Chủ nghĩa Marx

Cuộc chinh phạt thứ hai của sự phê phán tuyệt đối (b)

GIA ĐÌNH THẦN THÁNH – MỤC LỤC

CHƯƠNG VI

PHÊ PHÁN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN TUYỆT ĐỐI,

HAY LÀ

SỰ PHÊ PHÁN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN THỂ HIỆN

Ở ÔNG BRU-NÔ

 


C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1995, tr. 143-150.  Phiên bản điện tử: dangcongsan.vn Nguyên văn tiếng Đức Bản dịch tiếng Anh | Bản dịch tiếng Pháp.


 

2) CUỘC CHINH PHẠT THỨ HAI CỦA SỰ PHÊ PHÁN TUYỆT ĐỐI

 

b- Vấn đề Do Thái, số 2. Những phát hiện có tính phê phán về chủ nghĩa xã hội, về pháp luật học và chính trị  (dân tộc)

Người ta đang truyền bá cho những người Do Thái có tính quần chúng, có tính vật chất, một giáo lý Cơ Đốc về tự do tinh thần, về tự do trong lĩnh vực lý luận, về tự do duy linh chủ nghĩa, tức là về cái tự do, dù có bị gông cùm, cũng vận nhận là mình được tự do, vẫn cảm thấy mình có hạnh phúc, dù hạnh phúc chỉ có "trong quan niệm", là cái tự do chỉ bị gạt bỏ bởi một sự tồn tại của quần chúng mà thôi.

"Người Do Thái hiện nay tiến được đến mức nào trong lĩnh vực lý luận, là họ thực sự được giải phóng đến mức ấy: họ mong muốn tự do đến mức nào, là họ được tự do đến mức ấy"42.

Luận điểm này làm cho người ta có thể lập tức đo được cái vực thẳm phê phán ngăn cách chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội trần tục của quần chúng với chủ nghĩa xã hội tuyệt đối. Nguyên lý thứ nhất của chủ nghĩa xã hội trần tục phủ nhận sự giải phóng đơn thuần trong lĩnh vực lý luận, coi đó là ảo tưởng và yêu cầu rằng muốn có tự do thực sự thì ngoài "ý chí" duy tâm ra còn phải có những điều kiện hoàn toàn vật chất, hoàn toàn có thể sờ mó được. So với sự phê phán thần thánh thì "quần chúng"  - quần chúng cho riêng dù chỉ là để giành lấy thì giờ và thủ đoạn cần thiết cho riêng việc nghiên cứu "lý luận" thôi, cũng cần phải tiến hành những cuộc đảo lộn thực tế, vật chất, - thật là thấp hèn biết bao!

Ta hãy tạm gác chủ nghĩa xã hội thuần tuý tinh thần lại một chút để nói về chính trị.

Ông Rít-xơ, trái với B.Bau-ơ, nói rằng nhà nước của ông ấy (tức nhà nước phê phán) cần phải trục xuất cả "người Do Thái" lẫn "tín đồ Cơ Đốc" ra. Ông Rít-xơ hoàn toàn đúng. Vì ông Bau-ơ lẫn lộn sự giải phóng chính trị với sự giải phóng con người, và vì nhà nước chống lại sự phản kháng của những phần tử đối địch với nó (trong "Vấn đề Do Thái" tín đồ Cơ Đốc và người Do Thái bị coi là những phần tử phản trắc) chỉ có một cách là dùng bạo lực trục xuất những nhân vật đại biểu cho các phần tử đó ra (ví dụ như chế độ khủng bố đã cố tiêu diệt tình trạng mua vét lúa mì bằng cách chặt đầu những con buôn mua vét), cho nên ông Bau-ơ, trong cái "nhà nước phê phán" của ông, ắt phải đem treo cổ cả người Do Thái lẫn tín đồ Cơ Đốc. Vì đã lẫn lộn sự giải phóng chính trị với sự giải phóng con người, cho nên để cho trước sau như một, ông ta cũng ắt phải lẫn lộn những thủ đoạn chính trị của sự giải phóng với những thủ đoạn con người của sự giải phóng. Nhưng hễ có ai vạch ra cho sự phê phán tuyệt đối thấy ý nghĩa thật sự của các kết luận của nó thì nó bèn trả lời y hệt như Sen-linh đã từng có lúc trả lời tất cả những người phản đối đã lấy tư tưởng thật sự thay vào những câu nói rỗng tuếch của ông ta:

"Những kẻ phản đối sự phê phán sở dĩ là kẻ phản đối sự phê phán, vì họ chẳng những dùng cái thước giáo điều của họ để đo sự phê phán, mà thậm chí còn coi sự phê phán là giáo điều: nói cách khác là nguyên nhân khiến cho họ ra sức phản đối sự phê phán là sự phê phán không chịu thừa nhận những sự phân chia, định nghĩa và mánh khoé có tính chất giáo điều của họ".

Trên thực tế, thái độ giáo điều đối với sự phê phán tuyệt đối cũng như đối với ông Sen-linh đã nảy sinh ra khi người ta gán cho sự phê phán tuyệt đối những ý nghĩ, tư tưởng và quan điểm nhất định thật sự. Nhưng vì muốn thích ứng và để chứng tỏ cho ông Rít-xơ thấy lòng nhân đạo của mình, "sự phê phán" lại quyết định dùng đến những sự phân chia, định nghĩa giáo điều và nhất là đến những "mánh khoé".

Ví dụ chúng ta đọc thấy đoạn sau đây:

"Nếu như trong tác phẩm đó" ("Vấn đề Do Thái") "tôi hy vọng hoặc có quyền đi quá phạm vi sự phê phán, thì tôi phải" (!) "nói" (!) "không phải về nhà nước, mà là về "xã hội", vè cái xã hội không gạt bỏ ai, cái xã hội mà chỉ có những người không muốn tham dự vào sự phát triển của nó mới tự gạt mình ra khỏi nó mà thôi".

Ở đây, sự phê phán tuyệt đối tiến hành một sự phân chia giáo điều giữa việc nó phải làm nếu nó chưa làm điều ngược lại, với việc nó thực tế đã làm. Nó giải thích tính hạn chế của quyển "Vấn đề Do Thái" của nó bằng "những mánh khoé giáo điều" là hy vọng quyền cấm nó đi "quá phạm vi sự phê phán". Sao ?  "Sự phê phán" lại phải đi quá phạm vi "sự phê phán" sao ? Sự  phê phán tuyệt đối, do tính tất yếu giáo điều, phải dùng đến mánh khoé hoàn toàn có tính quần chúng là một mặt khẳng định tính tuyệt đối của cách nó hiểu vấn đề Do Thái, khẳng định "tính phê phán" của cách hiểu đó, và mặt khác thừa nhận khả năng hiểu một cách rộng rãi hơn.

Bí mật của sự "không hy vọng""không có quyền" của sự phê phán cuối cùng sẽ được giải thích bằng cái giáo điều phê phán cho rằng tất cả những biểu hiện bề ngoài của tính hạn chế của "sự phê phán" chẳng qua chỉ là những hình thức cần thiết để thích ứng với sức hiểu biết của quần chúng mà thôi.

Sự phê phán không hy vọng ! Nó không có quyền đi quá phạm vi cách hiểu thiển cận của nó về vấn đề Do Thái ! Nhưng nếu nó hy vọng hoặc nó có quyền thì lúc đó nó sẽ làm gì ? - Nó sẽ đưa ra một định nghĩa giáo điều. Đáng lẽ nói về "nhà nước", nó sẽ nói về "xã hội", do đó nó sẽ hoàn toàn không nghiên cứu thái độ thật sự của dân Do Thái đối với xã hội thị dân hiện đại! Khác với "nhà nước", nó sẽ giải thích một cách giáo điều "xã hội" theo nghĩa là trong khi nó gạt nhà nước ra khỏi nhà nước thì trái lại những kẻ không muốn tham gia vào sự phát triển của xã hội tự gạt mình ra khỏi xã hội !

Còn như gạt ra khỏi bản thân mình thì xã hội cũng làm như nhà nước, có điều là có lễ độ hơn: xã hội không tống anh ra khỏi cửa, mà tạo ra cho cuộc sống của anh trong xã hội đó, những điều kiện không thể chịu nổi khiến anh thà tự nguyện rời bỏ xã hội ấy mà đi còn hơn.

Thực ra, nhà nước cũng không làm khác thế, vì nhà nước cũng không gạt kẻ nào thực hiện mọi yêu cầu và mệnh lệnh của và không cản trở sự phát triển của nó. Trong hình thức hoàn bị của nó, nhà nước thậm chí còn làm ngơ trước nhiều việc và tuyên bố những sự đối lập thật sự là những sự đối lập phi chính trị, không cản trở gì nó cả. Ngoài ra, bản thân sự phê phán tuyệt đối còn phát triển tư tưởng cho rằng sở dĩ nhà nước gạt người Do Thái ra là chỉ vì người Do Thái gạt bỏ nhà nước, nghĩa là họ tự gạt bản thân họ ra khỏi nhà nước. Nếu mối quan hệ qua lại này trong "xã hội" phê phán có một hình thức dịu dàng hơn, giả dối hơn và xảo trá hơn thì điều đó chỉ chứng tỏ rằng "xã hội" "phê phán" thì giả dối hơn và có cơ cấu kém phát triển hơn mà thôi.

Ta hãy tiếp tục theo dõi sự phê phán tuyệt đối trong những sự "phân chia", "định nghĩa" và nhất là những "mánh khoé" giáo điều của nó.

Ví dụ, ông Rít-xơ yêu cầu nhà phê phán "phân biệt những cái nằm trong lĩnh vực pháp quyền" với những cái "nằm ngoài phạm vi đó".

Nhà phê phán lấy làm bất bình về sự láo xược của yêu cầu có tính pháp luật đó.

Anh ta phản đối: "Nhưng từ xưa đến nay, tình cảm và lương tâm vẫn can thiệp vào pháp quyền, luôn luôn bổ sung pháp quyền: tất phải luôn luôn bổ sung pháp quyền vì tính chất của pháp quyền là do hình thức giáo điều của nó" (như vậy, không phải là do bản chất giáo điều ?) "quyết định".

Nhà phê phán chỉ quên một điều là mặt khác, bản thân pháp quyền tự phân biệt mình với "tình cảm và lương tâm" một cách hết sức rõ ràng; quên rằng có thể giải thích sự phân chia ấy bằng bản chất phiến diện của pháp quyền, cũng như bằng hình thức giáo điều của nó, và sự phân chia ấy thậm chí là một trong những giáo điều chủ yếu của pháp quyền; cuối cùng, quên rằng việc thực hiện trong thực tiễn sự phân chia ấy là giai đoạn cao nhất trong sự phát triển của pháp quyền. Cũng y như việc tách tôn giáo ra khỏi mọi nội dung trần tục làm cho tôn giáo trở thành tôn giáo trừu tượng, tuyệt đối. "Tình cảm và lương tâm" can thiệp vào pháp quyền, đó là một lý do đầy đủ để cho "nhà phê phán" nói về tình cảm và lương tâm ở những chỗ nói về pháp quyền,  và nói về giáo lý thần học ở những chỗ nói về giáo lý pháp luật.

"Những định nghĩa và những sự phân chia" của sự phê phán tuyệt đối mang lại cho chúng ta đầy đủ khả năng để có thể lĩnh hội được những "phát hiện" mới nhất của nó về "xã hội""pháp quyền".

"Cái hình thức thế giới mà về nó sự phê phán đang chuẩn bị và thậm chí lần đầu tiên bắt đầu chuẩn bị một quan niệm, không phải chỉ là một hình thức pháp quyền mà" (xin bạn đọc hãy lấy lại tinh thần đi?) "là một hình thức xã hội mà về nó, ít ra" (ít thế ư ?) "cũng có thể nói rằng ai không đóng góp chút gì của mình vào việc xây dựng hình thức đó, ai không sống bằng lương tâm và tình cảm của mình trong hình thức đó thì không thể cảm thấy mình ở trong đó như ở nhà mình và không thể tham gia vào lịch sử của hình thức đó".

Hình thức thế giới do "sự phê phán" chuẩn bị được định nghĩa không phải chỉ là hình thức pháp quyền, mà là hình thức xã hội. Có thể giải thích định nghĩa ấy theo hai cách. Câu nói ấy hoặc có thể hiểu theo nghĩa là hình thức thế giới "không phải" là hình thức "pháp quyền mà là" hình thức "xã hội", hoặc có thể hiểu nó"không phải chỉ là một hình thức pháp quyền mà cũng còn là hình thức xã hội". Ta hãy xét nội dung của câu nói đó theo cả hai cách giải thích, và trước hết hãy xem cách giải thích thứ nhất. Trên kia sự phê phán tuyệt đối đã định nghĩa cái "hình thức thế giới" mới khác với "nhà nước", tức là "xã hội". Bây giờ nó lại định nghĩa danh từ "xã hội" bằng hình dung từ "xã hội". Nếu như trái lại với hình dung từ "chính trị" của mình, ông Hin-rích nhận được ở sự phê phán ba lần hình dung từ "xã hội", thì trái lại với hình dung từ "pháp quyền" của mình, ông Rít-xơ lại nhận được từ "xã hội có tính chất xã hội". Nếu như đối với ông Hin-rích, những sự giải thích có tính phê phán quy thành công thức: "có tính chất xã hội" + "có tính chất xã hội" + "có tính chất xã hội" = 3a thì trong cuộc chinh phạt thứ hai của nó, sự phê phán tuyệt đối lại chuyển từ tính cộng sang tính nhân, và ông Rít-xơ lại viện đến cái xã hội tự nhân với nó, đến bình phương của xã hội, đến xã hội có tính chất xã hội = a2. Để rút ra kết luận về xã hội, sự phê phán tuyệt đối chỉ còn phải chuyển sang phân số, xoay ra tìm căn số bậc hai của xã hội, v.v., là được.

Bây giờ, ta hãy xem cách giải thích thứ hai: "không phải chỉ là một hình thức pháp quyền, mà cũng còn là hình thức xã hội" của thế giới. Trong trường hợp này, hình thức thế giới hai mặt đó không phải cái gì khác hơn là hình thức thế giới hiện đang tồn tại, hình thức thế giới của xã hội hiện nay. Sự phê phán", trong sự suy nghĩ trước thế giới của nó, chỉ mới chuẩn bị điều kiện cho sự tồn tại tương lai của hình thức thế giới hiện đang tồn tại, đó thật là một kỳ công phê phán vĩ đại, đáng kính phục. Nhưng dù cái "xã hội không phải chỉ có tính chất pháp quyền, mà còn có tính chất xã hội" có thế nào chăng nữa thì sự phê phán hiện cũng chưa thể nói gì hơn về xã hội đó, ngoài "fabula docet"1* của nó, ngoài những điều răn của nó. Trong xã hội này, ai không sống bằng tình cảm và lương tâm của mình thì không thể cảm thấy như ở nhà mình". Xét cho cùng, sẽ không có ai sống trong cái xã hội đó cả, chỉ trừ có "tình cảm thuần tuý" và "lương tâm thuần tuý", tức là "tinh thần", sự phê phán" và những kẻ tâm phúc của nó. Quần chúng sẽ bị gạt ra khỏi xã hội bằng cách này hay cách khác, thành thử kết quả là "xã hội có tính quần chúng" sẽ nằm ở ngoài "xã hội có tính chất xã hội".

Nói tóm lại, xã hội ấy chẳng qua chỉ là cái thiên đường phê phán mà khỏi nó, thế giới thực tại bị đuổi ra, coi như là địa ngục không phê phán. Trong tư duy thuần tuý của nó, sự phê phán tuyệt đối đang chuẩn bị cái hình thức thế giới đã được thay hình đổi dạng ấy của sự đối lập giữa "quần chúng""tinh thần".

Cũng như những điều giải thích về vấn đề "xã hội", những điều giải thích cho ông Rít-xơ về vấn đề số phận các dân tộc cũng có một đặc điểm: đó là sự sâu sắc có tính phê phán.

Người Do Thái khao khát được giải phóng và các nhà nước Cơ Đốc giáo khao khát muốn "xếp người Do Thái vào những mục nhất định của phương án chính phủ của mình" (tựa hồ như người Do Thái từ lâu chưa được xếp vào những mục nhất định của phương án chính phủ Cơ Đốc giáo vậy!), điều đó làm cho sự phê phán tuyệt đối có lý do để tiên đoán về sự suy vong của các dân tộc. Chúng ta thấy sự phê phán tuyệt đối phải thông qua con đường quanh co phức tạp biết bao, thông qua con đường loanh quanh của thần học, mới hướng tới được sự vận động lịch sử hiện đại. Ta có thể phán đoán tầm quan trọng của những kết quả đạt được bằng con đường ấy qua câu sấm toả hào quang rực rỡ sau đây:

"Tương lai của tất cả các dân tộc... rất là... tối tăm!"

Nhưng thôi, vì sự phê phán, hãy để cho tương lai của các dân tộc muốn tối tăm ra sao thì ra ! Chỉ có một điều, và là điều chủ yếu nhất, đã rõ ràng là: tương laido bàn tay của sự phê phán quyết định.

Sự phê phán hô lớn: "Số mệnh có thể tuỳ ý quyết định hết thảy: bây giờ chúng ta biết rằng số mệnh là do tay ta quyết định".

Giống như thượng đế đem ý chí của mình ban cho vật sáng tạo của mình là con người, sự phê phán cũng đem ý chí của bản thân mình ban cho vật sáng tạo của mình là số mệnh. Sự phê phán, kẻ sáng tạo ra số mệnh, cũng toàn năng như thượng đế. Thậm chí cả "sự phản kháng" từ bên ngoài mà nó "gặp phải" cũng là do bàn tay nó quyết định, sự phê phán tạo nên những kẻ đối địch của mình". Vì vậy "sự phẫn nộ của quần chúng" đối với nó chỉ "đe doạ "sự an toàn" của bản thân "quần chúng" mà thôi.

Nhưng nếu sự phê phán là toàn năng như thượng đế thì nó cũng toàn chí như thượng đế và biết kết hợp sự toàn năng của mình với tự do, ý chíbẩm tính của các cá nhân:

"Sự phê phán không phải là lực lượng sáng tạo ra thời đại nếu như nó không làm được một điều là mỗi một người khi thoát ra từ trong tay nó thì muốn trở thành như thế nào là được như thế, và không vạch rõ một cách nghiêm ngặt từ trước cho mỗi người một quan điểm phù hợp với bản tínhý chí của người đó".

Chính Lép-nít-xơ có lẽ cũng không thể xác định được một cách có hiệu quả hơn sự hoà hợp tiền định giữa sự toàn năng của thượng đế với tự do và bẩm tính của con người.

Nếu như "sự phê phán" xem ra có mâu thuẫn với tâm lý học là môn học phân biệt ý chí muốn trở thành cái gì đó với năng lực có thể trở thành cái gì đó, thì cần phải chú ý là nó có những căn cứ nghiêm túc để tuyên bố "sự phân biệt" ấy là "giáo điều chủ nghĩa".

Ta hãy chuẩn bị lực lượng cho cuộc chinh phạt thứ ba ! Hãy nhớ lại lần nữa rưàng sự phê phán "tạo ra kẻ đối địch với bản thân mình" ! Nhưng nó làm sao mà có thể tạo ra kẻ đối địch với nó, tức là "sự nói suông", nếu bản thân nó không hay nói suông"?



42 Đoạn này và những đoạn trích dẫn phía dưới đều trích ở bài báo thứ hai của B.Bau-ơ viết để bác bỏ những người phê bình quyển "Vấn đề Do Thái" của ông  ta. Nhan đề bài thứ hai của Bau-ơ cũng giống bài thứ nhất "Luận văn mới nhất về vấn đề Do Thái" đăng trên "Allgemeine Literatur-Zeitung" số 4 (tháng Ba 1844).

1* - "chuyện ngụ ngôn dạy rằng"

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt