Chủ nghĩa Marx

Bình luận có tính phê phán số 1

GIA ĐÌNH THẦN THÁNH – MỤC LỤC

 

CHƯƠNG IV

SỰ PHÊ PHÁN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN VỚI

TÍNH CÁCH LÀ SỰ YÊN TĨNH CỦA NHẬN THỨC

HAY LÀ SỰ PHÊ PHÁN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN

THỂ HIỆN Ở ÔNG ÉT-GA

 


C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1995, tr. 47-52. | Nguyên văn tiếng Đức | Bản dịch tiếng Anh | Bản dịch tiếng Pháp.


 

BÌNH LUẬN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN SỐ 1

 

Cũng giống như sự phê phán đầu tiên đối với bất cứ khoa học nào tất nhiên phải chịu sự chi phối của những tiền đề của bản thân khoa học mà sự phê phán đó phản đối, tác phẩm "Tài sản là gì?" của Pru-đông là sự phê phán theo quan điểm kinh tế chính trị đối với khoa kinh tế chính trị. - Phần nói về pháp luật trong cuốn sách phê phán pháp luật theo quan điểm pháp luật thì ở đây chúng ta không cần nghiên cứu kỹ, vì mục đích của nó là phê phán khoa học kinh tế chính trị. - Do đó, bằng cách phê phán khoa kinh tế chính trị, kể cả khoa kinh tế chính trị theo như Pru-đông hiểu, tác phẩm của Pru-đông sẽ bị vượt qua một cách khoa học. Công việc đó chỉ có thể làm được khi dựa vào tất cả những cái mà bản thân Pru-đông đã làm, giống hệt như sự phê phán mà Pru-đông tiến hành, đã lấy sự phê phán của phái trọng nông đối với học thuyết trọng thương, đã lấy sự phê phán của A-đam Xmít đối với phái trọng nông, đã lấy sự phê phán của Ri-các-đô đối với A-đam Xmít, cũng như đã lấy tác phẩm của Phu-ri-ê và Xanh - Xi-mông làm tiền đề.

Mọi nghị luận của khoa kinh tế chính trị đều lấy chế độ tư hữu làm tiền đề. Tiền đề cơ bản này được khoa kinh tế chính trị coi là sự kiện bất di bất dịch và không được nghiên cứu thêm tí nào nữa, thậm chí như Xay đã thừa nhận một cách ngây thơ, còn được coi là sự kiện mà khoa kinh tế chính trị chỉ "ngẫu nhiên" mới đề cập tới. Về cơ sở của khoa kinh tế chính trị, tức là chế độ tư hữu, Pru-đông đã nghiên cứu một cách có phê phán và hơn nữa lần đầu tiên nghiên cứu một cách có tính chất quyết định, nghiêm khắc và khoa học. Đây là một tiến bộ khoa học lớn mà Pru-đông đã thực hiện, - một tiến bộ đã cách mạng hoá khoa kinh tế chính trị và lần đầu tiên làm cho nó có thể trở thành một khoa học thực sự. Ý nghĩa của tác phẩm "Tài sản là gì?" của Pru-đông đối với khoa kinh tế chính trị hiện đại cũng giống như ý nghĩa của tác phẩm "Đẳng cấp thứ ba là gì?" của Xi-ây-ét đối với khoa chính trị hiện đại.

Nếu như bản thân Pru-đông còn chưa coi những hình thức phát triển hơn của chế độ tư hữu như tiền công, thương nghiệp, giá trị, giá cả, tiền tệ, v.v., là những hình thức của chế độ tư hữu như trong "Deutsch - Französische Jahrbücher"16 chẳng hạn (xem "Đại cương phê phán khoa kinh tế chính trị" của Ph. Ăngghen) - nếu như ông không làm như thế mà lại dùng những tiền đề kinh tế chính trị ấy để bác bỏ các nhà kinh tế học thì điều đó cũng hoàn toàn phù hợp với quan điểm đã nói trên kia của ông, một quan điểm xét về mặt lịch sử là có thể tha thứ được.

Cái khoa kinh tế chính trị coi quan hệ tư hữu là quan hệ hợp với tính người và hợp lý, thì không ngừng rơi vào chỗ mâu thuẫn với tiền đề cơ bản của mình, tức là chế độ tư hữu, đó là một mâu thuẫn giống như mâu thuẫn nhà thần học vấp phải khi thường xuyên dùng phương thức của con người để giải thích quan niệm tôn giáo, do đó luôn luôn đi ngược lại tiền đề cơ bản của mình, tức là tính siêu nhân của tôn giáo. Ví dụ trong khoa kinh tế chính trị thì lúc đầu tiền công là phần sản phẩm tương xứng trả cho lao động. Tiền công và lợi nhuận của tư bản cùng ở trong một mối quan hệ hữu hảo nhất với nhau, ưu đãi nhau nhất, dường như hợp tính người nhất. Về sau mới phát hiện ra rằng quan hệ giữa chúng là thù địch nhất, rằng tiền công ở trong quan hệ ngược với lợi nhuận của tư bản. Ban đầu, giá trị xem chừng như được xác định rất hợp lý: nó do chi phí sản xuất của vật phẩm và công dụng xã hội của vật phẩm xác định. Về sau mới phát hiện ra rằng giá trị được xác định một cách hoàn toàn ngẫu nhiên, nó chẳng có quan hệ gì với chi phí sản xuất cũng như với công dụng xã hội cả. Số lượng tiền công lúc đầu được xác định như là kết quả của sự thoả thuận tự do giữa công nhân tự do và nhà tư bản tự do. Về sau mới phát hiện ra rằng công nhân buộc phải đồng ý tiền công mà nhà tư bản quy định, còn nhà tư bản buộc phải duy trì tiền công ở mức thấp nhất có thể được. Cưỡng bức đã thay thế cho tự do của hai bên ký giao kèo. Tình hình cũng như vậy trong thương nghiệp và trong tất cả các quan hệ kinh tế khác. Có khi bản thân các nhà kinh tế học cũng cảm thấy những mâu thuẫn đó, và việc vạch ra những mâu thuẫn đó trở thành nội dung chủ yếu của cuộc đấu tranh giữa họ với nhau. Nhưng trong trường hợp những mâu thuẫn ấy được các nhà kinh tế học nhận thức được bằng cách này hay cách khác thì bản thân họ cũng công kích chế độ tư hữu biểu hiện dưới một hình thức riêng biệt nào đó và công kích những hình thức riêng biệt đó của chế độ tư hữu là đã nguỵ tạo tiền công vốn và hợp lý (hợp lý theo quan niệm của họ), giá trị vốn là hợp lý, thương nghiệp vốn là hợp lý. Chẳng hạn, có khi A-đam Xmít công kích các nhà tư bản, Đe-xtút đơ Tơ-ra-xi công kích các chủ ngân hàng, Xi-môn-đơ đơ Xi-xmôn-đi công kích chế độ công xưởng, Ri-các-đô công kích chế độ sở hữu ruộng đất, hầu hết các nhà kinh tế học cận đại đều công kích các nhà tư bản phi công nghiệp, mà thông qua những nhà tư bản này, tư hữu chỉ thể hiện với tư cách là người tiêu dùng.

Cho nên các nhà kinh tế học có khi bảo vệ một cách ngoại lệ cái bề ngoài hợp tính người của những quan hệ kinh tế - nhất là khi họ công kích một sự lạm dụng riêng biệt nào đó - nhưng thường thường họ nắm lấy những quan hệ ấy chính là từ mặt khác nhau rõ rệt của chúng với tính người, từ ý nghĩa kinh tế chặt chẽ của chúng. Không tự giác về mâu thuẫn đó và ngả nghiêng hết bên này đến bên kia, họ không thoát khỏi mâu thuẫn đó.

Pru-đông vĩnh viễn chấm dứt tình trạng không tự giác đó. Ông đối xử một cách nghiêm chỉnh với cái bề ngoài hợp tính người của những quan hệ kinh tế và đem đối lập nó một cách dứt khoát với hiện thực phản nhân tính của những quan hệ kinh tế. Ông buộc những quan hệ ấy phải, trong hiện thực, phù hợp với quan niệm của chúng về bản thân mình, hay nói cho đúng hơn, ông buộc những quan hệ ấy phải từ bỏ cái quan niệm đó về bản thân chúng và thừa nhận rằng chúng thực sự trái với tính người. Vì vậy, Pru-đông mô tả một cách hết sức thấu triệt không phải một hình thức cá biệt nào đó của chế độ tư hữu như các nhà kinh tế học khác đã làm, mà mô tả toàn bộ chế độ tư hữu thành nhân tố nguỵ tạo mối quan hệ kinh tế. Ông đã làm tất cả những điều mà việc phê phán khoa kinh tế chính trị có thể làm được mà vẫn đứng trên quan điểm kinh tế chính trị.

Dĩ nhiên là ông Ét-ga, người muốn nói lên đặc trưng của quan điểm của tác phẩm "Tài sản là gì?" không mảy may bàn đến khoa kinh tế chính trị, cũng không mảy may bàn đến đặc điểm vốn có của tác phẩm của Pru-đông, cái đặc điểm biểu hiện ra chính là ở chỗ vấn đề thực chất của chế độ tư hữu được đặt ra ở đấy như   một vấn đề cơ bản của khoa kinh tế chính trị và luật học. Sự phê phán có tính phê phán coi tất cẩ những điều đó đều là hiển nhiên rồi. Bằng cách phủ định chế độ tư hữu - sự phê phán nói - Pru-đông chẳng phát hiện được cái gì mới cả. Ông chỉ tiết lộ cái bí mật mà sự phê phán có tính phê phán lờ tịt đi mà thôi.

"Như vậy" - ông Ét-ga tiếp tục nói ngay sau khi dịch những đặc trưng - "Pru-đông đã phát hiện ra một cái tuyệt đối trong lịch sử, một cơ sở vĩnh viễn, một vị thần dìu dắt loài người. Vị thần đó là sự công bằng".

Tác phẩm của Pru-đông viết năm 1840, bằng tiếng Pháp, không đứng trên quan điểm của sự phát triển của nước Đức năm 1844 . Đó chính là quan điểm của Pru-đông mà nhiều tác giả Pháp đối lập hẳn với ông cũng đồng tình, nó là một phương tiện giúp cho sự phê phán có tính phê phán có thể dùng một nét bút mà nói lên đặc trưng của những quan điểm trái hẳn nhau. Ngoài ra, chỉ cần triệt để tuân theo quy luật mà bản thân Pru-đông nêu lên tức quy luật về sự công bằng được thực hiện thông qua sự phủ định bản thân nó, là đủ để thoát khỏi cái tuyệt đối ấy trong lịch sử. Nếu như Pru-đông không rút ra được kết luận triệt để ấy thì đó là do cái tình hình đáng buồn là ông ta sinh ra là người Pháp chứ không phải là người Đức.

Đối với ông Ét-ga thì Pru-đông với cái tuyệt đối của ông trong lịch sử, với lòng tin của ông vào sự công bằng, đã trở thành đối tượng thần học, và hiện nay sự phê phán có tính phê phán, vốn là sự phê phán thần học ex professo1*, có thể bàn về Pru-đông để nhân đó mà có khả năng trổ tài tấn công những "quan niệm tôn giáo".

"Đặc điểm của mỗi quan niệm tôn giáo là ở chỗ nó nêu lên thành tín điều, cái tình hình trong đó giữa hai mặt đối lập thì cuối cùng bao giờ cũng có một mặt trở thành mặt chiến thắng và chân lý duy nhất".

Chúng ta sẽ thấy rằng sự phê phán có tính phê phán, có tính tôn giáo, nêu lên thành tín điều, cái tình hình trong đó giữa hai mặt đối lập thì cuối cùng sẽ có một mặt, tức "sự phê phán" coi là chân lý duy nhất, sẽ chiến thắng mặt đối lập kia, - tức "quần chúng". Song Pru-đông lại coi sự công bằng có tính quần chúng là cái tuyệt đối, là vị thần của lịch sử, nên đã mắc một điều không công bằng hơn là sự phê phán công bằng, kẻ đã giữ lấy cho mình một cách hết sức rõ ràng vai trò của cái tuyệt đối ấy, của vị thần của lịch sử ấy.

 



16 16 "Deutsch - Französische Jahrbücher" ("Niên giám Pháp-Đức") là tạp chí tiếng Đức xuất bản ở Pa-ri, do C.Mác và A.Ru-gơ chủ biên. Chỉ ra được có một số kép vào tháng Hai 1844. Trong số này có đăng các tác phẩm của Mác "Vấn đề Do Thái" và "Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hê-ghen. Lời tựa", các tác phẩm của Ph. Ăng-ghen "Đề cương phê phán khoa kinh tế chính trị" và "Tình cảnh nước Anh. Tô-mát Các-lai-lơ", "Quá khứ và hiện tại" (Xem C.Mác và Ph. Ăng-ghen, Toàn tập, tiếng Việt, Nhà xuất bản chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.1, tr. 525-568, 569-590, 747-786, 787-825). Những tác phẩm đó báo hiệu Mác và ¨Ăng-ghen đã chuyển hẳn sang chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa cộng sản. Tạp chí này đình bản chủ yếu là do sự bất đồng ý kiến về nguyên tắc giữa Mác và Ru-gơ, một phần tử cấp tiến của giai cấp tư sản.

1* - nhà nghề

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt