Thuật ngữ chuyên biệt

Ngụy tín / bad faith

 

NGỤY TÍN

BAD FAITH

 

Một khái niệm trung tâm trong thuyết hiện sinh của Sartre. Là phản đề của tính đích thực. Tính không đích thực. Việc chọn không chọn lựa bị xuyên tạc thành một sự bất lực trong việc lựa chọn. Một dự phóng trong đó một người từ chối chịu trách nhiệm về hành động của mình và hoàn cảnh mà anh ta nhận thấy mình đang ở trong đó – tồn-tại-trong-tình-cảnh của anh ta. Ngụy tín có thể biểu hiện theo nhiều cách khác nhau nhưng về bản chất, tất cả các dự phóng ngụy tín đều liên quan đến việc một người cố gắng đảo ngược hay tách rời kiện tính và sự siêu việt của mình. Sự siêu việt luôn là sự siêu việt của kiện tính nhưng ngụy tín tìm cách tránh né thực tế này theo nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn, một người đang ngụy tín nếu như anh ta phủ nhận rằng anh ta là sự siêu việt tự do của kiện tính của anh ta và thay vào đó anh ta chỉ coi mình như là một kiện tính thuần túy không có bất cứ sự siêu việt nào; tức chỉ như là một đối tượng. Tương tự, một người đang ở trong ngụy tín nếu anh ta từ bỏ trách nhiệm đối với kiện tính của quá khứ của anh ta bằng cách phủ nhận rằng anh ta là siêu việt của quá khứ của anh ta. Trong ngụy tín, anh ta khẳng định rằng mình là sự siêu việt thuần túy chứ không phải là sự siêu việt của kiện tính của mình. Trong Tồn tại và Hư vô (1943), Sartre khảo sát các nỗ lực khác nhau nhằm xử lý kiện tính và sự siêu việt - những yếu tố cấu thành nên ngụy tín - qua hàng loạt các ví dụ cụ thể về người ngụy tín: người tán tỉnh, người phục vụ, người đồng tính luyến ái và người ủng hộ sự chân thành và vân vân. Hiểu các ví dụ cụ thể này là điều căn bản để hiểu được nhiều hình thức ngụy tín liên quan với nhau như thế nào khi chúng diễn ra trong đời sống hàng ngày của con người.

Sartre cũng khảo sát ngụy tín trong các tiểu thuyết của ông như Buồn nôn (1938) và Những con đường tự do (1945-49), trong các truyện ngắn, đặc biệt là Tuổi thơ của một lãnh tụ (1939) và Sự thân mật (1939), và trong các vở kịch của ông, đặc biệt là Cô gái điếm đoan chính  (1946) và Những kẻ bị kết án ở Altona (1959). Với sự khó khăn nếu không muốn nói là không thể đạt được tính đích thực bền vững, có vẻ như ai cũng luôn ở trong trạng thái ngụy tín ở một mức độ nào đó. Các tác phẩm hư cấu của Sartre, vốn luôn lấy việc kiểm tra chi tiết và sâu sắc sự phức tạp của hành vi con người làm trọng tâm, tất yếu phản ánh quan điểm này của ông. 

Ngụy tín thường bị đánh đồng sai lầm với tự lừa dối vì nó dường như liên quan đến việc một người tự lừa dối mình về quá khứ, tình huống hiện tại, động cơ của mình và vân vân. Sartre lập luận rằng tự lừa dối là không thể xảy ra trong sự thống nhất của một ý thức cá biệt. Do đó, mặc dù ngụy tíncó vẻ là tự lừa dối nhưng thực tế nó phải là cái gì đó khác. Ngụy tín được mô tả tốt hơn nhiều là một dự phóng lãng tránh. Đó là sự tự đánh lạc hướng hơn là tự lừa dối.

Mặc dù Sartre và các triết gia hiện sinh khác thường nói về ngụy tín theo cách tiêu cực, nhưng ta có thể lập luận rằng nó thường mang lại những hệ quả tích cực. Chẳng hạn, khi tạo ra ảo tưởng rằng một người không tự do, hay cụ thể hơn là anh ta không có sự lựa chọn trong một tình huống nhất định, nó giúp ngăn chặn sự lo âu, sự chóng mặt trước những khả năng mà anh ta có thể cảm thấy khi đối mặt với sự tự do vô hạn của mình. Ở khía cạnh này, nó đóng vai trò như một chiến lược đối phó giúp bảo vệ sự an lành về thể chất và tinh thần. Có thể nói, ngụy tín mang lại cho bản ngã một mức độ mạch lạc mà nếu không có nó, bản ngã sẽ thiếu vắng. Có thể nói, nó cho phép con người tưởng tượng rằng mình có một bản chất cố định và xác định, và tồn tại theo cách thức của một tồn-tại-tự-mình, thay vì nhận ra rằng họ không bao giờ là bất cứ điều gì theo cách thức tồn tại như thế cả. Ngay cả tính đích thực, phản đề của ngụy tín, dường như cũng đòi hỏi phải có ngụy tín ở mức độ Sartre gọi là niềm tin của ngụy tín hay dự phóng nguyên thủy của ngụy tín - một số học giả nghiên cứu Sartre gọi là "ngụy tín yếu". Với tư cách là một thái độ nguyên thủy qua đó ta bỏ qua thực tế là tất cả các niềm tin theo chính bản tính tự nhiên của nó đều có thể bị nghi ngờ, như là một sự thất bại trong việc không tin hay nghi ngờ niềm tin, niềm tin của ngụy tín là hết sức quan trọng đối với năng lực tin vào chính mình của ta. Nếu không có niềm tin của ngụy tín, con người sẽ không thể nào tạm gác lại sự hoài nghi trong quá trình anh ta tạo nên chính mình.

Xem thêm: lý tưởng khổ hạnh, ý thức bất hạnh, ý thức sai lầm, lựa chọn phủ định, tự do phủ định, đạo đức nô lệ, sự chân thành và Chân lý và Hiện hữu.

 


Nguồn: Từ điển triết học Jean-Paul Sartre.


 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt