Phần thứ hai KINH TẾ CHÍNH TRỊ HỌC
IV. LÝ LUẬN VỀ BẠO LỰC (Hết)
FRIEDRICH ENGELS (1820-1895)
C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 20. Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2004. | Phiên bản điện tử: dangcongsan.vn | Nguyên bản tiếng Đức | Bản dịch tiếng Anh.
"Một tình hình rất quan trọng là trên thực tế, việc thống trị tự nhiên, nói chung (!) chỉ diễn ra" (sự thống trị đã diễn ra!) "nhờ có sự thống trị con người. Không bao giờ và không nơi nào diễn ra việc khai khẩn ruộng đất trên những diện tích rộng lớn mà trước đó lại không có việc nô dịch con người và cưỡng bức họ phải làm một loại lao động nô lệ hay nông nô nào đó. Tiền đề để thiết lập sự thống trị kinh tế đối với các vật là sự thống trị chính trị, xã hội và kinh tế của người đối với người. Làm thế nào mà có thể hình dung được một đại địa chủ nếu không có sự thống trị của người đó đối với những nô lệ, những nông nô hay những người gián tiếp không có tự do? Để tiến hành nông nghiệp trên quy mô lớn, thì trước kia cũng như hiện nay, sức lực của một cá nhân, nhiều lắm cũng chỉ chi phối được sức lực bổ sung của gia đình người đó, liệu có ý nghĩa gì? Việc khai khẩn đất đai, hay mở rộng sự thống trị kinh tế trên đất đai đó đến một quy mô vượt quá sức lực tự nhiên của một cá nhân, chỉ có thể thực hiện được trong lịch sử từ trước đến nay là vì, trước khi thiết lập sự thống trị đối với ruộng đất hay đồng thời với sự thống trị đó, thì người ta cũng đã tiến hành việc nô dịch con người cần thiết cho sự thống trị đó. Trong những thời kỳ phát triển sau này, sự nô dịch đó đã được giảm nhẹ đi... hình thức hiện nay của nó trong những nước có nền văn minh cao là hình thức lao động làm thuê ít nhiều do sự thống trị cảnh sát chỉ đạo. Do đó, cái khả năng thực tiễn có được cái loại của cải hiện nay, biểu hiện trong sự thống trị rộng lớn đối với ruộng đất" (!) "và trong chế độ đại sở hữu ruộng đất, chính là dựa trên lao động làm thuê này. Lẽ dĩ nhiên, đối với tất cả những loại của cải phân phối khác thì đứng về mặt lịch sử cũng phải giải thích một cách tương tự như thế, và sự phụ thuộc gián tiếp giữa người đối với người hiện nay, vốn là nét cơ bản của những trạng thái phát triển nhất về mặt kinh tế - không thể hiểu được hay giải thích được từ bản thân nó, mà chỉ có thể hiểu được hay giải thích được với tư cách là một di sản đã biến đổi đi chút ít của một sự nô dịch hay tước đoạt trực tiếp trước đây". Ông Đuy-rinh nói như vậy đó. Luận điểm: Tiền đề của sự thống trị (của người) đối với tự nhiên là sự thống trị (của người) đối với người. Chứng cớ: Việc khai khẩn ruộng đất trên những diện tích rộng lớn, chưa bao giờ và không ở đâu được thực hiện mà lại không cần đến nô lệ. Chứng cớ của chứng cớ: Làm sao có thể có được những địa chủ lớn mà lại không có nô lệ, vì rằng không có nô lệ thì người địa chủ lớn với gia đình của người đó chỉ có thể cày cấy được một phần rất nhỏ ruộng đất của người ấy thôi. Do đó, để chứng minh rằng muốn nô dịch tự nhiên thì trước đó người phải nô dịch người đã, ông Đuy-rinh liền biến "tự nhiên" thành "ruộng đất trên những diện tích rộng lớn" và biến ruộng đất đó, - không biết là của ai? - thành tài sản của một địa chủ lớn, người này cố nhiên không thể cày cấy ruộng đất của mình nếu không có nô lệ. Thứ nhất, "sự thống trị tự nhiên" và "việc khai khẩn ruộng đất" hoàn toàn không phải là cùng một việc. Việc thống trị tự nhiên được tiến hành trong công nghiệp với một quy mô lớn lao khác hẳn trong nông nghiệp, ngành này cho đến nay vẫn phải phụ thuộc vào thời tiết chứ không thể thống trị được thời tiết. Thứ hai, nếu chúng ta chỉ hạn chế trong việc khai khẩn ruộng đất trên những diện tích rộng lớn, thì vấn đề là phải xét xem ruộng đất đó thuộc về ai. Và ở đây, vào thời kỳ đầu của lịch sử của tất cả các dân tộc văn minh, chúng ta không thấy có "người địa chủ lớn" mà ông Đuy-rinh đã lén lút đưa vào đây bằng cái mánh khoé thường dùng của ông mà ông ta gọi là "biện chứng tự nhiên"[1] - mà chỉ thấy có những công xã thị tộc hay những công xã nông thôn với chế độ sở hữu ruộng đất công cộng. Từ ấn Độ cho tới Ai-rơ-len, việc khai khẩn ruộng đất trên những diện tích rộng lớn, lúc đầu là do những công xã thị tộc hay công xã nông thôn đó tiến hành, hơn nữa lại tiến hành hoặc giả là dưới hình thức cày cấy chung ruộng đất cho toàn công xã, hoặc giả dưới hình thức những mảnh ruộng riêng biệt do công xã chia cho các gia đình cày cấy trong một thời gian nào đó, còn những rừng rú và đồng cỏ thì vẫn tiếp tục sử dụng chung. Và một lần nữa, nét đặc trưng của những "công trình nghiên cứu chuyên môn sâu sắc nhất" của ông Đuy-rinh "trong lĩnh vực chính trị và pháp lý", là ông chẳng biết gì về những điều đó cả, là toàn bộ các tác phẩm của ông toát ra một sự hoàn toàn không biết gì đến những tác phẩm đánh dấu thời đại của Mau-rơ về cơ cấu lúc ban đầu của công xã mác-cơ ở Đức[2], cơ sở của toàn bộ luật pháp của Đức; cũng như không biết đến toàn bộ những sách báo ngày càng nhiều - chủ yếu là do ảnh hưởng của những tác phẩm của Mau-rơ - chứng minh việc có một chế độ cộng đồng nguyên thuỷ về tài sản ruộng đất ở tất cả các dân tộc văn minh ở châu Âu và châu á, và trình bày những hình thức tồn tại và tan rã khác nhau của chế độ đó. Giống như trong cương lĩnh luật pháp của Pháp và Anh, ông Đuy-rinh đã "tự mình thu hái được tất cả sự dốt nát của mình"[3], - mà sự dốt nát đó, như chúng ta thấy, là rất lớn, - trong lĩnh vực luật pháp ông ta cũng tự mình thu hái được sự dốt nát ấy nhưng còn lớn hơn nhiều. Cái con người đã tức giận dữ dội đối với tầm mắt chật hẹp của các giáo sư đại học, thì bây giờ đây, trong lĩnh vực luật pháp Đức, con người đó nhiều lắm cũng chỉ đứng ở trình độ của những giáo sư đó cách đây hai mươi năm. Nếu ông Đuy-rinh quả quyết rằng muốn khai khẩn ruộng đất trên những diện tích lớn, cần phải có những địa chủ và nô lệ, thì điều đó chỉ là "sản phẩm của sự sáng tạo và tưởng tượng tự do" của ông Đuy-rinh thôi. Ở khắp phương Đông, nơi mà công xã hay nhà nước là kẻ sở hữu ruộng đất, thì ngay cả danh từ địa chủ cũng không thấy có trong ngôn ngữ nữa, - về điều đó, ông Đuy-rinh có thể tìm hỏi các nhà luật học Anh là những người ở Ấn Độ đã vắt óc một cách vô ích để giải quyết vấn đề: ai là địa chủ? - cũng giống như cố công tước Hen-rích LXXII Rây-xơ - Lô-ben-stây-nơ E-béc-xđoóc-phơ[4] đã vắt óc một cách vô ích để trả lời câu hỏi: ai là người gác đêm? Chỉ có người Thổ Nhĩ Kỳ là những người đầu tiên đã đưa vào phương Đông, trong những nước mà họ chinh phục được, một thứ chế độ phong kiến nông nghiệp. Ngay trong những thời đại anh hùng, nước Hy Lạp đã bước vào lịch sử với sự phân chia thành đẳng cấp, bản thân sự phân chia này lại là sản phẩm rõ ràng của một thời kỳ tiền sử lâu dài chưa được biết rõ; nhưng ngay cả ở đó nữa, ruộng đất chủ yếu cũng vẫn do những nông dân độc lập canh tác; những lãnh địa lớn của bọn quý tộc và lãnh tụ thị tộc là những ngoại lệ và hơn nữa ngay sau đó cũng biến mất. ở nước I-ta-li-a, ruộng đất được khai khẩn chủ yếu là do nông dân; trong những thời kỳ cuối cùng của nước Cộng hoà La Mã, khi mà toàn bộ những lãnh địa lớn, tức là những la-ti-phun-đi, lấn át những tiểu nông, và thay thế họ bằng nô lệ, thì đồng thời cũng thay việc canh tác bằng việc chăn nuôi, và như Pli-ni-út đã biết, điều đó đã đưa nước I-ta-li-a đến chỗ diệt vong (latifundia Italiam perdidere)[5]. Trong thời trung cổ, việc canh tác của nông dân lại chiếm ưu thế ở khắp châu Âu (đặc biệt là trong việc khẩn hoang), còn việc xét xem nông dân có phải nộp những đảm phụ nào cho những lãnh chúa phong kiến nào đó hay không, thì điều đó không quan trọng đối với vấn đề chúng ta đang bàn. Những người thực dân từ Phri-dơ, Hạ Dắc-den, Phla-măng và vùng hạ lưu sông Ranh, tiến hành canh tác những đất đai cướp được của những người Xla-vơ ở phía đông sông En-bơ, đã làm điều đó với tư cách là những nông dân tự do với số thuế rất nhẹ, nhưng hoàn toàn không phải dưới "một hình thức lao dịch nào đó" cả. - Ở Bắc Mỹ, một phần đất đai rất lớn đã được lao động của nông dân tự do đưa vào canh tác, còn bọn địa chủ lớn ở phương Nam với những nô lệ của chúng và với chế độ canh tác tham tàn của chúng thì đã làm kiệt sức đất đai đến nỗi chỉ có cây thông là còn mọc được ở đó thôi, thành thử ngành trồng bông đã phải di chuyển ngày càng xa về phương Tây. Ở Ô-xtơ-rây-li-a và ở Niu Di-lân tất cả mọi mưu toan của chính phủ Anh nhằm tạo ra một cách giả tạo một tầng lớp quý tộc ruộng đất, đều thất bại. Tóm lại, trừ những thuộc địa vùng nhiệt đới và á nhiệt đới, mà khí hậu không cho phép người châu Âu làm nông nghiệp, thì người địa chủ lớn, dùng nô lệ và nông nô để bắt tự nhiên phục tùng sự thống trị của mình và để khai khẩn ruộng đất, chỉ là một sự sáng tạo thuần tuý của óc tưởng tượng. Trái hẳn lại. Trong thời cổ, chỗ nào mà địa chủ lớn xuất hiện, như ở I-ta-li-a chẳng hạn, thì nó không biến đất hoang thành đất canh tác, mà lại biến những đất do nông dân khai khẩn thành những đồng cỏ chăn nuôi, làm cho cả một loạt nước trở nên thưa thớt dân cư và bị phá sản. Chỉ trong thời cận đại, chỉ từ khi mật độ dân số tăng thêm đã làm tăng giá trị ruộng đất, và nhất là từ khi sự phát triển của nền nông học cho phép canh tác cả những ruộng đất xấu, - chỉ từ khi đó, những kẻ sở hữu ruộng đất lớn mới tham gia với một quy mô lớn vào việc khai khẩn đất hoang và đồng cỏ, và khai khẩn như thế chủ yếu là bằng cách ăn cắp những đất công cộng của nông dân, ở Anh cũng như ở Đức. Nhưng ở đây cũng không phải không có quá trình ngược lại. Cứ mỗi một a-cơ-rơ ruộng đất công cộng mà bọn địa chủ lớn khai khẩn ở Anh, thì ở Xcốt-len, ít ra chúng cũng biến ba a-cơ-rơ ruộng đất cày cấy thành đồng cỏ chăn nuôi cừu, và cuối cùng thành khu săn bắn thú lớn. Ở đây, chúng ta chỉ bàn đến lời quả quyết của ông Đuy-rinh cho rằng việc khai khẩn những diện tích đất đai rộng lớn, như vậy về thực chất là khai khẩn hầu hết những vùng trồng trọt nông nghiệp, "không bao giờ và không ở đâu" được tiến hành bằng cách nào khác hơn là bằng những địa chủ lớn và bằng nô lệ, - một lời quả quyết mà như chúng ta đã thấy "tiền đề của nó" là một sự không hiểu biết quả thật chưa từng thấy về lịch sử. Vì vậy ở đây chúng ta không cần phải quan tâm tìm hiểu xem trong các thời kỳ khác nhau, trong chừng mực nào thì những diện tích đất đai đã được khai khẩn toàn bộ hay một phần lớn, là do nô lệ (như trong thời kỳ thịnh vượng nhất của Hy Lạp) hay những người nông nô (như trong những trang trại lãnh chúa thời trung cổ) cày cấy, cũng như chẳng cần tìm hiểu xem trong những thời kỳ khác nhau, chức năng xã hội của những địa chủ lớn là chức năng nào. Và sau khi ông Đuy-rinh đã mở ra trước chúng ta bức tranh tưởng tượng, bức tranh tuyệt vời, trong đó người ta không biết phải khen ngợi cái gì hơn - những mánh khoé suy diễn hay sự xuyên tạc lịch sử - thì ông ta kêu lên với một giọng đắc thắng: "Lẽ dĩ nhiên, đối với tất cả các loại của cải phân phối khác thì đứng về mặt lịch sử cũng phải giải thích một cách tương tự như thế!". Làm như thế dĩ nhiên là ông ta không phải mất công nói một tiếng nhỏ nào nữa về nguồn gốc của tư bản chẳng hạn. Ông Đuy-rinh khẳng định rằng việc người thống trị người là tiền đề của việc người thống trị tự nhiên. Nếu như với lời khẳng định đó, ông Đuy-rinh nói chung chỉ muốn nói rằng toàn bộ chế độ kinh tế hiện tại của chúng ta, trình độ phát triển hiện nay đã đạt được của nông nghiệp và công nghiệp là kết quả của một lịch sử xã hội phát triển trong những sự đối lập giai cấp, trong những quan hệ thống trị và nô dịch, - thì ông đã nói cái điều mà từ khi có bản "Tuyên ngôn của Đảng cộng sản" ai ai cũng đều đã biết rồi. Nhưng chính vấn đề là ở chỗ giải thích sự xuất hiện các giai cấp và các quan hệ thống trị, và nếu ông Đuy-rinh bao giờ cũng chỉ có một chữ "bạo lực" để giải thích vấn đề đó, thì với lời giải thích đó chúng ta cũng chẳng nhích hơn được một bước nào. Chỉ riêng cái sự thật đơn giản là trong mọi thời kỳ, những người bị trị và bị bóc lột đều đông hơn những kẻ thống trị và những kẻ bóc lột rất nhiều, và do đó sức mạnh thật sự bao giờ cũng nằm trong tay những kẻ bị trị và bị bóc lột, - chỉ riêng cái sự thật đó cũng đủ để làm sáng tỏ tính chất vô lý của lý luận về bạo lực. Vậy vấn đề bao giờ cũng vẫn là ở chỗ tìm ra một sự giải thích cho các quan hệ thống trị và nô lệ. Những quan hệ đó phát sinh bằng hai con đường. Con người ta lúc ban đầu bước ra khỏi loài động vật (theo nghĩa hẹp hơn của từ này) như thế nào thì họ cũng bước vào lịch sử như thế ấy: người còn là nửa động vật, thô lỗ, còn bất lực trước những lực lượng của tự nhiên, còn chưa nhận thức được lực lượng của chính mình; vì vậy họ cũng nghèo như động vật và cũng không hơn động vật mấy về sức sản xuất. ở đây, ngự trị một sự bình đẳng nào đó trong hoàn cảnh sống, và đối với các tộc trưởng cũng có một thứ bình đẳng nào đó về địa vị xã hội, - ít ra thì cũng không có các giai cấp xã hội, tình trạng không có các giai cấp này vẫn còn thấy trong những công xã nông nghiệp nguyên thuỷ của những dân tộc văn minh về sau này. Ngay từ đầu, trong mỗi công xã đó đều cơ một số lợi ích chung nào đó mà người ta phải trao cho những cá nhân gìn giữ, tuy là dưới sự giám sát của toàn xã hội, như xét xử những vụ tranh chấp; trừng phạt những kẻ vượt quá quyền hạn của mình; trông nom các nguồn nước, nhất là ở các xứ nóng; và sau cùng là những chức năng tôn giáo. Những chức vụ như thế, chúng ta cũng thấy có trong những cộng đồng nguyên thuỷ ở bất cứ thời nào - ví dụ như trong những cộng đồng mác - cơ cổ nhất ở Đức, và cả hiện nay nữa ở ấn Độ. Dĩ nhiên là những cá nhân ấy có một sự toàn quyền nào đó, và tiêu biểu cho những mầm mống của quyền lực nhà nước. Dần dần, lực lượng sản xuất phát triển; dân số đông đúc hơn tạo ra ở đây là những lợi ích chung, ở kia là những lợi ích đối lập giữa các cộng đồng với nhau; và sự tập hợp những cộng đồng thành một chỉnh thể lớn hơn lại gây ra một sự phân công lao động mới và việc thành lập những cơ quan để bảo vệ những lợi ích chung và để chống lại những lợi ích đối lập. Những cơ quan đó, - với tư cách đại biểu cho những lợi ích chung của toàn nhóm, - giữ một địa vị đặc biệt đối với mỗi cộng đồng riêng biệt, và trong một số hoàn cảnh nhất định thậm chí còn đối lập với cộng đồng ấy, - những cơ quan đó chẳng bao lâu sau còn trở nên độc lập nhiều hơn nữa, một phần do việc kế thừa những chức năng xã hội, một việc hầu như có tính chất dĩ nhiên trong cái thế giới mà mọi việc đều xảy ra một cách tự phát, một phần là do sự cần thiết ngày càng tăng lên của những cơ quan như thế khi những sự xung đột với các nhóm khác ngày càng tăng thêm. Làm thế nào mà cùng với thời gian - sự độc lập ngày càng phát triển đó của các chức năng xã hội đối với xã hội lại có thể phát triển thành sự thống trị đối với xã hội; làm thế nào mà hễ ở đâu gặp cơ hội thuận lợi, người đầy tớ ban đầu lại biến dần thành người chủ; làm thế nào mà người chủ đó lại thể hiện ra, tuỳ theo hoàn cảnh, thành ông vua chuyên chế hay viên quan tổng trấn ở phương Đông, người trưởng thị tộc ở Hy Lạp, viên trưởng bộ lạc người Kentơ, v.v.; trong chừng mực nào, khi có sự biến đổi ấy người chủ đó cuối cùng cũng dùng cả đến bạo lực; làm thế nào mà rốt cuộc, những cá nhân thống trị riêng rẽ lại họp nhau lại thành một giai cấp thống trị; - ở đây chúng ta không cần phải đi sâu vào những điều đó. ở đây, chúng ta chỉ cần xác định rằng, ở khắp nơi, chức năng xã hội là cơ sở của sự thống trị chính trị; và sự thống trị chính trị cũng chỉ kéo dài chừng nào nó còn thực hiện chức năng xã hội đó của nó. Dù cho những chính quyền chuyên chế đã xuất hiện và suy vong ở Ba Tư và ấn Độ có nhiều đến đâu chăng nữa, thì mỗi một chính quyền đó cũng biết rất rõ rằng nó trước hết là người tổng phụ trách việc tưới nước cho các thung lũng mà nếu không có thì ở đó không thể có một nền nông nghiệp nào hết. Chỉ có những người Anh có kiến thức mới không nhận thấy điều đó ở Ấn Độ; họ đã bỏ mặc những con kênh dẫn nước và những cống nước, và giờ đây qua cái nạn đói cứ lặp đi lặp lại một cách đều đặn, cuối cùng họ đã phát hiện ra rằng họ đã sao nhãng một hoạt động duy nhất có thể làm cho sự thống trị của họ ở Ấn Độ ít ra cũng chính đáng ngang với sự thống trị của những người đã đi trước họ. Nhưng bên cạnh sự hình thành giai cấp đó, còn diễn ra một sự hình thành giai cấp khác nữa. Đến một mức độ khá giả nào đó, sự phân công lao động tự phát ở trong gia đình làm nghề nông, cho phép nó sử dụng thêm một hay nhiều sức lao động của người ngoài. Đó đặc biệt là trường hợp những nước mà chế độ công hữu ruộng đất trước đây đã tan rã, hay ít ra chế độ canh tác chung trước đây cũng đã nhường bước cho việc từng gia đình canh tác những phần đất của họ. Sản xuất đã phát triển tới mức mà sức lao động của con người bây giờ đã có thể sản xuất ra nhiều hơn số cần thiết để chỉ nuôi sống mình; đã có những phương tiện để nuôi sống nhiều sức lao động hơn; đồng thời cũng đã có cả những phương tiện để sử dụng những sức lao động đó; sức lao động đã có một giá trị. Nhưng bản thân công xã và liên minh mà công xã đó là thành viên lại không có sẵn sức lao động thừa, tự do. Thế nhưng chiến tranh đã cung cấp sức lao động đó, và chiến tranh cũng già cỗi như tình trạng cùng tồn tại của nhiều nhóm công xã sống cạnh nhau. Trước đó người ta không biết dùng tù binh để làm gì, vì vậy người ta chỉ giản đơn đem giết họ đi, còn trước nữa thì người ta ăn thịt họ. Nhưng đến trình độ hiện nay đã đạt được của "tình hình kinh tế" thì những tù binh đó đã có một giá trị; do đó người ta để cho họ sống và sử dụng lao động của họ. Như vậy là bạo lực, đáng lẽ phải thống trị tình hình kinh tế, thì ngược lại, buộc phải phục vụ tình hình kinh tế. Chế độ nô lệ đã được phát hiện ra. Chế độ nô lệ chẳng bao lâu đã trở thành hình thức sản xuất thống trị trong tất cả các dân tộc đã phát triển quá trình độ cộng đồng cũ, nhưng cuối cùng nó là một trong những nguyên nhân chính làm cho những dân tộc đó suy tàn. Chỉ có chế độ nô lệ mới làm cho sự phân công lao động có thể thực hiện được trên một quy mô rộng lớn hơn giữa nông nghiệp và công nghiệp, và do đó, mới có thể có thời ký hưng thịnh nhất của thế giới cổ đại, tức là nền văn minh Hy Lạp. Không có chế độ nô lệ thì không có quốc gia Hy Lạp, không có nghệ thuật và khoa học Hy Lạp; không có chế độ nô lệ thì không có Đế chế La Mã. Mà không có cái cơ sở của nền văn minh Hy Lạp và Đế chế La Mã thì không có châu Âu hiện đại. Chúng ta không bao giờ được quên rằng tiền đề của toàn bộ sự phát triển kinh tế, chính trị và trí tuệ của chúng ta là một trạng thái trong đó chế độ nô lệ cũng hoàn toàn cần thiết giống như nó được tất cả mọi người thừa nhận. Theo ý nghĩa đó, chúng ta có quyền nói rằng: không có chế độ nô lệ cổ đại, thì không có chủ nghĩa xã hội hiện đại. Thật là rẻ tiền khi dùng cả một mớ những câu nói chung chung về chế độ nô lệ, v.v. và đem trút sự phẫn nộ có tính chất đạo đức cao cả lên những hiện tượng nhục nhã như thế. Khốn nỗi, sự phẫn nộ đó không nói lên được cái gì khác hơn là những điều mà tất cả mọi người đều biết, cụ thể là: các thể chế cổ đại ấy không còn phù hợp với những trạng thái hiện nay của chúng ta nữa, cũng như với những tình cảm của chúng ta do những trạng thái ấy quyết định. Nhưng điều đó không nói cho chúng ta biết gì cả về việc các thể chế ấy đã phát sinh như thế nào, tại sao chúng lại tồn tại, và chúng đã đóng vai trò gì trong lịch sử. Và một khi chúng ta đã nói đến vấn đề này, thì chúng ta bắt buộc phải nói rằng trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, sự thiết lập chế độ nô lệ là một tiến bộ lớn, dù cho nói như thế có vẻ là rất mâu thuẫn và tà đạo. Bởi vì không thể phủ nhận cái sự thật là loài người bắt đầu từ thú vật, và vì vậy mà đã phải dùng đến những thủ đoạn dã man, gần như có tính chất thú vật, để thoát ra khỏi tình trạng dã man. Các công xã cổ, ở nơi nào chúng vẫn tiếp tục tồn tại, thì từ hàng nghìn năm nay đều cấu thành cái cơ sở của hình thức nhà nước thô sơ nhất, tức là chế độ chuyên chế phương Đông, từ Ấn Độ cho đến nước Nga. Chỉ nơi nào mà các công xã đó đã tan rã, thì các dân tộc mới tự mình tiến lên xa hơn nữa, và sự tiến bộ đầu tiên của họ về kinh tế là ở chỗ nâng cao và phát triển sản xuất hơn nữa bằng lao động nô lệ. Vấn đề đã rõ ràng là: chừng nào mà lao động của con người còn ít hiệu suất đến nỗi ngoài số tư liệu sinh hoạt cần thiết ra nó chỉ cung cấp được một số dư ít ỏi, thì việc phát triển các lực lượng sản xuất, mở rộng buôn bán, phát triển nhà nước và pháp luật, xây dựng nghệ thuật và khoa học chỉ có thể thực hiện được nhờ một sự phân công lao động tăng lên, sự phân công này tất nhiên phải dựa trên nền tảng một sự phân công lao động giữa quần chúng làm công việc lao động chân tay đơn giản, và một số ít người có đặc quyền làm công việc lãnh đạo lao động, thương nghiệp, công việc nhà nước, và sau này, những công việc nghệ thuật và khoa học. Hình thức đơn giản nhất, hình thành một cách tự phát nhất của sự phân công lao động đó, chính là chế độ nô lệ. Với những tiền đề lịch sử của thế giới cổ đại, đặc biệt là của thế giới Hy Lạp, thì bước tiến triển đến một xã hội dựa trên những sự đối lập giai cấp chỉ có thể thực hiện được dưới hình thức chế độ nô lệ. Ngay cả đối với những người nô lệ, điều đó cũng là một bước tiến; những tù binh, - đa số nô lệ là tuyển trong đám tù binh ấy, - giờ đây ít nhất cũng giữ được sinh mạng của họ, chứ không bị người ta giết chết như trước kia, hoặc trước đó nữa, thậm chí còn bị người ta đem thui đi và ăn thịt. Nhân tiện, cũng xin nói thêm rằng tất cả những mâu thuẫn lịch sử từ trước đến nay giữa các giai cấp bóc lột và các giai cấp bị bóc lột, giữa các giai cấp thống trị và các giai cấp bị trị, đều được giải thích bởi chính ngay cái năng suất lao động tương đối chưa phát triển đó của loài người. Chừng nào mà dân cư thật sự làm việc còn bị thu hút vào lao động cần thiết của mình đến mức không còn thì giờ để chăm lo các công việc chung của xã hội nữa - như việc lãnh đạo lao động, công việc nhà nước, hoạt động tư pháp, nghệ thuật, khoa học, v.v., - thì chừng đó bao giờ cũng cần phải có một giai cấp đặc biệt, thoát ly lao động thật sự, để có thể chuyên về các công việc đó; đồng thời vì lợi ích riêng của mình giai cấp này cũng không bao giờ bỏ lỡ cơ hội để trút một gánh nặng lao động ngày càng lớn vào vai quần chúng lao động. Chỉ có sự phát triển to lớn của các lực lượng sản xuất do nền đại công nghiệp đem lại, mới cho phép người ta phân phối lao động cho tất cả mọi thành viên trong xã hội, không trừ một người nào, và do đó, giới hạn được thời gian lao động của mỗi người để cho tất cả đều còn có đủ thì giờ rỗi để tham gia công việc chung của xã hội, - về lý luận cũng như về thực tiễn. Do đó, chỉ có giờ đây, mọi giai cấp thống trị và bóc lột mới trở thành thừa, thậm chí còn trở thành một chướng ngại đối với sự phát triển xã hội, và chỉ có giờ đây giai cấp đó mới sẽ bị tiêu diệt thẳng tay, dù cho nó có nắm được một "bạo lực trực tiếp" như thế nào chăng nữa. Vậy nếu ông Đuy-rinh tỏ vẻ khinh bỉ nền văn minh Hy Lạp vì nền văn minh này dựa trên chế độ nô lệ, thì ông ta cũng có quyền như thế để trách cứ người Hy Lạp là đã không có máy hơi nước và điện tín. Và nếu ông ta khẳng định rằng chế độ nô lệ làm thuê hiện đại của chúng ta chỉ là một di sản đã biến đổi và được làm dịu đi đôi chút của chế độ nô lệ, và không thể lấy bản thân chế độ đó (nghĩa là không thể dùng những quy luật kinh tế của xã hội hiện đại) để giải thích nó được, - thì điều đó hoặc giả chỉ có nghĩa là chế độ làm thuê, cũng như chế độ nô lệ, là những hình thức nô dịch và thống trị giai cấp, điều mà mỗi đứa trẻ em đều biết, hoặc giả khẳng định như thế là sai. Vì như thế thì chúng ta cũng sẽ có quyền nói rằng lao động làm thuê chỉ có thể giải thích được như là một hình thức đã được làm dịu đi của việc ăn thịt người, tức là hình thức lúc ban đầu của việc dùng những kẻ thù thua trận, hình thức mà hiện nay ở đâu cũng đã được xác nhận. Qua tất cả những điều nói trên, chúng ta đã thấy rõ vai trò của bạo lực trong lịch sử đối với sự phát triển kinh tế. Trước hết, bất cứ quyền lực chính trị nào ban đầu cũng đều dựa trên một chức năng kinh tế, xã hội, và cũng đều tăng lên theo mức độ mà do sự tan rã các cộng đồng nguyên thuỷ, các thành viên trong xã hội biến thành những người sản xuất tư nhân, và do đó, lại càng xa cách với những người làm các chức năng xã hội chung. Hai là, sau khi quyền lực chính trị đã trở thành độc lập đối với xã hội, sau khi đã từ người đầy tớ mà trở thành người chủ rồi thì nó có thể tác động theo hai chiều hướng. Hoặc nó tác động theo ý nghĩa và chiều hướng của sự phát triển kinh tế có tính chất quy luật. Như thế thì giữa quyền lực chính trị và sự phát triển kinh tế không có một sự xung đột nào và sự phát triển kinh tế được đẩy nhanh hơn. Hoặc nó chống lại sự phát triển kinh tế, và khi đó trừ một vài ngoại lệ ra, thường thường nó chịu sức ép của sự phát triển kinh tế. Một vài ngoại lệ đó là những trường hợp chinh phục cá biệt, trong đó những kẻ xâm lược kém văn minh hơn đã tiêu diệt hết hoặc đuổi dân cư của nước bị chinh phục đi, và tàn phá hay để mất những lực lượng sản xuất mà chúng không biết dùng để làm gì cả. Những người Thiên chúa giáo đã hành động như vậy ở vùng người Ma-vri-ta-ni-a thuộc Tây Ban Nha, đối với phần lớn những công trình thuỷ nông, cơ sở của nền nông nghiệp và nghề làm vườn đã phát triển cao độ của người Ma-vri-ta-ni-a. Bất cứ sự chinh phục nào của một dân tộc kém văn minh tất cũng làm rối loạn sự phát triển kinh tế và tiêu diệt vô số lực lượng sản xuất. Nhưng trong đại đa số trường hợp, trong cuộc chinh phục lâu dài, kẻ chinh phục kém văn minh hơn lại bị buộc phải thích ứng với "tình hình kinh tế" cao hơn của nước bị chinh phục diễn ra sau cuộc chinh phục; kẻ đi chinh phục bị những dân tộc bị chinh phục đồng hoá đi, và thậm chí phần lớn còn phải nói tiếng nói của các dân tộc ấy nữa. Nhưng chỗ nào mà trừ những trường hợp đi chinh phục - chính quyền nhà nước ở bên trong một nước trở nên đối lập với sự phát triển kinh tế của nước đó, như điều đó đã xảy ra từ trước đến nay đối với hầu hết mọi chính quyền ở một mức độ phát triển nào đó, thì bao giờ cuộc đấu tranh cũng chấm dứt bằng việc lật đổ chính quyền. Không có ngoại lệ và không thương xót, sự phát triển kinh tế đã tự mở đường cho nó, - ví dụ nổi bật nhất gần đây về điều đó, chúng tôi đã kể ra rồi: cuộc Đại cách mạng Pháp. Nếu theo thuyết của ông Đuy-rinh, "tình hình kinh tế" và cùng với nó là chế độ kinh tế của một nước nhất định, đều chỉ phụ thuộc vào bạo lực chính trị thôi, thì người ta sẽ hoàn toàn không thể hiểu được tại sao, sau năm 1848, Phri-đrích-Vin-hem IV, mặc dù có một "đội quân tuyệt vời"[6] nhưng cũng không sao đem những phường hội thời trung cổ và những sở thích lãng mạn khác gán cho ngành đường sắt, máy hơi nước và nền đại công nghiệp hồi bấy giờ vừa mới phát triển của nước ông ta được; hay không thể hiểu được tại sao hoàng đế Nga* dùng những thủ đoạn còn có tính chất bạo lực hơn rất nhiều, lại không những không có thể trả được nợ của mình, mà thậm chí còn không thể duy trì được "bạo lực" của mình bằng cách nào khác ngoài cách không ngừng vay mượn của "tình hình kinh tế" Tây Âu. Đối với ông Đuy-rinh, bạo lực là tội ác tuyệt đối. Đối với ông ta hành vi bạo lực đầu tiên là tội tổ tông. Toàn bộ sự trình bày của ông ta là một lời than vãn về việc hành vi bạo lực đó đã tiêm nhiễm vào toàn bộ lịch sử từ trước đến nay như là một tội tổ tông, về việc tất cả những quy luật tự nhiên và xã hội đã bị cái thế lực ma quỷ ấy, tức là bạo lực, xuyên tạc một cách xấu xa. Nhưng bạo lực còn đóng một vai trò khác trong lịch sử, vai trò cách mạng; nói theo Mác, bạo lực còn là bà đỡ cho mọi xã hội cũ đang thai nghén một xã hội mới[7]; bạo lực là công cụ mà sự vận động xã hội dùng để tự mở đường cho mình và đập tan những hình thức chính trị đã hoá đá và chết cứng - về những điều đó, ông Đuy-rinh đã không nói qua một lời nào. Ông ta chỉ thở dài và rên rỉ mà thừa nhận rằng bạo lực có thể là cần thiết để lật đổ chế độ kinh tế bóc lột, - tiếc thay, mọi việc dùng bạo lực đều làm cho kẻ sử dụng nó suy đồi về đạo đức. Và điều đó được nói ra trong hoàn cảnh có một cao trào lớn về đạo đức và tinh thần vốn là kết quả của mỗi một cuộc cách mạng thắng lợi! Và điều đó lại được nói ra ở nước Đức là nơi mà một sự va chạm mãnh liệt - mà người ta có thể bắt nhân dân phải chịu đựng - ít ra cũng có cái lợi là nhổ hết cái tinh thần nô dịch đã thâm nhập vào ý thức dân tộc sau sự nhục nhã của cuộc Chiến tranh ba mươi năm. Thế mà cái phương thức tư duy lờ mờ, yếu đuối, bất lực theo kiểu thày tu ấy lại dám có tham vọng bắt đảng cách mạng nhất từ trước đến nay trong lịch sử phải theo nó ư? [1] Đuy-rinh gọi "biện chứng" của mình là "biện chứng tự nhiên" để phân biệt với biện chứng"không tự nhiên" của Hê-ghen. Xem E. Dühring. "Natürliche Dialektik. Neue logische Grundlegungen der Wissenschaft und Philosiphie". Berlin, 1865 (Oi. Đuy-rinh. "Biện chứng tự nhiên. Những cơ sở lô-gích mới của khoa học và của triết học". Béc-lin, 1865). [2] Những tác phẩm được thống nhất bằng một đề tài chung của G. L. Mau-rơ (12 tập) là công trình nghiên cứu chế độ ruộng đất, thành thị và nhà nước của nước Đức thời trung cổ. Đó là những tác phẩm: "Einleitung zur Geschichte der Mark-, Hof-, Dorf - un Stadt-Verfassung und der ửffentlichen Gewalt", Mỹnchen, 1854 ("Khái luận về lịch sử các thiết chế mác-cơ, hộ nông thôn, thiết chế nông thôn và thành thị và lực lượng công cộng", Muyn-sen, 1854), "Geschichte der Markenverfassung in Deutschland", Erlangen, 1856 ("Lịch sử thiết chế mác-cơ ở Đức". éc-lan-ghen, 1856), "Geschichte der Fronhửfe, der Bauernhửfe und der Hofverfassung in Deutschland". Bd. I - IV, Erlangen, 1862 - 1863 ("Lịch sử các hộ địa chủ, các hộ nông dân và thiết chế hộ nông thôn ở Đức" T. I - IV. éc-lan-ghen 1862 - 1863; "Geschichte der Dofrverfassung in Deutschland". Bd. I - II, Erlangen, 1865 - 1866 ("Lịch sử thiết chế nông thôn ở Đức", T. I - II, éc-lan-ghen, 1865 - 1866), "Geschichte der Stọdteverfassung in Deutschland", Bd. I - IV, Erlangen, 1869 - 1871 ("Lịch sử xây dựng thành thị ở Đức". T. I - IV, éc-lan-ghen, 1869 - 1871). Trong tác phẩm thứ nhất, thứ hai và thứ tư trên đây, chế độ mác-cơ Đức là đối tượng của sự nghiên cứu đặc biệt. [3] Trích trong bài thơ của Hai-nơ "Cô-be-xơ I". [4] Ăng-ghen thay đổi một cách mỉa mai tước vị của Hen-rích LXXII - một trong hai ông hoàng đang cầm quyền họ Rây-xơ dòng thứ (Rây-xơ - Lô-ben-stây-nơ - E-béc-xđoóc-phơ). Grây-xơ là thủ đô của vương quốc họ Rây-xơ dòng trưởng (Rây-xơ-Grây-xơ). Slây-xơ là một trong những ấp của ông hoàng họ Rây-xơ dòng thứ (Rây-xơ-Slây-xơ) không thuộc quyền trị vì của Hen-rích LXXII. [5] Cai-út Pli-ni-út Xê-cun-đu-xơ. "Naturalis historia" ("Lịch sử tự nhiên"), q. XVIII, Đ35. [6] Thuật ngữ trích trong thông điệp nhân dịp năm mới (ngày 1 tháng Giêng 1849) của Phri-đích-Vin-hem IV gửi quân đội Phổ. Về việc phê phán thông điệp này, xin xem bài báo của C. Mác "Lời chúc mừng năm mới" (C.Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tiếng Việt, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, t.6, tr. 216 - 222). * A-lếch-xan-đrơ II [7] Xem C.Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tiếng Việt, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, t.23, tr. 1043-1044. |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC