TÌNH CẢNH CỦA GIAI CẤP LAO ĐỘNG Ở ANH - MỤC LỤC
TÌNH CẢNH CỦA GIAI CẤP LAO ĐỘNG Ở ANH.
Theo những sự quan sát của bản thân và những nguồn đáng tin cậy ______________
GIAI CẤP VÔ SẢN NÔNG NGHIỆP
C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1995. Phiên bản điện tử: dangcongsan.vn | Nguyên bản tiếng Đức | Bản dịch tiếng Anh | Bản dịch tiếng Pháp.
Trong phần "Lời mở đầu" chúng ta đã thấy tầng lớp tiểu nông cũng bị phá sản đồng thời với giai cấp tiểu tư sản và những người lao động trước kia vẫn sống dễ chịu, bởi vì sự kết hợp tồn tại trước kia giữa lao động công nghiệp và lao động nông nghiệp đã biến mất, những mảnh ruộng nhỏ bỏ hoang đã tập trung vào tay các tá điền lớn, còn những người tiểu nông bị sự cạnh tranh áp đảo của sự kinh doanh lớn chèn ép. Tiểu nông không còn là người chủ ruộng hoặc tá điền như trước nữa, họ buộc phải bỏ kinh doanh cá thể đi làm cố nông cho những tá điền kiêm chủ điền trang lớn và cho các lãnh chúa. Trong một thời gian nhất định tình cảnh mới của họ, dù có sút kém trước kia, nhưng cũng còn chịu được. Bấy giờ nhân khẩu tăng cùng một nhịp với sự phát triển của công nghiệp, nhưng về sau, công nghiệp phát triển chậm lại, còn sự cải tiến không ngừng của máy móc không cho phép công nghiệp thu hút toàn bộ số nhân khẩu lao động thừa từ các khu nông nghiệp đổ ra. Từ đó trở đi, hiện tượng nghèo đói, trước kia chỉ thỉnh thoảng ở các khu công xưởng cũng xuất hiện cả ở các khu nông nghiệp. Ngoài ra, cũng vào gần thời kỳ ấy, cuộc chiến tranh hai mươi lăm năm với nước Pháp đã kết thúc. Trong thời kỳ chiến tranh, sự thu hẹp sản xuất ở các khu có chiến sự, tình hình nhập khẩu đình đốn và sự cần thiết cung cấp lương thực cho quân đội Bri-ten ở Tây Ban Nha đã gây cho nông nghiệp nước Anh một sự phồn vinh giả tạo; ngoài ra còn có một số lớn nhân lực phải thoát ly lao động thời bình. Bây giờ, sự đình đốn trong nhập khẩu, sự cần thiết xuất khẩu, và sự thiếu thốn nhân công bỗng chốc không còn nữa, hậu quả không thể tránh khỏi là tình cảnh nguy khốn của nông nghiệp, là agricultural distress, như người Anh nói. Các chủ điền trang buộc phải bán lương thực với giá rẻ, do đó họ chỉ có thể trả tiền lương rất thấp. Để nâng giá lương thực lên, năm 1815 nghị viện đã thông qua đạo luật và thuế quan ngũ cốc cấm nhập khẩu ngũ cốc khi giá lúa mì dưới 80 si-linh một quác-tơ. Về sau, đạo luật dĩ nhiên không có hiệu lực ấy đã trải qua nhiều lần sửa đổi, nhưng cũng không giảm nhẹ được tình cảnh nguy khốn của các khu nông nghiệp. Kết quả duy nhất là cái bệnh cấp tính, có lúc nguy kịch khi có sự cạnh tranh tự do của nước ngoài, biến thành bệnh mãn tính gây tác hại đến tình cảnh của người công nhân nông nghiệp một cách đều đều nhưng càng nghiêm trọng hơn. Thời kỳ đầu sau khi giai cấp vô sản nông nghiệp xuất hiện, ở đây đã hình thành những quan hệ gia trưởng giống như những quan hệ vừa bị phá huỷ trong công nghiệp,- những quan hệ giữa chủ ruộng và cố nông mà hiện nay ở nước Đức hầu như đâu đâu cũng có. Khi quan hệ ấy còn, thì sự bần cùng của công nhân không đến nỗi nghiêm trọng và không lan rộng lắm; người cố nông và người chủ điền trang đồng cam cộng khổ, người chủ vạn bất đắc dĩ mới thải người làm. Nhưng bây giờ thì khác hẳn. Người làm công hầu hết đều trở thành công nhân công nhật, chỉ khi nào cần chủ điền trang mới thuê họ, bởi vậy có khi hàng mấy tuần, họ không có công việc làm, nhất là về mùa đông. Trong mối quan hệ gia trưởng, khi cố nông và gia đình họ đều ở trong trang trại của chủ điền trang, khi con cái họ lớn lên ở đây, thì người chủ đương nhiên là cố tìm cho chúng ít việc làm trong trang trại của mình; khi công nhân công nhật chỉ là ngoại lệ, không phải lúc nào cũng có thì số công nhân mỗi trang trại đều nhiều hơn số đúng là cần thiết. Bởi vậy chủ điền trang thích huỷ bỏ mối quan hệ gia trưởng ấy, đuổi các cố nông ra khỏi trang trại của mình, biến họ thành công nhân công nhật. Cuối những năm 20 của thế kỷ chúng ta, hầu hết ở mọi nơi đều xảy ra tình hình ấy. Kết quả là, nói theo thuật ngữ vật lý học, nhân khẩu "thừa" trước đây ở trạng thái tiềm tàng, bây giờ đã bộc lộ, tiền lương sụt xuống và thuế trợ giúp người nghèo cũng tăng lên gấp bội. Từ bấy giờ trở đi, những khu nông nghiệp trở thành nguồn gốc của sự bần cùng kinh niên, còn các khu công xưởng là nguồn gốc của bần cùng theo chu kỳ, và việc sửa đổi bộ luật về người nghèo là biện pháp đầu tiên mà chính phủ đã áp dụng để đối phó với sự bần cùng hoá ngày càng nghiêm trọng của nông thôn. Ngoài ra do chế độ kinh doanh lớn không ngừng phát triển, máy tuốt lúa và các máy khác được áp dụng và cũng do công việc đồng áng thường sử dụng lao động phụ nữ và trẻ con,- tình hình này ngày nay đã trở nên phổ biến đến nỗi hậu quả của nó trước đây không lâu đã trở thành đối tượng điều tra của một uỷ ban đặc biệt của nhà nước, ngành này cũng đã xuất hiện nhiều công nhân thất nghiệp. Như vậy chúng ta có thể thấy rằng chế độ sản xuất công nghiệp cũng xâm nhập tới đây, tạo ra nền kinh doanh lớn, phá huỷ quan hệ gia trưởng,- chính tại đây, quan hệ ấy có ý nghĩa lớn nhất, - sử dụng máy móc, động cơ hơi nước cùng lao động phụ nữ và trẻ con, thế là cái bộ phận chưa bao giờ bị đụng chạm và bảo thủ nhất ấy trong nhân loại lao động, cũng bị lôi cuốn vào phong trào cách mạng. Nhưng hiện tượng đình trệ trong nông nghiệp càng kéo dài, thì sự khốn khổ hiện nay người công nhân phải chịu càng nặng nề và sự tan rã của kết cấu xã hội cũ càng biểu hiện kịch liệt. Hiện tượng "nhân khẩu thừa" xuất hiện đột ngột, mà không thể dùng biện pháp mở rộng sản xuất để giải quyết như trong khu công nghiệp. Nếu có người tiêu thụ sản phẩm thì có thể xây dựng công xưởng mới bất cứ lúc nào, nhưng ruộng đất mới thì không thể tạo ra được, khai khẩn những đất bỏ hoang công cộng là một thứ đầu tư mạo hiểm nên vốn đầu tư vào đó sau chiến tranh rất ít. Kết quả tất nhiên của những biến đổi ấy là sự cạnh tranh lẫn nhau giữa công nhân đạt tới điểm cao nhất, và tiền lương bị hạ xuống mức thấp nhất. Khi đạo luật cũ về người nghèo vẫn còn thì nhờ có quỹ tế bần, công nhân được cứu tế đôi chút; lẽ tất nhiên là do đó tiền lương càng sụt hơn nữa, vì bọn chủ điền trang tìm mọi cách chuyển chi phí sang quỹ tế bần càng nhiều càng hay. Sự tình ấy đã khiến cho thuế trợ giúp người nghèo vốn dĩ đã tăng rất nhiều cùng với sự xuất hiện của nhân khẩu thừa, nay càng tăng gấp bội, và thúc đẩy sự xuất hiện của đạo luật mới về người nghèo, điểm ấy chúng ta sẽ còn nói tới. Nhưng đạo luật ấy không phải đã cải thiện được ngay tình hình. Tiền lương không được nâng cao, nạn nhân khẩu "thừa" không được loại trừ, sự tàn khốc của pháp luật mới chỉ khích thêm cực độ lòng phẫn nộ dữ dội của nhân dân. Thậm chí số thuế thu được buổi đầu có giảm bớt nhưng sau vài năm nó lại lên như cũ. Kết thúc duy nhất của đạo luật mới là: nếu trước đây tổng cộng có 3-4 triệu người nửa nghèo khổ, thì bây giờ lại có 1 triệu người hoàn toàn nghèo khổ, theo đúng nghĩa của từ này, số còn lại ở tình trạng nửa nghèo khổ, nhưng không còn được cứu tế một chút gì nữa. Sự bần cùng ở các khu nông nghiệp mỗi năm một tăng. Người ta sống bằng 6,7 hoặc 8 si-linh, có khi lại không có gì. Năm 1830, có một nghị sĩ thuộc Đảng tự do đã miêu tả tình cảnh của bộ phận cư dân ấy, chúng ta hãy nghe ông ta nói: "Người nông dân Anh "(tức công nhân công nhật nông nghiệp)" và người dân nghèo Anh - hai chữ ấy đồng nghĩa. Bố anh ta là một dân nghèo, sữa mẹ anh ta không có chất bổ; ngay từ bé, anh ta đã phải ăn uống rất kém và chẳng bao giờ được ăn no; đến tận ngày nay, hễ không ngủ say là anh ta còn luôn luôn cảm thấy cái đói cồn cào trong ruột. Quần áo của anh ta chỉ đủ che nửa thân, chất đốt chỉ tạm đủ để nấu bữa ăn kham khổ, vì vậy rét mướt và ẩm ướt là những bạn đường thường xuyên của anh ta, chúng đến và đi cùng với thời tiết xấu. Anh ta có vợ, nhưng không hề được biết cái thú làm chồng, làm cha. Vợ con anh ta bị đói, hầu như luôn bị rét, thường ốm yếu và không ai giúp đỡ, lúc nào cũng buồn rầu và chán nản như anh ta, tất nhiên là tham lam, ích kỷ và chán nản. Do đó nói theo lời anh ta, cứ trông thấy vợ con là lộn ruột lên (hates the sight of them), sở dĩ anh ta còn quay về túp lều của anh ta, chỉ vì so với bờ rào thì nó vẫn còn là nơi tránh mưa gió tương đối tốt. Anh ta phải nuôi gia đình, nhưng không làm nổi, đành phải đi ăn mày, phải làm đủ việc xấu xa rồi đi đến lừa đảo công khai. Dẫu anh ta rất muốn học đòi những người kiên cường hơn của giai cấp anh ta như những kẻ săn trộm hay buôn lậu thực thụ, song anh ta lại không đủ can đảm: nhưng hễ có cơ hội là anh ta ăn cắp và dạy cho con cái nói dối và ăn cắp. Thái độ khúm núm và hèn hạ của anh ta đối với những người láng giềng giàu có chứng tỏ rằng họ thường thô bạo và hoài nghi anh ta; vì vậy, anh ta sợ họ, thù ghét họ, nhưng chẳng bao giờ dám dùng bạo lực đối phó lại. Anh ta hư hỏng đến tận xương tuỷ và hèn kém đến mức không còn hơi sức để thất vọng nữa. Cuộc đời bất hạnh của anh ta ngắn ngủi, bệnh tê thấp và bệnh hen suyễn sẽ đưa anh ta tới nhà tế bần, ở đấy anh ta sẽ thở hơi cuối cùng, chẳng hề có một hồi ức gì vui vẻ về quá khứ, và nhường chỗ cho một kẻ bất hạnh khác cũng đã sống và sẽ chết như anh ta". Tác giả của chúng ta nói thêm rằng, ngoài loại công nhân công nhật nông nghiệp ấy ra, còn một lớp người khác kiên quyết hơn và khá hơn về các mặt thể lực, trí tuệ và đạo đức: những người này quả thực cũng sống trong cảnh nghèo khổ, nhưng họ không sinh ra trong hoàn cảnh nghèo khổ. Họ có quan tâm đến gia đình hơn nhưng họ là những người buôn lậu và ăn trộm, thường xung đột đổ máu với những người gác rừng và với đội cảnh vệ bờ biển; do thường bị ngồi tù, họ càng thù ghét xã hội và cũng căm thù kẻ có của không kém loại người thứ nhất. Cuối cùng tác giả của chúng ta nói: "Vì lịch sự (by courtesy) mà người ta dùng lời của Sếch-xpia để gọi toàn bộ loại người ấy là "nông dân kiêu hãnh của nước Anh" (bold peasantry of England)"1). Cho tới nay những lời miêu tả ấy vẫn còn đúng đối với đại bộ phận công nhân công nhật các khu nông nghiệp nước Anh. Tháng sáu 1844, tờ "Time" đã cử một phóng viên đến những miền ấy điều tra về tình cảnh của lớp người này và báo cáo của ông ta hoàn toàn phù hợp với những lời miêu tả trên. Ở một số khu, tiền lương mỗi tuần không quá 6 si-linh, nghĩa là không cao hơn tiền lương của nhiều miền ở nước Đức, trong khi giá thực phẩm ở Anh lại cao hơn ở Đức ít ra là gấp đôi. Dễ dàng tưởng tượng được cuộc sống của những con người ấy như thế nào. Thức ăn đã tồi lại ít, quần áo rách tả tơi, nhà ở chật hẹp, tồi tàn, chỉ là một túp lều nhỏ thảm hại không có tiện nghi gì; chỗ ở của thanh niên là các nhà trọ, ở đấy nam nữ hầu như lẫn lộn, dẫn đến chỗ quan hệ nam nữ hỗn loạn. Trong một tháng, chỉ mấy ngày không có việc làm là những người ấy sẽ lâm vào cảnh nghèo khốn cùng cực. Hơn nữa, vì họ ở phân tán biệt lập nên không thể liên hợp lại thành liên đoàn để đấu tranh đòi nâng cao tiền lương; nếu có một người không chịu làm việc vì lương thấp thì sẽ có ngay hàng chục kẻ thất nghiệp và những kẻ ở nhà tế bần ra, thay thế vào chỗ anh ta, dù đồng lương ít ỏi đến mức nào, những người ấy vẫn vui lòng nhận lấy, còn cái người không chịu làm kia thì bị phỉ nhổ là lười biếng, lêu lổng, ngoài chỗ bị tống đến nhà tế bần đáng ghét kia, anh ta sẽ không còn được sự cứu tế gì khác. Vì những người nắm quyền hành ở cơ quan trợ giúp người nghèo đều là các chủ điền trang, còn cái người không chịu làm việc kia lại chỉ có trông vào họ hoặc những người láng giềng và người quen của họ mới có được việc làm. Đấy không phải là những tin tức ngẫu nhiên về một vài khu nông nghiệp ở Anh, mà bất luận ở miền Nam hay miền Bắc, miền Đông hay miền Tây, nạn cùng khổ đều nghiêm trọng như nhau. Tình cảnh công nhân ở Xúp-phôn hay ở Noóc-phôn không khác mảy may với tình cảnh công nhân ở Đê-vơn-sia, ở Hem-psia hay ở Xút-xếch; không cứ ở Đoóc-xét-sin, ở Ốc-xphoóc-sia hay ở Ken, ở Xu-rây, ở Bắc-kinh-hêm-sia, và ở Căm-brít-giơ-sia, tiền lương đều thấp như nhau. Một biện pháp đặc biệt tàn khốc chĩa vào giai cấp vô sản nông nghiệp là những đạo luật về săn bắn, không ở đâu luật ấy lại thi hành nghiêm ngặt như ở Anh, mặc dù thú săn ở Anh nhiều không kể xiết. Theo thói quen và truyền thống lâu đời của người dân Anh, săn trộm được coi là một biểu hiện hoàn toàn tự nhiên và cao thượng của lòng dũng cảm. Thêm vào đó, sự tương phản giữa một bên là nỗi đói khổ của người nông dân, với một bên là cái ta thích như thế của người quý tộc mặc sức nuôi rất nhiều thỏ và dã cầm trong rừng nhà để tiêu khiển, lại càng thúc đẩy anh ta bước vào con đường ấy. Anh ta đặt bẫy, đôi khi bắn chết một con thú, điều ấy thực chất là chẳng thiệt hại gì cho ngài quý tộc vì dã thú rất nhiều, nhưng anh nông dân thì kiếm được một bữa thịt cho vợ con đang đói. Nếu bị bắt, thì phải ngồi tù, nếu tái phạm, thì sẽ phải đi đày ít nhất là bảy năm. Do sự trừng phạt hà khắc ấy mà thường có xung đột đổ máu giữa những người săn trộm và những người gác rừng, kết quả là mỗi năm đều xảy ra một loạt vụ án mạng. Do đó, cái nghề gác rừng không những nguy hiểm mà còn bị khinh bỉ và nguyền rủa. Năm ngoái, có hai người gác rừng thà tự bắn vào đầu mình chứ không muốn làm nghề ấy nữa. Đó chính là cái giá "rẻ mạt" mà bọn quý tộc ruộng đất đã trả để mua cho chúng cái trò tiêu khiển cao thượng - đó là săn bắn! Nhưng điều đó các "lords of the soil"1* cao thượng cần gì phải để ý đến? Nhân khẩu thừa thêm lên hoặc bớt đi vài người, đối với chúng chẳng như nhau sao! Dù cho một nửa số nhân khẩu "thừa" ấy có mất mạng vì hậu quả của những đạo luật về săn bắn, thì số nửa còn lại chỉ càng tốt hơn lên mà thôi, đó là luận điệu bác ái của giai cấp có của ở Anh. Nhưng, mặc dù điều kiện sinh hoạt ở nông thôn,- chỗ ở phân tán, hoàn cảnh và nghề nghiệp, do đó tư tưởng đều trì trệ - rất bất lợi cho mọi sự phát triển, nhưng ở đây sự nghèo khổ và túng thiếu cũng vẫn phát sinh kết quả. Công nhân công xưởng và công nhân mỏ đã nhanh chóng vượt qua giai đoạn thứ nhất của sự phản kháng trật tự xã hội, tức là giai đoạn phản kháng trực tiếp bằng hành vi phạm tội cá nhân; người nông dân thì vẫn còn dừng lại ở giai đoạn ấy. Thủ đoạn chiến tranh xã hội mà họ quen dùng nhất là phóng hoả. Sau Cách mạng tháng Bảy, vào mùa đông 1830-1831, các vụ phóng hoả bắt đầu trở thành phổ biến. Sau đó vào đầu tháng Mười, do đội cảnh vệ bờ biển được tăng cường (vì vậy việc buôn lậu gặp khó khăn, và nói theo lời một người chủ điền trang thì miền bờ biển đã bị phá sản, do đạo luật mới về người nghèo được thông qua, do tiền lương thấp và do việc sử dụng máy móc, ở Xút-xếch và các tỉnh lân cận đã xảy ra nhiều vụ rối loạn và lan rộng khắp cả vùng. Trong mùa đông, người ta đốt những đống lúa mì và cỏ khô trên ruộng đất của các chủ điền trang thậm chí cả các nhà kho và chuồng trại ngay cạnh nhà chúng. Hầu như mỗi đêm đều xảy ra nhiều đám cháy như thế, làm cho các chủ điền trang và địa chủ kinh hoàng. Nhưng thủ phạm hầu như không bao giờ bị bắt, nhân dân thường đổ cho một nhân vật thần bí, mà người ta gọi là "Xuynh" ["Swing"]. Người ta nghĩ nát óc xem "Xuynh" ấy là ai và vì đâu mà dân nghèo nông thôn có tinh thần phiến loạn như thế, nhưng rất ít người nghĩ đến cái động cơ lớn là sự nghèo khổ và áp bức, mà ở ngay vùng nông nghiệp thì chắc chắn là chẳng ai nghĩ tới. Từ đó mỗi năm cứ đến mùa đông, tức là mùa thất nghiệp của các công nhân công nhật, lại xảy ra các vụ phóng hoả. Mùa đông năm 1843-1844, các vụ phóng hoả càng nhiều gấp bội. Trước mặt tôi có một loạt các số của tờ "Northern Star" trong thời kỳ ấy, mỗi số đều đăng tin mấy vụ phóng hoả, và nói rõ cả nguồn gốc những tin ấy. Tôi không có mấy số của tờ tuần báo ấy không được nhắc đến trong bảng liệt kê dưới đây, nhưng chắc chắn những số ấy cũng đăng không ít tin tức về các vụ phóng hoả. Thêm nữa, một tờ báo như vậy đương nhiên là không thể đăng hết mọi tin tức thuộc loại ấy. Tờ "Northern Star" số ra ngày 25 tháng Mười một 1843, đưa tin 2 vụ phóng hoả, nhắc đến nhiều vụ khác đã đưa tin trước đây. Tờ "Northern Star" số ra ngày 16 tháng Chạp: ở Bét-phoóc-sia, cả vùng náo động từ hai tuần nay, đêm nào cũng xảy ra mấy vụ phóng hoả. Trong mấy ngày qua, hai trang trại lớn bị thiêu huỷ. Ở Căm-brít-giơ-sia, bốn trang trại bị thiêu huỷ, ở Hác-phoóc-sia, một trang trại bị thiêu huỷ; ngoài ra còn xảy ra mười lăm vụ phóng hoả ở mấy nơi khác.- Ngày 30 tháng Chạp ở Noóc-phôn xảy ra một vụ phóng hoả, ở Xúp-phôn hai vụ, ở Ét-xếch hai vụ, ở Hác- phoóc-sia ba vụ, ở Si-sia một vụ, ở Lan-kê-sia một vụ, ở Đớc-bi, Lin-côn và miền nam mười hai vụ. - Ngày 6 tháng Giêng 1844 tất cả 10 vụ phóng hoả, ngày 13 tháng Giêng bẩy vụ, ngày 20 tháng Giêng bốn vụ. Từ đó trở đi, bình quân mỗi tuần, tờ báo ấy lại đăng tin 3 - 4 vụ phóng hoả, và tình hình ấy không chỉ kéo dài đến mùa xuân như trước, mà tiếp tục kéo tới tháng Bảy, tháng Tám. Qua những tin tức đăng trên báo chí Anh và Đức tôi nhận được bấy giờ, có thể thấy là gần tới mùa đông năm 1844-1845, hành vi phạm pháp ấy càng trở nên phổ biến hơn. Các bạn độc giả của tôi sẽ nói gì về tình hình như thế ở các vùng nông thôn yên tĩnh và thơ mộng của nước Anh? Có phải là chiến tranh xã hội hay không? Có phải tình hình như thế là tự nhiên và có thể kéo dài được hay không? thế mà ở đây bọn chủ điền trang và địa chủ cũng vẫn hết sức ngu xuẩn và bảo thủ, cái gì không mang lại cho họ đồng tiền vàng thì họ mù quáng chẳng nhìn thấy, y hệt như các chủ xưởng và người tư sản nói chung ở các khu công nghiệp. Bọn tư sản và chủ xưởng thì hứa hẹn hạnh phúc bằng sự phế bỏ các đạo luật ngũ cốc, còn bọn địa chủ và đại bộ phận các phéc-mi-ê thì lại hứa hẹn thiên đường trên trái đất với các công nhân bằng sự duy trì những đạo luật ấy. Nhưng cả trong hai trường hợp, bọn có của chẳng tranh thủ được sự ủng hộ của công nhân đối với cái ảo tưởng quý mến của họ. Công nhân công xưởng cũng như công nhân nông nghiệp đều chẳng quan tâm gì đến sự phế bỏ hay duy trì các đạo luật ngũ cốc. Tuy vậy, vấn đề ấy đối với cả hai loại công nhân ấy đều rất quan trọng. Nếu các đạo luật ngũ cốc bị phế bỏ thì sự cạnh tranh tự do và chế độ kinh tế xã hội hiện tại sẽ phát triển đến cực độ; bây giờ mọi khả năng phát triển hơn nữa trong phạm vi quan hệ hiện tại sẽ không còn nữa và khả năng duy nhất để tiến bộ là sự thay đổi căn bản chế độ xã hội. Đối với công nhân nông nghiệp, vấn đề này còn quan trọng vì những lý do sau đây: Sự nhập khẩu tự do lương thực quyết định - vì những lý do gì mà quyết định thì ở đây tôi không thể dừng lại để giải thích, - việc giải phóng các phéc-mi-ê khỏi địa chủ, nói cách khác là quyết định việc biến đổi những phéc-mi-ê thuộc Đảng tự do. Về điểm này, Đồng minh chống đạo luật ngũ cốc đã góp phần không ít, và đấy cũng là công lao duy nhất của nó. Nhưng, nếu các phéc-mi-ê biến thành những người thuộc Đảng tự do, tức là những người tư sản có ý thức, thì công nhân của họ cũng sẽ biến thành những người thuộc phái Hiến chương và những người xã hội chủ nghĩa, tức là những người vô sản giác ngộ. Cái nọ tất kéo theo cái kia. Hiện nay, một phong trào mới đã bắt đầu xuất hiện trong giai cấp vô sản nông nghiệp: cuộc hội nghị do bá tước Rát-no, một địa chủ thuộc Đảng tự do, tổ chức vào tháng Mười 1844 ở vùng có ruộng đất của ông ta gần Hai-ước-tơ, nhằm phản đối các đạo luật ngũ cốc, đã chứng minh rõ điều ấy; công nhân hết sức lãnh đạm đối với những đạo luật ấy, nhưng đưa ra những yêu cầu hoàn toàn khác, như yêu cầu được thuê những mảnh đất nhỏ với giá rẻ, và nói chung họ nói thẳng vào mặt bá tước Rát-no không ít những sự thực chua cay. - Như vậy là phong trào công nhân đã thâm nhập vào các khu nông nghiệp hẻo lánh, bảo thủ, là nơi đã bị dìm trong tình trạng mê ngủ về tinh thần, và vì những vùng ấy hầu hết nghèo khổ, nên phong trào sẽ bắt rễ nhanh và cũng sẽ sôi nổi như ở các khu công xưởng. Lòng mộ đạo của công nhân nông nghiệp đương nhiên mạnh hơn công nhân công nghiệp, nhưng mối quan hệ giữa họ với giáo hội vẫn rất lạt lẽo, vì hầu hết cư dân ở những khu vực ấy đều theo quốc giáo. Một phóng viên của tờ "Morning Chronicle" dưới bút danh là: "Một trong những người đi theo sau cái cày", viết về cuộc du hành của ông ta qua các khu nông nghiệp, đã tường thuật lại câu chuyện của ông ta với mấy người công nhân công nhật trước cửa nhà thờ như sau: "Tôi hỏi người trong bọn họ rằng giáo sĩ hôm nay có phải là linh mục đố định của họ không. - Đúng rồi, quỷ bắt hắn đi, (Yes, blast him), - chính hắn là cố đạo chính cống của chúng tôi; hắn kỳ kèo xin tiền luôn, từ ngày tôi biết hắn tới nay, lúc nào hắn cũng kỳ kèo xin tiền (giáo sĩ hô hào quyên tiền để dùng vào việc cải tạo tín đồ dị giáo). Một người khác nói thêm: Từ ngày tôi biết hắn đến nay, tôi chưa gặp một cố đạo nào không luôn luôn kỳ kèo xin tiền cho việc này hay việc khác. - Một người đàn bà vừa ở nhà thờ ra nói: Vâng, tiền lương công nhân thì cứ sụt mãi, thế mà anh hãy xem bọn ăn không ngồi rồi giàu có kia mà các cố đạo đến ăn uống và đi săn với chúng nó đấy. Trời ơi, chúng tôi thà vào nhà tế bần hoặc chết đói còn hơn bỏ tiền cho bọn cố đạo ấy đi tới chỗ tín đồ dị giáo! - Một phụ nữ khác nói: Tại sao người ta không phái bọn cố đạo ngày nào cũng sụt sùi nức nở trong nhà thờ lớn Xa-lít-xtơ-ri đi, ở đấy ngoài mấy bức tường đá ra, có ai thèm nghe họ đâu? Không hiểu sao bọn ấy lại không tới chỗ tín đồ dị giáo? - Ông già nói chuyện với tôi đầu tiên nói: Những thằng cha ấy không đi, vì chúng giàu có, đất đai của chúng nhiều vô kể, chúng quyên tiền để đẩy các cố đạo nghèo kia đi cho rảnh; tôi biết rất rõ chúng muốn gì rồi, tôi biết chúng đã lâu lắm. - Tôi hỏi: Thế là thế nào hả các bạn, các bạn vẫn luôn luôn ở nhà thờ ra với mối căm giận các linh mục như vậy sao? Thế tại sao các bạn vẫn đi nhà thờ? - Một người đàn bà trả lời: Tại sao chúng tôi đi à? Chúng tôi phải đi đến đó vì không muốn bị mất tất cả, không muốn mất việc làm và mọi thứ, tất nhiên chúng tôi đành phải đi thôi. - Về sau tôi mới biết nếu họ đi nhà thờ thì họ mới được một ít quyền lợi nhỏ mọn, như được cấp chất đốt và một mảnh đất nho nhỏ để trồng khoai, tất nhiên là họ phải trả tiền". Sau khi mô tả tình hình nghèo khổ, dốt nát của họ, ông bạn phóng viên của chúng ta kết luận rằng: "Bây giờ tôi dám quả quyết rằng tình cảnh của những người ấy, sự nghèo khổ của họ, lòng căm giận của họ đối với giáo hội, cái bề ngoài lễ phép nhưng trong lòng oán giận đối với các giáo sĩ đều là lệ thường ở tất cả các vùng nông thôn nước Anh, còn trường hợp ngược lại chỉ là ngoại lệ". Nếu ở Anh theo nghĩa hẹp danh từ nông dân cho chúng ta thấy rõ sự tồn tại của giai cấp vô sản nông nghiệp đông đảo trong chế độ sở hữu lớn về ruộng đất đã mang lại những hậu quả gì ở các khu vực nông thôn, thì ở Oen-xơ chúng ta lại thấy sự phá sản của các tá điền nhỏ. Nếu các công xã nông thôn Anh tái diễn sự đối kháng giữa vô sản và đại tư bản, thì số phận của nông dân Oen-xơ lại tương xứng với sự phá sản không ngừng của giai cấp tiểu tư sản thành phố. Phần lớn nông dân Oen-xơ là tá điền nhỏ; họ không thể bán những sản phẩm nông nghiệp của mình vừa có lợi mà vừa rẻ như các chủ điền trang lớn ở Anh có ưu thế hơn, mà họ phải cạnh tranh trên cùng một thị trường. Cũng nên lưu ý rằng đất đai ở nhiều địa phương chỉ thích nghi với nghề chăn nuôi thu nhập ít, rằng người nông dân Oen-xơ do quyến luyến nồng nàn với tính cô độc của dân tộc họ, nên bảo thủ hơn bọn chủ điền trang Anh nhiều. Nhưng, trước hết là sự cạnh tranh giữa bọn họ với nhau và sự cạnh tranh giữa họ với những người Anh láng giềng, sự tăng lên của địa tô do cạnh tranh ấy gây nên, đã khiến cho người nông dân Oen-xơ phá sản tới mức khó sống nổi; và vì họ không nhìn ra những nguyên nhân thực đã gây nên tình cảnh đau khổ của họ, họ lại quy cả vào những cớ lặt vặt, như thuế thông hành quá cao, v.v.. Đương nhiên, thuế thông hành cao cũng trở ngại cho sự phát triển của nông nghiệp và thương nghiệp, nhưng vì mỗi người thuê ruộng đất đều phải tính khoản thuế ấy vào khoản chi phí cố định, cho nên rốt cuộc những khoản thuế ấy lại đổ vào đầu địa chủ. Ngoài ra ở đây các tá điền đều hết sức căm giận đạo luật mới về người nghèo vì bản thân họ luôn luôn bị đe doạ rơi vào sự chi phối của nó. Tháng Hai 1843, lòng bất bình chất chứa từ lâu của nông dân Oen-xơ đã nổ ra trong "cuộc nổi loạn Rê-bếch-ca" nổi tiếng. Đàn ông cải trang làm phụ nữ, bôi nhọ mặt, họp thành những toán vũ trang đông đảo xông vào những cửa lớn thay thế các hàng rào chắn đường của các đồn biên phòng ở nước Anh; họ đập phá những cửa lớn ấy trong tiếng hô vang dậy và tiếng súng, phá cả những trạm thu thuế thông hành, viết thư đe doạ ký tên thần bí "Rê-bếch-ca", và thậm chí có một lần đã tấn công vào nhà tế bần Các-mắc-ten. Về sau, khi quân đội được điều đến và lực lượng cảnh sát được tăng cường thì nông dân lại đánh lạc hướng chúng một cách hết sức khôn khéo, họ phá cửa ở nơi này thì quân đội lại tiến về hướng khác theo tiếng tù và vang dậy khắp các ngọn đồi xung quanh. Cuối cùng, khi quân đội được tăng cường quá đông thì nông dân liền bắt đầu phóng hoả và có khi mưu sát từng người riêng lẻ. Cũng như mọi khi, những hành động phạm pháp tương đối lớn ấy đánh dấu sự chấm dứt của phong trào. Một số người vì không đồng ý với lối đấu tranh ấy, một số người khác vì sợ hãi đã rút khỏi phong trào, tình hình tự nhiên lại yên tĩnh. Chính phủ cử một uỷ ban đến điều tra sự kiện này và nguyên nhân xảy ra, và sự việc kết thúc như vậy. Nhưng nông dân vẫn chưa hết nghèo khổ, vì trong quan hệ xã hội hiện tại, sự nghèo khổ chỉ có thể tăng thêm chứ không giảm bớt, nên thế nào cũng có ngày nó sẽ dẫn đến những biến động nghiêm trọng hơn cuộc hoá trang Rê-bếch-ca khôi hài kia. Nếu ở Anh chúng ta đã thấy kết quả của chế độ kinh doanh lớn, còn ở Oen-xơ chúng ta thấy kết quả của chế độ lĩnh canh nhỏ, thì ở Ai-rơ-len lại là hậu quả của chế độ chia nhỏ ruộng đất. Tuyệt đại đa số cư dân Ai-rơ-len là tá điền nhỏ, họ thuê một túp lều tồi tàn bằng đất sét trộn rơm, chỉ có một phòng và một mảnh đất trồng khoai tây, mảnh đất ấy chỉ đủ bảo đảm cho họ có được thức ăn cần thiết để sống qua mùa đông. Do sự cạnh tranh kịch liệt giữa các tá điền nhỏ, địa tô đã lên tới mức cao chưa từng thấy, gấp hai ba lần, thậm chí gấp bốn lần địa tô ở Anh, vì mỗi công nhân công nhật nông nghiệp đều muốn trở thành tá điền, nên mặc dù ruộng đất đã bị chia nhỏ vẫn còn rất nhiều công nhân giành nhau thuê. Mặc dù đất canh tác ở Đại Bri-ten có tới 32 triệu a-cơ-rơ, mà ở Ai-rơ-len chỉ có 14 triệu, mặc dù ở Đại Bri-ten mỗi năm sản xuất 150 triệu pao xtéc-linh nông sản phẩm, mà Ai-rơ-len chỉ có 36 triệu, số công nhân nông nghiệp ở Ai-rơ-len lại nhiều hơn Đại Bri-ten 75000 người1). Sự không tương xứng khác thường ấy đủ chứng tỏ rõ ràng sự cạnh tranh về ruộng đất ở Ai-rơ-len kịch liệt biết bao, nhất là khi chú ý rằng đời sống của công nhân nông nghiệp ở Anh đã vô cùng nghèo khổ. Hậu quả của cạnh tranh tất nhiên là địa tô lên cao, đến mức mà đời sống của tá điền không thể cao hơn đời sống của công nhân công nhật là mấy. Như thế là nhân dân Ai-rơ-len bị trói buộc vào cảnh nghèo khổ trầm trọng mà trong quan hệ xã hội hiện tại, họ khó lòng thoát khỏi. Người Ai-rơ-len sống trong những túp lều bằng đất sét tồi tàn, cùng lắm chỉ đáng cho súc vật ở, và mùa đông vất vả lắm họ mới sống qua được trót lọt; đúng như bản báo cáo trên đã nói, trong một năm, có 30 tuần lễ họ có khoai tây để ăn lửng dạ, còn 22 tuần lễ nữa thì chẳng có gì ăn. Đến mùa xuân, khi khoai dự trữ đã ăn hết hoặc đã mọc mầm không thể ăn được nữa, người vợ bèn dắt con và xách ấm nước đi ăn mày; trong khi ấy, người chồng ở nhà sau khi đã trồng khoai tây xong thì đi kiếm việc làm ở nơi nào gần đấy hay ở Anh đến vụ dỡ khoai tây mới quay về với gia đình. Chín phần mười cư dân các vùng nông thôn Ai-rơ-len sống như thế đấy. Những con người ấy nghèo xơ xác như những con chuột nhà thờ, mặc rách tả tơi và ở vào trình độ phát triển thấp nhất chỉ có thể có ở một nước nửa văn minh. Theo bản báo cáo đã trích dẫn trên, trong số 8 triệu rưỡi cư dân, có tới 585 nghìn chủ gia đình phải sống trong cảnh nghèo khổ hoàn toàn (destitution) còn theo những tư liệu khác mà ông tỉnh trưởng A-li-xơn dẫn ra2), thì ở Ai-rơ-len có tới 2 triệu 30 vạn người hết cách sống, nếu không có xã hội hoặc tư nhân cứu tế; nói cách khác, có 27 % cư dân bần cùng. Nguyên nhân của sự bần cùng ấy là ở trong các quan hệ xã hội hiện tại, nhất là ở trong sự cạnh tranh diễn ra ở đây theo một hình thức khác, tức hình thức chia nhỏ ruộng đất. Người ta đã từng mưu toan tìm những nguyên nhân khác. Người ta cho nguyên nhân của bần cùng là do quan hệ đặc biệt giữa tá điền và địa chủ, người địa chủ cho những tá điền lớn thuê những khoảnh đất lớn, những tá điền lớn này lại đem chia đất ấy thành những mảnh nhỏ cho các tá điền nhỏ thuê, những tá điền nhỏ chia nhỏ đất ra cho người thứ ba thuê, cứ như thế mãi, v.v.. Thành thử giữa địa chủ và người thực tế canh tác có khi có tới chục người trung gian. Người ta cho rằng nguyên nhân của nghèo khổ là cái đạo luật thật sự ô nhục, căn cứ vào đó thì khi người tá điền trực tiếp không nộp địa tô, địa chủ có quyền đuổi người thực tế canh tác mặc dù người này đã nộp địa tô cho người trung gian đã cùng anh ta ký hợp đồng. Nhưng những điều kể trên chỉ quyết định hình thức biểu hiện sự nghèo khổ mà thôi. Giả sử bản thân anh tá điền nhỏ biến thành người sở hữu ruộng đất thì kết quả sẽ ra sao? Đại đa số, dù không phải nộp địa tô cũng không thể nào dựa vào mảnh đất nhỏ của họ mà sống được, và nếu như tình hình có được cải thiện tốt hơn chăng nữa, thì chỉ vài năm sau nhân khẩu tăng lên nhanh không ngừng sẽ khiến tình hình trở lại như cũ. Những người gặp được hoàn cảnh tốt sẽ nuôi sống được con cái họ, những đứa trẻ mà ngày nay đang chết yểu từ lúc còn thơ ấu do nghèo đói và thiếu thốn. Cũng có người nói rằng sự nghèo khổ ấy là do sự áp bức vô sỉ của người Anh đối với nhân dân Ai-rơ-len. Cố nhiên ách áp bức ấy có thể làm cho nạn bần cùng đến nhanh hơn, nhưng nó không phải là nguyên nhân gây nên bần cùng. Lại có người nêu nguyên nhân là ở Giáo hội quốc giáo tin lành mà nếu đem chia cho nhân dân Ai-rơ-len tất cả các thứ mà Giáo hội quốc giáo đã lấy của họ thì mỗi người không được tới hai ta-le; ngoài ra thuế thập phân, mặc dù các tá điền phải nộp, chính không phải đánh vào tá điền mà đánh vào kẻ sở hữu ruộng đất. Ngày nay, sau khi có luật hoán nạp năm 1838, người sở hữu ruộng đất phải nộp lấy thuế thập phân, nhưng hắn lại nâng cao địa tô lên một cách tương ứng, cho nên tình cảnh của tá điền cũng chẳng hơn gì. Người ta còn nêu lên hàng trăm loại nguyên nhân khác, nhưng đều chẳng chứng minh được gì hơn, ngoài điểm ấy ra thì chỉ có thể tìm nguyên nhân của một hình thức biểu hiện nào đó của sự bần cùng, chứ không tìm được nguyên nhân của bản thân sự bần cùng. Nếu ở Ai-rơ-len sự bần cùng biểu hiện dưới hình thức này chứ không phải dưới một hình thức nào khác, cái đó là do tính cách dân tộc và sự phát triển lịch sử của nhân dân. Nói về toàn bộ tính cách dân tộc, thì người Ai-rơ-len giống với các dân tộc la-tinh, với người Pháp, nhất là với I-ta-li-a. Về những khuyết điểm của dân tộc này, chúng ta đã thấy qua sự miêu tả của Các-lai-lơ. Bây giờ chúng ta hãy nghe một người Ai-rơ-len, dẫu sao cũng gần chân lý hơn Các-lai-lơ, là người quá thích thú đặc tính giéc-manh: "Họ hiếu động nhưng đồng thời lại biếng nhác (indolent), họ sáng ý nhưng lại khinh suất, hấp tấp, không nhẫn nại, không nhìn xa; họ bẩm tính dũng cảm, rộng lượng một cách không chín chắn, bị sỉ nhục và lập tức báo thù hay tha thứ ngay; kết bạn nhanh, tuyệt giao cũng nhanh, rất nhiều tài năng nhưng phán đoán rất kém"1). Ở người Ai-rơ-len, tình cảm và nhiệt tình chiếm ưu thế so với lý trí. Tính dễ xúc động của họ làm cho họ không thể suy nghĩ chín chắn và tiến hành những hoạt động bình tĩnh và kiên nhẫn. Những người như thế hoàn toàn không thích nghi với lao động công nghiệp dưới hình thức hiện nay của nó, cho nên người Ai-rơ-len vẫn cứ chuyên về nông nghiệp mà lại còn ở trình độ thấp nhất. Do chỗ những mảnh đất nhỏ ở đây vốn đã tồn tại từ lâu đời chứ không phải do chia cắt một cách nhân tạo những lãnh địa lớn như ở Pháp và ở khu vực sông Ranh1) mà có, nên không thể nghĩ đến chuyện đầu tư vốn để cải tạo đất. Theo số liệu của A-li-xơn thì phải đầu tư tới 120 triệu pao xtéc-linh mới có thể làm cho ruộng đất ở Ai-rơ-len đạt tới mức sản xuất của ruộng đất Anh vốn dĩ cũng không cao gì. Dân di cư Anh đáng lẽ hoàn toàn có thể nâng cao trình độ văn hoá của nhân dân Ai-rơ-len thì lại chỉ lo bóc lột họ một cách cực kỳ tàn khốc, trong khi dân di cư Ai-rơ-len lại mang đến cho dân tộc Anh một chất men, dần dần sẽ đem lại hiệu quả; Ai-rơ-len chẳng có gì đáng biết ơn dân di cư Anh cả. Những cố gắng của nhân dân Ai-rơ-len để thoát khỏi tình trạng tuyệt vọng hiện nay, một mặt biểu hiện bằng những hành động khủng bố, những hành động này đã trở thành hiện tượng hàng ngày; ở các vùng nông nghiệp, nhất là ở miền Nam và miền Tây, phần lớn là giết những kẻ thù trực tiếp là bọn đại diện của địa chủ và tay sai trung thành của chúng, bọn tín đồ tôn giáo từ ngoài đến, bọn tá điền lớn mà ruộng đất gồm những mảnh đất nhỏ trồng khoai tây của hàng trăm gia đình bị đuổi, v.v.; mặt khác biểu hiện bằng công tác cổ động nhằm thủ tiêu sự hợp nhất với Đại Bri-ten121. Qua những điều kể trên, có thể thấy rõ rằng những người Ai-rơ-len không được giáo dục ấy không thể không coi người Anh là kẻ thù trực tiếp của mình và đối với họ, bước tiến thứ nhất là giành độc lập dân tộc. Nhưng cũng thấy rất rõ ràng rằng thủ tiêu sự hợp nhất quyết không phải là đã có thể thủ tiêu được nạn bần cùng mà chỉ tỏ rõ rằng phải tìm nguyên nhân sự nghèo khổ ấy ở ngay trong nước chứ không phải ở ngoài Ai-rơ-len như người ta nghĩ hiện nay. Tuy vậy ở đây tôi không xem xét vấn đề tách riêng Ai-rơ-len ra có thực là cần thiết để giúp cho người Ai-rơ-len hiểu được sự thực ấy không? cho tới nay phong trào Hiến chương cũng như chủ nghĩa xã hội đều không có thành tích đặc biệt gì ở Ai-rơ-len. Tôi kết thúc ở đây những nhận xét của tôi về Ai-rơ-len, vả chăng kết quả cổ động nhằm thủ tiêu sự hợp nhất năm 1843 và vụ án Ô Cô-nen đã làm cho những người Đức ngày càng hiểu rõ tình cảnh nghèo khổ của Ai-rơ-len. Như vậy là chúng ta đã theo dõi tình cảnh giai cấp vô sản ở các đảo Bri-ten qua các ngành hoạt động của họ, và đâu đâu chúng ta cũng thấy nghèo khổ, bần cùng, đâu đâu cũng thấy những điều kiện sinh sống hoàn toàn không xứng đáng với con người. Chúng ta đã thấy sự bất mãn đã sinh ra, lớn lên cùng với sự lớn lên của bản thân giai cấp vô sản như thế nào, nó lan rộng và có những hình thức tổ chức ra sao, chúng ta cũng thấy những cuộc đấu tranh công khai, đổ máu và không đổ máu của giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản. Chúng ta đã nghiên cứu những nguyên lý quyết định vận mệnh, hy vọng và lo âu của những người vô sản, và chúng ta thấy rõ không có một tý triển vọng nào cải thiện được tình cảnh của họ. Chúng ta cũng đã có dịp quan sát thái độ của giai cấp tư sản đối với giai cấp vô sản qua hàng loạt dẫn chứng và khẳng định rằng giai cấp tư sản chỉ quan tâm đến bản thân họ, đến lợi riêng của họ. Nhưng để khỏi bất công đối với họ, chúng ta cũng nên nghiên cứu hành động của họ kỹ hơn một chút.
1) E.G. Wakefield, M.P. "Swing unmasked of the Cause of Rural Incendiarism". London. 1831 [Nghị sĩ E.G. Uây-cơ-phin "Xuynh bị vạch mặt, hay nguyên nhân của những vụ phóng hoả ở nông thôn". Luân Đôn, 1831]. - Sách mỏng. Những đoạn dẫn trên đây ở tr.9-13; khi dịch chúng tôi lược bỏ những chỗ trong nguyên bản nói về đạo luật cũ về người nghèo hãy còn tồn tại thời bấy giờ. 1* - "chúa đất" 1) Báo cáo về Ai-rơ-len của tiểu ban luật về người nghèo. Kỳ họp nghị viện năm 1837. 2) "Những nguyên lý về dân số", tập II. 1) "The State of Ireland". London, 1807, 2nd edtion, 1821 ["Tình cảnh của Ai-rơ-len. Luân Đôn. 1807, xuất bản lần thứ hai, 1821"]. Sách mỏng. 1) (Năm 1892.) Điều đó không đúng. Từ thời trung cổ, kinh tế tiểu nông vẫn là hình thức kinh tế chiếm ưu thế trong nông nghiệp. Do đó kinh tế tiểu nông hãy còn tồn tại cho đến trước cách mạng. Cách mạng chỉ thay đổi quyền sở hữu đối với nền kinh tế ấy: nó tước đoạt quyền sở hữu ấy của phong kiến và trực tiếp hoặc gián tiếp chuyển giao nó vào tay nông dân. (Chú thích của Ăng-ghen cho lần xuất bản bằng tiếng Đức năm 1892.) 121 Sự hợp nhất Anh - Ai-rơ-len là do Chính phủ Anh cưỡng ép Ai-rơ-len tiếp nhận sau khi đàn áp cuộc khởi nghĩa của Ai-rơ-len năm 1798. Sự hợp nhất có hiệu lực từ 1 tháng Giêng 1801 đã tước đoạt nốt chút quyền tự quyết cuối cùng của Ai-rơ-len và đã giải tán nghị viện Ai-rơ-len. Việc yêu cầu thủ tiêu sự hợp nhất (Ai-rơ-len và đã giải tán nghị viện Ai-rơ-len. Việc yêu cầu thủ tiêu sự hợp nhất (Repeal of Union) đã trở thành khẩu hiệu được hưởng ứng nhất ở Ai-rơ-len từ những năm 20 của thế kỷ XIX; Hội liên hiệp của những người chủ trương thủ tiêu sự hợp nhất đã được thành lập năm 1840. |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC