và biện chứng pháp (phán đoán) mang âm hưởng sự phân chia này, nhưng ông cũng dứt khoát phá vỡ nó. Biện chứng pháp của ông không hề đưa ra các quy tắc để thực hiện các phán đoán có sức thuyết phục, mà lại dạy cho ta biết làm thế nào để phát hiện và vạch trần những phán đoán có vẻ như là chân lý, nhưng thực ra chỉ là ảo tưởng. Nó là một sự phê phán về ảo tưởng biện chứng” và không phải như trước đây là “một nghệ thuật kích hoạt ảo tưởng biện chứng một cách giáo điều (một nghệ thuật tiếc thay rất phổ biến trong đủ loại ngụy biện siêu hình học” (PPLTTT A 63/B 88). Những ảo tượng mà Kant sẽ phê phán không chỉ đơn thuần là những ngụy luận nảy sinh từ ham muốn thuyết phục, mà còn suy ra từ “ảo tưởng tự nhiên, không thể tránh khỏi” của lý tính con người. Những ảo tượng siêu nghiệm như thế nảy sinh từ “những nguyên tắc nền tảng và những châm ngôn sử dụng hoàn toàn có quyền uy của những nguyên tắc khách quan” (PPLTTT A 297/B 353). Nguồn suối cơ bản của ảo tượng là việc lý tính con người theo đuổi sự hoàn chỉnh và sự thống nhất để “không ngừng đi lên tới các điều kiện cao hơn để ngày càng tiếp nhận sự hoàn chỉnh của chuỗi các điều kiện và qua đó đưa sự thống nhất tối cao có thể có của lý tính vào trong nhận thức của ta” (PPLTTT A 309/B 365). Lý tính đi tìm cái toàn thể tuyệt đối của những điều kiện cho một sự vật có điều kiện nào đó, nhưng thay vì coi sự tìm kiếm này là theo đuổi một nguyên tắc tiệm cận có tính cách điều hành (regulativ), thì lý tính, qua các lối suy luậnsiêu việt và biện chứng, cố định hóa mục tiêu của sự hoàn chỉnh thành “những khái niệm siêu việt của lý tính thuần túy” (PPLTTT A 309/B 366). Đấy là đối tượng của sự phê phán trong cả hai quyển về “Biện chứng pháp”. Biện chứng pháp” trong PPLTTT gồm hai ‘quyển’: quyển thứ nhất phê phán các khái niệm siêu việt là Thượng đế, thế giới và chủ thể (linh hồn); còn quyển thứ hai phê phán những lối suy luận của các khoa học có tham vọng muốn nhận thức các đối tượng này. Khoa học về Thượng đế, tức thần học, được cho thấy là phải dùng đến những ý thể khi lập luận, còn khoa học về thế giới, tức vũ trụ học, lại rơi vào những nghịch lý; trong khi đó, khoa học về linh hồn, tức tâm lý học, lại mang tính võng luận. Trong từng môn này, nỗ lực tạo ra sự hoàn chỉnh và sự thống nhất về Thượng đế, thế giới và linh hồn được trình bày như là biện chứng và dựa trên những tiền đề ảo tưởng và những lối suy luận không thể biện minh được. Kant cũng tổ chức những nội dung trong các phê phán thứ hai và thứ ba (PPLTTH và PPNLPĐ) thành phân tích pháp và biện chứng pháp. Biện chứng pháp của lý tính thực hành nảy sinh từ việc cố gắng định nghĩa “sự Thiện tối cao”, là cái đưa đến “nghịch lý của lý tính thuần túy” (PPLTTH tr. 108, tr. 112). Rồi Kant đưa ra một “giải pháp phê phán” về nghịch lý này dựa trên những kết quả của sự phân tích về lý tính thuần túy thực hành. Tương tự vậy trong PPNLPĐ, biện chứng pháp của năng lực phán đoán thẩm mỹ và mục đích luận nảy sinh từ việc tìm kiếm những nguyên tắc nền tảng của phán đoán. “Nghịch lý của sở thích” gồm chính đề và phản đề rằng phán đoán về sở thích được, và không được, dựa trên những khái niệm. Thêm nữa, điều này đã mang lại một giải pháp phê phán vốn là giải pháp cứu vãn sự đối lập bằng cách định nghĩa khái niệm được bao hàm là “không xác định”. Biện chứng pháp của năng lực phán đoán mục đích luận trình bày một sự nghịch lý giữa các châm ngôn của sự giải thích vật lý/ cơ học và sự giải thích mục đích luận mà Kant giải quyết một cách có phê phán bằng cách vạch ra một sự lẫn lộn giữa nguyên tắc của phán đoán phản tư và nguyên tắc của phán đoán xác định. Trong cả hai quyển phê phán sau, biện chứng pháp không còn được chú trọng nhiều như trong PPLTTT. Trong phần biện chứng pháp của năng lực phán đoán thẩm mỹ, nó chẳng còn gì hơn là một tập hợp linh tinh các suy tưởng và quan sát. Đặc trưng phân biệt chính của nó không còn là lôgíc học về ảo tượng mà là nghịch lý của chính đề và phản đề được kết thúc bằng một hợp đề có tính phê phán. Cái trước đây chỉ đơn thuần là một hình thức suy luận biện chứng (nghịch lý/ antinomy) thì giờ đây, trong hai quyển phê phán sau, lại làm đặc trưng cho toàn bộ biện chứng pháp. Theo sau Kant, chỉ có Hegel trong Khoa học lôgíc (1812) theo đuổi biện chứng pháp như là môn Lôgíc học về ảo tượng với sự nghiêm ngặt có thể sánh với biện chứng pháp được hoàn tất trong PPLTTT. Sau Hegel, biện chứng pháp lại hầu như được đồng nhất hoàn toàn với sơ đồ nghịch lý (antinomic shema) hẹp hòi. Trong truyền thống mác xít, quan niệm này về biện chứng pháp đạt đến đỉnh điểm trong “chủ nghĩa duy vật biện chứng”, nhân danh phép biện chứng, đã mở rộng sơ đồ nghịch lý chính đề-phản đề-hợp đề vào cho lịch sử của thế giới, giới tự nhiên và mọi sự vật. Bất chấp những nỗ lực của Kant trong PPLTTT, biện chứng pháp, lại một lần nữa, rơi vào tay “các nhà ngụy biện siêu hình học”.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC