Phần thứ hai KINH TẾ CHÍNH TRỊ HỌC
II. LÝ LUẬN VỀ BẠO LỰC
FRIEDRICH ENGELS (1820-1895)
C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 20. Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2004. | Phiên bản điện tử: dangcongsan.vn | Nguyên bản tiếng Đức | Bản dịch tiếng Anh.
"Trong hệ thống của tôi, quan hệ giữa chính trị chung với những hình thức của pháp quyền kinh tế đã được quy định một cách thật dứt khoát, và đồng thời thật độc đáo, đến mức là việc đặc biệt giới thiệu nó để giúp cho nghiên cứu được dễ dàng cũng không phải là thừa. Hình thức của những quan hệ chính trị là cái cơ bản có tính chất lịch sử, còn những quan hệ lệ thuộc về kinh tế thì chỉ là một hậu quả hay một trường hợp đặc biệt, và vì vậy bao giờ chúng cũng là những sự kiện thứ yếu. Một vài hệ thống trong những hệ thống xã hội chủ nghĩa mới nhất lấy cái biểu hiện bề ngoài rõ rệt của một quan hệ hoàn toàn trái ngược làm nguyên tắc chỉ đạo, bằng cách khẳng định rằng những hình thức lệ thuộc chính trị dường như mọc lên từ những trạng thái kinh tế. Dĩ nhiên những hậu quả thuộc loại thứ yếu đó với tư cách là như vậy có tồn tại và đặc biệt bộc lộ rõ hiện nay; nhưng vẫn cần phải tìm cái có trước trong bạo lực chính trị trực tiếp, chứ không phải trong một lực lượng kinh tế gián tiếp". Ở một đoạn khác cũng vậy, ở đó ông Đuy-rinh cũng "xuất phát từ luận điểm cho rằng những chế độ chính trị là nguyên nhân quyết định của tình hình kinh tế và mối quan hệ ngược lại chỉ là một sự tác động ngược trở lại thuộc loại thứ yếu mà thôi... chừng nào mà người ta còn coi tập đoàn chính trị không phải là tồn tại cho bản thân nó, không phải là điểm xuất phát, mà chỉ là một phương tiện để kiếm miếng ăn, thì dù có làm ra vẻ một nhà xã hội chủ nghĩa cấp tiến hay một nhà cách mạng đi nữa, người ta cũng vẫn ẩn giấu trong người khá nhiều tính phản động". Lý luận của ông Đuy-rinh là như vậy đó. Ở đây và ở nhiều đoạn khác nữa, ông Đuy-rinh tuyên bố một cách giản đơn về lý luận đó có thể nói như là ban một sắc lệnh vậy. Suốt ba tập dầy cộp, không hề thấy đoạn nào có ý định - dù là một ý định hết sức nhỏ bé - chứng minh hay bác bỏ ý kiến đối địch. Và giả thử ngay khi những luận cứ rẻ như bèo[1] thì ông Đuy-rinh cũng không đưa ra được cho chúng ta một luận cứ nào cả. Vì rằng vấn đề đã được giải quyết bằng cái câu chuyện về tội tổ tông nổi tiếng, trong đó Rô-bin-xơn đã nô dịch anh chàng Thứ sáu. Đó là một hành vi bạo lực, do đó là một hành vi chính trị. Và vì sự nô dịch đó là điểm xuất phát và là sự kiện cơ bản của toàn bộ lịch sử từ trước tới nay, và vì nó đã làm cho lịch sử phải mắc cái tội tổ tông là sự bất công, hơn nữa lại mắc một cách trầm trọng đến nỗi trong những thời kỳ lịch sử sau này, tội đó mới chỉ được giảm nhẹ đi và "biến thành những hình thức phụ thuộc kinh tế gián tiếp hơn"; mặt khác, vì toàn bộ "chế độ sở hữu cưỡng bức" cho đến nay vẫn còn có hiệu lực, cũng đều dựa trên sự nô dịch đầu tiên đó, cho nên rõ ràng là tất cả mọi hiện tượng kinh tế đều cần phải được giải thích bằng những nguyên nhân chính trị, cụ thể là bằng bạo lực. Và kẻ nào không thoả mãn với sự giải thích đó, thì kẻ đó là một tên phản động giấu mặt. Trước hết, chúng ta nhận thấy rằng cần phải tự yêu mình như ông Đuy-rinh thì mới có thể coi cái ý kiến chẳng độc đáo chút nào đó là một ý kiến "độc đáo". Quan niệm cho rằng dường như những hành động chính trị lớn lao là nhân tố quyết định trong lịch sử là một quan niệm cũng cũ rích như chính ngay việc viết sử vậy. Quan niệm đó là nguyên nhân chủ yếu khiến cho chúng ta còn rất ít tài liệu về sự phát triển của các dân tộc, sự phát triển đó đã lặng lẽ diễn ra đằng sau những màn kịch ồn ào đó, và là động lực thật sự thúc đẩy sự vật tiến lên. Quan niệm đó đã thống trị toàn bộ quan niệm lịch sử trước đây và mãi đến thời kỳ Phục tích mới bị các nhà sử học tư sản Pháp[2] làm cho lay chuyển; ở đây, điểm "độc đáo" duy nhất là ở chỗ ông Đuy-rinh một lần nữa lại chẳng biết gì hết về tất cả những điều đó. Tiếp nữa, cứ hãy tạm cho ông Đuy-rinh có lý khi ông nói rằng toàn bộ lịch sử cho đến ngày nay có thể quy thành việc người nô dịch người; nhưng như thế chúng ta cũng vẫn còn xa mới đụng được đến thực chất của vấn đề. Vì trước tiên, mọi câu hỏi sẽ được đặt ra: Rô-bin-xơn cần phải nô dịch anh chàng Thứ sáu để làm gì? Chỉ giản đơn vì sự thích thú chăng? Tuyệt đối không phải thế. Trái lại, chúng ta thấy rằng anh chàng Thứ sáu "bị cưỡng bức đẩy vào tình trạng một kẻ nô lệ hay một công cụ giản đơn là phục vụ về mặt kinh tế, và vì vậy cũng sẽ chỉ được duy trì như một công cụ thôi". Rô-bin-xơn chỉ nô dịch anh chàng Thứ sáu để anh chàng Thứ sáu làm việc cho lợi ích của Rô-bin-xơn. Và làm thế nào mà Rô-bin-xơn lại có thể thu được lợi nhờ lao động của anh chàng Thứ sáu? Chính chỉ vì bằng lao động của mình, anh chàng Thứ sáu sản xuất ra nhiều tư liệu sinh hoạt hơn cái phần tư liệu sinh hoạt mà Rô-bin-xơn buộc phải cấp cho anh chàng Thứ sáu để cho anh ta vẫn có thể lao động được. Vậy, trái với điều quy định rõ ràng của ông Đuy-rinh, Rô-bin-xơn coi cái "tập đoàn chính trị" do sự nô dịch anh chàng Thứ sáu tạo ra - "không phải là tồn tại cho bản thân nó, không phải là điểm xuất phát, mà chỉ là một phương tiện để kiếm miếng ăn". Và bây giờ thì mặc cho Rô-bin-xơn tự mình dàn xếp với người chủ và người thày của mình là ông Đuy-rinh. Như vậy, cái thí dụ ấu trĩ mà ông Đuy-rinh đã đặc biệt bịa ra để chứng minh rằng bạo lực là "yếu tố lịch sử cơ bản", thí dụ đó chứng minh rằng bạo lực chỉ là phương tiện, còn lợi ích kinh tế, trái lại, là mục đích. Và chừng nào mà mục đích là "cơ bản hơn" phương tiện dùng để đạt tới mục đích, thì chừng đó, trong lịch sử, mặt kinh tế của mối quan hệ lại cơ bản hơn là mặt chính trị. Như vậy, thí dụ ấy lại chứng minh đúng điều trái ngược với cái mà nó phải chứng minh. Và điều xảy ra đối với Rô-bin-xơn và anh chàng Thứ sáu cũng xảy ra đối với tất cả những trường hợp thống trị và nô dịch đã xảy ra từ trước tới nay. Sự áp bức - như câu nói trang nhã của ông Đuy-rinh - bao giờ cũng là "một phương tiện để kiếm miếng ăn" (kiếm miếng ăn ở đây là nói theo nghĩa rộng nhất), nhưng chưa bao giờ và cũng chưa có một nơi nào mà tập đoàn chính trị lại được thiết lập "vì bản thân nó" cả. Phải là ông Đuy-rinh thì mới có thể hình dung được rằng trong nhà nước thuế khoá chỉ là "những hậu quả thuộc loại thứ yếu" hay cho rằng tập đoàn chính trị hiện nay, gồm giai cấp tư sản thống trị và giai cấp vô sản bị trị, tồn tại "vì bản thân nó" chứ không phải là "để kiếm miếng ăn" cho bọn tư sản đang thống trị, nghĩa là không phải để bóp nặn lợi nhuận và tích luỹ tư bản. Tuy nhiên chúng ta hãy trở lại với hai anh chàng của chúng ta. Rô-bin-xơn, "tay cầm kiếm", biến anh chàng Thứ sáu thành nô lệ của mình. Nhưng để thực hiện điều đó, thì ngoài cái kiếm ra, Rô-bin-xơn còn phải cần đến một cái gì khác nữa. Không phải bất kỳ người nô lệ nào cũng đem lại lợi ích cả. Muốn dùng được một người nô lệ, người ta phải có hai thứ: một là, có những công cụ và đối tượng lao động cho người nô lệ và hai là, có những tư liệu để nuôi sống người nô lệ đó một cách nghèo nàn. Bởi vậy, trước khi chế độ nô lệ có thể xuất hiện được, người ta đã phải đạt tới một trình độ sản xuất nào đó và một trình độ bất bình đẳng nào đó trong việc phân phối. Và muốn cho lao động nô lệ trở thành phương thức sản xuất thống trị trong toàn bộ một xã hội, thì cần phải có một sự tăng lên hơn rất nhiều của sản xuất, thương nghiệp, tích luỹ của cải. Trong những công xã nguyên thuỷ thời cổ có chế độ công hữu ruộng đất thì hoặc là không có chế độ nô lệ, hoặc là chế độ nô lệ chỉ giữ một vai trò rất thứ yếu. ở thành phố nông dân Rô-ma lúc ban đầu tình hình cũng như thế; trái lại khi Rô-ma đã trở thành một "thành phố thế giới" rồi, và khi sở hữu ruộng đất ở I-ta-li-a ngày càng chuyển vào tay một giai cấp ít người gồm những kẻ sở hữu ruộng đất hết sức giàu có, thì dân số nô lệ lấn át dân số nông dân. Nếu trong thời kỳ có những cuộc chiến tranh với Ba Tư, con số nô lệ ở Cô-ranh-tơ lên đến 460000, và ở A-gi-na lên đến 470000, và nếu cứ 10 người nô lệ mới có một người dân tự do[3], thì để có một tình hình như thế, ngoài "bạo lực" ra, tất phải có một cái gì nữa, cụ thể là phải có một nền mỹ nghệ và thủ công nghiệp rất phát triển và một nền thương nghiệp rộng lớn. Chế độ nô lệ ở Hợp chúng quốc Mỹ ít dựa vào bạo lực hơn là dựa vào ngành công nghiệp bông vải sợi của Anh; trong những miền không trồng bông hay những miền như những bang giáp ranh không nuôi nô lệ để cung cấp cho những bang trồng bông, thì chế độ nô lệ tự tiêu vong, mà không cần phải dùng đến bạo lực, chỉ vì chế độ ấy không sinh lợi. Vậy nếu ông Đuy-rinh gọi chế độ sở hữu hiện nay là một chế độ sở hữu bạo lực và ông ta coi nó là "một hình thức thống trị mà cơ sở không phải chỉ là việc không cho người đồng loại sử dụng tư liệu sinh hoạt tự nhiên, mà - điều này còn quan trọng hơn nhiều - còn là việc bắt con người phải lao động nô lệ" thì như thế là ông Đuy-rinh đã đặt lộn ngược toàn bộ quan hệ. Việc bắt con người phải lệ thuộc vào lao động nô dịch dưới tất cả mọi hình thức của nó, đều giả định trước rằng người đi nô dịch phải có sẵn những tư liệu lao động, chỉ nhờ có những tư liệu ấy hắn mới có thể sử dụng người bị nô dịch được, và ngoài ra, trong chế độ nô lệ, người đó còn phải có những tư liệu sinh hoạt, chỉ nhờ có những tư liệu sinh hoạt này hắn mới có thể giữ cho người nô lệ sống được. Như vậy, trong tất cả mọi trường hợp đều giả định là phải có một số tài sản vượt quá mức trung bình. Số của cải này do đâu mà có được? Dầu sao cũng rõ ràng là số của cải đó có thể do cướp bóc mà có, tức là dựa trên bạo lực, nhưng cũng không nhất thiết cứ phải là như thế. Số của cải đó có thể do lao động, do ăn cắp, do buôn bán, do lừa đảo mà có được. Thoạt tiên nói chung nó phải là do lao động làm ra đã, rồi sau đó mới có thể bị cướp bóc được. Nói chung, trong lịch sử, chế độ sở hữu tư nhân hoàn toàn không phải là kết quả của hành động cướp bóc và bạo lực. Trái lại, nó đã tồn tại trong công xã nguyên thuỷ thời cổ của tất cả các dân tộc văn minh, mặc dầu là chỉ giới hạn trong một số vật phẩm nào đó. Chế độ ấy đã phát triển dưới hình thức hàng hoá ngay trong lòng công xã đó, thoạt tiên trong việc trao đổi với những người ngoài. Những sản phẩm của công xã càng mang hình thức hàng hoá, nghĩa là một bộ phận càng ít hơn của chúng được sản xuất cho tiêu dùng của bản thân người sản xuất và một bộ phận càng lớn hơn của chúng được sản xuất nhằm mục đích trao đổi, sự trao đổi, ngay cả trong nội bộ công xã, càng lấn át sự phân công lao động có tính chất tự phát lúc ban đầu, - thì tình trạng tài sản của các thành viên cá biệt trong công xã lại càng trở nên không đồng đều, chế độ công hữu ruộng đất cũ càng bị phá vỡ sâu hơn và công xã càng nhanh chóng đi tới chỗ giải thể thành một làng của những người nông dân - những người sở hữu nhỏ. Chế độ chuyên chế phương Đông và sự thống trị thay thế nhau của những dân tộc du mục xâm lược, trong hàng ngàn năm cũng chẳng làm gì được những công xã cũ đó; trong lúc đó, sự phá vỡ dần dần nền công nghiệp gia đình tự phát của chúng do sự cạnh tranh của những sản phẩm của đại công nghiệp gây ra, lại làm cho các công xã ấy ngày càng tan rã. Cả ở đây nữa, cũng giống như trong việc phân chia những ruộng đất công - hiện nay cũng vẫn đang còn diễn ra - của những "cộng đồng nông thôn" ở vùng Mô-den và Hô-khơ-van, người ta cũng không thể nói đến bạo lực: nông dân thấy rằng đem chế độ tư hữu ruộng đất thay thế cho chế độ công hữu ruộng đất là có lợi cho họ[4]. Ngay cả việc hình thành một tầng lớp quý tộc nguyên thuỷ - như đã diễn ra ở người Ken-tơ, người Giéc-manh và ở Pun-giáp ấn Độ, - trên cơ sở chế độ công hữu ruộng đất, thoạt tiên cũng tuyệt nhiên không dựa trên bạo lực, mà là dựa trên sự tự nguyện và tập quán. Bất cứ ở chỗ nào mà chế độ tư hữu hình thành, thì điều đó xảy ra do những quan hệ sản xuất và trao đổi đã thay đổi, vì lợi ích của việc nâng cao sản xuất và phát triển thương nghiệp - như vậy là do những nguyên nhân kinh tế. Bạo lực tuyệt đối chẳng đóng một vai trò gì trong đó cả. Vì rõ ràng là thiết chế sở hữu tư nhân phải tồn tại đã, rồi sau đó kẻ cướp mới có thể chiếm hữu được của cải của người khác; do đó, bạo lực tuy có thể làm thay đổi kẻ sở hữu tài sản, nhưng nó không thể đẻ ra chế độ tư hữu tài sản với tư cách là một chế độ như thế. Nhưng chúng ta cũng không thể viện vào bạo lực hay vào sở hữu bạo lực để giải thích việc "bắt con người phải lao động nô lệ" dưới hình thức hiện đại nhất của nó là lao động làm thuê. Chúng ta đã nói đến việc biến những sản phẩm của lao động thành hàng hoá, tức là việc sản xuất ra sản phẩm không phải để cho tiêu dùng của bản thân, mà là để trao đổi, đã đóng một vai trò như thé nào trong việc làm tan rã công xã thời cổ, do đó, trong việc trực tiếp hay gián tiếp làm cho chế độ tư hữu trở thành phổ biến. Và Mác đã chứng minh một cách hết sức rõ ràng trong bộ "Tư bản" - nhưng ông Đuy-rinh lại tránh không nói một lời nào đến điều này - rằng ở một trình độ phát triển nào đó thì sản xuất hàng hoá biến thành sản xuất tư bản chủ nghĩa, và tới trình độ đó, thì "quy luật chiếm hữu, hay quy luật sở hữu tư nhân xây dựng trên nền sản xuất hàng hoá và lưu thông hàng hoá, do sự biện chứng bên trong, tất yếu, của chính bản thân nó mà chuyển hoá thành cái đối lập của nó: việc trao đổi những vật ngang giá, mà sự giao dịch lúc ban đầu thể hiện ra, đã biến đổi đến mức là nó chỉ còn là cái vẻ bề ngoài mà thôi, vì một là, bản thân phần tư bản đem trao đổi lấy sức lao động chỉ là một phần của sản phẩm lao động của người khác, bị chiếm hữu mà không trả một vật ngang giá nào cả, và hai là, phần đó chẳng những phải được người sản xuất ra nó, tức là công nhân, bù lại, mà còn phải được bù lại với một số dư mới... Lúc ban đầu quyền sở hữu thể hiện ra trước chúng ta như là dựa trên lao động cá nhân... Bây giờ" (nghĩa là ở cuối đoạn phần phân tích của Mác), "ta thấy quyền sở hữu ở phía nhà tư bản là quyền chiếm hữu lao động không công của người khác, còn về phía công nhân là tình trạng không thể chiếm hữu được sản phẩm của chính mình làm ra. Sự tách rời giữa quyền sở hữu khỏi lao động trở thành hậu quả tất yếu của một quy luật hình như xuất phát từ sự đồng nhất giữa hai cái đó"[5]. Nói một cách khác, ngay cả khi chúng ta loại bỏ khả năng cướp bóc, bạo lực và gian lận đi nữa, ngay cả khi chúng ta thừa nhận mọi sở hữu tư nhân lúc ban đầu đều dựa trên lao động cá nhân của người sở hữu, và trong toàn bộ tiến trình sau này của sự việc, người ta chỉ trao đổi những giá trị ngang nhau lấy những giá trị ngang nhau thôi, - thì tuy vậy, trong sự phát triển tiếp tục của sản xuất và trao đổi, nhất định chúng ta cũng sẽ tiến đến phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa hiện nay, đến tình trạng độc chiếm các tư liệu sản xuất và sinh hoạt vào trong tay một giai cấp ít người, đến tình trạng một giai cấp khác, chiếm tuyệt đại đa số, bị rơi xuống địa vị những người vô sản tay trắng, đến sự thay thế nhau có tính chất định kỳ của cơn sốt sản xuất có tính chất đầu cơ và các cuộc khủng hoảng thương nghiệp, và đến toàn bộ tình trạng vô chính phủ hiện nay trong sản xuất. Toàn bộ quá trình được giải thích bằng những nguyên nhân thuần tuý kinh tế, chứ không cần thiết phải viện đến sự cướp bóc, bạo lực, nhà nước hay bất kỳ một sự can thiệp chính trị nào cả. ở đây nữa, "chế độ sở hữu bạo lực" cũng chỉ là một câu nói huênh hoang dùng để che giấu sự không hiểu biết tiến trình thật sự của sự vật. Đứng về mặt lịch sử mà nói, tiến trình sự vật đó là lịch sử phát triển của giai cấp tư sản. Nếu "những chế độ chính trị là nguyên nhân quyết định của tình trạng kinh tế", thì giai cấp tư sản hiện đại đã không phải phát triển trong cuộc đấu tranh chống chế độ phong kiến, mà phải là đứa con cưng do chế độ phong kiến tự nguyện sinh ra. Mọi người đều biết rằng sự việc đã diễn ra chính là ngược lại. Lúc đầu là một đẳng cấp bị áp bức, phải nộp tô cho bọn quý tộc phong kiến thống trị, và được bổ sung vào hàng ngũ của mình những người xuất thân từ những nông nô và những nông dân phụ thuộc đủ các loại, trong quá trình đấu tranh không ngừng với giai cấp quý tộc, giai cấp tư sản đã đoạt được hết vị trí này đến vị trí khác, và cuối cùng đã thay giai cấp quý tộc trở thành giai cấp thống trị trong những nước phát triển nhất; ở Pháp thì bằng cách trực tiếp lật đổ giai cấp quý tộc, còn ở Anh thì bằng cách ngày càng tư sản hoá tầng lớp quý tộc và gộp tầng lớp quý tộc vào thành phần của mình để làm vật trang trí ở bên trên của nó. Giai cấp tư sản đã làm thế nào mà đạt được điều đó? Chỉ bằng cách làm biến đổi "tình trạng kinh tế", tiếp theo sau nó, sớm hay muộn, tự nguyện hay do đấu tranh, rồi cũng xảy ra một sự biến đổi chế độ chính trị. Cuộc đấu tranh của giai cấp tư sản chống quý tộc phong kiến là cuộc đấu tranh của thành thị chống nông thôn, của công nghiệp chống chế độ chiếm hữu ruộng đất, của kinh tế tiền tệ chống kinh tế tự nhiên, và những vũ khí quyết định của giai cấp tư sản trong cuộc đấu tranh này là lực lượng kinh tế của họ, thế lực này đã không ngừng tăng lên do sự phát triển của công nghiệp, - thoạt đầu có tính chất thủ công, rồi sau đó biến thành công trường thủ công, - và do sự mở rộng của thương nghiệp. Trong suốt cuộc đấu tranh đó, bạo lực chính trị đứng về phía quý tộc, trừ một thời kỳ mà chính quyền nhà vua dùng giai cấp tư sản để chống lại quý tộc, nhằm mục đích dùng đẳng cấp này kiềm chế đẳng cấp kia; nhưng từ khi giai cấp tư sản tuy hãy còn bất lực về mặt chính trị nhưng đã bắt đầu trở thành nguy hiểm do lực lượng kinh tế của nó đã tăng lên, thì chính quyền nhà vua lại liên minh với giai cấp quý tộc và do đó mà gây ra cách mạng tư sản, trước hết là ở Anh, và sau đó là ở Pháp. Ở Pháp, "chế độ chính trị" vẫn không thay đổi, trong lúc đó "tình hình kinh tế" lại vượt quá chế độ đó. Xét về địa vị chính trị, quý tộc là tất cả, giai cấp tư sản chẳng là cái gì cả; xét về tình hình xã hội, bây giờ giai cấp tư sản là giai cấp quan trọng nhất trong nước, còn quý tộc thì đã thấy mình mất hết tất cả những chức năng xã hội của mình, và chỉ còn tiếp tục bỏ túi, dưới hình thức thu nhập, những khoản tiền bồi thường cho những chức năng đã mất ấy mà thôi. Hơn thế nữa, trong toàn bộ công việc sản xuất của mình, giai cấp tư sản vẫn bị kẹp chặt trong những hình thức chính trị phong kiến thời trung cổ, mà nền sản xuất đó - không những công trường thủ công mà ngay cả thủ công nghiệp nữa - từ lâu đã vượt quá rồi; bị kẹp chặt trong hàng ngàn đặc quyền phường hội và những hàng rào thuế quan địa phương và hàng tỉnh, tất cả đã trở thành những điều hoạnh hoẹ đơn thuần và những xiềng xích đối với sản xuất. Cuộc cách mạng tư sản đã chấm dứt toàn bộ tình hình đó, nhưng không phải chấm dứt theo nguyên tắc của ông Đuy-rinh là làm cho tình hình kinh tế thích ứng với các chế độ chính trị - đó chính làm điều mà trong nhiều năm giai cấp quý tộc và nhà vua đã thử làm nhưng chỉ uổng công - mà ngược lại nó vứt bỏ cái đồ cũ chính trị thối nát đi và tạo ra chế độ chính trị trong đó "tình hình kinh tế" mới có thể tồn tại và phát triển được. Và trong cái bầu không khí chính trị và pháp quyền thích hợp với mình đó, giai cấp tư sản đã phát triển một cách rực rỡ, rực rỡ đến nỗi là nó đã không còn cách xa cái địa vị mà giai cấp quý tộc đã giữ năm 1789: nó ngày càng trở thành không những là một vật thừa về mặt xã hội, mà còn trở thành một chướng ngại xã hội trực tiếp nữa; nó ngày càng tách ra khỏi hoạt động sản xuất, và cũng giống như giai cấp quý tộc trước kia, giai cấp tư sản ngày càng trở thành một giai cấp chỉ biết bỏ túi thu nhập; và nó đã thực hiện được sự đảo lộn ấy trong địa vị của chính nó và tạo ra một giai cấp mới, giai cấp vô sản, mà không cần đến bất kỳ một trò ảo thuật bạo lực nào cả, và chỉ bằng con đường thuần tuý kinh tế thôi. Hơn nữa, giai cấp tư sản hoàn toàn không muốn những hành động của chính mình đem lại kết quả như thế; trái lại, kết quả đó đã đến với một sức mạnh không gì cưỡng lại được, trái với ý muốn và trái với ý định của giai cấp tư sản; những lực lượng sản xuất của chính nó đã vượt qua sự lãnh đạo của nó, và giống như là với một sự tất yếu của tự nhiên, những lực lượng đó đang đẩy toàn bộ xã hội tư sản đến chỗ diệt vong hay đến một cuộc cách mạng. Và nếu bây giờ các nhà tư sản dùng đến bạo lực để bảo vệ "tình hình kinh tế" đang sụp đổ khỏi sụp đổ, thì với điều đó họ chỉ chứng minh rằng, giống như ông Đuy-rinh, họ là nạn nhân của đúng cái ảo tưởng coi "chế độ chính trị là nguyên nhân quyết định tình hình kinh tế". Hệt như ông Đuy-rinh, họ tưởng có thể dùng " nhân tố đầu tiên", "bạo lực chính trị trực tiếp" mà thay đổi được những "sự kiện thuộc loại thứ yếu" đó, tức là tình hình kinh tế và sự phát triển không thể đảo ngược của nó; và do đó có thể dùng đạn đại bác Cơ-rúp và súng Mô-de mà quét sạch khỏi mặt đất những kết quả kinh tế của máy hơi nước và của những máy móc hiện đại do máy hơi nước làm cho vận động, quét sạch khỏi mặt đất những hậu quả của nền thương nghiệp thế giới và của sự phát triển hiện nay của ngân hàng và tín dụng. [1] Ở đây, Ăng-ghen dùng lời nói của Phan-xta-phơ trích trong biên niên sử của Sếch-xpia "Vua Hen-rích IV" bản dịch ra tiếng Đức của A. V. Slê-ghen, phần thứ nhất, hồi II, màn bốn: "Thậm chí nếu những lời giải thích có thể là rẻ như bèo thì tôi cũng không vì bắt buộc mà phải đưa ra". [2] Đây muốn nói đến O. Chi-e-ri. Ph. Ghi-đô, Ph. Mi-ni-ê, A. Chi-e. [3] Ăng-ghen có lẽ lấy những số liệu này trong cuốn W. Wachsmuth. "Hellenische Alterthumskunde aus dem Gesichtspunkte des Staates". Th. II, Abth. I, Halle, 1829, S. 44 (V. Vắc-xmút, "Nghiên cứu thời cổ Hy Lạp xuất phát từ quan điểm tổ chức nhà nước của nó". Q. II, ph. I, Ha-lơ, 1829, tr. 44). Bản chính những tư liệu về số lượng nô lệ ở Cô-ranh-tơ và A-gi-na trong thời kỳ chiến tranh Hy Lạp - Ba Tư là tác phẩm của nhà văn cổ Hy Lạp A-tê-nây "Câu chuyện trong bữa ăn của những người uyên bác", q. VI. [4] Ăng-ghen sử dụng tác phẩm: G. Hanssen. "Die Gehửferschaften (Erbgenossenschaften) im Regierungsbezirk Trier". Berlin, 1863 (H. Han-xen. "Công xã theo hộ (hội thừa kế) ở vùng Tơ-ria". Béc-lin, 1863). [5] Xem C.Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tiếng Việt, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, t.23, tr. 822-824. |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC