CHƯƠNG IV SỰ PHÊ PHÁN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN VỚI TÍNH CÁCH LÀ SỰ YÊN TĨNH CỦA NHẬN THỨC HAY LÀ SỰ PHÊ PHÁN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN THỂ HIỆN Ở ÔNG ÉT-GA
C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1995, tr. 72-76. | Nguyên văn tiếng Đức | Bản dịch tiếng Anh | Bản dịch tiếng Pháp.
BÌNH LUẬN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN SỐ 4
"Nếu ông ta (Pru-đông) muốn giữ khái niệm tiền lương, nếu ông ta muốn coi xã hội là một tổ chức cho chúng ta việc làm và trả thù lao cho chúng ta về việc làm đó thì ông ta càng không có lý do để coi thời gian là thước đo thù lao, vì trước đây không lâu, ông ta đã theo Huy-gô Grô-ti-út đưa ra tư tưởng cho rằng: về mặt tầm quan trọng của sự vật thì thời gian không quan hệ gì". Ở đây chúng ta thấy một điểm duy nhất là sự phê phán có tính phê phán tìm cách giải quyết nhiệm vụ của mình và chứng minh với Pru-đông rằng ông xuất phát từ quan điểm kinh tế chính trị để phản đối một cách không đúng khoa kinh tế chính trị. Nhưng cũng chính ở đây, sự phê phán đã thực sự làm nhục mình một cách có tính chất phê phán Cùng với Huy-gô Grô-ti-út, Pru-đông đã phát triển tư tưởng cho rằng thời hạn hiệu lực không thể coi là căn cứ để biến chiếm hữu thành tài sản, biến một "nguyên tắc pháp luật" này thành một "nguyên tắc pháp luật" khác, cũng giống như thời gian không thể biến cái chân lý: tổng của ba góc trong của một tam giác bằng hai góc vuông, thành một chân lý khác: tổng của ba góc trong của một tam giác bằng ba góc vuông. "Các anh không bao giờ có thể - Pru-đông thét lên - để cho thời gian, - là cái bản thân chẳng sáng tạo gì hết, chẳng cải biến gì hết, chẳng đổi mới gì hết - biến con người sử dụng một vật phẩm nào đó thành người sở hữu vật phẩm ấy". Ông Ét-ga liền suy luận rằng vì Pru-đông nói thời gian không thể biến một nguyên tắc pháp luật này thành một nguyên tắc pháp luật khác, hơn nữa nó căn bản không thể tự nó cải biến hoặc đổi mới bất cứ cái gì, nên ông ta đã tỏ ra thuỷ chung bất nhất khi coi thời gian lao động là thước đo giá trị của sản phẩm lao động về mặt kinh tế chính trị học. Ông Ét-ga sở dĩ có thể nghĩ ra được ý kiến phê phán có tính phê phán đó là vì ông ta đã dịch từ "valeur"1* thành "Geltung"2* do đó có thể dùng từ đó theo cùng một nghĩa, khi mà chỗ này thì nói về ý nghĩa của nguyên tắc pháp luật, chỗ kia lại nói về giá trị thương nghiệp của sản phẩm lao động. Ông ta sở dĩ làm được điều đó là vì ông coi sự kéo dài trống rỗng của thời gian với thời gian lao động có nội dung đầy đủ là như nhau. Giả thử Pru-đông nói rằng thời gian không thể biến nhặng thành voi thì sự phê phán có tính phê phán cũng có thể suy luận rằng như vậy Pru-đông chẳng có lý do gì để coi thời gian lao động là thước đo tiền lương. Thời gian lao động cần hao phí để sản xuất ra một vật phẩm nào đó thuộc về chi phí sản xuất ra vật phẩm ấy, chi phí sản xuất ra một vật phẩm nào đó cũng có nghĩa là nó giá bao nhiêu, tức nó có thể bán được bao nhiêu nếu không tính đến ảnh hưởng của cạnh tranh - đó là điều mà ngay cả sự phê phán có tính phê phán cũng không thể không hiểu. Ngoài thời gian lao động và tư liệu lao động, các nhà kinh tế học còn tính cả địa tô của người sở hữu ruộng đất và lợi tức cùng lợi nhuận của nhà tư bản vào chi phí sản xuất. Ở Pru-đông, địa tô, lợi tức và lợi nhuận đều mất đi vì ở ông, tài sản tư hữu đã mất đi. Do đó chỉ còn lại thời gian lao động và chi phí ứng trước. Coi thời gian lao động, tức sự tồn tại hiện có trực tiếp của hoạt động của con người với tính cách hoạt động của con người, là thước đo để đo tiền lương và quy định giá trị sản phẩm, Pru-đông làm cho con người trở thành nhân tố quyết định; còn như trong khoa kinh tế chính trị cũ, nhân tố quyết định là lực lượng vật chất của tư bản và của sở hữu ruộng đất, nghĩa là Pru-đông đã khôi phục quyền của con người, có điều là vẫn còn khôi phục dưới hình thức kinh tế chính trị, do đó dưới hình thức mâu thuẫn. Cách ông xuất phát từ quan điểm kinh tế chính trị là đúng đến mức nào, điều đó có thể thấy ở chỗ người sáng lập ra khoa kinh tế mới, là A-đam Xmít, đã phát triển, ngay trong mấy trang đầu của tác phẩm của mình nhan đề "Nghiên cứu về bản chất và nguyên nhân của sự giàu có của các dân tộc"20, một tư tưởng cho rằng trước khi chế độ tư hữu được xác lập, nghĩa là trong điều kiện không có tài sản tư hữu, thời gian lao động đã là thước đo của tiền lương và của giá trị sản phẩm lao động còn chưa tách biệt với tiền lương. Tuy nhiên, hãy cứ cho rằng sự phê phán có tính phê phán tạm thời giả định rằng Pru-đông không xuất phát từ tiền đề lương. Chẳng lẽ nó cho rằng có lúc nào đó, thời gian cần thiết để sản xuất ra một vật phẩm nào đó sẽ không thành nhân tố bản chất của "tính quan trọng" của vật phẩm ấy hay sao? Chẳng lẽ nó cho rằng thời gian đang mất giá trị của mình đi hay sao? Trong lĩnh vực sản xuất vật chất trực tiếp thì về bản chất, việc giải quyết vấn đề có nên sản xuất một vật phẩm nào đó hay không, tức việc giải quyết vấn đề giá trị của vật phẩm, là tuỳ thuộc vào thời gian lao động cần thiết để sản xuất ra vật phẩm ấy. Vì xã hội có thời gian hay không để phát triển thực sự con người là tuỳ thuộc vào thời gian ấy. Ngay cả lĩnh vực sản xuất tinh thần thì cũng thế, vì nếu muốn hành động hợp lý, há chẳng phải là khi xác định quy mô, tính chất và kế hoạch của tác phẩm tinh thần đó, không cần chú ý đến thời gian cần thiết để sản xuất ra nó hay sao? nếu không, ít ra tôi cũng sa vào nguy cơ là sự vật tồn tại trong tư tưởng của tôi không bao giờ trở thành sự vật hiện thực, do đó nó chỉ có thể có giá trị của sự vật tưởng tượng, nghĩa là chỉ có giá trị tưởng tượng mà thôi. Sự phê phán đối với khoa kinh tế chính trị tiến hành theo quan điểm kinh tế chính trị thừa nhận tất cả mọi quy định bản chất của hoạt động của con người, nhưng chỉ trong hình thức tha hoá và tách ra ngoài. Chẳng hạn, ở đây nó biến ý nghĩa của thời gian đối với lao động của con người thành ý nghĩa của thời gian đối với tiền lương, đối với lao động làm thuê. Ông Ét-ga nói tiếp: "Muốn buộc người có tài năng tiếp nhận thước đo nói trên, Pru-đông đã lạm dụng khái niệm giao dịch tự do và quả quyết rằng xã hội và những thành viên cá biệt của nó vốn có quyền vứt bỏ tác phẩm của người có tài năng". Ở những người theo học thuyết Phu-ri-ê và Xanh Xi-mông, người có tài năng tiếp tục đứng hai chân trên miếng đất của khoa kinh tế chính trị đã đưa ra yêu cầu quá cao về nhuận bút và lấy cái ảo tưởng của mình cho rằng mình là của báu vô giá, làm thước đo để xác định giá trị trao đổi của tác phẩm của mình. Đối với những âm mưu đó của người có tài, Pru-đông đã trả lời giống như khoa kinh tế chính trị đã trả lời bất cứ tham vọng nào hòng nâng giá cả vượt xa cái gọi là giá cả tự nhiên, tức chi phí sản xuất ra vật phẩm: Pru-đông trả lời bằng cách chỉ ra giao dịch tự do. Đồng thời, ông không hê lạm dụng quan hệ ấy theo nghĩa kinh tế chính trị học, trái lại ông coi cái mà các nhà kinh tế học coi chỉ là hữu danh vô thực và hão huyền tức tự do của hai bên ký giao kèo, là một cái gì hiện thực.
1* - "giá trị" 2* - "tầm quan trọng, ý nghĩa" 20 A.Smith. "An Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations". Xuất bản lần thứ nhất ở Luân Đôn năm 1776.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC