Chủ nghĩa Marx

Lao động giản đơn và lao động phức tạp

CHỐNG ĐUY-RINH - MỤC LỤC

 

Phần thứ hai

KINH TẾ CHÍNH TRỊ HỌC

 

VI.

LAO ĐỘNG GIẢN ĐƠN VÀ LAO ĐỘNG PHỨC TẠP

 

FRIEDRICH ENGELS (1820-1895)

 


C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 20. Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2004. | Phiên bản điện tử: dangcongsan.vn | Nguyên bản tiếng Đức | Bản dịch tiếng Anh.


 

 

Ông Đuy-rinh đã phát hiện ở Mác một sai lầm về kinh tế thật là thô bạo, chỉ xứng đáng với một học sinh lớp bốn, nó đồng thời lại bao hàm một tà đạo xã hội chủ nghĩa nguy hiểm cho xã hội.

Lý luận của Mác về giá trị "chẳng qua chỉ là... học thuyết thông thường cho rằng lao động là nguyên nhân sinh ra mọi giá trị, và thời gian lao động là thước đo mọi giá trị. Đồng thời cái quan niệm nên suy nghĩ thế nào về giá trị khác nhau của cái gọi là lao động lành nghề, thì vẫn hoàn toàn không rõ... Cố nhiên theo lý luận của chúng tôi, cũng chỉ có thời gian lao động được sử dụng mới có thể đo được giá thành tự nhiên và do đó, giá trị tuyệt đối của các vật phẩm kinh tế; nhưng ở đây thời gian lao động của mỗi người phải được coi trước là hoàn toàn ngang nhau và chỉ cần chú ý rằng, trong những công việc thành thạo hơn, thì thêm vào thời gian lao động cá nhân của một người còn có thêm thời gian lao động của những người khác nữa... ví dụ như dưới dạng công cụ đã tiêu dùng. Như vậy là không phải như ông Mác đã quan niệm một cách mơ hồ rằng dường như thời gian lao động của một người nào đó tự nó có nhiều giá trị hơn thời gian lao động của một người khác, bởi vì như thế thì trong thời gian lao động của người này dường như cô đọng nhiều thời gian lao động trung bình hơn; không phải như vậy, bất cứ thời gian lao động nào, không có ngoại lệ và theo nguyên tắc, do đó, không cần thiết phải đưa ra ngay từ đầu một mức trung bình hoàn toàn có giá trị ngang nhau, và đối với công việc của một người cũng như đối với bất cứ thành phẩm nào, người ta chỉ cần xét xem bao nhiêu thời gian lao động của những người khác ẩn giấu trong cái mà mới thoạt nhìn chỉ là sự chi phí thời gian lao động của bản thân. Dù cho đó là một công cụ sản xuất do bàn tay sử dụng, hay là do bàn tay, hay là cả đầu óc nữa, tức là những cái mà nếu không có thời gian lao động của những người khác không thể có một thuộc tính đặc biệt và năng lực lao động đặc biệt, - đối với giá trị chặt chẽ của lý luận thì điều đó hoàn toàn không quan trọng. Nhưng trong những lập luận của mình về giá trị thì ông Mác lại không sao thoát khỏi cái bóng ma lảng vảng ở phía sau là thời gian lao động thành thạo. Cái cách suy nghĩ mà ông ta thừa kế được của các giai cấp có học thức đã làm cho ông ta không thể triệt để đi theo phương hướng đó, đối với cách suy nghĩ ấy thì sẽ là một điều kỳ quái nếu thừa nhận rằng tự nó thời gian lao động của người đẩy xe bò và thời gian lao động của một kiến trúc sư đều có một giá trị hoàn toàn ngang nhau về mặt kinh tế".

Cái đoạn văn của Mác đã gây ra "sự phẫn nộ mạnh mẽ" đó của ông Đuy-rinh, thì rất ngắn, Mác nghiên cứu cái gì quyết định giá trị của hàng hoá và trả lời: lao động của con người chứa đựng trong những hàng hoá đó. Ông nói tiếp: lao động đó "là một sự tiêu phí sức lao động giản đơn mà trung bình bất kỳ một người bình thường nào, một con người không có một sự đặc biệt nào, cũng đều có trong cơ thể của họ... Lao động phức tạp chỉ là lao động giản đơn được nâng lên luỹ thừa hay nói cho đúng hơn, là lao động giản đơn được nhân lên, thành thử một lượng lao động phức tạp nhỏ hơn thì tương đương với một lượng lao động giản đơn lớn hơn. Kinh nghiệm chứng tỏ rằng việc quy lao động phức tạp thành lao động giản đơn như vậy đang diễn ra một cách thường xuyên. Một hàng hoá có thể là sản phẩm của một lao động phức tạp nhất, nhưng giá trị của hàng hoá đó vẫn làm cho nó ngang với sản phẩm lao động giản đơn, và do đó bản thân giá trị ấy chỉ đại biểu cho một lượng lao động giản đơn nhất định mà thôi. Những tỷ lệ khác nhau theo đó các loại lao động khác nhau được quy thành lao động giản đơn, coi đó là một đơn vị dùng để đo các loại lao động khác nhau ấy, - những tỷ lệ khác nhau ấy được xác định bởi một quá trình xã hội diễn ra ở đằng sau lưng những người sản xuất, cho nên những người này vẫn tưởng rằng những tỉ lệ đó do tập quán xác định nên”[1].

Ở Mác, ở đây trước hết chỉ là nói đến việc quy định giá trị của các hàng hoá, nghĩa là của những đồ vật, trong một xã hội gồm những người sản xuất tư nhân, do những người sản xuất tư nhân ấy sản xuất ra bằng những phương tiện riêng của họ, và để trao đổi với nhau. Do đó ở đây tuyệt nhiên không nói đến "giá trị tuyệt đối" không kể là nó tồn tại ở đâu, mà là nói đến giá trị có hiệu lực trong một hình thái xã hội nhất định. Giá trị đó, trong quan niệm lịch sử nhất định đó, rõ ràng là đã được tạo ra và được đo bằng lao động của con người đã nhập vào các hàng hoá và tiếp nữa lao động của con người ấy lại là sự tiêu phí sức lao động giản đơn. Nhưng không phải mọi lao động chỉ đều là sự tiêu phí sức lao động giản đơn của con người; rất nhiều loại lao động bao hàm trong bản thân nó việc vận dụng những sự khéo léo hay những hiểu biết đã đạt được nhờ nhiều hay ít công sức khó nhọc, thời gian và tiền bạc. Những loại lao động phức tạp đó, trong những khoảng thời gian giống nhau, có sản xuất ra cùng một giá trị hàng hoá như lao động giản đơn, tức là sự tiêu phí thuần tuý về sức lao động giản đơn không? Hiển nhiên là không. Sản phẩm của một giờ lao động phức tạp là một hàng hoá có giá trị cao hơn, gấp đôi hay gấp ba lần so với sản phẩm một giờ lao động giản đơn. Thông qua việc so sánh, giá trị của những sản phẩm của lao động phức tạp được biểu hiện ra trong một khối lượng lao động giản đơn nhất định; nhưng việc quy lao động phức tạp ra lao động giản đơn như thế được thực hiện bằng một quá trình xã hội nhất định diễn ra ở đằng sau lưng những người sản xuất, bằng một quá trình mà ở đây trong bản trình bày lý luận về giá trị, chúng ta chỉ có thể xác nhận, nhưng chưa giải thích.

Chính cái sự thật giản đơn đó, hàng ngày diễn ra trước mắt chúng ta trong xã hội tư bản chủ nghĩa hiện nay, là sự thật mà Mác xác nhận ở đây. Sự thật đó đã quá rõ ràng đến nỗi chính ông Đuy-rinh cũng không dám chối cãi cả trong tập "Bài giảng" lẫn trong cuốn "Lịch sử khoa kinh tế chính trị" của ông ta; và sự trình bày của Mác lại đơn giản và sáng tỏ đến nỗi là chắc chắn ngoài ông Đuy-rinh ra sẽ không có ai là "vẫn hoàn toàn không rõ" cả. Chính vì sự hoàn toàn không rõ đó của mình mà ông ta mới coi giá trị hàng hoá, - lúc đầu Mác chỉ nghiên cứu giá trị này thôi, - là những "giá thành tự nhiên" là cái chỉ là cho sự không rõ đó tăng thêm, và thậm chí ông ta còn coi đó là "giá trị tuyệt đối" nữa, một giá trị mà theo chỗ chúng tôi biết thì từ trước tới nay không hề thấy nói đến ở chỗ nào trong khoa kinh tế chính trị cả. Nhưng dù ông Đuy-rinh có hiểu "giá trị tự nhiên" là cái gì chăng nữa, và trong năm loại giá trị của ông ta loại nào được vinh dự tiêu biểu cho giá trị tuyệt đối chăng nữa, thì một điều đã rõ ràng là Mác hoàn toàn không nói đến tất cả những cái đó mà chỉ nói đến giá trị hàng hoá thôi, và trong toàn bộ phần của bộ "Tư bản" nói về giá trị, cũng không hề có một lời ám chỉ nào cho biết là liệu Mác có cho rằng lý luận về giá trị hàng hoá đó có áp dụng được cho những hình thái xã hội khác hay không và áp dụng đến mức nào.

"Như vậy là", ông Đuy-rinh nói tiếp, - "không phải như ông Mác đã quan niệm một cách mơ hồ rằng dường như thời gian lao động của một người nào đó tự nó có nhiều giá trị hơn là thời gian lao động của một người khác, bởi vì như thế thì trong thời gian lao động của người này dường như cô đọng nhiều thời gian lao động trung bình hơn: không phải như vậy, bất cứ thời gian lao động nào - không có ngoại lệ và theo nguyên tắc, do đó không cần thiết phải đưa ra ngay từ đầu một mức trung bình, đều hoàn toàn có giá trị ngang nhau".

May thay cho ông Đuy-rinh là số phận đã không làm cho ông ta trở thành một chủ xưởng và đã tránh cho ông ta khỏi phải quy định giá trị của hàng hoá của mình theo cái quy tắc mới đó, và do đó cũng đã tránh cho ông ta một sự phá sản không thể tránh được. Nhưng sao! Lẽ nào chúng ta vẫn cứ còn ở trong xã hội những chủ xưởng ư? Tuyệt nhiên là không. Với những giá thành tự nhiên và giá trị tuyệt đối, ông Đuy-rinh đã bắt chúng ta phải thực hiện một bước nhảy, một salto mortale thật sự, ra khỏi cái thế giới xấu xa hiện nay của những kẻ bóc lột, để vào cái công xã kinh tế của tương lai của chính ông ta, vào cái thiên giới trong sạch của bình đẳng và công lý, và vì vậy mà ngay ở đây, dù có quá sớm chăng nữa, chúng ta cũng phải xem xét một chút cái thế giới mới đó.

Quả thực theo lý luận của ông Đuy-rinh ngay cả trong xã hội kinh tế, cũng chỉ có thời gian lao động đã chi phí mới có thể đo giá trị của những vật kinh tế, nhưng đồng thời thời gian lao động của một người sẽ được đánh giá trước là hoàn toàn ngang nhau, mọi thời gian lao động - không có ngoại lệ và theo nguyên tắc - đều có một giá trị hoàn toàn ngang nhau, và hơn nữa, không cần thiết phải đưa ra ngay từ đầu một mức trung bình. Và bây giờ xin hãy đối chiếu thứ chủ nghĩa xã hội bình đẳng cấp tiến đó với cái quan niệm mơ hồ của Mác cho rằng dường như thời gian lao động của một người nào đó tự nó có nhiều giá trị hơn thời gian lao động của một người khác, bởi vì trong đó đã cô đọng nhiều thời gian lao động trung bình hơn, một quan niệm trong đó Mác đã bị giam cầm bởi cái cách suy nghĩ kế thừa được của các giai cấp có học thức, đối với cách suy nghĩ ấy sẽ là một điều kỳ quái nếu thừa nhận rằng thời gian lao động của một người đẩy xe bò và thời gian lao động của một kiến trúc sư đều hoàn toàn ngang nhau về mặt kinh tế!

Tiếc thay là Mác đã thêm vào một đoạn trích dẫn trên đây trong bộ "Tư bản" một chú thích nhỏ sau đây: "Bạn đọc nên thấy rằng đây không phải là về tiền công, hay các giá trị mà người công nhân nhận được về một ngày lao động chẳng hạn, mà là nói về giá trị của hàng hoá trong đó ngày lao động ấy[2] được vật hoá*". Do đó Mác, ở đây dường như đã cảm thấy trước ông Đuy-rinh của mình, đã tự mình đề phòng để người ta khỏi đem áp dụng những luận điểm trên đây của mình dù là vào tiền công trả cho lao động phức tạp trong xã hội hiện nay. Và nếu ông Đuy-rinh không hài lòng về việc ông ta vẫn làm điều đó, lại còn coi những luận điểm trên đây là những nguyên tắc cơ bản mà Mác dường như muốn dùng để điều tiết sự phân phối những tư liệu sinh hoạt trong xã hội tổ chức theo chủ nghĩa xã hội, thì đó là một điểm xuyên tạc trơ tráo mà người ta chỉ có thể gặp trong những sách báo lá cải mà thôi.

Nhưng chúng ta hãy nghiên cứu học thuyết về sự ngang giá kỹ hơn một chút. Mọi thời gian lao động đều hoàn toàn ngang giá với nhau: thời gian lao động của người đẩy xe bò, cũng như thời gian lao động của nhà kiến trúc. Vậy là thời gian lao động, và do đó bản thân lao động đều có một giá trị. Nhưng lao động là kẻ sản xuất ra mọi giá trị. Chỉ có lao động mới đem lại cho các sản phẩm tìm thấy trong thiên nhiên một giá trị theo nghĩa kinh tế. Bản thân giá trị chẳng qua chỉ là biểu hiện của lao động xã hội cần thiết của con người, được vật hoá trong một vật. Vậy lao động không thể có một giá trị nào cả. Nói đến giá trị của lao động và muốn quy định giá trị đó, thì cũng như nói đến giá trị của giá trị, hay muốn quy định trọng lượng của bản thân trọng lượng, chứ không phải của một vật nặng. Ông Đuy-rinh thanh toán với những người như Ô-oen, Xanh-Xi-mông và Phu-ri-ê bằng cách gọi họ là những thuật sĩ luyện đan xã hội. Nhưng khi nói viển vông về giá trị của thời gian lao động, tức là của lao động thì ông ta đã tỏ ra còn kém xa những thuật sĩ luyện đan thực sự. Và bây giờ xin độc giả hãy lường thử sự láo xược của ông Đuy-rinh khi ông ta gán cho Mác đã nói rằng dường như thời gian lao động của một người nào đó tự nó có giá trị hơn thời gian lao động của một người khác, rằng làm như thể thời gian lao động, do đó, là lao động cũng có một giá trị. Mác là người đầu tiên đã chỉ ra rằng lao động không thể có giá trị và đã giải thích vì sao lại như thế - vậy mà lại gán câu nói ấy cho Mác được!

Đối với chủ nghĩa xã hội là chủ nghĩa muốn giải phóng sức lao động của con người khỏi địa vị hàng hoá, thì điều rất quan trọng là phải hiểu rằng lao động không có giá trị và không thể có giá trị được. Với nhận thức đó, tất cả những mưu toan định điều tiết sự phân phối các tư liệu sinh hoạt trong tương lai, coi đó là một thứ tiền công cao hơn, - mưu toan mà ông Đuy-rinh đã thừa hưởng được của thứ chủ nghĩa xã hội công nhân tự phát, - sẽ sụp đổ. Từ nhận thức đó, toát ra cái kết luận rằng sự phân phối, chừng nào nó còn bị những lý do thuần tuý kinh tế chi phối thì nó sẽ được điều tiết bởi lợi ích của sản xuất, và sản xuất sẽ được kích thích nhiều nhất bởi một phương thức phân phối cho phép tất cả mọi thành viên trong xã hội phát triển, duy trì và thể hiện những năng khiếu của họ một cách toàn diện nhất. Tất nhiên, đối với cách suy nghĩ của những giai cấp có học thức mà ông Đuy-rinh đã thừa hưởng được, thì quả là một điều quái dị nếu một ngày kia sẽ không còn có người đẩy xe bò và kiến trúc sư chuyên nghiệp nữa, và một người ra chỉ thị trong nửa giờ với tư cách là nhà kiến trúc sư, cũng sẽ đẩy xe một thời gian cho đến khi người ta lại cần đến sự hoạt động của mình với tư cách là một kiến trúc sư. Đẹp đẽ thay cái thứ chủ nghĩa xã hội duy trì vĩnh viễn những người đẩy xe chuyên nghiệp!

Nếu việc có giá trị ngang nhau của thời gian lao động phải có nghĩa là mỗi một công nhân sản xuất những giá trị ngang nhau trong những thời gian lao động bằng nhau mà chẳng cần phải lấy trước một mức trung bình, thì điều đó rõ ràng là sai. Đối với hai công nhân, dù cho cùng một ngành sản xuất, thì giá trị sản xuất ra trong một giờ lao động bao giờ cũng sẽ khác nhau tuỳ theo cường độ lao động và tài khéo léo; điều tai hại đó, - mà chỉ có những người như ông Đuy-rinh mới coi là một điều tai hại, - thì không có một công xã kinh tế nào, ít ra là trên hành tinh chúng ta, lại có thể xoá bỏ được. Vậy thì toàn bộ cái quan niệm về sự ngang giá của mọi lao động còn lại cái gì? Chẳng còn lại cái gì cả ngoài cái câu nói thuần tuý khoác lác chẳng dựa trên một cơ sở kinh tế nào ngoài sự bất lực của ông Đuy-rinh trong việc phân biệt việc lấy lao động để quy định giá trị với việc lấy tiền công để quy định giá trị, - chẳng còn lại cái gì cả ngoài cái mệnh lệnh, cái quy luật cơ bản của công xã kinh tế mới: thời gian lao động ngang nhau thì tiền công phải ngang nhau! Nhưng nếu như vậy thì những công nhân cộng sản Pháp trước kia và Vai-tlinh đã đưa ra những lý do tốt hơn nhiều để chứng minh cho yêu sách của họ đòi một tiền công ngang nhau.

Vậy thì toàn bộ vấn đề quan trọng là trả công cao hơn lao động phức tạp sẽ được giải quyết như thế nào? Trong xã hội những người sản xuất tư nhân thì chính những tư nhân hay gia đình của họ trả những chi phí đào tạo công nhân lành nghề; vậy giá cả cao hơn của sức lao động lành nghề trước hết cũng thuộc về tư nhân: người nô lệ khéo léo được bán đắt hơn, người công nhân làm thuê khéo léo được trả công cao hơn. Trong xã hội tổ chức theo chủ nghĩa xã hội thì xã hội trả những chi phí đó, vì vậy những kết quả, những giá trị lớn hơn do lao động phức tạp sản xuất ra, cũng thuộc về xã hội. Bản thân người công nhân không có quyền đòi hỏi một khoản phụ thêm nào cả. Từ đó, nhân tiện cũng nên rút ra cái kết luận thực tiễn sau đây nữa là: cái khẩu hiệu ưa thích về quyền của người công nhân được hưởng "thu nhập lao động đầy đủ", dù thế nào chăng nữa, không phải bao giờ cũng không có nhược điểm[3].



[1] Xem C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tiếng Việt, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, t.23, tr. 75-76.

[2] Xem C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tiếng Việt, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, t. 23, tr. 75-76.

* Do Ph. Ăng-ghen nhấn mạnh

[3] Khẩu hiệu của Lát-xan về "toàn vẹn sản phẩm của lao động" hoặc "sản phẩm không bị cắt xén của lao động" được phê phán tỉ mỉ trong phần I của tác phẩm "Phê phán cương lĩnh Gô-ta" của Mác (xem C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tiếng Việt, Nhà xuất bản sách chính trị, Mát-xcơ-va, 1961, t. 19, tr. 16 - 21).

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt