Chủ nghĩa Marx

Gia đình thần thánh. Lời tựa

GIA ĐÌNH THẦN THÁNH – MỤC LỤC

 

C.MÁC VÀ PH. ĂNG-GHEN

 

GIA ĐÌNH THẦN THÁNH HAY LÀ

PHÊ PHÁN SỰ PHÊ PHÁN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN

Chống Bru-nô Bau-ơ và đồng bọn(1)

 

Do C.Mác và Ph. Ăng-ghen viết vào tháng Chín - tháng Mười một 1844

In thành sách riêng vào năm 1845 tại Phran-phuốc trên sông Mai-nơ

Ký tên: Phri-đrích Ăng-ghen và Các  Mác

 

In theo bản in xuất bản năm1845

Nguyên văn là tiếng Đức


 

LỜI TỰA

 


C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1995, tr. 13-14. | Nguyên văn tiếng Đức | Bản dịch tiếng Anh | Bản dịch tiếng Pháp.


 

 

Ở Đức, chủ nghĩa nhân đạo hiện thực không có kẻ thù nào nguy hiểm hơn chủ nghĩa duy linh tức chủ nghĩa duy tâm tư biện, là chủ nghĩa đem thay thế con người cá thể hiện thực bằng "tự ý thức" hoặc "tinh thần" và cùng với nhà truyền đạo, nó giảng dạy rằng: "Tinh thần đem lại sinh khí còn thể xác thì yếu đuối bất lực". Rõ ràng là cái tinh thần không có thể xác đó chỉ có lực lượng tinh thần, lực lượng trí tuệ trong óc tưởng tượng của nó thôi. Cái mà chúng tôi đấu tranh chống lại trong sự phê phán của Bau-ơ chính là tư biện tự tái sinh dưới hình thức biếm hoạ. Theo chúng tôi, nó là biểu hiện hoàn chỉnh nhất của nguyên tắc Cơ Đốc giáo Đức định giãy giụa lần cuối cùng bằng cách biến bản thân "sự phê phán" thành một lực lượng siêu nghiệm để tự khẳng định mình.

Bản trình bày của chúng tôi chủ yếu là nhằm vào "Allgemeine Literatur-Zeitung"2 của Bru-nô Bau-ơ mà chúng tôi đã có tám số đầu, vì trong đó có sự phê phán của Bru-nô Bau-ơ và do đó mọi sự bịa đặt ngu xuẩn của tư biện Đức nói chung đã đạt tới đỉnh cao nhất của nó. Sự phê phán có tính phê phán (sự phê phán của "Literatur-Zeitung") càng dùng triết học để xuyên tạc hiện thực đến tức cười như một vở đại hài kịch thì nó lại càng bổ ích cho chúng ta. Phau-sơSê-li-ga là một ví dụ: "Literatur-Zeitung" cung cấp cho chúng tôi những tài liệu có thể dùng để giúp đông đảo bạn đọc quan niệm được rõ rệt những ảo tưởng của triết học tư biện. Đấy cũng là mục đích của tác phẩm của chúng tôi.

Lẽ tất nhiên là phương pháp chúng tôi trình bày đối tượng phải phụ thuộc vào tính chất của bản thân đối tượng. Về mọi mặt, sự phê phán có tính phê phán đều thấp hơn trình độ phát triển của lý luận ở Đức. Vì vậy, tính chất của đối tượng nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tại sao ở đây, chúng tôi không bàn nhiều thêm về sự phát triển đó.

Hơn nữa: sự phê phán có tính phê phán buộc chúng tôi phải dùng bản thân những thành quả hiện đã đạt được để đối chiếu giản đơn với nó.

Vì vậy, theo chúng tôi, tác phẩm luận chiến này chỉ là lời mở đầu cho những tác phẩm riêng trong đó chúng tôi sẽ trình bày - dĩ nhiên là mỗi người sẽ trình bày riêng - quan điểm khẳng định của chúng tôi và do đó lập trường khẳng định của chúng tôi đối với các học thuyết triết học và xã hội hiện đại.

 

Pa-ri, tháng Chín 1844                   Ăng-ghen - Mác


 



(1) "Gia đình thần thánh, hay là Phê phán sự phê phán có tính phê phán. Chống Bru-nô Bau-ơ và đồng bọn" là tác phẩm đầu tiên do C.Mác và Ph. Ăng-ghen cộng tác viết ra. Tác phẩm này được viết vào khoảng tháng Chín đến tháng Mười một 1844 và xuất bản vào tháng Hai 1845 ở Phran-phuốc trên sông Mai-nơ.

"Gia đình thần thánh" là tên gọi hài hước đặt cho anh em Bau-ơ và bọn theo đuôi họ tụ tập quanh tờ "Allgemeine Literatur - Zeitung" ("Báo văn học phổ thông"). Trong cuốn sách này, Mác và Ăng-ghen đã bác bỏ anh em Bau-ơ và những người khác thuộc phái Hê-ghen trẻ (hoặc phải Hê-ghen tả), đồng thời cũng phê phán cả triết học duy tâm của chính Hê-ghen.

Ngay từ mùa hè 1842, khi thành lập ở Béc-lin cái gọi là "Phái tự do", Mác đã bất đồng ý kiến nghiêm trọng với phái Hê-ghen trẻ. Tháng Mười 1842 Mác biên tập cho báo "Rheinische Zeitung" ("Báo sông Ranh") là tờ báo mà hồi bấy giờ có một số phần tử thuộc phái Hê-ghen trẻ ở Béc-lin tham gia, Mác phản đối đăng trên báo này những bài trống rỗng và phù phiếm xa rời cuộc sống thực tế và chìm đắm trong cuộc tranh luận triết học trừu tượng do "Phái tự do" nêu ra. Trong hai mươi năm trời sau khi Mác đoạn tuyệt với "Phái tự do" thì sự bất đồng ý kiến về lý luận và chính trị giữa Mác, Ăng-ghen với phái Hê-ghen trẻ đã trở nên hết sức sâu sắc và không thể dung hoà được. Điều đó không những chứng tỏ rằng Mác và  Ăng-ghen đã chuyển từ chủ nghĩa duy tâm sang chủ nghĩa duy vật, từ chủ nghĩa dân chủ cách mạng sang chủ nghĩa cộng sản, mà còn nói lên rằng anh em Bau-ơ và bọn theo đuổi họ bấy giờ đã thoái hoá rồi. Trên tờ "Allgemeine Literatur-Zeitung", Bau-ơ và nhóm của y đã vứt bỏ "xu hướng cấp tiến năm 1842" và "Rheinische Zeitung" là tờ báo biểu hiện rõ nhất xu hướng cấp tiến đó; chúng đã rơi vào chủ nghĩa duy tâm chủ quan tầm thường và thối nát, cổ động cho thứ "lý luận" chủ trương rằng chỉ có những cá nhân kiệt xuất tức kẻ thể hiện "tinh thần", "sự phê phán thuần tuý" mới là người sáng tạo ra lịch sử, còn quần chúng, nhân dân dường như chỉ là một chất liệu thiếu sức sống, là vật trở ngại trong quá trình lịch sử.

Để bóc trần tư tưởng phản động có hại đó, để bảo vệ quan điểm duy nhất mới và cộng sản chủ nghĩa của mình, lần đầu tiên Mác và Ăng-ghen quyết định hợp tác viết quyển sách này.

Trong mười ngày Ăng-ghen lưu lại Pa-ri, hai ông đã định ra đề cương, chia xong các chương mục và cùng viết "Lời tựa" của quyển sách mà ban đầu được gọi là "Phê phán sự phê phán có tính phê phán. Chống Bru-nô Bau-ơ và đồng bọn". Trước khi rời Pa-ri, Ăng-ghen đã viết xong mấy chương mục mà mình đảm nhiệm. Mác đã gánh vác đại bộ phận cuốn sách, cho tới cuối tháng Mười một 1844 mới viết xong; mặt khác, để viết những chương mục được phân công, ông đã lợi dụng một phần bản thảo kinh tế - triết học mà ông viết vào xuân - hè năm 1844, đã lợi dụng những điều thu hoạch được trong việc nghiên cứu lịch sử cách mạng tư sản Pháp cuối thế kỷ XVIII và nhiều bút ký, trích yếu khác, nên đã vượt xa khuôn khổ ấn định cho cuốn sách. Trong quá trình in, Mác đã thêm vào tên sách mấy chữ "Gia đình thần thánh". Mục lục quyển sách này đã nói rõ những chương mục nào do Mác viết, những chương mục nào do Ăng-ghen viết. Quyển sách này khổ nhỏ, dày hơn 20 trang in, vì vậy căn cứ vào quy định thời bấy giờ của một số bang ở Đức, nó không bị cơ quan kiểm tra sách báo kiểm duyệt trước.

2 Allgemeine Literatur Zeitung" ("Báo văn học phổ thông") là tạp chí tiếng Đức ra hàng tháng, do B. Bau-ơ thuộc phái Hê-ghen trẻ chủ biên, phát hành ở Sác-lốt-ten-bua từ tháng Chạp 1843 đến tháng Mười 1844,

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt