Thuật ngữ chuyên biệt

Thuật ngữ triết học Hegel: "Tồn tại, Hư vô và Trở thành (sự)"

 

TỒN TẠI, HƯ VÔ VÀ TRỞ THÀNH (SỰ)

 [Đức: Sein, Nichts und Werden; Anh: being, nothing and becoming]

MICHAEL INWOOD

 

 

Trong tiếng Đức, nguyên thể của động từ “là” (Anh: “to be”) là “sein”. Giống như những động từ nguyên thể khác trong tiếng Đức, nó có thể được sử dụng như một danh từ: (das) Sein / (sự ) tồn tại. Động từ “sein”có một hiện tại phân từ là seiend, được sử dụng như một tính từ (“đang là” hay “hiện hữu”, “tồn tại”) hoặc như một danh từ: das Seiende (cái tồn tại). Được sử dụng như một động từ, sein có thể mang tính chỉ thị, biểu thị hay khẳng định sự hiện hữu. Là một danh từ, Sein nói lên sự tồn tại hay hiện hữu của sự vật nói chung, tương phản với sự tồn tại NHẤT ĐỊNH (Dasein). Trong lịch sử triết học, Hegel gắn sự tồn tại với Parmenides, là người cho rằng: vì cái gì tồn tại/là thì không thể không-tồn tại, nên tồn tại loại trừ mọi sự PHỦ ĐỊNH, tính quy định và sự trở thành.

 

Phủ định của Sein đúng ra là Nichtsein (“không-tồn tại”), nhưng Hegel lại không dùng từ này, mà dùng chữ nichts (“hư vô”), hay danh từ được tạo thành từ nó: (das) Nichts / “(cái) hư vô”, vì lẽ khái niệm về sự không-tồn tại hoặc kể cả sự tồn tại, đều là được trung giới, nghĩa là, được sinh ra từ sự phủ định của Sein hơn là có tính trực tiếp hay nguyên thủy như cách tồn tại của Sein.

 

Das Werden / “sự trở thành”, được tạo nên từ động từ werden / “trở thành”. (Werden cũng được sử dụng như một trợ động từ ở thì tương lai và như động từ thụ động: do đó ich werden fahren là “tôi sẽ đi” và geliebt werden (là được yêu thích). Với Hegel, sự trở thành gắn liền với Heraclitus, là triết gia cho rằng vạn sự vạn vật đều không đứng yên trong tồn tại, mà trong sự trở thành và xung đột liên tục. Plato tán thành học thuyết này đối với thế giới hiện tượng, và trong đối thoại Timaeus, ông cho rằng từ “tồn tại” chỉ nên được dùng cho những MÔ THỨC hay những Ý NIỆM bất biến, còn từ “trở thành” mới được áp dụng cho thế giới HIỆN TƯỢNG thoái hóa. Các triết gia Hy Lạp hậu kỳ, phần lớn đều chia sẻ quan niệm của Plato: chuộng tồn tại hơn là sự trở thành. Ngược lại, các nhà tư tưởng Đức, lại chuộng sự trở thành hơn là sự cứng nhắc của tồn tại và áp dụng “sự trở thành” cho sự PHÁT TRIỂN đầy xung đột của LỊCH SỬ và SỰ SỐNG. Meister Eckhart xem sự trở thành là BẢN CHẤT của Thượng Đế. Châm ngôn của Goethe: “Hãy trở thành chính mình!” đã được Nietzsche lập lại trong “Zarathustra đã nói như thế”(1883/84), gán những gì đang trở thành cho LÝ TÍNH (“là cái thưởng thức sự phát triển”), còn cái gì đã trở thành, do đó, đang tồn tại, đang là, cho GIÁC TÍNH (“là cái muốn bám chặt sự vật để có thể sử dụng”). Như Nietzsche đã viết trong Khoa học vui tươi (1882): “Người Đức chúng ta đều là môn đệ của Hegel, cho dù không có một ông Hegel nào cả, vì, khác với các nước Latinh khác, một cách bản năng, ta đã gán một ý nghĩa sâu xa và ý nghĩa phong phú cho sự trở thành, cho sự phát triển, hơn là cho cái gì “đang là”; ta  rất khó tin vào sự biện minh cho khái niệm “tồn tại””.

 

Giống Heraclitus, Hegel xem sự đối lập và xung đột là thuộc về bản chất của sự trở thành. Ông cũng thấy bản thân thế giới và những khái niệm nhờ đó chúng ta phạm trù hóa nó, là đang trở thành hơn là biến dịch, trở thành hơn là tĩnh tại. Cái TUYỆT ĐỐI không phải là thực thể bất biến làm nền tảng cho nhưng nỗ lực của ta để hiểu nó, mà chính là phát triển của những nỗ lực này. Tương tự như thế, KHOA HỌC không phải là một chuỗi những kết quả độc lập với tiến trình nhờ đó ta đi đến được với chúng, mà thiết yếu là việc tiến hành tiến trình ấy. Nhưng không không giống như Nietzsche và Heraclitus (theo diễn giải của Hegel), Hegel không vứt bỏ toàn bộ sự tồn tại để thay chỗ bằng dòng chảy biến dịch không ngừng nghỉ. Những khoảng ngừng của sự tồn tại ổn định tương đối, lĩnh vực của giác tính hơn là lý tính, đều là thiết yếu đối với thế giới, với hệ thống khái niệm của Lôgíc học, và với đời sống xã hội và chính trị.

 

Nghiên cứu chủ yếu của Hegel về tồn tại, hư vô và trở thành xuất hiện trong Lôgíc học của ông. Ở đây, “tồn tại’ được sử dụng trong hai cách chủ yếu. Thứ nhất, tương phản với “bản chất” và “KHÁI NIỆM”, tồn tại là chủ đề của phần thứ nhất trong ba phần của Lôgíc học (“Học thuyết về Tồn tại”), tức về những đặc tính “trực tiếp”, trên bề mặt của sự vật, về mặt lượng lẫn mặt chất, tương phản với bản chất bên trong và với cấu trúc khái niệm của chúng. Trong Lôgíc học cũng như trong các tác phẩm khác (chẳng hạn trong TTTĐ), Hegel tiếp tục dùng “tồn tại” như là phản đề của “TƯ DUY” và “khái niệm”.

 

Thứ hai, trong “Học thuyết về Tồn tại”, “tồn tại (thuần túy)” chỉ phạm trù đầu tiên, “trực tiếp’ như là điểm xuất phát của Lôgíc học. Tồn tại (thuần túy) là sự bắt đầu thích hợp, vì, khác với Dasein (“tồn tại nhất định/tồn tại hiện có”), nó chưa có sự phức tạp nội tại đòi hỏi sự phát triển bên trong của lôgíc học: áp dụng “tồn tại” cho bất kỳ điều gì là đơn giản bảo rằng nó tồn tại, là không quy cho nó bất kỳ tính quy định về chất nào. (Trong HTHTT, Hegel cho rằng sự xác tín cảm tính dẫn tới việc quy tính phủ đinh về  chất cho một tồn tại “trống rỗng” như thế). Nhưng vì lẽ tồn tại thuần túy là hoàn toàn bất định, nên tồn tại sẽ dẫn tới hay “trở thành” hư vô. Ngược lại, hư vô bởi nó cũng hoàn toàn không được quy định nên cũng là hay trở thành tồn tại. Do đó tồn tại và hư vô, mỗi cái đều trở thành cái kia, và vì thế tạo nên khái niệm về sự trở thành. (Sự trở thành cũng tiến hành, hay cũng là sự “thống nhất” của cả hai: tồn tại và hư vô, ở chỗ sự trở thành là việc là việc đi đến chỗ tồn tại của cái gì vốn đã không tồn tại, hoặc việc ngưng không còn tồn tại của cái gì đã tồn tại). Nhưng sự trở thành cũng không vững chắc, bởi nó chứa đựng một cách đầy mâu thuẫn cả tồn tại và hư vô, nên nó sụp đổ vào trong Dasein (tồn tại nhất định/tồn tại hiện có).

 

Tiểu đoạn này trong Khoa học Lôgíc đã lôi cuốn các nhà chú giải cũng như nhà phê phán Hegel - trong số họ là Feuerbach - ngay từ khi nó mới xuất hiện lần đầu tiên. Phải chăng tư tưởng về tồn tại thuần túy là một tư tưởng thật sự? Nó là trực tiếp, hoặc thực ra đã tiền-giả định một sự dự đoán về chỗ kết thúc của Khoa học Lôgíc, tức ý niệm tuyệt đối? Làm sao những khái niệm có thể trở thành, hay chuyển sang nhau (übergehen), thay vì quan hệ với nhau một cách tĩnh tại bằng sự đồng nhất, sự khác biệt (hay bằng mối quan hệ phức tạp hơn nào đó về sự đồng nhất-trong-khác biệt)? Tại sao sự trở thành là kết quả thích đáng duy nhất của sự bất ổn định của tồn tại và hư vô? Một số những khó khăn này có thể phần nào được giảm thiểu, nếu ta nhớ đến bối cảnh tranh luận thần học và siêu hình học khi Hegel viết và liên hệ trong đoạn văn trên đây của Khoa học Lôgíc. Các triết gia đương thời của Hegel thường thích đề ra những yêu sách như: “Thượng đế (hay cái tuyệt đối) là tồn tại (hay là tồn tại thuần túy)” hoặc: “Cái tuyệt đối là sự bất phân biệt thuần túy/sự đồng nhất”. (Hegel tin rằng “sự đồng nhất tuyệt đối”, hay bất kỳ sự diễn đạt nào khác, là tương đương với “tồn tại”, nếu nó diễn đạt một khái niệm có tính trực tiếp). Nhưng, theo Hegel, nếu không có gì là đúng (hay có thể biết được) về THƯỢNG ĐẾ hay cái TUYỆT ĐỐI ngoài việc cho rằng nó là sự tồn tại, thì những yêu sách ấy cũng không khác gì với yêu sách cho rằng Thượng đế hay cái tuyệt đối là hư vô hay không tồn tại. Bởi ngược lại, cho rằng Thượng đế không tồn tại hay là hư vô thì cũng không vững chắc giống như thế, và sẽ dẫn đến chỗ nói rằng Thượng đế tồn tại. (Một nhà vô thần có thể tranh cãi về bước lập luận này, nhưng Hegel tin rằng bất kỳ yêu sách nào có tính khái niệm về thực tại thì đều là một yêu sách về Thượng đế hay cái tuyệt đối, và chí ít cũng là một thuyết hữu thần tối thiểu). Con đường duy nhất để thoát ra khỏi sự bất ổn định ấy là phải phát triển và lấp đầy những khái niệm được ta áp dụng vào cho cái tuyệt đối.

 

Hegel cho rằng khái niệm về “tồn tại thuần túy” là được bao hàm mặc nhiên trong chữ “là” của câu phán đoán biểu thị, mà ông sẽ  bàn trong “Học thuyết về Khái niệm”. (Phần 3 của KHLG). Trong chương khởi đầu này của Khoa học Lôgíc, Hegel chưa phân biệt giữa ba nghĩa khác nhau của chữ “là”: biểu thị, nhận diện và hiện hữu. Một lý do cho điều này là khi bàn về sự phán đoán, Hegel có xu hướng nhập chung sự biểu thị và sự nhận diện. Nhưng lý do khác, có lẽ gần gũi hơn là ở chỗ: những sự phân biệt như thế chỉ có thể được rút ra sau khi đã du nhập những khái niệm cụ thể hơn so với khái niệm tồn tại: chẳng hạn sự phân biệt giữa “Thera là thô lỗ”, “Thera là người Santorini” và “Thera tồn tại” không thể được rút ra trước khi ta phát triển các khái niệm như “CÁI CÁ BIỆT’ và “CHẤT”, trong ví dụ trên đây là “Thera” và “thô lỗ”. Nhưng điều này lại không được phép thực hiện ở cấp độ của tồn tại thuần túy: những khái niệm cụ thể hơn phải được tái tạo một cách lôgíc chứ không thể được tiền-giả định ngay ở khởi điểm. Cũng thế, yêu sách rằng: “Thượng đế tồn tại” (cũng như “Thượng đế là hư vô, không tồn tại”), sở dĩ là trống rỗng vì bắt nguồn từ việc Hegel phủ nhận bất kỳ nội dung nào được gán cho từ “Thượng đế”, tách rời khỏi những gì có thể làm được trong cấp độ này của Lôgíc học, đó là cấp độ của sự tồn tại.

BÙI VĂN NAM SƠN dịch

 


Nguồn: trích từ Từ điển triết học Hegel (Bản thảo sắp xuất bản do Bùi Văn Nam Sơn chủ trì việc biên dịch). 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt