CHƯƠNG VI PHÊ PHÁN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN TUYỆT ĐỐI, HAY LÀ SỰ PHÊ PHÁN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN THỂ HIỆN Ở ÔNG BRU-NÔ
C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1995, tr. 139-143. Phiên bản điện tử: dangcongsan.vn | Nguyên văn tiếng Đức | Bản dịch tiếng Anh | Bản dịch tiếng Pháp.
2) CUỘC CHINH PHẠT THỨ HAI CỦA SỰ PHÊ PHÁN TUYỆT ĐỐI
a- Hin-rích, số 2. "Sự phê phán" và "Phoi-ơ-bắc". Lên án triết học Khi cuộc chinh phạt thứ nhất kết thúc, sự phê phán tuyệt đối có thể cho là "triết học" đã bị tiêu diệt và dứt khoát coi nó là đồng minh của "quần chúng". "Các nhà triết học có sứ mệnh thực hiện nguyện vọng thiết tha của quần chúng". Tức là "quần chúng yêu cầu những khái niệm đơn giản để khỏi phải dính dáng gì với bản thân sự vật, yêu cầu những lối làm dập khuôn để giải quyết sẵn từ trước tất cả các vấn đề, yêu cầu những lời nói rỗng tuyếch để tiêu diệt sự phê phán". Và "triết học" đang thoả mãn dục vọng đó của "quần chúng"! Say sưa với những việc làm thắng lợi của mình, sự phê phán tuyệt đối công kích triết học với một thái độ điên cuồng của những bà cốt. "Triết học tương lai"41 của "Phoi-ơ-bắc" là một cái nồi hơi1* đậy kín mà hơi nước của nó làm cho người cầm đầu sự phê phán tuyệt đối say sưa với thắng lợi càng thấy hưng phấn điên cuồng. Hồi tháng Ba, sự phê phán đã đọc tác phẩm đó là của Phoi-ơ-bắc . Kết quả của việc đọc đó và đồng thời là dấu hiệu chứng tỏ đã đọc cẩn thận là bài số 2 phản đối giáo sư Hin-rích. Sự phê phán tuyệt đối, xưa nay vẫn luôn luôn là tù binh của phương thức tư tưởng Hê-ghen, ở đây đang điên cuồng phá tường và chấn song sắt nhà tù của nó. "Khái niệm đơn giản", thuật ngữ, toàn bộ phương thức suy nghĩ của triết học và hơn nữa cả toàn bộ triết học, ở đây, đều bị bài bác với một thái độ chán ghét. Và đột nhiên nó được thay thế bằng "sự phong phú thực sự của các quan hệ con người", "nội dung bao la vô tận của lịch sử", "ý nghĩa của con người", v.v.. "Bí mật của một hệ thống" được tuyên bố là "đã bị bóc trần". Nhưng ai đã bóc trần bí mật của "hệ thống" ? Đó là Phoi-ơ-bắc. Ai đã tiêu diệt biện chứng của các khái niệm, tức là cuộc chiến tranh của các thần mà chỉ các nhà triết học mới biết ? Đó là Phoi-ơ-bắc. Ai đã thay thế cái đống đồ cũ, trong đó có "tự ý thức vô hạn", bằng bản thân "con người" chứ không phải bằng "ý nghĩa của con người" (tựa hồ như con người ngoài cái ý nghĩa nó là người ra còn có ý nghĩa gì khác !). Đó là Phoi-ơ-bắc và chỉ là Phoi-ơ-bắc mà thôi. Ông ta còn làm nhiều hơn thế nữa. Ông ta đã thủ tiêu, từ lâu, những phạm trù mà "sự phê phán" bây giờ đang dùng lung tung: "sự phong phú thật sự của các quan hệ con người, nội dung bao la vô hạn của lịch sử, cuộc đấu tranh của lịch sử, cuộc đấu tranh của quần chúng với tinh thần", v.v., và v.v.. Sau khi con người đã được nhận thức là bản chất, là cơ sở của toàn bộ hoạt động của loài người và của tất cả các quan hệ của con người, thì chỉ có độc một mình "sự phê phán" mới có thể phát minh ra những phạm trù mới và lại biến bản thân con người thành một phạm trù gì đó và thành nguyên tắc của cả một loạt phạm trù như nó đang làm. Dĩ nhiên như vậy là sự phê phán bước lên được con đường thoát duy nhất, con đường hiện vẫn còn nằm dưới sự chi phối của cái tính phi nhân loại thần học bị quấy rầy và bị bức hại. Lịch sử không làm gì hết, nó "không có tính phong phú vô cùng tận nào cả", nó "không chiến đấu ở những trận nào cả"! Không phải "lịch sử", mà chính con người, con người thực sự, con người sống mới là kẻ làm ra tất cả những cái đó, có tất cả những cái đó và chiến đấu cho tất cả những cái đó. "Lịch sử" không phải là một nhân cách đặc thù nào đó sử dụng con người làm phương tiện đạt tới các mục đích của mình. Lịch sử chẳng qua chỉ là hoạt động của con người theo đuổi mục đích của bản thân mình. Sau những phát hiện thiên tài của Phoi-ơ-bắc, sự phê phán tuyệt đối lại cả gan khôi phục lại cho chúng ta tất cả cái đống đồ cũ vứt đi dưới một hình thức mới. Mà nó lại làm như thế ngay lúc nó đang chửi mắng cái đống đồ cũ là đống đồ cũ "của quần chúng", - thật ra nó không có quyền làm như thế vì nó chẳng hề nhấc chân đụng tay chút nào để phá huỷ triết học. Chỉ riêng điều ấy cũng đủ để bóc trần "bí mật" của sự phê phán, để đánh giá đích đáng sự ngây thơ có tính phê phán đã xui nó nói những lời sau đây với giáo sư Hin-rích mà "sự kiệt sức" của vị đó đã giúp đỡ cho nó nhiều: "Những cái gì mà chưa hoàn thành một quá trình phát triển nào cả, và do đó không thể biến đổi được và dù có muốn biến đổi cũng không được, đều bị thiệt thòi. Nếu đi xa hơn nữa thì những cái đó lại tìm cách cải biến nguyên tắc mới... Không ! Cái mới không thể bị biến thành lời nói suông, không thể đánh cắp ở cái mới một vài phương pháp tư tưởng cá biệt". Sự phê phán tuyệt đối khoe với giáo sư Hin-rích là nó đã phát hiện ra "bí mật của các khoa học của các trường đại học". Chẳng lẽ nó đã không phát hiện ra "bí mật" của triết học, pháp luật học, chính trị học, y học, kinh tế chính trị, v.v., hay sao? Tuyệt đối không. Nó đã vạch ra (xin hãy chú ý!), nó đã vạch ra trong "Sự nghiệp chính nghĩa của tự do" rằng có sự mâu thuẫn lẫn nhau giữa khoa học coi là nguồn thu nhập với khoa học tự do, giữa tự do giảng dạy với điều lệ của các trường đại học. Nếu như "sự phê phán tuyệt đối" mà thật thà ngay thẳng thì nó hẳn phải thú nhận là sự soi sáng tưởng tượng của nó về "bí mật của triết học" được lấy ở đâu ra, mặc dù một điều cũng đã tốt là nó không gán cho Phoi-ơ-bắc, như nó đã gán cho những người khác, là đã nói những điều vô lý như những nguyên lý mà nó đã đánh cắp ở nhà triết học đó, mà nó chẳng hiểu gì và lại xuyên tạc đi. Ngoài ra, quan điểm thần học của "sự phê phán tuyệt đối" còn có một đặc điểm hết sức nổi bật là trong khi những kẻ phi-li-xtanh Đức hiện đã bắt đầu hiểu Phoi-ơ-bắc và lãnh hội những kết luận của Phoi-ơ-bắc, thì trái lại sự phê phán lại không hiểu được đúng và không vận dụng được tốt một nguyên lý nào của Phoi-ơ-bắc cả. Những chiến công của cuộc chinh phạt thứ nhất của sự phê phán đã bị mờ nhạt hẳn trước những thành tựu mới nhất của nó trên cùng một lĩnh vực ấy. Bây giờ nó "định nghĩa" sự đấu tranh của "quần chúng" với "tinh thần" là "mục đích" của toàn bộ lịch sử trước kia; nó tuyên bố "q u ầ n c h ú n g" là "cái hư không thuần tuý" của "sự nghèo nàn", gọi hẳn quần chúng là "vật chất" và đem "tinh thần", coi là chân lý, mà đối lập với "vật chất". Như vậy, há chẳng phải sự phê phán tuyệt đối lại không phải thật sự là sự phê phán có tính Cơ Đốc giáo Đức hay sao? Sau khi sự đối lập cũ của chủ nghĩa duy linh và chủ nghĩa duy vật, về mọi mặt, tiêu tan hết trong cuộc đấu tranh và đã vĩnh viễn bị Phoi-ơ-bắc khắc phục rồi, thì "sự phê phán" lại biến sự đối lập đó, trong một hình thức hết sức khả ố, thành giáo điều cơ bản và làm cho "tinh thần Cơ Đốc giáo Đức" thu được thắng lợi. Cuối cùng, sự phê phán bây giờ nhập cục sự đối lập giữa tinh thần và quần chúng với sự đối lập giữa "sự phê phán" và quần chúng, điều đó phải coi là sự phát triển thêm của cái bí mật của sự phê phán mà trong cuộc chinh phạt thứ nhất hãy còn ẩn kín. Về sau, nó sẽ tiến thêm một bước, coi bản thân nó với "sự phê phán nói chung" là một, tuyên bố bản thân nó là "Tinh thần", là Tuyệt đối, là Vô hạn, còn quần chúng thì trái lại là có hạn, thô kệch, lỗ mãng, chết cứng và vô cớ, vì "sự phê phán" quan niệm vật chất như vậy. Nếu như sự phong phú của lịch sử được gói tròn trong quan hệ của nhân loại với ông Bau-ơ thì sự phong phú đó phải là vô cùng tận biết bao!
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC