CHƯƠNG VI PHÊ PHÁN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN TUYỆT ĐỐI, HAY LÀ SỰ PHÊ PHÁN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN THỂ HIỆN Ở ÔNG BRU-NÔ
C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1995, tr. 204-207. Phiên bản điện tử: dangcongsan.vn | Nguyên văn tiếng Đức | Bản dịch tiếng Anh | Bản dịch tiếng Pháp.
3) CUỘC CHINH PHẠT THỨ BA CỦA SỰ PHÊ PHÁN TUYỆT ĐỐI đ- Cuộc thất bại cuối cùng của chủ nghĩa xã hội "Về vấn đề nên tổ chức quần chúng như thế nào, người Pháp đã đưa ra một loạt hệ thống, nhưng họ không thể không chìm ngập trong ảo tưởng vì họ coi quần chúng đang tồn tại, là vật liệu có thể dùng được". Trái hẳn lại, người Pháp và người Anh đã chứng minh, mà chứng minh hết sức cặn kẽ, rằng trật tự xã hội hiện đại đang tổ chức "quần chúng đang tồn tại", do đó trật tự xã hội ấy là một tổ chức quần chúng. Bắt chước "Allgemeine Zeitung"65, sự phê phán định dùng cái danh từ đao to búa lớn là "ảo tưởng" để quét sạch mọi hệ thống xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Sự phê phán cũng giết chết như thế chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản của nước ngoài. Sau đó, sự phê phán lại chuyển hoả lực vào nước Đức: "Khi trong những hy vọng năm 1842 của mình, những nhà khai sáng Đức đột nhiên cảm thấy mình bị lừa gạt và lúng túng chưa biết bây giờ xoay xở ra sao thì tin tức về các hệ thống hiện đại của nước Pháp đã đến với họ đúng lúc. Hiện nay, họ có thể nói về sự cần thiết phải nâng những giai cấp lớn dưới trong nhân dân lên trình độ cao hơn. Đồng thời họ cũng muốn dùng cách đó để lẩn tránh vấn đề : bản thân họ có thuộc về đám quần chúng chỉ có thể tìm thấy ở lớp dưới không ". Rõ ràng là khi biện hộ cho những tác phẩm trước kia của Bau-ơ, sự phê phán đã dùng hết cả kho dự trữ lý do tốt đẹp cho nên hiện nay nó không tìm được một sự giải thích nào khác cho phong trào xã hội chủ nghĩa ở Đức ngoài "sự lúng túng" của những nhà khai sáng năm 1842. "May thay, tin tức về các hệ thống hiện đại của nước Pháp đã đến với họ". Tại sao không phải là tin tức về các hệ thống của nước Anh ? Nguyên nhân phê phán có tính quyết định là ở chỗ : quyển "Chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội của nước Pháp hiện đại" 66 của Stai-nơ không đem lại cho ông Bau-ơ những tin tức về các hệ thống hiện đại của nước Anh. Nguyên nhân quyết định đó cũng giải thích tại sao tất cả những lời nghị luận lung tung của sự phê phán về các hệ thống xã hội chủ nghĩa, bao giờ cũng chỉ bàn đến những hệ thống của nước Pháp. Sự phê phán tiếp tục dạy chúng ta rằng các nhà khai sáng Đức đã phạm tội chống lại tinh thần thần thánh. Họ vùi đầu nghiên cứu "những giai cấp lớp dưới trong nhân dân" đã tồn tại năm 1842, để lẩn tránh vấn đề lúc đó còn chưa tồn tại tức vấn đề : trong trật tự thế giới có tính phê phán phải xây dựng vào năm 1843, họ đáng được đứng vào hàng nào: hàng con cừu hay là hàng dê rừng ? hàng nhà phê phán có tính phê phán hay là hàng quần chúng ô uế ? hàng tinh thần hay là hàng vật chất ? Nhưng họ trước hết nên suy nghĩ nghiêm túc về sự cứu vớt linh hồn có tính phê phán của bản thân họ, vì nếu tôi làm tổn thương linh hồn tôi thì toàn bộ thế giới gồm cả các giai cấp lớp dưới trong nhân dân sẽ giúp đỡ được gì cho tôi ? "Nhưng thực thể tinh thần mà không thay đổi thì nó không thể tự nâng lên trình độ cao hơn; chừng nào nó chưa vấp phải sự chống cự kiên quyết nhất thì chừng đó nó chưa thể thay đổi được". Nếu sự phê phán hiểu rõ hơn phong trào của các giai cấp lớp dưới trong nhân dân thì nó sẽ biết rằng sự chống cự kiên quyết nhất mà các giai cấp lớp dưới gặp phải trong đời sống thực tế, làm cho họ thay đổi từng ngày. Văn thơ mới của giai cấp lớp dưới trong nhân dân ở hai nước Anh, Pháp sẽ chứng minh cho sự phê phán thấy rằng dù không có sự phù hộ trực tiếp của tinh thần thần thánh của sự phê phán có tính phê phán, giai cấp lớp dưới trong nhân dân cũng có thể tự nâng lên trình độ phát triển cao hơn về tinh thần. Sự phê phán tuyệt đối tiếp tục mơ màng nói rằng : "Bọn người ấy, toàn bộ tài sản của họ là câu nói "tổ chức quần chúng ""v.v.. Người ta đã nói nhiều về vấn đề "tổ chức lao động", tuy rằng không phải bản thân những người xã hội chủ nghĩa mà là phái cấp tiến chính trị ở Pháp ra sức làm môi giới giữa chính trị với chủ nghĩa xã hội đã đưa ra "khẩu hiệu" này. Nhiệm vụ đang cần phải giải quyết là "tổ chức quần chúng" thì lại chưa có ai nói đến trước sự phê phán có tính phê phán. Trái lại, thực tế đã chỉ ra rằng bản thân xã hội tư sản, sự tan rã của xã hội phong kiến cũ chính là sự tổ chức quần chúng ấy. Sự phê phán đặt phát hiện của mình vào trong dấu nháy [Gänsefüsse1*]. Con ngỗng kêu quang quác báo cho ông Bau-ơ đi cứu Ca-pi-tôn chẳng phải gì khác hơn là con ngỗng2* của chính ông ta, tức sự phê phán có tính phê phán, Sự phê phán tổ chức lại quần chúng bằng cách xây dựng quần chúng thành kẻ thù tuyệt đối của tinh thần. Sự đối lập giữa tinh thần và quần chúng là "tổ chức xã hội" có tính phê phán, trong đó tinh thần hoặc sự phê phán là công tác tổ chức, quần chúng là nguyên liệu, còn lịch sử là sản phẩm. Thử hỏi sau tất cả những chiến thắng huy hoàng mà sự phê phán tuyệt đối giành được như vậy trong cuộc chinh phạt thứ ba của nó đối với cách mạng, chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa xã hội thì kết quả cuối cùng của những chiến công kiểu Héc-quyn đó rút cục là gì ? Kết quả chỉ là tất cả những phong trào đó đã thất bại chẳng mang lại hiệu quả gì, vì những phong trào đó vẫn còn là sự phê phán bị quần chúng xúc phạm hoặc tinh thần bị vật chất xúc phạm. Ngay trong những tác phẩm trước kia của chính ông Bau-ơ, sự phê phán cũng đã phát hiện ra sự xúc phạm về nhiều mặt của quần chúng đối với sự phê phán. Tuy nhiên, ở đây thay cho sự phê phán là sự biện hộ; sự phê phán không từ bỏ quá khứ mà làm cho quá khứ được "củng cố thêm"; nó không coi sự thâm nhập của thể xác vào tinh thần là sự diệt vong của tinh thần, trái lại coi sự tinh thần hoá của thể xác thậm chí là sự sống của thể xác của Bau-ơ. Song chỉ cần sự phê phán chưa hoàn thành và còn bị quần chúng xúc phạm không còn là vật sáng tạo của ông Bau-ơ nữa mà trở thành vật sáng tạo của từng dân tộc trọn vẹn và của đông đảo người Anh và người Pháp thế tục, chỉ cần sự phê phán chưa hoàn thành không còn được gọi là "Vấn đề Do Thái", là "Sự nghiệp chính nghĩa của tự do", là "Nhà nước, tôn giáo và chính đảng" nữa mà được gọi là cách mạng, chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, thì nó sẽ ngày càng thẳng tay, ngày càng kiên quyết ngả về chủ nghĩa khủng bố. Như vậy là sự phê phán đã dùng biện pháp thương tiếc thể xác mình và đưa thể xác người khác lên cây thập tự để tiêu diệt sự xúc phạm của vật chất đối với tinh thần và sự xúc phạm của quần chúng đối với sự phê phán. Dù dùng thủ đoạn nào đi nữa, cái "tinh thần bị thể xác xúc phạm" và "sự phê phán bị quần chúng xúc phạm" cũng vẫn bị quét sạch khỏi con đường của sự phê phán tuyệt đối. Sự tách rời có tính phê phán tuyệt đối giữa tinh thần với thể xác, giữa sự phê phán và quần chúng, sự đối lập thuần tuý của chúng đã thay thế cho cái hỗn hợp không thể phê phán ấy. Sự đối lập ấy - dưới hình thức lịch sử toàn thế giới trong đó sự đối lập ấy hình thành nên lợi ích lịch sử chân chính đương thời - chính là sự đối lập giữa ông Bau-ơ và đồng bọn, hoặc giữa tinh thần với toàn thể bộ phận còn lại của loài người coi như vật chất. Cách mạng, chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa cộng sản đã hoàn thành như vậy sứ mệnh lịch sử của mình. Bằng sự diệt vong của bản thân, chúng mở đường cho Chúa phê phán. Ô-xa-na !
65 "Allgemeine Zeitung" ("Báo phổ thông") là một tờ báo phản động ra hàng ngày ở nước Đức, được thành lập năm 1798 xuất bản ở Au-gơ-xbua năm 1810-1882. 66 L. Stein, "Der Socialismus and Communismus des heutigen Frankreichs", Leipzig, 1842. (L.Stai-nơ, "Chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản của nước Pháp hiện đại", Lai-pxích, 1842). Sau này điều tra ra tác giả cuốn sách là một tên mật thám của Chính phủ Phổ. 1* - nghĩa đen : "chân ngỗng". 2* Chơi chữ từ "Gans" nghĩa là "ngỗng" và cũng có nghĩa là hiện thân của sự ngu ngốc. |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC