Chủ nghĩa Marx

Bí mật của kết cấu tư biện

GIA ĐÌNH THẦN THÁNH – MỤC LỤC

 

CHƯƠNG V

SỰ PHÊ PHÁN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN

DƯỚI BỘ MẶT ANH LÁI BUÔN NHỮNG BÍ MẬT,

HAY LÀ

SỰ PHÊ PHÁN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN

THỂ HIỆN Ở ÔNG SÊ-LI-GA

 


C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1995, tr. 85-92. | Nguyên văn tiếng Đức Bản dịch tiếng Anh | Bản dịch tiếng Pháp.


 

 

2. BÍ MẬT CỦA KẾT CẤU TƯ BIỆN

 

Bí mật của bản trần thuật có tính phê phán "Những bí mật của thành Pa-ri" chính là bí mật của kết cấu tư biện, kiểu Hê-ghen.

Sau khi đã gọi "sự dã man trong văn minh" và "tình trạng không có pháp luật trong nhà nước" là bí mật, nghĩa là sau khi đã hoà tan những cái đó vào phạm trù "bí mật", ông Sê-li-ga buộc "bí mật" phải bắt đầu lịch trình tư biện của cuộc sống của nó. Chỉ vài chữ thôi cũng đủ để nói lên đặc điểm chung của kết cấu tư biện. Trong khi bàn về "Những bí mật của thành Pa-ri", ông Sê-li-ga vạch cho ta thấy những chi tiết của sự vận dụng kết cấu đó.

Khi từ những quả táo, quả lê, quả dâu, quả hạnh hiện thực, tôi rút ra một quan niệm chung về "quả"; khi đi sâu hơn nữa, tôi tưởng tượng rằng quan niệm trừu tượng của tôi về "quả" ["die Frucht"] rút từ những hiệu quả hiện thực mà ra, là một bản chất tồn tại ngoài bản thân tôi và hơn nữa còn là bản chất thực sự  của quả lê, quả táo, v.v., thì tôi nói - theo ngôn ngữ tư biện -  rằng "quả" là "thực thể" của quả lê, quả táo, quả hạnh, v.v.. Cho nên tôi nói rằng đối với quả lê thì cái việc nó là quả lê là phi bản chất, đối với quả táo, thì việc nó là quả táo là phi bản chất. Cái bản chất của những quả đó, tôi nói, không phải là tồn tại thực tế có thể cảm thấy được những quả đó, mà là bản chất mà tôi đã rút ra từ những quả đó và đã gán cho những quả đó, là bản chất trong quan niệm của tôi, "quả". Như thế là tôi nói: quả lê, quả táo, quả hạnh, v.v., là những hình thức tồn tại giản đơn, là dạng thức của "quả". Đành rằng lý trí hữu hạn của tôi, được các giác quan giúp đỡ, phân biệt được một quả táo với một quả lê, một quả lê với một quả hạnh, nhưng lý tính tư biện của tôi lại tuyên bố rằng sự khác nhau có thể cảm giác được ấy là phi bản chất và không quan trọng. Lý tính tư biện thấy quả táo và quả lê có cái giống nhau, trong quả lê và quả hạnh có cái giống nhau, đó là "quả". Những  quả hiện thực khác nhau do những đặc điểm của chúng, chỉ là những quả hư ảo mà thôi, và bản chất thực sự của những quả đó là "thực thể", là "quả".

Phương pháp đó không đưa tới sự phong phú đặc biệt của những quy định. Nhà khoáng vật học, mà toàn bộ khoa học của ông ta chỉ bó hẹp ở chỗ xác minh cái chân lý là tất cả mọi khoáng vật thật ra chỉ là "khoáng vật nói chung" mà thôi, thì sẽ chỉ là nhà khoáng vật học trong trí tưởng tượng của mình. Trước mỗi khoáng vật, nhà khoáng vật tư biện nói: đây là "khoáng vật", và trên thế giới có bao nhiêu khoáng vật thực sự thì khoa học của người đó chỉ biết nhắc lại danh từ đó bấy nhiêu lần thôi.

Do đó sau khi đã từ các quả hiện thực khác nhau mà rút ra một "quả" trừu tượng - "quả nói chung" - thì tư duy tư biện, muốn đạt đến cái bề ngoài của một nội dung thực hiện nào đó, không thể không tìm cách này hay cách khác để đi ngược từ "quả", từ thực thể trở lại những quả hiện thực thông thường muôn hình muôn vẻ, lê, táo, hạnh, v.v.. Nhưng xuất phát những từ quả hiện thực mà có được ý niệm trừu tượng là "quả" dễ bao nhiêu, thì xuất phát từ ý niệm trừu tượng là "quả" mà có được những quả hiện thực lại khó bấy nhiêu. Hơn nữa nếu không từ bỏ sự trừu tượng đi thì cũng tuyệt đối không thể chuyển từ trừu tượng sang cái trực tiếp đối lập với sự trừu tượng được.

Do đó nhà triết học tư biện từ bỏ sự trừu tượng về "quả", nhưng từ bỏ một cách đặc biệt, tư biện, thần bí, nghĩa là vẫn giữ cái bề ngoài tựa hồ như anh ta không từ bỏ sự trừu tượng. Cho nên thực ra, chỉ có vẻ bề ngoài, nhà triết học đó mới vượt qua giới hạn sự trừu tượng thôi. Nhà triết học đó đã nghị luận đại khái như sau:

Nếu quả táo, lê, hạnh, dâu, trên thực tế, chỉ là "thực thể nói chung", là "quả nói chung" thì người ta sẽ tự hỏi rằng cớ sao mà "quả nói chung", biểu hiện ra lúc thì là táo, lúc thì là lê, lúc thì lại là hạnh được; từ đâu mà có cái bề ngoài muôn vẻ đó, cái bề ngoài hết sức rõ ràng là mâu thuẫn với quan niệm tư biện của tôi về thể thống nhất, về "thực thể nói chung", về "quả nói chung".

Nhà triết học tư biện trả lời rằng: đó là do chỗ "quả nói chung" không phải là một bản chất chết, không có những sự khác nhau, nằm im, mà là một bản chất sinh động, tự phân biệt với mình, có vận động. Cái muôn vẻ của những quả thông thường không những có ý nghĩa đối với lý trí cảm tính của tôi, mà còn đối với bản thân "quả nói chung" nữa, đối với lý tính tư biện nữa. Các quả thông thường khác nhau đều là những biểu hiện khác nhau của đời sống của "quả thống nhất"; đó là những sự kết tinh do bản thân "quả nói chung" tạo ra. Bởi vậy, chẳng hạn như trong quả táo thì "quả nói chung" đem lại cho nó một tồn tại hiện có dưới cái dáng quả táo, trong quả lê, nó đem lại cho nó một tồn tại hiện có dưới cái dáng quả lê. Vậy ở đây đã không còn có thể nhắc lại cái quan điểm xuất phát từ quan niệm về thực thể mà nói rằng: quả lê là "quả"; quả táo là "quả"; quả hạnh là "quả" tự xác định thành quả táo; "quả"  tự xác định thành quả hạnh. Những sự khác nhau phân biệt những quả táo, quả lê, quả hạnh, đó là những sự tự phân biệt của "quả", những sự khác nhau ấy làm cho những quả riêng biệt thành những vòng khâu trong quá trình sống của "quả nói chung". Như vậy, "quả" không còn là thể thống nhất không có nội dung, không có sự khác nhau, mà là thể thống nhất với tính cách là sự tổng hợp, với tính cách "tổng thể" của các thứ quả họp thành một "chuỗi bị phân chia một cách hữu cơ gồm những vòng khâu". Trong mỗi khâu của chuỗi đó, "quả" đem lại cho mình một tồn tại hiện thực phát triển hơn, rõ rệt hơn, cho đến cuối cùng với tính cách là "sự khái quát" tất cả các quả đó đồng thời trở thành thể thống nhất sống. Thể thống nhất này hoà tan quả cá biệt trong bản thân nó rồi lại tự nó sinh ra các thứ quả, đúng như các bộ phận của thân thể không ngừng biến thành máu rồi lại không ngừng nảy sinh trở lại từ máu vậy.

Các bạn thấy đấy: đạo Cơ Đốc cho rằng chỉ có hiện thân của độc một mình đấng thượng đế thôi, còn triết học tư biện lại cho rằng có bao nhiêu sự vật thì có bấy nhiêu hiện thân, chẳng hạn, theo triết học tư biện thì trong ví dụ trên, đối với nó mỗi quả cá biệt đều là hiện thân riêng biệt của thực thể, tức quả tuyệt đối. Cho nên điều mà các nhà triết học tư biện thích thú nhất là chế tạo ra sự tồn tại của quả hiện thực, quả thông thường, rồi mới nói một cách bí hiểm rằng: táo, lê, hạnh, nho đang tồn tại. Nhưng táo, lê, hạnh, nho, mà chúng ta có được trong thế giới tư biện cùng lắm cũng chỉ là táo, lê, hạnh và nho hư ảo mà thôi vì chúng là những khâu của sự sống của "quả nói chung", là những khâu của sự sống của bản chất trừu tượng do lý trí sáng tạo ra, do đó bản thân chúng ta là sản phẩm trừu tượng của lý trí. Cái mà chúng ta cảm thấy thích thú trong hoạt động tư biện là ở chỗ chúng ta lại thu được mọi thứ quả hiện thực, nhưng những quả này đã là những quả có ý nghĩa thần bí cao hơn, chúng không phải sinh trưởng từ miếng đất vật chất mà là sinh trưởng từ ê-te của bộ óc chúng ta, chúng là hiện thân của "quả nói chung", là hiện thân của chủ thể tuyệt đối. Như vậy, khi chúng ta từ trừu tượng, từ cái bản chất lý trí siêu tự nhiên đó, tức là từ "quả nói chung" mà trở về với quả thiên nhiên hiện thực, thì đồng thời chúng ta lại làm cho quả thiên nhiên đó có một ý nghĩa siêu tự nhiên, biến chúng thành trừu tượng thuần tuý. Cho nên, điều chủ yếu mà hiện nay chúng ta cần chú ý nghĩa siêu tự nhiên, biến chúng thành trừu tượng thuần tuý. Cho nên, điều chủ yếu mà hiện nay chúng ta cần chú ý chính là chứng minh tính thống nhất của "quả nói chung" trong mọi biểu hiện sinh hoạt của nó - tức trong táo, lê, hạnh, v.v., do đó chứng minh mối liên hệ qua lại thần bí của những quả đó, chỉ rõ "quả nói chung" tự thực hiện theo thứ bậc như thế nào trong mỗi thứ quả đó và chuyển một cách tất nhiên như thế nào từ một hình thức tồn tại này của mình, sang một hình thức khác, chẳng hạn từ nho sang hạnh. Vì vậy, ý nghĩa của quả thông thường hiện nay đã không còn ở thuộc tính thiên nhiên của chúng nữa mà là ở thuộc tính tư biện khiến chúng có một địa vị nhất định trong quá trình sinh mệnh của "quả tuyệt đối".

Khi nói rằng có những quả táo và quả lê thì con người bình thường không cho rằng mình nói ra một điều gì đặc biệt. Nhưng khi nhà triết học biểu thị những vật tồn tại đó bằng những thuật ngữ tư biện thì ông ta đã nói ra một điều gì không bình thường rồi. Ông ta đã làm được một việc kỳ diệu: từ cái bản chất lý tính phi hiện thực, tức là "quả nói chung", ông ta đã tạo ra những vật hiện thực tự nhiên, tức là táo, lê, v.v., nghĩa là từ cái lý trí trừu tượng của riêng mình mà ông ta coi là một chủ thể tuyệt đối nằm ngoài bản thân mình, ở đây tức là từ "quả nói chung", ông ta đã sáng tạo ra những quả ấy. Và mỗi khi nhà triết học tư biện tuyên bố về sự tồn tại của những vật nào đó, là ông ta đã làm một việc sáng tạo rồi đó.

Đương nhiên là nhà triết học tư biện, sở dĩ có thể hoàn thành sự sáng tạo không dứt đoạn đó, chỉ là vì ông ta đã đem những thuộc tính của quả táo, của quả lê, v.v., mà ai cũng biết, cũng thấy rõ trong thực tế, làm thành những quy định do mình phát hiện ra bằng cách gắn những tên gọi của sự vật hiện thực cho cái mà chỉ có lý trí trừu tượng mới có thể sáng tạo ra, nghĩa là cho những công thức trừu tượng của lý trí và cuối cùng bằng cách tuyên bố rằng hoạt động của chính mình, - hoạt động biểu hiện ở chỗ bản thân ông ta chuyển từ quan niệm táo sang quan niệm lê, - là sự tự hoạt động của chủ thể tuyệt đối, tức là của "quả nói chung".

Nói theo ngôn ngữ tư biện thì cái cách đó là: hiểu thực thểchủ thể, là quá trình bên trong, nhân cách tuyệt đối. Cách hiểu đó là đặc trưng chủ yếu của phương pháp Hê-ghen.

Cần phải có những nhận xét đầu tiên như thế mới làm cho người ta có thể hiểu được ông Sê-li-ga. Nếu cho đến nay, ông Sê-li-ga vẫn xây dựng những quan hệ hiện thực, chẳng hạn như văn minh và pháp lý, thành phạm trù bí mật, và như thế là ông đã biến "bí mật" thành thực thể thì bây giờ, lần đầu tiên, ông mới vươn tới được cái đỉnh tư biện thật sự, đến cái đỉnh Hê-ghen, và biến "bí mật" thành một chủ thể độc lập, thể hiện ra trong những quan hệ và những người hiện thực, do đó những bá tước phu nhân, những hầu tước phu nhân, những cô gái lãng mạn, những người gác cổng, những viên quản lý văn khế, những thầy lang vườn, những tình sử, những cuộc khiêu vũ, những cửa gỗ v.v., là những biểu hiện sống của chủ thể đó. Lúc đầu xuất phát từ thế giới hiện thực mà tạo ra phạm trù "bí mật", giờ đây ông ta xuất phát từ phạm trù ấy mà tạo ra thế giới hiện thực.

Trong sự trình bày của ông Sê-li-ga, những bí mật của kết cấu tư biện biểu lộ một cách hết sức hiển nhiên không sao chối cãi được, khiến ông có hai ưu điểm mà Hê-ghen không có. Một là, đứng trước quá trình nhờ đó nhà triết học chuyển từ vật thể này qua vật thể khác bằng cách lợi dụng trực qua cảm tính và biểu tượng thì Hê-ghen, với một lối nguỵ biện khéo léo, đã trình bày quá trình đó thành một quá trình do bản thân bản chất lý trí tưởng tượng, do chủ thể tuyệt đối hoàn thành. Hai là, thường thường trong sự trình bày tư biện của ông, Hê-ghen lại có một sự trình bày hiện thực nắm được bản thân sự vật. Sự phát triển hiện thực đó trong lòng sự phát triển tư biện của khái niệm làm cho người đọc coi sự phát triển tư biện là sự phát triển hiện thực, và sự phát triển hiện thực là sự phát triển tư biện.

Ở ông Sê-li-ga thì không có cả hai khó khăn đó. Phép biện chứng của ông hoàn toàn không có sự giả đối và giả tạo. Ông biểu diễn kỹ xảo của ông một cách thành thực đáng khen và một cách thẳng thắn ngây thơ nhất. Và không ở đâu, ông phát triển nội dung hiện thực cả, đến nỗi kết cấu tư biện của ông hoàn toàn không có những điều thêm thắt gây trở ngại, nó hiện ra trước mắt chúng ta không có bất cứ bề ngoài lập lờ nước đôi nào cả, trong toàn bộ vẻ đẹp trần truồng của nó. Ngoài ra bằng ví dụ của mình, ông Sê-li-ga chứng minh một cách hết sức xuất sắc rằng phép tư biện một mặt hình như tự do sáng tạo a priori ra đối tượng của mình từ bản thân mình như thế nào, và mặt khác muốn dùng nguỵ biện để thoát khỏi sự phụ thuộc hợp lý và tự nhiên vào đối tượng, phép tư biện lại rơi như thế nào vào tình trạng tuỳ thuộc một cách nô lệ không tự nhiên và không hợp lý nhất vào những đối tượng mà nó buộc phải diễn đạt những quy định ngẫu nhiên nhất và riêng biệt nhất của chúng thành những quy định tuyệt đối tất nhiên và phổ biến.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt