CHỐNG ĐUY-RINH ÔNG OI-GHEN ĐUY-RINH ĐẢO LỘN KHOA HỌC
III. LỜI TỰA NĂM 1894
FRIEDRICH ENGELS (1820-1895)
C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 20. Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2004. | Phiên bản điện tử: dangcongsan.vn | Nguyên bản tiếng Đức | Bản dịch tiếng Anh.
Ngoài mấy điểm sửa đổi rất không đáng kể về cách hành văn, bản in lần này chỉ là in lại lần xuất bản trước. Chỉ có trong một chương, chương mười trong phần thứ hai: "Về quyển "Lịch sử phê phán"", tôi mới tự cho phép đưa thêm những điểm bổ sung trọng yếu, vì những lý do sau đây. Như đã nói đến trong lời tựa viết cho lần xuất bản thứ hai, tất cả những điều cơ bản trong chương này là của Mác. Trong lần biên tập đầu tiên dùng để đăng báo, tôi đã buộc phải rút ngắn bản thảo của Mác lại rất nhiều, đó là những phần trong đó việc phê phán những luận điểm của Đuy-rinh ít hơn sự trình bày những quan điểm của chính Mác về lịch sử khoa kinh tế chính trị. Nhưng chính phần đó của bản thảo ngay cả ngày nay cũng vẫn có một ý nghĩa lớn lao nhất và bền vững nhất. Tôi cho rằng tôi có nghĩa vụ giữ lại đầy đủ nhất và đúng từng câu từng chữ những suy luận của Mác trong đó ông đã đặt những người như Pet-ty, Noóc-thơ, Lốc-cơ, Hi-um vào vị trí xứng đáng của họ trong quá trình phát sinh môn kinh tế chính trị cổ điển; tôi lại càng thấy cần thiết phải dẫn ra sự giải thích của Mác đối với "Biểu kinh tế" của Kê-nê, cái câu đố bí ẩn ấy mà toàn bộ khoa kinh tế chính trị hiện đại vẫn chưa giải đáp được. Ngược lại, tôi đã lược bỏ những điều chỉ hoàn toàn liên quan tới những tác phẩm của ông Đuy-rinh nếu như điều đó không làm mất tính chất mạch lạc chung của sự trình bày. Sau cùng, tôi có thể hoàn toàn mãn nguyện nhận thấy rằng những quan điểm trình bày trong cuốn sách này, kể từ lần xuất bản trước, đã được truyền bá rộng rãi trong ý thức xã hội của các giới khoa học và của giai cấp công nhân, và hơn nữa trong tất cả các nước văn minh trên thế giới. Luân Đôn, ngày 23 tháng năm 1894 Ph.Ăng-ghen |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC