CHƯƠNG IV SỰ PHÊ PHÁN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN VỚI TÍNH CÁCH LÀ SỰ YÊN TĨNH CỦA NHẬN THỨC HAY LÀ SỰ PHÊ PHÁN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN THỂ HIỆN Ở ÔNG ÉT-GA
C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1995, tr. 77-81. | Nguyên văn tiếng Đức | Bản dịch tiếng Anh | Bản dịch tiếng Pháp.
BÌNH LUẬN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN SỐ 5
"Trong sự chứng minh về tính chất không thể có được của tài sản - sự chứng minh mà Pru-đông rút ra từ chỗ loài người đặc biệt thiệt hại vì chế độ lợi tức và lợi nhuận và vì sự không cân đối giữa sản xuất và tiêu dùng - thiếu mất mặt trái bổ sung cho nó, tức là sự chứng minh rằng tài sản tư hữu là có thể có trong lịch sử". Bản năng may mắn khiến cho sự phê phán có tính phê phán quyết định không nghiên cứu sâu những luận đoán của Pru-đông về chế dộ lợi tức và lợi nhuận, v.v., nghĩa là một số luận đoán quan trọng nhất của Pru-đông. Vấn đề là ở chỗ: không có những tri thức hết sức thực tế về vấn đề vận động của chế độ tư hữu mà lại muốn phê phán Pru-đông về điểm này thì hoàn toàn không thể được, dù chỉ là muốn làm ra vẻ phê phán thôi. Sự phê phán có tính phê phán tìm cách bù lại sự bất lực của mình bằng một nhận xét cho rằng Pru-đông không đưa ra một sự chứng minh về tính khả năng lịch sử của tài sản tư hữu. Song tại sao sự phê phán, là kẻ chẳng đưa ra được cái gì ngoài những lời nói suông, lại cứ đòi người khác cung cấp cho mình hết thảy? "Pru-đông chứng minh tính chất không thể có của tài sản bằng căn cứ lý luận sau: công nhân không thể dùng tiền thu được bằng lao động của mình để mua trở lại sản phẩm của mình. Khi chứng minh luận điểm ấy. Pru-đông đã viện đến thực chất của tư bản, nhưng không đưa ra những luận cứ thấu triệt, tường tận. Công nhân không thể mua trở lại sản phẩm của mình vì sản phẩm bao giờ cũng là sản phẩm xã hội, còn bản thân công nhân chẳng phải là gì khác hơn là một cá nhân được trả công". Để thấu triệt cặn kẽ hơn, - ông Ét-ga đi ngược lại suy luận của Pru-đông, - có lẽ nên nói rằng công nhân không thể mua trở lại sản phẩm của mình vì anh ta luôn luôn buộc phải mua nó trở lại. Trong định nghĩa của mua đã chứa đựng tư tưởng cho rằng công nhân coi sản phẩm của mình là đối tượng đã tách rời bản thân anh ta, đã tha hoá rồi. Tiện đây cũng nói rằng luận cứ thấu triệt cặn kẽ của ông Ét-ga không giải thích thấu triệt cặn kẽ tại sao, về phần mình, nhà tư bản -mà bản thân cũng không phải là gì khác hơn là người cá biệt, và còn là người được trả lợi nhuận và lợi tức - không những có thể mua được sản phẩm lao động mà còn mua được nhiều hơn sản phẩm lao động nữa. Muốn giải thích điều đó, ông Ét-ga sẽ phải giải thích quan hệ qua lại của lao động với tư bản, nghĩa là phải viện đến thực chất của tư bản. Những đoạn trích từ sự phê phán nói lên rõ rệt hơn hết sự phê phán có tính phê phán đã lợi dụng như thế nào cái mà nó vừa học được của một tác giả nào đó để sau khi cải biến thành cách nói có tính phê phán, liền coi ngay cái ấy là phát minh thiên tài của bản thân mình chống lại chính tác giả đó. Cần biết rằng sự phê phán có tính phê phán chính đã lấy của Pru-đông luận cứ mà dường như Pru-đông chưa dùng và ông Ét-ga hiện đang sử dụng. Pru-đông nói: "Divide et impera...1* Anh tách rời những người công nhân với nhau thì rất có thể là tiền lương ngày trả cho mỗi người cá biệt sẽ vượt giá trị của sản phẩm của cá nhân; nhưng vấn đề không phải là ở đấy... Trả thù lao cho tất cả lực lượng cá nhân, như thế anh vẫn là chưa trả thù lao cho lực lượng tập thể". Pru-đông trước hết chú ý rằng tổng số tiền lương của những công nhân cá biệt ngay trong trường hợp lao động của mỗi cá nhân được trả thù lao đầy đủ cũng chưa đủ để trả cho lực lượng tập thể vật hoá vào sản phẩm của họ; rằng do đó công nhân lĩnh thù lao không phải với tư cách một bộ phận của sức lao động tập thể. Ông Ét-ga xuyên tạc tư tưởng ấy, khẳng định rằng công nhân chẳng phải là gì khác hơn là người cá biệt được trả thù lao. Như vậy, sự phê phán có tính phê phán đã lợi dụng tư tưởng chung của Pru-đông để chống lại sự phát triển cụ thể hơn nữa của cũng một tư tưởng ấy ở chính Pru-đông ấy. Nó nắm tư tưởng ấy theo phương thức phê phán và bộc lộ cái bí mật của chủ nghĩa xã hội có tính phê phán trong mấy câu như sau: "Công nhân hiện nay chỉ suy nghĩ về bản thân, nghĩa là anh ta cho rằng mình chỉ được trả thù lao với tư cách cá nhân. Không phải ai khác mà chính là bản thân công nhân không tính đến lực lượng vĩ đại và không gì so sánh được sinh ra từ trong sự hợp tác của anh ta với những lực lượng khác". Theo ý kiến của sự phê phán có tính phê phán thì mọi tai hoạ đều chỉ ở trong "tư duy" của công nhân. Đúng vậy, công nhân Anh và Pháp đã tổ chức ra các đoàn thể trong đó vấn đề được đem ra trao đổi giữa công nhân với nhau không chỉ là nhu cầu trực tiếp của họ về mặt là công nhân mà còn là nhu cầu trực tiếp của họ về mặt là con người. Tổ chức ra những đoàn thể ấy, công nhân đã chứng tỏ rằng họ đã hiểu hết sức sâu sắc và rộng rãi cái lực lượng "vĩ đại" và "không gì so sánh được" sinh ra từ trong sự hợp tác của họ. Nhưng những công nhân cộng sản chủ nghĩa có tính quần chúng ấy, ví dụ những người làm công ở các công xưởng Man-se-xtơ và Ly-ông, không hề nghĩ rằng dùng "tư duy thuần tuý", nghĩa là chỉ dựa vào những nghị luận của họ, là có thể thoát khỏi bọn chủ của họ và khỏi địa vị nhục nhã thực tế của bản thân họ. Họ rất đau khổ cảm thấy sự khác nhau giữa tồn tại và tư duy, giữa ý thức và đời sống. Họ biết rằng tài sản, tư bản, tiền bạc, lao động làm thuê và những cái như thế đều hoàn toàn không phải là ảo ảnh trong tưởng tượng, mà là sản phẩm hết sức thực tế, hết sức cụ thể của sự tự tha hoá của công nhân, rằng vì vậy họ cũng phải dùng phương thức thực tế và cụ thể để tiêu diệt chúng để cho con người có thể trở thành con người không những trong tư duy, trong ý thức mà cả trong sự tồn tại có tính quần chúng, trong đời sống nữa. Còn sự phê phán có tính phê phán thì trái lại, dạy công nhân rằng miễn là họ xoá bỏ trong tư tưởng cái ý nghĩ lao động làm thuê, miễn là trong tư tưởng họ không còn coi mình là công nhân làm thuê nữa, và dựa vào sự tưởng tượng ngông cuồng ấy không còn để cho người ta trả thù lao cho mình coi là người cá biệt nữa, là họ thực sự không còn là công nhân làm thuê nữa. Sau đó, với tư cách là nhà duy tâm tuyệt đối với tính cách sinh vật ê-te; dĩ nhiên là họ có thể sống bằng ê-te của tư duy thuần tuý. Sự phê phán có tính phê phán dạy công nhân rằng khi nào họ xoá bỏ được, trong tư tưởng, cái phạm trù tư bản thì họ cũng trừ bỏ được tư bản hiện thực, khi nào họ cải biến được trong ý thức của mình, cái "tôi trừu tượng" của mình, gạt bỏ một cách khinh bỉ mọi hành động thực sự cải biến sự sinh tồn hiện thực của mình, cải biến điều kiện hiện thực của sự sinh tồn của mình, tức là cải biến cái "tôi" hiện thực của mình coi như những hành động không có tính phê phán thì họ sẽ thực sự biến đổi và chuyển hoá thành con người hiện thực. Cái "tinh thần" coi hiện thực thực tại chỉ là phạm trù đương nhiên sẽ quy mọi hoạt động và thực tiễn của con người thành quá trình tư duy biện chứng của sự phê phán có tính phê phán. Sự khác nhau giữa chủ nghĩa xã hội của nó với chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản của quần chúng cũng chính là ở đấy. Sau lập luận hùng vĩ của mình, ông Ét-ga dĩ nhiên phải "từ chối" không cho sự phê phán của Pru-đông là có "ý thức". "Nhưng Pru-đông cũng muốn thành người thực tế". "Ông nghĩ rằng ông đã nhận thức được". "Tuy thế" - sự yên tĩnh của nhận thức đắc ý kêu lên - "hiện nay, chúng ta cũng còn phải từ chối không cho ông ta có sự yên tĩnh của nhận thức". "Chúng ta trích dẫn mấy chỗ trong tác phẩm của ông ta để chỉ rõ rằng ông ta rất ít suy nghĩ biết bao đến thái độ của mình đối với xã hội". Sau này, chúng ta còn phải trích dẫn mấy đoạn trong tác phẩm của sự phê phán có tính phê phán (xem "Ngân hàng của người nghèo" và "Nông trang kiểu mẫu") để chỉ rõ rằng ngay cả về những quan hệ kinh tế cơ bản nhất, nó cũng chưa nhận thức được, còn nói gì đến suy nghĩ về những quan hệ đó, vì vậy với sự khôn khéo có tính phê phán vốn có, nó cũng cảm thấy nó có trách nhiệm phân tích Pru-đông một cách phê phán. Sau khi sự phê phán có tính phê phán, với tư cách là sự yên tĩnh của nhận thức, "đã khuất phục" được tất cả mọi "mặt đối lập" có tính quần chúng, sau khi nắm lấy toàn bộ hiện thực dưới hình thức phạm trù và hoà toan mọi hoạt động của con người vào trong phép biện chứng tư biện, - sau tất cả những việc làm đó, nó lại sáng tạo lại thế giới từ phép biện chứng tư biện như chúng ta sẽ thấy sau này. Chẳng nói cũng rõ, muốn cho khỏi bị "xúc phạm" thì chỉ có thể thông báo cái phép mầu sáng tạo thế giới một cách tư biện - phê phán cho quần chúng ngoại đạo, dưới hình thức thánh-kịch thần bí. Do đó sự phê phán có tính phê phán thể hiện ở Vi-snu - Sê-li-ga đã xuất hiện với tư cách là anh lái buôn những bí mật"21". 1* - Chia để trị 21 Đây chỉ bài bình luận của Sê-li-ga đăng trên "Allgemeine Literatur-Zeitung" số 7 (tháng Sáu 1844) đối với cuốn tiểu thuyết "Những bí mật của thành Pa-ri" của nhà văn Pháp Ơ-gien Xuy. Cuốn tiểu thuyết này được viết theo tinh thần ảo tưởng xã hội thương cảm tiểu thị dân, xuất bản ở Pa-ri năm 1842 - 1843 đã nổi tiếng không những ở Pháp mà ở cả nước ngoài. |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC