Chủ nghĩa Marx

Bí mật bị bóc trần của những quan điểm

GIA ĐÌNH THẦN THÁNH – MỤC LỤC

 

CHƯƠNG VIII

CUỘC CHU DU THẾ GIỚI VÀ SỰ BIẾN HÌNH

CỦA SỰ PHÊ PHÁN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN,

HAY LÀ SỰ PHÊ PHÁN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN

THỂ HIỆN Ở RÔ-ĐÔN-PHƠ,

ÔNG HOÀNG GIÊ-RÔN-STANH

 


C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1995. Phiên bản điện tử: dangcongsan.vn Nguyên văn tiếng Đức | Bản dịch tiếng Anh | Bản dịch tiếng Pháp.


 

 

4. BÍ MẬT BỊ BÓC TRẦN CỦA NHỮNG "QUAN ĐIỂM"

 

"Rô-đôn-phơ không dừng lại ở quan điểm cao siêu" (!) "của mình... Ông không tiếc công sức dùng phương thức lựa chọn tự do để nắm được từ trên xuống dưới, từ phải sang trái các loại quan điểm" (Sê-li-ga).

Một trong những cái bí mật chủ yếu của sự phê phán có tính phê phán là "quan điểm"việc dùng quan điểm để nhận xét quan điểm. Trước mắt nó, mỗi người cũng như mỗi sản phẩm tinh thần đều trở thành những quan điểm.

Chẳng có gì dễ hơn là đi sâu vào bí mật của quan điểm một khi đã hiểu rõ bí mật chung của sự phê phán có tính phê phán là lắp lại những lời lảm nhảm tư biện cũ kỹ.

Trước hết, hãy để cho bản thân sự phê phán qua cái miệng của vị gia trưởng là ông Bru-nô Bau-ơ mà nói lên lý luận của mình về "quan điểm".

"Khoa học... không bao giờ dính dáng đến một cá nhân nào đó hoặc một quan điểm nhất định nào đó... Dĩ nhiên là nó sẽ không quên xoá bỏ giới hạn của một quan điểm nào đó nếu thấy đáng bỏ công sức vào đấy và nếu những giới hạn đó thực sự có ý nghĩa quan trọng đối với toàn thể loài người; nhưng nó coi những giới hạn ấy là một phạm trù thuần tuý và tính quy định của tự ý thức, vì vậy nó chỉ hướng về những ai có can đảm vươn lên tới tính phổ biến của tự ý thức, tức là những ai quyết không chịu giam hãm trong những giới hạn đó" ("Tập chuyện", quyển II, tr. 127).

Bí mật của sự táo bạo đó của Bau-ơ, chúng ta thấy ở "Hiện tượng học" của Hê-ghen. Vì trong "Hiện tượng học", Hê-ghen đem tự ý thức thay thế cho con người cho nên ở đấy những biểu hiện nhiều vẻ nhất của hiện thực con người chỉ là một hình thức nhất định của tự ý thức là tính quy định của tự ý thức. Nhưng tính quy định trần truồng của tự ý thức chỉ là một "phạm trù thuần tuý" một "tư tưởng" trần truồng cho nên tôi có thể xoá bỏ nó trong tư duy "thuần tuý" và khắc phục nó bằng tư duy thuần tuý. Trong "Hiện tượng học" của Hê-ghen, cơ sở vật chất, cảm tính, vật thể của các hình thức tha hoá khác nhau của tự ý thức của loài người đều không được đếm xỉa đến và kết quả của toàn bộ công trình phá hoại đó là một thứ triết học bảo thủ nhất, vì quan điểm đó cho rằng nó đã chinh phục thế giới vật thể, hiện thực cảm tính, một khi nó đã biến thế giới đó thành một "vật của tư duy" thành tính quy định thuần tuý của tự ý thức và do đó hiện nay có thể hoà tan kẻ thù đã ê-te hoá trong "ê-te của tư duy thuần tuý". Như vậy, "Hiện tượng học" rút cục đi một cách hoàn toàn lô-gích tới chỗ thay thế toàn bộ hiện thực của loài người bằng "tri thức tuyệt đối", - tri thức, vì đó là phương thức tồn tại duy nhất của tự ý thức mà tự ý thức thì được xem là phương thức tồn tại duy nhất của con người, - tuyệt đối, vì tự ý thức chỉ biết có bản thân mình và không còn bị gò bó bởi thế giới vật thể nào. Hê-ghen biến con người thành tự ý thức của con người, - con người hiện thực nghĩa là sống trong thế giới vật thể hiện thực và bị ràng buộc bởi thế giới đó. Hê-ghen đem lộn ngược thế giới cho đứng bằng đầu nên có thể khắc phục mọi giới hạn trong đầu óc mình, song điều đó với cảm tính xấu xa, đối với con người hiện thực. Ngoài ra, tất nhiên ông cũng coi mọi cái chứng tỏ tính có hạn của tự ý thức phổ biến, tức là cảm tính, tính hiện thực cá tính của con người và của thế giới loài người đều là giới hạn cả. Toàn bộ "Hiện tượng học" đều nhằm chứng minh tự ý thứcthực tại duy nhất bao gồm tất thảy.

Gần đây, ông Bau-ơ đã đổi tên tri thức tuyệt đối thành sự phê phán và đặt cho tính quy định của tự ý thức một thuật ngữ nghe ra thì giản đơn hơn, tức quan điểm. Trong "Tập chuyện", cả hai thuật ngữ này vẫn được dùng song song, quan điểm vẫn còn được giải thích bằng tính quy định của tự ý thức.

"thế giới tôn giáo với tính cách như vậy" chỉ tồn tại với tính cách là thế giới của tự ý thức cho nên nhà phê phán có tính phê phán - nhà thần học ex professo1* - không sao tưởng tượng được rằng có một thế giới trong đó có sự khác nhau giữa ý thứctồn tại, một thế giới vẫn tiếp tục tồn tại như cũ khi tôi vứt bỏ sự tồn tại tưởng tượng của nó, tức sự tồn tại của nó với tính cách là phạm trù hoặc quan điểm, hay nói cách khác: khi tôi thay đổi ý thức chủ quan của chính tôi mà không thay đổi hiện thực vật thể một cách thực sự vật thể nghĩa là không thay đổi hiện thực vật thể của chính tôi và hiện thực vật thể của những người khác. Vì vậy, sự đồng nhất thần bí tư biện giữa tồn tại tư duy được lắp lại trong sự phê phán dưới hình thức đồng nhất không kém phần thần bí giữa thực tiễn lý luận. Do đó sự phê phán nổi trận lôi đình đối với cái thực tiễn vẫn muốn rằng mình là một cái gì khác với lý luận, đối với thứ lý luận vẫn muốn rằng mình là một cái gì khác với sự hoà tan của một phạm trù nhất định nào đó vào "tính phổ biến vô hạn của tự ý thức". Lý luận của bản thân sự phê phán chỉ bó hẹp ở chỗ tuyên bố rằng tất cả những cái xác định như nhà nước, tài sản tư hữu, v.v., chỉ là mặt đối lập trực tiếp của tính phổ biến vô hạn của tự ý thức, do đó cũng là những cái không đáng kể. Kỳ thực thì trái lại cần phải chỉ rõ nhà nước, tài sản tư hữu, v.v., biến như thế nào những con người thành những sự trừu tượng, hoặc chúng là sản phẩm của con người trừu tượng, chứ không phải là hiện thực của những con người riêng lẻ và cụ thể.

Sau hết, không nói cũng rõ, nếu như "Hiện tượng học" của Hê-ghen tuy mắc tội tổ tông tư biện nhưng ở nhiều chỗ còn cung cấp những yếu tố của một sự trình bày hiện thực về quan hệ của loài người, thì trái lại ngài Bau-ơ và đồng bọn chỉ cho chúng ta một bức biếm hoạ không có nội dung, một bức biếm hoạ thoả mãn ở chỗ tách lấy một tính quy định nào đó từ trong một sản phẩm tinh thần nào đó hoặc từ trong những quan hệ và vận động hiện thực rồi biến nó thành tính quy định trừu tượng, thành phạm trù và coi đó là quan điểm của sản phẩm, của quan hệ hoặc của vận động. Làm như vậy là để có thể, với tư thế của nhà bác học lão luyện, dương dương tự đắc đứng trên quan điểm của sự trừu tượng, của phạm trù phổ biến, của tự ý thức phổ biến, ngồi chễm trệ trên cao khinh khỉnh nhìn xuống tính quy định đó.

Đối với Rô-đôn-phơ, mọi người đều đứng trên quan điểm thiện hoặc trên quan điểm ác và được đánh giá theo hai phạm trù không thay đổi đó; cũng vậy đối với ông Bau-ơ và đồng bọn thì một số người này xuất phát từ quan điểm của sự phê phán, một số người khác từ quan điểm của quần chúng. Nhưng cả hai đều biến con người hiện thực thành quan điểm trừu tượng.

 



1* - nhà nghề

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt