CHƯƠNG V SỰ PHÊ PHÁN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN DƯỚI BỘ MẶT ANH LÁI BUÔN NHỮNG BÍ MẬT, HAY LÀ SỰ PHÊ PHÁN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN THỂ HIỆN Ở ÔNG SÊ-LI-GA
C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1995, tr. 104-107. | Nguyên văn tiếng Đức | Bản dịch tiếng Anh | Bản dịch tiếng Pháp.
4. "BÍ MẬT CỦA SỰ NGAY THẲNG VÀ SỰ THÀNH KÍNH"
"Bí mật, với tính cách là bí mật của xã hội có giáo dục, cố nhiên là lẩn trốn từ lĩnh vực đối lập vào lĩnh vực bên trong. Tuy nhiên xã hội thượng lưu lại còn có những tập đoàn đặc biệt mà nó giao cho giữ gìn điện thánh của mình. Xã hội thượng lưu dường như là từ đường nhỏ cho cái chí thánh đó. Nhưng đối với những người còn ở ngưỡng cửa thì bản thân từ đường nhỏ là cái bí mật. Như vậy, trong địa vị đặc biệt của nó, đối với nhân dân, sự giáo dục là như thế nào... thì đối với những người có giáo dục, sự thô bạo cũng như thế ấy". "Cố nhiên... tuy nhiên... lại còn... dường như... nhưng... như vậy", đấy chính là những cái móc ảo thuật gắn liền các khâu của cái chuỗi tư biện những luận đoán. Trên kia, chúng ta đã thấy ông Sê-li-ga buộc cái bí mật rời bỏ thế giới tội phạm và lẩn trốn vào trong xã hội thượng lưu như thế nào. Bây giờ ông ta cần cấu tạo ra cái bí mật khác, tức là xã hội thượng lưu có những tập đoàn đặc biệt của mình và những bí mật của những tập đoàn đó là những bí mật đối với nhân dân. Để cấu tạo được như vậy thì ngoài những chiếc móc ảo thuật nói trên, còn phải biến tập đoàn thành từ đường nhỏ và biến thế giới không quý phái thành ngưỡng cửa của từ đường nhỏ đó. Và cái bí mật đối với Pa-ri là ở chỗ tất cả các lĩnh vực của xã hội tư sản chỉ hình thành nên cái ngưỡng cửa của từ đường nhỏ của xã hội thượng lưu. Ông Sê-li-ga theo đuổi hai mục đích: một là cần phải biến cái bí mật thể hiện trong tập đoàn đặc biệt của xã hội thượng lưu thành "tài sản chung của toàn thế giới", hai là việc quản lý văn khế Giắc-cơ Phe-răng phải được cấu tạo thành một khâu sống của cái bí mật. Nhà phê phán nghị luận như sau: "Sự giáo dục còn chưa thể và không muốn lôi kéo tất cả các đẳng cấp và tất cả những sự khác biệt vào trong lĩnh vực của mình. Chỉ có đạo Cơ Đốc và đạo đức mới có thể xây dựng, trên thế giới này, những vương quốc phổ biến". Đối với ông Sê-li-ga, sự giáo dục, văn minh là đồng nghĩa với sự giáo dục quý tộc. Vì thế ông ta không thể thấy rằng công nghiệp và thương nghiệp đang xây dựng những vương quốc phổ biến khác hẳn với vương quốc của đạo Cơ Đốc và đạo đức, với hạnh phúc gia đình và phúc lợi tiểu thị dân. Nhưng chúng ta đi tới viên quản lý văn khế Giắc-cơ Phe-răng như thế nào? Rất đơn giản thôi. Ông Sê-li-ga biến đạo Cơ Đốc thành một đức tính cá nhân, thành "sự thành kính" và biến đạo đức thành một đức tính cá nhân khác, thành "sự ngay thẳng". Ông ta hợp nhất hai đức tính đó trong một cá nhân và đặt tên cá nhân đó là Giắc-cơ Phe-răng, vì Giắc-cơ Phe-răng không có hai đức tính ấy mà chỉ giả vờ có thôi. Như vậy Giắc-cơ Phe-răng đã thành "cái bí mật của sự thành kính và sự ngay thẳng". Trái lại, "di chúc" của Giắc-cơ Phe-răng là "cái bí mật của sự thành kính và sự ngay thẳng bề ngoài", nghĩa là không còn là cái bí mật của bản thân sự thành kính và sự ngay thẳng nữa. Muốn xây dựng di chúc đó thành cái bí mật, sự phê phán có tính phê phán buộc phải tuyên bố rằng sự thành kính và sự ngay thẳng bề ngoài là cái bí mật của di chúc đó, chứ không phải ngược lại, di chúc đó là cái bí mật của sự ngay thẳng và sự thành kính bề ngoài. Trong khi phòng công chứng ở Pa-ri coi Giắc-cơ Phe-răng là sự châm biếm độc ác đối với nó và thông qua việc kiểm duyệt các vở kịch mà gạt nhân vật đó khỏi "Những bí mật của thành Pa-ri" đã được đưa lên sân khấu thì cũng chính vào lúc đó, sự phê phán có tính phê phán vừa "tranh luận với vương quốc không trung của khái niệm" lại vừa coi viện công chứng ở Pa-ri là tôn giáo và đạo đức, là sự thành kính và sự ngay thẳng chứ không phải là viện công chứng ở Pa-ri. Cuộc xét xử viên công chứng Lê-ông phải là một sự khai sáng đối với sự phê phán có tính phê phán. Địa vị của viên công chứng trong tiểu thuyết của Ơ-gien Xuy là gắn liền với chức vụ của y. "Vai trò của viên công chứng đối với việc đời cũng giống như vai trò của thầy tu đối với việc đạo, họ đều là kẻ giữ gìn bí mật của chúng ta" (Mông-tơ, "Lịch sử các đẳng cấp ở Pháp", ch.IV, tr.37)26. Viên công chứng là linh mục trần tục. Theo nghề nghiệp, ông ta là tín đồ thanh giáo. Nhưng Sếch-xpia nói rằng "sự thành thực không phải là kẻ theo thanh giáo"27. Ông ta đồng thời là kẻ trung gian cho bất cứ mục đích gì và là kẻ chủ mưu gây ra những mưu mô, mánh khoé thị dân. Với viện công chứng Phe-răng, mà toàn bộ bí mật là sự giả nhân giả nghĩa và chức công chứng của anh ta, chúng ta hình như chẳng hiểu thêm gì cả. Nhưng chớ nóng vội ! "Nếu như sự giả nhân giả nghĩa ở viên công chứng là hoàn toàn có ý thức còn ở bà Rô-lăng là một cái gì giống như bản năng thì giữa họ, là đông đảo những người không thể thâm nhập vào bí mật nhưng vẫn vô tình tìm cách đạt tới chỗ đó. Và không phải sự mê tín đưa giới thượng lưu và đám hạ lưu của thế giới này vào trong ngôi nhà âm u của tên lang vườn Bra-đa-man-li (linh mục Pô-li-đô-ri). Không, việc tìm kiếm cái bí mật để chứng minh với thế giới rằng mình vô tội đưa họ vào đó". "Giới thượng lưu" và "đám hạ lưu" đổ xô đến nhà Pô-li - đô-ri không phải là để có được một bí mật có thể chứng minh trước toàn thế giới rằng họ vô tội. Không, "giới thượng lưu" và "đám hạ lưu" tìm kiếm ở Pô-li-đô-ri "cái bí mật nói chung", cái bí mật coi là chủ thể tuyệt đối để chứng minh trước thế giới rằng mình vô tội. Điều đó giống như chúng ta không tìm chiếc rìu mà tìm "công cụ nói chung", công cụ in abstracto1* để bổ củi bằng sự trừu tượng ấy. Tất cả những bí mật của Pô-li-đô-ri quy lại là một phương pháp ra thai và một liều thuốc độc giết người. Trong trạng thái hưng phấn cao độ có tính chất tư biện, ông Sê-li-ga để cho "kẻ giết người" nhớ đến liều thuốc độc của Pô-li-đô-ri "vì hắn muốn không phải là kẻ giết người, mà muốn được quý mến, thương yêu và kính trọng". Dường như trong một vụ giết người, vấn đề là tại sự quý mến, tình thương yêu và sự kính trọng chứ không phải là tại cái đầu ! Những kẻ giết người có tính phê phán không lo cho cái đầu mình mà lại bận rộn vì "cái bí mật với tính cách là cái bí mật". - Nhưng vì không phải mọi người đều giết người, cũng không phải mọi người đều thụ thai trái với luật lệ của cảnh sát, cho nên anh chàng Pô-li-đô-ri nọ làm thế nào cho mỗi người đều có thể có cái bí mật mong muốn? Có lẽ ông Sê-li-ga lẫn lộn anh lang vườn Pô-li-đô-ri với nhà học giả Pô-li-đô-rô Véc-gi-li-ô sống vào thế kỷ XVI, mặc dù nhà học giả này chẳng khám phá ra bí mật nào cả, nhưng đã ra sức làm cho lịch sử của những nhà khám phá bí mật tức nhà phát minh trở thành "tài sản chung của toàn thế giới" (xem Pô-li-đô-rô, "Sách nói về những nhà phát minh". Ly-ông, 170628. Như vậy, cái bí mật với tính cách là cái bí mật, tức cái bí mật tuyệt đối cuối cùng biến thành "tài sản chung của toàn thế giới", chính là cái bí mật của việc làm truỵ thai và đầu độc. Cái bí mật với tính cách là bí mật vị tất đã có thể trở thành "tài sản chung của toàn thế giới" một cách khéo léo hơn là biến thành những bí mật không còn là bí mật đối với ai nữa.
26 A.A. Monteil, "Histoire des français des divers etats aus cinq derniers siècles". T. I-X, Paris, 1828 - 1844.(A.A. Mông-tơi, "Lịch sử các đẳng cấp ở Pháp năm thế kỷ vừa qua", Pa-ri, 1828-1844, từ tập I đến tập X). 27 Sếch - xpia, "Cái gì kết thúc tốt đẹp đều tốt đẹp", màn I, cảnh 3. 1* - trừu tượng 28 Polydori Vergilü liber de rerum inventoribus. Lugduni, 1706. |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC