Chủ nghĩa Marx

Cạnh tranh

TÌNH CẢNH CỦA GIAI CẤP LAO ĐỘNG Ở ANH - MỤC LỤC

 

TÌNH CẢNH CỦA GIAI CẤP LAO ĐỘNG Ở ANH.

 

Theo những sự quan sát của bản thân và

những nguồn đáng tin cậy

______________

 

CẠNH TRANH

 


C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1995. Phiên bản điện tử: dangcongsan.vn Nguyên bản tiếng Đức | Bản dịch tiếng Anh | Bản dịch tiếng Pháp.


 

 

Trong "Lời mở đầu", chúng ta đã thấy, ngay khi công nghiệp mới bắt đầu phát triển, sự cạnh tranh đã sản sinh ra giai cấp vô sản như thế nào: do nhu cầu hàng dệt tăng lên, tiền công thợ dệt đã tăng lên và do đó làm cho những nông dân kiêm thợ dệt rời bỏ nghề nông để kiếm được nhiều tiền hơn; trên chiếc khung cửi ta đã thấy sự cạnh tranh, nhờ ở phương thức kinh doanh quy mô lớn, đã loại trừ tiểu nông, làm cho họ bị vô sản hoá và sau đó đẩy họ từng đoàn từng lũ ra thành phố như thế nào; rồi chúng ta lại thấy sự cạnh tranh đã làm cho phần lớn giai cấp tiểu tư sản bị phá sản và cũng biến họ thành vô sản như thế nào, nó đã tập trung tư bản vào tay một số ít người và đã tập trung dân cư  vào các thành phố lớn như thế nào. Đó là những con đường và phương thức khác nhau qua đó sự cạnh tranh khi đã đạt được trong nền công nghiệp hiện đại sự phồn thịnh đầy đủ và phát triển tự do tất cả các hậu quả của nó, đã tạo ra giai cấp vô sản và làm tăng số lượng của giai cấp này. Bây giờ chúng ta hãy xét đến ảnh hưởng của cạnh tranh đối với giai cấp vô sản đã hình thành. Và trước hết chúng ta phải xét những hậu quả bắt nguồn từ sự cạnh tranh giữa từng cá nhân người lao động với nhau.

Cạnh tranh là biểu hiện đầy đủ nhất của cuộc chiến tranh của mọi người chống mọi người đang hoành hành trong xã hội công dân hiện đại. Cuộc chiến tranh ấy, chiến tranh vì cuộc sống, vì sinh tồn, vì tất cả và do đó khi cần, cũng là cuộc đấu tranh sinh tử, diễn ra không những giữa các giai cấp khác nhau trong xã hội, mà còn cả giữa các cá nhân thành viên trong những giai cấp ấy; người này đứng chắn lối đi của người kia, vì vậy mỗi người đều tìm cách gạt mọi người khác ra và chiếm lấy chỗ của họ. Người lao động cạnh tranh với nhau, anh tư sản cũng cạnh tranh với nhau. Anh thợ dệt máy cạnh tranh với anh thợ dệt tay; anh thợ dệt tay thất nghiệp hoặc lương kém cạnh tranh với anh thợ dệt có việc làm hoặc lương khá hơn và tìm cách gạt anh này ra. Sự cạnh tranh giữa những người lao động với nhau đó đối với họ là mặt xấu nhất trong các quan hệ hiện tại đó; là vũ khí sắc bén nhất trong tay giai cấp tư sản để chống lại giai cấp vô sản. Do đó người lao động đã cố gắng dùng các công hội để tiêu diệt sự cạnh tranh ấy, cũng do đó mà giai cấp tư sản lồng lộn tấn công vào những công hội ấy và ăn mừng mỗi khi chúng giáng được một đòn.

Người vô sản bất lực; nếu chỉ để tự mình họ thì một ngày họ cũng không thể sống được. Giai cấp tư sản đã lũng đoạn mọi tư liệu sinh hoạt, hiểu theo nghĩa rộng nhất. Tất cả mọi cái người vô sản cần dùng, anh ta chỉ có thể nhận được từ tay giai cấp tư sản mà sự lũng đoạn được chính quyền nhà nước bảo hộ. Cho nên, về mặt pháp luật cũng như trên thực tế, người vô sản đều là nô lệ của giai cấp tư sản; giai cấp này nắm quyền sinh sát đối với họ. Giai cấp tư sản cung cấp cho họ tư liệu sinh hoạt, nhưng đổi lấy "vật ngang giá", tức là lao động của họ; thậm chí giai cấp tư sản còn làm cho họ ảo tưởng rằng dường như họ cũng hành động theo ý chí của chính mình, dường như họ ký kết hợp đồng với giai cấp tư sản một cách tự do, không bị ai ép buộc, như một người tự chủ. Quý hoá thay cái tự do chỉ để cho người vô sản mỗi một con đường là chịu nhận mọi điều kiện mà giai cấp tư sản đặt cho họ, hoặc là phải chết đói, chết rét, phải trần truồng đi chân đất tìm chốn dung thân giữa đám thú rừng! Quý hoá thay cái "vật ngang giá" mà thước đo lại hoàn toàn tuỳ thuộc vào thiện ý của giai cấp tư sản! - Và nếu người vô sản ngu xuẩn đến nỗi thà chết đói còn hơn là chịu nhận những điều kiện "công bằng" của bọn tư sản, là những "người bề trên tự nhiên"1) của họ - thì có hề gì - người ta sẽ tìm ngay được người khác một cách dễ dàng, bởi vì trên đời này thiếu gì người vô sản, và không phải ai cũng ngu xuẩn đến nỗi thích chết hơn sống.

 

Sự cạnh tranh giữa người vô sản với nhau là thế đấy. Nếu tất cả người vô sản đều tuyên bố sẵn sàng chịu chết còn hơn là làm công cho giai cấp tư sản, thì giai cấp này sẽ bắt buộc phải từ bỏ ngay sự lũng đoạn của mình. Nhưng sự tình đó không xảy ra và vị tất có thể xảy ra, vì vậy giai cấp tư sản vẫn cứ yên tâm. Sự cạnh tranh giữa người lao động với nhau chỉ có một giới hạn, đó là không một người lao động nào lại muốn làm việc với tiền lương thấp không đủ mức cần thiết để sống; nếu nhất định phải chết đói thì thà ngồi không mà chết còn hơn làm việc mà vẫn chết. Dĩ nhiên cái giới hạn đó chỉ là tương đối; nhu cầu để sinh tồn của người này nhiều hơn, của người kia ít hơn, có người quen sống với nhiều tiện nghi hơn người khác; người Anh về một số mặt nào đó hãy còn có văn hoá hơn và có nhiều nhu cầu hơn so với người Ai-rơ-len là người quần áo tả tơi, ăn khoai và ngủ trong chuồng súc vật. Nhưng không phải vì vậy mà người Ai-rơ-len không cạnh tranh với người Anh và làm giảm dần tiền lương, - và cùng với tiền lương, làm giảm cả trình độ văn hoá của người lao động Anh, - xuống ngang mức của người lao động Ai-rơ-len. Một số công việc trong đó bao gồm hầu hết tất cả các loại công việc trong công nghiệp, đều đòi hỏi một trình độ văn hoá nhất định, cho nên vì lợi ích của chính bản thân giai cấp tư sản mà tiền lương cũng phải khá cao để cho người công nhân có thể có được trình độ tương ứng. Một người Ai-rơ-len vừa mới đến Anh không lâu, ở ngay trong một cái chuồng gia súc mà anh ta gặp đầu tiên, và dù có được một chỗ ở kha khá một chút thì mỗi tuần đều bị tống ra ngoài vì anh ta uống rượu hết cả tiền và không thể trả tiền nhà được, một người như vậy không thể làm công nhân công xưởng tốt được; bởi vậy tiền lương trả cho công nhân công xưởng phải đủ để cho họ nuôi dạy con cái, khiến chúng biết lao động đúng quy cách, nhưng tuyệt nhiên không được nhiều hơn cái mức khiến cho họ không thể không nhờ vào đồng lương của con cái và chỉ có thể cho con cái mình trở thành công nhân bình thường mà thôi. Ở đây cái giới hạn, mức lương tối thiểu, cũng là tương đối: khi trong gia đình mọi người đều đi làm, thì mỗi người có thể kiếm ít đi một chút, và giai cấp tư sản đã lợi dụng rộng rãi khả năng có lợi cho họ nhờ lao động máy móc, có thể thuê mướn phụ nữ và trẻ con trong sản xuất, để hạ thấp tiền lương. Đương nhiên thường có những gia đình trong đó không phải mọi người đều có thể làm được; một gia đình như vậy, sẽ rất khổ, nếu phải làm việc với mức lương tối thiểu tính cho một gia đình gồm toàn những người có thể làm việc; vì vậy tiền lương sẽ được ấn định ở một mức trung bình, với mức này, nhà nào mọi người đều có thể đi làm được sẽ sống tương đối khá, còn nhà nào có những người không làm việc được thì sẽ tương đối khổ. Nhưng gặp trường hợp tệ nhất, thì mỗi người lao động đều sẵn sàng từ bỏ cái chút tiện nghi và văn hoá mà anh ta đã quen thuộc ấy, cốt sao cho sống được; thà ở một cái chuồng gia súc còn hơn là màn trời chiếu đất; thà quần áo rách rưới còn hơn là không có tí quần áo nào; thà ăn khoai tây còn hơn là chết đói. Với niềm hy vọng ở ngày mai tốt đẹp hơn, họ đành chịu nhận một nửa tiền lương còn hơn là chết đói ở ngoài phố, như biết bao nhiêu người đã bị tước mất mẩu bánh mì. Cái chút ít ấy, cái ít ỏi còn hơn là không có gì ấy, chính là tiền lương tối thiểu. Nếu số người lao động nhiều quá mức giai cấp tư sản cần sử dụng, nếu do đó mà qua cuộc đấu tranh cạnh tranh vẫn còn một số người không tìm được việc làm, thì số ấy đành phải chết đói; bởi vì nhà tư sản chắc hẳn sẽ không cho họ việc làm nếu như hắn không kiếm được lợi nhuận trong việc bán sản phẩm lao động đó.

Qua đó chúng ta thấy lương tối thiểu là thế nào. Mức lương tối đa thì do sự cạnh tranh giữa các nhà tư sản với nhau quyết định, bởi vì, như chúng ta đã biết, giữa họ với nhau cũng có cạnh tranh. Người tư sản chỉ có thể tăng thêm tư bản của mình bằng thương nghiệp hoặc công nghiệp, và trong hai trường hợp đều cần có người lao động. Ngay khi hắn đem tư bản cho vay lấy lãi, thì hắn vẫn gián tiếp cần có người lao động, vì không có thương nghiệp và công nghiệp thì không ai lại chịu trả lãi cho hắn, không ai có thể sử dụng số tư bản của hắn được. Vì vậy người tư sản luôn luôn cần người vô sản, nhưng không phải trực tiếp để mà sống - vì hắn có thể sống bằng tư bản của mình - mà để làm giầu, giống như buôn bán thì cần có hàng hoá hoặc thồ hàng thì cần có súc vật. Người vô sản làm ra cho người tư sản những hàng hoá đem bán có lãi. Cho nên khi nhu cầu về hàng hoá tăng lên, khiến tất cả những người công nhân đang cạnh tranh với nhau đều có việc làm và có lẽ thậm chí còn thiếu người nữa, thì sự cạnh tranh giữa công nhân ngừng lại và cạnh tranh giữa các nhà tư sản bắt đầu. Nhà tư bản đang cần tìm công nhân thừa biết rằng khi mà giá cả tăng lên do nhu cầu tăng lên, thì hắn sẽ kiếm được lợi nhuận lớn; do đó hắn thà tăng lương một ít còn hơn bỏ mất cơ hội kiếm toàn bộ món lợi nhuận ấy. Hắn cho anh công nhân một khúc lạp xường để giành cho được chiếc dăm bông. Thế là các nhà tư bản tranh giành công nhân của nhau, và tiền lương tăng lên. Nhưng nó chỉ tăng lên đến mức mà nhu cầu tăng lên cho phép. Nhà tư bản chịu hy sinh chút ít lợi nhuận bất thường, nhưng khi phải hy sinh lợi nhuận bình thường của mình, tức là lợi nhuận bình quân, thì đương nhiên là hắn sẽ tìm cách không trả quá mức lương trung bình.

Từ đó có thể xác định được thế nào là mức lương trung bình. Trong những điều kiện bình thường, tức là khi cả công nhân lẫn tư sản đều không có lý gì để đặc biệt cạnh tranh lẫn nhau, khi số công nhân vừa vặn bằng số có thể dùng trong sản xuất để chế tạo số hàng hoá cần có thì tiền lương sẽ cao hơn mức tối thiểu một ít. Còn mức ấy cao hơn bao nhiêu thì cái đó lại tuỳ mức nhu cầu trung bình và trình độ văn hoá của công nhân. Khi người lao động quen ăn mỗi tuần vài bữa thịt thì các nhà tư bản dù có muốn hay không cũng phải trả cho họ một số lương đủ để cho phép họ có thể ăn như vậy. Tiền lương không thể ít hơn, vì công nhân không cạnh tranh lẫn nhau và, do đó, không có lý gì mà họ chịu lương ít hơn; tiền lương càng không thể nhiều hơn được, vì giữa các nhà tư bản không có cạnh tranh, cho nên họ cũng không có lý do gì mà dùng những món tăng thêm đặc biệt để thu hút công nhân.

Trong những điều kiện phức tạp của nền công nghiệp hiện đại ở Anh, mức trung bình về nhu cầu và về trình độ văn hoá của công nhân là một khái niệm rất khó xác định, vả chăng như chúng ta đã thấy, nó rất khác nhau đối với các loại công nhân khác nhau. Nhưng vì phần lớn các loại công việc trong công nghiệp đều đòi hỏi một kỹ năng và quy trình nhất định, và bởi vì muốn thế thì cũng đòi hỏi người công nhân phải có trình độ văn hoá nhất định, cho nên tiền lương trung bình ở đây phải thế nào để có thể thúc đẩy người công nhân luyện tập được kỹ năng ấy và tuân theo quy trình ấy. Chính vì thế mà tiền lương của công nhân công nghiệp trung bình cao hơn tiền lương của công nhân khuân vác giản đơn, của người công nhật v.v. và cao hơn tiền lương của công nhân nông nghiệp, thêm vào đó lẽ dĩ nhiên là trường hợp này còn phải kể đến giá cả lương thực, thực phẩm ở thành phố rất đắt.

Nói cách khác, về mặt pháp luật và trên thực tế, người công nhân là nô lệ của giai cấp có của, của giai cấp tư sản; họ bị nô lệ đến mức có thể bị bán đi như hàng hoá và cũng lên giá xuống giá như hàng hoá vậy. Nếu nhu cầu về công nhân tăng lên thì người công nhân lên giá; nếu nhu cầu giảm thì người công nhân xuống giá; nếu nhu cầu giảm đến nỗi một số công nhân trở nên không thể bán được, phải "nằm tồn kho" thì họ đành không có việc làm, mà không có việc làm là không thể sống được, phải chết đói. Bởi vì, nói theo ngôn ngữ kinh tế chính trị học, tổng số phí tổn dùng để nuôi họ không "tái sản xuất" được, sẽ là tiền vứt đi, và không ai chịu bỏ vốn ra để làm cái đó. Về điểm này, ông Man-stút với thuyết nhân khẩu của ông ta hoàn toàn có lý. Chế độ nô lệ này chỉ khác chế độ nô lệ công khai ngày xưa ở chỗ người công nhân hiện đại có vẻ được tự do, bởi vì anh ta không bị bán đi vĩnh viễn một lần, mà bán từng phần trong một ngày, một tuần, một năm, và bởi vì không phải người chủ này đem anh ta bán cho người chủ khác, mà là chính anh ta phải tự bán mình như vậy, vì anh ta không phải là nô lệ của một cá nhân, mà là nô lệ của toàn thể giai cấp có của. Đối với anh ta, bản chất vấn đề vẫn không thay đổi; dù rằng cái vẻ bề ngoài tự do ấy, một mặt có mang lại cho anh ta chút ít tự do thật sự, tuy nhiên, mặt khác, nó lại có cái bất lợi là không ai đảm bảo nuôi sống anh ta; bất cứ lúc nào anh ta cũng có thể bị ông chủ, tức là giai cấp tư sản, đuổi ra và bỏ cho chết đói, khi mà giai cấp ấy không còn có lợi trong việc sử dụng anh ta, trong việc nuôi anh ta sống. Nhưng đối với giai cấp tư sản thì tình hình hiện nay có lợi hơn rất nhiều so với chế độ nô lệ ngày xưa; lúc nào muốn là chúng có thể đuổi công nhân mà vẫn không mất gì đến vốn bỏ ra; và nói chung lao động của công nhân lại rẻ rất nhiều so với lao động của nô lệ, như A-đam Xmít tính để an ủi chúng1).

Do đó có thể nói rằng A-đam Xmít cũng hoàn toàn đúng khi ông ta khẳng định ở một đoạn khác như sau:

"Nhu cầu về công nhân, y hệt nhu cầu về bất cứ hàng hoá nào khác, điều tiết sản xuất ra công nhân và số lượng người được sản xuất ra; khi quá trình sản xuất ấy quá chậm thì nó thúc đẩy lên; khi quá trình sản xuất quá nhanh thì nó kìm hãm lại."

Quá trình diễn ra ở đây hoàn toàn y hệt như đối với mọi hàng hoá khác: nếu công nhân ít thì giá cả công nhân, tức là tiền lương của họ lên cao, đời sống của họ khá hơn, hôn thú nhiều lên, sinh đẻ tăng lên, số trẻ nuôi sống được cũng nhiều lên, cho đến khi số công nhân sinh ra đã đủ; nếu công nhân quá nhiều thì giá hạ xuống, xảy ra thất nghiệp, nghèo khổ, đói khát, tất cả những cái ấy đã gây ra bệnh tật để tiêu diệt "số nhân khẩu thừa" đi. Và Man-tút, người đã phát triển luận điểm trên của Xmít, cũng có lý theo lối của ông ta, khi ông ta cho rằng bao giờ cũng có "nhân khẩu thừa", bao giờ cũng có quá nhiều người trên quả đất; ông ta chỉ sai khi cho rằng số người có trên thế giới nhiều hơn số người mà tư liệu sinh hoạt hiện có có thể nuôi sống được. "Nhân khẩu thừa" sinh ra là do cạnh tranh giữa những người lao động với nhau, sự cạnh tranh này bắt buộc mỗi người lao động hàng ngày phải làm việc hết sức mình. Giả dụ một chủ xưởng mỗi ngày có thể thuê mười công nhân làm việc trong chín giờ; trong trường hợp ấy nếu các công nhân làm mười giờ một ngày, thì ở đấy chỉ có chín công nhân có việc làm, còn anh thứ mười sẽ thất nghiệp. Nếu nhân lúc nhu cầu về công nhân không cao lắm, một chủ xưởng có thể dùng cách doạ đuổi mà bắt chín công nhân cũng với bằng chừng ấy lương mà mỗi ngày phải làm thêm một giờ nữa - tức là làm mười giờ theo ví dụ của tôi - thì hắn đuổi người thứ mười và giữ tiền lương của người ấy ở túi hắn. Sự việc xảy ra ở đây trong trường hợp riêng biệt, cũng lặp lại với quy mô lớn trong phạm vi cả nước. Do sự cạnh tranh giữa những công nhân với nhau làm cho năng suất lao động của mỗi người đạt đến mức cao nhất, do sự phân công, do sự sử dụng máy móc và lợi dụng các lực lượng thiên nhiên, tất cả những cái đó làm cho rất nhiều công nhân không có việc làm. Những người thất nghiệp ấy ra khỏi thị trường; họ không thể mua gì được; số hàng hoá trước kia họ cần mua bây giờ không ai cần nữa, vì vậy cũng không cần phải sản xuất ra nữa; đến lượt những công nhân trước đây chế tạo các hàng hoá ấy cũng trở thành thất nghiệp; họ lại ra khỏi thị trường, và sự tình cứ tiếp tục mãi cũng tuần hoàn như vậy - hoặc nói đúng hơn, sẽ cứ như vậy nếu không có những yếu tố khác chen vào. Việc đưa vào công nghiệp những biện pháp để tăng sản phẩm nói trên đã dần dần dẫn tới sự giảm giá cả những hàng hoá sản xuất ra và do đó làm tăng mức tiêu thụ, vì vậy mà một phần lớn công nhân thất nghiệp, tất nhiên là sau những nỗi khổ sở kéo dài, rốt cuộc lại kiếm được việc làm trong những ngành lao động mới. Nếu thêm vào đó, có sự xâm chiếm những thị trường nước ngoài - như đã xảy ra ở Anh trong khoảng sáu chục năm gần đây - và do đó nhu cầu về công nghiệp phẩm tăng lên liên tục và nhanh chóng, thì nhu cầu về công nhân cũng tăng lên và cùng với nhu cầu ấy, dân số cũng tăng lên theo tỷ lệ tương đương. Thế là dân số Đại Bri-ten không giảm đi mà lại tăng lên một cách hết sức nhanh chóng và còn tiếp tục tăng lên; và mặc dù công nghiệp không ngừng phát triển, mặc dù nhu cầu về công nhân nói chung vẫn tăng lên, theo lời thú nhận của tất cả các đảng phái chính thức (tức là Đảng To-ri, Đảng Vích và Đảng cấp tiến), ở Anh vẫn thường có nhân khẩu thừa và sự cạnh tranh giữa công nhân với nhau nói chung vẫn thắng sự cạnh tranh để giành giật công nhân.

Do đâu mà có mâu thuẫn ấy? Đó là do bản chất của công nghiệp và của cạnh tranh cũng như là do những cuộc khủng hoảng thương nghiệp bắt nguồn từ bản chất ấy. Trong chế độ hỗn loạn hiện nay của sản xuất và phân phối tư liệu sinh hoạt, không phải nhằm trực tiếp thoả mãn nhu cầu, mà là nhằm kiếm tiền lợi nhuận, khi mà mỗi một người tự mình chịu hết những rủi may riêng tư trong lao động và làm giàu thì hiện tượng đình đốn bất cứ lúc nào cũng có thể xảy ra. Chẳng hạn như nước Anh cung cấp đủ loại hàng hoá cho rất nhiều nước. Cứ cho rằng người chủ xưởng biết được hàng năm nhu cầu về mỗi mặt hàng trong mỗi nước là bao nhiêu, hắn vẫn không thể biết được trong từng lúc, hàng ấy hiện dự trữ nhiều bao nhiêu, lại càng không biết các kẻ cạnh tranh đã chở đến đấy bao nhiêu. Hắn chỉ có thể căn cứ vào những giá cả luôn luôn lên xuống để suy đoán một cách không chắc chắn về tình hình hàng hoá hiện dự trữ và tình hình nhu cầu; vì vậy hắn bắt buộc phải gửi hàng hoá đi một cách cầu may; mọi việc đều tiến hành mù quáng, hú hoạ và hoặc ít nhiều phó mặc ngẫu nhiên. Nhận được một tin đầu tiên có lợi từ một thị trường nào đó là mọi người gửi ngay đến đấy tất cả những cái gì có thể gửi được; không mấy chốc, thị trường ấy ứ đầy hàng hoá, sự tiêu thụ dần dần đình trệ, tiền không thu về được, giá cả hạ thấp và công nghiệp Anh cũng không có việc cho công nhân làm nữa. Buổi đầu khi công nghiệp mới phát triển thì sự đình trệ ấy chỉ hạn chế ở một số ngành công nghiệp riêng biệt hoặc ở một số thị trường riêng biệt; nhưng do tác dụng tập trung của cạnh tranh, công nhân thất nghiệp ở một ngành này đổ xô vào những ngành khác dễ học việc nhất, còn hàng hoá ế ẩm ở một thị trường này đổ xô về những thị trường khác; kết quả là những khủng hoảng nhỏ riêng biệt dần dần hợp lại với nhau, và từ sự kết hợp ấy dần dần hình thành một loạt thống nhất những cuộc khủng hoảng lặp lại theo chu kỳ. Một cuộc khủng hoảng loại ấy thường cứ năm năm lại xảy ra một lần, tiếp sau một thời kỳ ngắn ngủi phồn vinh và thịnh vượng chung; thị trường trong nước và tất cả các thị trường ngoài nước đều đầy dẫy hàng hoá của Anh mà chúng chỉ có thể tiêu thụ từ từ; hoạt động công nghiệp ở hầu hết mọi ngành đều ngừng lại; những chủ xưởng và thương nhân nhỏ không có khả năng chờ đợi được cho đến khi thu được vốn về đã tự tuyên bố phá sản, các chủ xưởng và thương nhân lớn hơn thì phải đình chỉ kinh doanh trong giai đoạn trầm trọng nhất của khủng hoảng, không cho máy chạy, hoặc chỉ làm việc "không hết thời gian", nghĩa là chỉ cho làm việc khoảng nửa ngày chẳng hạn; tiền lương giảm xuống do những người thất nghiệp cạnh tranh, do thời gian lao động rút ngắn và vì không thể bán hàng hoá có lãi nữa; trong công nhân nạn nghèo khổ lan khắp; nếu người nào đó có chút tiền dành dụm thì cũng hết ngay; các cơ quan từ thiện chật ních người; tiền thuế trợ giúp người nghèo tăng gấp hai gấp ba mà vẫn không đủ; số người đói tăng lên và bỗng nhiên khối lượng "nhân khẩu thừa" xuất hiện với con số khủng khiếp. Tình hình ấy kéo dài một thời gian: những "con người thừa" cố xoay xở để mà sống, hoặc nếu không xoay xở được thì chết; sự nghiệp từ thiện và các đạo luật về người nghèo giúp cho nhiều người kéo lê thêm cuộc sống; một số khác xoay xở được việc làm trong những ngành lao động ít có cạnh tranh hơn và cách xa với đại công nghiệp hơn, thì sống vất vưởng; mà để cho một con người sống gượng được một thời gian thì có cần mấy tí đâu! - Dần dần, tình hình lại khá lên: những hàng hoá dự trữ chất đống được tiêu thụ đi; tâm trạng chán nản phổ biến của các nhà buôn và nhà công nghiệp làm cho số hàng hoá ấy không được bổ sung nhanh chóng; mãi cho đến khi, rốt cuộc, giá hàng tăng lên và những tin tức thuận lợi từ mọi nơi đưa về lại thúc đẩy người ta hoạt động mạnh mẽ. Nhưng phần lớn các thị trường đều ở rất xa; trong khi  những chuyến hàng mới chưa kịp tới nơi, thì nhu cầu vẫn cứ tăng mãi và giá cả cũng tăng theo; người ta tranh nhau mua những hàng chở đến đầu tiên; những cuộc mua bán đầu tiên làm cho thị trường càng nhộn nhịp lên; những chuyến hàng đến sau xem chừng còn được giá hơn nữa; với hy vọng giá cả còn tăng lên, người ta bắt đầu đầu cơ tích trữ, và như vậy là những hàng hoá định đưa ra tiêu thụ bị lấy cất đi đúng vào lúc thị trường đang cần nhất; đầu cơ làm cho giá cả hàng cao, vì nó thúc đẩy những người khác mua hàng và rút những hàng mới đến ra khỏi lưu thông; tất cả những tin tức ấy được truyền về Anh; các chủ xưởng lại bắt đầu hoạt động mạnh, lại xây dựng những máy mới và tìm đủ mọi cách để lợi dụng cái thời cơ thuận lợi ấy. Lúc đó ở đây cũng bắt đầu có đầu cơ, với những hậu quả y hệt như ở các thị trường nước ngoài:

giá hàng tăng lên, hàng bị rút khỏi lưu thông, hai việc ấy đẩy sản xuất lên đến mức khẩn trương cực độ; sau đó xuất hiện những kẻ đầu cơ "rỗng túi", bọn này dùng vốn ma, nhờ vào tín dụng mà sống, và nếu không bán hàng lại được thực nhanh thì phá sản. Bọn họ lao vào cuộc chạy đua tổng lực và hỗn loạn ấy để kiếm lợi nhuận, và lòng tham không đáy của chúng càng làm cho tình hình thêm hỗn loạn và bận rộn, lòng tham ấy khiến chúng điên cuồng tăng giá cả và mở rộng sản xuất. Cuộc chạy đua cuồng loạn đã bắt đầu ấy lôi kéo cả những người điềm đạm nhất, giàu kinh nghiệm nhất; người ta bắt đầu rèn sắt, kéo sợi, dệt vải nhiều như là phải trang bị lại cho toàn thể nhân loại, như là người ta vừa mới tìm ra một thị trường mới có hàng mấy tỷ khách hàng ở một nơi nào đó trên mặt trăng. Đột nhiên một ngày kia bọn đầu cơ rỗng túi ở nước ngoài vì cần tiền, bắt đầu bán hàng ra - dĩ nhiên là thấp hơn giá thị trường vì gấp quá; một người bán ra, những người khác bán theo; giá cả bắt đầu bấp bênh, bọn đầu cơ, sợ hãi tung hàng ra thị trường thị, trường trở nên hỗn loạn, tín dụng lung lay, hết hãng buôn này đến hãng buôn khác ngừng trả tiền, hết nhà này đến nhà khác vỡ nợ, và người ta phát hiện ra rằng số hàng có tại chỗ và đang chuyển đến đã nhiều gấp ba lần số hàng cần cho tiêu thụ. Tin này đưa về đến Anh là nơi cho tới lúc đó sản xuất vẫn tiếp tục với năng suất tối đa; ở đây người ta cũng kinh hoàng khiếp sợ, những vụ phá sản ở nước ngoài kéo theo những vụ phá sản ở Anh; việc kinh doanh ngừng trệ làm cho  nhiều hãng buôn phá sản; và ở đây trong cơn kinh hoàng, người ta cũng dốc hết hàng dự trữ ra thị trường và việc ấy lại làm cho sự kinh hoàng càng tăng thêm. Thế là khủng hoảng bắt đầu, cuộc khủng hoảng này sau đó lại tiến triển gần giống như trình tự của cuộc khủng hoảng trước và qua một thời gian lại được thay thế bằng một thời kỳ phồn vinh. Và sự tình cứ tiếp diễn như vậy không dứt: sau phồn vinh là khủng hoảng, sau khủng hoảng là phồn vinh, rồi lại khủng hoảng mới, và sự tuần hoàn vĩnh viễn ấy của công nghiệp Anh như chúng tôi đã nói, thường là cứ năm hoặc sáu năm lặp lại một lần.

Qua đó ta thấy rõ rằng, trừ những thời kỳ thịnh vượng cao độ ngắn ngủi, lúc nào nền công nghiệp Anh cũng phải có một đội quân lao động dự bị thất nghiệp, - để có thể sản xuất ra hàng loạt hàng hoá mà thị trường yêu cầu trong những tháng hoạt động mạnh nhất. Đội quân dự bị này mở rộng hay thu hẹp là tuỳ theo tình hình thị trường có thể giải quyết việc làm cho ít hoặc cho nhiều người trong họ. Và tuy những lúc thị trường nhộn nhịp nhất, các vùng nông nghiệp, Ai-rơ-len và những ngành công nghiệp ít chịu ảnh hưởng của sự phồn vinh chung có tạm thời cung cấp một số lượng công nhân nhất định cho các công xưởng thì những người này chỉ là thiểu số và chính họ cũng thuộc hàng ngũ đội quân dự bị, chỉ khác mỗi một điều duy nhất là chính sự phồn vinh nhanh chóng đòi hỏi phát hiện họ thuộc đội quân ấy. Khi những công nhân ấy chuyển sang những ngành công nghiệp hoạt động sôi nổi hơn thì ở nơi họ làm việc trước đây, không có họ cũng chẳng hề gì; để lấp một phần chỗ trống ấy, người ta kéo dài thêm thời gian lao động, thuê mướn phụ nữ và trẻ con; và khi khủng hoảng xảy ra, những công nhân ấy bị thải và quay về thì họ thấy chỗ của họ đã có người khác chiếm, và bản thân họ, ít nhất là phần lớn trong bọn họ, đã trở thành "người thừa". Đấy là cái đội quân dự bị cấu thành "nhân khẩu thừa" của Anh đó, trong thời kỳ khủng hoảng tăng lên rất nhanh, và ngay trong những thời kỳ có thể coi là ở khoảng giữa thịnh vượng và khủng hoảng nó cũng gồm một số người tương đối lớn; số người ấy duy trì một cuộc sống khốn cùng của mình, bằng cách ăn xin và ăn cắp, quét đường, dọn phân ngựa, chở hàng bằng xe tay hoặc lừa thồ, bán hàng rong hoặc làm một vài công việc lặt vặt thường xuyên. Trong tất cả mọi thành phố lớn, đều có thể gặp rất nhiều người như vậy, họ nhờ có chút tiền công ít ỏi tình cờ kiếm được "mà giữ cho hồn không lìa khỏi xác", như người Anh thường nói. Thật đáng kinh ngạc là không có việc gì mà số "nhân khẩu thừa" đó lại không nhận làm! Những người quét đường (crossing sweeps) ở Luân Đôn thì cả thế giới đều biết tiếng; nhưng trước kia cơ quan bảo trợ người nghèo hoặc toà thị chính thuê người thất nghiệp không phải chỉ để quét dọn những quảng trường mà còn quét dọn các phố chính của tất cả các thành phố lớn; ngày nay thì lại dùng máy để làm việc đó; hàng ngày máy chạy ầm ầm qua các phố, đã cướp mất miếng bánh mì của những người thất nghiệp. Trên những con đường lớn dẫn đến các thành phố, có ngựa xe đi lại nhiều, có thể thấy rất nhiều người đẩy xe ba gác liều mạng chen giữa những xe ngựa và xe chở khách đang lao nhanh về các ngả, hốt lấy phân ngựa vừa mới ỉa để đem bán. Nhiều khi để được làm việc ấy họ còn phải trả hàng tuần vài si-linh cho sở vệ sinh đường phố và ở một số nơi việc ấy còn bị cấm, vì nếu không cấm thì sở ấy sẽ không thể bán được thứ rác hốt được ở đấy làm phân bón vì trong đó có quá ít phân ngựa. Những "người thừa" nào có thể kiếm được một chiếc xe ba gác để chở hàng đã là may mắn, nhưng nếu ngoài chiếc xe ba gác ra, còn kiếm được đủ tiền mua một con lừa thì lại càng may mắn hơn; con lừa phải tự kiếm ăn lấy, hoặc chỉ được người ta cho ít đồ thừa bỏ đi, nhưng dù sao nó vẫn đem lại một ít thu nhập.

Phần đông những "người thừa" xoay ra bán hàng rong. Nhất là buổi tối thứ bảy, khi tất cả dân lao động đều đổ ra đường phố, thì người ta có thể thấy số người sống bằng nghề ấy nhiều đến mức nào. Vô số đàn ông, đàn bà và trẻ con tranh nhau rao bán dây giày, dây lưng, dải băng, cam, bánh ngọt và đủ mọi thứ khác. Và ngay những ngày thường, lúc nào cũng có thể gặp những người bán rong rao bán cam, bánh ngọt, ia Dinh-gơ và bia Nét-tơn1). Họ cũng bán những hàng khác như diêm và các thứ tương tự: xi gắn, những sản phẩm được phép sản xuất dùng để nhóm lửa, v.v.. Một số người khác, gọi là jobbers 1*, thì đi lang thang ngoài phố tìm làm một số việc linh tinh nào đó ngẫu nhiên gặp được; một vài người kiếm được việc làm từng ngày, nhưng đa số thì không được may mắn như vậy.

Ông U. Sam-nít, mục sư ở I-xtơ - En-đơ của Luân Đôn kể lại rằng:

"Ở cổng tất cả các bến tàu Luân Đôn, mỗi buổi sáng mùa đông, từ sớm tinh mơ đã có hàng trăm người nghèo đứng đợi giờ mở cổng để hòng kiếm một việc làm cho ngày hôm ấy, và khi một số trẻ nhất và khoẻ nhất, hoặc là quen biết nhất đối với nhân viên quản trị các bến tàu đã được thuê thì hàng trăm người còn lại thất vọng buồn bã quay về căn nhà tồi tệ của mình" 104.

 

 

Những con người ấy đã không kiếm được việc làm, lại không muốn nổi lên chống lại xã hội, thì còn có cách gì khác ngoài việc đi ăn mày? Và vì vậy, không nên ngạc nhiên về số ăn mày rất đông, phần nhiều là những người có sức lao động, mà cảnh sát luôn luôn xua đuổi. Nhưng lối ăn xin của những người ấy cũng đặc biệt. Họ thường đi lang thang trên đường phố với cả gia đình, lúc dừng ở chỗ này, lúc dừng ở chỗ kia, để hát một bài ca than vãn hoặc nói vài câu để kêu gọi lòng thương của người qua đường. Điều kỳ lạ là hầu như chỉ thấy loại ăn mày đó trong những khu phố lao động và hầu như họ chỉ sống nhờ vào của bố thí của những người lao động. Có khi cả gia đình đứng lặng lẽ ở một phố đông người qua lại, không nói một lời, chỉ dùng cái dáng cầu xin giúp đỡ của mình làm cho người ta xúc động. Ở đây họ cũng chỉ trông vào sự thông cảm của những người lao động, là những người do kinh nghiệm bản thân, đã biết thế nào là đói, và bất cứ lúc nào bản thân họ cũng có thể rơi vào tình cảnh ấy, và thực ra, sự cầu khẩn âm thầm mà vô cùng xúc động ấy hầu như chỉ thấy ở những đường phố thường có công nhân, và vào những giờ công nhân qua lại; tình hình ấy thường xảy ra hơn vào tối thứ bảy, bấy giờ nói chung những "điều bí mật" của các khu phố lao động thường phơi bày ra các đường phố lớn, bấy giờ giai cấp tư sản hết sức tránh những nơi nhơ nhuốc ấy. Và trong số những "người thừa" ấy, nếu có người nào đủ can đảm và phát khùng để công khai chống lại xã hội và dùng chiến tranh công khai chống giai cấp tư sản để đáp lại cuộc chiến tranh ngầm của giai cấp tư sản chống lại họ, - thì người đó sẽ đi ăn cắp, ăn cướp, giết người.

 

Theo những báo cáo của các uỷ viên các tiểu ban luật về người nghèo, thì số "người thừa" như vậy trung bình ở Anh và Oen-xơ lên tới một triệu rưởi; ở Xcốt-len, vì không có luật về người nghèo nên không xác định được con số, còn về Ai-rơ-len, thì chúng ta sẽ nói riêng. Tuy vậy, số một triệu rưởi này lại chỉ kể những người đã thực sự được cứu tế ở cơ quan bảo trợ người nghèo không kể đến số người còn có thể tự xoay xở chút ít để khỏi phải chạy đến cái nước cuối cùng không ai ưa đó; nhưng ngược lại, một phần lớn trong số đó thuộc về các khu nông nghiệp, nên không kể ở đây được. Trong thời kỳ khủng hoảng, con số ấy cố nhiên là tăng lên nhiều và sự bần cùng cũng đạt đến cực độ. Lấy ví dụ cuộc khủng hoảng năm 1842 là cuộc khủng hoảng gần đây nhất và cũng dữ dội nhất: bởi vì khủng hoảng càng tái diễn thì mức độ dữ dội càng tăng, và cuộc khủng hoảng sắp xảy ra chậm nhất là vào năm 1847, căn cứ vào các triệu chứng mà phán đoán, có lẽ còn dữ dội và kéo dài hơn. Trong thời gian diễn ra cuộc khủng hoảng ấy, tiền thuế trợ giúp người nghèo ở tất cả các thành phố tăng lên đến một mức chưa từng thấy. Ví dụ như ở Xtốc-poóc cứ trả một pao xtéc-linh tiền thuê nhà thì phải đóng thêm 8 si-linh tiền thuế trợ giúp người nghèo, đến nỗi riêng món tiền thuê ấy đã chiếm đến 40 phần trăm tổng số tiền thuê nhà trong thành phố; ngoài ra hàng dãy phố bỏ trống, dân số trong thành phố giảm hơn lúc thường ít ra là 2 vạn người; và trước cửa những ngôi nhà bỏ không, thường thấy cái biển đề: Stockport to let - Xtốc-poóc cho thuê. Ở Bôn-tơn, là nơi trong những năm bình thường số tiền thuê nhà phải chịu thuế trợ giúp người nghèo trung bình là 86 000 pao xtéc-linh nay tụt xuống 36 000; nhưng ngược lại số người nghèo cần cứu tế lên tới 14 000 người, tức là hơn 20 phần trăm tổng số cư dân. Ở Lít-xơ cơ quan bảo trợ người nghèo có một quỹ dự trữ 10 000 pao xtéc-linh, món tiền ấy và số tiền lạc quyên 7 000 pao xtéc-linh đều đã tiêu sạch ngay từ trước khi cuộc khủng hoảng lên đến mức cao nhất. Ở đâu đâu cũng như vậy cả. Bản báo cáo về tình hình các khu công nghiệp năm 1842 do một uỷ ban của Đồng minh chống đạo luật ngũ cốc viết vào tháng Giêng 1843, dựa trên những tài liệu chi tiết của các chủ xưởng, đã nói rằng năm 1842 thuế trợ giúp người nghèo trung bình tăng gấp đôi năm 1839, còn số người cần cứu tế cùng thời gian ấy lại tăng gấp ba, và thậm chí gấp năm lần; rằng nhiều người xin cứu tế là thuộc loại những người từ trước đến nay chưa hề phải xin trợ giúp v.v.; rằng so với những năm 1834 - 1836, số thực phẩm mà giai cấp công nhân nhận được giảm đi hai phần ba; rằng mức tiêu thụ về thịt đã giảm rất nhiều - một vài nơi giảm sút 20 phần trăm, một số nơi khác giảm tới 60 phần trăm, rằng ngay cả loại thợ thủ công làm nghề thông thường như thợ rèn, thợ nề, v.v., là những người ngay thời buổi khó khăn nhất vẫn tìm được đủ việc làm, hiện nay cũng khổ sở không kém vì thiếu việc và tiền công thấp; rằng ngay cả hiện nay, tháng Giêng 1843, tiền lương vẫn đang giảm dần, Đấy là tin tức do các chủ xưởng cung cấp!

Trên tất cả các đường phố đều có những người công nhân đói khát, vì chủ của họ đã đóng cửa các xưởng và không thể cho họ việc làm, họ đứng riêng lẻ từng người để chực xin của bố thí, hoặc đứng thành từng tốp, từng đám vây kín các lối đi để xin những người qua đường giúp đỡ, nhưng họ không van xin như những người ăn mày thường, mà là đòi hỏi, làm người ta sợ bằng số lượng, thái độ và lời nói sừng sộ của họ. Tình hình các khu công nghiệp, từ Lê-xtơ đến Lít-xơ, từ Man-se-xtơ đến Bớc-minh-hêm đều như vậy. Các vụ rối loạn lác đác nổ ra ở chỗ này chỗ khác hồi tháng Bảy trong các xưởng đồ gốm ở Bắc Xtáp-phớt-sia; lòng phẫn nộ đáng sợ sôi sục trong công nhân cho tới lúc, rốt cuộc, bùng nổ thành cuộc tổng khởi nghĩa ở các khu công nghiệp vào tháng Tám. Vào cuối tháng Mười một 1842, khi tôi tới Man-se-xtơ, vẫn còn thấy khắp nơi những đám người thất nghiệp đứng ở các góc phố và nhiều công xưởng vẫn còn đóng cửa; trong mấy tháng sau, cho đến giữa năm 1843, những kẻ nhàn rỗi bất đắc dĩ đó mới dần dần giảm đi và các công xưởng lại hoạt động trở lại.

Không cần phải nói, trong một cuộc khủng hoảng như vậy, những nỗi cùng quẫn khốn khổ của những người thất nghiệp ấy như thế nào. Thuế trợ giúp người nghèo không đủ, còn xa mới đủ; lòng từ thiện của kẻ giầu như một nhát gươm chém xuống nước, tác dụng của nó chỉ trong chốc lát; ở nơi có nhiều kẻ đi xin thì của bố thí chỉ giúp được một số ít. Nếu những lúc ấy, các hiệu buôn nhỏ không còn cố bán chịu cho người lao động nữa - thật ra sau này khi thanh toán họ được trả lại rộng rãi - và nếu những người lao động không hết sức tương trợ lẫn nhau, thì chắc chắn trong mỗi cuộc khủng hoảng sẽ có hàng loạt những "người thừa" chết đói. Nhưng, vì chính thời kỳ gay gắt nhất cũng tương đối ngắn, chỉ độ một năm, hoặc lâu lắm là hai năm, hai năm rưỡi, cho nên một phần lớn đã trải qua nhiều gian nan khốn khổ để thoát chết. Sau này chúng ta sẽ thấy rằng mỗi cuộc khủng hoảng đều cướp đi rất nhiều sinh mạng gián tiếp cho bệnh tật, v.v.. Giờ đây chúng ta hãy xét đến một nguyên nhân khác của tình cảnh khổ sở của công nhân Anh, nguyên nhân này bây giờ vẫn còn tiếp tục tác động làm cho mức sống của toàn thể giai cấp này không ngừng giảm sút.

 

 

 



1) Bọn chủ xưởng ở Anh rất ưa thích danh từ này.

1) "Người ta nói sức lực của nô lệ hao mòn thì chủ nô chịu thiệt, còn sức lực của công nhân tự do hao mòn thì bản thân công nhân chịu thiệt. Thực ra hao mòn sức lực của công nhân tự do cũng do người chủ của anh ta chịu. Tiền lương của người làm công nhật, đày tớ, v.v., phải đủ cao để anh ta có thể tiếp tục sản sinh ra giống người làm công nhật, đày tớ ở mức mà nhu cầu tăng lên, hoặc ổn định, hoặc giảm đi đòi hỏi. Nhưng nếu sự hao mòn sức lực của công nhân tự do cũng do chủ anh ta chịu thì bình thường dù sao giá của sự hao mòn ấy cũng thấp hơn nhiều so với sự hao mòn sức lực của người nô lệ. Bình thường bọn chủ vô trách nhiệm hoặc bọn cai lơ là quản lý số tài khoản dùng để phục hồi hoặc hoàn lại sự hao mòn sức lực của người nô lệ" v.v. (A.Smith, "Wealth of Nations" [A. Xmít, "Sự giàu có của các dân tộc"], t.8, tr. 134, Mắc-Cu-lốc xuất bản thành 4 tập).

1) Hai loại nước giải khát có bọt được công nhân, nhất là những người ít uống  rượu, rất thích. Loại thứ nhất làm bằng nước, đường và gừng; loại thứ hai làm bằng nước, đường và cây tầm ma.

1* - công nhân không có việc làm cố định

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt