Chủ nghĩa Marx

Giai cấp vô sản công nghiệp mỏ

TÌNH CẢNH CỦA GIAI CẤP LAO ĐỘNG Ở ANH - MỤC LỤC

 

TÌNH CẢNH CỦA GIAI CẤP LAO ĐỘNG Ở ANH.

 

Theo những sự quan sát của bản thân và

những nguồn đáng tin cậy

______________

 

GIAI CẤP VÔ SẢN CÔNG NGHIỆP MỎ

 


C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1995. Phiên bản điện tử: dangcongsan.vn | Nguyên bản tiếng Đức | Bản dịch tiếng Anh | Bản dịch tiếng Pháp.


 

 

Đối với một nền công nghiệp khổng lồ như ở nước Anh, việc khai thác nguyên liệu và nhiên liệu cũng đòi hỏi một số lượng công nhân rất lớn. Nhưng các loại nguyên liệu cần thiết cho công nghiệp, ngoài len do các khu vực nông nghiệp cung cấp, bản thân nước Anh chỉ khai thác được những khoáng sản: các kim loại và than đá. Vùng Coóc-nu-ay có những mỏ đồng, mỏ thiếc, mỏ kẽm và mỏ chì giàu có; ở Xtáp-phoóc-sia, miền Bắc Oen-xơ và những khu vực khác khai thác được nhiều sắt và hầu như cả miền Bắc và miền Tây Anh, miền Trung Xcốt-len và một số khu vực của Ai-rơ-len thì sản xuất rất nhiều than đá 1).

Coóc-nu-ay ngành công nghiệp mỏ có tới gần 19 000 đàn ông, 11 000 phụ nữ và trẻ con, một phần làm việc dưới hầm lò, một phần làm việc trên mặt đất. Làm việc ngay trong hầm mỏ thì hầu như toàn là đàn ông và con trai trên 12 tuổi - Theo "Báo cáo của Tiểu ban điều tra về lao động trẻ em", tình hình sinh hoạt vật chất của những công nhân ấy hình như cũng tương đối khá: và người Anh vẫn thường khoe khoang về những người thợ mỏ của mình ở Coóc-nu-ay tráng kiện, dũng cảm, khai thác những mạch mỏ thậm chí ở tận dưới đáy biển. Nhưng bản báo cáo lại đánh giá sức lực của những người ấy hơi khác. Bản báo cáo có nghiên cứu sâu sắc của bác sĩ Ba-rem đã vạch rõ rằng không khí ở đáy hầm mỏ rất thiếu dưỡng khí, có lẫn nhiều bụi và khói do dùng thuốc nổ, thở vào rất hại phổi, làm rối loạn hoạt động của tim và làm suy yếu các cơ quan tiêu hoá; rằng làm việc căng thẳng, nhất là phải leo lên và leo xuống thang, trong một số hầm mỏ ngay những đàn ông còn trẻ và khoẻ mạnh mỗi ngày trước và sau khi làm việc cũng phải mất hơn một giờ vào việc ấy, cũng góp phần quan trọng làm cho những bệnh tật nói trên phát triển, vì vậy nên những đàn ông, từ bé đã phải xuống hầm mỏ, còn xa mới được khoẻ mạnh bằng phụ nữ làm việc trên mặt đất; rằng nhiều người tuổi còn trẻ đã phải chết vì bệnh lao phổi cấp tính, còn đại đa số thì chết vì bệnh lao phổi mãn tính giữa tuổi thanh xuân; rằng công nhân đều già trước tuổi, khoảng từ 35 đến 45 tuổi đã mất khả năng lao động; rằng rất nhiều người vì leo thang mệt nhọc, mồ hôi nhễ nhại, đột nhiên từ trong hầm nóng chui ra, gặp khí lạnh trên mặt đất, các cơ quan hô hấp của họ vốn đã có bệnh, liền mắc luôn chứng viêm cấp tính, nhiều khi vì thế mà mất mạng. - Công việc đập quặng và phân loại quặng trên mặt đất, do những thiếu nữ và trẻ con làm được coi là rất tốt cho sức khoẻ vì được làm giữa không khí trong lành.

Chỗ giáp giới của Noóc-tơn-bớc-len và Đớc-am ở miền Bắc Anh có những mỏ chì An-xtơn-Mua giàu có. Những tài liệu nói về khu vực ấy- báo cáo của Mít-sen, uỷ viên tiểu ban trong "Báo cáo của Tiểu ban điều tra về lao động trẻ em" - hầu như hoàn toàn phù hợp với những tài liệu nói về Coóc-nu-ay. Ở đây cũng vạch ra tình hình thiếu dưỡng khí, không khí đầy bụi, khói thuốc nổ, than khí và khí sun-phua-rơ. Do đó thợ mỏ ở đây cũng như ở Coóc-nu-ay đều thấp bé và hầu hết đều mắc bệnh phổi từ năm 30 tuổi, khi người đã mắc bệnh vẫn cứ tiếp tục làm việc, hầu như đều thế cả, thì bệnh ấy cuối cùng sẽ chuyển thành bệnh lao phổi thực sự, và rút ngắn rất nhiều tuổi thọ trung bình của họ. Nếu thợ mỏ ở đây sống lâu hơn chút ít so với thợ mỏ ở Coóc-nu-ay, đó là vì tới 19 tuổi họ mới bắt đầu làm việc dưới hầm của hầm mỏ, trong khi đó ở Coóc-nu-ay, như chúng ta đã biết, họ bắt đầu từ 12 tuổi. Nhưng, theo lời các thầy thuốc thì ở đây đại đa số người cũng chết trong khoảng từ 40 đến 50 tuổi. Trong số 79 người thợ mỏ chết, ghi trong sổ đăng ký chính thức ở trong khu vực này, có 37 người chết vì lao phổi, 6 người chết vì hen suyễn, tuổi thọ trung bình của họ là 45. Ở mấy trung tâm dân cư gần đấy như: An-len-đên, Stan-hốp và Mít-đơn-tơn, tuổi thọ trung bình là 49, 48, 47, còn số chết vì bệnh phổi chiếm 48%, 54% và 56% tổng số người chết. Có điều đáng chú ý là những con số ấy chỉ tính những thợ mỏ đủ mười chín tuổi mới xuống hầm mỏ. Chúng ta hãy đem những con số ấy so sánh với cái gọi là những bảng thống kê Thuỵ Điển - những bảng thống kê tỉ mỉ về tình hình tử vong của toàn thể cư dân Thuỵ Điển - những bảng thống kê này vẫn được người nước Anh coi là tiêu chuẩn chính xác nhất để tính tuổi thọ trung bình của giai cấp công nhân Bri-ten. Theo những bảng ấy thì tuổi thọ trung bình của những người đàn ông tuổi ngoài mười chín là 57 tuổi rưỡi, như thế thì tuổi thọ của thợ mỏ miền Bắc Anh đã vì lao động mà bị rút ngắn trung bình là mười năm. Nhưng cũng không nên quên rằng những bảng thống kê Thuỵ Điển nêu tuổi thọ trung bình của công nhân, tức là nêu số tuổi của giai cấp vô sản có thể sống được trong những điều kiện sinh sống bất lợi của họ, tức là số tuổi thọ đã thấp hơn tuổi thọ trung bình bình thường. - Tại khu vực này, chúng ta cũng thấy những quán trọ và những nhà ngủ mà chúng ta đã biết ở các thành phố lớn; tình hình bẩn thỉu, hôi thối và chen chúc ở đây cũng không kém gì. Mít-sen đã thăm một gian buồng dài 18 phút, rộng 15 phút, bên trong có 14 chiếc giường xếp cái này chồng lên cái kia thành hai dãy như trên tàu thuỷ, cho 42 người đàn ông và 14 đứa trẻ con, tất cả 56 người ở. Không có lỗ thông hơi; mặc dù đã ba đêm không ai ngủ ở đấy mà gian buồng vẫn hôi thối và ngột ngạt đến nỗi ông Mít-sen không thể ở lại đó một phút nào. Vào một đêm hè nóng nực, nhét 56 người vào đó thì sẽ như thế nào! Đấy không phải là cái boong một chiếc tàu của một anh lái buôn nô lệ người Mỹ, mà là chỗ ở của "những người Bri-ten bẩm sinh tự do"!

Bây giờ chúng ta hãy nói đến những ngành quan trọng nhất của công nghiệp mỏ nước Anh - những mỏ sắt và mỏ than đá, mà "Báo cáo của Tiểu ban điều tra về lao động trẻ em" đã phân tích chung, đồng thời phân tích hết sức tỉ mỉ, đúng như tính chất quan trọng của vấn đề ấy đòi hỏi. Hầu hết phần thứ nhất của bản báo cáo nói về tình cảnh công nhân làm việc trong 2 ngành ấy. Ở trên, tôi đã mô tả kỹ về tình cảnh công nhân công nghiệp, cho nên bây giờ tôi có thể viết vắn tắt theo yêu cầu của khuôn khổ cuốn sách này.

Trong các mỏ than và mỏ sắt mà phương pháp khai thác đại thể giống nhau, đều sử dụng lao động của trẻ con 4 tuổi, 5 tuổi, 7 tuổi, nhưng đại đa số trên 8 tuổi. Công việc của chúng là vận chuyển quặng hoặc than đào được từ nơi khai thác đến các đường xe ngựa chở, hoặc đến mỏ chính, hoặc mở và đóng những cánh cửa thông từ bộ phận này sang bộ phận khác trong mỏ cho công nhân và quặng đi qua. Gác những cánh cửa ấy, phần nhiều là những đứa bé nhất, hàng ngày chúng phải ngồi một mình suốt 12 giờ trong những lối đi chật hẹp, tối om, thường là ẩm ướt, thậm chí không đủ việc làm để khỏi phải buồn chán đến mụ người đi vì nhàn rỗi. Ngược lại, công việc vận chuyển than và quặng sắt thì lại rất nặng nề, vì phải kéo những chiếc thùng khá lớn không có bánh xe, chất đầy than hay quặng sắt, trên những lối đi lồi lõm của các đường hầm phải lội qua bùn hoặc nước, phải leo dốc đứng và qua những ngách đi có khi chật đến nỗi phải bò mới qua được. Vì vậy, công việc nặng nhọc này do những con trai tương đối lớn tuổi và những con gái sắp thành niên cáng đáng. Tuỳ theo tình hình mỗi chiếc thùng đựng quặng hoặc do một công nhân lớn tuổi kéo, hoặc do hai đứa trẻ con, một đứa đi trước kéo, một đứa đi sau đẩy. Công việc đào quặng hay than, do những đàn ông hoặc những thanh niên trên 16 tuổi tương đối lực lưỡng làm, cũng hết sức mệt. - ngày làm việc thông thường dài 11 - 12 giờ, thường là dài hơn, ở Xcốt-len còn làm việc tới 14 giờ. Rất thường hay làm việc gấp đôi thời gian, do đó, mọi công nhân đều phải liên tục làm việc dưới đất suốt 24 giờ, có khi tới 36 giờ. Phần nhiều không có giờ nghỉ cố định để ăn, cho nên công nhân chỉ được ăn lúc thật đói và khi nào tranh thủ được một chút thì giờ rỗi.

Tình cảnh bên ngoài của thợ mỏ được miêu tả nói chung là tương đối sung túc, tiền lương của họ được xem là thậm chí cao hơn lương các công nhân nông nghiệp những vùng xung quanh (số công nhân này thực ra là bị đói): trừ một vài vùng ở Xcốt-len và khu mỏ than Ai-rơ-len là nơi hết sức nghèo đói. Chúng ta còn có dịp bàn lại cách đánh giá ấy về tình cảnh của công nhân mỏ, cách đánh giá ấy vả chăng chỉ là so sánh với tình cảnh giai cấp nghèo khổ nhất của cả nước Anh. Bây giờ, chúng ta hãy nghiên cứu những hậu quả tai hại mà phương pháp khai thác mỏ hiện nay đã tạo nên, rồi độc giả sẽ phán đoán xem có thể có tiền lương nào đền bù được những nỗi khốn khổ mà công nhân phải chịu đựng.

Những nhi đồng và thiếu niên chuyển quặng sắt và than đá đều kêu là công việc quá mệt nhọc. Ngay trong những công xưởng bóc lột công nhân tàn khốc nhất, chúng ta cũng chưa bao giờ thấy tình hình kiệt sức phổ biến và cao độ đến như thế. Mỗi trang của bản báo cáo đều nêu ra nhiều ví dụ. Người ta thường thấy những trẻ con hễ về đến nhà là lăn ra nền nhà lát đá bên bếp lò ngủ luôn, thậm chí chúng không thể ăn uống được gì, cha mẹ chúng phải bế chúng đang ngủ đi rửa ráy và đặt lên giường. Thường có lúc mệt quá chúng ngã lăn ra và ngủ ngay giữa đường, đến khuya cha mẹ chúng đi tìm và đưa chúng đang mê ngủ về nhà. Thông thường có lẽ cứ đến ngày chủ nhật là chúng dùng một phần lớn thời gian để ngủ, nhằm lấy một chút ít sức lực sau một tuần lễ làm việc mệt lử. Chỉ một số ít trẻ con đến nhà thờ và trường học, các thầy giáo thường than phiền rằng chúng luôn luôn ở tình trạng ngái ngủ và rất đần độn, mặc dù chúng rất thích học. Tình hình các cô gái và phụ nữ cũng như vậy. Người ta bắt họ phải lao động quá sức một cách vô cùng tàn nhẫn. Tất nhiên sự mệt lử đến đau đớn quá độ như thế, không thể không ảnh hưởng tới cơ thể của người công nhân. Hậu quả đầu tiên của lao động quá mức ấy là các bắp thịt phát triển không đều, tức là các bắp thịt tay, chân, lưng, vai và ngực, chủ yếu phải dùng sức lúc kéo và đẩy thì phát triển quá mức thường, còn các bộ phận khác của thân thể thì lại kém phát triển vì thiếu chất dinh dưỡng. Trước hết là cơ thể không lớn được hay lớn lên chậm: hầu hết thợ mỏ tầm vóc đều bé nhỏ, trừ những thợ mở ở Uơ-uých-sia và Lê-xtơ-sia được làm việc trong những điều kiện đặc biệt thuận lợi hơn. Sau nữa là tuổi dậy thì của con trai và con gái rất chậm, ở con trai thường muộn tới 18 tuổi. Uỷ viên tiểu ban Xai-mơn-xơ đã gặp một thanh niên 19 tuổi mà các bộ phận trong cơ thể, trừ hàm răng, chỉ phát triển như một đứa trẻ 11-12 tuổi. Sự kéo dài thời kỳ thơ ấu ấy, về thực chất, chỉ là kết quả của sự phát triển bị trở ngại và tất nhiên có hậu quả về sau. Trong những điều kiện như thế và trong tình hình cơ thể suy yếu như vậy, nhất là với tư thế luôn luôn gò bó khi lao động, những hậu quả phổ biến, nhất là: cẳng chân cong, đầu gối khẳng khiu, bàn chân chữ bát, cột sống vẹo và những tật khác; những tật ấy phổ biến đến mức là vô luận ở Y-oóc-sia, ở Lan-kê-sia hay ở Noóc-tơm-bớc-len và Đớc-am nhiều người, trong đó có thày thuốc, đã nhất trí xác nhận rằng chỉ cần nhìn thân hình con người là có thể nhận ra ngay ai là thợ mỏ trong đám hàng trăm công nhân. Đặc biệt là phụ nữ bị lao động ấy làm hại nhiều nhất; thân thể họ ít khi được hoàn toàn bình thường, nói cho đúng hơn, hầu như không bao giờ hoàn toàn bình thường. Bản báo cáo cũng đưa nhiều bằng chứng nói lên rằng lao động trong các mỏ và các hầm mỏ đã làm cho cấu tạo xương chậu của phụ nữ trở nên không bình thường, do đó sinh đẻ khó, thậm chí có khi chết. Ngoài những tật loại ấy ra, công nhân mỏ than còn mắc rất nhiều bệnh nghề nghiệp mà các công nhân mỏ khác cũng mắc phải; rất dễ thấy nguyên nhân trong điều kiện lao động của họ. Trước hết là các bệnh đường ruột: ăn không ngon; phần nhiều bị đau bụng, lợm giọng và nôn mửa, đồng thời khát nước dữ dội, nhưng để giải khát, họ chỉ có thứ nước bẩn, thường là hơi âm ấm ở trong mỏ. Hoạt động của bộ máy tiêu hoá bị phá hoại, do đó mở đường cho các thứ bệnh khác sinh sôi nảy nở. Theo lời làm chứng của nhiều người thì công nhân mỏ than thường bị các bệnh  về tim, như tim mở to, viêm tim, viêm màng tim, mạch thông tâm thất và động mạch chủ bị co lại; nguyên nhân những bệnh ấy là lao động quá mức độ. Bệnh thoát vị hầu như phổ biến, và là hậu quả trực tiếp của việc các bắp thịt bị căng thẳng quá độ. Phần thì do bắp thịt bị căng thẳng quá độ, phần thì do trong hầm mỏ không khí đầy bụi cùng những khí các-bô-ních và khí mỏ (lẽ ra ở đây dễ tránh) do đó sinh ra nhiều bệnh phải đau đớn và nguy hiểm, nhất là bệnh suyễn; ở một vài khu vực, bệnh này đã xuất hiện trong đại đa số thợ mỏ than vào khoảng bốn mươi tuổi, ở một số khu vực khác ngay từ ba mươi tuổi, khiến họ mất năng lực lao động rất nhanh. Đương nhiên là hiện tượng tức thở bắt đầu sớm hơn nhiều ở những công nhân làm việc trong những hầm mỏ ẩm ướt; một vài nơi ở Xcốt-len, công nhân mắc bệnh tức thở giữa khoảng 20 đến 30 tuổi, là tuổi mà phổi bị bệnh rất dễ nhiễm chứng viêm và chứng sốt nóng. Một thứ bệnh nghề nghiệp của những công nhân ấy là bệnh đờm đen (black spittle) sinh ra do bụi than nhỏ li ti lọt vào phổi; triệu chứng của bệnh là suy nhược toàn thân, nhức đầu, khó thở, khạc đờm đặc và đen. Ở một vài nơi bệnh này tương đối nhẹ, nhưng ở một số nơi khác, nhất là ở Xcốt-len, thì nó lại là bệnh không thể chữa được; ở đấy, ngoài các triệu chứng kể trên biểu hiện nặng hơn, còn có những triệu chứng khác như: hơi ngắn có tiếng rít, mạch đập nhanh (hơn 100 lần mỗi phút), ho nhát gừng; bệnh nhân ngày càng gầy yếu, mất năng lực lao động nhanh. Ở Xcốt-len, mắc bệnh này bao giờ cũng chết. Theo lời bác sĩ Mác-Ken-la ở Pen-cai-tlen, I-xtơ-Lô-thi-an, thì ở tất cả các hầm mỏ có thiết bị thông gió tốt, nói chung không thấy có thứ bệnh ấy, nhưng những công nhân đang ở những mỏ có thiết bị thông gió tốt, chuyển đến làm việc ở các mỏ thiết bị thông gió kém thì lại hay mắc phải bệnh ấy. Như vậy là tình hình phổ biến của bệnh này chỉ nên quy tội cho các chủ hầm mỏ tham lợi không chịu đặt thiết bị thông gió tốt. Bệnh tê thấp cũng là chứng bệnh chung của tất cả các công nhân mỏ, trừ các công nhân mỏ than Uơ-uých-sia và Lê-xtơ-sia, và phần nhiều là do nơi làm việc ẩm thấp gây nên.- Kết quả của các chứng bệnh ấy là thợ mỏ ở khắp các khu vực, không trừ một nơi nào, đều già rất sớm, và từ 40 tuổi - có khu sớm hơn, có khu muộn hơn đôi chút - đã không thể làm việc được nữa. Rất ít thấy thợ mỏ có thể tiếp tục làm việc đến 45 hoặc 50 tuổi. Theo các tài liệu chứng minh tổng quát thì công nhân mỏ cứ đến 40 tuổi là già. Đó là nói về những công nhân đào than; còn những công nhân bốc vác, thường xuyên phải khuân những tảng than nặng xếp vào thùng, thì từ 28-30 tuổi đã trở nên già, cho nên ở các khu mỏ than có câu ngạn ngữ rằng: Công nhân bốc than, chưa kịp trẻ đã già rồi. Công nhân mỏ than già sớm như vậy, tất nhiên cũng chết sớm, vì vậy rất ít gặp người già 60 tuổi trong bọn họ; ngay trong các mỏ ở miền Nam Xtáp-phoóc-sia thiết bị khá hơn nhiều, cũng chỉ có một số ít người sống được đến tuổi sáu mươi. - Công nhân già trước tuổi như vậy, nên tất nhiên là ở đây cũng như ở công xưởng, thường thấy những cha mẹ thất nghiệp phải sống nhờ vào con của mình nhiều khi còn rất bé, - Nếu tóm tắt sơ lược những hậu quả do lao động ở mỏ than gây nên, chúng ta có thể tán thành lời nói của bác sĩ Xao-vu-đơ Xmít, một trong các uỷ viên tiểu ban: một mặt do thời kỳ thơ ấu kéo dài, mặt khác do tuổi già đến sớm mà rút ngắn rất nhiều quãng đời sung sức nhất của con người, và tuổi thọ thường bị giảm đi vì chết yểu. Tất cả cái đó cũng phải ghi vào khoản nợ của giai cấp tư sản!

Hết thảy những điều nói trên chỉ là tình hình trung bình của các mỏ nước Anh. Nhưng có nhiều mỏ trong đó điều kiện làm việc còn tồi tệ hơn rất nhiều, nhất là ở các mỏ khai thác những lớp than mỏng. Khi đào than mà lấy đi một phần các lớp cát và đất sét dính vào than thì giá than đắt quá; cho nên chủ mỏ chỉ cho đào mạch than, không cho đụng đến cát và đất sét; những đường hầm ở nơi khác thường cao 4 - 5 phút hoặc hơn chút đỉnh thì ở đây thấp đến nỗi không thể đứng được. Công nhân đành phải nằm nghiêng, tì khuỷu tay xuống đất mà cuốc than. Tư thế ấy gây nên sưng khớp xương khuỷu tay, và khi công nhân phải quỳ mà làm việc thì bị sưng khớp xương đầu gối. Phụ nữ và trẻ con kéo than, họ dùng dây và xích, đôi khi luồn qua háng, bò hai chân hai tay kéo những thùng than, còn người ở phía sau phải đẩy bằng đầu và tay. Việc đẩy bằng đầu làm tấy lên từng chỗ, gây nên những khối u và ung nhọt. Ngoài ra phần nhiều các đường hầm đều ẩm ướt, công nhân phải bò lết trong nước bẩn hoặc nước mặn, sâu tới vài pu-sơ, nên da họ bị lở loét. Rất dễ hình dung được rằng thứ lao động bị bắt buộc khủng khiếp ấy làm cho những bệnh hoạn vốn đã có ở công nhân mỏ, dễ dàng phát triển như thế nào.

Nhưng tai họa đổ xuống đầu người công nhân mỏ đâu phải chỉ có thế. Trong toàn Vương quốc Bri-ten không có ngành lao động nào mà tính mệnh công nhân bị đe doạ thường xuyên như ở đây. Mỏ than là nơi xảy ra rất nhiều tai nạn khủng khiếp nhất, và những tai nạn khủng khiếp ấy đều do lòng tham không đáy của giai cấp tư sản gây nên. Trong hầm mỏ thường có khí mỏ bay ra, khí ấy hỗn hợp với không khí, tạo thành một thứ khí nổ, hễ tiếp xúc với lửa là nổ, giết chết những người ở quanh đấy. Những vụ nổ như thế, lúc ở chỗ này, lúc ở chỗ khác, hầu như xảy ra hàng ngày. Ngày 28 tháng Chín 1844, trong hầm mỏ Ha-xơ-oen ở Đớc-am đã xảy ra một vụ nổ làm chết 96 người. Ngoài ra trong hầm mỏ còn bay ra rất nhiều thán khí, tích tụ ở những chỗ thấp nhất, thường cao hơn đầu người, ai vào đấy là chết ngạt. Lẽ ra những cánh cửa ngăn các bộ phận trong hầm mỏ có thể ngăn không cho các vụ nổ lan tràn và các khí độc di chuyển, nhưng vì người gác cửa là trẻ con, chúng thường ngủ quên hoặc lơ đễnh với trách nhiệm cho nên cách đề phòng ấy chẳng qua là hữu danh vô thực mà thôi. Nếu dùng giếng thông gió để cho không khí trong hầm mỏ lưu thông thì rất có thể loại trừ được tác dụng nguy hại của hai chất khí ấy, nhưng bọn tư sản đời nào lại bỏ tiền làm việc đó, họ chỉ khuyên công nhân sử dụng đèn Đê-vi, nhưng loại đèn này ánh sáng yếu ớt, chẳng được tích sự gì cho công nhân, nên họ đành phải dùng nến thường. Nếu xảy ra một vụ nổ thì dĩ nhiên người ta đổ tại công nhân cẩu thả, trong khi ấy nếu bọn tư sản chịu làm tốt thiết bị thông gió thì hầu như không thể xảy ra các vụ nổ được. Thứ nữa, lúc nào cũng có thể xảy ra tai nạn sụp toàn bộ hoặc từng phần đường hầm, chôn vùi công nhân hoặc làm họ trở thành tàn phế; điều mà bọn tư sản quan tâm là phải dốc sức đào hết nhẵn than trong mạch than, đó là nguyên do gây nên những vụ sụt lở ấy. Hơn nữa, những dây thừng công nhân dùng để xuống hầm mỏ thường rất xấu và bị đứt, những công nhân bất hạnh ấy rơi tuột xuống đáy hầm mỏ, thịt nát xương tan. Tất cả những tai nạn ấy - vì khuôn khổ cuốn sách có hạn, tôi không thể dẫn ra từng ví dụ một, - theo thống kê của tờ "Mining Journal",117 mỗi năm đã cướp đi khoảng 1400 mạng người. Tờ "Manchester Guardian" đưa tin, chỉ riêng ở Lan-kê-sia mỗi tuần ít nhất cũng xảy ra hai hoặc ba vụ. Ở hầu hết mọi khu, những bồi thẩm có nhiệm vụ xác minh nguyên nhân chết người đều lệ thuộc vào các chủ mỏ nhưng ngay trong trường hợp không phải như thế thì sự xét xử cũng vẫn chỉ làm chiếu lệ:"chết vì tai nạn". Ngoài ra các viên bồi thẩm rất ít khi chú ý đến tình hình hầm mỏ, vì họ có hiểu gì đâu. Nhưng "Báo cáo của Tiểu ban điều tra về lao động trẻ em" không chút do dự quy trách nhiệm cho các chủ mỏ về đa số những tai nạn ấy.

Còn về mặt phát triển trí dục và đạo đức của công nhân mỏ thì theo "Báo cáo của Tiểu ban điều tra về lao động trẻ em", tình hình ở Coóc-nu-ay về hai mặt ấy có khá, và ở Ôn-xtơ-Mua thậm chí còn trội hẳn; nhưng ở các khu mỏ than thì cả trình độ trí dục và trình độ đạo đức nói chung rất thấp. Công nhân sống ở nông thôn, ở những vùng hẻo lánh và miễn là họ làm xong công việc nặng nhọc của họ, rồi thì ngoài cảnh sát ra, chẳng có ai quan tâm đến họ nữa. Do đó và đồng thời vì trẻ con phải đi làm từ khi tuổi còn rất nhỏ nên trình độ trí dục của họ hết sức thấp. Trường phổ thông thì chúng không được vào học, còn trường buổi tối và trường ngày chủ nhật thì chẳng ra gì, vì thầy giáo chẳng được tích sự gì. Bởi vậy rất ít người biết đọc, số người biết viết lại càng ít hơn. Theo lời chứng minh của các uỷ viên tiểu ban thì điều duy nhất họ hiểu được là tiền lương mà họ phải làm việc vất vả và nguy hiểm để đổi lấy, rất ít ỏi. Họ không bao giờ hoặc chỉ thỉnh thoảng mới đi nhà thờ; tất cả các mục sư đều trách họ là rất thiếu lòng mộ đạo. Thật ra họ tỏ ra quá kém hiểu biết về các vấn đề tôn giáo và trần thế đến nỗi mức kém hiểu biết của những công nhân công nghiệp mà tôi đã thuật ở trên chưa thấm vào đâu. Họ chỉ có những khái niệm về tôn giáo trong lời chửi rủa, đạo đức của họ bị bản thân những điều kiện lao động của họ phá huỷ. Rõ ràng là sự mệt nhọc quá mức của tất cả công nhân mỏ tất nhiên đẩy họ đến rượu chè. Về quan hệ nam nữ thì nên biết rằng vì trong hầm mỏ rất nóng nên đàn ông, đàn bà, trẻ con nhiều khi làm việc hoàn toàn trần truồng, và đại đa số trường hợp là không che đậy gì cả. Trong những đường hầm ở mỏ vắng vẻ, tối om, tình trạng ấy dẫn đến hậu quả ra sao thì ai cũng có thể tưởng tượng được. Số con ngoài giá thú nhiều vô cùng, điều này đã nói lên một cách hết sức rõ ràng ở đây giữa những con người nửa dã man ấy, đã xảy ra những chuyện gì; nhưng nó cũng chứng tỏ rằng ở đây quan hệ tình dục ngoài giá thú chưa đến nỗi trở thành nạn mại dâm như ở các thành phố. Lao động của người phụ nữ ở đây cũng có những hậu quả như ở các công xưởng; nó phá hoại gia đình, làm cho người phụ nữ hoàn toàn mất khả năng thực hiện nghĩa vụ làm mẹ và nhiệm vụ nội trợ của họ.

Khi bản "Bản cáo của Tiểu ban điều tra về lao động trẻ em" được trình bày ở nghị viện, huân tước Ê-sli vội vàng đưa ngay ra một bản dự luật tuyệt đối cấm dùng phụ nữ làm việc trong hầm mỏ và hạn chế nghiêm ngặt việc dùng lao động trẻ em. Đạo luật đã được thông qua118, nhưng ở phần nhiều các vùng nó vẫn còn là một mớ giấy loại, vì người ta không bổ nhiệm ngay cả những viên thanh tra mỏ để giám sát việc thi hành đạo luật đó. Ngoài ra ở những khu nông thôn có hầm mỏ thì trốn tránh đạo luật ấy vốn đã rất dễ dàng. Vì vậy không có gì lạ khi thấy liên đoàn thợ mỏ, năm ngoái đã chính thức báo cho bộ trưởng Bộ nội vụ biết là có hơn 60 phụ nữ làm việc ở mỏ của công tước Ha-min-tơn ở Xcốt-len, và khi thấy báo "Manchester Guardian" đăng tin một người con gái bị chết trong một vụ nổ ở hầm mỏ gần Uy-gan, nếu tôi không nhầm, thì chẳng còn ai chú ý đến việc một hành động phạm pháp bị phơi bày như thế. Trong một số trường hợp cá biệt có lẽ đạo luật được tuân theo nhưng nói chung thì mọi việc vẫn còn như cũ.

Nhưng nỗi đau khổ của người công nhân mỏ không phải chỉ có thế. Giai cấp tư sản vẫn còn chưa thoả mãn về việc nó đang huỷ hoại sức khoẻ của họ khiến tính mệnh họ hàng giờ hàng phút bị đe doạ, và cướp hết của họ khả năng tiếp thu một chút giáo dục nào đó, lại còn bóc lột họ với những phương thức bỉ ổi nhất. Ở đây, chế độ trả lương bằng hàng hoá không phải là điều ngoại lệ mà là lệ thường, và được áp dụng một cách trắng trợn nhất. Chế độ cốt-ta-giơ được áp dụng rộng rãi ở đây, phần nhiều là cần thiết, nhưng nó cũng được dùng để tăng cường hơn nữa sự bóc lột công nhân. Ngoài ra công nhân còn bị đủ mọi phương pháp lừa đảo khác: than bán ra thì tính theo trọng lượng, nhưng tiền lương công nhân thì phần lớn lại trả theo khối lượng, và nếu sọt than của anh ta chưa đầy hẳn thì anh ta không nhận được một đồng tiền công nào, nhưng chở nhiều hơn thì lại chẳng được thêm đồng nào. Nếu đá sỏi của mỗi sọt than vượt quá lượng quy định thì người công nhân ấy không những hoàn toàn không được trả lương mà còn bị phạt, nhưng đá sỏi nhiều do lỗi công nhân ít hơn là do chất lượng của mạch than. Nói chung ở các mỏ than, chế độ phạt tiền tinh vi đến nỗi có khi một anh chàng khốn khổ sau khi lao động cả một tuần lễ, đến lĩnh lương, thì được đốc công - đốc công thích phạt thì phạt, chẳng cần báo trước cho công nhân rõ - cho biết rằng anh ta không những không được lĩnh đồng lương nào, mà còn phải nộp bao nhiêu tiền phạt nữa! Nói chung đốc công độc đoán trong việc giải quyết tiền lương; nó ghi nhận việc đã làm, rồi tuỳ ý muốn trả cho công nhân bao nhiêu thì trả, người công nhân bắt buộc phải tin vào lời hắn nói. Ở một số mỏ tính tiền lương theo trọng lượng thì người ta dùng những cái cân thập phân không chính xác, quả cân không cần phải qua kiểm nghiệm của các nhà đương cục; thậm chí ở một mỏ còn đặt lệ rằng nếu công nhân muốn khiếu nại cân không đúng thì phải báo cho đốc công biết trước ba tuần lễ! Ở nhiều vùng, nhất là ở miền Bắc Anh, còn có tục lệ thuê công nhân cả năm; trong suốt năm ấy, người công nhân không được làm cho chủ nào khác, nhưng người chủ thì lại không cam kết phải cho họ có việc làm, thành thử có khi cả tháng họ không có việc làm, mà nếu muốn đi nơi khác tìm công việc thì lại bị buộc vào tội tự ý bỏ việc và bị tống giam sáu tuần lễ vào nhà tù. Một số hợp đồng khác bảo đảm cho công nhân cứ hai tuần lễ được 26 si-linh tiền lương, nhưng lại không được thực hiện. Ở một vài khu, chủ mỏ cho công nhân vay một số tiền nhỏ và bắt họ phải làm việc để trừ, như vậy là buộc họ theo mình. Ở miền Bắc còn có cái tục lệ thường xuyên giữ của công nhân một tuần lễ tiền lương không phát để ràng buộc công nhân mỏ với mỏ. Tình hình kể dưới đây làm cho những công nhân bị ràng buộc ấy hoàn toàn sa xuống địa vị nô lệ: trong hầu hết các thẩm phán hoà giải thì cũng là bạn bè thân thích của chủ mỏ, và họ có quyền hành hầu như vô hạn ở những vùng nghèo nàn lạc hậu ấy, ở những nơi rất ít báo chí,  - vả lại báo chí cũng chỉ phục vụ giai cấp thống trị thôi, - còn công tác cổ động chính trị thì rất yếu. Thậm chí khó mà hình dung được những thẩm phán hoà giải ấy sử dụng quyền xét xử mưu lợi cho chúng, đã bóc lột và ức hiếp những công nhân mỏ bất hạnh ấy như thế nào.

Tình hình này đã diễn ra một thời gian dài. Người công nhân mỏ chỉ biết một điều là mình sống trên thế giới này chỉ để cho người ta róc xương róc thịt mình. Nhưng trong bọn họ, trước tiên là ở những khu công xưởng là nơi mà sự tiếp xúc với những công nhân công xưởng giác ngộ cao hơn không thể không ảnh hưởng đến họ, đã dần dần xuất hiện tinh thần phản kháng chống sự áp bức bỉ ổi của bọn "vua than". Công nhân mỏ bắt đầu tổ chức những liên đoàn, đôi lúc tổ chức bãi công. Ở những vùng văn hoá khá hơn, thậm chí họ còn toàn tâm tham gia phong trào Hiến chương. Nhưng khu mỏ than lớn ở Bắc Anh hoàn toàn cách biệt với cuộc sống công nghiệp thì luôn luôn lạc hậu so với trào lưu chung; cho đến năm 1843, sau nhiều lần cố gắng của phái Hiến chương và của bản thân những người công nhân mỏ tương đối giác ngộ, tinh thần phản kháng chung mới được thức tỉnh rộng rãi. Công nhân ở Noóc-tơm-bớc-len và ở Đớc-am cũng hoàn toàn bước vào phong trào và đã dẫn đầu phong trào trong một tổng liên đoàn thợ mỏ than toàn Đại Bri-ten, đồng thời mời luật sư V.P.Rô-bớt ở Bri-txơn, một người thuộc phái Hiến chương làm "người tổng đại diện" của họ, ông này đã nổi tiếng quá nhiều vụ án trước kia của phái Hiến chương, Liên đoàn ấy phát triển rất nhanh chóng tới đại bộ phận các khu, cử đại diện ở khắp nơi, những người này triệu tập các cuộc họp, kết nạp đoàn viên. Cho đến khi có đại hội đại biểu lần thứ nhất tháng Giêng 1844 ở Man-se-xtơ, liên đoàn đã có hơn 6 vạn đoàn viên, nửa năm sau, đến đại hội đại biểu lần thứ hai triệu tập ở Gla-xgô thì số đoàn viên đã vượt quá 10 vạn người. Hai lần đại hội đại biểu ấy đã thảo luận mọi vấn đề về công nhân mỏ than và đã có những nghị quyết về vấn đề bãi công quy mô lớn. Nhiều báo chí mới xuất bản định kỳ được sáng lập để bảo vệ quyền lợi của công nhân mỏ, nhất là tờ nguyệt san "The Minefr's Advocate" ở Niu-cát-xơn trên sông Tai-nơ.

Ngày 31 tháng Ba 1844, tất cả các bản hợp đồng thuê công nhân mỏ than ở Noóc-tơm-bớc-len và Đớc-am đều hết hạn. Họ liền uỷ thác cho Rô-bớc thảo ra một bản hợp đồng mới, đề ra những yêu sách như sau: 1) trả công theo trọng lượng, chứ không theo khối lượng; 2) khi cần phải dùng bàn cân và quả cân thường, đã được viên thanh tra của chính phủ kiểm nghiệm; 3) thời hạn thuê là nửa năm; 4) bãi bỏ chế độ phạt tiền và trả lương cho toàn bộ công việc đã làm được; 5) phía chủ mỏ có nghĩa vụ bảo đảm cho các công nhân chuyên làm việc cho họ ít nhất 4 ngày lao động mỗi tuần hoặc bảo đảm cho họ có 4 ngày tiền lương mỗi tuần. Họ gửi bản hợp đồng ấy cho các vua than và cử một đoàn đại biểu đi đàm phán. Nhưng các chủ mỏ trả lời rằng: đối với họ, không có liên đoàn thợ mở than nào cả, họ chỉ biết từng công nhân một, còn liên đoàn thì không bao giờ họ thừa nhận. Về phía chủ mỏ, cũng đưa ra một bản dự thảo hợp đồng khác không hề đả động gì đến mấy điểm nói trên và đương nhiên là công nhân cự tuyệt. Thế là đôi bên tuyên chiến với nhau. Ngày 31 tháng Ba 1844, 4 vạn công nhân mỏ than hạ cuốc và tất cả các hầm mỏ của cả hai tỉnh đều không một bóng người. Nguồn của cải của liên đoàn khá lớn: trong mấy tháng liền, mỗi gia đình mỗi tuần lễ có thể được lĩnh tới 2 si-linh rưỡi tiền trợ cấp. Trong lúc công nhân dùng phương pháp ấy để thử thách lòng kiên nhẫn của các chủ mỏ, thì Rô-bớt không quản mệt nhọc vất vả, đi tổ chức bãi công và tiến hành cổ động, triệu tập những cuộc họp, chạy đông chạy tây khắp nước Anh, quyên tiền giúp công nhân bãi công, kêu gọi bình tĩnh và tôn trọng pháp luật, đồng thời mở thêm một cuộc đấu tranh chưa từng thấy ở Anh chống các thẩm phán hoà giải độc đoán và các nhà kinh doanh thực hành chế độ trả lương bằng hàng hoá. Cuộc đấu tranh ấy được tiến hành ngay từ đầu năm. Mỗi khi một công nhân mỏ than bị thẩm phán hoà giải kết án thì Rô-bớt đến ngay Toà án hoàng gia119 xin một bản Habeas Corpus120, dẫn khách hàng của mình đến Luân Đôn và bao giờ kết quả cũng là trắng án. Ví dụ như ngày 13 tháng Giêng, thẩm phán Uy-li-am ở Toà án hoàng gia tuyên bố trắng án cho ba công nhân mỏ than bị thẩm phán hoà giải ở Bin-xtơn (Nam Xtáp-phoóc-sia) kết án; họ bị kết tội không chịu làm việc ở một nơi có nguy cơ bị sụp, và khi họ vừa đi nơi khác thì chỗ đó sụp thật! Trước đó thẩm phán Pát-tơ-xơn đã tuyên bố trắng án cho sáu công nhân, bởi thế cái tên Rô-bớt đã trở thành mối hãi hùng cho bọn thẩm phán hoà giải kiêm chủ hầm mỏ. Ở Pre-xtơn, bốn khách hàng của Rô-bớt bị bỏ tù, đầu tháng Hai Rô-bớt đến nơi ấy điều tra việc này, nhưng khi ông tới nơi thì bốn công nhân ấy đã được thả trước khi hết hạn. Ở Man-se-xtơ bảy người bị giam; Rô-bớt liền xin được một bản Habeas Corpus và thẩm phán Oai-tơ-man phải tuyên bố trắng án. Tại Pre-xcốt có chín công nhân mỏ than bị truy tố về tội phá hoại an ninh ở Xanh Hê-len (Nam Lan-kê-sia) và bị tống giam, đợi ngày kết án; khi Rô-bớt vừa tới thì họ được thả ngay. Tất cả những việc trên xảy ra vào nửa đầu tháng Hai. Tháng Tư Rô-bớt lại dùng phương pháp ấy giải phóng được một công nhân mỏ bị giam ở Đớc-bi, bốn công nhân ở Uếc-cơ-phin (Y-oóc-sia) và bốn công nhân ở Le-xtơ. Tình hình tiếp tục như vậy một thời gian, cho tới khi các vị "Dogberries" ấy - người ta gọi bọn thẩm phán hoà giải bằng cái tên của một nhân vật nổi tiếng trong vở kịch của Sếch-xpia "Ầm ĩ vì một chuyện không đâu" - câm lặng đi đôi chút. Đối với chế độ trả lương bằng hàng hoá, Rô-bớt cũng đấu tranh như thế. Ông lần lượt lôi từng tên chủ mỏ vô sỉ ra toà, buộc các thẩm phán hoà giải miễn cưỡng kết tội chúng. Trước người tổng đại diện nhanh như chớp và có mặt khắp nơi ấy, bọn chủ mỏ rất sợ hãi đến nỗi, như ở vùng Ben-pơ, gần Đớc-bi, một công ty thực hành chế độ trả lương bằng hàng hoá, khi thấy Rô-bớt tới, đã phải dán tờ yết thị như sau:

 

"Thông báo"

"Để tránh mọi sự hiểu nhầm, hãng Ha-slem thấy cần phải thông báo rằng tất cả công nhân mỏ của hãng này sẽ được trả lương toàn bộ bằng tiền, và có thể tiêu tiền ấy ở nơi nào và tiêu như thế nào tuỳ ý. Nếu họ mua hàng ở cửa hiệu của hãng thì mua theo giá bán buôn như trước. Nhưng nói chung cũng không yêu cầu họ nhất định phải mua hàng ở đấy, dù họ mua hàng ở đấy hay ở nơi khác, việc làm và tiền lương họ vẫn như cũ".

Mỏ than đá Pen-tơ-rích

 

Những thắng lợi ấy đã làm cho toàn bộ giai cấp công nhân Anh vui mừng phấn khởi và đã thu hút vào liên đoàn một số rất lớn đoàn viên mới. Bấy giờ ở miền Bắc vẫn tiếp tục bãi công. Không một ai làm việc, và Niu-cát-xơn, hải cảng xuất khẩu than chính, thiếu than nghiêm trọng đến mức phải vận chuyển than từ Xcốt-len đến, mặc dù người Anh có câu ngạn ngữ to carry coal to Newcastle1* có ý nghĩa giống như câu nói của người Hy Lạp "đem cú mèo tới A-ten", nghĩa là: làm chuyện quá thừa. Buổi đầu, khi quỹ liên đoàn hãy còn thì mọi việc đều tốt đẹp, nhưng gần tới mùa hè, cuộc đấu tranh trở nên rất khó khăn đối với công nhân; họ lâm vào cảnh khốn cùng, không có tiền, vì tiền đóng góp của công nhân tất cả các ngành công nghiệp nước Anh, so với số người bãi công thì quá ít ỏi; họ đành phải mua chịu với điều kiện rất bất lợi của cửa hàng bán lẻ; tất cả báo chí, trừ mấy tờ báo vô sản, đều phản đối họ, giai cấp tư sản, ngay cả số ít người có tinh thần chính nghĩa đôi chút muốn giúp những người bãi công thì lại chỉ được biết những tin tức dối trá về tình hình bãi công trên những tờ báo đã bị mua chuộc của Đảng tự do và đảng To-ri; một đoàn đại biểu gồm mười hai công nhân mỏ được cử đi Luân Đôn đã quyên được một số tiền trong giai cấp vô sản Luân Đôn, nhưng vì số người cần cứu tế quá nhiều, nên số tiền ấy không thấm vào đâu. Mặc dù vậy, công nhân mỏ vẫn kiên trì và điều có ý nghĩa hơn nữa là, dù các chủ mỏ và bọn tay sai có thái độ thù địch điên cuồng và khiêu khích bằng mọi cách, họ vẫn bình tĩnh và chịu đựng. Họ không có một hành động báo thù nào, không đánh đập một kẻ phản bội nào, và cũng không xảy ra vụ trộm cắp nào. Cứ như thế, cuộc bãi công kéo dài bốn tháng liền mà các chủ mỏ vẫn không có hy vọng giành thắng lợi. Nhưng trước mắt chúng còn có một lối thoát. Chúng nhớ tới chế độ cốt-ta-giơ, chúng nhớ ra rằng những nhà ở của những công nhân quật cường ấy là sở hữu của chủ mỏ. Đến tháng Bảy chúng đòi công nhân trả nhà và một tuần sau 4 vạn người bị đuổi ra đường. Thủ đoạn ấy được áp dụng một cách tàn bạo khiến mọi người đều căm giận. Người ốm yếu, người già, những trẻ con còn bú mẹ, thậm chí cả những sản phụ đều bị lôi ra khỏi giường một cách tàn nhẫn và bị xô xuống các hào rãnh dọc đường. Một tên tay sai thích thú nắm tóc một phụ nữ sắp đẻ mà lôi ra ngoài phố. Một số đông quân đội và cảnh sát tập trung ở gần đấy sẵn sàng dùng vũ lực, chỉ chờ có dấu hiệu kháng cự hoặc có hiệu lệnh của bọn thẩm phán hoà giải, chỉ huy toàn bộ vụ khủng bố dã man này. Nhưng, ngay đến thế, công nhân vẫn bình tĩnh nhịn nhục, không có một hành động phản kháng nào. Bọn chủ mỏ mong mỏi công nhân bạo động và cố dùng mọi thủ đoạn khích công nhân chống lại để mượn cớ dùng quân đội mà kết thúc cuộc bãi công; nhưng những người công nhân mỏ bị đuổi ra ngoài hè phố ấy vẫn nhớ lời dặn của người đại diện, không hề lay chuyển, lặng lẽ dọn đồ đạc ra những bãi cỏ lầy hoặc những cánh đồng đã gặt và kiên nhẫn chờ đợi. Một số người tìm không ra chỗ tốt hơn, đành phải cắm trại ở trên hào rãnh ven đường cái; một số khác phải dựng trên đất của người khác, họ bị truy tố vì đã "gây thiệt hại đáng nửa pen-ni", và bị kết tội trả tiền án phí 1 pao xtéc-linh, tất nhiên họ không trả nổi tiền phạt, đành chịu ngồi tù. Những con người ấy cùng với gia đình họ đã phải trải qua hơn tám tuần lễ ở ngoài trời như thế, vào mùa hè mưa tầm tã của năm ngoái (năm 1844), chẳng còn có gì khác để che thân họ và con cái ngoài tấm khăn trải giường in hoa, chẳng còn có sự giúp đỡ nào khác, ngoài số tiền trợ cấp ít ỏi của liên đoàn và khoản bán chịu ngày càng giảm bớt của các cửa hàng bán lẻ. Bấy giờ huân tước Lơn-đơn-đe-ri, là người có rất nhiều mỏ than lớn ở Đớc-am, đã lấy cái phẫn nộ cao quý của ông ta để đe doạ các chủ cửa hàng lẻ "trong thành phố của ông ta" là Xi-ham, cấm họ không được bán chịu cho những công nhân ngạo ngược "của ông ta". Trong suốt thời kỳ bãi công, vị huân tước "cao quý" ấy đã trở thành một anh hề, bởi vì ông ta thỉnh thoảng lại hạ cho công nhân những "sắc lệnh" huênh hoang đến lố bịch và không có mạch lạc, không có hiệu quả gì, chỉ tổ làm trò cười cho cả nước1).

Vì dùng mọi biện pháp mà chẳng ăn thua gì, bọn chủ mỏ liền vung ra rất nhiều tiền để thuê công nhân từ Ai-rơ-len và những vùng hẻo lánh của Oen-xơ là những nơi chưa có phong trào công nhân, đến làm việc ở mỏ của chúng; thế là cuộc cạnh tranh giữa công nhân được khôi phục, lực lượng công nhân bãi công tan rã. Các chủ mỏ cưỡng bách công nhân phải ra khỏi liên đoàn, cắt đứt quan hệ với Rô-bớt và phải tiếp nhận những điều kiện chúng đề ra. Thế là cuộc đấu tranh vĩ đại kéo dài năm tháng của công nhân chống chủ mỏ kết thúc vào đầu tháng Chín, - một cuộc đấu tranh do những người bị áp bức tiến hành một cách kiên nhẫn dũng cảm, đầy giác ngộ và lương tri, xứng đáng để chúng ta hết lòng khâm phục. Một cuộc đấu tranh như vậy đòi hỏi một trình độ cao biết bao về văn hoá nhân loại chân chính, về nhiệt tình và tinh thần kiên cường, ở số quần chúng gồm 4 vạn người, như chúng ta đã biết, năm 1840, "Báo cáo của Tiểu ban điều tra lao động trẻ em" còn miêu tả là những người hoàn toàn thô bạo, dã man, không chút đạo đức! Nhưng sự áp bức phải tàn khốc như thế nào mới buộc cả 4 vạn người ấy nhất tề đứng lên như một người, giống một đạo quân, không những có kỷ luật mà còn được cổ vũ bằng một chí hướng, một ý chí, tiến hành cuộc đấu tranh với thái độ gan góc và trấn tĩnh vĩ đại nhất cho đến tận lúc nếu còn tiếp tục chống đối nữa thì không còn nghĩa lý gì mới thôi! Mà là một cuộc đấu tranh như thế nào - một cuộc đấu tranh không phải là chống một kẻ thù trông thấy được, để có thể đánh bại mà là chống đói khát, thiếu thốn, bần cùng, cái khổ không nhà cửa, chống cái dục vọng của bản thân mình đang bị sự tàn khốc của những kẻ giàu có kích thích một cách điên cuồng. Nếu như công nhân dùng bạo lực thì họ, những người không có một tấc sắt trong tay, có thể đã bị bắn giết, và chỉ vài hôm sau, các chủ mỏ có thể đã giành được thắng lợi. Ở họ, sự tuân theo pháp luật ấy không phải vì sợ dùi cui của cảnh sát, mà là kết quả của sự suy nghĩ, cân nhắc chín chắn, nó là sự chứng minh rõ ràng nhất về sự giác ngộ và sức tự chủ của công nhân.

Như vậy là, lần này nữa, công nhân đã bị các nhà tư bản đánh bại, mặc dù họ kiên cường tuyệt vời. Nhưng cuộc đấu tranh không phải là vô ích. Trước hết, cuộc bãi công kéo dài suốt 19 tuần lễ này đã làm cho các công nhân mỏ than miền Bắc Anh vĩnh viễn thoát khỏi tình trạng u mê trước đây. Họ đã được thức tỉnh, đã nhận thức được quyền lợi của mình và tham gia vào phong trào văn minh, trước nhất là phong trào công nhân. Cuộc bãi công lần này đã bóc trần tất cả sự tàn bạo của chủ mỏ đối với công nhân, cuối cùng đã thức tỉnh hẳn tinh thần phản kháng của công nhân và khiến ít nhất là ba phần tư số người trong họ trở thành những người thuộc phái Hiến chương, và 3 vạn con người kiên cường vững vàng, đã vượt qua thử thách ấy, thực là một tài sản quý giá đối với phái Hiến chương. Thứ nữa, cuộc bãi công kéo dài trong phạm vi pháp luật, cùng với sự cổ động tích cực kèm theo nó, dù sao cũng đã tranh thủ được sự chú ý của dư luận xã hội đối với tình cảnh của công nhân mỏ. Nhân cuộc thảo luận về vấn đề thuế than xuất khẩu, nghị sĩ duy nhất kiên quyết ủng hộ phái Hiến chương là Tô-mát Đơn-cơm-bơ đã nêu lên ở nghị viện vấn đề tình cảnh công nhân mỏ than, đã giành được cơ hội đọc những đơn thỉnh nguyện của họ ở diễn đàn nghị viện và đọc một bài diễn văn buộc các báo chí tư sản ít ra khi tường thuật những cuộc thảo luận của nghị viện, phải thuật lại đúng đắn việc ấy. Sau cuộc bãi công ít lâu thì xảy ra vụ nổ ở Ha-xơ-oen. Rô-bớt đến Luân Đôn, yêu cầu được gặp Pin, nhân danh là đại biểu của công nhân mỏ than, ông kiên quyết yêu cầu mở cuộc điều tra tường tận về vụ nổ ấy. Ông đã đòi được phải cử các giáo sư Lai-en và Pha-ra-đây là những người nổi tiếng bậc nhất về địa chất và hoá học của nước Anh đến tận nơi điều tra. Vì chẳng bao lâu sau vụ nổ này, lại tiếp luôn mấy vụ nổ khác, và Rô-bớt đã gửi văn bản tài liệu đến tận tay thủ tướng, cho nên thủ tướng hứa trong kỳ họp nghị viện tới (tức là kỳ họp năm nay, 1845), nếu có thể được, sẽ đưa ra nghị viện một dự án về những biện pháp cần thiết để bảo hộ công nhân. Nếu như trong cuộc bãi công công nhân mỏ than không tự tỏ rõ là những người yêu chuộng tự do và đáng kính trọng, và nếu họ không giao cho Rô-bớt điều khiển mọi công việc của họ, thì không thể có được những thành tích đó.

Tin công nhân mỏ than miền Bắc buộc phải rời bỏ liên đoàn của mình và phải khước từ sự giúp đỡ của Rô-bớt vừa truyền đi thì công nhân mỏ than ở Lan-kê-sia tổ chức ngay một liên đoàn gồm độ 1 vạn công nhân, và bảo đảm cấp cho người tổng đại diện của họ 1200 pao xtéc-linh tiền lương hàng năm. Mùa thu năm ngoái, tiền nguyệt phí hàng tháng của liên đoàn là trên 700 pao xtéc-linh, trong số đó, khoảng 200 pao xtéc-linh dùng để trả lương cán bộ và chi phí kiện tụng, v.v., số còn lại phần lớn dùng vào việc trợ cấp cho những công nhân thất nghiệp, hoặc những công nhân do xung đột với chủ mà bãi công. Như vậy là công nhân ngày càng giác ngộ rằng, nếu đoàn kết lại, họ có thể trở thành một lực lượng khá hùng hậu, và khi tối cần thiết, họ có thể đương đầu với giai cấp tư sản bằng sức mạnh. Sự giác ngộ ấy là thành quả quan trọng của tất cả các phong trào công nhân, nhờ thành lập liên đoàn và nhờ cuộc bãi công năm 1844 mà nó đã nảy sinh trong công nhân mỏ than nước Anh. Và chỉ qua một thời gian ngắn nữa là những công nhân mỏ, mà trình độ giác ngộ và nghị lực ngày nay còn thua kém công nhân công nghiệp, sẽ sánh kịp và sẽ có thể kề vai sát cánh với công nhân công nghiệp về mọi phương diện. Cứ như thế, đất dưới chân giai cấp tư sản ngày càng rung và nhất định một ngày kia, toàn bộ toà nhà xã hội và nhà nước của giai cấp tư sản sẽ bị lật nhào cùng với cơ sở của nó.

Nhưng giai cấp tư sản không muốn nghe những lời cảnh cáo ấy. Sự phản kháng của công nhân mỏ than chỉ làm cho nó càng thêm tàn bạo; giai cấp tư sản không cho đó là một bước tiến của toàn bộ phong trào công nhân, một bước tiến buộc họ phải biết điều hơn mà chỉ xem đó là cơ hội để trút cơn thịnh nộ của họ vào cái giai cấp gồm những người điên rồ đến mức không đồng ý tiếp tục chịu đựng sự đãi ngộ trước đây. Giai cấp tư sản cho rằng những yêu cầu chính đáng của người vô sản chỉ là sự bất mãn hỗn láo; là sự phẫn nộ gàn dở chống lại "trật tự do thượng đế và con người thiết lập nên", hay giỏi lắm cũng chỉ là thành công của "những kẻ mị dân ác ý sống bằng nghề cổ động, lười biếng không chịu làm việc", thứ thành công mà họ cần phải trấn áp thẳng tay bằng mọi phương tiện. Giai cấp tư sản âm mưu - tất nhiên chẳng có hiệu quả gì - trình bày trước công nhân rằng những người như Rô-bớt và nhiều người đại diện của liên đoàn, sống nhờ vào tiền lương của liên đoàn, hoàn toàn tự nhiên là những kẻ bịp bợm xảo quyệt đã bòn rút của họ, những người công nhân nghèo khổ, tới đồng xu cuối cùng. Khi thấy giai cấp có của ngu xuẩn như vậy, khi thấy chúng bị lợi ích trước mắt làm mù quáng đến nỗi không nhận ra được những hiện tượng xã hội rõ rệt nhất của thời đại, thì phải vứt bỏ thực sự mọi hy vọng giải quyết hoà bình vấn đề xã hội nước Anh. Lối thoát duy nhất có thể được là cách mạng bằng bạo lực, và, không còn nghi ngờ gì, cuộc cách mạng ấy sẽ không phải chờ đợi lâu nữa.

 



1) Theo thống kê năm 1841, số công nhân làm việc trong ngành công nghiệp mỏ ở Đại Bri-ten (trừ Ai-rơ-len) là:

 

Đàn ông

Phụ nữ

Tổng số

trên 20 tuổi

dưới 20 tuổi

trên 20 tuổi

dưới 20 tuổi

Mỏ than.................................

83408

32475

1.185

1.165

118233

Mỏ đồng...............................

9866

3428

913

1200

15407

Mỏ chì..................................

9427

1932

40

20

11419

Mỏ sắt..................................

7773

2679

424

73

10949

Mỏ thiếc...............................

4602

1349

68

82

6101

Các mỏ khác trong đó có cả

 

 

 

 

 

các mỏ không chỉ rõ khai

 

 

 

 

 

thác khoáng sản gì.........

24162

6591

472

491

31716

Tổng cộng:

139238

48454

3102

3031

193825

Vì những công nhân làm việc ở mỏ than, phần nhiều cũng lại là công nhân làm vịêc ở mỏ sắt, cho nên một bộ phận công nhân được kể trong công nhân mỏ than phải được tính vào công nhân mỏ sắt. Cũng phải liệt vào đây số lớn công nhân tính trong mục cuối cùng.

117 "The Mining Journal" ("Tạp chí ngành mỏ") là tuần báo kinh tế và kỹ thuật xuất bản ở Luân Đôn từ năm 1835.

1* - chở than đến Niu-cát-xơn

1)  (Năm 1892). Trong thiên hạ không có gì mới lạ, ít ra cũng là ở Đức. Các "ông vua Stum" của chúng ta bất quá chỉ là những bản chụp lại những bản chính của nước Anh đã bị lãng quên ở tổ quốc nó và ngày nay không thể tồn tại ở đó được nữa. (Chú thích của Ăng-ghen cho lần xuất bản bằng tiếng Đức năm 1892).

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt