Chủ nghĩa Marx

Bình luận có tính phê phán số 2

GIA ĐÌNH THẦN THÁNH – MỤC LỤC

 

CHƯƠNG IV

SỰ PHÊ PHÁN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN VỚI

TÍNH CÁCH LÀ SỰ YÊN TĨNH CỦA NHẬN THỨC

HAY LÀ SỰ PHÊ PHÁN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN

THỂ HIỆN Ở ÔNG ÉT-GA

 


C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1995, tr. 52-57. | Nguyên văn tiếng Đức | Bản dịch tiếng Anh | Bản dịch tiếng Pháp.


 

 

BÌNH LUẬN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN SỐ 2

 

"Sự thực về sự khốn cùng, về sự nghèo khổ làm cho Pru-đông rút ra một số luận điểm phiến diện: ông thấy sự thực ấy là một cái gì mâu thuẫn với bình đẳng và công bằng; ông thấy sự thực ấy là vũ khí của mình. Như vậy, đối với ông, sự thực ấy trở thành tuyệt đối và hợp lý, còn như sự thực về sự tồn tại của chế độ tư hữu thì trở thành không hợp lý".

Sự yên tĩnh của nhận thức bảo chúng ta rằng Pru-đông thấy sự thực về sự nghèo khổ là một cái gì mâu thuẫn với công bằng, do đó, ông cho rằng sự thực ấy là không hợp lý, nhưng ở đây sự yên tĩnh của nhận thức chưa kịp nghỉ đã vội vàng tuyên bố rằng đối với Pru-đông, sự thực ấy trở thành tuyệt đối và hợp lý.

Khoa kinh tế chính trị từ trước đến nay xuất phát từ sự giàu có mà dường như sự vận động của chế độ tư hữu đã đem lại cho nhân dân, đã đi đến chỗ biện hộ cho chế độ tư hữu. Pru-đông xuất phát từ sự thực trái ngược bị che giấu một cách nguỵ biện trong khoa kinh tế chính trị, xuất phát từ sự thực về sự nghèo khổ do sự vận động của chế độ tư hữu gây ra, đã đi tới những kết luận phủ định chế độ tư hữu. Sự phê phán đầu tiên đối với chế độ tư hữu thì dĩ nhiên là xuất phát từ sự thực là bản chất của chế độ tư hữu đầy rẫy mâu thuẫn biểu hiện ra dưới hình thức rõ ràng nhất, nổi bật nhất và trực tiếp khiến người ta căm phẫn nhất, tức là xuất phát từ sự thực về sự bần cùng, nghèo khổ.

"Trái lại, sự phê phán đem gộp hai sự thực là sự nghèo nàn và tài sản làm một; nó phát hiện mối liên hệ nội tại giữa chúng với nhau, biến chúng thành một chỉnh thể và hỏi bản thân cái chỉnh thể đó rằng tiền đề tồn tại của nó là gì".

Sự phê phán cho tới nay vẫn chưa hiểu một tí gì về các sự thực về tài sản và bần cùng, "trái lại" đem đối lập sự việc mà nó chỉ có thể làm được trong tưởng tượng của bản thân nó với sự việc thực tế của Pru-đông. Nó đem gộp hai sự thực làm một, và biến hai cái thành một sự thực duy nhất rồi phát hiện ra là có sự liên hệ nội tại giữa hai cái. Sự phê phán không thể phủ nhận rằng ngay Pru-đông cũng thừa nhận có mối liên hệ nội tại giữa  hai sự thực là sự nghèo nàn và tài sản tư hữu, và chính do có mối liên hệ nội tại đó mà ông yêu cầu xóa bỏ tài sản để tiêu diệt sự nghèo nàn. Pru-đông thậm chí còn làm nhiều hơn nữa. Ông chỉ rõ tường tận sự vận động của tư bản đã gây ra sự khốn cùng như thế nào. Trái lại, sự phê phán có tính phê phán không thèm quan tâm đến điều nhỏ nhặt đó. Nó đã phát hiện ra rằng sự nghèo nàn và tài sản tư hữu là hai cái đối lập nhau, - đấy quả là một sự phát hiện khá phổ biến. Nó biến sự nghèo nàn và sự giàu có thành một chỉnh thể và "hỏi bản thân chỉnh thể ấy rằng tiền đề tồn tại của nó là gì", một câu hỏi thừa vì bản thân sự phê phán vừa mới sáng tạo ra "bản thân chỉnh thể" ấy, và do đó, bản thân sự sáng tạo đó của sự phê phán cũng là tiền đề của sự tồn tại của chỉnh thể ấy.

Hỏi "bản thân chỉnh thể" về tiền đề tồn tại của nó, như vậy là sự phê phán có tính phê phán đã dùng phương thức thực sự thần học để tìm những tiền đề ấy ở bên ngoài "chỉnh thể" ấy. Tư biện phê phán vận động bên ngoài đối tượng mà nó dường như đang nghiên cứu. Trong khi toàn bộ sự đối lập ấy giữa giàu và nghèo không phải là gì khác hơn là sự vận động của hai mặt của nó, trong khi tiền đề tồn tại của chỉnh thể nằm trong bản tính của hai mặt ấy thì bản thân sự phê phán có tính phê phán lại lẩn tránh không nghiên cứu sự vận động hiện thực hình thành chỉnh thể ấy, để tạo cơ hội cho mình nói rằng với tư cách là sự yên tĩnh của nhận thức, mình cao hơn cả hai mặt đối lập ấy, rằng chỉ có hoạt động của mình đã sáng tạo ra "bản thân chỉnh thể", mới tiêu diệt được sự trừu tượng mà mình sáng tạo ra.

Giai cấp vô sản và sự giàu có là hai mặt đối lập. Với tính cách như vậy, chúng hợp thành một chỉnh thể thống nhất nào đó. Cả hai đều là sản phẩm của thế giới chế độ tư hữu. Toàn bộ vấn đề là ở chỗ mỗi yếu tố trong hai yếu tố đó chiếm một địa vị xác định như thế nào trong sự đối lập. Chỉ tuyên bố rằng chúng là hai mặt của một chỉnh thể thống nhất thì chưa đủ.

Là chế độ tư hữu, là sự giàu có, chế độ tư hữu không thể không duy trì sự tồn tại của bản thân nó, do đó cũng không thể không duy trì sự tồn tại của mặt đối lập của nó là giai cấp vô sản. Đấy là mặt khẳng định của sự đối lập, là chế độ tư hữu được thoả mãn trong bản thân mình.

Trái lại, với tư cách là giai cấp vô sản, giai cấp vô sản buộc phải thủ tiêu bản thân mình, do đó tiêu diệt cả cái mặt đối lập của nó - tức là chế độ tư hữu - đang chi phối nó và làm cho nó thành giai cấp vô sản. Đấy là mặt phủ định của sự đối lập, là sự không yên ổn bên trong bản thân sự đối lập, là chế độ tư hữu bị tiêu diệt và đang tự tiêu diệt.

Giai cấp hữu sản và giai cấp vô sản đều là sự tự tha hoá của con người. Nhưng giai cấp thứ nhất cảm thấy mình được thoả mãn và vững vàng trong sự tự tha hoá đó, thấy sự tha hoá là sự chứng minh cho sự hùng mạnh của bản thân mình và có được trong đó cái bề ngoài của sự tồn tại có tính người của mình. Còn giai cấp thứ hai thì cảm thấy mình bị huỷ diệt trong sự tha hoá đó, thấy trong sự tha hoá đó, sự bất lực và hiện thực về sự sinh tồn không có tính người của mình. Theo cách nói của Hê-ghen thì giai cấp này là sự căm phẫn trong tình trạng bị đày đoạ đối với tình trạng đó, một sự căm phẫn tất nhiên phải nảy sinh ra trong giai cấp này từ mâu thuẫn giữa bản tính người của nó với tình hình sinh hoạt của nó, cái tình hình sinh hoạt phủ định một cách công nhiên, quyết liệt và toàn diện chính bản tính ấy.

Như vậy, trong phạm vi toàn bộ sự đối lập, người tư hữu là mặt bảo thủ, người vô sản là mặt phá hoại. Từ người thứ nhất nảy sinh ra hành động nhằm duy trì sự đối lập, từ người thứ hai, nảy sinh ra hành động nhằm xoá bỏ sự đối lập.

Đành rằng trong sự vận động kinh tế của mình, chế độ tư hữu tự đẩy mình đến chỗ tiêu diệt bản thân mình, nhưng nó chỉ làm điều đó nhờ sự phát triển không lệ thuộc vào nó, không tự giác, trái với ý chí của nó và do bản tính của bản thân khách thể chi phối; chỉ làm điều đó nhờ sự ra đời của giai cấp vô sản với tư cách là giai cấp vô sản, nghĩa là sự khốn cùng đã nhận thức được sự khốn cùng tinh thần và thể xác của mình,  là tình trạng phi nhân tính đã nhận thức đựơc tình trạng phi nhân tính của mình, do đó mà tự tiêu diệt mình. Giai cấp vô sản đang thi hành bản án mà chế độ tư hữu, trong khi đẻ ra giai cấp vô sản, đã làm ra cho mình, cũng giống như nó đang thi hành bản án mà lao động làm thuê, trong khi sản xuất ra sự giàu có cho kẻ khác và sự khốn cùng cho bản thân, đã làm ra cho mình. Sau khi thắng lợi, giai cấp vô sản dù sao cũng không thể nào trở thành mặt tuyệt đối của xã hội, vì rằng chỉ có sự tiêu diệt và tiêu diệt mặt đối lập của mình thì nó mới giành được thắng lợi. Với thắng lợi của giai cấp vô sản, bản thân giai cấp vô sản và mặt đối lập chi phối nó là chế độ tư hữu, đều tiêu vong.

Nếu như các tác giả xã hội chủ nghĩa quy vai trò có ý nghĩa lịch sử toàn thế giới đó cho giai cấp vô sản thì tuyệt nhiên không phải vì họ coi người vô sản là thần thánh như sự phê phán có tính phê phán đã làm cho chúng ta tin như thế. Trái hẳn lại. Vì trong giai cấp vô sản đã hình thành thì việc gạt bỏ mọi cái hợp tính người, ngay cả đến việc gạt bỏ cái bề ngoài hợp tính người đã được thực hiện trên thực tế; vì trong điều kiện sinh hoạt của giai cấp vô sản thì mọi điều kiện sinh hoạt của xã hội hiện đại đã đạt tới điểm cao nhất của tình trạng phi nhân tính; vì trong giai cấp vô sản thì con người mất đi chính bản thân mình đồng thời con người không những có ý thức, trên mặt lý luận, về sự mất mát đó mà còn do sự bức bách của sự bần cùng không tránh khỏi, không che giấu nổi và tuyệt đối không gì chống lại được - của biểu hiện thực tế đó của tính tất yếu - mà trực tiếp buộc phải căm phẫn đối với tình trạng phi nhân tính ấy; vì tất cả những cái đó nên giai cấp vô sản có thể và phải tự mình giải phóng mình. Song nếu không tiêu diệt những điều kiện sinh hoạt của bản thân thì giai cấp vô sản không thể tự giải phóng được. Nếu không tiêu diệt mọi điều kiện sinh hoạt phi nhân tính của xã hội hiện đại biểu hiện tập trung ở tình cảnh của chính nó thì nó không thể tiêu diệt được điều kiện sinh hoạt của bản thân nó. Nó đã không uổng công trải qua trường học nghiêm khắc nhưng có tác dụng rèn luyện của lao động. Vấn đề không phải ở chỗ hiện nay người vô sản nào đó, thậm chí toàn bộ giai cấp vô sản, coi cái gì là mục đích của mình. Vấn đề là ở chỗ giai cấp vô sản thực ra là gì, và phù hợp với sự tồn tại ấy của bản thân nó, giai cấp vô sản buộc phải làm gì về mặt lịch sử. Mục đích của nó và nhiệm vụ lịch sử của nó được tình hình sinh hoạt của bản thân nó cũng như toàn bộ tổ chức của xã hội tư sản hiện đại, chỉ ra từ trước một cách rõ rệt nhất và không thể chối cãi được. Một bộ phận lớn trong giai cấp vô sản Anh và Pháp đã có ý thức về nhiệm vụ lịch sử của mình và không ngừng cố gắng làm cho ý thức đó đạt tới mức hoàn toàn rõ rệt, điều đó bất tất phải nói đến nhiều.

"Sự phê phán có tính phê phán” cho rằng mình không cần phải thừa nhận điều ấy, vì nó đã tuyên bố rằng nó là nhân tố sáng tạo duy nhất của lịch sử. Những sự đối lập trong lịch sử đều do nó sinh ra, hành động nhằm tiêu diệt những sự đối lập cũng do nó sinh ra. Vì thế, qua miệng của Ét-ga, hiện thân của nó, nó đọc lời tuyên bố như sau:

"Có giáo dục và không có giáo dục, có tài sản và không có tài sản, những mặt đối lập đó - nếu không phải là nhằm mục đích xúc phạm chúng - đều phải được trao hoàn toàn và đầy đủ cho sự phê phán".

Có tài sản và không có tài sản được tôn sùng một cách siêu hình với tư cách là những mặt đối lập có tính phê phán tư biện. Vì vậy chỉ có bàn tay của sự phê phán có tính phê phán mới có thể đụng đến chúng mà không mắc tội xúc phạm vật thiêng liêng. Nhà tư bản và công nhân không nên can dự vào những mối quan hệ giữa họ với nhau.

Không thừa nhận ngay cả đến một ý nghĩ xa xôi là người ta có thể đả kích quan điểm có tính phê phán của ông về các mặt đối lập, có thể tước mất tính chất thiêng liêng của vật thiêng liêng ấy nên ông Ét-ga đã đem ý kiến phản đối mà chỉ ông ta mới có thể đưa ra cho chính mình, nhét vào mồm đối thủ của mình.

"Ngoài những khái niệm đã có như tự do, bình đẳng", v.v. - kẻ đối thủ tưởng tượng của sự phê phán có tính phê phán hỏi - "chẳng lẽ còn có thể vận dụng những khái niệm nào khác nữa ư? Tôi trả lời là" (hãy chú ý câu trả lời của ông Ét-ga) "một khi những tư tưởng mà tiếng Hy Lạp và tiếng la-tinh diễn đạt đều tận cùng thì hai ngôn ngữ ấy lập tức tiêu vong".

Bây giờ thì thấy rõ tại sao sự phê phán có tính phê phán không dùng tiếng Đức để đưa ra cho chúng ta một tư tưởng thống nhất nào. Ngôn ngữ diễn đạt tư tưởng của nó còn chưa ra đời, mặc dầu ông Rai-sơ-hát vận dụng một cách phê phán một số chữ ngoại quốc, ông Phau-sơ vận dụng một cách phê phán tiếng Anh và ông Ét-ga vận dụng một cách phê phán tiếng Pháp đã tiến hành nhiều công tác để chuẩn bị cho một thứ ngôn ngữ phê phán mới.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt