Chủ nghĩa Marx

Dịch một cách đặc trưng số 1

GIA ĐÌNH THẦN THÁNH – MỤC LỤC

 

CHƯƠNG IV

SỰ PHÊ PHÁN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN VỚI

TÍNH CÁCH LÀ SỰ YÊN TĨNH CỦA NHẬN THỨC

HAY LÀ SỰ PHÊ PHÁN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN

THỂ HIỆN Ở ÔNG ÉT-GA

 


C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1995, tr. 35-47. | Nguyên văn tiếng Đức | Bản dịch tiếng Anh | Bản dịch tiếng Pháp.


 

 

DỊCH MỘT CÁCH ĐẶC TRƯNG SỐ 1

 

"Tôi không mong muốn" (Pru-đông bị dịch một cách phê phán nói) "đưa ra bất cứ một hệ thống nào đó của cái mới, tôi không mong muốn gì hết ngoài việc xoá bỏ đặc quyền, tiêu diệt sự nô dịch... Sự công bằng, không có gì khác ngoài sự công bằng, đấy là chủ trương của tôi".

Pru-đông bị đặc trưng chỉ hạn chế ở sự mong muốn và chủ trương, vì "sự mong muốn lương thiện" và "chủ trương" phi khoa học là đặc tính của quần chúng phi phê phán. Pru-đông bị đặc trưng có đặc điểm là tính tình nhún nhường thích hợp với quần chúng và ông ta làm cho cái mà ông mong muốn phải phục tùng cái mà ông không mong muốn. Ông không dám mong muốn đưa ra một hệ thống nào đó của cái mới, ông có một mong muốn nhỏ mọn, thậm chí chẳng mong muốn gì hết ngoài việc xoá bỏ đặc quyền, v.v.. Ngoài việc làm cho sự mong muốn đã có của mình phải phụ thuộc một cách phê phán vào sự mong muốn mà mình không có, lời nói đầu tiên của ông ta để lộ ngay lập tức một khuyết điểm đặc trưng về lô-gích. Một tác giả mới thoạt đầu đã thanh minh trong cuốn sách của mình rằng mình không muốn đưa ra một hệ thống nào đó của của cái mới thì dĩ nhiên phải nói với chúng ta là mình định đưa ra cái gì: cái cũ có hệ thống hay là cái mới không có hệ thống. Nhưng Pru-đông bị đặc trưng đã không mong muốn đưa ra hệ thống nào đó của cái mới, vậy thì ông ta có muốn đưa ra việc xoá bỏ đặc quyền không? Không, ông ta chỉ mong muốn sự xoá bỏ ấy.

Pru-đông thật nói: "Je ne fais pas de système; je demande la fin du privilège" etc. ("Tôi không sáng lập ra hệ thống nào cả; tôi đòi hỏi chấm dứt đặc quyền", v.v.). Nghĩa là Pru-đông thật tuyên bố rằng ông ta không theo đuổi mục đích khoa học trừu tượng nào cả, mà chỉ đưa ra trước xã hội những yêu cầu thực tiễn trực tiếp. Vả chăng yêu cầu mà ông đưa ra hoàn toàn không phải là tuỳ tiện. Căn cứ và lý do của yêu cầu đó là trong toàn bộ sự phát triển của luận đề mà ông đã đưa ra. Nó là sự tóm tắt sự phát triển đó. Vì "sự công bằng và chỉ riêng sự công bằng là sự tóm tắt lập luận của tôi". Với luận điểm của mình: "sự công bằng, không có gì khác ngoài sự công bằng, đấy là chủ trương của tôi", Pru-đông bị đặc trưng đã rơi vào tình trạng càng lúng túng hơn vì ông ta còn "chủ trương" nhiều việc khác, và theo lời ông Ét-ga thì "chủ trương" chẳng hạn rằng triết học trước kia chưa được thực tế, "chủ trương" đánh đổ Sác-lơ Công-tơ, v.v..

Pru-đông phê phán tự hỏi mình rằng: "Chẳng lẽ con người có nghĩa vụ phải chịu bất hạnh mãi mãi sao?. Nói cách khác, ông ta hỏi: sự bất hạnh phải chăng là bổn phận đạo đức của con người? Còn Pru-đông thật, một người Pháp nhẹ dạ lại đặt vấn đề thế này: sự bất hạnh phải chăng là một tính tất yếu vật chất, phải chăng là một cái gì không thể tránh khỏi? ("Phải chăng con người vĩnh viễn không thể tránh khỏi sự bất hạnh?")

Pru-đông quần chúng nói:

"Et, sans m' arrêter aux explications à toute fin des entrepreneurs de réformes, accsant de la détresse générale, ceux-ci la lâcheté et l'impéritie du pouvoir, ceux-là les conspirateurs et les émeutes, d'autres, d'autres l'ignorance et la corruption générale", etc.1*

Vì "à toute fin" là thành ngữ của quần chúng hạ lưu, không tìm thấy trong từ điển tiếng Đức có tính quần chúng, nên dĩ nhiên là Pru-đông phê phán vứt bỏ cái thành ngữ ấy, nó quy định từ "giải thích" một cách chính xác hơn. Thuật ngữ này vốn mượn trong luật học có tính quần chúng của nước Pháp trong đó "explications à toute fin" có nghĩa là "những lời giải thích không có thể bác bẻ được". Pru-đông phê phán đả kích "những nhà cải lương" tức một chính đảng xã hội chủ nghĩa Pháp15, còn Pru-đông quần chúng lại đả kích "những người chế tạo ra những biện pháp cải lương". Pru-đông quần chúng phân biệt các loại "người chế tạo ra những biện pháp cải lương": số người này (ceux-ci) nói gì, số người kia (ceux-là) nói gì, số khác (d'autres) nói gì. Pru-đông phê phán lại bắt cùng một số nhà cải lương" khi thì chỉ trích cái này, khi thì chỉ trích cái kia, khi thì chỉ trích cái khác", điều đó vô luận thế nào cũng chứng tỏ sự thất thường của họ. Pru-đông thật dựa vào thực tiễn có tính quần chúng ở Pháp mà bàn đến "les conspitateurs et les émeutes", nghĩa là trước hết nói đến các kẻ âm mưu rồi sau mới nói đến những hành động của họ - những cuộc phiến loạn. Trái lại, Pru-đông phê phán, kẻ đem các loại người cải lương nhập lại thành một cục, thì lại phân những kẻ phiến loạn thành từng loại, do đó ông ta nói "những kẻ âm mưu và những kẻ phiến loạn". Pru-đông quần chúng nói sự dốt nát"sự hủ hoá phổ biến". Pru-đông phê phán lại biến dốt nát thành ngu xuẩn, biến "hủ hoá" thành "sự truỵ lạc", cuối cùng, lấy tư cách là nhà phê phán có tính phê phán, biến sự ngu xuẩn thành phổ biến. Như thế là ở đây bản thân ông ta đã nêu một tấm gương ngu xuẩn là dùng từ "générale" không phải theo số nhiều mà theo số ít. Ông ta viết: "l'ignorance et la corruption générale", mà lại muốn nói "sự ngu xuẩn phổ biến và sự truỵ lạc phổ biến". Theo ngữ pháp không phê phán của tiếng Pháp thì câu đó ở đây phải viết như thế này: "l'ignorance et la corruption générales".

Pru-đông bị đặc trưng nói và suy nghĩ khác với Pru-đông quần chúng nên dĩ nhiên là cũng phải trải qua con đường phát triển tinh thần hoàn toàn khác. Ông ta "đã hỏi các bậc thầy của khoa học, đã đọc xong hàng trăm pho sách triết học và luật học, v.v., và cuối cùng tin chắc rằng chúng ta chưa bao giờ hiểu được đúng đắn ý nghĩa của mấy chữ "công bằng, chính nghĩa, tự do". Còn Pru-đông thật lại cho rằng mình thoạt đầu tưởng đã hiểu được (je crus d'abord reconnaêtre) cái mà Pru-đông phê phán chỉ đến "cuối cùng" mới lĩnh hội được. Việc biến đổi một cách phê phán d'abord1* thành enfin2* là cần thiết vì quần chúng không dám nghĩ rằng họ "thoạt đầu" đã hiểu được một cái gì đó. Pru-đông quần chúng trình bày bằng một thứ ngôn ngữ sáng sủa nhất rằng mình đã ngạc nhiên như thế nào trước thành quả bất ngờ đó của công tác nghiên cứu của mình và không tin như thế nào vào thành quả đó. Vì vậy ông quyết định "thí nghiệm để kiểm tra lại", ông tự hỏi: "Phải chăng toàn thể loài người có thể bị lừa dối lâu dài như vậy về phương diện những nguyên tắc vận dụng đạo đức? Loài người bị lừa dối như thế nào và tại sao lại bị lừa dối?" v.v.. Ông cho rằng sự quan sát của mình chính xác hay không là do việc giải quyết những vấn đề đó quyết định. Ông đi tới kết luận rằng về mặt đạo đức cũng như trong mọi lĩnh vực tri thức khác, những sự sai lầm "cấu thành những bậc thang của khoa học". Trái lại, Pru-đông phê phán tin ngay ở ấn tượng đầu tiên mà sự nghiên cứu của ông ta về các mặt kinh tế chính trị học, luật học, vân vân, đã đem lại cho ông ta. Ấn tượng đó cũng dễ hiểu thôi: quần chúng không dám hành động thực sự, họ nhất định tôn những thành quả sơ bộ của sự nghiên cứu của họ lên thành những chân lý không thể bác bẻ được. Họ "thoạt đầu đã có sẵn những định kiến trước khi họ so đọ với mặt đối lập của họ"; do đó về sau "phát hiện ra rằng khi họ tưởng mình đã đạt tới điểm cuối cùng thì chính ra họ còn chưa đi được tới khởi điểm".

Vì thế, Pru-đông phê phán tiếp tục nghị luận một cách không có căn cứ và không có mạch lạc:

"Tri thức của chúng ta về những quy tắc đạo đức không phải là đầy đủ ngay từ đầu, vì thế trong một thời gian nhất định nó có thể đủ dùng cho tiến bộ xã hội; nhưng về sau ắt nó sẽ đưa chúng ta đi lạc đường".

Pru-đông phê phán không giải thích tại sao tri thức không đầy đủ về những quy tắc đạo đức có thể đủ dùng cho sự tiến bộ xã hội, dù chỉ là trong một ngày thôi. Còn Pru-đông thật thì lúc đầu lại tự đặt vấn đề như sau: phải chăng toàn thể loài người nói chung có thể và tại sao toàn thể loài người lại có thể lầm lạc lâu dài như vậy? Ông cho rằng vấn đề ấy được giải đáp như sau: mọi sự sai lầm đều tạo thành những bậc thang của khoa học, thậm chí những phán đoán không hoàn thiện nhất của chúng ta cũng chứa đựng một số chân lý hoàn toàn đủ dùng cho một số suy lý quy nạp và cho một lĩnh vực nhất định nào đó của đời sống thực tiễn, nhưng vượt ra ngoài số đó và lĩnh vực đó thì những chân lý trên sẽ dẫn tới sự phi lý về lý luận và sẽ dẫn tới sự thất bại trong thực tiễn. Sau khi giải thích như vậy, Pru-đông có thể nói rằng ngay cả những trí thức không hoàn bị về những quy tắc đạo đức cũng có thể đủ dùng cho sự tiến bộ xã hội trong một thời gian nào đó.

Pru-đông phê phán nói:

"Nhưng một khi xuất hiện sự cần thiết phải có tri thức mới thì lập tức nổ ra cuộc đấu tranh tàn khốc giữa thiên kiến cũ và tư tưởng mới".

Song làm sao mà có thể đấu tranh với kẻ thù còn chưa tồn tại? Cần biết rằng tuy Pru-đông phê phán cũng bảo với chúng ta rằng sự cần thiết phải có tư tưởng mới đã xuất hiện, nhưng ông ta còn chưa nói rằng bản thân tư tưởng mới đó đã ra đời rồi.

Còn Pru-đông quần chúng thì nói:

"Một khi xuất hiện sự cần thiết phải có tri thức cao hơn thì tri thức đó quyết không tự buộc mình phải chờ đợi". Vậy thì nó đã tồn tại. "Lúc đó, cuộc đấu tranh bắt đầu".

Pru-đông phê phán quả quyết rằng "sứ mệnh của con người là tiến hành tự giáo dục mình từng bước một", làm như thế là con người hoàn toàn không có một sứ mệnh nào khác, tức sứ mệnh làm người, làm như thể là sự tự giáo dục "từng bước một" tất nhiên phải thúc đẩy chúng ta tiến lên. Tôi có thể đi hết bước này đến bước nọ mà vẫn quay trở về điểm xuất phát của tôi. Song điều mà Pru-đông phi phê phán bàn đến không phải là "sứ mệnh" của con người, mà là điều kiện (condition) cần thiết cho con người tiến hành sự giáo dục không phải là từng bước một (pas à pas) mà là từng giai đoạn một (par degrés). Pru-đông phê phán tự nhủ rằng:

"Trong những nguyên tắc dùng làm cơ sở cho xã hội, có một nguyên tắc mà xã hội không hiểu được, mà xã hội bóp méo đi vì dốt nát, và cũng là nguyên nhân của mọi tai hoạ. Tuy vậy, người ta vẫn tôn trọng nguyên tắc ấy, cầu mong nó, nếu không thì nó chẳng có ảnh hưởng gì cả. Về thực chất, nguyên tắc ấy là chân thực, nhưng theo quan niệm của chúng ta về nó thì nó là sai lầm, nguyên tắc đó... rút cục là gì?".

Trong câu thứ nhất, Pru-đông phê phán nói rằng nguyên tắc bị xã hội bóp méo và không hiểu; do đó bản thân nguyên tắc ấy là đúng. Trong câu thứ hai, ông ta lại thừa nhận một lần nữa rằng về thực chất thì nguyên tắc ấy là chân thực, tuy vậy ông ta vẫn trách xã hội là đã tôn trọng và cầu mong "nguyên tắc ấy". Trái lại, Pru-đông quần chúng trách xã hội không phải ở chỗ xã hội tôn trọng nguyên tắc ấy như nó vốn có, mà là ở chỗ xã hội tôn trọng cái nguyên tắc do sự dốt nát của chúng ta bịa đặt ra ấy ("ce principe... tel que notre ignorance l'a fait, est honoré"). Pru-đông phê phán cho rằng thực chất của nguyên tắc được coi là không chân thực là chân thực. Còn Pru-đông quần chúng thì cho rằng thực chất của nguyên tắc giả tạo là kết quả của quan niệm sai lầm của chúng ta, còn đối tượng (objet) của nó lại là chân thực, hệt như thực chất của thuật luyện đan và thuật chiêm tinh chẳng hạn là kết quả của sự tưởng tượng của chúng  ta, còn đối tượng của chúng, - tức sự vận động của thiên thể và thuộc tính hoá học của vật thể - lại là chân thực.

Pru-đông phê phán tiếp tục bản độc thoại của mình:

"Đối tượng của sự nghiên cứu của chúng ta là luật, tức sự quy định nguyên tắc xã hội. Những nhà chính trị, cũng tức là những nhà khoa học xã hội, bị những quan niệm rất không rõ ràng chi phối; nhưng vì trong mỗi sai lầm đều có một cái gì hiện thực làm cơ sở, nên chúng ta cũng có thể tìm thấy, trong sách của họ, chân lý mà họ sáng tạo ra cho người đời song bản thân họ lại không nhận ra."

Pru-đông phê phán lập luận thật là kỳ quặc. Sau khi đã nhận thấy sự dốt nát và sự không rõ ràng trong quan niệm của các nhà chính trị, ông ta lại trở giọng khẳng định võ đoán rằng trong mỗi sai lầm đều có một cái gì hiện thực làm cơ sở; về điểm này, chẳng có gì làm cho chúng ta phải hoài nghi cả, vì trong những sai lầm của bản thân con người, đều có một cái gì hiện thực làm cơ sở cho mỗi sai lầm. Tiếp đó, từ sự thực là trong mỗi sai lầm đều có một cái gì hiện thực làm cơ sở, ông ta rút ra kết luận là có thể tìm thấy chân lý trong sách của các nhà chính trị. Sau hết, ông ta thậm chí bắt các nhà chính trị sáng tạo ra chân lý đó cho thế gian. Giá thử họ đã sáng tạo chân lý cho thế gian thì chúng ta chẳng cần gì tìm kiếm chân lý trong sách của họ nữa.

Pru-đông quần chúng nói:

"Các nhà chính trị không hiểu nhau (ne s'entendent pas); vì vậy sai lầm của họ là chủ quan, nó nằm ngay trong bản thân họ (donc c'est en eux qu'est I'erreur)". Sự không hiểu lẫn nhau của họ chứng tỏ tính phiến diện của họ. Họ nhập cục "ý kiến cá nhân của mình với lý trí lành mạnh", và "vì" - căn cứ vào suy luận trên kia - "mỗi sai lầm đều có một cái gì thực sự hiện thực làm đối tượng, nên trong sách của các nhà chính trị nhất định là tìm thấy chân lý mà họ đưa vào đấy" (nghĩa là vào sách của họ), - "đưa vào một cách không tự giác" chứ không phải sáng tạo ra cho thế gian (dans leurs livres doit se trouver la vérité, qu'à leur insu ils y auront mise).

Pru-đông phê phán tự hỏi: "Công bằng là gì? thực chất của nó, tính chất của nó, ý nghĩa của nó như thế nào?", làm như thể là công bằng còn có một ý nghĩa gì riêng biệt khác với thực chất và tính chất của nó. Pru-đông phi phê phán đặt câu hỏi: "Nguyên tắc của nó, tính chất của nó và công thức (formule) của nó ra sao?" Công thức biểu thị cái nguyên tắc được coi là nguyên tắc đã kinh qua sự chứng minh của khoa học. Trong tiếng Pháp của quần chúng, từ "formule" và từ "signification"1* là căn bản khác nhau. Trong tiếng Pháp của sự phê phán, hai từ đó có nghĩa hoàn toàn giống nhau.

Kết thúc những nghị luận hoàn toàn không có giá trị gì của mình, Pru-đông phê phán lên gân và thét lớn:

"Chúng ta hãy thử đến gần đối tượng của chúng ta một chút".

Trong khi đó, Pru-đông phi phê phán đã tiến sát đến đối tượng của mình từ lâu và đang thử đi tới một cái gì chính xác hơn và tích cực hơn về đối tượng của mình "d'arriver à quelque chose de plus précis et de plus positif).

Đối với Pru-đông phê phán, "luật là sự quy định điều công bằng", đối với Pru-đông phi phê phán, luật là "sự tuyên bố" (décleration) điều công bằng. Pru-đông phi phê phán bác bỏ ý kiến cho rằng luật sáng tạo ra quyền. Còn cách nói: "quy định của luật" vừa có thể nói lên rằng luật là do cái gì khác quy định vừa có thể nói lên rằng bản thân luật quy định cái gì khác; trên kia, bản thân Pru-đông phê phán đã bàn về sự quy định của nguyên tắc xã hội theo ý nghĩa thứ hai này. Song đối với Pru-đông quần chúng, việc tách bạch ra như vậy là không thích đáng.

Vì giữa Pru-đông bị đặc trưng một cách phê phán và Pru-đông thật đã có một số bất đồng ý kiến như vậy, cho nên nếu điều mà Pru-đông số 1 tìm cách chứng minh hoàn toàn khác với điều mà Pru-đông số 2 tìm cách chứng minh thì cũng chẳng có gì là lạ cả.

Pru-đông phê phán

"tìm cách dùng kinh nghiệm lịch sử chứng minh" rằng "nếu như quan niệm của chúng ta về điều công bằng và điều hợp pháp là sai lầm thì hiển nhiên (tuy hiển nhiên như thế mà ông ta vẫn cho rằng cần phải chứng minh) là mọi sự vận dụng quan niệm đó vào luật đều nhất định không tốt và mọi thiết chế của chúng ta cũng đều nhất định thiếu sót".

Pru-đông quần chúng không hề muốn chứng minh cái hiển nhiên. Trái lại, ông nói:

"Nếu giả định rằng quan niệm của chúng ta về điều công bằng và điều hợp pháp không được quy định rõ ràng, không hoàn toàn, thậm chí sai lầm thì hiển nhiên là mọi sự vận dụng quan niệm đó vào việc lập pháp của chúng ta cũng sẽ không tốt", v.v..

Vậy thì Pru-đông phi phê phán rút cục muốn chứng minh gì?

"Giả thử - ông nói tiếp - những ý kiến của người ta về khái niệm công bằng và về việc vận dụng khái niệm đó không phải bao giờ cũng y như cũ, giả thử những ý kiến đó có sự biến đổi khác nhau ở những thời đại khác nhau, tóm lại, giả thử trong tư tưởng có sự tiến bộ thì cái giả thuyết cho rằng sự công bằng đã bị bóp méo trong quan niệm của chúng ta, do đó cả trong hành động của chúng ta, sẽ được chứng minh bằng sự thực".

Mà vấn đề cũng là ở chỗ chính tính không cố định đó, tính biến đổi đó, sự tiến bộ đó "đã được lịch sử chứng thực một cách tuyệt diệu". Pru-đông phi phê phán cũng đã dẫn ra những chứng cớ lịch sử tuyệt diệu ấy. Người giống hệt ông nhưng có tính phê phán, trước kia, đã dựa vào kinh nghiệm lịch sử để chứng minh một nguyên lý khác hẳn, bây giờ lại miêu tả bản thân kinh nghiệm ấy một cách khác hẳn.

Ở Pru-đông thật, sự suy vong của đế quốc La Mã đã được những "bậc hiền (les sages)" dự kiến trước, còn ở Pru-đông phê phán thì lại được những "nhà triết học" dự kiến trước. Đương nhiên, Pru-đông phê phán cho rằng chỉ có các nhà triết học là những bậc hiền. Theo Pru-đông thật thì "luật pháp" La mã "được xác nhận bởi thực tiễn luật pháp hoặc hoạt động tư pháp trong hàng chục thế kỷ" (ces droits consacrés par une justice dix fois séculaire); theo Pru-đông phê phán thì ở La Mã tồn tại "luật pháp được xác nhận bởi sự công bằng hàng ngàn năm".

Căn cứ vào sự phán đoán của Pru-đông số 1 thì ở La mã, người ta nghị luận như thế này:

"La Mã... chiến thắng là nhờ nền chính trị của mình và các vị thần của mình; bất cứ cải cách nào về tín ngưỡng tôn giáo và về tinh thần dân chúng đều là việc ngu xuẩn và là hành động xúc phạm" (ở Pru-đông phê phán, từ "sacrilège" không có nghĩa là xúc phạm vật thiêng liêng hoặc xúc phạm thần thánh như trong tiếng Pháp của quần chúng, mà chỉ có nghĩa là hành động xúc phạm bình thường); nếu như La Mã quyết tâm giải phóng các dân tộc thì do đó nó sẽ phản bội luật pháp của mình". "Như vậy" - Pru-đông  số 1 nói thêm - "về phía mình, La Mã vừa có thực tế vừa có luật pháp".

Theo Pru-đông phi phê phán thì ở La mã, người ta nghị luận một cách triệt để hơn. Ở đây, người ta đã xác định sự kiện một cách rõ ràng:

"Nô lệ là nguồn của cải lớn nhất của La Mã; vì vậy, sự giải phóng các dân tộc có nghĩa là sự phá sản của nền tài chính La Mã".

Khi bàn đến pháp luật, Pru-đông quần chúng còn nói như sau: "Dã tâm của La Mã được hợp pháp hoá trong luật toàn dân (droit des gens)". Phương thức chứng minh pháp luật nô dịch này hoàn toàn phù hợp với quan điểm pháp luật của người La Mã. Trong bộ luật La Mã có tính quần chúng, đã ghi rõ: "jure gentium servitus invasit" (Fr.4.D.I.I)1*

Theo Pru-đông phê phán thì "sự sùng bái thần tượng, chế độ nô lệ và tính bạc nhược đã cấu thành cơ sở của mọi chế độ ở La Mã" - không có chế độ nào ngoại lệ cả. Còn Pru-đông thật lại nói rằng: "Cơ sở của mọi chế độ ở La Mã trong lĩnh vực tôn giáo là sự sùng bái thần tượng, trong lĩnh vực sinh hoạt nhà nước là chế độ nô lệ, trong lĩnh vực sinh hoạt tư nhân là chủ nghĩa hưởng lạc" (theo tiếng Pháp thông thường, nghĩa của từ "épicuerisme" không giống với nghĩa của từ "mollesse" tức là tính bạc nhược). Trong tình hình ấy của La Mã, Pru-đông thần bí nói rằng "đã xuất hiện" "thánh chỉ của thượng đế", còn Pru-đông thật theo thuyết duy lý thì nói rằng đã xuất hiện "vĩ nhân tự xưng là thánh chỉ của thượng đế". Ở Pru-đông thật, vĩ nhân ấy gọi thầy tu là "rắn độc" (vipères) còn ở Pru-đông phê phán, vĩ nhân ấy nói ôn hoà hơn và gọi thầy tu là "rắn". Ở Pru-đông thứ nhất, vĩ nhân ấy nói về "luật sư" ["Advokaten"] theo [lối La Mã, ở Pru-đông thứ hai, vĩ nhân ấy nói về "nhà luật học" "Rechtsgelehrte"] theo lối Đức.

Pru-đông phê phán gọi tinh thần của cách mạng Pháp là tinh thần của mâu thuẫn, rồi thêm rằng:

"Điều đó đủ khiến người ta tin rằng cái mới, cái đã thay thế cái cũ, chẳng có gì là có phương pháp và được suy nghĩ chín chắn cả".

Ông ta không thể bỏ qua không nhắc lại một cách máy móc hai phạm trù quen thuộc của sự phê phán có tính phê phán là "mới" và "cũ". Ông ta không thể bỏ qua được cái yêu cầu vô nghĩa lý là "cái mới" phải có trên bản thân [an sich] một cái gì có phương pháp và được suy nghĩ chín chắn, chẳng khác gì yêu cầu người ta phải có trên bản thân [an sich] - cứ cho là - mấy vết nhơ. Còn Pru-đông thật thì nói:

"Điều đó đủ để chứng minh rằng trong bản thân [in sich] nó cái trật tự sự vật ấy, - cái trật tự sự vật thay thế cho trật tự sự vật cũ, - cái trật tự đã mất phương pháp và sự phản từ".

Say sưa hồi tưởng về cách mạng Pháp, Pru-đông phê phán đã cách mạng hoá tiếng Pháp đến nỗi đi dịch "un fait physique"1* thành "sự thực của vật lý học", dịch "un faitintellectuel"2* thành "sự thực của trí tuệ". Do cách mạng hoá tiếng Pháp như vậy, Pru-đông phê phán đã làm cho vật lý học nắm được tất thảy những sự kiện xảy ra trong giới tự nhiên. Như vậy nếu một mặt ông ta đề cao khoa học tự nhiên lên tận chín tầng mây thì mặt khác, do phủ nhận trí tuệ trong khoa học tự nhiên, do phân biệt sự thật của trí tuệ với sự thật của vật lý học, ông ta cũng dìm khoa học tự nhiên xuống chín tầng đất đen. Đồng thời, do trực tiếp nâng sự thật của đời sống tinh thần lên thành sự thật của trí tuệ, ông ta cũng làm cho mọi sự tìm tòi thêm nữa về tâm lý học và lô-gích học trở thành vô ích theo một mức độ như vậy.

Vì Pru-đông phê phán, tức Pru-đông số 1, thậm chí không chịu đoán xem Pru-đông thật, tức Pru-đông số 2, định dùng phương pháp diễn dịch lịch sử của mình để chứng minh cái gì, nên đối với ông ta, dĩ nhiên là không có bản thân nội dung của sự diễn dịch đó, tức là không có việc chứng minh sự biến đổi của quan niệm về pháp luật và sự thực hiện không ngừng sự công bằng cách phủ định pháp luật thực tại trong lịch sử.

"Xã hội", - Pru-đông thật viết, - "được cứu vãn bằng cách phủ định nguyên tắc của mình... và bằng cách phá hoại pháp luật thiêng liêng nhất".

Như vậy Pru-đông thật chứng minh rằng việc phủ định pháp luật La Mã dẫn tới việc mở rộng khái niệm pháp luật trong quan niệm của đạo Cơ Đốc về luật pháp, rằng việc phủ định pháp luật của bọn đi chinh phục dẫn tới việc xác lập pháp luật của đoàn thể tự trị, còn việc cách mạng Pháp phủ định toàn bộ pháp chế phong kiến thì đưa tới việc kiến lập một trật tự pháp luật hiện đại rộng rãi hơn.

Sự phê phán có tính phê phán quyết không thể thừa nhận rằng vinh dự phát hiện ra quy luật: nguyên tắc được thực hiện thông qua sự tự phủ định, là thuộc về Pru-đông. Trong khi đó, tư tưởng mang hình thức tự giác như vậy là một điều khải thị thực sự đối với người Pháp.

 



1* "Và tôi không bàn đến những lời giải thích không có thể bác bẻ được của những người chế tạo ra những biện pháp cải lương, trong đó một số người này buộc tội sự hèn nhát và bất lực của chính quyền, một số người kia buộc tội bọn âm mưu và những cuộc phiến loạn, một số khác buộc tội sự dốt nát và sự hủ hoá phổ biến, là đã gây ra sự nghèo khổ phổ biến", v.v...

15 Mác chỉ một nhóm chính trị tập hợp xung quanh tờ "La Réforme" ("Báo cải lương") ở  Pa-ri, tham gia vào nhóm này có những người theo chủ nghĩa cộng sản hoà dân chủ tiểu tư sản và những người theo chủ nghĩa xã hội tiểu tư sản.

1*  - thoạt đầu

2*  - cuối cùng

1*  - ý nghĩa

1* - "Chế độ nô lệ được củng cố trong luật toàn dân" (Hội viên về các học thuyết, quyển I, mục I, đoạn 4).

1* "sự thực của giới vật chất".

2*  "một sự thực của đời sống tinh thần, trí tuệ".

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt