Chủ nghĩa Marx

Dịch một cách đặc trưng số 3

GIA ĐÌNH THẦN THÁNH – MỤC LỤC

 

CHƯƠNG IV

SỰ PHÊ PHÁN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN VỚI

TÍNH CÁCH LÀ SỰ YÊN TĨNH CỦA NHẬN THỨC

HAY LÀ SỰ PHÊ PHÁN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN

THỂ HIỆN Ở ÔNG ÉT-GA 

 


C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1995, tr. 65-72. | Nguyên văn tiếng Đức | Bản dịch tiếng Anh | Bản dịch tiếng Pháp.


 

 

DỊCH MỘT CÁCH ĐẶC TRƯNG SỐ 3

 

Pru-đông phê phán đã tìm được cho mình một người sở hữu có tính phê phán.

"Anh ta tự mình thừa nhận rằng, cái mà người làm việc cho anh ta mất đi là cái mà anh ta chiếm lấy cho mình".

Pru-đông quần chúng nói với người sở hữu có tính quần chúng:

"Anh đã làm việc! Chẳng lẽ xưa nay anh không hề cưỡng bức những người khác làm việc cho anh hay sao? Vì làm việc cho anh, họ đã mất đi cái mà anh đã khéo chiếm làm của mình vì anh không làm việc cho họ, tình hình đó đã xảy ra bằng cách nào nhỉ?"

Pru-đông phê phán buộc Xay phải hiểu "vật chiếm hữu tự nhiên" là "của cải tự nhiên" mặc dù để tránh mọi sự hiểu nhầm. Xay đã tuyên bố hết sức rõ ràng trong "Tóm tắt" kèm theo cuốn "Khái luận về kinh tế chính trị" của ông rằng ông hiểu của cải không phải là tài sản, cũng không phải là vật chiếm hữu mà là "tổng số giá trị". Dĩ nhiên là Pru-đông phê phán đã cải tạo Xay như ông Ét-ga đã cải tạo chính bản thân Pru-đông phê phán. Theo Pru-đông phê phán, Xay đi từ sự thực là ruộng đất dễ chiếm hữu hơn không khí và nước, để "rút ra ngay lập tức quyền biến đồng ruộng thành tài sản". Song Xay căn bản không đi từ sự thực là ruộng đất dễ chiếm hữu hơn, để rút ra quyền sở hữu ruộng đất, trái lại ông nói không chút mập mờ rằng: Những quyền của những người sở hữu ruộng đất bắt nguồn từ sự tước đoạt". ("Khái luận về kinh tế chính trị", bản in lần thứ ba, quyển I, tr. 136, chú thích18.) Cho nên, theo Xay, để xác lập quyền sở hữu ruộng đất thì cần có "sự giúp sức của lập pháp" và của "luật thực tại". Pru-đông thật không buộc Xay phải đi từ sự thực là ruộng đất dễ chiếm hữu hơn, để rút ra "ngay lập tức" quyền sở hữu ruộng đất. Ông chỉ chê trách Xay là Xay đem tính khả năng thay thế cho quyền và nhập cục vấn đề tính khả năng với vấn đề quyền:

"Xay coi tính khả năng quyền. Người ta không hỏi tại sao ruộng đất dễ chiếm hữu hơn biển và không khí; người ta muốn biết: con người dựa vào quyền nào để chiếm lấy của cải ấy làm của mình".

Pru-đông phê phán nói tiếp:

"Về điểm này, chỉ còn phải bổ sung thêm một điểm: đi đôi với việc chiếm hữu một mảnh ruộng đất, người ta còn chiếm những yếu tố khác - không khí, nước, lửa: terra, aqua, aëere et igne interdicti sumus1*".

Pru-đông thật căn bản không "chỉ" bổ sung thêm điểm ấy, trái lại ông nói rằng nhân tiện (en passant) "lưu ý" bạn đọc về sự chiếm hữu không khí và nước. Ở Pru-đông phê phán, công thức của lệnh trục xuất của La Mã bị nhét một cách không tài nào hiểu được vào lập luận của ông ta. Ông ta quên không nói rõ "chúng ta" trong lệnh cấm này là ai. Còn Pru-đông thật thì nói với những người không sở hữu rằng:

"Hỡi những người vô sản!... Tài sản loại chúng ta ra khỏi xã hội: terra etc. interdicti sumus".

Pru-đông phê phán tranh luận với Sác-lơ Công-tơ như sau:

"Sác-lơ Công-tơ cho rằng người ta muốn sống thì phải có không khí, thức ăn và quần áo. Trong số đó, có những loại như không khí và nước, nghe nói là vô cùng vô tận nên bao giờ cũng vẫn là tài sản công hữu, còn những thứ khác vì số lượng có hạn nên trở thành tài sản tư hữu: Như vậy là Sác-lơ Công-tơ đi từ khái niệm hữu hạn và vô hạn đến chứng minh. Có thể là nếu ông coi khái niệm không cần thiết và cần thiết là phạm trù chủ yếu thì ông có thể đi đến những kết luận khác".

Ngây thơ thay sự biện bác đó của Pru-đông phê phán! Ông ta đề nghị Sác-lơ Công-tơ vứt bỏ những phạm trù mà Sác-lơ Công-tơ dùng làm điểm xuất phát trong những chứng minh của mình để đột nhiên nhảy sang những phạm trù khác, không phải nhằm đi tới kết luận của mình mà nhằm "có thể" đi tới kết luận của Pru-đông phê phán.

Pru-đông thật không đề nghị với Sác-lơ Công-tơ như vậy. Ông không tìm cách dựa vừa chữ "có thể" nào đó để thanh toán với Sác-lơ Công-tơ: ông đập lại Sác-lơ Công-tơ bằng những phạm trù của chính Sác-lơ Công-tơ.

Sác-lơ Công-tơ - Pru-đông nói - xuất phất từ sự cần thiết của không khí, thức ăn và trong điều kiện khí hậu nhất định của quần áo, không phải là để sống mà là để không chấm dứt cuộc sống. Để duy trì sự sinh tồn của mình, người ta do đó (theo Sác-lơ Công-tơ) cần thường xuyên chiếm hữu các loại vật phẩm. Số lượng những vật phẩm này không ngang nhau.

"Ánh sáng của thiên thể, không khí và nước có một số lượng lớn đến nỗi người ta không thể tăng hoặc giảm chúng một cách rõ rệt, nên mỗi người cần bao nhiêu để thoả mãn nhu cầu của mình thì có thể lấy bấy nhiêu mà tuyệt nhiên không gây thiệt hại gì cho những người khác trong việc sử dụng những vật phẩm ấy"19.

Pru-đông lấy những quy định của chính Sác-lơ Công-tơ làm điểm xuất phát. Trước hết, ông chứng minh cho Sác-lơ Công-tơ thấy rằng ruộng đất cũng chính là cái cần thiết bậc nhất, cho nên phải để cho mỗi người đều có thể sử dụng nó nhưng phải trong những giới hạn mà Công-tơ đã vạch ra: "tuyệt nhiên không gây thiệt hại cho những người khác trong việc sử dụng nó". Đã như vậy thì sao ruộng đất lại trở thành tài sản tư hữu? Sác-lơ Công-tơ trả lời: vì số lượng ruộng đất không phải vô hạn. Song ông ta dường như phải rút ra kết luận ngược lại: vì số lượng ruộng đất có hạn nên nó không thể bị chiếm hữu. Chiếm hữu không khí và nước không gây thiệt hại cho ai cả vì những thứ đó bao giờ cũng thừa thãi, vì số lượng chúng là vô hạn. Trái lại, việc chiếm hữu ruộng đất một cách tuỳ ý gây thiệt hại cho người khác trong việc sử dụng ruộng đất chính vì số lượng ruộng đất có hạn. Cho nên việc sử dụng ruộng đất cần được điều chỉnh theo lợi ích của mọi người. Phương thức chứng minh của Sác-lơ Công-tơ chính đã chứng minh cái trái ngược với luận điểm của ông

"Sác-lơ Công-tơ - Pru-đông (tức Pru-đông phê phán) kết luận - xuất phát từ quan điểm cho rằng dân tộc có thể là người sở hữu ruộng đất; song nếu bản thân tài sản kéo theo nó quyền sử dụng và lạm dụng - jus utendi et abutendi re sua1* - thì cũng không thể thừa nhận là dân tộc có quyền sử dụng và lạm dụng ruộng đất".

Pru-đông thật không nói rằng quyền sở hữu "kéo theo nó" jus utendi et abutendi. Ông quá ư quần chúng hoá, nên không nói đến thứ quyền sở hữu sinh ra quyền sở hữu. Jus utendi et abutendi re sua chính là bản thân quyền sở hữu. Vì thế, Pru-đông phủ nhận thẳng thừng quyền sở hữu của nhân dân đối với lãnh thổ của mình. Đối với những ai cho rằng đấy là nói phóng đại, ông bác lại rằng trong mọi thời đại, từ quyền sở hữu dân tộc tưởng tượng ấy, người ta đã rút ra những cái như quyền bá chủ, thuế khoá, độc quyền vua chúa, tạp dịch, v.v..

Pru-đông thật phát triển ý kiến sau đây để phản đối Sác-lơ Công-tơ: Công-tơ muốn chứng minh tài sản ra đời như thế nào, nhưng ông bắt đầu từ chỗ đưa ngay dân tộc với tư cách là người sở hữu, ra làm tiền đề, nghĩa là ông rơi vào cái petitio principii2*.

Ông bắt nhà nước nhà nước bán ruộng đất, ông bắt chủ xí nghiệp mua ruộng đất ấy, nghĩa là ông đã lấy sẵn từ trước bản thân những quan hệ tài sản mà ông muốn chúng mình làm tiền đề.

Pru-đông phê phán đã lật đổ hệ thập phân của nước Pháp. Ông ta giữ lại đồng phrăng, nhưng lại thay đồng xăng-tim bằng đồng "kẽm".

"Khi tôi nhượng - Pru-đông (Pru-đông phê phán) nói thêm - một miếng đất thì không những tôi mất đi thu hoạch năm nay mà còn tước đoạt phúc lợi vĩnh viễn của con cháu tôi. Ruộng đất có giá trị không phải chỉ hiện nay, nó còn có giá trị tiềm tàng và tương lai".

Pru-đông thật không nói rằng ruộng đất có giá trị không những ngày nay mà cả ngày mai; ông so sánh giá trị trọn vẹn hiện có với giá trị tiềm tàng sau này, tức là giá trị tuỳ thuộc vào tài lợi dụng mảnh đất của mình. Ông nói:

"Các anh đem phá huỷ hoặc đem bán mảnh đất của anh thì cũng vậy thôi. Các anh không những sẽ mất một, hai hoặc nhiều vụ thu hoạch mà còn sẽ mất đi tất cả những sản phẩm mà các anh - các anh và con cháu các anh - có thể thu được từ mảnh đất ấy".

Đối với Pru-đông, điều quan trọng không phải là so sánh một vụ thu hoạch với phúc lợi vĩnh viễn (số tiền thu được nhờ một mảnh đất cũng có thể trở thành "phúc lợi vĩnh viễn" như tư bản) mà là so sánh giá trị hiện có với giá trị có thể thu được nhờ tiếp tục canh tác ruộng đất ấy.

"Giá trị mới - Sác-lơ Công-tơ nói - mà tôi đem lại cho vật phẩm bằng lao động của tôi là tài sản của tôi. Pru-đông" (Pru-đông phê phán) "định lật đổ luận điểm ấy như sau: Trong trường hợp đó, một khi ngừng lao động, người ta cũng không còn là người sở hữu nữa. Quyền sở hữu về sản phẩm dù sao cũng không thể kéo theo nó quyền sở hữu về những vật liệu tạo thành cơ sở của sản phẩm".

Pru-đông thật nói:

"Hãy cứ cho rằng người lao động có thể chiếm hữu sản phẩm lao động của mình; nhưng tôi không hiểu tại sao quyền sở hữu về sản phẩm phải kéo theo nó quyền sở hữu về vật chất. Phải chăng người đánh cá đánh được nhiều hơn so với những người đánh cá khác trên cùng một ven bờ sẽ nhờ đó mà trở thành người sở hữu giải đất anh ta đánh cá? Phải chăng người đi săn đã vì tài săn bắn mà đạt được quyền sở hữu về thú rừng của từng vùng? Tình hình cũng thế đối với nhà nông. Muốn biến chiếm hữu thành tài sản thì ngoài lao động đã tiêu phí, còn cần phải có một điều kiện khác; nếu không, một khi người ta không còn là người lao động nữa thì người ta cũng lập tức không còn là người sở hữu nữa".

Cessante causa, cessat effectus1*. Nếu người sở hữu chỉ với tư cách người lao động mới là người sở hữu thì một khi anh ta không còn là người lao động nữa, anh ta cũng lập tức không còn là người sở hữu nữa.

"Vì vậy, theo pháp luật, tài sản là do thời hạn hiệu lực tạo ra; lao động chỉ là dấu hiệu rõ rệt, hành vi vật chất mà sự chiếm hữu dựa vào để biểu hiện ra.

"Chế độ chiếm hữu vật phẩm thông qua lao động - Pru-đông nói tiếp - là trái ngược với pháp luật. Nếu những người bênh vực chế độ ấy khẳng định rằng họ dùng chế độ ấy để giải thích pháp luật thì họ tự mâu thuẫn với chính họ".

Sau nữa, theo cách nhìn đó, nếu nói, chẳng hạn, việc khai khẩn ruộng đất "sáng tạo ra quyền sở hữu đầy đủ về ruộng đất ấy" thì lập luận này cũng chẳng phải là cái gì khác mà là petitio principii. Kỳ thực, việc ấy chỉ sáng tạo ra năng lực sản xuất mới của vật chất mà thôi. Còn như nói do đó mà cũng sáng tạo ra quyền sở hữu về bản thân vật chất thì đó là điều cần phải chứng minh. Người ta không sáng tạo ra bản thân vật chất. Ngay cả đến năng lực sản xuất ấy hay năng lực sản xuất nào đó ra vật chất cũng chỉ được con người sáng tạo ra với điều kiện có sự tồn tại từ trước của bản thân vật chất.

Pru-đông phê phán biến Grắc-cút Ba-bớp thành chiến sĩ đấu tranh cho tự do, còn ở Pru-đông quần chúng thì Ba-bớp xuất hiện với tư cách là chiến sĩ đấu tranh cho bình đẳng (partisan de l'égalité).

Pru-đông phê phán tự đảm nhiệm lấy việc quy định nhuận bút phải trả cho Hô-me về tập thơ "I-li-át", nói rằng:

"Nhuận bút mà tôi trả cho Hô-me, phải ngang với cái mà ông ta cho tôi. Nhưng làm thế nào mà xác định giá trị của cái mà Hô-me cho chúng ta?".

Pru-đông phê phán quả thật quá ư coi thường những điều nhỏ nhặt trong khoa kinh tế chính trị nên không biết rằng giá trị của vật phẩm và cái mà vật phẩm ấy đem lại cho người khác là hai sự vật hoàn toàn khác nhau. Pru-đông thật nói:

"Nhuận bút của nhà thơ phải ngang với sản phẩm của anh ta, nhưng giá trị của sản phẩm đó như thế nào?"

Pru-đông thật nhận định rằng "I-li-át" có giá cả (hoặc giá trị trao đổi, prix) lớn vô hạn; còn Pru-đông phê phán thì quả quyết rằng nó có giá trị lớn vô hạn. Pru-đông thật so sánh giá trị của "I-li-át", tức giá trị theo ý nghĩa kinh tế chính trị của nó (valeur intrinsèque), với giá trị trao đổi của nó (valeur échangeable); còn Pru-đông phê phán lại so sánh "giá trị nội tại" của "I-li-át" tức giá trị của nó coi là anh hùng ca, với "giá trị để trao đổi" của nó.

Pru-đông thật nói:

"Không có một thước đo chung cho khen thưởng vật chất và tài năng. Về mặt này, tình cảnh của mọi người sản xuất đều như nhau. Do đó không thể có bất cứ sự so sánh nào giữa họ với nhau và bất cứ sự phân biệt nào về tài sản" ("Entre une récompense matérielle et le talent, it n'existe pas de commune mesure; sous ce rapport la condition de tous les producteurs est égale; conséquemment toute comparaison entre eux et toute distinction e fortunes est impossible").

Còn Pru-đông phê phán lại nói:

"Tình cảnh tương đối của những người sản xuất là giống nhau. Tài năng không thể đo bằng vật chất... Bất cứ sự so sánh nào giữa những người sản xuất với nhau và bất cứ sự phân chia bên ngoài nào về những người sản xuất đều không thể được".

Ở Pru-đông phê phán,

"nhà công tác khoa học phải cảm thấy rằng trong xã hội, mình là bình đẳng với tất cả mọi người khác, vì tài năng của anh ta và sự minh mẫn của anh ta đều chỉ là sản phẩm của sự minh mẫn của xã hội".

Không có chỗ nào Pru-đông thật nói đến cảm giác của người có tài năng. Ông nói rằng người có tài năng phải hạ xuống trình độ của xã hội. Ông tuyệt nhiên không quả quyết rằng người có tài năng chỉ là sản phẩm của xã hội. Trái lại, ông nói:

"Người có tài thúc đẩy bản thân mình được rèn luyện thành một công cụ hữu ích... Trong bản thân anh ta ẩn giấu người lao động tự do và tư bản xã hội đã được tích luỹ".

Pru-đông phê phán nói tiếp:

"Ngoài ra, anh ta phải cảm ơn xã hội là đã giải thoát anh ta khỏi mọi công việc khác và làm cho anh ta có thể dốc sức vào khoa học".

Không có chỗ nào Pru-đông thật cần đến sự cảm tạ của người có tài. Ông nói:

"Nhà nghệ thuật, nhà khoa học, nhà thơ đã nhận được thù lao công bằng là chính ngay việc xã hội cho phép họ chuyên tâm vào khoa học và nghệ thuật".

Cuối cùng, Pru-đông phê phán sáng tạo ra một phép mầu thực sự: ông ta buộc xã hội duy trì một vị "nguyên soái" trong 150 người lao động, do đó mà duy trì cả một quân đội. Ở Pru-đông thật, chính vị "nguyên soái" đó cũng chẳng to hơn anh "thợ rèn" (meréchal).

 



18 J.B.Say. "Traité d' économie politique". Xuất bản lần đầu tiên ở Pa-ri, năm 1803, Mác trích dẫn ở bản in lần thứ ba (1817).

1* - chúng ta bị cấm không được lấy ruộng đất, nước, không khí và lửa (diễn giải một công thức của lệnh trục xuất của La Mã thời cổ).

19 A.Smith. "An Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations". Xuất bản lần thứ nhất ở Luân Đôn năm 1776.

1* - quyền sử dụng và lạm dụng tài sản của mình

2* - một loạt sai lầm về lô-gich biểu hiện ở chỗ khi chứng minh một luận điểm nào đó, người ta lại dùng những căn cứ lý luận chỉ có hiệu lực trong điều kiện mà luận điểm đang chờ chứng minh ấy là chính xác.

1* - Nguyên nhân mất đi thì kết quả cũng mất theo.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt