Thuật ngữ tổng quát

Aristotle (384-322 TCN)

 

ARISTOTLE (384–322 TCN)

 

Triết gia Hy Lạp, sinh tại Stagira ở Macedon, chuyển tới Athens vào năm 367 để theo học Plato cho đến khi Plato qua đời vào năm 347, thầy dạy riêng của Alexander Đại đế. Năm 355, Aristotle thành lập trường học riêng của mình ở Athens, Lyceum. Ông tin rằng theo bản tính con người mong muốn hiểu biết và phân loại tri ​​thức thành các ngành khoa học lý thuyết (gồm toán học, vật lý học hay triết học tự nhiên, thần học hay triết học đệ nhất), khoa học thực hành (gồm đạo đức học và khoa học chính trị) và khoa học tác tạo (gồm thi pháp học và tu từ học). Mặc dù hầu hết các tác phẩm của ông được cho là đã thất lạc nhưng những tác phẩm còn sót lại có nhiều đóng góp to lớn cho hầu hết các lĩnh vực này.

Trong các ngành khoa học lý thuyết, các tác phẩm chính gồm Vật lý học; De Caelo [về bầu trời]De Anima [về linh hồn]; De Partibus Animalium [về các bộ phận của động vật]; De Motu Animalium [về chuyển động của động vật]; De Generatione Animalium [về sự sinh sản của động vật]; và Siêu hình học. Ông cho rằng triết học là khoa học về tồn tại xét như là tồn tại. Tồn tại đệ nhất là bản thể, trong khi mọi tồn tại khác là các thuộc tính của bản thể. Do đó, nghiên cứu về bản thể, tồn tại thứ nhất, là cốt lõi của khoa học về tồn tại. Bản thể có thể phân tích thành hình thức, chất liệu, và sự kết hợp của hình thức và chất liệu. Trong các yếu tố này, hình thức (được đồng nhất với bản chất) là bản thể đệ nhất hay thực tại tối hậu. Mỗi vật có bản tính riêng, đó là nguyên lý chuyển động bên trong của nó, và hình thức và chất liệu là hai bản tính. Mối quan hệ giữa linh hồn và thể xác cần được hiểu theo mối quan hệ giữa hình thức và chất liệu. Để nhận biết mỗi vật, người ta cần biết bốn nguyên nhân của nó (nguyên nhân chất liệu, nguyên nhân hình thức, nguyên nhân tác thành, và nguyên nhân cứu cánh). Ở các sự vật tự nhiên, nguyên nhân hình thức, nguyên nhân tác thành, và nguyên nhân cứu cánh trùng khít nhau, và chúng là những hoạt động khác nhau của cùng một hình thức. Các sự vật tự nhiên phát triển từ khả năng đến hiện thực. Toàn bộ vũ trụ có trật tự, bởi mọi thứ trên thế giới, trong sự theo đuổi cái vĩnh hằng, đều được làm cho chuyển động bởi Động cơ đệ nhất. 

Trong các ngành khoa học thực hành, những tác phẩm chính gồm Đạo đức học Nicomacheanvà Chính trị học. Theo Aristotle, đạo đức học nên tập trung vào tính cách và đức hạnh, và nên giải quyết vấn đề làm thế nào để sống một cuộc sống tốt đẹp hay hạnh phúc. Hơn nữa, đạo đức và chính trị không thể tách rời nhau, bởi con người là động vật chính trị và chính trị chủ yếu nên quan tâm đến hiến pháp tốt nhất mà công dân có thể phát triển tính cách của họ. Đạo đức học của Aristotle là nguồn cảm hứng trí tuệ của sự hồi sinh đương đại về đạo đức học đức hạnh. 

Trong các ngành khoa học tác tạo, Aristotle để lại cho ta Tu từ học và Thi pháp học. Ngoài ra, sáu luận văn của Aristotle về logic học (Các phạm trù; De Interpretatione [về sự diễn giải]; Phân tích pháp thứ nhất; Phân tích pháp thứ hai; Các chủ đề; và Phương pháp bác bỏ ngụy biện) được các nhà chú giải sau này tập hợp lại dưới cái tên "Organon" (theo nghĩa đen, công cụ, hoặc dụng cụ). Trong Organon, Aristotle phát triển logic tam đoạn luận và phân tích khoa học chứng minh. Một thời gian dài trong lịch sử triết học phương Tây, Aristotle thường được gọi đơn giản là “Triết gia”. Các học giả có quan điểm khác nhau về việc hiểu triết học Aristotle theo quá trình phát triển liên quan đến các giai đoạn khác nhau hay như một hệ thống thống nhất.

 


 

Từ điển triết học phương Tây của Nicholas Bunin và Jiyuan Yu (Blackwell, 2004)

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

ĐẶNG BÌNH NGUYÊN KHÔI - 22:29 07/04/2024
Thưa thầy, hình như Từ điển triết học phương Tây của Nicholas Bunin và Jiyuan Yu (Blackwell, 2004) đang được dịch và sẽ xuất bản phải không ạ ?
Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt