Thuật ngữ tổng quát

Chủ nghĩa hoài nghi / Sceptism

Chủ nghĩa hoài nghi / Sceptism

 

Một khuynh hướng trong triết học duy tâm, tuyên truyền tư tưởng hoài nghi khả năng nhận thức thực tại khách quan. Trong lịch sử triết học, chủ nghĩa hoài nghi đã đóng vai trò khác nhau tùy thuộc ở chỗ là nó đại biểu cho lợi ích của giai cấp nào. Với tư cách là một trường phái triết học riêng biệt, chủ nghĩa hoài nghi xuất hiện trong thời kỳ khủng hoảng của chế độ chiếm hữu nô lệ ở nước Hy Lạp cổ đại hồi thế kỷ IV - III trước công nguyên; ông tổ của chủ nghĩa này là Pyrrho, còn những đại biểu nổi tiếng nhất là Aenesidemus và Sextus Empiricus. Từ những tiền đề cảm giác luận, những người theo chủ nghĩa hoài nghi cổ đại đã đưa ra những kết luận bất khả tri. Tuyệt đối hóa tính chất chủ quan của những cảm giác, những người theo chủ nghĩa hoài nghi đã kêu gọi mọi người hãy không đưa ra bất kỳ một suy xét dứt khoát nào về các sự vật, họ cho rằng con người không thể vượt ra khỏi giới hạn những cảm giác của mình và cũng không thể xác định được là trong số các cảm giác ấy cảm giác nào là thật. Họ dạy rằng khước từ nhận thức thì sẽ dẫn đến thái độ bàng quan đối với sự vật, dẫn đễn chỗ làm cho con người thoát khỏi những hoài nghi và đạt đến một trạng thái bình thản trong tâm hồn ("ataraxia"). Chủ nghĩa hoài nghi cổ đại nhằm mục đích chống lại hướng phát triển duy vật của triết học.

Trong thời đại Phục hưng, các nhà triết học Pháp Michel Montaigne, Pierre Charron và Pierre Bayle đã sử dụng chủ nghĩa hoài nghi để đấu tranh chống chủ nghĩa kinh viện trung cổ và chống giáo hội. Theo lời Marx nói, Pierre Bayle "đã phá hủy phép siêu hình thông qua chủ nghĩa hoài nghi, bằng cách đó đã chuẩn bị cơ sở cho việc hấp thụ chủ nghĩa duy vật và triết học có nội dung lành mạnh ở Pháp. Pierre Bayle đã báo hiệu sự xuất hiện một xã hội vô thần...". (C. Mác và Ph. Ăng-ghen. Toàn tập, tiếng Nga, xuất bản lần thứ 2, t.2, tr. 141). Blais Pascal, trái lại, đã hướng chủ nghĩa hoài nghi chống lại sựnhận thức hợp lý, đi đến biện hộ cho đạo Cơ-đốc, một sự biện hộ dựa trên cảm tính.

Ở thế kỷ XVIII, chủ nghĩa hoài nghi được khôi phục dưới dạng chủ nghĩa bất khả tri của David Hume và Immanuel Kant; Gottlieb Schulze (Aenesideinus) đã mưu toan hiện đại hóa chủ nghĩa hoài nghi cổ đại. Khác với chủ nghĩa hoài nghi cổ đại, chủ nghĩa hoài nghi mới tuyên bố hoàn toàn dứt khoát rằng không thể có một nhận thức khoa học được. Bọn theo chủ nghĩa Mach, bọn Kant mới và các trường phái triết học duy tâm khác trong thời kỳ giữa thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX đã sử dụng các luận cứ của chủ nghĩa hoài nghi. V.I. Lê-nin đã gọi chủ nghĩa hoài nghi tư sản thời thượng là "chủ nghĩa kinh viện chết cứng và mất hết sinh khí", chỉ ra rằng ý nghĩa giai cấp của nó thể hiện ở "thái độ tuyệt vọng không tin vào khả năng có thể phân tích được hiện tại một cách khoa học, ở hái độ khước từ khoa học, ý đồ xem thường mọi sự khái quát, bỏ qua mọi "quy luật" của quá trình phát triển lịch sử..." (Toàn tập, tiếng Nga, xuất bản lần thứ 5, t.25, tr. 44). Trong triết học tư sản hiện đại, chủ nghĩa hoài nghi phục vụ mục đích đấu tranh chống thế giới quan duy vật biện chứng triệt để.

 

 


Nguồn: Chú thích số 51 trong V.I. Lênin. Toàn tập, tập 18. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt