BÁCH KHOA THƯ TRIẾT HỌC HY LẠP THỜI CỔ ĐIỂN
PHÚNG DỤ
ROBERT LAMBERTON
Thuật ngữ phúng dụ (allēgoria) trong tiếng Hy Lạp được dùng để chỉ một phép tu từ trong hùng biện, trong đó người nói nói điều này nhưng lại muốn biểu đạt một điều khác; tức là, người ấy “nói những điều khác” (alla agoreuei) so với ngôn ngữ được hiểu theo nghĩa đen hiển nhiên. Như vậy, phép phúng dụ tạo ra một sự phân ly triệt để giữa “điều được nói ra” (legomenon) và “điều được nhắm tới” (nooumenon), từ đó thường phát sinh một tình thế tiến thoái lưỡng nan về mặt thông diễn (Heraclitus, Vấn đề Homericae, 5). Phép tu từ này trên thực tế thường khó mà phân biệt rõ với các phép như mỉa mai, châm biếm và nhấn mạnh; và cần phải thừa nhận rằng, trong viễn tượng của ký hiệu học hiện đại, tất cả những thuật ngữ ấy suy cho cùng chỉ là các khái niệm sơ lược để chỉ những phạm trù ngôn ngữ mang tính ám chỉ hoặc tối nghĩa vốn có liên hệ với nhau nhưng chưa được phân định rành mạch. Phúng dụ được nhìn nhận là một phương thức thường xuyên được các nhà thơ sử dụng, tuy nhiên trong lĩnh vực hùng biện, việc vận dụng nó lại tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến sự tối nghĩa (to asaphes). Thuật ngữ này không được ghi nhận trước thời Philodemus và Cicero, nhưng không lâu sau đó, chúng ta có lời chứng từ Plutarch (Về việc nghe các nhà thơ, đoạn 19), rằng những gì “ngày trước được gọi là những ám chỉ (huponoiai), nhưng ngày nay là phúng dụ”, thực chất là cùng một thứ. (Cần lưu ý rằng cái mà thế giới hiện đại gọi là “phúng dụ nhân cách hoá”, vốn đã xuất hiện ngay từ thời kỳ đầu của văn học Hy Lạp [ví dụ: hình tượng Nữ thần Xung đột (Eris) trong Iliad4.440–445] và được phát triển mạnh từ thế kỷ IV [ví dụ: Prudentius], không liên quan gì đến phép tu từ phúng dụ, và trong thời cổ đại, thuật ngữ “phúng dụ” cũng không được dùng để chỉ những lối biểu đạt như vậy.) Chính tình thế tiến thoái lưỡng nan về mặt thông diễn mà phúng dụ đặt ra mới là điều khơi dậy mối quan tâm triết học (khác với mối quan tâm thi ca hay tu từ học). Từ cái thời xa xôi tới mức không thể phục dựng lại được, các văn bản tối nghĩa, nhất là các văn bản thi ca tối nghĩa, đã được các nhà diễn giải giảng nghĩa như thể chúng được cấu tạo bởi các nghĩa hàm ẩn (huponoiai) mà họ cho rằng mình có thể giải mã được. Thủ pháp này đôi khi được gọi là “đọc phúng dụ” (allegorical reading) để phân biệt với “viết phúng dụ” (allegorical writing), nhưng bản thân cách gọi này cũng không khỏi gây nghi vấn, bởi các độc giả vốn hiểu văn bản trước mặt mình như những phúng dụ cần được giải mã thường không phân biệt rạch ròi phương thức đọc của họ với phương thức của người khác. Tuy vậy, ngay từ thời Plutarch, động từ allēgoreô đã có thể mang nghĩa là “diễn giải theo lối phúng dụ là”; và trong tiếng Hy Lạp Kitô giáo, động từ này cùng với tropologeô, gần như là đồng nghĩa, thường được dùng để chỉ việc giải nghĩa Kinh Thánh theo lối phúng dụ.. Bối cảnh của lối diễn giải như vậy hẳn nhiên thuộc thời kỳ chưa có văn tự. Nhiều thể loại nghệ thuật ngôn từ truyền miệng phổ biến, như câu đố, ngụ ngôn loài vật, v.v. tự chúng đã mang tính phúng dụ rồi và cần phải được diễn giải. Một số tác phẩm thi ca thể thơ sáu nhịp (hexameter) thời kỳ cổ, có thể kể cả các bài thơ phái Orpheus, rất có thể đã được sáng tác ra một cách có chủ ý nhằm phục vụ cho kiểu chú giải này bởi những người thực hành chuyên biệt (như được gợi ý từ một văn bản diễn giải tìm được trên một mảnh giấy cói ở Derveni, miền Macedonia Hy Lạp). Một số nhà phân tích cho rằng việc phân chia thành các tiểu loại là hữu ích, chẳng hạn như “phúng dụ vật lý” (thông qua một vị thần hay thực thể nào đó trong bài thơ, người ta ám chỉ đến một nguyên tố hay đặc tính nào đó của thế giới tự nhiên), “phúng dụ luân lý” (văn bản được cho là chứa đựng một giới luật đạo đức không được phát biểu tường minh), và “phúng dụ huyền học” (văn bản thường được diễn giải là hàm chứa một ám chỉ mờ tối về mối quan hệ giữa linh hồn và vật chất, hoặc về một vấn đề siêu hình hay mục đích nào đó). Không có thời kỳ nào trong lịch sử tư tưởng Hy Lạp mà ta có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng lối diễn giải “phúng dụ” hoàn toàn vắng mặt, dù một chú giải muộn – có lẽ thuộc về Porphyrius – đã gán một cách đáng ngờ cho học giả tên là Theagenes xứ Rhegium (khoảng năm 525 trước Công nguyên?) vai trò là người khai sinh ra cả hai hình thức phúng dụ vật lý và luân lý này. Những người đồng thời với Socrates thường xuyên sử dụng kiểu thực hành thông diễn như thế (trong các ngữ cảnh mang tính sư phạm hoặc hoặc có tính bán-văn chương), đến mức Socrates phải nói rõ rằng ông bác bỏ việc sử dụng các bài thơ Homer như là công cụ giáo dục, “dù chúng có được sáng tác theo lối phúng dụ hay không” (Cộng hòa II, 378d). Người ta thường cho rằng Plato bác bỏ lối diễn giải phúng dụ, bởi nó không giữ vai trò nổi bật trong các đối thoại; ông để cho Socrates (trong Protagoras) bác bỏ việc bàn luận về ý nghĩa của thi ca nói chung, xem đó là một phương pháp không mấy hứa hẹn để đạt tới chân lý. Những nhà tư tưởng của phái Khắc kỷ thường bị đối thủ mô tả như là các độc giả vô trách nhiệm, những người gán ép tư tưởng của mình lên các thi nhân thời cổ sơ và tìm cách chứng minh rằng Homer và Hesiod thực chất đã là những nhà Khắc Kỷ từ trước khi học phái này ra đời (xem ví dụ Cicero, Về bản tính các thần linh 1.41). Dù phần lớn những lời công kích đó có thể bị gạt bỏ (cũng như khuynh hướng của giới nghiên cứu hiện đại muốn truy tìm dấu vết Khắc Kỷ ở bất cứ đâu có sự hiện diện của phúng dụ, hoặc ngược lại), thì vẫn có sự thật là phái Khắc kỷ dường như đã nghiêm túc tiếp nhận quan niệm cho rằng thi ca Hy Lạp thời kỳ đầu ẩn chứa một số chân lý nhất định, thường dưới hình thức che đậy (chẳng hạn như trong việc giải thích từ nguyên các tên gọi thần linh). Những mối quan tâm này gắn liền với một thái độ nghiêm cẩn mới trong các lĩnh vực thông diễn học và ký hiệu học. Cùng thời với học phái Khắc kỷ sơ kỳ, ta còn thấy xuất hiện một số hệ thống phúng dụ có tính cá biệt và khó phân loại, nổi bật là của Metrodorus xứ Lampsacus, người đã đọc các nhân vật con người trong Iliad như là những biểu tượng cho các bộ phận của vũ trụ vật chất, còn các nhân vật thần linh thì tượng trưng cho những thành phần cấu tạo nên thân thể con người. Từ thế kỷ I hoặc II thời Công nguyên cho đến khi truyền thống đa thần giáo kết thúc, ta chứng kiến một sự phát triển mạnh mẽ của lối diễn giải phúng dụ, đặc biệt hướng đến các nhà thơ sử thi viết thể sáu nhịp (hexameter) thời kỳ đầu. Tuyển tập Các vấn đề Homer do một người tên là Heraclitus biên soạn vào đầu giai đoạn này hầu như hoàn toàn bao gồm những nỗ lực giải mã phúng dụ, mở đầu bằng một chuyên luận có tính hệ thống về phúng dụ Homer. Luận điểm của ông là trong thần học của mình (đã bị chỉ trích kể từ thời Xenophanes vào thế kỷ VI trước Công nguyên), Homer “nếu không phải đã nói theo một lối phúng dụ nào đó, thì đúng là hoàn toàn bất kính” (1.1). Việc làm sáng tỏ những tầng nghĩa sâu kín dễ chấp nhận hơn trong các đoạn thơ gây phản cảm như vậy thường được gọi là phúng dụ phòng vệ (defensive allegory). Một người phái Pythagoras là Numenius ở thế kỷ II đã hướng sự chú ý của mình đến các huyền thoại của cả Homer lẫn Plato, và khám phá ra những bí ẩn tương tự ẩn giấu đằng sau cả hai truyền thống. Ảnh hưởng của ông đối với một người phái Plato-mới là Porphyrios (232 – khoảng 305) có thể thấy rõ trong chuyên luận Về hang của các nữ thần trong Odyssey, một ví dụ hấp dẫn nhất về lối chú giải phúng dụ về Homer theo tinh thần Plato-mới thời sơ kỳ. Chính là nhờ các triết gia phái Plato-mới thời hậu kỳ, đặc biệt là Proclus (410–485) với Chú giải “Cộng hòa”, mà chúng ta có được những tập hợp phong phú nhất còn lại từ thời cổ đại về các cách đọc phúng dụ, một số chắc chắn bắt nguồn từ chính nhóm triết gia phái Plato-mới, nhưng cũng có những cách diễn giải cổ xưa hơn nhiều. Chính với Proclus, ta mới lần đầu tiên thấy xuất hiện một nỗ lực nghiêm túc nhằm xây dựng một thi học cho văn bản đa nghĩa, làm nền tảng cho việc diễn giải thơ ca thời kỳ đầu. Lịch sử của phúng dụ trong thế giới La Mã là sự tiếp nối lý thuyết và thực hành của các nhà phúng dụ Hy Lạp. Cornutus đã viết một tổng luận phúng dụ về tôn giáo Hy-La còn tồn tại đến nay, vào khoảng giữa thế kỷ thứ nhất CN. Eneid của Virgil, vốn sớm được nâng lên vị thế tương đương với Homer trong nền giáo dục La Mã, đã nhanh chóng trở thành đối tượng của lối diễn giải phúng dụ, một trong những hình thức chú giải mà Servius vào thế kỷ IV đã biết đến. Truyền thống này được Fulgentius (khoảng 467–532), người có ảnh hưởng sâu rộng trong thời Trung đại, tiếp nối. Các truyền thống phúng dụ trong chú giải thời cổ đại chủ yếu tập trung vào những văn bản có tính quyền uy, tức những văn bản đã vượt ra khỏi bối cảnh văn hóa đã sản sinh ra chúng. Các nhà diễn giải, khi cố gắng tái diễn giải để dung hòa văn bản với viễn tượng của chính mình, thường khẳng định rằng các văn bản đó hàm ý những điều khác với những gì chúng biểu đạt trên bề mặt. Mặc dù tiến trình này dễ bị phê phán (và quả thực đã thường xuyên bị phê phán trong thời cổ đại), không có lý do gì để tin rằng phần lớn những người diễn giải đó không thực lòng cố gắng bắc một nhịp cầu giữa những tiền niệm của họ và các văn bản khó hiểu mà họ đang tìm cách lý giải. TÀI LIỆU THAM KHẢO: Buffière, F., Les Mythes d’Homère et la pensée grecque, Paris, 1956; Lamberton, R., và J. J. Keaney (chủ biên), Homer’s Ancient Readers, Princeton, 1992; Whitman, J., Allegory: The Dynamics of an Ancient and Medieval Technique, Cambridge, MA, 1987. Đinh Hồng Phúc dịch
Nguồn: Donald J. Zeyl (chủ biên), 1997. Encyclopedia of Classical Philosophy. London: Routledge.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC