Chủ nghĩa Marx

Cuộc chinh phạt thứ ba của sự phê phán tuyệt đối: e) - Tuần hoàn tư biện của sự phê phán tuyệt đối và triết học tự ý thức

GIA ĐÌNH THẦN THÁNH – MỤC LỤC

 

CHƯƠNG VI

PHÊ PHÁN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN TUYỆT ĐỐI,

HAY LÀ

SỰ PHÊ PHÁN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN THỂ HIỆN

Ở ÔNG BRU-NÔ


C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1995, tr. 207-218. Phiên bản điện tử: dangcongsan.vn Nguyên văn tiếng Đức | Bản dịch tiếng Anh | Bản dịch tiếng Pháp.


 

3) CUỘC CHINH PHẠT THỨ BA CỦA  

SỰ PHÊ PHÁN TUYỆT ĐỐI

 

e) - Tuần hoàn tư biện của sự phê phán tuyệt đối và triết học tự ý thức

Sự phê phán đã đạt được sự hoàn thiện và sự trong sáng tưởng tượng trong một lĩnh vực, do đó khi nó không biểu hiện được "sự hoàn thiện" và "sự trong sáng" như thế trong mọi lĩnh vực khác thì nó chỉ là điều thất sách, "chỉ" là một "sự không triệt để". "Một" lĩnh vực phê phán ấy không phải là cái gì khác mà là lĩnh vực thần học. Lãnh thổ thuần khiết của lĩnh vực đó kéo dài từ "Sự phê phán những tác giả phúc âm giống nhau" của B.Bau-ơ cho đến "Đạo Cơ Đốc bị vạch trần", pháo đài biên phòng cuối cùng của Bru-nô Bau-ơ. Trên "Allgemeine Literatur - Zeitung" chúng ta đọc thấy:

"Sự phê phán hiện đại dã đoạn tuyệt hẳn với chủ nghĩa Xpi-nô-da. Cho nên, về phương diện của nó mà xét, nếu trong một lĩnh vực mà giả định một cách không phê phán là có thực thể, dù chỉ là trong những điểm được giải thích một cách không đúng, cá biệt, thì cũng là một sự không triệt để".

Nếu việc trước kia sự phê phán thừa nhận những thành kiến chính trị đã bị lu mờ ngay lập tức do chỗ vạch rõ sự thừa nhận đó "về thực chất là hết sức yếu ớt" thì hiện nay sự thừa nhận tính không triệt để cũng bị lu mờ đi vì có kèm theo lời thanh minh là tính không triệt để đó chỉ nói về những luận điểm được giải thích không đúng, cá biệt mà thôi. Do đó, lỗi không phải là tại ông Bau-ơ, mà tại những luận điểm không đúng, chúng giống như con ngựa bất kham kéo tuột cả sự phê phán theo.

Vài ba đoạn trích dẫn dưới đây sẽ nói lên rằng sau khi đoạn tuyệt với chủ nghĩa xpi-nô-da, sự phê phán lại đứng trên quan điểm chủ nghĩa duy tâm của Hê-ghen, rằng từ "thực thể", nó chuyển sang con quái vật siêu hình khác - sang "chủ thể", sang "thực thể coi như quá trình", sang "tự ý thức vô hạn", rằng kết quả cuối cùng của sự phê phán "hoàn thiện" và "thuần khiết" là sự khôi phục lại thuyết sáng thế của đạo Cơ Đốc dưới hình thức tư biện của Hê-ghen.

Trước hết, chúng ta hãy giở xem "Sự phê phán những tác giả phúc âm giống nhau":

"Stơ-rau-xơ vẫn trung thành với quan điểm coi thực thể là cái tuyệt đối. Truyền thống tôn giáo dưới hình thức tính phổ biến ấy, tức là dưới hình thức tính phổ biến chưa đạt đến tính quy định hiện thực và lý tính - một tính quy định chỉ có thể đạt được trong tự ý thức, trong tính đơn nhất tính vô hạn của tự ý thức - chẳng phải là cái gì khác mà thực thể đã thoát khỏi tính giản đơn lô-gích của mình và mang hình thức tồn tại xác định dưới dạng lực lượng của công xã" ("Sự phê phán những tác giả phúc âm giống nhau". Lời nói đầu, quyển I, tr.VI-VII).

Hiện giờ, chúng ta không quan tâm đến "tính phổ biến đạt đến tính quy định", " tính đơn nhất và tính vô hạn", (Khái niệm của Hê-ghen). - Đáng lẽ phải nói rằng biểu hiện trừu tượng của quan điểm xuyên suốt lý luận của Stơ-rau-xơ về "lực lượng công xã" và "truyền thuyết", văn tự hình tượng lô-gích siêu hình của quan điểm đó là quan niệm của Xpi-nô-da về thực thể, thì ông Bau-ơ lại buộc "thực thể thoát khỏi tính giản đơn lô-gích của mình và mang hình thức tồn tại xác định dưới dạng lực lượng của công xã". Ông ta dùng bộ máy ảo thuật của Hê-ghen để buộc "những phạm trù siêu hình học", tức những khái niệm trừu tượng rút ra từ hiện thực, phải thoát khỏi lô-gích, ở đấy chúng hoà tan vào nhân tố "giản đơn" của tư tưởng và mang "hình thức xác định" của tồn tại tự nhiên hoặc tồn tại của con người, nghĩa là buộc chúng phải thể hiện ra. Hin-rích, hãy giúp một tay!

Sự phê phán tiếp tục bác bỏ Stơ-rau-xơ:

"Quan điểm đó sở dĩ thần bí là vì mỗi khi nó muốn giải thích và miêu tả rõ ràng nguồn gốc của lịch sử phúc âm thì nó chỉ có thể đưa ra giả tưởng của một quá trình nào đó. Quan điểm cho rằng "nguồn gốc và khởi nguyên của lịch sử phúc âm là truyền thuyết" đã khẳng định một lần nữa cùng một cái - "truyền thuyết" và "lịch sử phúc âm"; đúng là ở đây cũng đã nêu rõ quan hệ giữa chúng với nhau, nhưng điều đó không nói rõ với chúng ta rằng sự phát triển và sự giải thích lịch sử phúc âm bắt nguồn từ quá trình bên trong nào của thực thể".

Theo Hê-ghen thì nên hiểu thực thể là quá trình bên trong. Xuất phát từ quan điểm thực thể, ông giải thích sự phát triển như sau:

"Nếu quan sát kỹ, sẽ thấy rằng sự phát triển đó xảy ra không phải vì cùng một cái có những hình thức khác nhau, - không, sự phát triển đó chẳng qua chỉ là sự lặp lại không có hình thức rõ rệt cùng một cái, cái này chỉ... bao hàm trong nó có cái giả tượng buồn tẻ của sự khác nhau" ("Hiện tượng học", lời tựa, tr.12).

Hin-rích, hãy giúp một tay !

Ông Bau-ơ nói tiếp:

"Do đó, sự phê phán phải quay về chống lại bản thân mình và tìm lời giải đáp cho tính thực thể thần bí... ở nơi mà sự phát triển của bản thân thực thể đẩy chúng ta tới, mà sự phát triển đó dẫn tới tính phổ biến và tính quy định của ý niệm và tới sự tồn tại hiện thực của ý niệm, tới tự ý thức vô hạn".

Sự phê phán của Hê-ghen đối với quan điểm về tính thực thể nói tiếp:

"Tính đóng kín của thực thể thì cần phải tiêu diệt và thực thể thì cần phải nâng lên thành tự ý thức" ("Hiện tượng học", tr. 7).

Cũng vậy, tự ý thức của Bau-ơ cũng là thực thể được nâng lên thành tự ý thức hoặc là tự ý thức coi là thực thể; như vậy, tự ý thức từ chỗ là thuộc tính của người biến thành chủ thể độc lập. Đấy là một bức biếm hoạ thần học - siêu hình chế nhạo con người tách rời tự nhiên. Vì vậy, bản chất của tự ý thức đó không phải là con người, mà là ý niệm, mà tồn tại hiện thực của ý niệm cũng là tự ý thức. Tự ý thức là ý niệm đã hoá thành người cho nên nó là vô hạn. Mọi thuộc tính của người biến một cách thần bí như vậy thành thuộc tính của "tự ý thức vô hạn" tưởng tượng. Chính vì vậy mà ông Bau-ơ mới nói hết sức rõ ràng về cái "tự ý thức vô hạn" đó, cho rằng nguồn gốc của mọi sự vậtsự giải thích mọi sự vật là ở tự ý thức vô hạn tức là căn cứ cho sự tồn tại của nó là tự ý thức vô hạn. Hin-rích, hãy giúp một tay!

Ông Bau-ơ nói tiếp:

"Lực lượng của quan hệ thực thể là ở nguyện vọng của nó muốn đưa chúng ta đến khái niệm, ý niệm và tự ý thức".

Hê-ghen nói:

"Như vậy, khái niệmchân lý của thực thể". "Sự di chuyển khỏi quan hệ thực thể là do tính tất nhiên nội tại vốn có ở bản thân nó gây ra và chỉ nói lên rằng khái niệm là chân lý của thực thể". "Ý niệm là khái niệm tương đồng". "Khái niệm... đạt tới sự tồn tại tự do... không phải là cái gì khác mà là cái tôi hoặc tự ý thức thuần tuý" ("Lô-gích học", Hê-ghen, toàn tập, in lần thứ hai67, quyển V, tr. 69. 229. 13).

Hin-rích, hãy giúp một tay!

Điều nực cười là ông Bau-ơ còn viết trên ""Literatur-Zeitung" của mình rằng:

"Stơ-rau-xơ chưa thể hoàn thành việc phê phán hệ thống Hê-ghen, mặc dù với sự phê phán không triệt để của ông, ông cũng đã chứng minh sự cần thiết hoàn thành sự phê phán ấy", v.v..

Trong "Sự phê phán những tác giả phúc âm giống nhau", bản  thân ông Bau-ơ không hề có ý định tiến hành sự phê phán hoàn thiện đối với hệ thống Hê-ghen, mà nhiều lắm chỉ có ý định hoàn thành hệ thống của Hê-ghen, - ít ra là về mặt ứng dụng hệ thống Hê-ghen vào thần học.

Ông ta gọi sự phê phán của mình (Lời nói đầu của "Sự phê phán những tác giả phúc âm giống nhau", tr . 21) là "công trạng cuối cùng của hệ thống xác định" mà hệ thống này chính cũng là hệ thống của Hê-ghen.

Cuộc tranh luận giữa Stơ-rau-xơBau-ơ về thực thể tự ý thức chỉ là cuộc tranh luận trong khuôn khổ tư biện của Hê-ghen. Trong hệ thống của Hê-ghen có 3 yếu tố là thực thể của Xpi-nô-da, tự ý thức của Phi-stơ sự thống nhất mâu thuẫn tất nhiên của hai nhân tố trên ở Hê-ghen - tức tinh thần tuyệt đối. Yếu tố thứ nhất là tự nhiên đã cải trang một cách siêu hình và thoát ly con người; yếu tố thứ hai là tinh thần đã cải trang một cách siêu hình và thoát ly tự nhiên; yếu tố thứ ba là sự thống nhất của hai yếu tố trên đã cải trang một cách siêu hình, tức con người hiện thực loài người hiện thực.

Cả Stơ-rau-xơ lẫn Bau-ơ đều ứng dụng một cách hoàn toàn triệt để hệ thống Hê-ghen vào thần học, Stơ-rau-xơ lấy học thuyết của Xpi-nô-da làm điểm xuất phát, Bau-ơ lấy học thuyết Phi-stơ làm điểm xuất phát. Cả hai đều phê phán Hê-ghen vì ở Hê-ghen yếu tố nọ xâm nhập vào yếu tố kia thành thứ bị bóp méo đi, còn họ thì làm cho mỗi yếu tố đó phát triển phiến diện do đó triệt để. Vì vậy, trong sự phê phán của mình, cả hai đều vượt ra ngoài khuôn khổ triết học Hê-ghen nhưng đồng thời lại tiếp tục dừng lại trong khuôn khổ tư biện của Hê-ghen, và mỗi người trong họ chỉ đại biểu cho một mặt của hệ thống Hê-ghen. Chỉ có Phoi-ơ-bắc mới đi từ quan điểm của Hê-ghen để hoàn thành và phê phán Hê-ghen. Quy tinh thần tuyệt đối siêu hình thành "con người hiện thực trên cơ sở của tự nhiên", Phoi-ơ-bắc đã hoàn thành việc phê phán tôn giáo, đồng thời đã vạch ra một cách tài tình những nét cơ bản của việc phê phán tư biện của Hê-ghen và do đó mọi thuyết siêu hình nói chung.

Ở Bau-ơ thì đọc nguyên văn sách phúc âm cho tác giả sách phúc âm ghi chép nữa không phải là tinh thần thiêng liêng mà là tự ý thức vô hạn:

"Chúng ta không cần giấu giếm rằng sự hiểu biết đúng đắn về lịch sử phúc âm cũng có cơ sở triết học của nó, và cơ sở triết học đó chính là triết học tự ý thức" (Bru-nô Bau-ơ, Lời nói đầu của "Sự phê phán những tác giả phúc âm giống nhau".  tr. XV).

Muốn nói rõ đặc điểm của triết học tự ý thức ấy của Bau-ơ cũng như của những kết quả mà ông ta đạt được trong khi phê phán thần học, thì phải trích dẫn mấy đoạn trong tác phẩm cuối cùng của ông ta về triết học tôn giáo, tức là cuốn "Đạo Cơ Đốc bị vạch trần".

Khi bàn về những nhà duy vật Pháp, sách đó viết:

"Khi chân lý của chủ nghĩa duy vật, triết học tự ý thức, đã được phát hiện và tự ý thức được coi là Tất cả, là sự giải đáp cái câu đố về thực thể của Xpi-nô-da và là causa sui 1* chân chính... thì hà tất phải cần đến tinh thần ? Hà tất phải cần đến Tự ý thức? Làm như thể là tự ý thức khi thừa nhận thế giới, đã không thừa nhận sự khác nhau và đã không sáng tạo ra bản thân nó trong cái mà nó sáng tạo ra vì nó thủ tiêu sự khác nhau của vật nó sáng tạo ra với bản thân nó và vì do đó nó chỉ là bản thân nó trong sự sáng tạo và trong sự vận động, - làm như thể là tự ý thức ấy, trong sự vận động này - sự vận động này chính là bản thân nó không có mục đích của nó và không tự nắm được mình !" ("Đạo Cơ Đốc bị vạch trần", tr.113).

"Đúng là các nhà duy vật Pháp đã coi sự vận động của tự ý thức là sự vận động của bản chất phổ biến tức vật chất; nhưng họ còn chưa thể thấy rằng chỉ với tư cách là sự vận động của tự ý thức, sự vận động của vũ trụ mới thực sự trở thành sự vận động vì nó, do đó đạt tới sự thống nhất với bản thân nó, như là sự vận động của ý thức" (sách đã dẫn, tr. 114-115).

Hin-rích, hãy giúp một tay!

Theo cách nói thông thường, đoạn thứ nhất có nghĩa là: chân lý của chủ nghĩa duy vật là mặt đối lập của chủ nghĩa duy vật, tức chủ nghĩa duy tâm tuyệt đối, nghĩa là tối cao vô thượng, không có gì kìm hãm nổi. Tự ý thức, tinh thần là Tất cả. Ngoài nó ra, chẳng có cái gì hết. "Tự ý thức", "tinh thần" là đấng sáng tạo vạn năng ra thế giới, trời và đất. Thế giới là biểu hiện sự sống của tự ý thức buộc phải tự tha hoá và mang hình thức nô lệ; nhưng sự khác nhau giữa thế giới và tự ý thức chỉ là sự khác nhau bề ngoài. Tự ý thức không phân biệt nó với sự vật hiện thực nào cả. Thế giới chẳng qua chỉ là sự khác nhau siêu hình mà tự ý thức tạo ra, là ảo ảnh của đầu óc ê-te của nó và là kết quả của sự tưởng tượng của nó. Vì  vậy tự ý thức lại xoá bỏ cái bề ngoài của sự tồn tại của một sự vật nào đó bên ngoài nó mà trong nhất thời nó đã đồng ý để cho tồn tại, và nó không thừa nhận "vật sáng tạo" của bản thân nó là vật thực tại, nghĩa là vật thực tế khác với tự ý thức. Thông qua sự vận động đó, tự ý thức lần đầu tiên cũng sản sinh ra mình như là cái tuyệt đối, vì rằng nhà duy tâm tuyệt đối muốn thành nhà duy tâm tuyệt đối thì phải thường xuyên hoàn thành quá trình nguỵ biện đó: anh ta bắt đầu từ chỗ biến thế giới bên ngoài anh ta thành ảo giác, thành một ý thích thất thường của đầu óc mình, rồi tuyên bố rằng ảo ảnh đó là ảo ảnh thực sự, là ảo tưởng thuần tuý. Và tất cả những cái ấy được tiến hành là để cuối cùng tuyên bố rằng nó là sự tồn tại duy nhất, tối cao vô thượng, hiện không bị ngay cả bề ngoài của thế giới bên ngoài hạn chế.

Theo cách nói thông thường, đoạn thứ hai có nghĩa là: đúng là các nhà duy vật Pháp coi vận động của vật chất là vận động đã tinh thần hoá, nhưng họ còn chưa thể thấy được rằng đây không phải là vận động vật chất mà là vận động quan niệm, là vận động của tự ý thức, tức vận động của tư tưởng thuần tuý. Họ còn chưa thể thấy được rằng vận động hiện thực của vũ trụ chỉ trở thành thực sự và hiện thực khi nó là vận động quan niệm của tự ý thức, độc lập với vật chất và thoát ly vật chất, tức độc lập với hiện thực và thoát ly hiện thực, nói cách khác, vận động vật chất, - khác với vận động quan niệm và vận động tư tưởng -, chỉ tồn tại với tính cách là cái bề ngoài. Hin-rích, hãy giúp một tay!

Có thể tìm thấy thuyết sáng thế tư biện đó hầu như đúng nguyên văn trong tác phẩm của Hê-ghen. Trong tác phẩm đầu tiên của ông là "Hiện tượng học", chúng ta đã có thể thấy thứ lý luận đó:

"Sự tha hoá của tự ý thức là cái sinh ra tính vật thể... Trong sự tha hoá ấy, tự ý thức giả định mình là vật thể hoặc giả định vật thể là chính mình. Mặt khác, quá trình đó đồng thời còn bao gồm một nhân tố khác, tức là tự ý thức đồng thời lại tước bỏ sự tha hoá tính vật thể đó của mình và thu hút chúng trở về với bản thân... Đấy là vận động của ý thức" (Hê-ghen, "Hiện tượng học", tr.574 - 575).

"Tự ý thức có nội dung khác với bản thân nó... Trong sự khác nhau của bản thân nó, nội dung này là cái tôi, vì nó là sự vận động của sự tự gạt bỏ... Định nghĩa chính xác hơn thì nội dung này chẳng qua chỉ là bản thân quá trình của sự vận động vừa nói trên. Vì nó là tinh thần tự mình hoàn thành và lấy tư cách tinh thần mà hoàn thành vì mình, quá trình nội tại của bản thân" (sách đã dẫn, tr. 582 - 583).

Về thuyết sáng thế đó của Hê-ghen, Phoi-ơ-bắc nhận xét:

"Vật chất là sự tự tha hoá của tinh thần. Cho nên bản thân vật chất có được tinh thần và lý tính, nhưng đồng thời nó lại bị coi là bản chất không thực tại, không chân thực, vì chỉ có bản chất sống lại từ sự tha hoá đó, tức bản chất đã thoát khỏi vật chất, khỏi cảm tính, mới được hiểu là bản chất hoàn thiện, đạt tới hình thức chân chính của nó. Do đó, ở đây thế giới tự nhiên, vật chất và cảm tính đã bị phủ định giống như tự nhiên do tội tổ tông làm bại hoại đã bị phủ định trong thần học vậy" ("Triết học tương lai", tr. 35).

Như vậy, ông Bau-ơ biện hộ cho chủ nghĩa duy vật chống lại thần học không phê phán, đồng thời chỉ trích nó về chỗ "còn chưa thành ra" thần học phê phán, thần học của lý trí, tư biện của Hê-ghen. Hin-rích! Hin-rích!

Vì ông Bau-ơ đã quán triệt sự đối lập giữa bản thân và thực thể, quán triệt triết học tự ý thức hoặc triết học tinh thần của mình vào trong mọi lĩnh vực cho nên trong mọi lĩnh vực ông phải có quan hệ chỉ với ảo ảnh của sự tưởng tượng của bản thân mình. Trong tay ông ta, sự phê phán là thứ vũ khí dùng để biến tất cả những cái còn tự coi là tồn tại vật chất có hạn ở bên ngoài tự ý thức vô hạn thành bề ngoài đơn thuần và tư tưởng thuần tuý. Cái mà ông ta bác bỏ trong thực thể không phải là ảo giác siêu hình mà là hạt nhân trần tục của nó, tức giới tự nhiên; ông ta công kích giới tự nhiên tồn tại bên ngoài con người, và công kích bản tính tự nhiên của bản thân con người. Trong lĩnh vực nào, cũng không giả định có thực thể - ông ta vẫn cứ dùng cách nói như vậy -, điều đó có nghĩa là không thừa nhận sự tồn tại nào khác với tư duy, năng lượng tự nhiên nào khác với tính tự phát của tinh thần, lực lượng bản chất có tính người nào khác với lý trí, sự đau khổ nào khác với hoạt động, ảnh hưởng nào của người khác đối với chúng ta khác với hành động của bản thân, cảm giác ham muốn nào khác với trí thức, trái tim nào khác với đầu óc, khách thể nào khác với chủ thể, thực tiễn nào khác với lý luận, người nào khác với nhà phê phán, tính chung hiện thực nào khác với tính phổ biến trừu tượng, cái anh nào khác cái tôi. Cho nên nếu ông Bau-ơ đi đến chỗ đem nhập cục bản thân ông với tự ý thức vô hạn, với tinh thần, tức thay thế vật được sáng tạo ra bằng chính người sáng tạo ra vật ấy thì điều đó cũng hoàn toàn hợp lô-gích. Cũng vậy, nếu ông ta gạt bỏ toàn bộ thế giới còn lại - thế giới này ngoan cố cho rằng mình là một cái gì khác với vật do chính ông Bau-ơ sáng tạo ra - coi là quần chúng cố chấp vật chất, thì điều đó cũng là hợp với lô-gích. Và ông ta hy vọng:

"Không bao lâu nữa,

Giới vật thể sẽ vĩnh viễn đạt đến bước

        đường cùng"68

Ông ta biến một cách cũng lô-gích như thế sự bất mãn của bản thân ông ta, - sự bất mãn về chỗ cho tới nay ông ta vẫn chưa thể chinh phục được "cái thế giới ngu xuẩn", - thành sự bất mãn của thế giới đối với bản thân nó và biến sự phẫn nộ của sự phê phán có tính phê phán đối với sự phát triển của loài người thành sự phẫn nộ có tính quần chúng của loài người đối với sự phê phán của ông ta, đối với tinh thần, đối với ông Bru-nô Bau-ơ và đồng bọn.

Ông Bau-ơ ngay từ đầu đã là một nhà thần học, nhưng không phải là một nhà thần học thông thường mà là một nhà thần học có tính phê phán hoặc nhà phê phán có tính thần học. Khi ông ta còn là đại biểu cực đoan nhất của phái Hê-ghen cũ chính thống dùng tư biện tô điểm cho mọi thuyết hoang đường của tôn giáo thần học thì ông ta đã luôn luôn tuyên bố rằng sự phê phán tài sản riêng của ông ta. Bấy giờ ông ta đã coi sự phê phán của Stơ-rau-xơ là sự phê phán của con người, và trái với sự phê phán đó ông ta bảo vệ một cách rất rõ ràng quyền phê phán tính thần thánh. Sau này, ông ta bóc toạc cái vỏ tôn giáo của tính tự phụ cực đoan hoặc của tự ý thức cấu thành hạt nhân của tính thần thánh đó, gán cho nó một tồn tại độc lập, sau khi đã biến nó thành vật tồn tại độc lập và dùng chiêu bài "Tự ý thức vô hạn" nâng nó lên thành nguyên tắc phê phán. Tiếp đó, trong sự vận động của bản thân mình, ông ta lại hoàn thành sự vận động được "triết học tự ý thức" mô tả là hành động sinh mệnh tuyệt đối. Ông ta lại xoá bỏ "sự khác nhau" giữa tự ý thức vô hạn, coi như "sản phẩm của sự sáng tạo", với chủ thể sáng tạo tức bản thân ông ta, và ông ta nhận thức được rằng: trong sự vận động của mình, tự ý thức vô hạn "chỉ là bản thân" ông, Bau-ơ, cho nên vận động của vũ trụ chỉ trở thành chân chínhhiện thực trong sự tự vận động của quan niệm của bản thân ông ta.

Sau khi trở về với bản thân, sự phê phán tính thần thánh đã sống lại bằng phương thức phê phán hợp lý, tự giác; tồn tại tự nó đã biến thành tồn tại tự nó và vì nó và chỉ mãi cuối cùng mới thành ra nguồn gốc đầy đủ, đã được thực hiện và được vạch ra. Sự phê phán có tính thần thánh khác với sự phê phán của con người ở chỗ nó xuất hiện trước thế giới với tư cách là sự phê phán, sự phê phán thuần tuý, sự phê phán có tính phê phán. Sự biện hộ cho tác phẩm cũ và mới của ông Bau-ơ đã thay thế sự biện hộ cho Tân và Cựu ước. Sự đối lập thần học giữa thần thánh và con người, tinh thần và xác thịt, tính vô hạn và tính hữu hạn đã biến thành sự đối lập thần học có tính phê phán giữa tinh thần, sự phê phán hoặc ông Bau-ơ với vật chất, quần chúng hoặc thế giới trần tục. Sự đối lập thần học giữa tín ngưỡng và lý tính đã biến thành sự đối lập thần học có tính phê phán giữa lý trí lành mạnh của con người với tư duy phê phán thuần tuý. "Zeitschrift für spekulative Theologie"69 biến thành "Literatur-Zeitung" có tính phê phán. Sau hết, chúa cứu thế tôn giáo rút cục đã hiện hình thành chúa cứu thế phê phán là ông Bau-ơ.

Giai đoạn cuối cùng của ông Bau-ơ không phải là điều không bình thường trong sự phát triển của ông : đó là việc ông ta từ sự tha hoá của ông ta trở về với bản thân ông ta. Không nói cũng rõ rằng cái lúc mà sự phê phán có tính thần thánh tự tha hoá và vượt ra ngoài phạm vi của mình là trùng với cái lúc mà nó tách rời bản thân nó một phần và sáng tạo ra một cái gì đó có tính người.

Quay về điểm xuất phát của mình, sự phê phán tuyệt đối đã kết thúc cuộc tuần hoàn tư biện, do đó kết thúc toàn bộ quá trình sinh sống của mình. Sự vận động sau này của nó là cuộc xoay vần thuần tuý trong nội bộ của nó và vượt lên trên mọi lợi ích của quần chúng cho nên quần chúng không mảy may quan tâm đến.

 



67 Chỉ "Khoa học lô-gích" ("Wissenschaft der Logik"). Mác đã trích dẫn Hê-ghen, Toàn tập, in lần thứ hai (G. W. F.Hegel, Werke, 2-te Auft., Bd.V,Berlin, 1841). Tác phẩm này của Hê-ghen ban đầu xuất bản thành ba tập vào năm 1812-1816.

1* - nguyên nhân tự nó

68 Màn ba ("Phòng làm việc của Phau-xtơ"), phần I, vở kịch "Phau-xtơ" của Gơ-tơ.

69 "Zeitschrift für spekulative Theologie " ("Tạp chí thần học tư biện") xuất bản ở Béc-lin trong những năm 1836-1838, do B.Bau-ơ lúc bấy giờ thuộc nhóm Hê-ghen phái hữu biên tập.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt