Thuật ngữ tổng quát

Chủ nghĩa Epicurus / Epicureanism

 

Chủ nghĩa Epicurus / Epicureanism

 

Học thuyết của Epicurus, nhà triết học duy vật thời cổ Hy Lạp ở vào thế kỷ IV - III trước công nguyên và của những môn đồ của Epicurus. Chủ nghĩa Epicurus coi mục đích của triết học là hạnh phúc của con người, là sự giải thoát con người khỏi những đau khổ, làm cho con người đạt tới chỗ sung sướng. Thuyết đó dạy rằng triết học có sứ mạng phải vượt qua những trở ngại trên con đường đi tới hạnh phúc: sự sợ hãi trước cái chết, một sự sợ hãi bắt nguồn từ tình trạng không hiểu rõ những quy luật của tự nhiên, và do đó lại gây nên niềm tin vào các lực lượng siêu tự nhiên, thần thánh.

Epicurus phân triết học của mình thành vật lý học, quy tắc luận (lý luận về nhận thức) và đạo đức học. Điểm xuất phát của vật lý học là thừa nhận sự thống nhất vật chất của thế giới, thừa nhận "sự tồn tại của vật ở bên ngoài ý thức con người và độc lập với ý thức" (V.I. Lê-nin. Toàn tập, tiếng Nga, xuất bản lần thứ 5, t.29. tr. 265). Epicurus dạy rằng trong tự nhiên chỉ có các nguyên tử và khoảng không, trong đó, nhờ trọng lượng của mình, các nguyên tử chuyển động từtrên xuống. Rơi với vận tốc như nhau, các nguyên tử hướng chệch khỏi sự chuyển động thẳng, va vào nhau, bám vào nhau, mở đầu sự hình thành các vật. Trong luận án tiến sĩ của mình nhan đề "Sự khác nhau giữa triết học tự nhiên của Democritus và triết học tự nhiên của Epicurus", Karl Marx đã chỉ rõ vai trò của sự lệch hướng của các nguyên tử trong học thuyết Epicurus, nêu lên mối liên hệ giữa vật lý học với khái niệm trung tâm của đạo đức học Epicurus là khái niệm tự do cá  nhân (xem C. Mác và Ph. Ăng-ghen. Trích các tác phẩm lúc thiếu thời, tiếng Nga, 1956, tr. 39 - 46). Epicurus thừa nhận tính khách quan của các đặc tính của vật, cho rằng vũ trụ là vô tận, quan niệm rằng vũ trụ được điều khiển bởi những quy luật tự nhiên, chứ không phải bởi những quy luật thánh thần. Epicurus phủ nhận sự bất diệt và tính phi vật chất của linh hồn, cho rằng linh hồn là một "vật hết sức tinh vi lan tỏa khắp cơ thể".Học thuyết về tính vật chất của linh hồn có liên quan mật thiếtvới chủ nghĩa vô thần của Epicurus, phủ nhận sự can thiệp của thánh thần vào công việc của tự nhiên và của con người.

Trong lý luận nhận thức, Epicurus là người theo thuyết cảm giác. Ông cho rằng từ các vật toát ra những hình tượng tinh vi nhất thâm nhập vào linh hồn con người thông qua các giác quan của con người. Trên cơ sở những tri giác cảm tính của linh hồn, - mà trong đó trí nhớ chỉ giữ lại những nét chung của các hình tượng, - các khái niệm về vật được hình thành. Epicurus cho rằng tiêu chuẩn của chân lý là bản thân những tri giác cảm tính, và ông nhận thấy rằng nguồn gốc gây ra những sự lầm lạc là tính ngẫu nhiên của những cảm giác riêng lẻ hoặc là sự hình thành vội vã của các phán đoán. Epicurus đã đứng trên quan điểm duy vật, tuy dưới một hình thức rất ngây thơ, để giải thích những yếu tố cơ bản trong quá trình nhận thức.

Cơ sở đạo đức học của Epicurus là học thuyết về sự lạc thú mà nó coi là mục đích tự nhiên của tất cả các sinh vật; Epicurus cho rằng đối với con người thì lạc thú cao nhất là tình bạn và kiến thức, nhờ đó người ta đạt được sự thanh thản của tinh thần ("ataraxia") và tự do cá nhân, sự độc lập không phụ thuộc vào các ảnh hưởng của thế giới bên ngoài cũng như không phụ thuộc vào những cá nhân riêng lẻ, trong đó mỗi cá nhân đều hướng đến lạc thú, và tất cả mọi người đều cùng nhau thỏa thuận là sẽ không gây điều ác cho nhau.

Thuyết Epicurus đã được lan truyền rộng rãi trong nước Hy Lạp cổ; người tuyên truyền thuyết này ở Rô-ma cổ là nhà triết học duy vật Titus Lucretius Carus. Tuy nhiên, những môn đồ của thuyết Epicurus, xuất thân từ các tầng lớp trên trong xã hội chiếm hữu nô lệ, về sau này đã tầm thường hóa học thuyết Epicurus và quy nó thành sự tuyên truyền các lạc thú cảm tính. Nhà thờ Cơ-đốc giáo đã tấn công vào thuyết Epicurus, đồng nhất thuyết này với sự trụy lạc. So với tất cả các học thuyết triết học khác ở thời cổ, thì thuyết Epicurus bị bọn duy tâm - những kẻ đã xuyên tạc học thuyết của một nhà duy vật vĩ đại thời cổ Hy-lạp - tấn công nhiều hơn.

 


Nguồn: Chú thích số 52 trong V.I. Lênin. Toàn tập, tập 18. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt