Phần thứ ba CHỦ NGHĨA XÃ HỘI
V. NHÀ NƯỚC, GIA ĐÌNH, GIÁO DỤC
FRIEDRICH ENGELS (1820-1895)
C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 20. Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2004. | Phiên bản điện tử: dangcongsan.vn | Nguyên bản tiếng Đức | Bản dịch tiếng Anh.
Qua hai chương trên, chúng ta hầu như đã trình bày hết nội dung kinh tế của "tổ chức xã hội chủ nghĩa mới" của ông Đuy-rinh. Nhiều lắm thì có lẽ cũng cần phải nhận xét thêm rằng "tầm quan sát của cái nhìn lịch sử" hoàn toàn không ngăn cản ông ta giữ gìn những lợi ích đặc biệt của mình, ngay cả khi không nói đến việc tiêu dùng thêm một cách vừa phải. Vì vậy phân công lao động cũ vẫn tồn tại trong xã hội xã hội chủ nghĩa, cho nên công xã kinh tế không những phải chú ý đến những kiến trúc sư và nhưng người đẩy xe, mà cũng còn phải chú ý đến cả những nhà văn chuyên nghiệp, hơn nữa trong trường hợp này lại nẩy ra vấn đề phải xử lý như thế nào đối với quyền tác giả. Ông Đuy-rinh bận tâm đến vấn đề này hơn tất cả mọi vấn đề khác. Bất kỳ ở đâu, ví dụ như trong đoạn nói về Lu-i Blăng và Pru-đông, vấn đề quyền tác giả cũng làm cho bạn đọc đến chán ngấy, để rồi cuối cùng nó được bôi bác ra trên chín trang trong tập "Bài giảng". Sau cùng, dưới hình thức một thứ "thù lao cho lao động" bí ẩn - hơn nữa người ta cũng không nói một lời nào là liệu sẽ có một sự tiêu dùng thêm vừa phải hay không - nó được đưa một cách an toàn vào trong cái bến cảng bình yên của xã hội xã hội chủ nghĩa. Một chương nói về vị trí của những con bọ chét trong hệ thống tự nhiên của xã hội có lẽ cũng đúng chỗ như thế, và dầu sao thì cũng đỡ chán hơn. Cuốn "Triết học" cấp cho chúng ta những lời chỉ dẫn chi tiết về chế độ nhà nước tương lai. Về mặt này, mặc dù Rút-xô là "bậc tiền bối lớn duy nhất" của ông Đuy-rinh, nhưng tác giả đó cũng vẫn đặt những cơ sở chưa đủ sâu sắc; người nối nghiệp sâu sắc hơn của ông đã sửa chữa thiếu sót đó một cách triệt để, bằng cách pha loãng Rút-xô đến cực điểm, và cũng trộn thêm vào đó một thứ cháo loãng bố thí[1] gồm những cặn bã của triết học pháp quyền của Hê-ghen. "Chủ quyền của cá nhân" là nền tảng của cái nhà nước tương lai của ông Đuy-rinh; chủ quyền đó sẽ không bị sự thống trị của đa số đè bẹp, trái lại chỉ bây giờ nó mới thực sự đạt tới đỉnh cao nhất của nó. Điều đó diễn ra như thế nào? Rất đơn giản thôi. "Nếu giả định rằng trong tất cả mọi phương hướng dều có những bản giao ước giữa người này với người khác, và nếu các bản giao ước ấy đều nhằm mục đích giúp đỡ lẫn nhau chống những vi phạm không chính đáng - thì lúc đó lực lượng để duy trì các quyền sẽ chỉ có củng cố hơn lên mà thôi, và lúc đó sẽ không còn có một quyền nào toát ra từ ưu thế đơn thuần của số đông đối với một cá nhân, hay của đa số đối với thiểu số". Cái sức sống của trò ảo thuật của cái triết học hiện thực đã vượt qua được những trở ngại gay go nhất một cách dễ dàng như thế đó và nếu bạn đọc nghĩ rằng qua đó họ chẳng biết thêm được một điều gì hơn trước cả, thì ông Đuy-rinh trả lời họ rằng không nên nhìn sự vật một cách khinh suất như vậy được, bởi vì "một sai lầm nhỏ nhất trong quan niệm về vai trò của ý chí tập thể sẽ dẫn tới chỗ thủ tiêu chủ quyền của cá nhân, và chỉ có chủ quyển đó mới là (!) cơ sở để rút ra những quyền thực tế". Ông Đuy-rinh chế giễu công chúng của mình và đối xử với họ một cách thích đáng. Thậm chí ông ta còn có thể trắng trợn hơn nữa kia: các sinh viên nghe các bài giảng về triết học hiện thực có lẽ cũng không nhận thấy điều đó đâu. Theo ông Đuy-rinh thì chủ quyền cá nhân chủ yếu là ở chỗ "cá nhân buộc phải phục tùng nhà nước một cách tuyệt đối", nhưng sự cưỡng chế đó chỉ có lý do chính đáng chừng nào "nó thật sự phục vụ cho công lý tự nhiên". Nhằm mục đích đó, thì sẽ có cả "lập pháp và tư pháp", nhưng hai cái này "phải nằm trong tay của toàn bộ tập thể"; ngoài ra, lại còn có một sự liên minh phòng thủ biểu hiện "bằng sự cùng nhau phục vụ trong quân đội hay trong một cơ quan chấp hành nào đó để đảm bảo sự an ninh nội bộ", - tức là sẽ có cả quân đội, cảnh sát và hiến binh. Quả thật ông Đuy-rinh đã rất nhiều lần tỏ ra là một người Phổ can đảm; ở đây, ông ta chứng minh rằng ông ta có quyền đứng ngang với một người Phổ mẫu mực mà theo như lời ông bộ trưởng đã quá cố Phôn Rô-khốp đã nói, thì lúc nào cũng "mang người hiến binh của mình ở trong lòng". Nhưng loại hiến binh tương lai ấy không nguy hiểm bằng bọn lính sen đầm ngày nay. Mặc dầu loại hiến binh đó có gây ra những gì cho con người có chủ quyền chăng nữa, thì người ấy bao giờ cũng có một điều an ủi là: "sự công bằng hay bất công mà người ấy gặp phải, tuỳ theo các trường hợp, từ phía xã hội tự do, không bao giờ có thể là một cái gì tệ hại hơn cái mà trạng thái tự nhiên cũng có thể mang đến"! Và sau đó, sau khi đã làm cho chúng ta lại vấp phải một lần nữa vấn đề quyền tác giả mà ông ta không thể không nói đến, ông Đuy-rinh còn quả quyết với chúng ta rằng trong cái thế giới tương lai của ông ta sẽ có "một giới luật sư, dĩ nhiên là hoàn toàn tự do và mọi người đều có thể nhờ đến được". "Cái xã hội tự do mà hiện nay người ta đang tưởng tượng ra" trở nên càng ngày càng hỗn tạp. Nào là kiến trúc sư, nào là người đẩy xe, nào là nhà văn, nào là hiến binh, và giờ đây lại còn có cả các luật sư nữa! "Cái vương quốc tư duy vững vàng và có tính chất phê phán" này thật giống hệt như các vương quốc thiên đàng của các tôn giáo, trong đó người tín đồ luôn luôn gặp lại - dưới một dạng cải biến - những cái đã làm cho cuộc sống của họ ở trên cõi trần này được ngọt ngào hơn. Ông Đuy-rinh chính là người của cái nước mà trong đó "mỗi người đều có thể tự giải thoát theo cách riêng của mình"[2]. Chúng ta còn muốn thêm cái gì nữa chứ? Vả lại, điều mà chúng ta mong muốn, ở đây không quan trọng. Vấn đề ở đây là ông Đuy-rinh muốn cái gì. Và ông ta khác Phri-rích II ở chỗ là trong cái quốc gia tương lai của ông Đuy-rinh, hoàn toàn không phải là mỗi người đều có thể tự giải thoát theo cách riêng của mình được. Hiến pháp của cái quốc gia tương lai ấy nói rằng: "Trong xã hội tự do, không thể có sự thờ cúng; bởi vì mỗi thành viên của xã hội đều khắc phục được cái quan niệm ấu trĩ nguyên thuỷ cho rằng ở đằng sau thiên nhiên hay bên trên thiên nhiên, có những đấng mà người ta có thể dùng những vật hy sinh hay những lời cầu nguyện để tác động đến". "Vì thế, hệ thống xã hội xã hội chủ nghĩa, được hiểu một cách đúng đắn, phải... phế bỏ mọi trang bị của sự mê hoặc tinh thần, và do đó, phế bỏ tất cả những yếu tố cơ bản của sự thờ cúng". Tôn giáo bị cấm. Nhưng tất cả mọi tôn giáo chẳng qua chỉ là sự phản ánh hư ảo - vào trong đầu óc của con người - của những lực lượng ở bên ngoài chi phối cuộc sống hàng ngày của họ; chỉ là sự phản ánh trong đó những lực lượng ở trần thế đã mang hình thức những lực lượng siêu trần thế. Trong những thời kỳ đầu của lịch sử, chính những lực lượng thiên nhiên là những cái trước tiên được phản ánh như thế, và trong quá trình phát triển hơn nữa thì ở những dân tộc khác nhau, những lực lượng thiên nhiên ấy đã được nhân cách hoá một cách hết sức nhiều vẻ và hết sức hỗn tạp. Nhờ môn thần thoại học so sánh, người ta đã theo dõi cái quá trình đầu tiên ấy, - ít ra là đối với các dân tộc ấn - Âu, - đến tận nguồn gốc của nó trong kinh Vệ đà của ấn Độ; rồi trong quá trình tiếp diễn sau đó của nó, nó đã được nghiên cứu một cách chi tiết ở các dân tộc ấn Độ, Ba Tư, Hy Lạp, La Mã, Giéc-manh, và trong chừng mực có đầy đủ tài liệu thì cả ở các dân tộc Ken-tơ, Lít-va và Xla-vơ. Nhưng chẳng bao lâu, bên cạnh những lực lượng thiên nhiên, lại còn có cả những lực lượng xã hội tác động - những lực lượng này đối lập với con người, một cách cũng xa lạ lúc đầu cũng không thể hiểu được đối với họ, và cũng thống trị họ với cái vẻ tất yếu bề ngoài giống như bản thân những lực lượng tự nhiên vậy. Những nhân vật ảo tưởng, lúc đầu chỉ phản ánh những sức mạnh huyền bí của các lực lượng tự nhiên, thì nay lại vì thế, có cả những thuộc tính xã hội và trở thành những đại biểu cho các lực lượng lịch sử 1). Đến một giai đoạn tiến hoá cao hơn nữa, thì toàn bộ những thuộc tính tự nhiên và thuộc tính xã hội của nhiều vị thần được chuyển sang cho một vị thần vạn năng duy nhất, bản thân vị thần này cũng lại chỉ là phản ánh của con người trừu tượng. Như vậy nhất thần giáo xuất hiện; trong lịch sử, nó là sản phẩm cuối cùng của nền triết học tầm thường của Hy Lạp ở thời kỳ suy vong, và đã tìm hiện thân có sẵn của nó trong vị thần thuần tuý dân tộc của người Do Thái là Giê-hô-va. Dưới cái hình thức thuận tiện, cụ thể và có thể thích ứng được với tất cả mọi tình hình đó, tôn giáo vẫn có thể tiếp tục tồn tại với tư cách là một hình thức trực tiếp, nghĩa là một hình thức cảm xúc trong quan hệ của con người đối với các lực lượng xa lạ, tự nhiên và xã hội đang thống trị họ. Nhưng chúng ta đã nhiều lần thấy rằng trong xã hội tư sản hiện nay, con người bị thống trị bởi những quan hệ kinh tế do chính họ tạo ra, bởi những tư liệu sản xuất do chính họ sản xuất ra, như là bởi một lực lượng xa lạ. Do đó cơ sở thực tế của sự phản ánh có tính chất tôn giáo của hiện thực vẫn tiếp tục tồn tại và cùng với cơ sở đó thì chính ngay sự phản ánh của nó trong tôn giáo cũng tiếp tục tồn tại. Và mặc dầu khoa kinh tế chính trị tư sản cũng có giúp cho người ta hiểu được đôi chút về mối quan hệ nhân quả của sự thống trị của những lực lượng xa lạ ấy, nhưng điều đó không làm cho sự vật thay đổi một chút nào cả. Khoa kinh tế chính trị tư sản, nói chung, không thể ngăn cản được những cuộc khủng hoảng, cũng không thể che chở cho nhà tư bản cá thể khỏi bị thua lỗ, nợ nần một cách tuyệt vọng và phá sản, hay cũng không che chở được cho người công nhân cá biệt khỏi bị thất nghiệp và cùng khổ. Câu ngạn ngữ: "Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên" (thiên đây tức là sự chi phối của những sức mạnh xa lạ đối với con người của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa), vẫn được lưu hành. Chỉ riêng sự nhận thức, dù cho nó có rộng hơn và sâu hơn sự nhận thức của khoa kinh tế chính trị tư sản chăng nữa, cũng không đủ để bắt các sức mạnh xã hội phải phục tùng sự chi phối của xã hội. Muốn thế thì trước hết cần phải có một hành động xã hội. Và khi nào hành động đó được thực hiện, khi nào thông qua việc nắm toàn bộ các tư liệu sản xuất và sử dụng được những tư liệu ấy một cách có kế hoạch - xã hội tự giải phóng mình và giải phóng tất cả mọi thành viên trong xã hội khỏi tình trạng bị nô dịch, trong đó hiện nay họ đang bị giam cầm bởi những tư liệu sản xuất do chính tay họ đã làm ra nhưng lại đối lập với họ như một sức mạnh xa lạ không sao khắc phục nổi; do đó khi nào con người không chỉ mưu sự, mà lại còn làm cho thành sự nữa, - thì chỉ khi đó, cái sức mạnh xa lạ cuối cùng hiện nay vẫn còn đang phản ánh vào tôn giáo mới sẽ mất đi, và cùng với nó bản thân sự phản ánh có tính chất tôn giáo cũng sẽ mất đi, vì khi đó sẽ không có gì để phản ánh nữa. Nhưng ông Đuy-rinh không thể chờ đợi cho đến khi tôn giáo chết cái chết tự nhiên đó của nó. Ông ta làm một cách căn bản hơn. Ông ta tỏ ra là Bi-xmác hơn cả Bi-xmác; ông ta ra những đạo luật tháng Năm[3] còn nghiêm ngặt hơn, không chỉ chống đạo Thiên chúa, mà chống cả mọi tôn giáo nói chung nữa; ông ta tung bọn chiến binh tương lai của ông ta ra truy kích tôn giáo, và do đó, ông ta giúp cho tôn giáo đạt tới chỗ thực hiện tinh thần tử vì đạo và kéo dài thêm sự tồn tại của nó. Chúng ta nhìn đâu cũng thấy rặt một thứ chủ nghĩa xã hội đặc biệt kiểu Phổ. Sau khi ông Đuy-rinh đã tiêu diệt được tôn giáo một cách may mắn như vậy rồi, thì "con người, chỉ dựa vào bản thân mình và tự nhiên, và đã trưởng thành để nhận thức được những sức mạnh tập thể của mình, từ nay có thể mạnh bạo tiến theo tất cả các con đường mà tiến trình của sự vật và bản thân con người của họ đang mở ra cho họ". Để cho được đa dạng, bây giờ chúng ta hãy xét xem cái "tiến trình của sự vật" mà con người, dựa vào bản thân mình và dưới sự lãnh đạo của ông Đuy-rinh có thể mạnh bạo tiến theo là "tiến trình sự vật" nào. Tiến trình sự vật đầu tiên nhờ nó mà con người trở thành chỗ dựa của bản thân mình là việc nó được sinh ra. Sau đó, trong thời chưa đến tuổi vị thành niên tự nhiên của họ, con người được giao cho "nhà giáo dục tự nhiên của con trẻ", tức là người mẹ. "Thời gian đó như trong luật La Mã thời cổ đã nói, có thể kéo dài cho đến tuổi dậy thì, nghĩa là cho đến khoảng chừng mười bốn tuổi". Chỉ trong trường hợp những đứa con trai lớn tuổi không có giáo dục đến nỗi không tôn kính đúng mức uy tín của người mẹ, thì khi đó mới cần đến sự giúp đỡ của người cha, và nhất là cần đến những biện pháp giáo dục của xã hội để làm cho thiếu sót ấy không tác hại được nữa. Đến tuổi dậy thì, người con mới được đặt dưới sự "bảo trợ tự nhiên của người cha", nếu có một người cha thật, với cái "quyền làm cha thật sự mà không ai chối cãi được"; còn nếu không, thì công xã cử ra một người bảo trợ. Như trên đây chúng ta đã thấy, ông Đuy-rinh cho rằng có thể thay thế phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa bằng phương thức sản xuất xã hội mà không cần phải cải tạo chính ngay nền sản xuất, thì ở đây cũng vậy, ông ta tưởng tượng rằng người ta có thể dứt được cái gia đình tư sản hiện nay ra khỏi toàn bộ cơ sở kinh tế của nó, không cần phải thay đổi toàn bộ hình thức của nó. Đối với ông ta, hình thức đó thật là bất di bất dịch đến mức ông ta thậm chí còn xem "luật La Mã thời cổ", tuy là dưới một hình thức "đã cải tiến" là nguyên tắc chỉ đạo vĩnh cửu đối với gia đình và ông ta chỉ có thể hình dung được gia đình như là một đơn vị "để lại di sản", nghĩa là một đơn vị có tài sản mà thôi. Về điểm này, các nhà không tưởng vượt xa ông Đuy-rinh nhiều. Đối với các nhà không tưởng, cùng với việc con người liên minh tự do thành xã hội và việc chuyển công việc gia đình tư nhân thành một công nghiệp công cộng, thì người ta cũng sẽ trực tiếp có được việc xã hội hoá sự giáo dục thanh niên, và do đó có một mối quan hệ qua lại thật sự tự do giữa các thành viên trong gia đình. Hơn nữa, Mác cũng đã chứng minh ("Tư bản", tr.515 và những tr. tiếp theo) rằng "trong khi đem lại cho phụ nữ, thiếu niên và trẻ em trai gái một vai trò quyết định trong quá trình sản xuất xã hội có tổ chức, ngoài phạm vi gia đình, đại công nghiệp lớn cũng vẫn tạo ra một cơ sở kinh tế mới cho hình thức cao hơn của gia đình và của mối quan hệ giữa nam và nữ"[4]. "Mỗi nhà không tưởng về cải cách xã hội", - ông Đuy-rinh nói, - "dĩ nhiên đều có sẵn một khoa sư phạm phù hợp với đời sống xã hội mới mà người đó mơ tưởng". Xét theo quan điểm đó thì ông Đuy-rinh là "một con quái vật thật sự" trong số những nhà không tưởng về cải cách xã hội. Trường học tương lai ít nhất cũng làm ông ta bận tâm ngang như vấn đề quyền tác giả, và điều này quả thật nói lên rất nhiều điều. Ông ta có cả một kế hoạch giảng dạy ở trường tiểu học và đại học đã chuẩn bị một cách hoàn mỹ, không những cho toàn bộ cái "tương lai có thể nhìn thấy được" mà còn cho cả thời kỳ quá độ nữa. Song chúng ta h•y chỉ giới hạn trong việc xét xem thanh niên nam nữ sẽ phải học những gì trong cái tính xã hội hoàn mỹ, tuyệt đỉnh. Nhà trường phổ thông đem lại cho học sinh của mình "tất cả những gì, tự bản thân chúng và theo nguyên tắc, có thể có một sự hứng thú đối với con người", do đó, cụ thể là dạy những "cơ sở và những kết quả chủ yếu của tất cả các ngành khoa học có liên quan đến nhận thức về thế giới quan và về cuộc sống". Vậy, nhà trường đó trước hết dạy toán học, hơn nữa là dạy như thế nào để cho người ta "đi qua một cách đầy đủ" cả một loạt khái niệm và biện pháp có tính chất nguyên tắc, từ cách đếm đơn giản và phép cộng cho đến tính tích phân. Nhưng như thế không có nghĩa là trong nhà trường đó người ta sẽ thật sự làm tính vi phân và tích phân đâu. Hoàn toàn ngược lại: ở đó người ta sẽ dạy những yếu tố hoàn toàn mới về bộ môn toán học, những yếu tố này sẽ chứa đựng cả những mầm mống của môn toán học sơ cấp thông thường lẫn của môn toán học cao cấp. Mặc dù ông Đuy-rinh quả quyết rằng hiện nay ông ta đã có "trước mắt, một cách có hệ thống, trên những nét đại cương" "nội dung của những sách giáo khoa" dùng cho nhà trường tương lai ấy, nhưng tiếc thay, cho đến nay ông ta cũng vẫn chưa đi đến chỗ phát hiện ra được các "yếu tố đó của toàn bộ môn toán học", còn những gì mà hiện nay ông ta chưa thể làm được, thì "thật vậy, cần phải trông chờ ở những lực lượng tự do và đã lớn mạnh của chế độ xã hội mới" mà thôi. Nhưng nếu tạm thời lúc này những trái quả của môn toán học tương lai hãy còn xanh quá, thì sau này những môn thiên văn học, cơ học và vật lý học tương lai sẽ càng bớt khó khăn đi và "sẽ hình thành cái hạt nhân của toàn bộ nền giáo dục ở nhà trường", còn những môn "thực vật học và động vật học, thì mặc dù là có đủ tất cả các thứ lý luận, vẫn chủ yếu mang tính chất mô tả" nên sẽ được dùng "nhiều hơn cho một cuộc nói chuyện nhẹ nhàng có tính chất giải trí". Những điều đã in trong cuốn "Bài giảng về triết học", trang 417, là như thế đó. Cho đến nay, ông Đuy-rinh chỉ biết có môn thực vật học và động vật học chủ yếu có tính chất mô tả mà thôi. Toàn bộ môn hình thái học hữu cơ, gồm có các khoa giải phẫu học so sánh, thai sinh học và cổ sinh vật học của thế giới hữu cơ, ông ta cũng đều không biết, ngay cả đến cái tên gọi. Trong khi ở đằng sau lưng ông ta, trong lĩnh vực sinh vật học, có đến gần hàng tá ngành khoa học hoàn toàn mới đang xuất hiện, thì cái tâm trí ấu trĩ của ông ta vẫn cứ luôn luôn đi tìm những "yếu tố giáo dục hết sức hiện đại của phương thức tư duy khoa học tự nhiên" trong cuốn "Vạn vật học viết cho nhi đồng" của Ráp-phơ, và ông ta cũng ban luôn cả cái hiến pháp của thế giới hữu cơ đó cho toàn bộ cái "tương lai có thể nhìn thấy được". Theo thói quen của ông ta, ở đây môn hoá học cũng lại bị hoàn toàn bỏ quên. Còn về mặt mỹ học của giáo dục thì trong lĩnh vực này ông Đuy-rinh có ý định sáng tạo mới tất cả. Thơ ca từ trước tới nay chẳng có giá trị gì cả. Ở nơi mà tất cả mọi tôn giáo đều bị cấm, thì dĩ nhiên là ở đó không thể dung thứ việc đem "những điều bôi bác kiểu thần thoại hay tôn giáo khác", thường thấy ở các nhà thờ trước kia, vào trong nhà trường. Ngay cả "cái chủ nghĩa thần bí trong thơ ca, mà Gơ-tơ, chẳng hạn, rất hay làm" cũng phải vứt bỏ đi. Như vậy là ông Đuy-rinh tất sẽ phải tự mình cung cấp cho chúng ta những áng thơ ca kiệt tác "đáp ứng được những đòi hỏi cao của cả một óc tưởng tượng hoà hợp với lý trí" và vạch ra cái lý tưởng chân chính, lý tưởng này "có nghĩa là sự hoàn thiện của thế giới". Mong rằng ông ta sẽ không chậm trễ trong vấn đề này! Công xã kinh tế chỉ có thể chinh phục được thế giới khi nào nó tiến quân bằng bước chạy hoà hợp với lý trí của thơ A-lếch-xan-đrơ. Còn về môn ngôn ngữ học thì người công dân mới lớn lên của tương lai sẽ không bị người ta đoạ đầy nhiều lắm. "Các ngôn ngữ chết hoàn toàn tiêu tan... còn việc học tập các ngoại ngữ sống... thì sẽ vẫn là một cái gì thứ yếu thôi". Chỉ ở nơi nào mà sự giao tiếp giữa các dân tộc biểu hiện ra trong những sự di chuyển của bản thân quần chúng nhân dân, thì ở đó tuỳ theo nhu cầu, phải làm cho các ngoại ngữ có thể tiếp thu được một cách dễ dàng đối với mỗi người. Người ta sẽ tìm được "cách dạy ngôn ngữ thực sự có tính chất giáo dục" trong một thứ ngữ pháp chung, và nhất là ở trong "chất liệu và hình thức của tiếng mẹ đẻ". Đối với ông Đuy-rinh, tính chất hạn chế dân tộc của con người hiện nay vẫn còn mang tính chất thế giới chủ nghĩa quá nhiều. Ông ta còn muốn thủ tiêu cả hai cái đòn bẩy, ít ra trong thế giới ngày nay cũng đem lại cho người ta một vài cơ hội để nâng mình lên cao hơn cái quan điểm dân tộc hẹp hòi. Ông ta muốn bãi bỏ sự hiểu biết các cổ ngữ, thứ cổ ngữ mở ra - ít nhất cũng là cho những người có một nền học vấn cổ điển thuộc các dân tộc khác nhau - một tầm mắt chung rộng rãi hơn. Đồng thời, ông ta muốn bãi bỏ sự hiểu biết những ngôn ngữ hiện đại, mà chỉ nhờ chúng thì những người thuộc các dân tộc khác nhau mới có thể hiểu được nhau và có thể biết được những gì xảy ra ở bên ngoài biên giới của nước mình. Ngược lại, ngữ pháp của tiếng mẹ đẻ phải trở thành một đối tượng nhồi nhét kỹ lưỡng. Nhưng người ta chỉ có thể hiểu được "chất liệu và hình thức của tiếng mẹ đẻ", chỉ khi nào người ta theo dõi sự phát sinh và phát triển dần dần của nó, và điều này sẽ không thể nào thực hiện được, nếu người ta không chú trọng tới, nhất là, những hình thức đã chết của bản thân nó, và hai là, những ngôn ngữ sống và ngôn ngữ chết cùng họ với thứ tiếng mẹ đẻ ấy. Nhưng như vậy thì chúng ta lại rơi vào cái lĩnh vực đã bị cấm. Tuy nhiên nếu ông Đuy-rinh gạch tuốt cả phần ngữ pháp lịch sử hiện đại ra khỏi bản kế hoạch giảng dạy của ông ta, thì trong giáo trình ngôn ngữ học của ông ta sẽ chỉ còn lại vẻn vẹn có môn ngữ pháp kỹ thuật, cũ kỹ, được dập lại hoàn toàn theo kiểu ngôn ngữ học cổ điển với tất cả tính chất quỷ biện và vũ đoán của nó do thiếu cơ sở lịch sử. Sự căm ghét môn ngôn ngữ học cổ đẩy ông ta tới chỗ đề cao cái sản phẩm tồi tệ nhất của môn ngôn ngữ học cổ thành "trung tâm của cách dạy ngôn ngữ thực sự có tính chất giáo dục". Rõ ràng là chúng ta đang đụng phải một nhà ngôn ngữ học chưa từng bao giờ được nghe nói đến những công trình nghiên cứu ngôn ngữ học lịch sử đang phát triển một cách rất mạnh mẽ và rất thắng lợi từ sáu mươi năm nay, cho nên, ông Đuy-rinh không đi tìm những "yếu tố giáo dục hết sức hiện đại" của việc giảng dạy ngôn ngữ học trong tác phẩm của Bốp, Grim và Đi-xơ, mà lại đi tìm trong các tác phẩm của Hây-đơ và Bếch-cơ đã quá cố. Nhưng sau khi có được tất cả những thứ đó, người công dân trẻ tuổi của tương lai cũng vẫn còn lâu mới có thể "dựa vào bản thân" được. Muốn thế, lại còn cần phải có một cơ sở sâu sắc hơn, thông qua việc "lĩnh hội được những nền tảng triết học mới nhất". "Nhưng một việc nghiên cứu sâu như thế... sẽ không còn là một nhiệm vụ gì to lớn lắm" - từ khi ông Đuy-rinh đã dọn sạch đường trong lĩnh vực này. Thật vậy, "nếu người ta lọc bỏ những điều cầu kỳ giả dối, kinh viện, ra khỏi vài luận điểm khoa học chặt chẽ mà môn đồ thức luận chung về tồn tại có thể tự hào, và nếu người ta đâu đâu cũng quyết tâm chỉ thừa nhận ý nghĩ của cái thực tế "do ông Đuy-rinh xác nhận" thì môn triết học sơ đẳng cũng trở nên hoàn toàn có thể lĩnh hội được đối với người thanh niên tương lai. "Xin hãy cứ nhớ lại những biện pháp cực kỳ đơn giản nhờ chúng mà chúng tôi đã đem lại cho những khái niệm vô tận và sự phê phán những khái niệm đó một tầm quan trọng từ trước tới nay chưa từng thấy" - và "người ta sẽ hoàn toàn không thấy rõ tại sao mà những yếu tố của cái quan niệm phổ biến về không gian và thời gian, được cấu tạo một cách rất đơn giản như thế nhờ có sự nghiên cứu sâu sắc và sắc bén hiện nay, cuối cùng lại không được xếp vào hàng các kiến thức dự bị... Những tư tưởng hết sức căn bản của ông Đuy-rinh "không được đóng một vai trò thứ yếu trong cái đồ thức luận giáo dục phổ biến của xã hội mới". Ngược hẳn lại, trạng thái bất biến của vật chất là chuỗi số vô tận nhưng lại đếm được, lại có sứ mệnh "không những làm cho con người đứng vững được trên hai chân của mình, mà lại còn làm cho họ tự mình biết được rằng, họ đang có ở dưới chân mình cái mà người ta gọi là tuyệt đối". Như độc giả thấy, cái trường phổ thông nhân dân tương lai chẳng qua chỉ là một thứ trường trung học kiểu Phổ đã "cải tiến" đi một chút ít, trong đó môn tiếng Hy Lạp và La-tinh được thay bằng toán học thuần tuý và toán học ứng dụng nhiều hơn một chút và nhất là bằng những yếu tố triết học hiện thực, và trong đó việc giảng dạy tiếng Đức lại hạ thấp đến mức của thời kỳ Bếch-cơ đã quá cố, nói một cách khác, gần ngang với trình độ trường tiểu học. Thật vậy, "tuyệt đối không có bất cứ lý do nào cho rằng" tại sao các "kiến thức" của ông Đuy-rinh, những kiến thức mà sau khi chúng ta đã xem xét, đã tỏ ra cực kỳ ấu trĩ trong tất cả mọi lĩnh vực mà ông ta đã đụng đến, hay nói cho đúng hơn là: tại sao những cái nói chung còn lại sau sự "thanh lọc" sơ bộ một cách triệt để mà, "cuối cùng", tất cả không trừ một cái nào, lại không được xếp vào "hạng các kiến thức dự bị", vì các kiến thức của ông Đuy-rinh chưa bao giờ vượt lên trên trình độ này cả. Chắc là ông Đuy-rinh cũng đã láng máng nghe nói rằng trong xã hội xã hội chủ nghĩa, lao động và giáo dục sẽ gắn liền với nhau, và bằng cách đó sẽ đảm bảo cho các thế hệ đang trưởng thành có được một trình độ học vấn kỹ thuật nhiều mặt, cũng như một cơ sở thực tiễn cho một nền giáo dục có tính chất khoa học; vì vậy cả điểm này cũng được ông ta đem dùng cho xã hội xã hội chủ nghĩa theo cách thông thường của ông ta. Nhưng, như chúng ta đã thấy, vì trong nền sản xuất tương lai của ông Đuy-rinh, sự phân công lao động cũ về cơ bản vẫn tiếp tục tồn tại một cách yên ổn, cho nên đối với việc giảng dạy kỹ thuật ấy ở nhà trường người ta tước bỏ mọi sự áp dụng thực tiễn về sau, mọi ý nghĩ đối với bản thân sản xuất; việc giảng dạy kỹ thuật đó chỉ nhằm một mục đích duy nhất có tính chất nhà trường: nó phải thay thế môn thể dục mà nhà cách mạng cấp tiến của chúng ta không muốn nghe nói đến. Cho nên ông ta chỉ có thể nói với chúng ta vài câu rỗng tuếch, ví dụ như: "Người trẻ và người già đều làm việc theo ý nghĩa nghiêm chỉnh của từ đó". Câu nói dông dài không có cơ sở và không có nội dung mang lại một ấn tượng thật là thảm hại, nếu ta đem so sánh với đoạn văn trong bộ "Tư bản" (trang 508-515), trong đó Mác phát triển luận điểm nói rằng: "Như người ta có thể đọc thấy một cách chi tiết ở tác phẩm của Rô-bớt Ô-oen từ chế độ công xưởng đã nẩy nở ra cái mầm mống của nền giáo dục tương lai; nó sẽ kết hợp lao động sản xuất với trí dục và thể dục đối với tất cả những trẻ em trên một lứa tuổi nào đấy, coi đó không phải chỉ là một phương pháp để làm tăng thêm nền sản xuất xã hội mà còn là một phương pháp duy nhất để sản xuất những con người phát triển toàn diện nữa"[5]. Chúng ta hãy gạt sang một bên vấn đề trường đại học tương lai, trong đó môn triết học hiện thực sẽ là hạt nhân của mọi khoa học, và trong đó, bên cạnh khoa y, khoa luật cũng sẽ hết sức phát triển; chúng ta cũng hãy gạt sang một bên những "trường kỹ thuật chuyên môn", mà chúng ta chỉ được biết rằng những trường này sẽ chỉ dạy "một vài môn" thôi. Hãy giả sử rằng người công dân trẻ tương lai, sau khi đã tốt nghiệp tất cả các lớp của nhà trường, sẽ có thể "dựa vào bản thân" đến mức có thể đi kiếm vợ. ở đây, ông Đuy-rinh mở cho thanh niên đó một tiến trình của các sự vật như thế nào? "Do tính chất quan trọng của việc sinh con đẻ cái để gìn giữ, loại trừ và pha trộn những phẩm chất cũng như để cho chúng phát triển một cách sáng tạo, thì người ta cần phải tìm những gốc rễ cuối cùng của cái nhân tính hay phi nhân tính phần lớn là ở trong việc kết hợp lứa đôi và việc lựa chọn lứa đôi, và ngoài ra lại còn phải tìm trong sự quan tâm đến việc bảo đảm hay chống lại một kết quả nào đó của sự sinh đẻ. Việc phán xét đối với sự thô bạo và ngu muội đang thống trị trong lĩnh vực này, thì trên thực tiễn ta phải để lại cho thời sau làm. Tuy nhiên, ngay cả dưới sức ép của những thiên kiến, cũng có thể giải thích cho mọi người hiểu rằng phẩm chất của những đứa trẻ mới sinh, có thành công hay không thành công đối với thiên nhiên và đối với sự thận trọng của con người, chắc chắn là phải quan trọng hơn nhiều so với số lượng của chúng. Chắc chắn là bất cứ ở thời nào và dưới tất cả mọi chế độ pháp luật, những quái thai cũng đều phải bị thủ tiêu; nhưng cái thang dẫn từ trạng thái bình thường đến một quái thai, không còn có gì giống với con người nữa, thì cũng có nhiều bậc... Nếu có những biện pháp để phòng ngừa sự ra đời của một con người mà sau này sẽ chỉ là một sản phẩm tồi tệ, thì điều đó rõ ràng là một điều có lợi". Ta cũng lại thấy nói như vậy trong một đoạn khác: "Tư duy triết học có thể hiểu một cách chẳng khó khăn gì cái quyền của thế giới còn chưa sinh ra là phải được cấu tạo một cách hết sức tốt đẹp... Sự thụ thai và có thể là sự sinh đẻ nữa đều cung cấp những cơ hội để về phương diện này phải áp dụng những biện pháp phòng ngừa và trong những trường hợp đặc biệt - áp dụng cả những biện pháp loại bỏ nữa". Và ở một đoạn dưới: "Nghệ thuật Hy Lạp, lý tưởng hoá con người trong đá cẩm thạch, sẽ không thể giữ được ý nghĩa lịch sử của nó như cũ nữa, một khi con người bắt tay vào thực hiện cái nhiệm vụ ít có tính chất nghệ thuật hơn, và vì vậy mà quan trọng hơn nhiều đối với vận mệnh sống còn của hàng triệu con người, tức là nhiệm vụ hoàn thiện việc cấu tạo con người bằng xương bằng thịt. Loại nghệ thuật này không phải là một nghệ thuật chỉ giản đơn gọt giũa đá, và cái đẹp của nó không phải ở chỗ ngắm nghía những hình thức chết", v.v.. Người công dân trẻ tương lai của chúng ta đã rơi từ trên mây xuống. Việc khi kết hôn, vấn đề lại không phải chỉ giản đơn là một nghệ thuật gọt giũa đá, cũng không phải là việc ngắm nghía những hình thức chết - điều đó không có ông Đuy-rinh chắc chắn anh ta cũng biết; nhưng ông này đã hứa với anh ta rằng anh ta có thể bước lên tất cả mọi con đường mà tiến trình của sự vật và bản thân con người của anh ta đã mở ra cho anh ta, để tìm thấy trái tim thông cảm của đàn bà cùng với cái thể xác gắn liền với trái tim ấy. "Hoàn toàn không phải thế", - giờ đây cái "đạo đức sâu sắc hơn và nghiêm khắc hơn" lại thét lên như sấm vào mặt anh ta như vậy. Vấn đề trước hết là phải chấm dứt tình trạng thô bạo và ngu muội hiện nay ở trong lĩnh vực kết hợp lứa đôi và lựa chọn lứa đôi nam nữ và chú trọng đến cái quyền của thế giới mới ra đời được có một cấu tạo tốt đẹp nhất. Trong một lúc trang trọng như thế, vấn đề đối với anh ta là phải hoàn thiện việc cấu tạo con người bằng xương bằng thịt, có thể nói là trở thành một Phi-đi-át bằng xương bằng thịt. Bắt tay vào công việc đó như thế nào? Những lời tuyên bố bí ẩn của ông Đuy-rinh trên đây tuyệt nhiên không chỉ dẫn qua một điều gì cho người thanh niên đó cả, mặc dầu chính ông này cũng nói rằng đây là "nghệ thuật". Có thể là ông Đuy-rinh đã có một cuốn sách chỉ nam về nghệ thuật đó "trước mắt dưới dạng đồ thức", có lẽ cũng giống như các cuốn sách trong phong bì có đóng dấu, mà ngày nay người ta đang thấy lưu hành khá nhiều trong các hiệu sách ở Đức chăng? Sự thật thì ở đây, chúng ta đã không còn ở trong xã hội xã hội chủ nghĩa nữa, mà trái lại, chúng ta đang ở trong vương quốc của "Chiếc sáo thần kỳ"[6], chỉ có khác một điều là đứng trước nhà đạo đức sâu sắc hơn và nghiêm khắc hơn của chúng ta thì viên thầy tu to béo Xa-ra-xtơ-rô vui tính thuộc phái Tam điển thậm chí chưa chắc đã có thể gọi là "một đạo sĩ loại hai". Những sự thử thách mà Xa-ra-xtơ-rô đã dùng để thử thách cặp tình nhân là tín đồ của mình, thật sự chỉ là một trò chơi của con trẻ so với sự thử thách khủng khiếp mà ông Đuy-rinh đã bắt hai người tự chủ của ông ta phải chịu, trước khi cho phép họ được bước vào trạng thái "kết hôn một cách có đạo đức và tự do". Như vậy là lúc nào cũng có thể xảy ra tình trạng là chàng Ta-mi-nô tương lai của chúng ta "dựa vào bản thân" và đứng bằng hai chân trên cái được gọi là tuyệt đối, nhưng một chân của chàng lại chệch khỏi tiêu chuẩn vài bậc thang, thành thử có những kẻ xấu mồm gọi chàng là anh thọt chân. Và cũng rất có thể là Pa-mi-la tương lai yêu quý của chàng cũng hoàn toàn không đứng thẳng ở trên cái tuyệt đối nói trên do hơi nghiêng một chút về phía vai bên phải, nên có kẻ ghen ghét thậm chí sẽ gọi đó là cái bướu nhỏ. Như thế thì làm gì bây giờ? Liệu ông Xa-ra-xtơ-rô sâu sắc hơn và nghiêm khắc hơn của chúng ta có cấm họ không được thực hành cái nghệ thuật hoàn thiện con người bằng xương bằng thịt hay không, liệu ông ta có đem thi hành "biện pháp phòng ngừa" của ông ta khi "thụ thai", hay "biện pháp loại bỏ" của ông ta khi "sinh đẻ" hay không? Tôi đánh cuộc mười đổi một rằng sự việc sẽ chẳng xảy ra như thế đâu, cặp tình nhân sẽ mặc xác Xa-ra-xtơ-rô - Đuy-rinh và sẽ tìm đến viên công chức phụ trách việc đăng ký giá thú. Ông Đuy-rinh vội kêu lên: Hãy khoan! Các anh chưa hiểu tôi. Hãy để cho tôi nói đã. Khi có "những động cơ cao cả hơn thật sự có tính người đối với những quan hệ nam nữ tốt lành... thì cái hình thức kích thích tình dục - đã được làm cho cao quý hơn hợp với con người, mà mức cao nhất của nó được thể hiện dưới dạng tình yêu tha thiết, - hình thức đó đối với cả đôi bên đều là một bảo đảm tốt đẹp nhất cho một cuộc kết hợp tốt đẹp, cũng như cho những kết quả của sự kết hợp đó... Từ một mối quan hệ tự bản thân nó là quan hệ hoà hợp đẻ ra một sản phẩm mang dấu ấn của sự hoà hợp, thì đó chỉ là một kết quả thứ yếu. Do đó mà ta lại thấy rằng bất kỳ một sự cưỡng ép nào cũng đều nhất định tác động một cách có hại", v.v.. Như vậy là mọi cái đều được giải quyết hết sức tốt đẹp trong cái xã hội tốt đẹp nhất của xã hội xã hội chủ nghĩa. Anh chàng thọt chân và chị gù lưng yêu nhau một cách tha thiết và vì vậy, cả đôi bên đều là một đảm bảo tốt đẹp nhất cho "một kết quả" hoà hợp "thứ yếu"; tất cả đều diễn ra như trong tiểu thuyết vậy, họ yêu nhau, họ lấy nhau, và tất cả cái đạo đức sâu sắc hơn và nghiêm khắc hơn, như thường lệ, lại hoá ra là một sự ba hoa hoà hợp. Ông Đuy-rinh nói chung có những quan niệm cao quý như thế nào về giới phụ nữ, - điều đó, lời buộc tội sau đây đối với xã hội hiện nay sẽ cho ta thấy: "Trong xã hội dựa trên sự áp bức và việc người này bán mình cho người kia thì nạn mãi dâm được coi là một sự bổ sung tự nhiên cho chế độ hôn nhân cưỡng ép có lợi cho người đàn ông, và việc không thể có một cái gì giống như thế đối với người phụ nữ là một điều dễ hiểu nhất, nhưng cũng có nhiều ý nghĩa nhất". Dù có cho tôi thứ gì ở trên đời này chăng nữa, thì tôi cũng sẽ không nhận những lời cám ơn của giới phụ nữ đối với ông Đuy-rinh về lời tán tụng đó. Tuy nhiên, phải chăng là ông Đuy-rinh hoàn toàn không biết gì về cái loại thu nhập mà ngày nay tuyệt nhiên không phải là một cái gì khác thường nữa - tức là thứ tiền phụ cấp do những người đàn bà trao cho nhân tình của họ [Schürzenstipendien]. Vì bản thân ông Đuy-rinh trước đây cũng đã từng là một báo cáo viên toà án[7] và ông ta lại sống ở Béc-lin, nơi mà hồi tôi còn ở đó, tức là cách đây 36 năm, không nói gì đến các viên trung uý, danh từ Referendarius thường rất hay đi cùng một vần với danh từ Schürzenstipendiarius! Xin cho phép tôi từ giã một cách vui vẻ và hoà giải cái đề tài của chúng tôi, một đề tài chắc chắn là thường khá khô khan và buồn tẻ. Trong khi chúng tôi phải phân tích một số điểm tranh cãi riêng biệt, thì sự phán xét của chúng tôi gắn liền với những sự thật khách quan không thể chối cãi được; căn cứ vào những sự thật ấy, sự phán xét này lắm lúc cần phải gay gắt và thậm chí kịch liệt nữa. Giờ đây, một khi mà triết học, kinh tế chính trị học và xã hội xã hội chủ nghĩa đã lùi lại ở phía sau rồi và trước mắt chúng tôi là bức tranh toàn thân của nhà văn mà trước đây chúng tôi đã phải đánh giá từng quan điểm riêng biệt, - thì những ý kiến liên quan đến ông ta như là một con người lúc này có thể là quan trọng nhất; bây giờ chúng tôi có thể tự cho phép mình lấy những phẩm chất cá nhân của ông ta để giải thích nhiều điều lầm lạc và sự tự cao tự đại về khoa học của ông ta và có thể tóm tắt sự phán đoán chung của chúng tôi về ông Đuy-rinh bằng những chữ sau đây: Tình trạng không có khả năng chịu trách nhiệm vì bệnh cuồng thích làm vĩ nhân. [1] Nguyên văn là: “breite Bettelsuppen" ("xúp loãng cho người nghèo") - thành ngữ này trích trong bi kịch "Phau-xtơ" của Gơ-tơ, phần I, màn thứ sáu ("Nhà bếp của mụ phù thuỷ"). [2] Câu này trích trong nghị quyết của vua Phổ Phri-đrích II ngày 22 tháng Bảy 1740 chất vấn bộ trưởng Bran-đơ và chủ tịch hội nghị tôn giáo Rây-khen-bác về việc cho phép các trường học Cơ Đốc giáo được tồn tại trong nhà nước theo đạo Tin lành Phổ. 1) Tính chất hai mặt sau này mới có ấy của các vị thần là một nguyên nhân đưa đến sự lẫn lộn sau này trong các thần thoại, - nguyên nhân mà môn thần thoại học so sánh đã không chú ý đến, vì nó tiếp tục coi các vị thần một cách phiến diện là phản ánh của các lực lượng tự nhiên. Ví dụ, trong một vài bộ lạc Giéc-manh, thần chiến tranh được gọi là Ti-rơ trong tiếng Xcan-đi-na-vơ cổ, là Di-o trong tiếng thượng Đức cổ, và như vậy là tương đương với Dớt theo tiếng Hy Lạp và Giu-pi-te theo tiếng La-tinh ("Giu-pi-te" thay cho "Di-ét-pi-te"); trong những bộ lạc khác, thần chiến tranh lại được gọi là E-rơ, và như vậy là tương đương với A-rét theo tiếng Hy Lạp, Mác-xơ theo tiếng La-tinh. [3] Những đạo luật tháng Năm - dưới cái tên gọi này, bốn đạo luật mà theo sáng kiến của Bi-xmác, Phan-cơ, bộ trưởng tôn giáo Phổ, đã đưa thông qua Quốc hội ngày 11 - 14 tháng Năm 1873 - đã đi vào lịch sử. Những đạo luật đó quy định sự kiểm soát gắt gao của nhà nước đối với hoạt động của nhà thờ Thiên chúa giáo, chúng là điểm cao nhất của cái được gọi là "cuộc đấu tranh vì văn hoá". Chúng là một mắt xích hết sức quan trọng trong cả một loạt biện pháp luật pháp mà Bi-xmác đưa ra vào những năm 1872 - 1875 để chống lại giới tu hành Thiên chúa giáo, giới này là chỗ dựa chủ yếu của đảng "trung tâm" đại diện cho những lợi ích của phái phân lập ở Nam Đức và Tây nam Đức. Những sự truy nã của cảnh sát đã gây nên sự chống lại gay gắt của những người Thiên chúa giáo và tạo cho họ niềm quang vinh tử vì đạo. Năm 1880 - 1887, với mục đích thống nhất tất cả lực lượng phản động để đấu tranh chống phong trào công nhân, chính phủ Bi-xmác đã buộc phải bước đầu giảm bớt, rồi sau huỷ bỏ hầu như toàn bộ các đạo luật chống Thiên chúa giáo. [4] Xem C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tiếng Việt, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, t.23, tr. 695. [5] Xem C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tiếng Việt, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, t. 23, tr. 686-689. Đoạn trích dẫn nằm trong tr. 688. [6] "Chiếc sáo thần kỳ" là vở nhạc kịch cuối cùng của Mô-da, do Mô-da phổ nhạc theo kịch bản của E.Si-ca-nơ-dơ, nó được sáng tác và trình diễn vào năm 1791; trong vở này, người ta thấy sự phản ánh tư tưởng của phái Ma-xôn mà tác giả kịch bản và bản thân Mô-da đã tham gia. Những tên người được nhắc đến sau đó trong nội dung như: Xa-ra-xtơ-rô, Ta-mi-nô và Pa-mi-na là những nhân vật chính của vở nhạc kịch. [7] Báo cáo viên toà án - ở Đức, viên quan chức thấp nhất, chủ yếu là nhà luật học đã trải qua công tác đào tạo với tư cách là người thực tập ở toà án hoặc ở cơ quan nhà nước; chức vụ báo cáo viên toà án thường không được trả tiền. |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC