Thuật ngữ tổng quát

Luật mâu thuẫn / law of contradiction

 

LUẬT MÂU THUẪN

(LAW OF CONTRADICTION)

 

LOGIC HỌC. Còn gọi là luật cấm mâu thuẫn. Luật mâu thuẫn, luật triệt tam, và luật đồng nhất tạo thành các quy luật cơ bản của tư duy trong logic học cổ điển. Luật mâu thuẫn phát biểu rằng đối với bất cứ mệnh đề p nào, p và không-p không thể cả hai cùng đúng trong cùng thời điểm và trong cùng phương diện. Luật này cấm ta cùng lúc đưa ra hai mệnh đề mâu thuẫn nhau, tức một mệnh đề khẳng định và mệnh đề kia phủ định lại mệnh đề này. Theo luật này, ta phán đoán rằng bất cứ mệnh đề nào có mâu thuẫn là sai và rằng bất cứ mệnh đề nào phủ định sự mâu thuẫn là đúng. Trong Siêu hình học, 1006a2–3, Aristotle đã định nghĩa nó như là quan niệm rằng "không thể có chuyện cái gì đó cùng một lúc vừa là và vừa không là," và tuyên bố rằng "đây là nguyên lý đương nhiên nhất trong mọi nguyên lý." Một lý do quan trọng để người ta giữ vững luật này đó là trong logic học cổ điển, khả thể của bất cứ diễn ngôn có nghĩa nào cũng đều bị lung lay nếu chấp nhận mâu thuẫn, bởi mọi mệnh đề đều được suy ra từ mâu thuẫn. Trong thời gian gần đây, các hệ thống logic đã được phát triển trong đó có một số mâu thuẫn được chấp nhận. 


"Bằng cách sử dụng các biến mệnh đề này ta có thể phát biểu luật logic tổng quát: 'Không được vừa là p vừa là không-p'. Luật này được gọi là luật cấm mâu thuẫn và là một trong ba luật được gọi là các quy luật của tư duy mà truyền thống, theo phương cách đặc biệt nhưng thiếu rõ ràng nào đó, coi là các quy luật cơ bản." D. Mitchell, An Introduction to Logic


 

(Trích dịch từ Từ điển triết học phương Tây của Nicholas Bunin và Jiyuan Yu (Blackwell, 2004)

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt