Chủ nghĩa Marx

Cuộc chinh phạt thứ ba của sự phê phán tuyệt đối: d- Cuộc chiến đấu có tính phê phán chống lại chủ nghĩa duy vật Pháp

GIA ĐÌNH THẦN THÁNH – MỤC LỤC

 

CHƯƠNG VI

PHÊ PHÁN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN TUYỆT ĐỐI,

HAY LÀ

SỰ PHÊ PHÁN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN THỂ HIỆN

Ở ÔNG BRU-NÔ

 


C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1995, tr. 189-204. Phiên bản điện tử: dangcongsan.vn Nguyên văn tiếng Đức Bản dịch tiếng Anh | Bản dịch tiếng Pháp.


 

 

3) CUỘC CHINH PHẠT THỨ BA CỦA  

SỰ PHÊ PHÁN TUYỆT ĐỐI

 

d- Cuộc chiến đấu có tính phê phán chống lại chủ nghĩa duy vật Pháp

"Trong thế kỷ XVIII, chủ nghĩa Xpi-nô-da chiếm địa vị thống trị trong học thuyết của những người kế thừa ông ở Pháp, tức là những người đã coi vật chất là thực thể, cũng như trong tự nhiên thần luận, tức là thuyết đặt cho vật chất cái tên gọi tinh thần... Phái Xpi-nô-da ở Pháp và tín đồ của tự nhiên thần luận chỉ là hai phái tranh cãi nhau về ý nghĩa chân chính của hệ thống Xpi-nô-da... Số phận đơn thuần quyết định sự khai sáng này phải diệt vong - nó đã được hoà tan trong chủ nghĩa lãng mạn sau khi đã buộc phải tuyên bố đầu hàng thế lực phản động bắt đầu từ thời kỳ phong trào Pháp".

Sự phê phán nói với chúng ta như thế đấy.

Bây giờ chúng ta hãy đối chiếu tóm tắt lịch sử có tính phê phán của chủ nghĩa duy vật Pháp với lịch sử trần tục và có tính quần chúng của chủ nghĩa duy vật đó. Chúng ta sẽ phải kính cẩn thừa nhận rằng có một vực thẳm giữa lịch sử đã diễn ra trong thực tế với lịch sử diễn ra theo mệnh lệnh của "sự phê phán tuyệt đối", kẻ sáng tạo ra, trên mức độ như nhau, cả cái cũ lẫn cái mới. Sau hết, tuân theo chỉ thị của sự phê phán, chúng tôi sẽ coi ba vấn đề: "tại sao?" "từ đâu đến?" và "đi đâu?" của lịch sử có tính phê phán là "những đối tượng của sự nghiên cứu bền bỉ".

"Nói chính xác và theo ý nghĩa văn xuôi" thì trào lưu Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII và nhất là chủ nghĩa duy vật Pháp không những là một cuộc đấu tranh chống những thiết chế chính trị hiện hành, chống tôn giáo hiện hành và chống thần học hiện hành mà còn là một cuộc đấu tranh công khai và rõ rệt chống lại siêu hình học thế kỷ XVII mọi thứ siêu hình học, nhất là siêu hình học của Đê-các-tơ, Ma-lơ-brăng-sơ, Xpi-nô-daLép-nít-xơ. Người ta đem triết học đối lập với siêu hình học, giống hệt như Phoi-ơ-bắc đã đối lập triết học tỉnh táo với tư biện say mềm khi lần đầu tiên ông mở cuộc tấn công kiên quyết chống lại Hê-ghen. Siêu hình học thế kỷ XVII bị trào lưu Khai sáng Pháp và nhất là chủ nghĩa duy vật Pháp thế kỷ XVIII đánh bại, đã được phục hồi thắng lợi với một nội dung phong phú trong triết học Đức và nhất là trong triết học tư biện Đức thế kỷ XIX. Sau khi Hê-ghen đã kết hợp một cách thiên tài siêu hình học thế kỷ XVII với mọi thứ siêu hình học sau này và với chủ nghĩa duy tâm Đức và xây dựng một vương quốc siêu hình phổ biến thì cuộc tấn công vào siêu hình học tự nhiên mọi thứ siêu hình học nói chung lại một lần nữa phối hợp với cuộc tấn công vào thần học như hồi thế kỷ XVIII. Siêu hình học sẽ vĩnh viễn ngã gục trước chủ nghĩa duy vật hiện đã đạt tới chỗ hoàn thiện nhờ hoạt động của bản thân tư biện và đã ăn khớp với chủ nghĩa nhân đạo. Chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản ở Pháp và Anh đã thể hiện, trong lĩnh vực thực tiễn, thứ chủ nghĩa duy vật ăn khớp với chủ nghĩa nhân đạo, cũng giống như Phoi-ơ-bắc đã thể hiện chủ nghĩa duy vật đó trong lĩnh vực lý luận.

"Nói chính xáctheo ý nghĩa văn xuôi" thì chủ nghĩa duy vật Pháp có hai phái: một phái bắt nguồn từ Đê-các-tơ, một phái bắt nguồn từ Lốc-cơ. Phái thứ hai thì chủ yếu là một yếu tố của văn hoá Pháp và trực tiếp dẫn tới chủ nghĩa xã hội; còn phái kia là chủ nghĩa duy vật máy móc, nó hoà vào trong khoa học tự nhiên Pháp, hiểu theo đúng nghĩa của chữ đó. Hai phái xen kẽ nhau trong quá trình phát triển của chúng. Ở đây, chúng tôi không cần nghiên cứu kỹ về chủ nghĩa duy vật Pháp trực tiếp bắt nguồn từ Đê-các-tơ, cũng như không cần nói nhiều về phái Niu-tơn ở Pháp và sự phát triển của khoa học tự nhiên ở Pháp nói chung.

Chúng tôi chỉ nêu lên mấy điểm như sau:

Trong vật lý học của mình, Đê-các-tơ cho rằng vật chất có một lực sáng tạo độc lập và coi vận động máy móc là biểu hiện sự sống của vật chất. Ông ta hoàn toàn tách vật lý học của ông khỏi siêu hình học của ông. Trong phạm vi vật lý học của ông, vật chất thực thể duy nhất, là căn cứ duy nhất của tồn tại và nhận thức.

Chủ nghĩa duy vật máy móc Pháp đồng tình với vật lý học của Đê-các-tơ chống lại siêu hình học của ông ta. Học trò của ông ta là những nhà chống siêu hình chuyên nghiệp, nghĩa là những nhà vật lý học.

Thầy thuốc Lơ-roa đặt cơ sở cho học phái ấy, học phái mà thầy thuốc Ca-ba-nít, là nhân vật đại biểu cho thời cực thịnh của nó và thầy thuốc La-mét-tơ-ri là nhân vật trung tâm của nó. Trong sinh thời của Đê-các-tơ, Lơ-roa đã vận dụng học thuyết của Đê-các-tơ về kết cấu động vật vào con người (hồi thế kỷ XVIII, La-mét-tơ-ri cũng đã làm tương tự như thế) và tuyên bố rằng linh hồn chỉ là một dạng của thể xác còn  tư tưởng vận động máy móc. Lơ-roa thậm chí còn cho rằng Đê-các-tơ đã giấu giếm quan điểm thực sự của mình. Đê-các-tơ đã phản đối ý kiến đó. Cuối thế kỷ XVIII, Ca-ba-nít đã hoàn thành chủ nghĩa duy vật của Đê-các-tơ bằng tác phẩm "Quan hệ giữa thể xác và tinh thần của con người"52.

Chủ nghĩa duy vật của phái Đê-các-tơ còn tồn tại ở Pháp cho tới ngày nay. Nó đã đạt được những thành tựu lớn trong khoa học tự nhiên máy móc"nói chính xác theo ý nghĩa văn xuôi", người ta ít có thể chê trách nhất là mang màu sắc của chủ nghĩa lãng mạn.

Ngay từ khi mới ra đời, siêu hình học của thế kỷ XVII mà đại biểu chủ yếu ở Pháp là Đê-các-tơ, đã gặp kẻ đối kháng với mình là chủ nghĩa duy vật. Chủ nghĩa duy vật mà đại biểu là Gát-xăng-đi, một người phục hồi chủ nghĩa duy vật của Ê-pi-quya, đã chống lại Đê-các-tơ. Chủ nghĩa duy vật Pháp và Anh, trước sau, vẫn có quan hệ chặt chẽ với Đê-mô-crítÊ-pi-quya. Siêu hình học của Đê-các-tơ còn có một địch thủ khác là Hốp-xơ, một nhà duy vật Anh. Rất lâu sau khi qua đời, Gát-xăng-đi và Hốp-xơ mới chiến thắng được địch thủ của mình đúng vào lúc nó đang chính thức thống trị trong mọi học phái ở Pháp.

Von-te nhận xét rằng thái độ bàng quan của người Pháp thế kỷ XVIII đối với cuộc tranh luận giữa phái Giê-duýt và phái Gian-xê-ni-uýt53 là do triết học gây ra ít hơn là do những vụ đầu cơ tài chính của Lô. Thực ra, sự suy sụp của siêu hình học thế kỷ XVII chỉ có thể nói là do ảnh hưởng của lý luận của chủ nghĩa duy vật thế kỷ XVIII tạo ra, chừng nào người cho rằng bản thân phong trào lý luận đó là do tính chất thực tiễn của đời sống ở Pháp hồi đó tạo ra. Đời sống đó hướng vào hiện thực trực tiếp, vào lạc thú trần tục và lợi ích trần tục, tóm lại là vào thế giới trần tục. Phù hợp với thực tiễn chống thần học, chống siêu hình, duy vật, của đời sống đó thì nhất thiết phải là một lý luận chống thần học, chống siêu hình, duy vật. Trong thực tiễn, siêu hình học đã mất hết uy tín. Ở đây, chúng tôi chỉ cần nêu vắn tắt quá trình lý luận của sự tiến hoá đó.

Siêu hình học thế kỷ XVII (xem Đê-các-tơ, Lép-nít-xơ, v.v.) còn mang một nội dung tích cực, trần tục. Nó có những phát hiện trong toán học, vật lý học và những khoa học chính xác khác có liên hệ mật thiết với nó. Nhưng ngay đầu thế kỷ XVIII, mối liên hệ bề ngoài đó không còn nữa. Những khoa học thực chứng đã tách khỏi siêu hình học và xác định phạm vi hoạt động riêng của mình. Giờ đây khi mà bản chất hiện thực và sự vật trần tục đã bắt đầu thu hút mọi sự chú ý vào mình thì toàn bộ tài sản của siêu hình học chỉ còn là bản chất tưởng tượng và sự vật thiên giới mà thôi. Siêu hình học trở thành khô khan nhạt nhẽo. Cũng đúng vào năm mà hai nhà siêu hình học lớn cuối cùng ở Pháp là Ma-lơ-brăng-sơ và Ác-nôn mất đi, Hen-vê-ti-útCông-đi-ác ra đời.

Người mà về mặt lý luận, đã làm cho siêu hình học thế kỷ XVII và toàn bộ siêu hình học nói chung mất hết uy tín thì chính là Pi-e Bay-lơ. Vũ khí của ông là thuyết hoài nghi được hun đúc bằng những công thức phù thuỷ của chính bản thân siêu hình học. Bản thân ông thoạt đầu cũng xuất phát từ siêu hình học của Đê-các-tơ. Cuộc đấu tranh chống thần học tư biện đã đẩy Phoi-ơ-bắc tới chỗ đấu tranh chống triết học tư biện chính vì ông nhận thấy rằng tư biện là chỗ dựa cuối cùng của thần học và ông không thể không buộc các nhà thần học phải từ bỏ khoa học tưởng tượng của họ để trở về với tín ngưỡng thô sơ và ghê tởm; cũng vậy, sự hoài nghi tôn giáo đã dẫn Bay-lơ đến chỗ hoài nghi siêu hình học, chỗ dựa của tín ngưỡng đó. Vì vậy ông đã phê phán toàn bộ sự phát triển lịch sử của siêu hình học. Ông trở thành nhà sử học của siêu hình học để viết lịch sử cái chết của nó. Ông bác bỏ nhất là Xpi-nô-da và Lép-nít-xơ.

Pi-e Bay-lơ không những đã dùng thuyết hoài nghi để phá huỷ siêu hình học, do đó chuẩn bị cơ sở cho người Pháp tiếp thu chủ nghĩa duy vật và triết học của lẽ phải thông thường. Ông còn báo trước rằng một xã hội vô thần nhất định sẽ được xác lập nay mai bằng cách chứng minh rằng có khả năng có một xã hội gồm toàn những người vô thần, rằng một người vô thần có thể là một người đáng kính, rằng cái hạ thấp con người xuống không phải là thuyết vô thần mà là sự mê tín và sự sùng bái thần tượng.

Theo lời nói của một nhà văn Pháp thì Pi-e Bay-lơ "nhà siêu hình học cuối cùng đối với thế kỷ XVII và nhà triết học đầu tiên đối với thế kỷ XVIII".

Nhưng bên cạnh việc phủ định thần học và siêu hình học thế kỷ XVII, còn cần có một hệ thống khẳng định, chống siêu hình. Người ta cần một cuốn sách quy thực tiễn sống đương thời thành hệ thống và đem lại căn cứ lý luận cho nó. Tác phẩm của Lốc-cơ bàn về nguồn gốc của lý tính con người54 đã ra đời rất đúng lúc ở bên kia biển Măng-sơ. Người ta đón tiếp nó nồng nhiệt như một vị khách mà người ta đã nóng lòng chờ đợi.

Có thể hỏi: phải chăng Lốc-cơ là học trò của Xpi-nô-da? Lịch sử "trần tục" có thể trả lời rằng:

Chủ nghĩa duy vật là đứa con hoang của nước Anh. Nhà triết

học kinh viện Đơn Xcốt đã tự hỏi: "không biết vật chất có thể suy nghĩ được không ?".

Để thực hiện phép màu đó, ông phải nhờ đến tính vạn năng của thượng đế, nghĩa là ông buộc bản thân thần học phải tuyên truyền chủ nghĩa duy vật. Vả lại, ông còn là một nhà duy danh chủ nghĩa. Chủ nghĩa duy danh là một trong những nhân tố chủ yếu của các nhà duy vật Anh và nói chung là, biểu hiện đầu tiên của chủ nghĩa duy vật.

Người bố đẻ chính tông của chủ nghĩa duy vật Anh và của toàn bộ khoa học thực nghiệm hiện đại Bê-cơn. Theo ông thì khoa học tự nhiên là khoa học chân chính và vật lý học dựa trên kinh nghiệm cảm tính, là bộ phận quan trọng nhất của khoa học tự nhiên. Ông thường dẫn chứng A-na-xa-go và vật chất nguyên thuỷ, số lượng vô hạn của nhà triết học này và Đê-mô-crít và những nguyên tử của ông, coi đó là những bậc quyền uy. Trong học thuyết của ông, cảm giác là hoàn toàn đáng tin cậy và là nguồn gốc của mọi hiểu biết. Khoa học là khoa học thực nghiệm, và là ở chỗ dùng phương pháp lý tính để xem xét tài liệu cảm tính. Quy nạp, phân tích, so sánh, quan sát, thực nghiệm, đấy là những điều kiện chủ yếu của phương pháp lý tính. Trong những đặc tính vốn có của vật chất, vận động là đặc tính thứ nhất và quan trọng nhất không phải chỉ với tính cách là vận động máy móctoán học mà hơn nữa còn với tính cách là xu hướng, sức sống, sự khẩn trương, hoặc dùng danh từ của I-a-cốp Buê-mơ thì là sự đau khổ, [Qual] của vật chất. Những hình thức đầu tiên của vật chất là những lực lượng bản chất, sống, làm cho vật chất có cá tính, vốn có của vật chất tạo ra những sự khác nhau riêng biệt.

Bê-cơn, người đầu tiên sáng tạo ra nó, chủ nghĩa duy vật còn che giấu, dưới những hình thức ngây thơ, những mầm mống của một sự phát triển mọi mặt. Vật chất mỉm cười với toàn bộ con người, trong vẻ lộng lẫy của cái cảm tính nên thơ của nó. Trái lại bản thân cái học thuyết được trình bày dưới hình thức cách ngôn còn đầy rẫy tính không triệt để của thần học.

Trong sự phát triển tiếp theo của nó, chủ nghĩa duy vật trở thành phiến diện. Hốp-xơ hệ thống hoá chủ nghĩa duy vật của Bê-cơn. Cảm tính mất cái vẻ lộng lẫy của nó và trở thành cảm tính trừu tượng của nhà hình học. Vận động vật lý bị hy sinh cho vận động máy móc hoặc vận động toán học; hình học được tuyên bố là khoa học chủ yếu. Chủ nghĩa duy vật trở thành kẻ thù ghét con người. Muốn khắc phục tinh thần không có thể xác, thù ghét con người ngay trong lĩnh vực của chính nó, chủ nghĩa duy vật buộc phải tự hành hạ thể xác mình và biến thành người khổ hạnh. Nó biến thành một thực thể lý trí nhưng đồng thời cũng phát triển một cách triệt để khắc nghiệt, mọi kết luận của lý trí.

Căn cứ vào Bê-cơn, Hốp-xơ chứng minh rằng nếu cảm giác của chúng ta là nguồn gốc của mọi hiểu biết của chúng ta thì ý niệm, tư tưởng, biểu tượng v.v., phải chỉ là những ảo ảnh của thế giới thực thể đã ít nhiều bị tước hết những hình thức cảm tính của nó. Cái mà khoa học có thể làm được chỉ là đặt tên cho những ảo ảnh đó. Cùng một tên gọi có thể dùng cho nhiều ảo ảnh. Thậm chí có thể có những tên gọi của tên gọi. Nhưng nếu một mặt, khẳng định rằng mọi tư tưởng đều bắt nguồn từ thế giới cảm tính mà mặt khác lại cho rằng ý nghĩa của một từ không chỉ là một từ, rằng ngoài những thực thể được biểu tượng và vĩnh viễn đơn nhất thì còn có những thực thể phổ biến - như thế sẽ là mâu thuẫn. Một thực thể không có hình thể cũng là một mâu thuẫn như một vật thể không có hình thể. Vật thể, Tồn tại, Thực thể chỉ là những quan niệm về cùng một thực tại duy nhất. Không thể tách rời tư duy ra khỏi vật chất đang tư duy. Vật chất là chủ thể của mọi sự biến hoá. Từ vô hạnvô nghĩa nếu nó không có nghĩa là tinh thần của chúng ta có khả năng cộng thêm một cách vô hạn vào một đại lượng nhất định nào đó. Vì chỉ có cái vật chất mới có thể được cảm thấy, được nhận thức nên không thể biết một tí gì về sự tồn tại của thượng đế. Chỉ có sự tồn tại của bản thân tôi mới là xác thực. Mọi ham muốn của con người đều là sự vận động máy móc đang kết thúc hoặc đang bắt đầu. Đối tượng của những thèm muốn, đó là cái chúng tôi gọi là hạnh phúc. Người và giới tự nhiên đều phải phục tùng những quy luật như nhau. Quyền lực và tự do là đồng nhất với nhau.

Hốp-xơ đã hệ thống hoá học thuyết của Bê-cơn nhưng không đưa ra những bằng chứng tỉ mỉ, làm chỗ dựa cho nguyên lý cơ bản của Bê-cơn cho rằng những hiểu biết và những quan niệm đều bắt nguồn từ thế giới cảm tính.

Trong quyển bàn về nguồn gốc của lý tính con người, Lốc-cơ đã chứng minh nguyên lý của Bê-cơn và Hốp-xơ.

Nếu Hốp-xơ đã đập tan hết những thiên kiến hữu thần luận trong chủ nghĩa duy vật của Bê-cơn thì Côn-lin-xơ, Đốt-oen, Cau-ớt, Hát-ly, Pri-xli, v.v., đã thủ tiêu những chướng ngại thần học cuối cùng của cảm giác luận của Lốc-cơ. Tự nhiên thần luận, ít ra là đối với nhà duy vật, chỉ là một phương pháp thuận tiện và dễ dàng để thoát khỏi tôn giáo.

Chúng tôi đã chỉ rõ tác phẩm của Lốc-cơ đã xuất hiện đúng lúc đến mức nào đối với người Pháp. Lốc-cơ đã xây dựng triết học của bon sens, tức triết học của lẽ phải thông thường, nghĩa là đã nói một cách gián tiếp rằng không thể có một thứ triết học nào tách rời cảm giác lành mạnh của con người, và tách rời lý trí dựa trên những cảm giác ấy.

Công-đi-ắc, học trò trực tiếp của Lốc-cơ và người giải thích Lốc-cơ ở nước Pháp, đã lập tức dùng cảm giác luận của Lốc-cơ để chống lại siêu hình học thế kỷ XVII. Ông chứng minh rằng người Pháp hoàn toàn có quyền vứt bỏ siêu hình học ấy, coi đó là kết quả không thành công của ảo tưởng và của những thiên kiến thần học.

Ông đã công khai bác bỏ các hệ thống của Đê-các-tơ, Xpi-nô-da, Lép-nít-xơ và Ma-lơ-brăng-sơ.

Trong tác phẩm "Khái luận về nguồn gốc tri thức của loài người"55, ông đã phát triển quan điểm của Lốc-cơ và chứng minh rằng không những linh hồn mà cả cảm giác, không những nghệ thuật sáng tạo ra ý niệm mà cả nghệ thuật tri giác cảm tính đều là công việc của kinh nghiệm và tập quán. Vì vậy toàn bộ sự phát triển của người ta đều lệ thuộc vào sự giáo dục hoàn cảnh bên ngoài. Chỉ có triết học chiết trung là đã gạt Công-đi-ắc ra khỏi các học phái Pháp.

Sự khác nhau giữa chủ nghĩa duy vật Pháp và chủ nghĩa duy vật Anh là phù hợp với sự khác nhau giữa hai dân tộc đó. Người Pháp đã đem lại tinh thần, xương thịt và sự hùng biện cho chủ nghĩa duy vật Anh. Người Pháp còn cho chủ nghĩa duy vật Anh cái khí khái và cái duyên dáng mà nó còn thiếu. Người Pháp đã làm cho nó trở thành văn minh.

Hen-vê-ti-uýt là người cũng xuất phát từ học thuyết của Lốc-cơ, thì chủ nghĩa duy vật mang tính chất riêng của Pháp. Ông đem vận dụng ngay chủ nghĩa duy vật vào đời sống xã hội (Hen-vê-ti-uýt, "Bàn về con người")56. Ấn tượng cảm tính và dục vọng ích kỷ, sự hưởng lạc và lợi ích cá nhân được nhận thức một cách đúng đắn, là cơ sở của mọi đạo đức. Sự bình đẳng tự nhiên về trí lực của con người, sự nhất trí giữa những thành tựu của lý tính và những thành tựu của công nghiệp, tính thiện bẩm sinh của con người và tính vạn năng của giáo dục, đấy là những yếu tố chính của hệ thống của ông.

Những tác phẩm của La-mét-tơ-ri là sự kết hợp chủ nghĩa duy vật của Đê-các-tơ với chủ nghĩa duy vật Anh. Ông đã lợi dụng vật lý học của Đê-các-tơ cho đến tận những chi tiết của nó. Tác phẩm "Con người-máy"57 của ông là viết theo mẫu động vật - máy của Đê-các-tơ. Trong "Hệ thống của giới tự nhiên"58 của Hôn-bách, phần trình bày về vật lý học cũng là sự kết hợp chủ nghĩa duy vật Pháp với chủ nghĩa duy vật Anh, còn phần bàn về đạo đức thì về thực chất là dựa vào đạo đức học của Hen-vê-ti-uýt. Rô-bi-nê ("Bàn về tự nhiên"59), nhà duy vật Pháp gắn bó hơn ai hết với siêu hình học và do đó được Hê-ghen khen ngợi thì viện dẫn đến Lép-nít-xơ một cách hết sức rõ ràng.

Chúng tôi không cần bàn đến quan điểm của Vôn-nây, Đuy-puy, Đi-đơ-rô cũng như của phái trọng nông, sau khi chúng tôi một mặt đã giải thích hai nguồn gốc của chủ nghĩa duy vật Pháp bắt nguồn từ vật lý học của Đê-các-tơ và chủ nghĩa duy vật Anh và mặt khác đã xác minh sự đối lập giữa chủ nghĩa duy vật Pháp và siêu hình học thế kỷ XVII, tức siêu hình học Đê-các-tơ, Xpi-nô-da, Ma-lơ-brăng-sơ và Lép-nít-xơ. Người Đức chỉ có thể nhận thấy sự đối lập đó sau khi bản thân họ bắt đầu đấu tranh với siêu hình học tư biện.

Cũng như chủ nghĩa duy vật của Đê-các-tơ nhập vào khoa học tự nhiên hiểu theo đúng nghĩa của chữ đó, phía kia của chủ nghĩa duy vật Pháp thì trực tiếp nhập vào chủ nghĩa xã hội chủ nghĩa cộng sản.

Không cần phải thông minh lắm mới thấy được mối liên hệ tất yếu giữa học thuyết của chủ nghĩa duy vật về tính thiện bẩm sinh và sự ngang nhau về trí lực của con người, về tính vạn năng của kinh nghiệm, của tập quán và của giáo dục, về ảnh hưởng của hoàn cảnh bên ngoài đối với con người, về ý nghĩa quan trọng của công nghiệp, về tính hợp lý của hưởng lạc, v.v., với chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội. Nếu như người ta thu được mọi tri thức và cảm giác, v.v., của mình từ thế giới cảm tính và từ kinh nghiệm trong thế giới cảm tính thì do đó cần phải tổ chức thế giới xung quanh sao cho người ta nhận thức và lĩnh hội được ở đó cái gì thực sự hợp với tính người, sao cho người ta thấy được mình là con người. Nếu như lợi ích đúng đắn là nguyên tắc của toàn bộ đạo đức thì do đó cần ra sức làm cho lợi ích riêng của con người cá biệt phù hợp với lợi ích của toàn thể loài người. Nếu như người ta không có tự do theo ý nghĩa duy vật, nghĩa là nếu như không phải nhờ lực lượng tiêu cực lẩn tránh cái này cái nọ mà nhờ lực lượng tích cực thể hiện cá tính chân chính của mình mà con người ta có được tự do thì không nên trừng phạt những hành vi tội lỗi của cá nhân riêng lẻ mà nên tiêu diệt nguồn gốc phản xã hội đẻ ra tội lỗi, và đem lại cho mỗi người địa bàn xã hội cần thiết để biểu lộ sức sống trọng yếu của anh ta. Nếu như tính cách con người là do hoàn cảnh tạo nên thì do đó phải làm cho hoàn cảnh hợp với tính người. Nếu như con người bẩm sinh đã là sinh vật có tính xã hội thì do đó con người chỉ có thể phát triển bản tính chân chính của mình trong xã hội và cần phải phán đoán lực lượng của bản tính của anh ta, không phải căn cứ vào lực lượng của cá nhân riêng lẻ mà căn cứ vào lực lượng của toàn xã hội.

Có thể tìm thấy những câu nói đó và những câu khác tương tự như nguyên văn, ngay cả ở những nhà duy vật xưa nhất ở Pháp. Đây không phải là nơi đánh giá những câu đó. Sự biện hộ cho thói xấu của Man-đơ-vin-lơ, một học trò người Anh thời kỳ đầu của Lốc-cơ, là một tiêu biểu cho xu hướng xã hội chủ nghĩa của chủ nghĩa duy vật. Ông chứng minh rằng thói xấu là tất nhiên có ích trong xã hội hiện đại. Và đấy quyết không phải biện hộ cho xã hội hiện đại.

Phu-ri-ê trực tiếp xuất phát từ học thuyết của các nhà duy vật Pháp. Những người theo học thuyết của Ba-bớp là những nhà duy vật thô sơ, chưa phát triển, nhưng ngay cả chủ nghĩa cộng sản phát triển cũng trực tiếp bắt nguồn từ chủ nghĩa duy vật Pháp. Chủ nghĩa duy vật đó lại trở về tổ quốc của nó là nước Anh, dưới hình thức mà Hen-vê-ti-uýt đem lại cho nó. Ben-tam dựa vào đạo đức học của Hen-vê-ti-uýt để xây dựng cái hệ thống lợi ích đúng đắn của mình, còn Ô-oen, xuất phát từ hệ thống của Ben-tam, đã xây dựng chủ nghĩa cộng sản Anh. Ca-bê, một người Pháp lưu vong sang Anh, đã chịu ảnh hưởng của những tư tưởng cộng sản chủ nghĩa ở đó và khi về Pháp đã trở thành người đại biểu được nhiều người biết nhất, mặc dù hời hợt nhất của chủ nghĩa cộng sản. Cũng như Ô-oen, những người cộng sản chủ nghĩa Pháp có căn cứ khoa học hơn, như Đê-da-mi, Gay, v.v., cũng phát triển học thuyết duy vật, coi là chủ nghĩa nhân đạo hiện thực và cơ sở lô-gích của chủ nghĩa cộng sản.

Nhưng ngài Bau-ơ hoặc sự phê phán đã thu thập tài liệu ở đâu để viết lịch sử có tính phê phán của chủ nghĩa duy vật Pháp ?

1) "Lịch sử triết học"60 của Hê-ghen trình bày chủ nghĩa duy vật Pháp thành sự thực hiện thực thể của Xpi-nô-da, điều này dù sao đi nữa cũng có lý hơn nhiều so với "phái Xpi-nô-da ở Pháp".

2) Ông Bau-ơ đã phát hiện không biết từ bao giờ rằng "Lịch sử triết học" của Hê-ghen tựa hồ coi chủ nghĩa duy vật Pháp là học phái Xpi-nô-da. Nếu bây giờ ông ta phát hiện trong một tác phẩm khác của Hê-ghen rằng tự nhiên thần luận và chủ nghĩa duy vật là hai phái có sự hiểu biết khác nhau về cùng một nguyên tắc cơ bản thì ông ta sẽ kết luận rằng ở Xpi-nô-da có hai học phái tranh cãi nhau về ý nghĩa của hệ thống của mình. Ông Bau-ơ có thể tìm được trong "Hiện tượng học" của Hê-ghen lời giải thích mà chúng ta đã nói tới. Nguyên văn như sau:

"Về vấn đề bản chất tuyệt đối thì trong nội bộ trào lưu Khai sáng, đã xảy ra tranh chấp ... và phân liệt thành hai phái : một phái ... gọi cái tuyệt đối không có bất cứ vị ngữ nào ... là tồn tại tuyệt đối tối cao ... một phái gọi nó là vật chất ... Song cả hai đều cũng là cùng một khái niệm; - sự khác nhau không phải ở bản thân sự vật mà chỉ hoàn toàn ở điểm xuất phát khác nhau của hai loại kết cấu" (Hê-ghen. "Hiện tượng học", tr.420,421,422).

3) Sau hết, ông Bau-ơ lại còn có thể qua Hê-ghen mà thấy rằng nếu trong sự phát triển về sau của nó, thực thể không chuyển hoá thành khái niệm và tự ý thức thì nó sẽ trở thành tài sản của "chủ nghĩa lãng mạn". "Hallische Jahrbücher"61, thời bấy giờ, cũng có luận điểm tương tự.

Nhưng dù sao đi nữa, "tinh thần" cũng phải quy định trước cho "kẻ thù" của mình, tức chủ nghĩa duy vật, một "số phận ngu độn" nào đó.

 

     _______________________________________

 

Chú thích. Mối liên hệ giữa chủ nghĩa duy vật Pháp với Đê-các-tơ và Lốc-cơ, cũng như sự đối lập giữa triết học thế kỷ XVIII với siêu hình học thế kỷ XVII, đều được trình bày tỉ mỉ trong phần lớn các tác phẩm viết về lịch sử triết học Pháp hiện đại. Trái với sự phê phán có tính phê phán, chúng tôi chỉ cần nhắc qua ở đây những điều mà ai nấy đều biết. Trái lại mối liên hệ giữa chủ nghĩa duy vật thế kỷ XVIII với chủ nghĩa cộng sản Anh và Pháp thế kỷ XIX còn cần phải được trình bày cặn kẽ hơn. Ở đây, chúng tôi chỉ dẫn ra một số đoạn tiêu biểu trong các tác phẩm của Hen-vê-ti-uýt, Hôn-bách và Ben-tam.

1) Hen-vê-ti-uýt. "Người ta không độc ác, nhưng phải phục tùng lợi ích của mình. Vì vậy không nên than phiền về tính độc ác của con người mà phải than phiền về sự ngu dốt của bọn lập pháp là bọn bao giờ cũng đem đối lập lợi ích riêng với lợi ích chung", - "Cho tới nay, những nhà đạo đức còn chưa đạt tới được thành tích nào, vì muốn nhổ tận gốc cái sinh ra tội ác thì phải tìm trong sự lập pháp. Ở Nu-ve-lơ Oóc-lê-ăng, nếu vợ chán chồng thì có quyền bỏ chồng. Ở những nơi như thế, không có những người vợ không chung tình, vì rằng họ chẳng cần lừa dối chồng". - "Đạo đức chẳng qua là môn học trống rỗng nếu người ta không kết hợp nó với chính trị và lập pháp". - "Người ta có thể nhận ra các nhà đạo đức giả ở chỗ một mặt họ có thái độ thờ ơ trước những tội ác nguy hại đến quốc gia, mặt khác họ lại hầm hầm giận dữ trước những tội lỗi trong đời sống riêng tư", - "Người ta không phải sinh ra vốn thiện hoặc ác, nhưng họ có khả năng trở thành người thiện hay người ác là tuỳ theo chỗ lợi ích chung kết hợp họ lại hay là tách rời họ ra". - "Nếu khi nào công dân không thực hiện phúc lợi chung mà do đó cũng không thể thực hiện được phúc lợi riêng thì bấy giờ chỉ có những người điên mới trở thành kẻ phạm tội" (Xem "Bàn về tinh thần", bản in ở Pa-ri năm 1822 62, quyển I, tr.117, 240, 241, 249, 251,339 và 369.) - Hen-vê-ti-uýt cho rằng giáo dục (giáo dục theo ông hiểu không những là giáo dục theo ý nghĩa thông thường của danh từ mà còn là tổng hợp mọi điều kiện sinh hoạt của một cá nhân (sách đã dẫn, tr. 390) đào tạo con người; nếu một mặt cần một cuộc cải cách để xoá bỏ mâu thuẫn giữa lợi ích cá nhân và lợi ích chung thì mặt khác muốn thực hiện cuộc cải cách đó, người ta cần thay đổi căn bản ý thức của mình: "Chỉ có thể thực hiện được những cuộc cải cách lớn khi mà sự tôn kính ngu muội của nhân dân đối với pháp luật và phong tục cũ đã yếu đi" (sách đã dẫn, tr. 260) hoặc như ông nói ở chỗ khác, "khi đã tiêu diệt được sự dốt nát".

2) Hôn-bách. "Trong những đối tượng mà người ta yêu, con người chỉ yêu bản thân mình; lòng yêu mến của con người đối với đồng loại chỉ dựa trên cơ sở tình yêu đối với bản thân mình". "Người ta không thể tách khỏi bản thân mình bất cứ lúc nàu trong đời sống của mình vì người ta không thể không quan tâm đến mình".

"Bất cứ lúc nào nơi nào, cái lợi của ta, lợi ích của ta ... cũng thúc đẩy ta yêu hoặc ghét một vật nào đó" ("Hệ thống xã hội", bản in ở Pa-ri, năm 182263, quyển I, tr.80. 112); nhưng "vì lợi ích của chính mình mà người ta phải yêu người khác vì những người ấy cần thiết cho hạnh phúc của mình ... Đạo đức chứng minh cho con người thấy rằng trong tất cả mọi thực thể, cái cần thiết nhất cho con người chính là con người "(tr.76). "Đạo đức chân chính cũng như chính trị chân chính là thứ đạo đức ra sức làm cho người ta cùng nhau cố gắng làm việc vì hạnh phúc của nhau. Mọi thứ đạo đức đem tách lợi ích của chúng ta khỏi lợi ích của những người bạn ta đều là đạo đức giả dối, vô ý nghĩa, trái tự nhiên" (tr.116). "Yêu người khác... tức là phối hợp lợi ích của chúng ta với lợi ích của những người bạn ta, để làm việc cho lợi ích chung... Đạo đức tốt đẹp không phải gì khác hơn là lợi ích của những người hợp thành xã hội "(tr.77). "Người mà không có ham muốn hoặc không có nguyện vọng thì chẳng còn là người nữa ... Người đã hoàn toàn xa rời bản thân mình thì làm thế nào cho anh ta yêu mến người khác được ? Người thờ ơ với mọi sự việc xung quanh, không ham muốn, tự mãn tự túc thì không còn là sinh vật xã hội nữa... Đạo đức tốt đẹp chẳng qua chỉ là sự truyền hạnh phúc" (tr.118). "Đạo đức tôn giáo xưa nay chưa từng làm cho những người trần tục trở thành con người có tính xã hội hơn" (tr.36).

3) Ben-tam. Chúng tôi chỉ dẫn ra đoạn mà Ben-tam bác bỏ"lợi ích phổ biến theo ý nghĩa chính trị". "Lợi ích của cá nhân ... phải phục tùng lợi ích xã hội. Nhưng ... điều đó nghĩa là gì ? Mỗi cá nhân không phải là một bộ phận của xã hội như mọi người khác hay sao ? Lợi ích xã hội ấy, lợi ích mà các anh nhân cách hoá, chỉ là một sự trừu tượng : nó chẳng qua chỉ là tổng số những lợi ích cá nhân ... Nếu cho rằng hy sinh hạnh phúc của một cá nhân để tăng thêm hạnh phúc của người khác là một việc tốt thì hy sinh lợi ích của một cá nhân thứ hai, một cá nhân thứ ba cho đến vô số cá nhân sẽ là một việc tốt hơn nữa... Lợi ích cá nhân là lợi ích hiện thực duy nhất ". (Ben-tam. "Lý luận về phạt và thưởng ", v.v., Pa-ri, năm 1826, bản in lần thứ ba64, quyển II, tr.229, 230,.

 



52 P. J. G. Cabanis "Rapports du physique et du moral de I'homme". Xuất bản lần thứ nhất ở Pa-ri năm 1802, phần lớn của tác phẩm này đã được đăng trên tạp chí học thuật của Viện hàn lâm khoa học Pháp từ 1798 đến 1799.

53 Phái Gian-xê-ni-uýt (lấy tên của nhà thần học Hà Lan Coóc-nê-li-uýt Gian-xen) là những người đại biểu cho trào lưu đối lập trong tín đồ Thiên chúa giáo ở Pháp vào thế kỷ XVII và đầu thế kỷ XVIII, họ đã phản ánh tâm trạng bất mãn của một bộ phận giai cấp tư sản Pháp đối với tư tưởng phong kiến của đạo Thiên chúa chính thống.

54 J. Locke. "An Essay concerning Human Understanding" (G. Lốc-cơ, "Khái luận về lý tính con người") xuất bản lần thứ nhất ở Luân Đôn năm 1690.

55 "Essai sur l'origine des connaissances humaines" là cuốn sách của Công-đi-ắc xuất bản không ghi tên tác giả lần thứ nhất ở Am-xtéc-đam vào năm 1746.

56 Helvétius. "De l'homme, de ses facultés intellectuelles et de son éducation" (Hen-vê-ti-uýt, "Bàn về con người, những trí năng và sự giáo dục con người"), được xuất bản lần đầu tiên ở La Hay năm 1773 sau khi tác giả mất và với sự giúp đỡ của Đ.A. Gô-li-txưn, đại sứ Nga ở Hà Lan.

57 "L'homme machine", Leyde, 1748. Cuốn sách này của La-mét-tơ-ri, được xuất bản không ghi tên tác giả ở Lây-đơ, đã bị đốt và tác giả đã bị trục xuất khỏi Hà Lan là nơi mà từ năm 1745 ông đã di cư từ Pháp sang.

58 Cuốn "Système de la Nature, ou Des Lois du Monde Physique et du Monde Moral" ("Hệ thống thế giới tự nhiên hay là những quy luật của thế giới vật chất và thế giới tinh thần") của Hôn-bách xuất bản lần thứ nhất vào năm 1770; để khỏi lộ, cuốn sách này được mang tên tác giả là G. B. Mi-ra-bô, bí thư Viện hàn lâm khoa học Pháp, chết năm 1760.

59 J. B. Robinet. "De la Nature" (G. B. Rô-bi-nê, "Bàn về tự nhiên") xuất bản lần thứ nhất thành 4 tập ở Am-xtéc-đam năm 1763-1766.

60 G. W. F.Hegel. "Vorlesungen über die Geschichte der Philosophie" (G.V. Ph.Hê-ghen, "Các bài giảng về lịch sử triết học") in lần đầu trong Hê-ghen, Toàn tập, xuất bản lần thứ nhất (Hegel, Werke, Bd. XIII-XV, Berlin, 1833-1836).

61 Về tạp chí "Hallische Jahrbücher", xem chú thích 44.

62 Helvétius, "De l'Esprit", T.I-II, Pa ris, 1822. Tác phẩm này của Hen-vê-ti-uýt đã được xuất bản không ghi tên tác giả lần thứ nhất ở Pa-ri năm 1758, đến năm 1759 bị bọn đao phủ đốt mất.

63 Chỉ tác phẩm của Hôn-bách "Système social, ou Principes naturels de la morale et de la politique". T.I-II, Paris, 1822 ("Hệ thống xã hội, hay là những nguyên tắc tự nhiên của đạo đức và chính trị". T.I-II, Pa-ri, 1822). Bản in lần thứ nhất cuốn sách của Hôn-bách gồm 3 tập đã xuất bản không ghi tên tác giả năm 1773.

64 "Théorie des peines et des récompenses ". Ouvrage extrait des manuscrits de M.Jérémie Bentham. T.I-II, 3-me éd., Paris, 1825-1826 ("Lý luận về phạt và thưởng", trích yếu bản thảo của ông Giê-rê-mi Ben-tam. Xuất bản lần thứ ba, Pa-ri, 1825-1826), Xuất bản lần thứ nhất vào năm 1811.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt