Chủ nghĩa Marx

Lý luận về bạo lực (II)

CHỐNG ĐUY-RINH - MỤC LỤC

 

Phần thứ hai

KINH TẾ CHÍNH TRỊ HỌC

 

III.

LÝ LUẬN VỀ BẠO LỰC

(Tiếp theo)

 

FRIEDRICH ENGELS (1820-1895)

 


C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 20. Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2004. | Phiên bản điện tử: dangcongsan.vn | Nguyên bản tiếng Đức | Bản dịch tiếng Anh.


 

 

Nhưng chúng ta hãy xét kỹ hơn một chút cái "bạo lực" vạn năng đó của ông Đuy-rinh. Rô-bin-xơn "tay cầm kiếm" nô dịch anh chàng Thứ sáu. Vậy Rô-bin-xơn đã lấy kiếm ở đâu ra? Ngay cả trên những hòn đảo tưởng tượng trong những truyện kiểu Rô-bin-xơn, cho đến nay kiếm cũng chưa hề mọc trên cây bao giờ, và ông Đuy-rinh vẫn chưa trả lời cho câu hỏi đó. Cũng như Rô-bin-xơn đã có thể tìm ra được cho mình một thanh kiếm, chúng ta cũng rất có thể có lý do để cho rằng một buổi sáng kia, anh chàng Thứ sáu hiện ra với một khẩu súng lục đã lên đạn ở trong tay, thế là lúc đó toàn bộ quan hệ "bạo lực" liền đảo ngược lại: anh chàng Thứ sáu chỉ huy và Rô-bin-xơn phải nai lưng ra lao động. Chúng tôi xin lỗi độc giả là cứ trở đi trở lại mãi câu chuyện Rô-bin-xơn và anh chàng Thứ sáu, chuyện này thật ra là để dùng cho trẻ em chứ không phải dùng trong khoa học, nhưng chúng tôi biết làm sao bây giờ? Chúng tôi bắt buộc phải vận dụng một cách trung thực cái phương pháp định đề của ông Đuy-rinh, và sẽ không phải là lỗi tại chúng tôi nếu trong việc này chúng tôi luôn luôn phải trở đi trở lại mãi trong lĩnh vực thuần tuý trẻ con. Như vậy là súng lục thắng thanh kiếm, và ngay cả người tán thành phương pháp định đề một cách trẻ con nhất chắc chắn cũng nhận thấy rằng bạo lực không phải đơn thuần là một hành vi của ý chí, mà đòi hỏi những tiền đề rất hiện thực để thực hiện nó, cụ thể đòi hỏi phải có những công cụ, trong đó công cụ hoàn hảo hơn sẽ thắng công cụ không hoàn hảo bằng; rằng tiếp nữa, những công cụ đó phải được sản xuất ra đã, điều này cũng có nghĩa là kẻ sản xuất ra công cụ bạo lực hoàn hảo hơn - vulgoa là sản xuất ra vũ khí - phải thắng kẻ sản xuất ra công cụ bạo lực không hoàn hảo bằng; nói tóm lại, thắng lợi của bạo lực dựa vào việc sản xuất vũ khí, và việc sản xuất vũ khí lại dựa vào sản xuất nói chung, do đó lại - dựa vào "lực lượng kinh tế", vào "tình hình kinh tế", và những phương tiện vật chất mà bạo lực chi phối được.

Bạo lực, hiện nay là quân đội và hạm đội, và cả hai - như tất cả chúng ta, đau xót thay, đều biết rõ - "tốn kém nhiều tiền một cách kinh khủng". Nhưng bạo lực không thể làm ra tiền được, mà nhiều lắm cũng chỉ có thể chiếm đoạt được số đã làm ra thôi, và tiền đó cũng chẳng có ích gì nhiều lắm như chúng ta - cũng lại đau xót thay - đã biết được qua trường hợp mấy nghìn triệu của Pháp[1]. Vậy xét cho cùng thì tiền phải do sản xuất kinh tế làm ra; vậy một lần nữa, bạo lực lại do tình hình kinh tế quyết định, tình hình kinh tế cung cấp cho bạo lực những phương tiện để tạo ra và duy trì những công cụ bạo lực. Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Không có gì lại phụ thuộc vào những điều kiện kinh tế hơn là chính ngay quân đội và hạm đội. Vũ trang, biên chế, tổ chức, chiến thuật, chiến lược phụ thuộc trước hết vào trình độ sản xuất đạt được trong một thời điểm nhất định và vào phương tiện giao thông. ở đây tác động cách mạng hoá không phải là "những sáng tạo tự do của trí tuệ" của những tướng lĩnh thiên tài, mà là việc phát minh ra những vũ khí tốt hơn và việc thay đổi chất liệu người lính; ảnh hưởng của những tướng lĩnh thiên tài nhiều lắm cũng chỉ giới hạn trong việc làm cho phương thức tiến hành chiến đấu thích hợp với vũ khí mới và chiến sĩ mới mà thôib.

Vào đầu thế kỷ XIV, thuốc súng đã chuyển từ tay người A-rập sang người Tây Âu, và ai nấy đều biết là nó đã làm đảo lộn cả toàn bộ công việc quân sự. Nhưng việc đem dùng thuốc súng và súng hoàn toàn không phải là một hành vi bạo lực, mà là một tiến bộ về công nghiệp, do đó là một tiến bộ về kinh tế. Công nghiệp vẫn là công nghiệp, dù nó hướng vào việc sản xuất các đồ vật hay vào việc phá hoại những đồ vật đó. Và việc đem dùng súng đã có tác dụng làm đảo lộn không những đối với bản thân công việc tiến hành chiến tranh, mà còn đối với những quan hệ thống trị và nô dịch về mặt chính trị nữa. Muốn có được thuốc súng và súng thì phải có công nghiệp và tiền, mà công nghiệp và tiền lại nằm ở trong tay thị dân. Cho nên, ngay từ đầu, súng đã là vũ khí của các thành thị và của chế độ quân chủ đang lên, dựa vào thành thị để chống lại giai cấp quý tộc phong kiến. Những bức thành đá của những lâu đài của giới kỵ sĩ xưa nay không ai có thể chiếm lĩnh được giờ đây đã không thể đứng vững trước những khẩu đại bác của các thị dân, những viên đạn súng trường của thị dân đã xuyên thủng áo giáp của các hiệp sĩ. Cùng với sự sụp đổ của đội kỵ binh mặc áo giáp của giai cấp quý tộc thì sự thống trị của giai cấp quý tộc cũng sụp đổ theo; cùng với sự phát triển của giới thị dân thì bộ binh và pháo binh ngày càng trở thành những binh chủng có tính chất quyết định; do pháo binh bắt buộc nên nghề quân sự phải kèm thêm một ngành mới có tính chất hoàn toàn công nghiệp: ngành công binh.

Việc hoàn thiện cây súng diễn ra rất chậm chạp. Đại bác vẫn còn nặng nề, súng trường còn thô sơ, mặc dầu đã có nhiều phát minh về chi tiết. Phải mất hơn ba trăm năm mới có được một khẩu súng thích hợp để trang bị cho toàn thể bộ binh. Chỉ mãi đến đầu thế kỷ XVIII, thì cây súng hoả mai và có lưỡi lê mới loại hẳn chiếc giáo ra khỏi việc vũ trang cho bộ binh. Bộ binh hồi bấy giờ gồm có những người lính được huấn luyện rất nghiệt ngã, nhưng hoàn toàn không đáng tin cậy, do các vua chúa tuyển mộ từ những phần tử hư hỏng nhất trong xã hội và chỉ có roi gậy mới bắt được họ phải phục tùng; lắm lúc đội quân này cũng gồm cả những tù binh địch bị bắt buộc sung vào quân đội; và hình thức chiến đấu độc nhất trong đó những binh lính này có thể sử dụng cây súng mới là chiến thuật dàn hàng ngang, chiến thuật này đã đạt tới mức hoàn hảo nhất dưới thời Phri-đrích II. Toàn thể bộ binh của một đạo quân được xếp hàng ba thành một hình bốn cạnh rất dài và rỗng ở giữa, và trong đội hình chiến đấu thì chỉ vận động như là một chỉnh thể mà thôi; cùng lắm thì người ta chỉ cho phép một trong hai cánh được tiến lên hay lùi lại một chút. Cái khối vụng về đó chỉ có thể vận động có trật tự được trên một địa hình hoàn toàn bằng phẳng, và hơn nữa cũng chỉ vận động theo một nhịp độ chậm chạp (75 bước mỗi phút); trong khi đang tác chiến thì không sao thay đổi được đội hình chiến đấu, và một khi bộ binh đã bước vào trận đánh thì thắng lợi hay thất bại cũng được quyết định trong một thời gian ngắn, chỉ bằng một cú đánh mà thôi.

Trong cuộc chiến tranh giành độc lập ở Mỹ, những toán nghĩa quân đã chống lại những đội hình tuyến cứng nhắc ấy; quả thật là những toán nghĩa quân này không biết đi đều bước, nhưng với cây súng có nòng xẻ rãnh của họ, họ lại có thể bắn trúng hơn; chiến đấu vì lợi ích thiết thân nhất của mình, họ không đào ngũ như bọn lính đánh thuê. Họ không để cho binh lính Anh hoan lạc - để chống lại quân Anh trong đội hình hàng ngang và trên một địa hình bằng phẳng trống trải, họ hoạt động thành những đơn vị bộ binh cơ động, phân tán lẻ tẻ trong rừng và lấy rừng làm nơi ẩn nấp. Đội hình hàng ngang ở đây trở thành bất lực và bị thất bại trước những địch thủ không trông thấy được và không sao tìm thấy được. Như vậy là người ta lại phát minh trở lại đội hình bộ binh phân tán - phương thức chiến đấu mới do sự thay đổi trong chất liệu lính.

Điều mà cuộc cách mạng Mỹ đã mở đầu, thì được cuộc cách mạng Pháp hoàn thành, - mà cũng hoàn thành trong lĩnh vực quân sự. Để đương đầu với quân đội của khối liên minh gồm lính đánh thuê được huấn luyện tốt, cách mạng Pháp cũng chỉ có những quần chúng được huấn luyện kém nhưng đông đảo và đội dân quân tự vệ toàn dân. Nhưng với những quần chúng đó họ phải bảo vệ Pa-ri, nghĩa là phải bảo vệ một địa hình nhất định, và không thể làm được điều đó nếu không giành được thắng lợi trong một trận chiến đấu đông người tại nơi trống trải. Chỉ có bắn nhau theo đội hình phân tán thì không đủ nữa rồi; cũng cần phải tìm ra một hình thức để sử dụng được số đông, và hình thức đó là đội hình hàng dọc. Đội hình hàng dọc cũng cho phép những đội quân ít được huấn luyện vận động khá có trật tự, hơn nữa thậm chí lại với một tốc độ còn nhanh hơn (mỗi phút từ 100 bước trở lên); nó cho phép chọc thủng được những hình thức cứng đờ của đội hình hàng ngang cũ, cho phép chiến đấu được trên bất cứ địa hình nào, do đó chiến đấu được cả trên những địa hình bất lợi nhất đối với đội hình hàng ngang, tập hợp được quân đội theo bất cứ một cách nào phù hợp với tình thế và kết hợp với những hoạt động của những xạ thủ phân tán, cho phép kìm hãm, thu hút và làm kiệt sức những đội hình hàng ngang của quân địch, cho đến khi có thể chọc thủng được đội hình đó ở điểm quyết định bằng những khối đông được giữ làm dự trữ. Phương thức tiến hành chiến đấu mới đó, dựa trên sự kết hợp giữa những xạ thủ phân tán và những đội hình hàng dọc và dựa trên sự phân chia quân đội thành sư đoàn hay quân đoàn độc lập, gồm đủ các loại binh chủng đã được Na-pô-lê-ông phát triển một cách đầy đủ cả về mặt chiến lược lẫn về mặt chiến thuật - phương pháp đó trở nên cần thiết, trước hết là do sự thay đổi trong chất liệu người lính của cách mạng Pháp. Nhưng phương thức chiến đấu đó cũng còn cần phải có hai tiền đề kỹ thuật rất quan trọng: một là, những giá đại bác dã chiến nhẹ hơn do Gri-bô-van chế tạo, chỉ nhờ chúng người ta mới di chuyển được những đại bác dã chiến ấy với tốc độ đòi hỏi nhanh hơn như hiện nay, và hai là việc áp dụng báng súng cong năm 1777 ở Pháp, bắt chước báng súng săn - từ trước đến nay nó vẫn nằm thẳng tuột với nòng súng - khiến cho có thể nhằm từng người một mà chắc chắn không bắn chệch. Không có sự tiến bộ đó, thì khẩu súng cũ không thể áp dụng việc bắn theo đội hình phân tán được.

Hệ thống vũ trang toàn dân có tính chất cách mạng chẳng bao lâu sau đã bị hạn chế bởi chế độ quân dịch (đối với người giàu thì có quyền thay thế bằng cách bỏ tiền ra chuộc), và đa số các nước lớn trên lục địa đều áp dụng hình thức đó. Chỉ có nước Phổ, với chế độ lan-ve của mình[2], là đã cố thu hút lực lượng quân sự của nhân dân với những quy mô to lớn hơn. Thêm nữa, Phổ còn là nước đầu tiên đã trang bị cho toàn thể bộ binh của mình bằng vũ khí hiện đại nhất - tức là bằng cây súng trường lên đạn bằng quy lát sau khi cây súng có nòng xẻ rãnh, lên đạn từ phía nòng, có thể dùng cho chiến tranh và được hoàn thiện giữa những năm 1830 và 1860, đã đóng xong vai trò ngắn ngủi của nó. Nhờ hai điều mới này mà nước Phổ đã thắng trận năm 1866[3].

Trong cuộc chiến tranh Pháp - Phổ, lần đầu tiên hai đội quân dùng súng có nòng xẻ rãnh lên đạn bằng quy lát đã đối diện với nhau và hơn nữa cả hai về thực chất đều có những đội hình chiến đấu giống như thời kỳ cây súng hoả mai có nòng nhẵn. Chỉ có điều khác nhau là người Phổ cố tìm trong việc áp dụng đội hình đại đội xếp theo hàng dọc một hình thức tác chiến thích hợp hơn với vũ trang mới. Nhưng, đến ngày 18 tháng Tám ở Xanh Pơ-ri-va[4], khi đội vệ binh Phổ muốn thử áp dụng một cách nghiêm túc đội hình đại đội xếp theo hàng dọc, thì năm trung đoàn tham chiến nhiều nhất, trong không quá hai tiếng đồng hồ, đã bị mất hơn một phần ba quân số của chúng (176 sĩ quan và 5114 lính) và từ đó, đội hình đại đội xếp theo hàng dọc với tư cách là hình thức tác chiến đã bị lên án, không kém gì đội hình tiểu đoàn xếp theo hàng dọc và đội hình dàn hàng ngang. Từ đó trở đi, mọi mưu toan đẩy bất kỳ những đơn vị dày đặc nào vào dưới hoả lực của kẻ thù cũng đều bị từ bỏ, và về phía người Đức, cuộc chiến đấu chỉ được tiến hành bằng những tuyến tán binh dày đặc mà thôi, những tuyến tán binh mà ngay trước đây dưới làn mưa đạn của kẻ thù, các đội hình hàng dọc thường cũng đã tự động phân tán thành, nhưng vẫn bị các sĩ quan cao cấp luôn luôn chống lại, coi đó là trái kỷ luật. Cũng như trong phạm vi hoạt động của hoả lực địch, từ nay trở đi, vọt tiến đã trở thành hình thức di chuyển duy nhất. Một lần nữa, lính tỏ ra khôn ngoan hơn sĩ quan; chính anh ta, người lính, do bản năng mà đã tìm ra được hình thức chiến đấu duy nhất tỏ ra là thích hợp từ trước đến nay dưới làn đạn của cây súng lên đạn bằng quy lát, và bất chấp sự chống đối của cấp chỉ huy, họ vẫn thực hiện nó một cách đầy thắng lợi.

Chiến tranh Pháp - Phổ đã đánh dấu một bước ngoặt có một ý nghĩa khác hẳn tất cả các bước ngoặt trước kia. Một là vũ khí đã rất hoàn hảo đến nỗi không còn có thể có một tiến bộ mới nào khả dĩ gây ra được một ảnh hưởng đảo lộn nào đó. Khi mà người ta đã có những đại bác có thể bắn trúng được một tiểu đoàn, chừng nào mắt người ta còn phân biệt được nó, và có những cây súng có thể ngắm và bắn trúng từng người một cách cũng thành công như thế, hơn nữa việc lắp đạn lại đòi hỏi ít thời gian hơn là việc ngắm bắn, - thì tất cả những sự tiến bộ khác đều ít nhiều không quan trọng đối với dã chiến. Như vậy là về mặt này kỷ nguyên phát triển đã chấm dứt về căn bản. Nhưng hai là, cuộc chiến tranh đó đã buộc tất cả những nước lớn trên lục địa phải thi hành chế độ quân hậu bị của Phổ một cách mạnh hơn ở nước mình và do đó phải mang một gánh nặng quân sự làm cho những nước đó nhất định phải phá sản sau vài năm. Quân đội đã trở thành mục đích chủ yếu của nhà nước, trở thành một mục đích tự nó; nhân dân chỉ còn tồn tại để cung cấp binh lính và nuôi binh lính mà thôi. Chủ nghĩa quân phiệt thống trị và ngốn hết châu Âu. Nhưng chủ nghĩa quân phiệt đó cũng mang trong lòng nó mầm mống của sự diệt vong của nó. Sự cạnh tranh giữa các nước bắt buộc các nước đó, một mặt, phải tiêu tốn mỗi năm ngày càng nhiều tiền hơn để duy trì quân đội, hạm đội, đại bác, v.v., do đó ngày càng đẩy mạnh sự sụp đổ về mặt tài chính; mặt khác, là ngày càng coi trọng chế độ nghĩa vụ quân sự phổ biến, và do đó rút cục phải làm cho toàn dân quen với việc sử dụng vũ khí, thành thử đến một lúc nào đó, nhân dân có thể thực hiện được ý chí của mình bất chấp giới chỉ huy quân sự. Và lúc đó sẽ đến, khi mà quần chúng nhân dân - tức là công nhân thành thị và nông thôn, và nông dân - sẽ có một ý chí. Đến lúc đó, quân đội của vua chúa biến thành quân đội của nhân dân; bộ máy từ chối không làm việc nữa, chủ nghĩa quân phiệt tiêu vong do tính chất biện chứng của chính ngay sự phát triển của nó. Điều mà phái dân chủ tư sản năm 1848 đã không thể thực hiện được chính vì nó là dân chủ tư sản chứ không phải vô sản, - cụ thể là đem lại cho quần chúng lao động một ý chí mà nội dung phù hợp với địa vị giai cấp của họ, - thì chủ nghĩa xã hội nhất định sẽ thực hiện được. Và điều đó có nghĩa là chủ nghĩa quân phiệt, và cùng với nó là tất cả những quân đội thường trực, đều bị nổ tung từ bên trong.

Đó là một trong những bài học của lịch sử bộ binh hiện đại của chúng ta. Bài học thứ hai làm cho chúng ta lại nghĩ đến ông Đuy-rinh, là toàn bộ tổ chức và phương thức chiến đấu của quân đội, và do đó, thắng lợi và thất bại, đều tỏ ra là phụ thuộc vào những điều kiện vật chất, nghĩa là điều kiện kinh tế, vào chất liệu của con người và của vũ khí, nghĩa là vào chất lượng và số lượng của dân cư và của kỹ thuật. Chỉ có một dân tộc chuyên đi săn như người Mỹ mới có thể lại phát minh ra đội hình bộ binh phân tán - và họ là những kẻ đi săn chỉ vì những lý do thuần  tuý kinh tế, cũng như hiện nay vì lý do thuần tuý kinh tế mà chính những người I-an-ki đó của các bang cũ đã biến thành nông dân, nhà công nghiệp, nhà hàng hải và nhà buôn, họ không bắn lẻ tẻ trong những rừng già nữa, nhưng lại càng bắn giỏi trên trường đầu cơ, ở đó họ cũng đã tiến được rất xa trong nghệ thuật sử dụng quần chúng. - Chỉ có một cuộc cách mạng như cách mạng Pháp, giải phóng người tư sản và nhất là người nông dân về mặt kinh tế, mới có thể tìm ra được hình thức quân đội có tính chất quần chúng, đồng thời lại tìm ra được cả những hình thức vận động tự do làm cho những đội hình dàn hàng ngang cứng nhắc xưa kia, - phản ánh chủ nghĩa chuyên chế mà những đội hình đó chiến đấu để bảo vệ, ở trong ngành quân sự, - phải tan vỡ. Và những tiến bộ về kỹ thuật, một khi chúng ta có thể áp dụng và được áp dụng vào lĩnh vực quân sự, thì lập tức - hầu như là cưỡng bức, thêm nữa, thường là ngược lại ý muốn của cấp chỉ huy trong quân đội - gây ra những sự thay đổi và thậm chí cả những sự đảo lộn trong phương thức tác chiến như thế nào, - điều đó chúng ta đã thấy trong tất cả mọi trường hợp xem xét trên đây. Ngoài ra, việc tiến hành chiến tranh phụ thuộc vào năng suất và vào phương tiện giao thông ở hậu phương của một nước cũng như ở chiến trường như thế nào, điều ấy ngay hiện nay bất kỳ một hạ sĩ quan chăm chỉ nào cũng có thể giải thích cho ông Đuy-rinh rõ. Tóm lại, bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, những điều kiện kinh tế và tài nguyên kinh tế đều là những cái đã giúp cho "bạo lực" chiến thắng, nếu không có những điều kiện và tài nguyên đó thì bạo lực không còn là bạo lực nữa, và kẻ nào muốn đứng trên một quan điểm ngược lại để cải cách quân sự, theo những nguyên tắc của ông Đuy-rinh, thì kẻ đó chỉ có thể ăn đòn mà thôic.

Nếu bây giờ chúng ta đi từ đất liền ra biển, thì chỉ riêng hai mươi năm qua cũng cho chúng ta thấy một sự đảo lộn có một ý nghĩa hoàn toàn khác hẳn. Chiếc chiến hạm trong cuộc chiến tranh Crưm110 là thứ chiến hạm hai boong hay ba boong bằng gỗ, có từ 60 đến 100 khẩu đại bác, chủ yếu còn chạy bằng buồm và chỉ có một máy hơi nước yếu để làm công việc phụ. Chiến hạm đó thường chỉ có những cỗ đại bác 32 pao với một nòng nặng chừng 50 tạ và chỉ vài cỗ 68 pao nặng 95 tạ. Vào cuối cuộc chiến tranh đó, xuất hiện những pháo đài nổi bọc thép, những con quái vật nặng nề, gần như không di động, nhưng không thể nào công phá nổi đối với pháo binh hồi bấy giờ. Chẳng bao lâu việc bọc thép cũng được áp dụng vào chiến hạm; lúc đầu thép còn mỏng, dày độ 4 in-sơ thì đã là một vỏ thép hết sức nặng rồi. Nhưng chẳng bao lâu sự tiến bộ của pháo binh lại vượt vỏ thép; cứ mỗi lần thay đổi chiều dày của vỏ thép, thì lại xuất hiện một thứ đại bác mới, nặng hơn và dễ dàng bắn thủng vỏ thép đó. Như vậy, hiện nay chúng ta đã thấy có, một mặt, những vỏ thép dày từ 10, 12, 14, 24 in-sơ (nước I-ta-li-a có ý định đóng một chiếc tàu có vỏ thép dày 3 phút); và mặt khác lại thấy có những đại bác có nòng xẻ r•nh nặng 25, 35, 80 và đến cả 100 tấn (mỗi tấn 20 tạ)d và bắn những viên đạn nặng ừ 300, 400, 1700 cho đến 2000 pao với một cự ly trước kia chưa từng thấy. Tàu chiến hiện nay là một chiếc tàu thuỷ bọc sắt khổng lồ có chân vịt chạy bằng hơi nước, có trọng tải từ 8000 đến 9000 tấn, và từ 6000 đến 8000 sức ngựa, có những pháo đài quay, với 4 và nhiều lắm là 6 cỗ đại bác hạng nặng, và trước mũi tàu, dưới đường mớn nước có một chiếc lao nhô ra dùng để đánh đắm các tàu địch; đó là một cái máy khổng lồ, trên đó hơi nước không những đẩy tàu chạy nhanh lên phía trước, mà còn dùng để lái tàu, hạ và cắt neo, xoay các pháo đài, quay súng và lắp đạn, bơm nước, hạ hay cắt ca-nô, - bản thân những ca-nô này một phần cũng dùng hơi nước để chạy - v.v. và việc chạy đua giữa vỏ thép và hiệu lực của đại bác còn lâu mới chấm dứt, đến mức là hiện nay, mỗi một chiếc tàu hầu như thường thường không sao đáp ứng được những yêu cầu đề ra cho nó và trước khi hạ thuỷ thì đã lỗi thời rồi. Tàu chiến hiện đại không những là một sản phẩm mà đồng thời còn là một kiểu mẫu rõ nét của nền đại công nghiệp, một nhà máy nổi - quả thực nhà máy đó chủ yếu là để tiêu phí tiền bạc. Nước nào trong đó công nghiệp lớn phát triển nhất, thì hầu như nắm độc quyền đóng những hạng tàu đó. Tất cả những thiết giáp hạm Thổ Nhĩ Kỳ, hầu hết các thiết giáp hạm Nga, phần lớn các thiết giáp hạm Đức đều đóng ở Anh; những tấm vỏ thép ít nhiều có thể dùng được hầu hết chỉ được chế tạo ở Sép-phin; trong số ba nhà máy luyện kim có thể đúc được những đại bác hạng nặng nhất ở châu Âu, thì hai cái (Vu-li-giơ và En-xic-cơ) là ở Anh, còn cái thứ ba (Cơ-rúp) là ở Đức. ở đây người ta thấy một cách cụ thể nhất rằng vì sao mà "bạo lực chính trị trực tiếp", mà ông Đuy-rinh cho là "nguyên nhân quyết định của tình hình kinh tế", trái lại, lại hoàn toàn phục tùng tình hình kinh tế; rằng tại sao không những việc chế tạo, mà cả việc sử dụng công cụ bạo lực trên mặt biển, tức là tàu chiến nữa, cũng đều trở thành một ngành của nền công nghiệp lớn hiện đại. Và không ai khó chịu về sự diễn biến như thế của tình hình hơn là chính bản thân "bạo lực", tức là nhà nước, vì hiện nay mỗi chiếc tàu cũng tốn bằng cả một hạm đội nhỏ trước kia; nhà nước ấy phải tận mắt thấy rằng những chiếc tàu đắt tiền đó, ngay trước khi hạ thuỷ cũng đã trở thành lỗi thời rồi, nghĩa là đã mất giá trị; và nhà nước chắc chắn cũng cảm thấy bực dọc chẳng kém gì ông Đuy-rinh khi thấy rằng trên boong tàu, con người của "tình hình kinh tế", tức là người kỹ sư, bây giờ lại quan trọng hơn con người của "bạo lực trực tiếp", tức là thuyền trưởng. Trái lại, chúng ta thì hoàn toàn không có lý do gì để bực bội khi thấy rằng trong cuộc chạy đua ấy giữa vỏ thép và đại bác, tàu chiến được cải tiến đến mức hoàn thiện tinh vi khiến cho nó trở thành quá đắt cũng như trở nên không thích dụng đối với chiến tranhe, và thấy rằng cho đến cả trong lĩnh vực chiến tranh trên mặt biển, cuộc đấu tranh đó cũng bộc lộ rõ những quy luật nội tại của sự vận động biện chứng, theo nó thì chế độ quân phiệt, cũng như bất cứ mọi hiện tượng lịch sử khác, đều tiêu vong vì những hậu quả của sự phát triển của chính nó.

Vậy là cả ở đây nữa, chúng ta cũng thấy rõ như ban ngày rằng, phải "tìm cái có trước trong bạo lực chính trị trực tiếp chứ không phải trong một lực lượng kinh tế gián tiếp" - là một điều không thể làm được. Trái hẳn lại. Thật vậy, cái gì mới chính là "cái có trước" của bản thân bạo lực? Đó là lực lượng kinh tế, tức là việc nắm được những phương tiện mạnh mẽ của công nghiệp lớn. Lực lượng chính trị trên mặt biển, dựa vào các tàu chiến hiện đại, tỏ ra hoàn toàn không phải là "trực tiếp", mà chính là gián tiếp, thông qua lực lượng kinh tế, sự phát triển cao của ngành luyện kim, khả năng nắm được những kỹ thuật tinh vi, và những mỏ than dồi dào.

Nhưng nói đến những cái đó để làm gì? Trong cuộc chiến tranh sắp tới trên mặt biển, cứ hãy để cho ông Đuy-rinh làm tổng chỉ huy là ông sẽ tiêu diệt được tất cả những hạm đội thiết giáp còn bị nô lệ vào "tình hình kinh tế", không phải dùng đến ngư lôi hay quỷ kế gì khác, mà chỉ cần đến cái phép mầu "bạo lực trực tiếp" của ông ta thôi.

 



a nói một cách đơn giản

[1] Đây là nói đến năm tỷ phrăng mà nước Pháp sau sự thất bại trong cuộc chiến tranh Pháp - Phổ 1870 - 1871, theo điều kiện trong hoà ước, đã trả hết cho nước Đức vào những năm 1871 - 1873 với tính chất là bồi thường chiến phí.

b Tiếp theo đó, thay cho sáu đoạn tiếp theo, trong bản thảo ban đầu của phần hai cuốn "Chống Đuy-rinh", là một bản viết cặn kẽ hơn mà về sau Ăng-ghen đã tách ra và đặt cho nó đầu đề "Chiến thuật của bộ binh và những cơ sở vật chất của nó" (xem tập này, tr.866-875)

[2] Chế độ quân lan-ve của Phổ là chế độ tổ chức một phần những lực lượng vũ trang thuộc lứa tuổi cao hơn lực lượng đang làm nghĩa vụ quân sự thành lực lượng hậu bị sau khi họ đã trải qua việc phục vụ thực tế trong quân đội chính quy và được giữ lại làm quân dự bị trong một thời gian được quy định. Lần đầu tiên, chế độ quân dự bị xuất hiện ở Phổ năm 1813 - 1814 với tư cách là đội dân quân trong cuộc đấu tranh chống quân Na-pô-lê-ông. Trong thời kỳ chiến tranh Pháp - Phổ 1870 -1871, quân dự bị được sử dụng vào các cuộc chiến đấu song song với đội quân chính quy.

[3] Đây là nói về cuộc chiến tranh áo - Phổ năm 1866.

[4] 108 Trong trận Xanh - Pri-va, quân Đức đã thắng đội quân sông Ranh của Pháp nhưng phải trả giá bằng những tổn thất rất lớn. Trong sách báo lịch sử, trận đó được mọi người biết và cũng được gọi là trận Gra-vê-lốt.

c Ở bộ tổng tham mưu Phổ người ta cũng biết rất rõ điều đó. Trong một hội nghị khoa học, ông Mác Giên-xơ, đại uý trong bộ tổng tham mưu, đã phát biểu trong một bản báo cáo khoa học: "Cơ sở của quân sự, trước hết, là chế độ kinh tế của sinh hoạt của nhân dân" ("Kửlnische Zeitung", 20 tháng Tư 1876, tờ thứ 3)109.

d Một tạ của Đức bằng một nửa tạ hê mêtrich = 100 pao của Đức = 50 kg.

e Sự hoàn thiện sản phẩm mới nhất của nền công nghiệp lớn phục vụ cho ngành hải quân, tức là quả ngư lôi tự động, hình như có nhiệm vụ thực hiện điều đó: trong trường hợp này, một tàu phóng ngư lôi nhỏ nhất sẽ mạnh hơn một thiết giáp hạm lớn nhất. (Vả lại, nên nhớ rằng đoạn trên đây là viết vào năm 1878)111.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt