Chủ nghĩa Marx

Cuộc chinh phạt thứ ba của sự phê phán tuyệt đối: c) Cuộc chiến đấu có tính phê phán chống lại cách mạng Pháp

GIA ĐÌNH THẦN THÁNH – MỤC LỤC

 

CHƯƠNG VI

PHÊ PHÁN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN TUYỆT ĐỐI,

HAY LÀ

SỰ PHÊ PHÁN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN THỂ HIỆN

Ở ÔNG BRU-NÔ

 


C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1995, tr. 180-189. Phiên bản điện tử: dangcongsan.vn Nguyên văn tiếng Đức Bản dịch tiếng Anh | Bản dịch tiếng Pháp.


 

3) CUỘC CHINH PHẠT THỨ BA CỦA  

SỰ PHÊ PHÁN TUYỆT ĐỐI

 

c- Cuộc chiến đấu có tính phê phán chống lại cách mạng Pháp

Tính hạn chế của quần chúng đã buộc "tinh thần", sự phê phán và ông Bau-ơ coi cách mạng Pháp không phải là thời đại thí nghiệm cách mạng của người Pháp theo "ý nghĩa văn xuôi", "chỉ" "sự tượng trưng và biểu hiện hư ảo" của những ảo tưởng phê phán của chính ông ta. Hối hận về "sự thất sách" của mình, sự phê phán lại tiến hành một cuộc nghiên cứu mới về cách mạng. Đồng thời nó còn trừng phạt kẻ quyến rũ sự ngây thơ của nó, tức "quần chúng", bằng cách thông báo những kết quả cuối cùng của "cuộc nghiên cứu mới" đó.

"Cách mạng Pháp là một cuộc thí nghiệm còn hoàn toàn thuộc về thế kỷ XVIII".

Một cuộc thí nghiệm của thế kỷ XVIII, như cách mạng Pháp, còn hoàn toàn là một cuộc thí nghiệm của thế kỷ XVIII chứ không phải là của thế kỷ XIX, đây là một chân lý niên đại học dường như "còn hoàn toàn" thuộc vào loại chân lý "chẳng nói cũng dễ hiểu ngay từ đầu". Nhưng trong ngôn ngữ của sự phê phán có thành kiến nặng đối với chân lý "sáng như ban ngày", loại chân lý niên đại học ấy được gọi là "sự nghiên cứu" và tự nhiên là có địa vị của nó trong "sự nghiên cứu mới về cách mạng".

"Nhưng những tư tưởng mà cách mạng Pháp làm nảy nở, không vượt ra ngoài cái trật tự mà nó muốn lật đổ bằng bạo lực".

Xưa nay, tư tưởng không thể đưa người ta vượt ra ngoài trật tự thế giới cũ được; trong bất cứ tình huống nào, tư tưởng cũng chỉ có thể đưa người ta vượt ra ngoài phạm vi tư tưởng của trật tự thế giới cũ mà thôi. Thật vậy, tư  tưởng căn bản không thể thực hiện được cái gì hết. Muốn thực hiện tư tưởng thì cần có những con người sử dụng lực lượng thực tiễn. Như vậy, theo đúng nghĩa từng chữ thì luận điểm có tính phê phán trên đây lại cũng là một chân lý tự nó đã dễ hiểu, tức lại là một "sự nghiên cứu".

Không hề bị sự nghiên cứu đó đụng chạm đến, cách mạng Pháp đã làm nảy nở những tư tưởng vượt ra ngoài phạm vi tư tưởng của toàn bộ trật tự thế giới cũ. Phong trào cách mạng bắt đầu năm 1789 ở Cercle social51, giữa đường đã có những đại biểu chính là Lơ-clécRu, cuối cùng tạm thời thất bại với âm mưu của Ba-bớp, - phong trào đó, đã làm nảy nở tư tưởng cộng sảnBu-ô-na-rô-ti, bạn của Ba-bớp đã lại đề xướng lên ở Pháp sau cách mạng 1830. Tư tưởng này qua nghiên cứu triệt để trở thành tư tưởng của trật tự thế giới mới.

"Sau khi cách mạng do đó" (!) "đã xoá bỏ những bức tường phong kiến bên trong sinh hoạt của nhân dân, nó buộc phải thoả mãn, thậm chí nhen lên chủ nghĩa vị kỷ thuần khiết của dân tộc, mặt khác nó buộc phải kìm hãm chủ nghĩa vị kỷ ấy bằng cái bổ sung tất yếu của nó, bằng sự thừa nhận một vật tồn tại tối cao, bằng sự xác nhận với mức tối đa một trật tự nhà nước phổ biến, một trật tự nhà nước phải liên kết các nguyên tử vị kỷ riêng lẻ với nhau".

Chủ nghĩa vị kỷ của dân tộc là chủ nghĩa vị kỷ tự phát của trật tự nhà nước phổ biến, đối lập với chủ nghĩa vị kỷ của đẳng cấp phong kiến. Vật tồn tại tối cao là sự xác nhận với mức tối đa trật tự nhà nước phổ biến, do đó cũng là xác nhận dân tộc. Tuy nhiên vật tồn tại tối cao cũng phải kìm hãm chủ nghĩa vị kỷ của dân tộc, nghĩa là chủ nghĩa vị kỷ của trật tự nhà nước phổ biến! Kìm hãm chủ nghĩa vị kỷ bằng cách xác nhận nó, và thêm vào đó, xác nhận nó về mặt tôn giáo, nghĩa là thừa nhận nó là một vật tồn tại siêu phàm và do đó là một vật tồn tại thoát khỏi mọi sự ràng buộc của con người, đó thật là một nhiệm vụ thực sự có tính phê phán ! Những người sáng tạo ra vật tồn tại tối cao không biết gì về ý đồ có tính phê phán ấy của mình.

Ông Buy-sê, người cho rằng cuồng nhiệt dân tộc dựa trên cuồng tín tôn giáo, đã hiểu rõ vị anh hùng Rô-be-xpi-e của mình hơn.

La Mã và Hy Lạp đều tiêu vong vì chủ nghĩa dân tộc. Do đó khi quả quyết rằng cách mạng Pháp thất bại vì chủ nghĩa dân tộc, sự phê phán không đưa ra được ý kiến độc đáo về cuộc cách mạng đó cả. Cũng vậy, khi nó quy định chủ nghĩa vị kỷ của dân tộc là chủ nghĩa vị kỷ thuần khiết, nó cũng không đưa ra được cái gì có liên quan đến dân tộc cả. Trái lại, nếu so sánh chủ nghĩa vị kỷ thuần khiết đó với chủ nghĩa vị kỷ thuần khiết của "cái tôi" của Phi-stơ chẳng hạn, thì chủ nghĩa vị kỷ thuần khiết đó tỏ ra là một thứ chủ nghĩa vị kỷ tự phát, thô sơ, hết sức tối tăm, thấm đầy máu thịt. Nhưng nếu tính thuần khiết của chủ nghĩa vị kỷ đó chỉ là tương đối trái với chủ nghĩa vị kỷ của những đẳng cấp phong kiến thì không cần thiết một "sự nghiên cứu mới" nào về "cách mạng" để vạch ra rằng chủ nghĩa vị kỷ lấy dân tộc làm nội dung là phổ biến hơn hoặc thuần khiết hơn chủ nghĩa vị kỷ chỉ lấy một đẳng cấp riêng biệt hoặc một tập đoàn riêng biệt nào đó làm nội dung.

Sự giải thích của sự phê phán về trật tự nhà nước phổ biến cũng không kém có ý nghĩa giáo dục. Nó chỉ quả quyết rằng trật tự nhà nước phổ biến phải duy trì sự liên hợp giữa các nguyên tử vị kỷ riêng lẻ.

Nói một cách chính xác và theo ý nghĩa thông thường thì thành viên của xã hội thị dân hoàn toàn không phải là nguyên tử. Đặc tính của nguyên tử là ở chỗ nó không có thuộc tính nào, do đó không liên hệ với những vật tồn tại ở bên ngoài nó bằng bất cứ mối tương quan nào do bản tính của nó quyết định một cách tất nhiên. Nguyên từ không có nhu cầu, nó là một cái gì tự tồn tại độc lập; thế giới bên ngoài nó là sự trống rỗng tuyệt đối, nghĩa là không có bất cứ nội dung nào, không có bất cứ ý nghĩa nào, không có bất cứ tầm quan trọng nào chính là vì nguyên tử bao gồm trong bản thân nó toàn bộ vạn vật. Trong quan niệm phi cảm tính của mình và trong sự trừu tượng không có sức sống của mình, cá nhân vị kỷ của xã hội thị dân hãy cứ tưởng tượng mình là một nguyên tử đi, nghĩa là tưởng tượng mình là một vật tồn tại của thế giới cực lạc không có quan hệ với bất cứ cái gì, tự tồn tại độc lập, không có nhu cầu, và tuyệt đối hoàn thiện ! Hiện thực cảm tính  của thế giới phi cực lạc không đếm xỉa gì đến sự tưởng tượng ấy của cá nhân đó. Mỗi một cảm giác của anh ta đều buộc anh ta phải tin ở sự tồn tại của thế giới và các cá nhân khác bên ngoài anh ta; thậm chí chiếc dạ dày tội lỗi của anh ta cũng hàng ngày nhắc nhở anh ta rằng thế giới bên ngoài anh ta không phải là trống rỗng, mà trái lại thực sự là cái nhét đầy dạ dày anh ta. Mỗi hoạt động của bản chất của anh ta, mỗi đặc tính của anh ta, mỗi bản năng sinh hoạt của anh ta, đều trở thành một nhu cầu, thành một nhu cầu biến tính tự yêu mình của anh ta thành sự yêu thích của anh ta đối với những vật khác và những người khác ở bên ngoài anh ta. Nhưng vì nhu cầu của mỗi cá nhân riêng biệt không có một ý nghĩa hiển nhiên nào đối với một cá nhân vị kỷ khác có tư liệu thoả mãn nhu cầu đó, nghĩa là không có quan hệ trực tiếp nào đó với sự thoả mãn nhu cầu, nên mỗi cá nhân đều buộc phải xây dựng mối quan hệ đó bằng cách là đến lượt mình lại làm kẻ môi giới giữa nhu cầu của người khác với đối tượng của nhu cầu đó. Như vậy chính tính tất yếu tự nhiên, chính đặc tính của con người, mặc dù chúng biểu hiện thành hình thức tha hoá như thế nào đi nữa, chính lợi ích là cái liên kết các thành viên của xã hội thị dân lại với nhau. Mối liên hệ hiện thực giữa họ với nhau là đời sống thị dân chứ không phải đời sống chính trị. Vậy thì cái liên kết các nguyên tử của xã hội thị dân không phải là nhà nước mà chính là sự thực sau đây: chúng chỉ là nguyên tử trong quan niệm, trong bầu trời của trí tưởng tượng của mình, còn trên thực tế, chúng là những thực thể khác hẳn với nguyên tử, chúng không phải là những kẻ vị kỷ thần thánh mà là những con người vị kỷ. Ngày nay, chỉ có sự mê tín về chính trị mới còn cho rằng nhà nước phải củng cố đời sống thị dân, trong khi thực ra thì trái lại, chính là đời sống thị dân củng cố nhà nước.

"Tư tưởng vĩ đại của Rô-bê-xpi-eXanh-Giuy-xtơ nhằm sáng tạo ra "nhân dân tự do" mà quy tắc sinh hoạt thì hoàn toàn chỉ là chính nghĩa đạo đức - chẳng hạn xem báo cáo của Xanh-Giuy-xtơ về tội ác của Đăng-tông và một bản báo cáo khác của ông về chế độ cảnh sát phổ biến - chỉ hoàn toàn nhờ khủng bố mới có thể tạm thời duy trì được; tư tưởng đó là một mâu thuẫn mà những phần tử thấp hèn và ích kỷ trong bản chất nhân dân chống lại một cách sợ hãi và nham hiểm tới mức độ đúng như người ta đã có thể dự tính".

Câu nói có tính phê phán tuyệt đối coi "nhân dân tự do" là một "mâu thuẫn" mà những phần tử của "bản chất nhân dân" phải chống lại là một câu tuyệt đối rỗng tuếch đến mức nào, điều đó người ta có thể thấy rõ ở chỗ là theo ý Rô-be-xpi-e và Xanh-Giuy-xtơ thì tự do, chính nghĩa, đạo đức trái lại chỉ có thể là những biểu hiện sinh hoạt của "nhân dân" và thuộc tính của "bản chất nhân dân". Rô-be-xpi-e và Xanh-Giuy-xtơ nói một cách hết sức rõ ràng về "tự do, chính nghĩa và đạo đức" cổ đại, vốn chỉ có ở "bản chất nhân dân". Ở thời kỳ cường thịnh của họ, những người Xpác-tơ, những người A-ten, những người La Mã là "nhân dân tự do, chính nghĩa và có đạo đức".

"Khi trình bày những nguyên tắc của đạo đức công cộng (trong phiên họp ngày 5 tháng Hai 1974, của Hội nghị Quốc ước), Rô-be-xpi-e đặt câu hỏi: nguyên tắc cơ bản của chính phủ dân chủ hoặc nhân dân là gì ? Là đạo đức. Tôi nói đây là đạo đức công cộng, đạo đức đã lập ra những kỳ tích vĩ đại ở Hy Lạp và La mã và sẽ lập ra ở nước Pháp cộng hoà những kỳ tích khiến người ta phải kinh ngạc hơn. Đạo đức mà chúng tôi nói chẳng phải gì khác hơn là lòng yêu tổ quốc và luật pháp của tổ quốc".

Tiếp đó, ông đặc biệt gọi người A-tenngười Xpác-tơ là "nhân dân tự do". Ông thường xuyên nhắc người nghe hồi tưởng lại "bản

chất nhân dân" cổ đại và nêu lên cả những vị anh hùng của nó như: Li-cuốc-gơ, Đê-mô-xten, Min-ti-át, A-ri-xti, Bru-tút lẫn bọn đồi bại như Ca-ti-li-na, Xê-da, Clô-đi-út, Pi-dông.

Trong báo cáo về việc bắt giam Đăng-tông (bản báo cáo mà sự phê phán đã dẫn ra) Xanh-Giuy-xtơ nói rất rõ ràng rằng:

"Sau người La Mã, thế giới trở nên trống rỗng và chỉ có sự tưởng nhớ tới họ mới làm cho thế giới đầy nội dung và mới lại tiên đoán được tự do".

Và theo phương thức cổ đại, ông ta buộc tội Đăng-tông là Ca-ti-li-na thứ hai.

Trong bản báo cáo khác (về chế độ cảnh sát phổ biến) của Xanh-Giuy-xtơ, người cộng hoà được mô tả hoàn toàn theo tinh thần cổ đại nghĩa là cương nghị, khiêm tốn, giản dị, v.v.. Cơ quan cảnh sát, về bản chất, phải là một tổ chức tương ứng với Viện kiểm sát của La Mã. Ông nêu tên tuổi những nhân vật như Cô-đrút, Li-cuốc-gơ, Xê-da, Ca-tô, Ca-ti-li-na, Bru-tút, Ăng-toan, Ca-xi-út. Đến cuối, ông thâu tóm đặc trưng của "tự do, chính nghĩa và đạo đức" mà ông yêu cầu, trong một câu duy nhất:

"Người cách mạng phải thành người La Mã".

Rô-be-xpi-e, Xanh-Giuy-xtơ và đảng của họ bị diệt vong vì họ lẫn lộn nước cộng hoà dân chủ - thực tại cổ đại dựa trên chế độ nô lệ thực sự với nhà nước dân chủ đại nghị duy linh hiện đại dựa trên chế độ nô lệ đã được giải phóng, dựa trên xã hội tư sản. Buộc phải thừa nhận và chuẩn y, về mặt hình thức nhân quyền, xã hội tư sản hiện đại, tức là xã hội công nghiệp, xã hội tràn ngập cạnh tranh phổ biến, xã hội lấy việc tự do theo đuổi lợi ích riêng làm mục đích, xã hội vô chính phủ, xã hội tràn đầy tính tự nhiên và tinh thần tự tha hoá - buộc phải thừa nhận và chuẩn y tất cả những thứ đó, nhưng mặt khác sau đó lại muốn lấy những cá nhân riêng biệt để xoá bỏ mọi biểu hiện sống của xã hội đó, đồng thời muốn phỏng theo hình thức cổ đại để xây dựng đầu não chính trị của xã hội đó, như thế thì sai lầm to lớn biết nhường nào!

Sai lầm đó mang tính chất bi kịch khi Xanh-Giuy-xtơ, trong ngày bị hành hình, đã chỉ vào tấm biển lớn ghi bản "Tuyên ngôn nhân quyền" treo trong phòng Công-xi-éc-giơ-ri mà nói với một giọng tự hào rằng: "Nhưng chính ta đã sáng tạo ra cái này". Chính tấm biển đó đã tuyên bố quyền của con người, mà con người này không thể là con người của nước cộng hoà cổ đại cũng như những quan hệ kinh tế công nghiệp của anh ta không phải là quan hệ của thời cổ đại.

Đây không phải là nơi biện hộ về mặt lịch sử cho sai lầm của những người theo chủ nghĩa khủng bố.

"Sau sự sụp đổ của Rô-be-xpi-e, sự khai sáng về chính trị phong trào chính trị tiến nhanh tới chỗ trở thành miếng mồi ngon cho Na-pô-lê-ông là kẻ không bao lâu, sau ngày 18 tháng Sương mù, đã có thể nói rằng: "Với những quan cai trị địa phương, với hiến binh và thầy tu của ta, với nước Pháp ta có thể làm tất cả những gì mà ta muốn".

Lịch sử trần tục, trái lại, bảo chúng ta rằng: sau sự sụp đổ của Rô-be-xpi-e, sự khai sáng về chính trị, trước kia muốn vượt quá bản thân mình và lao mình vào ảo tưởng, lần đầu tiên bắt đầu được thực hiện một cách tầm thường. Cách mạng đã giải phóng xã hội tư sản khỏi gông cùm phong kiến và chính thức thừa nhận nó mặc dù chủ nghĩa khủng bố ra sức hy sinh nó cho một  chế độ sinh hoạt chính trị cổ đại. Trong thời kỳ Đốc chính, làn sóng sinh hoạt của xã hội tư sản đã dâng lên cuồn cuộn. Cao trào xây dựng xí nghiệp công thương nghiệp, sự ham muốn làm giàu, sự rộn rịp của đời sống tư sản mới, trong đó sự hưởng thụ cuộc sống đó lúc đầu mang tính bừa bãi, nhẹ dạ, vô lễ và cuồng loạn; sự mở mang thực sự của ruộng đất ở Pháp mà kết cấu phong kiến đã bị búa rìu của cách mạng đập tan, mà vô số người sở hữu mới tích cực canh tác toàn diện với những biểu hiện cuồng nhiệt đầu tiên; những hoạt động nhộn nhịp đầu tiên của nền công nghiệp đã được giải phóng, - đây là một số biểu hiện sinh hoạt của xã hội tư sản mới chào đời. Đại biểu chân chính của xã hội tư sản giai cấp tư sản. Như vậy là giai cấp tư sản đã bắt đầu nền thống trị của nó. Nhân quyền không còn chỉ tồn tại trên lý luận nữa.

Cái trở thành miếng mồi cho Na-pô-lê-ông ngày 18 tháng Sương mù không phải  là phong trào cách mạng nói chung như sự phê phán, thực tin ở lời nói của một Rốt-tếch hay một Ven-cơ nào đó, đã lầm tưởng mà chính là giai cấp tư sản tự do chủ nghĩa. Chỉ cần đọc những bài diễn văn của các nhà lập pháp thời bấy giờ là có thể tin như vậy. Khi đọc những bài diễn văn đó, người ta sẽ có ấn tượng rằng mình bị chuyển từ Hội nghị Quốc ước sang một Hạ nghị viện hiện đại nào đó. Na-pô-lê-ông là sự thể hiện của trận chiến đấu cuối cùng của chủ nghĩa khủng bố cách mạng chống xã hội tư sản mà cuộc cách mạng đó đã công khai tuyên bố, và chống nền chính trị của xã hội đó. Đúng là Na-pô-lê-ông đã hiểu được bản chất thực sự của nhà nước hiện đại; ông ta đã hiểu rằng nhà nước đó xây dựng trên sự phát triển thuận lợi của xã hội tư sản, trên sự vận động tự do của lợi ích tư nhân, v.v.. Ông ta quyết định thừa nhận và bảo vệ cơ sở đó. Ông ta không phải là một nhà khủng bố không tưởng. Nhưng đồng thời Na-pô-lê-ông còn coi nhà nướcmục đích tự , còn đời sống thị dân chỉ là một tên thủ kho, một kẻ dưới quyền ông ta và không có quyền có ý chí riêng. Ông ta hoàn thành chủ nghĩa khủng bố bằng cách đem chiến tranh không ngừng thay thế cho cách mạng không ngừng. Ông ta hoàn toàn thoả mãn chủ nghĩa vị kỷ của dân tộc Pháp, nhưng cũng đòi hỏi phải hy sinh sự nghiệp của giai cấp tư sản, sự hưởng lạc, của cải, v.v., mỗi khi mà mục đích chính trị của cuộc xâm lược đòi hỏi. Khi ông ta áp chế, như một tên bạo chúa, chủ nghĩa tự do của xã hội tư sản - chủ nghĩa lý tưởng chính trị của thực tiễn hàng ngày của xã hội này - thì ông ta cũng không thương tiếc gì lợi ích vật chất căn bản nhất của xã hội đó, tức thương nghiệp và công nghiệp, mỗi khi có sự xung đột giữa những lợi ích ấy với lợi ích chính trị của bản thân ông ta. Sự khinh bỉ của ông ta đối với các nhà kinh doanh công nghiệp bổ sung cho sự khinh bỉ của ông ta đối với các nhà tư tưởng. Cả về mặt nội trị, ông ta cũng đấu tranh chống lại xã hội tư sản, coi nó là kẻ thù của nhà nước, một nhà nước vẫn còn thể hiện ở ông ta, ở Na-pô-lê-ông, với tính cách là mục đích tự nó tuyệt đối. Chẳng hạn, ông đã tuyên bố ở Hội đồng nhà nước rằng ông ta không cho phép bọn chủ ruộng đất lớn được tuỳ ý trồng trọt hay không trồng trọt trên ruộng đất của họ. Kế hoạch  của ông ta nhằm làm cho thương nghiệp phục tùng nhà nước bằng cách chuyển ngành vận tải bằng xe ngựa vào trong tay nhà nước, cũng có ý nghĩa như vậy. Thương nhân Pháp đã chuẩn bị những sự kiện lần đầu tiên làm lung lay thực lực của Na-pô-lê-ông. Bọn buôn bán chứng khoán ở Pa-ri đã gây ra nạn đói giả tạo để buộc Na-pô-lê-ông hoãn cuộc tấn công nước Nga lại gần hai tháng và do đó phải  tiến hành cuộc tấn công đó vào cuối năm.

Nếu giai cấp tư sản tự do chủ nghĩa, một lần nữa, vấp phải chủ nghĩa khủng bố có tính cách mạng mà Na-pô-lê-ông là đại biểu thì nó lại vấp phải, một lần nữa, thế lực phản cách mạng mà bọn Buốc-bông, chế độ Phục tích là đại biểu. Cuối cùng, năm 1830, giai cấp tư sản tự do chủ nghĩa đã thực hiện được những nguyện vọng năm 1789 của mình, duy trì có điều khác là sự khai sáng chính trị của nó lúc ấy đã hoàn thành, nó không còn coi nhà nước đại nghị lập hiến là lý tưởng của nhà nước và không còn nghĩ rằng giành được nhà nước đại nghị lập hiến ra sức cứu vớt thế giới và đạt tới mục đích chung của toàn thể loài người nhưng trái lại, nó coi nhà nước đó là biểu hiện chính thức của quyền lực độc quyền của mình và là sự xác nhận, về mặt chính trị, lợi ích riêng biệt của mình.

Lịch sử đời sống của cách mạng Pháp bắt đầu năm 1789 chưa kết thúc bằng cuộc cách mạng 1830, khi mà một trong những yếu tố của cuộc cách mạng ấy - yếu tố này hiện nay có thêm ý thức về ý nghĩa xã hội quan trọng của mình - đã giành được thắng lợi.

 

 


51 Cercle social (Nhóm xã hội) là một tổ chức do đại biểu của những phần tử trí thức dân chủ thành lập, hoạt động ở Pa-ri vào những năm đầu của cách mạng tư sản Pháp cuối thế kỷ XVIII. Địa vị của Cercle social trong lịch sử tư tưởng cộng sản chủ nghĩa có thể thấy được qua thực tế sau: nhà tư tưởng C.Phô-sơ đòi chia đều ruộng đất, hạn chế tài sản quá nhiều và đòi việc làm cho tất cả công dân có năng lực lao động. Sự phê phán của C.Phô-sơ với quyền bình đẳng hình thức ghi trong văn kiện của cách mạng Pháp đã chuẩn bị cho nhà lãnh đạo "phái người điên" là Giắc-cơ Ru phát biểu những ý kiến táo bạo hơn về vấn đề đó.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt