Chủ nghĩa Marx

Những ngành lao động khác

TÌNH CẢNH CỦA GIAI CẤP LAO ĐỘNG Ở ANH - MỤC LỤC

 

TÌNH CẢNH CỦA GIAI CẤP LAO ĐỘNG Ở ANH.

 

Theo những sự quan sát của bản thân và

những nguồn đáng tin cậy

______________

 

NHỮNG NGÀNH LAO ĐỘNG KHÁC

 


C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1995, tr. 445-459. Phiên bản điện tử: dangcongsan.vn Nguyên bản tiếng Đức | Bản dịch tiếng Anh | Bản dịch tiếng Pháp.


 

 

Chúng ta đã phải dừng lại rất lâu để mô tả chế độ công xưởng, vì nó là sản vật hoàn toàn mới của thời đại công nghiệp. Còn về tình cảnh của công nhân trong những ngành khác của công nghiệp thì chúng ta sẽ nói ít hơn rất nhiều vì sự mô tả tình hình của giai cấp vô sản công nghiệp nói chung, hay là tình hình của chế độ công xưởng nói riêng vẫn phù hợp toàn bộ hoặc từng phần với tình hình của những ngành ấy. Do đó, vấn đề còn lại chỉ là khảo sát xem chế độ công xưởng đã thâm nhập các ngành lao động khác tới mức độ nào, và trong số những ngành ấy, thì mỗi ngành còn có những đặc điểm gì.

Bốn ngành lao động, trong đó đạo luật về công xưởng được thi hành đều là những ngành sản xuất vật liệu may mặc. Bây giờ, tốt nhất là chúng ta bắt đầu từ những công nhân lĩnh nguyên liệu của các công xưởng có liên quan đến bốn ngành ấy. Đầu tiên là những công nhân dệt kim ở Nốt-tinh-hêm, Đớc-bi và Lê-xtơ. Khi nói đến những công nhân ấy bản "Báo cáo của tiểu ban điều tra về lao động trẻ em" nói rằng ngày lao động kéo quá dài (do tiền công thấp, họ buộc phải lao động như vậy) cộng thêm việc phải ngồi suốt ngày và mắt luôn luôn phải chăm chú do tính chất của bản thân công việc bắt buộc, nên toàn cơ thể của họ bị suy yếu, đặc biệt là thị lực. Buổi tối, nếu không có ánh sáng rất mạnh thì không thể làm việc được, do đó công nhân thông thường phải dùng những quả cầu pha lê để tập trung ánh sáng nên rất hại mắt. Hầu hết công nhân đến bốn mươi tuổi đã phải đeo kính. Trong ngành sản xuất ấy, trẻ con chuyên môn đánh ống chỉ và khâu (viền mép), thường đau ốm và tạng người rất yếu. Từ sáu, bảy hay tám tuổi chúng đã phải lao động mỗi ngày 10 - 12 tiếng đồng hồ trong những căn phòng nhỏ hẹp đến tức thở. Rất nhiều trẻ con bị công việc làm cho còm cõi, suy yếu, đến nỗi ngay những công việc trong nhà bình thường nhất cũng không làm nổi, mắt bị cận thị rất sớm, do đó tuổi còn nhỏ mà đã phải đeo kính. Các uỷ viên thấy khá nhiều trẻ con có triệu chứng bệnh tràng nhạc; bọn chủ xưởng phần nhiều không chịu thuê những thiếu nữ đã từng làm việc này, viện cớ sức lực của chúng yếu quá. Bản báo cáo còn gọi tình trạng của những đứa trẻ ấy là "một điều sỉ nhục đối với một nước theo thiên chúa giáo" và hy vọng công việc của chúng sẽ được sự bảo hộ của pháp luật (Grên-giơ, "Báo cáo", phụ lục, phần I, tr. F 15, §§ 132-142). Bản báo cáo còn nói rằng lương công nhân dệt kim ở Le-xtơ tồi tệ nhất so với tất cả các công nhân ở địa phương ấy. Mỗi ngày họ phải lao động từ 16 đến 18 giờ đồng hồ, mỗi tuần chỉ kiếm được 6 si-linh, và phải tốn rất nhiều hơi sức mới kiếm nổi 7 si-linh. Trước kia họ kiếm được 20-21 si-linh, nhưng việc sử dụng máy dệt cỡ lớn đã đánh sụt tiền lương của họ; đại đa số công nhân còn làm việc với các máy dệt giản đơn cũ, phải cạnh tranh hết sức mệt nhọc với các máy móc đã được cải tiến. Như vậy là ở đây cứ mỗi bước tiến của sự phát triển kỹ thuật là một bước lùi của tình cảnh công nhân! Pau-ơ, uỷ viên của tiểu ban nói: nhưng dù thế nào đi nữa, các công nhân dệt kim vẫn còn cảm thấy hãnh diện vì họ được tự do, vì bữa ăn, giấc ngủ và công việc của họ không phải chịu sự chi phối của tiếng chuông công xưởng. Về mặt tiền lương thì tình hình hiện tại của các công nhân ấy không tốt hơn chút nào so với năm 1833 khi tiểu ban về công xưởng viết báo cáo. Đó là sự cạnh tranh của các công nhân dệt kim Dắc-den sống trong cảnh bữa đói bữa no gây nên. Sự cạnh tranh ấy không những đã đánh bại người Anh trên tất cả các thị trường nước ngoài, mà hơn nữa - về phương diện hàng hoá loại xấu - còn đánh bại họ ngay cả trên thị trường nước Anh. Người công nhân dệt kim Đức yêu nước há lại không vui mừng thấy rằng bản thân mình chịu đói thì có thể cướp được miếng bánh của người công nhân dệt kim nước Anh hay sao? Há lại không tự hào và vui vẻ nhịn đói khi danh dự của nước Đức yêu cầu họ chỉ được ăn lửng dạ, hay sao? Ôi, cạnh tranh và "ganh đua giữa các nước" là điều đẹp đẽ biết chừng nào! Tờ "Morning Chronicle" - cũng là tờ báo của Đảng tự do, - tờ báo của giai cấp tư sản par excellence 1*, tháng Chạp 1843, đã đăng mấy bức thư của một công nhân dệt kim ở Hin-clây miêu tả tình cảnh các bạn đồng nghiệp của anh ta. Anh ta nói thêm về tình cảnh của 50 gia đình, tất cả 321 người, chỉ nhờ vào 100 cỗ máy dệt, một máy bình quân mỗi tuần kiếm được 51/6 si-linh và mỗi gia đình kiếm được bình quân mỗi tuần 11 si-linh 4 pen-ni. Trong số ấy thì tiền nhà, tiền thuê máy dệt kim, than, dầu đèn, xà phòng và kim dệt, tổng cộng đã mất đi 5 si-linh 10 pen-ni rồi, mỗi người một ngày chỉ còn lại 11/2 pen-ni (15 phen-ni 2* Phổ) dùng vào việc ăn uống, còn may mặc thì chẳng còn đồng nào.

Anh công nhân dệt kim ấy viết: "Từ trước đến nay chưa hề có người nào trông thấy, chưa hề có người nào nghe thấy, cũng chưa hề có người nào hiểu nổi nửa phần nỗi khốn khổ mà những con người đáng thương ấy phải chịu đựng".

Họ hoàn toàn không có nệm giường, nếu có, cũng chỉ đủ cho một nửa số người ngủ. Trẻ con quần áo rách bươm, chân đi đất chạy đi chạy lại. Đàn ông sụt sùi nước mắt mà nói rằng đã từ lâu, lâu lắm, họ không được ăn thịt, và hầu như đã quên mất mùi vị thịt rồi. Cuối cùng có một số người phải làm việc cả ngày chủ nhật, mặc dù dư luận xã hội vẫn không dung thứ cho họ như vậy và tiếng máy dệt vang xa khắp cả vùng xung quanh.

Trong số công nhân ấy, có một người nói: "Các người cứ nhìn con cái tôi, khắc sẽ hiểu rõ tất cả. Nghèo đói bắt buộc tôi phải làm như vậy. Tôi không thể cứ giương mắt nhìn con tôi kêu đói mà không dùng biện pháp cuối cùng để kiếm miếng bánh một cách lương thiện. Thứ hai trước, tôi dậy từ hai giờ sáng và làm việc đến gần nửa đêm, những ngày khác thì tôi làm việc từ 6 giờ sáng đến tận 11 - 12 giờ khuya. Nhưng tôi không chịu đựng nổi nữa, tôi không muốn tự mình chui vào quan tài. Vì vậy, mỗi buổi tối tôi chỉ làm việc đến 10 giờ và ngày chủ nhật tôi làm bù lại số thời gian mất đó".

Từ năm 1833 trở đi, vô luận ở Lê-xtơ, ở Đớc-bi, ở Nốt-tinh-hêm, tiền lương chưa có nơi nào tăng cả, tồi tệ hơn hết là ở Lê-xtơ lại thực hành rộng rãi chế độ trả lương bằng hàng hoá, như đã nói ở trên. Do đó, không có gì lạ là mỗi khi công nhân vùng dậy thì công nhân dệt kim ở địa phương ấy - đều hết sức tích cực tham gia; vì đứng máy phần nhiều là nam giới, nên việc tham gia phong trào đó càng tích cực và nhiệt tình hơn.

Vùng công nhân dệt kim ở cũng là trung tâm chủ yếu của sản xuất đăng-ten. Trong ba tỉnh nói trên, có tất cả 2760 cỗ máy đăng-ten, còn tất cả các miền khác của nước Anh thì chỉ có 786 cỗ. Do sự phân công lao động chặt chẽ, quá trình sản xuất đăng-ten trở nên vô cùng phức tạp, chia thành rất nhiều ngành riêng biệt. Đầu tiên phải cuộn chỉ vào ống, công việc này do những thiếu nữ (winders) 14 tuổi hoặc lớn hơn làm; sau đó, đem các ống đó lắp vào máy, rồi luồn chỉ qua các lỗ nhỏ (mỗi cỗ máy bình quân có độ 1800 lỗ nhỏ như thế), rồi lại kéo sợi chỉ đến chỗ quy định, công việc này là do con trai (threaders) 8 tuổi hoặc lớn hơn làm; sau đó mới đến lượt người công nhân sản xuất đăng-ten. Đăng-ten lấy từ máy ra là những tấm dài, rộng, do các em rất bé rút các sợi chỉ nối liền, chia tấm đăng-ten ra thành từng mảnh riêng; quá trình công việc ấy gọi là running, hay drawing lace, còn bản thân những em bé ấy gọi là lace-runners. - Sau đó là đăng-ten xong hoàn toàn, có thể mang đi bán. - Bất luận là thợ đánh ống hay thợ luồn chỉ đều không có giờ làm nhất định, mỗi khi chỉ trên máy hết là cần tới họ; vì công việc tiếp tục cả ban đêm, nên bất kỳ lúc nào cũng có thể cần họ đến nhà máy hoặc đến phân xưởng của thợ đăng-ten. Công việc không có quy chế, thường thường phải làm cả đêm do đó tạo nên một lối sống không bình thường, tất cả những cái ấy gây ra rất nhiều tác hại về mặt thể xác và tinh thần, đặc biệt là gây ra quan hệ nam nữ hỗn loạn và quá sớm như  mọi người đã nhất trí vạch ra. Bản thân công việc làm hại mắt rất nhiều; mặc dù chưa phát hiện bệnh kinh niên phổ biến ở những thợ luồn chỉ, nhưng bệnh sưng mắt thì rất phổ biến, và bản thân công việc luồn chỉ dễ sinh đau mắt, chảy nước mắt và mờ mắt một thời gian v.v.. Còn về những thợ đánh ống thì người ta đã xác nhận là công việc của họ rất hại cho thị lực, gây ra bệnh viêm giác mạc thường xuyên, thường bị chứng đục nhân mắt. Công việc của bản thân thợ đăng-ten rất nặng nhọc; các máy chế ra ngày càng lớn rộng; các máy đang dùng hiện nay hầu như đều phải cần tới ba công nhân đàn ông điều khiển; ba người luân phiên nhau cứ bốn giờ lại đổi một lần. Cộng cả lại cả ngày đêm 24 giờ mỗi người làm 8 giờ. Qua đó có thể thấy vì sao các thợ đánh ống và luồn chỉ thường thường phải làm việc ban đêm, là vì không thể để các máy ngừng lâu quá. Để luồn chỉ qua 1800 lỗ, cần ba đứa trẻ làm việc trong hai giờ. Có một số máy chạy bằng hơi nước nó gạt bỏ lao động của đàn ông. Bản "Báo cáo của Tiểu ban điều tra về lao động trẻ em" chỗ nào cũng nói đến việc gọi trẻ con đến làm việc ở "công xưởng đăng-ten", do đó hiển nhiên là có thể suy ra rằng hiện nay hoặc giả các công nhân làm đăng-ten đã bị chuyển đi làm việc ở các công xưởng lớn, hoặc giả sức hơi nước đã được dùng rộng rãi để sản xuất đăng-ten. Mà cả hai tình hình ấy đều tỏ ra rằng chế độ công xưởng đã được mở rộng thêm một bước. -  Hại cho sức khoẻ nhất là công việc của trẻ con rút chỉ từ những tấm đăng-ten thành phẩm; làm công việc ấy phần lớn là trẻ con bảy tuổi, thậm chí mới năm tuổi, hay bốn tuổi. Uỷ viên Grên-giơ còn bắt gặp một đứa bé mới hai tuổi đang làm việc ấy. Phải thường xuyên chăm chú nhìn xem trong đường thêu đăng ten chằng chịt, sợi nào đó cần phải lấy kim khều ra, cái đó đặc biệt hại mắt, nhất là công việc ấy thông thường phải làm liên tục suốt 14 giờ hoặc 16 giờ. Như vậy, thì trong trường hợp tốt nhất, mắt của họ cũng trở thành cận thị nặng, còn trong trường hợp xấu nhất - rất thường thấy - thì phải mù vĩnh viễn do chứng đục nhân mắt. Ngoài ra, vì phải thường xuyên làm việc ở tư thế cúi khom lưng, cho nên trẻ con lớn lên cơ thể rất yếu, ngực lép, và do tiêu hoá không tốt mà mắc bệnh tràng nhạc, hiện tượng phá hoại các chức năng của các cơ quan sinh dục phụ nữ hầu như là phổ biến ở các em bé gái; cột sống bị vẹo cũng phổ biến như thế, cho nên "cứ nhìn dáng đi của các em là có thể nhận ra chúng". Thêu đăng-ten, vô luận là đối với mắt hay đối với toàn cơ thể, đều có hậu quả giống như thế. Những chuyên gia y tế làm chứng đã nhất trí nói rằng sức khoẻ của tất cả trẻ con chuyên sản xuất đăng - ten đã bị tổn hại nặng nề, tất cả bọn chúng đều xanh xao yếu đuối và bệnh tật; tầm vóc của chúng so với lứa tuổi rõ ràng là thấp bé; sức đề kháng bệnh tật cũng kém hẳn các trẻ con khác. Bệnh tật thông thường của chúng là suy nhược toàn thân, hay bị ngất, nhức đầu, đau hai bên sườn, đau lưng, đau thắt lưng, tim đập mạnh, nôn oẹ, mửa, không muốn ăn, cột sống cong vẹo, bệnh tràng nhạc và bệnh lao phổi. Công việc ấy luôn luôn huỷ hoại cực kỳ nghiêm trọng cơ thể của phụ nữ; đâu đâu cũng thấy kêu nhiều về bệnh phụ nữ thiếu máu, khó đẻ và sẩy thai (trong bản "Báo cáo", Grên-giơ đã nhắc tới điểm ấy ở nhiều chỗ). Người quan chức nhỏ này đã báo cáo với tiểu ban điều tra về lao động trẻ em rằng chúng thường xuyên ăn mặc tồi tàn, quần áo đều rách bươm, ăn uống cũng rất kém, phần lớn chỉ có bánh mì và nước chè, thường thường hàng mấy tháng không được trông thấy miếng thịt - còn về tình hình đạo đức của trẻ con thì ông ta nói như sau:

"Tất cả những cư dân ở Nốt-tinh-hêm - cảnh sát, giới tu hành, chủ xưởng, công nhân và chính cha mẹ của các đứa trẻ ấy - đều nhất trí khẳng định rằng chế độ lao động hiện nay là miếng đất tốt nhất để sinh ra hiện tượng đạo đức suy đồi. Thợ luồn chỉ phần lớn là con trai, và thợ đánh ống phần lớn là con gái, thường thường bị gọi cùng một lúc đến công xưởng giữa đêm khuya; lại vì cha mẹ chúng không thể nào biết được chúng phải làm việc ở đó bao lâu, cho nên chúng có cơ hội rất tốt để cùng nhau làm trò bậy bạ, làm việc xong rồi lại cùng nhau đi chơi tếu. Tình hình ấy đã góp phần rất lớn làm cho hiện tượng đạo đức bại hoại phát triển. Mọi người đều công nhận rằng ở Nốt-tinh-hêm, tình hình đạo đức bại hoại đã đạt tới mức độ đáng sợ. Còn sự phá hoại nghiêm trọng của tình hình không tự nhiên cao độ ấy đối với an ninh và nền nếp gia đình của các trẻ con và những người trẻ tuổi ấy thì không cần phải nói nữa".

Một ngành sản xuất đăng-ten khác, tức là móc đăng-ten bằng que móc, đã phát triển rộng đến các vùng nông nghiệp Noóc-tâm-ptơn, Óc-xphoóc, Bét-phoóc và Bắc-kinh-hêm. Làm công việc ấy, phần lớn là trẻ con và thiếu niên; tất cả chúng đều phàn nàn về ăn uống kham khổ, rất ít khi được ăn thịt. Bản thân lao động của chúng hết sức có hại cho sức khoẻ. Chúng phải làm việc trong những căn phòng nhỏ hẹp, không thoáng khí và nghẹt thở, luôn luôn ở tư thế ngồi cúi gập trên bộ que móc. Để đỡ thân thể của mình trong cái tư thế gò bó ấy, các thiếu nữ đều phải mặc áo lót có đính một mảnh gỗ; vì chúng phần nhiều bắt đầu làm việc từ khi còn rất bé, xương còn rất mềm, cho nên loại áo lót ấy đã làm cho xương lồng ngực và xương sườn hoàn toàn bị sai vị trí, khiến lồng ngực thường bị lép. Vì không khí chỗ làm việc rất xấu, và khi làm việc lại phải luôn luôn ngồi cho nên đại đa số những thiếu nữ ấy mắc chứng tiêu hóa không tốt, và sau khi chịu đựng sự giày vò ác nghiệt (severest) của chứng bệnh ấy, đã mắc bệnh lao phổi mà chết. Chúng hầu như chưa được tiếp thu một chút giáo dục nào, về mặt đạo đức lại càng ít hơn, thích làm đỏm, do đó trình độ đạo đức của chúng rất thấp kém, còn nạn mãi dâm trong bọn chúng hầu như đã thành một bệnh dịch ("Báo cáo của Tiểu ban điều tra về lao động trẻ em", báo cáo của Bớc-nơ).

Đó là cái giá mà xã hội đã phải trả để cho các bà tư sản ăn diện được hưởng cái thú dùng đăng-ten! Lẽ nào đó chẳng phải là cái giá rất rẻ sao? tổng cộng lại chẳng qua chỉ có vài nghìn công nhân bị hỏng mắt, chẳng qua chỉ có một số con gái của giai cấp vô sản mắc bệnh lao phổi, chẳng qua chỉ có một thế hệ dân đen bị suy yếu, rồi thế hệ đó lại truyền cái suy yếu ấy cho con cháu của nó, cũng vẫn là dân đen thôi - điều đó có quan trọng gì? Không, chẳng quan trọng gì cả! Giai cấp tư sản nước Anh của chúng ta thờ ơ quẳng bản báo cáo của tiểu ban điều tra của chính phủ ra một bên, và tiếp tục dùng đăng-ten để trang sức cho vợ con như cũ. - Sự phớt tỉnh của người tư sản Anh thật quả là không chê vào đâu được.

Có một số lớn công nhân Lan-kê-sia, Đớc-bi-sia và miền Tây Xcốt-len làm việc ở các công xưởng in hoa. Trong nền công nghiệp nước Anh không có một ngành nào mà sự phát triển kỹ thuật lại đạt được kết quả rực rỡ như ngành này, nhưng cũng không có một ngành nào sự phát triển kỹ thuật lại làm cho tình cảnh của công nhân tồi tệ đến thế. Việc sử dụng hơi nước để quay các trục lăn có khắc hoa, và sự phát minh ra phương pháp khiến trục lăn đó in một lần từ bốn đến sáu màu, đã hoàn toàn gạt bỏ lao động thủ công, cũng như việc sử dụng máy móc đã gạt bỏ lao động thủ công khỏi công nghiệp dệt và kéo sợi bông. Nhưng số công nhân bị những phát minh mới ấy gạt bỏ ở các công xưởng in hoa so với ở các công xưởng dệt bông thì còn nhiều gấp bội. Ở đây, một người lớn và một đứa trẻ giúp việc dùng máy làm việc có thể ngang sức 200 công nhân làm việc bằng tay trước kia. Một cái máy mỗi phút có thể làm ra 28 i-ác (80 phút) vải hoa. Kết quả là tình cảnh của công nhân in hoa rất tồi tệ. Trong đơn thỉnh cầu của họ gửi hạ nghị viện có nói, năm 1842, Lan-kê-sia, Đớc-bi-sia và Si-sia đã sản xuất tất cả 11 triệu tấm vải in hoa, trong đó có 10 vạn tấm hoàn toàn in bằng tay, 90 vạn tấm một phần in bằng máy, một phần in bằng tay, 10 triệu tấm hoàn toàn in bằng máy; màu in từ một đến sáu màu. Vì đại bộ phận máy móc gần đây mới được áp dụng lại được cải tiến không ngừng, cho nên số công nhân in hoa thủ công bao giờ cũng nhiều hơn mức đòi hỏi của sản xuất; trong đó rất nhiều người (trong đơn nói rõ là một phần tư tổng số) tất nhiên là hoàn toàn không có việc làm, số còn lại thì bình quân mỗi tuần lễ cũng chỉ có một, hai ngày là có việc, nhiều nhất là ba ngày, tiền lương lại thấp nhất. Li-sơ xác nhận rằng trong một công xưởng in hoa (Đi-pli Đên, gần Bơ-ri, ở Lan-kê-sia), công nhân in hoa thủ công bình quân kiếm được không quá 5 si-linh một tuần. ("Những sự thực không thể bác bỏ được", tr. 47), đồng thời ông lại biết rất chắc chắn rằng tiền lương trả cho công nhân in hoa bằng máy khá hậu. Như vậy là ngành in hoa đã hoàn toàn liệt vào chế độ công xưởng, nhưng lại không chịu những điều hạn chế của pháp luật đối với chế độ công xưởng. Những hàng hoá ngành ấy sản xuất đều là hàng thời trang, cho nên không có thời gian lao động cố định. Khi hàng đặt ít thì họ chỉ làm việc một nửa thì giờ; nếu một mẫu hàng nào được hoan nghênh, bán chạy, thì công xưởng làm việc tới 10, 12 giờ đêm, có khi suốt đêm. Tại Man-se-xtơ, gần chỗ tôi ở, có một công xưởng in hoa. Nhiều lần khá khuya tôi về nhà còn thấy đèn sáng trong công xưởng; tôi lại thường nghe nói rằng ở đó thời gian lao động của trẻ con dài quá đến nỗi chúng phải tìm cơ hội để nghỉ hoặc ngủ một tí ở một xó nào trên bậc thềm đá hoặc một góc ở phòng ngoài. Tôi không có "tài liệu xác thực về việc này, nếu có, tôi đã nêu rõ tên xưởng ấy. Bản "Báo cáo của Tiểu ban điều tra về lao động trẻ em" chỉ nói qua loa về tình cảnh của công nhân ngành công nghiệp ấy. Ở đây chỉ nói rằng ở chính nước Anh ít ra bọn trẻ con ấy phần lớn còn được mặc tương đối lành lặn và ăn uống cũng không kém lắm (điều này cũng tương đối, dĩ nhiên là tuỳ theo số tiền cha mẹ chúng kiếm được), nhưng chúng lại chẳng được tiếp thu chút giáo dục nào và về đạo đức thì chẳng ra gì cả. Chúng ta chỉ cần hiểu rằng bọn trẻ con ấy sống dưới quyền lực của chế độ công xưởng và liên hệ với những điều đã nói ở trên về chế độ ấy là đủ; bây giờ chúng ta có thể nói sang vấn đề khác.

Về những công nhân khác, trong ngành sản xuất hàng may mặc, chúng ta còn nói thêm chút ít thôi. Công việc của thợ tẩy trắng rất hại cho sức khoẻ, vì họ luôn luôn phải hít khí clo là một chất độc cho phổi. Công việc của thợ nhuộm ít hại hơn, thậm chí nhiều khi còn có lợi cho công nhân vì nó đòi hỏi dùng sức toàn thân. Về vấn đề tiền lương của các công nhân ấy, rất ít người nói đến, điều đó chứng tỏ rằng tiền lương ấy không thấp hơn mức trung bình, nếu không thì họ đã kêu ca rồi. Do sự tiêu thụ rộng rãi hàng nhung sợi bông, cho nên số thợ xén nhung tương đối nhiều, có tới 3-4 nghìn người gián tiếp bị điêu đứng vì chế độ công xưởng. Hàng do máy dệt thủ công sản xuất trước đây, không được đều lắm, cho nên cần phải có tay thợ lành nghề xén từng hàng chỉ cho đều. Từ khi dệt bằng máy thì các hàng chỉ đều tăm tắp, sợi ngang hoàn toàn song song với nhau, cho nên công việc xén không còn đòi hỏi nhiều kỹ xảo. Số công nhân bị máy móc làm cho thất nghiệp đổ xô rất nhanh vào cái công việc tương đối nhẹ nhàng ấy, và vì cạnh tranh, nên tiền lương tụt xuống. Các chủ xưởng thấy công việc ấy hoàn toàn có thể giao cho phụ nữ và trẻ con làm, do đó tiền lương tụt xuống mức của công nhân phụ nữ và của trẻ con, hàng trăm người đàn ông bị đào thải hẳn. Hơn nữa, các chủ xưởng còn thấy để cho công nhân làm việc ở công xưởng thì đỡ tốn hơn là cho họ làm việc tại xưởng riêng của họ, vì như thế là chủ xưởng phải gián tiếp trả tiền thuê các xưởng riêng ấy. Từ đó, những căn gác xép của nhiều cốt-ta-giơ trước đây dùng làm xưởng xén nhưng đến nay nếu không bỏ trống thì cũng dùng làm phòng ở, đồng thời các thợ xén nhung cũng mất hẳn quyền được tự do chọn thì giờ làm việc và phải theo lệnh tiếng chuông công xưởng. Một người thợ xén nhung trạc chưa quá 45 tuổi nói với tôi rằng bác ta vẫn còn nhớ cái thời mà cũng một việc ấy kiếm được 8 pen-ni cho một i-ác, còn ngày nay làm với giá 1 pen-ni; thật vậy, dù có thể xén nhanh hơn vì nhung dệt ra sợi tương đối đều, những cũng khó có thể trong một giờ làm được gấp đôi mức làm trước, cho nên lương của bác ta đã tụt mất hơn ba phần tư so với trước kia. Li-sơ đã đem các con số tiền công về các loạt hàng dệt năm 1827 và 1843, xếp thành một bảng đối chiếu ("Những sự thực không thể bác bỏ được" tr. 35). Xem bảng ấy có thể thấy rằng năm 1827 thợ xén nhung mỗi i-ác được 4 pen-ni, 21/4 pen-ni, 23/4 pen-ni và 1 pen-ni, năm 1843 thì mỗi i-ác chỉ được có 11/2 pen-ni, 3/4 pen-ni, 1 pen-ni và 3/8 pen-ni. Theo Li-sơ thì tiền lương bình quân mỗi tuần, năm 1827 là 1 pao xtéc-linh 6 si-linh 6 pen-ni, 1 pao xtéc-linh 2 si-linh 6 pen-ni, 1 pao xtéc-linh, 1 pao xtéc-linh 6 si-linh 6 pen-ni, còn năm 1843 thì tiền lương trung bình hàng tuần về cùng một loại hàng ấy là 10 si-linh 6 pen-ni, 7 si-linh 6 pen-ni, 6 si-linh 8 pen-ni, 10 si-linh, đồng thời còn có hàng trăm công nhân khác, ngay số lương thấp nhất ở đó cũng chẳng kiếm nổi. Về các thợ dệt thủ công trong công nghiệp bông vải sợi ở trên chúng ta đã nói rồi. Các loại hàng dệt khác hầu như hoàn toàn do thợ dệt thủ công làm; những người này cũng bị điêu đứng như các thợ xén nhung, vì sự cạnh tranh của những công nhân bị máy móc gạt bỏ trong các ngành công nghiệp khác; ngoài ra, cũng như các công nhân công xưởng, nếu làm không tốt thì lại bị phạt một cách tàn nhẫn. Như công nhân dệt lụa chẳng hạn. Một trong những chủ xưởng dệt lụa lớn nhất nước Anh là Brốc-cơn-hớc đã lấy một số bảng thống kê rút trong sổ sách của ông ta trình cho tiểu ban nghị viện; qua các bảng thống kê ấy, có thể thấy rằng năm 1821, ông ta đã phải trả tiền công cho các loại công việc là 30 si-linh, 14 si-linh, 31/2 si-linh, 3/4 si-linh, 11/2 si-linh, 10 si-linh, đến năm 1831, ông ta chỉ phải trả có 9 si-linh, 71/2­ si-linh, 21/4 si-linh, 1/3 si-linh, 1/2 si-linh, 61/4 si-linh, mặc dù ở ngành này máy móc chưa được cải tiến chút nào. Những cái mà ông Brốc-cơn-hớc làm ở công xưởng của ông ta lại có thể xem là tiêu chuẩn cho cả nước Anh. Qua công nhân dệt ở công xưởng ấy, năm 1821, trừ mọi khoản khấu trừ, mỗi tuần là 161/2 si-linh, nhưng đến năm 1831, chỉ còn có 6 si-linh. Từ đó tiền lương còn tụt xuống nhiều nữa; năm 1831, các hàng dệt (gọi là single sarsnets - một loại vóc để lót quần áo) trả công 1/3 si-linh hoặc 4 pen-ni một i-ác, đến năm 1843 chỉ trả có 21/2 pen-ni và rất nhiều thợ dệt ở nông thôn, chỉ nhận công mỗi i-ác từ 11/2­ đến 2 pen-ni thì mới có việc làm. Ngoài ra còn có các khoản khấu trừ vào tiền công một cách tuỳ tiện nữa. Mỗi người thợ dệt nhận được sợi dọc thì đồng thời nhận được một tấm các ghi giờ nào phải giao thành phẩm, nếu ốm không làm việc được thì hạn trong ba ngày phải báo cáo cho văn phòng biết, nếu không thì dẫu có bệnh thật cũng không được miễn thứ; phải chờ đợi sợi ngang cũng không được coi là lý do đầy đủ để được miễn thứ; nếu làm có sai sót (ví dụ trên một chiều dài nhất định, sử dụng sợi ngang quá số quy định, v.v.) thì phải khấu đi một số tiền không ít hơn một nửa số tiền công; nếu không giao hàng đúng kỳ hạn thì cứ mỗi i-ác khấu đi một pen-ni. - Tất cả mọi khoản khấu trừ theo tấm các ấy đã làm cho tiền lương bị giảm rất nhiều, ví dụ có một người nhận hàng ở Lan-kê-sia một tuần lễ hai lần đến Li để lấy trở lại những hàng đã làm xong thì mỗi lần anh ta mang về cho chủ xưởng một số tiền phạt ít nhất là 15 pao xtéc-linh (100 ta-le Phổ). Đó là lời chính ông ta nói, và ông ta vẫn được coi là một trong những người nhận hàng khoan dung nhất. Trước kia vấn đề ấy là do toà án trọng tài giải quyết, nhưng vì công nhân nào đòi xin toà án giải quyết thì thường bị thải ngay, cho nên về sau lệ đó dần dần mất đi, ngày nay chủ xưởng có thể hoàn toàn làm theo ý muốn: chủ xưởng vừa là nguyên cáo, vừa là người làm chứng, vừa là quan toà, vừa là nhà lập pháp, vừa là người chấp hành pháp luật, - một mình bao biện hết. Nếu công nhân kiện tới thẩm phán hoà giải, thì anh ta sẽ được trả lời như sau: các anh đã nhận tấm các ấy tức là các anh đã ký giao kèo rồi, các anh phải thi hành giao kèo. Thật giống hệt như công nhân công xưởng. Ngoài ra, chủ xưởng mỗi lần lại còn cưỡng bức công nhân phải ký tên vào giấy nói rõ là anh ta "đồng ý chịu khấu trừ". Nếu anh ta muốn phản đối, thì lập tức các chủ xưởng trong toàn thành phố đều biết ngay anh ta, theo lời của Li-sơ, là một người

"không chịu phục tùng trật tự và luật lệ được quy định trên tấm các mà lại dám cả gan hoài nghi cả trí tuệ của những người mà anh ta phải biết, là bề trên của anh ta về địa vị trong xã hội" ("Những sự thực không thể bác bỏ được", tr. 37 - 40)

Cố nhiên, các công nhân dệt đều hoàn toàn tự do, chủ xưởng không hề cưỡng bức họ phải lĩnh sợi dọc và tấm các của hắn và, theo lối nói vắn tắt và rõ ràng của Li-sơ thì, chủ xưởng chỉ bảo công nhân rằng:

"Nếu các anh không muốn bị rán ở trong chảo mỡ của tôi, thì các anh có thể đi vào trong lửa (If you don't like to be frizzled in my frying-pan, you can take a walk into the fire)".

Các công nhân dệt lụa ở Luân Đôn, nhất là ở Xpi-tan-phin từ lâu đã sa vào cảnh khốn khổ cùng cực có tính chất chu kỳ, và việc họ hết sức tích cực tham gia tất cả các cuộc đấu tranh của công nhân ở nước Anh, đặc biệt là ở Luân Đôn, chứng tỏ rằng hiện nay họ vẫn chưa có lý do để thoả mãn với tình cảnh của họ. Nỗi khốn khổ của họ đã gây nên cái dịch sốt, phát sinh ở phía đông Luân Đôn và buộc phải thành lập một tiểu ban điều tra về tình hình vệ sinh của giai cấp công nhân. Nhưng qua bản báo cáo gần đây của bệnh viện sốt ở Luân Đôn thì có thể thấy rằng bệnh sốt ấy vẫn còn hoành hành dữ dội như trước.

Sau nghề dệt, ngành quan trọng thứ hai của công nghiệp Anh là ngành sản xuất các sản phẩm kim loại. Trung tâm của ngành này là Bớc-minh-hêm, chế tạo các sản phẩm kim loại tinh vi, Sép-phin-đơ, trung tâm sản xuất các loại dao, và Xtáp-phoóc-sia, nhất là ở Uôn-vơ-hem-tơn, sản xuất các loại hàng giản đơn hơn như khoá, đinh, v.v.. Chúng ta mô tả tình cảnh công nhân ngành ấy, bắt đầu từ Bớc-minh-hêm. - Ở Bớc-minh-hêm cũng giống như ở đại đa số các địa phương sản xuất sản phẩm kim loại, tổ chức sản xuất vẫn còn giữ một số đặc điểm của thủ công nghiệp thời trước. Vẫn còn những thợ cả nhỏ cùng với những thợ học việc của mình làm việc hoặc ở xưởng ngay trong nhà họ, hoặc khi cần đến máy hơi nước, thì ở những gian nhà lớn của công xưởng chia thành nhiều xưởng nhỏ để cho từng thợ cả thuê; trong mỗi gian xưởng ấy có dây cua-roa truyền động từ động cơ hơi nước để chạy các máy khác. Lê-ông Phô-sê (tác giả nhiều bài báo nói về tình cảnh công nhân Anh đăng trong tạp chí "Revue des deux Mondes" 112; những bài ấy chứng tỏ rằng tác giả ít ra cũng đã nghiên cứu vấn đề, và vô luận thế nào cũng còn có giá trị hơn những cái mà người Anh hay người Đức đã viết về phương diện đó) đã gọi cái tổ chức sản xuất ấy là démecratie industrielle 1* để đối lập nó với nền sản xuất lớn của Lan-kê-sia và Y-oóc-sia. Ông còn nói rằng tổ chức sản xuất ấy chẳng có lợi gì lắm cho các thợ cả cũng như cho các thợ bạn. Nhận xét ấy hoàn toàn đúng đắn: món lợi nhuận mà trong trường hợp khác một chủ xưởng lớn tóm cả một mình, nay do cạnh tranh điều chỉnh mà chia cho nhiều thợ cả nhỏ, vì vậy việc kinh doanh của họ không thể khấm khá được. Khuynh hướng tập trung tư bản thường xuyên ảnh hưởng đến họ; chỉ cần một người phát tài là mười người khác phá sản ngay; và một trăm người vì áp lực của sự cạnh tranh bằng giá rẻ của một người phát tài cũng khốn khổ hơn trước. Và, khi các thợ cả nhỏ phải cạnh tranh với các nhà tư bản lớn thì dĩ nhiên là họ phải khó nhọc lắm mới sống nổi. Các thợ học việc thì như dưới đây chúng ta sẽ thấy, sống với các thợ cả nhỏ ít ra cũng khổ như với các chủ xưởng, chỉ có điều khác là sau này họ cũng sẽ trở thành thợ cả nhỏ, do đó được độc lập ít nhiều; nói cách khác họ cũng bị bóc lột như làm với giai cấp tư sản, nhưng không trực tiếp như ở công xưởng. Như vậy các thợ cả nhỏ ấy không phải là người vô sản thực thụ, vì một phần nào họ sống nhờ vào lao động của những thợ học việc, và họ bán ra không phải là lao động mà là các thành phẩm, nhưng họ cũng không phải là người tư bản thực thụ, vì họ chủ yếu vẫn nhờ vào lao động bản thân mình để sống. Địa vị lưng chừng, độc đáo ấy của công nhân Bớc-minh-hêm nói rõ vì sao họ rất ít tham gia toàn bộ và công khai vào phong trào công nhân nước Anh. Về mặt chính trị, Bớc-minh-hêm là một thành phố cấp tiến nhưng không thuộc loại ủng hộ kiên quyết phong trào Hiến chương. - Thật vậy ở Bớc-minh-hêm cũng có nhiều nhà tư bản có công xưởng tương đối lớn và ở đó chế độ công xưởng cũng đã được thiết lập vững chắc: sự phân công lao động hết sức tinh tế thực hiện tại đây (ví dụ như trong ngành sản xuất kim), và việc dùng sức hơi nước khiến các chủ xưởng có thể thuê rất nhiều phụ nữ và trẻ con. Vì thế cũng có thể thấy ở đây (theo tài liệu của "Báo cáo của Tiểu ban điều tra về lao động trẻ em") những đặc điểm mà chúng ta đã quen thấy trong bản báo cáo về công xưởng; Phụ nữ có mang phải làm việc cho đến tận ngày đẻ, không biết thu xếp việc nhà, gia đình và con cái không người săn sóc, lạnh nhạt và thậm chí còn chán ghét cuộc sống gia đình, đạo đức sa sút, thứ nữa là đàn ông bị loại bỏ khỏi ngành lao động ấy, máy móc không ngừng cải tiến, trẻ con tự lập quá sớm, đàn ông sống nương nhờ vào vợ con, v.v., và v.v.. - Theo như bản báo cáo thì trẻ con đói khát, rách rưới. Có một nửa số trẻ con không biết ăn no là thế nào, nhiều đứa một ngày chỉ ăn một pen-ni bánh mì (10 phen-ni Phổ) hoặc chẳng được ăn tí gì trước bữa trưa; thậm chí còn có một số trẻ con chẳng có chút gì ăn từ tám giờ sáng đến bảy giờ tối. Quần áo chúng thường thường không đủ che thân; nhiều đứa thậm chí mùa đông, vẫn đi chân không. Do đó, tầm vóc của chúng đều bé nhỏ, yếu ớt so với lứa tuổi chúng; rất ít đứa đạt được mức phát triển bình thường. Nếu chú ý rằng với những điều kiện bồi dưỡng sức khoẻ thiếu thốn như thế mà chúng còn phải lao động nặng nhọc và kéo dài, trong những căn phòng nghẹt thở, thì sẽ chẳng ngạc nhiên gì khi thấy số đàn ông có thể phục vụ binh dịch ở Bớc-minh-hêm lại ít như thế.

Một y sĩ tuyển tân binh nói rằng: "Các công nhân đều rất bé nhỏ, gầy còm và thế lực rất kém; ngoài ra nhiều người lồng ngực hoặc cột sống bị vẹo lệch".

Theo lời của một viên hạ sĩ quan tuyển tân binh thì đàn ông ở Bớc-minh-hêm bé nhỏ hơn so với ở bất cứ địa phương nào khác: phần nhiều tầm vóc không quá 5 phút 4-5 in-sơ; trong số 613 tân binh tòng quân chỉ có 238 người đủ tiêu chuẩn. Về giáo dục thì xin độc giả quay trở lại xem từng dẫn chứng và thí dụ đã nêu ra ở trên (tr. 467-168) về đời sống ở các khu chế tạo kim khí. Vả chăng, qua bản "Báo cáo của Tiểu ban điều tra về lao động trẻ em" cũng có thể thấy rằng ở Bớc-minh-hêm có tới hơn nửa số trẻ con từ 5 đến 15 tuổi căn bản không được đi học, mà số trẻ con đi học thì luôn luôn thay đổi, cho nên muốn cho chúng chút ít giáo dục kha khá cũng không thể được; tất cả trẻ con đều bỏ học rất sớm để đi làm. Qua bản báo cáo còn thấy những giáo viên dạy học ở đó là loại như thế nào. Một nữ giáo viên, khi được hỏi có dạy đức dục không, đã trả lời: "Không, một tuần lễ học phí có ba pen-ni, thì không thể đòi hỏi như vậy được". Một số nữ giáo viên, ngay đức dục là gì cũng không hiểu, còn một số khác thì cho rằng giáo dục đức dục cho trẻ con không phải là phận sự của họ. Chỉ có một nữ giáo viên nói rằng tuy mình không dạy đức dục, nhưng gắng sức truyền cho trẻ con những nguyên tắc tốt đẹp, và khi nói câu đó, bà ta đã hoàn toàn nói sai văn phạm. Một ủy viên nói rằng lớp học thường xuyên ồn ào lộn xộn. Do đó trình độ đạo đức của bản thân trẻ con hết sức tồi tệ; một nửa số tội phạm là dưới 15 tuổi; chỉ trong vòng một năm, đã có tới 90 đứa trẻ mười tuổi bị kết án, trong đó có 44 đứa phạm tội hình sự. Theo ý kiến của các ủy viên tiểu ban thì quan hệ tình dục hỗn loạn hầu như là hiện tượng phổ biến, và từ lứa tuổi rất nhỏ đã bắt đầu như thế rồi. - (Grên-giơ, "Báo cáo" và Văn kiện).

Tình hình ở khu làm đồ sắt Xtáp-phoóc-sia còn tồi tệ hơn. Ở đấy sản xuất đồ sắt giản đơn, và trong ngành sản xuất này vừa không thể tiến hành phân công tỉ mỉ (trừ một số ít việc), vừa không thể dùng hơi nước hay máy móc. Cho nên ở đấy - Uôn-vơ-hem-tơn, Uy-len-hôn, Bin-xtơn, Xết-giơ-li, Oét-nét-xphin, Đác-lát-xtơn, Đớt-li, Uôn-xôn, Oét-nét-xbơ-ry, v.v.; công xưởng tương đối ít, nhưng những lò rèn nhỏ thì rất nhiều, ở các lò rèn ấy một thợ cả nhỏ làm việc với một hay mấy người học việc, những người học việc này phải có nghĩa vụ phục vụ cho thợ cả đến năm 21 tuổi. Tình cảnh của thợ cả nhỏ gần giống như ở Bớc-minh-hêm, nhưng thân phận của thợ học việc thì phần lớn tệ hơn nhiều. Thức ăn cho họ hầu như chỉ toàn thịt của những con vật bị bệnh hoặc bị chết, thịt đã ôi, cá đã ươn, thịt bê đẻ non chết hoặc thịt lợn chết trong toa xe lửa. Không những các thợ cả nhỏ làm như vậy, mà cả những chủ xưởng tương đối lớn có tới 30, 40 thợ học việc cũng làm như vậy. Tình hình ấy hầu như phổ biến ở Uôn-vơ-hem-tơn. Hậu quả tự nhiên của tình trạng ăn uống như thế là rất thường gặp ở các bệnh đường ruột và các bệnh khác. Ngoài ra, trẻ con ít khi được ăn no; và ngoài bộ quần áo lao động, chẳng có quần áo nào khác - đó cũng là một nguyên nhân khiến chúng không đi học ở các trường ngày chủ nhật. Chỗ ở vừa tồi vừa bẩn, đến mức trở thành nguồn phát sinh ra tật bệnh, do đó, mặc dù bản thân lao động ấy phần nhiều không hại cho sức khoẻ, nhưng trẻ con vẫn rất bé nhỏ, khẳng khiu, yếu đuối, nhiều khi chúng còn bị tàn tật ghê gớm do lao động. Ví dụ ở Uy-len-hôn, rất nhiều người vì thường xuyên làm việc ở máy rèn đinh ốc nên bị gù lưng và còng một chân chỗ đầu gối - gọi là "chân quặt", "hind-leg -, như vậy hai chân thành hình chữ K; ngoài ra, ở đây ít ra cũng có đến một phần ba công nhân mắc chứng thoát vị. Ở đây cũng như ở Uôn-vơ-hem-tơn, tuổi dậy thì của con gái - vì con gái cũng làm việc ở lò rèn! - cũng như của con trai thường rất muộn, có khi phải tới 19 tuổi - Ở thành phố Xét-giơ-li và vùng lân cận hầu như chuyên môn sản xuất đinh, người ta phải sống và làm việc trong những gian lều tồi tàn giống như những chuồng súc vật, bẩn thỉu quá sức tưởng tượng. Con gái và con trai từ mười - mười hai tuổi đã phải quai búa và chỉ đến khi nào mỗi ngày chúng có thể làm được 1000 cái đinh thì mới được coi là thợ thật sự. Làm 1200 chiếc đinh thì được 53/4 pen-ni, hoặc chưa đầy 5 din-béc-grô-sen. Mỗi cái đinh phải dập 12 nhát búa, và vì cái búa nặng 11/4 pao, cho nên công nhân phải nhấc lên 18000 pao mới kiếm nổi chút tiền lương khốn nạn ấy. Trong điều kiện lao động vất vả mà ăn uống lại không đủ, cơ thể trẻ con dĩ nhiên là phát triển không tốt, bé nhỏ, yếu đuối, tài liệu của tiểu ban cũng chứng thực điểm ấy. Về tình hình giáo dục ở khu ấy, ở trên chúng tôi đã cung cấp một số tư liệu. Trình độ giáo dục ở đây thật là thấp, đến mức không tưởng tượng được: có nửa số trẻ con thậm chí trường học ngày chủ nhật cũng không đến, số còn lại dẫu có đến cũng rất chểnh mảng; so với những khu khác, rất ít trẻ con biết đọc, biết viết lại càng ít hơn. Điều đó chẳng có gì lạ cả vì chính khoảng từ bảy đến mười tuổi, tức là đúng vào tuổi đi học thích hợp nhất, thì chúng lại bắt đầu phải đi làm, còn các thầy giáo những trường ngày chủ nhật, là những người thợ rèn hoặc thợ mỏ, thường thường bản thân họ chỉ gọi là biết đọc năm ba chữ, thậm chí đến ký tên mình cũng chẳng xong. Trình độ đạo đức hoàn toàn phù hợp với tình trạng giáo dục ấy. Uỷ viên Hoóc-nơ đã dẫn ra nhiều ví dụ chứng minh rằng ở thành phố Uy-len-hôn, công nhân chẳng có ý niệm gì về đạo đức. Ông ta thấy rằng con cái nói chung chẳng có ý thức gì về bổn phận đối với cha mẹ, và cũng chẳng có chút gì quyến luyến đối với cha mẹ. Chúng thiếu năng lực suy nghĩ câu nói của mình và u mê đần độn đến mức nhiều khi còn cho là dường như chúng được đối đãi tốt và sống dễ chịu rồi, trong khi thực tế chúng phải lao động 12 - 14 giờ một ngày, mặc rách, ăn đói, lại thường bị đánh đập, có khi mấy ngày sau còn đau. Chúng không còn biết có lối sống nào khác ngoài việc lao động đầu tắt mặt tối từ sáng sớm đến tối mịt, mãi tới khi có hiệu tan tầm mới thôi; chúng không thể hiểu được câu hỏi: có mệt hay không? - chưa từng có ai hỏi chúng câu đó (Hoóc-nơ, "Báo cáo" và Văn kiện).

Sép-phin-đơ tiền lương khá hơn, cho nên tình cảnh công nhân xem bề ngoài cũng khá hơn chút ít. Nhưng ở đây cũng cần phải chỉ ra một vài ngành lao động cực kỳ có hại cho sức khoẻ của công nhân. Một số thao tác buộc công nhân phải thường xuyên lấy ngực đè lên dụng cụ, cái đó thường dẫn đến bệnh lao phổi; một số thao tác khác, chẳng hạn như sản xuất giũa thì ngăn trở sự phát triển chung của cơ thể và đưa đến các bệnh đường ruột; công việc gọt xương (làm cán dao) gây ra bệnh nhức đầu, bệnh  hoàng đan, còn đối với con gái đa số làm công việc ấy thì mắc chứng thiếu máu. Nhưng công việc có hại nhất cho sức khoẻ là việc mài lưỡi dao và răng rĩa nhất định làm cho công nhân chết sớm, đặc biệt là khi mài bằng đá khô. Công việc ấy sở dĩ có hại, một phần vì phải đứng khom lưng, do đó ngực và dạ dày thường xuyên bị ép, nhưng chủ yếu là vì rất nhiều bụi kim loại li ti sắc cạnh bay toả đầy không khí lúc mài, chẳng làm sao tránh không hít vào phổi. Những thợ mài đá khô trung bình rất khó sống đến 35 tuổi, nhưng thợ mài đá ướt cũng rất ít người sống đến quá 45 tuổi. Bác sĩ Nai-tơ ở Sép-phin-đơ nói:

"Muốn cho người ta hiểu rõ một chút tác hại do công việc ấy gây ra thế nào, tôi cần phải nói rằng trong thợ mài, những người sống lâu nhất lại là những người nghiện rượu nặng nhất, vì thời gian họ làm việc ít hơn so với những người khác. Ở Sép-phin-đơ, tổng cộng có chừng 2500 người thợ mài; trong số ấy có độ 150 người (80 đàn ông và 79 em bé) mài răng rĩa: thông thường họ chết ở lứa tuổi từ 28 đến 32. Thợ mài dao cạo, bất luận là mài đá khô hay mài đá ướt, cứ đến khoảng từ 40 đến 45 tuổi là chết, còn thợ mài dao ăn bằng đá ướt thì từ 40 đến 50 tuổi là chết".

Người bác sĩ ấy mô tả diễn biến chứng bệnh của họ, gọi là bệnh suyễn của thợ mài, như sau:

"Thông thường họ bắt đầu làm việc từ mười bốn tuổi, nếu cơ thể khoẻ mạnh thì trước hai mươi tuổi, họ chẳng thấy gì đặc biệt khó chịu; sau đó, những triệu chứng đặc biệt của bệnh ấy bắt đầu hiện ra: khi họ leo dốc hay lên cầu thang gác, chỉ gắng sức một ít là đã thở không ra hơi; muốn làm giảm bớt những khó khăn thường xảy ra mỗi lúc một tăng trong khi thở, họ phải vươn vai cao lên, phải luôn cúi về phía trước, và hình như chỉ đứng khom lưng như lúc làm việc thì mới thấy dễ chịu; sắc mặt họ dần dần thành vàng ệch, nét mặt âu sầu, họ thường kêu tức ngực; giọng nói trở nên khàn khàn và khản đặc, họ ho mạnh, tiếng ho nghe như phát ra từ một thùng gỗ; thỉnh thoảng họ khạc ra nhiều bụi hoặc lẫn với đờm, hoặc quyện thành những cục tròn hay hình trụ, có một màng đờm mỏng bao quanh. Qua một thời gian sau thì đến ho ra máu, khó nằm ngửa, đổ mồ hôi trộm ban đêm, ỉa chảy kèm theo cơn đau bụng, gầy sút cực kỳ nhanh chóng với mọi triệu chứng quen thuộc của bệnh lao phổi; cứ như vậy, họ khổ sở hàng mấy tháng, thường là hàng năm, không thể làm việc để nuôi mình và nuôi gia đình, cuối cùng là chết. Tôi cần phải nói thêm rằng cho đến nay, tất cả mọi cố gắng để ngăn ngừa và chữa bệnh suyễn của thợ mài đều hoàn toàn thất bại".

Đó là những điều mà bác sĩ Nai-tơ viết mười năm về trước. Từ đó, số thợ mài tăng lên, bệnh ấy lan tràn càng dữ dội, nhưng người ta cũng đã thí nghiệm những biện pháp phòng bệnh như che kín đá mài lại và dùng luồng gió để hút bụi. Thí nghiệm ấy cũng có thành công phần nào, nhưng bản thân các thợ mài lại không muốn dùng các thiết bị ấy, thậm chí có nơi họ còn phá vỡ đi, vì họ sợ rằng như thế sẽ thu hút nhiều thợ vào nghề ấy, tiền lương của họ sẽ bị sụt, họ thà "sống một cuộc sống ngắn ngủi, nhưng khoan khoái". Bác sĩ Nai-tơ thường nói với những người thợ mài có triệu chứng đầu tiên của bệnh suyễn đến nhờ ông ta khám bệnh rằng: nếu các anh lại trở về nghề mài, là các anh đi tìm cái chết. Nhưng chẳng ai nghe lời ông ta: ai đã làm thợ mài là chẳng còn hy vọng gì, như là đã bán linh hồn mình cho quỷ. - Trình độ giáo dục ở Sép-phin-đơ rất thấp. Một linh mục đã từng lâu năm làm công việc thống kê giáo dục cho rằng trong số 16500 trẻ con thuộc giai cấp công nhân có thể đi học được, không quá 6500 đứa biết đọc. Lý do là cứ đến bảy tuổi, muộn nhất là mười hai tuổi, là chúng bị rút ra khỏi trường học, còn các giáo viên đều chẳng ra gì (trong đó có một tên ăn cắp đã bị bắt quả tang, sau khi ở tù ra chẳng còn cách gì kiếm sống khác ngoài đi dạy học!).

Tình hình truỵ lạc đạo đức trong đám thanh niên ở Sép-phin-đơ hình như trầm trọng hơn bất cứ nơi nào khác (nhưng, thật khó nói là thành phố nào chiếm giải nhất về phương diện ấy, khi đọc bản báo cáo thì thấy thành phố nào cũng đáng được nhất cả). Cứ chủ nhật là bọn thanh niên cả ngày lang thang ở ngoài đường phố, chơi sấp ngửa hay thúc cho chó cắn lộn nhau; chúng thường la cà ở quán rượu, cùng với tình nhân giết thì giờ ở đó, mãi đến tận đêm khuya, rồi từng cặp đi dạo chơi ở những chỗ hẻo lánh. Một uỷ viên của tiểu ban trông thấy trong một quán rượu nhỏ có 40 - 50 thiếu niên trai gái hầu hết dưới 17 tuổi, mỗi chàng ngồi kề bạn gái của mình. Có một số chơi bài, một số hát xướng nhảy múa và tất cả đều uống rượu. Một số gái đĩ chuyên nghiệp cũng ngồi đấy. Cho nên chẳng có gì lạ khi thấy tất cả những nhân chứng nói rằng quan hệ tình dục bừa bãi quá sớm và nạn mại dâm là hiện tượng hết sức phổ biến ở Sép-phin-đơ, cả trong đám thiếu niên 14-15 tuổi. - Hành vi phạm tội hết sức liều lĩnh, dã man là chuyện thông thường. Một năm trước khi uỷ viên của tiểu ban tới đây, ở Sép-phin-đơ đã bắt được một bọn âm mưu đốt thành phố, đại bộ phận là thanh niên; chúng được trang bị đủ chất dẫn lửa và giáo dài. Dưới đây chúng ta sẽ thấy rằng phong trào công nhân ở Sép-phin-đơ cũng mang tính chất không kìm chế được như thế (Xai-mơn-xơ, "Báo cáo" và Văn kiện).

Ngoài những trung tâm công nghiệp kim khí chủ yếu ấy, còn có một số công xưởng kim găm ở Oa-rinh-tơn (Lan-kê-sia), - công nhân ở đây, nhất là trẻ con, cũng đều hết sức cùng khổ, bại hoại đạo đức và dốt nát đần độn - và mấy nhà máy đinh ở vùng cận Uy-gan (Lan-kê-sia) và miền Đông Xcốt-len. Những báo cáo về mấy địa phương ấy hầu như hoàn toàn phù hợp với những báo cáo về Xtáp-phoóc-sia.

Trong công nghiệp kim khí, chỉ còn một ngành chúng ta chưa nói tới, đó là ngành chế tạo máy. Ngành sản xuất này chủ yếu là tiến hành ở các khu công xưởng, nhất là ở Lan-kê-sia. Đặc điểm của ngành sản xuất này là dùng máy móc để chế tạo máy móc, như vậy là nó lại phá hủy nốt chỗ nương thân cuối cùng của những công nhân bị gạt bỏ khỏi các ngành lao động khác, - đó là công việc chế tạo ra chính những cái máy để chúng tước đoạt mất miếng bánh của họ. Những cái máy bào, máy khoan, máy làm đinh vít, bánh xe, ốc, v.v., và các máy tiện đã loại bỏ hàng loạt công nhân, những người ngày trước đều được lương cao và thường xuyên có công việc làm, bây giờ bị thất nghiệp; có thể gặp hàng đoàn người thất nghiệp như thế ở Man-se-xtơ.

Bây giờ nói đến một khu công nghiệp ở về phía Bắc khu làm đồ sắt Xtáp-phoóc-sia. Ở đây sản xuất đồ gồm (potteries) rất phát triển mà trung tâm là công xã thành phố (borough) Xtốc, gồm các khu: Hen-li, Bớc-xlem, Lên-En-đơ, Lên-Den-phơ, E-tơ-ru-ri-a, Côn-rít-giơ, Lan-po, Tan-xtôn và Gôn-đen-Hin, tất cả có 6 vạn dân. "Báo cáo của Tiểu ban điều tra về lao động trẻ em" cho chúng ta biết rằng ở một vài ngành sản xuất đồ gốm, trẻ con được làm công việc nhẹ trong những gian phòng ấm áp và rộng rãi, nhưng ở một vài ngành khác, thì chúng đã không được ăn no và mặc lành, lại phải chuyên làm công việc vất vả tốn sức. Nhiều đứa trẻ phàn nàn rằng: "Tôi chẳng được ăn no, phần nhiều chỉ được ăn khoai tây chấm muối, chẳng bao giờ có thịt và bánh mì; tôi không được đi học, tôi không có quần áo nào khác để thay". - "Trưa nay chẳng có tí gì ăn, ở nhà tôi chưa bao giờ được ăn bữa trưa; thức ăn phần nhiều chỉ là khoai tây chấm muối, hoạ hoằn có tí bánh mì". "Quần áo tôi mặc trên người là tất cả những thứ tôi có; tôi không có quần áo ngày lễ". Số trẻ con làm công việc đặc biệt có hại cho sức khoẻ là những mould-runners, tức là những đứa trẻ đem những đồ gốm còn ở trong khuôn đến nhà phơi, đến khi đồ gốm khô thì lại đem các khuôn không trở về xưởng. Thế là chúng phải chạy lên gác, xuống gác cả ngày, mang vác quá nặng đối với lứa tuổi của chúng; mà phải làm việc ở nơi nhiệt độ cao, làm cho chúng càng mệt nhọc thêm. Những trẻ ấy, hầu như không trừ đứa nào, đều gầy rộc, xanh xao, yếu đuối, bé nhỏ và thân hình khó coi; chúng hầu hết mắc bệnh đường ruột, thường nôn mửa, không muốn ăn và có nhiều đứa chết vì kiệt sức. Những đứa trẻ quay bánh xe (jigger), do đó được đặt tên là jiggers, hầu hết cũng yếu đuối như vậy. Nhưng công việc có hại nhất là đem thành phẩm nhúng vào nước men có nhiều chất chì và thường thường có nhiều thạch tín, rồi lại cầm bằng tay không những đồ vừa nhúng trong nước men ấy ra. Bàn tay và quần áo của những công nhân ấy - đàn ông và trẻ con - bao giờ cũng nhầy nhụa nước men; da tay họ bở ra và vì phải thường xuyên cầm những vật sù sì, da dễ bị tuột, cho nên ngón tay chảy máu luôn khiến những chất độc ấy rất dễ xâm nhập vào cơ thể. Kết quả đã gây nên những cơn đau dữ dội và những bệnh nghiêm trọng về ruột và dạ dày, chứng táo bón dai dẳng, chứng đau bụng, có khi bị bệnh lao phổi, và đối với trẻ con thì thường dẫn đến chứng động kinh. Hiện tượng thường thấy ở đàn ông lớn tuổi là chứng tê liệt cơ bàn tay - colica pictorum 1* và chứng tê liệt hoàn toàn các chi. Một nhân chứng nói có hai đứa con trai cùng làm việc với anh ta đã chết vì bị chứng co giật trong khi làm việc, một nhân chứng khác, khi còn nhỏ đã làm phụ việc ở thùng tráng men trong hai năm, có kể rằng đầu tiên anh ta bị đau dụng dữ dội, rồi sau thành chứng co giật, phải nằm liệt giường hai tháng, từ đấy về sau, cơn co giật ngày càng nhiều, bây giờ hàng ngày đều lên cơn, và thường thường từ mười đến mười hai cơn trong một ngày. Nửa thân bên phải của anh ta bị tê liệt, và thầy thuốc đã bảo anh ta rằng anh ta sẽ không bao giờ sử dụng được tay phải và chân phải nữa. Ở gian tráng men trong một công xưởng họ có bốn người đàn ông - cả bốn đều bị chứng động kinh và đau bụng dữ dội - và mười  một đứa bé trai, trong số đó cũng có mấy đứa mắc chứng động kinh. Tóm lại, cái bệnh ghê gớm ấy là hậu quả hết sức tự nhiên của công việc tráng men, và đương nhiên như thế vẫn là để làm giàu thêm cho giai cấp tư sản! - Trong gian xưởng đánh bóng đồ gốm, không khí tràn ngập bụi đá nhỏ li ti, hít vào cũng lại chẳng kém những người thợ mài ở Sép-phin-đơ phải hít chất bụi thép. Công nhân mắc chứng khó thở, muốn nằm im một lát cũng không được, cổ họng rát bỏng, ho dữ dội, tiếng nói nhỏ cơ hồ nghe không được. Họ cũng đều bị lao phổi mà chết. - Trường học trong khu đồ gốm tương đối nhiều, trẻ con đáng lý có thể đi học, nếu như chúng không phải làm ở công xưởng từ lúc tuổi còn bé, và ngày làm việc không dài như thế (phần nhiều là mười hai giờ, có khi còn nhiều hơn). Do đó chúng không thể đi học được; trong số trẻ con mà uỷ viên của tiểu ban đã hỏi, chuyên có tới ba phần tư vừa không biết đọc, vừa không biết viết, và nạn dốt nát nghiêm trọng bao trùm khắp toàn khu. Những đứa trẻ đi học trường ngày chủ nhật nhiều năm rồi mà đến chữ cái cũng không phân biệt nổi. Không những trình độ trí dục trong toàn khu rất thấp, mà cả đến đức dục và giáo dục tôn giáo cũng như thế (Xcri-ven, "Báo cáo" và Văn kiện).

Trong ngành sản xuất thuỷ tinh có những việc hình như không có hại lắm cho người lớn, nhưng đối với trẻ con thì chịu không nổi. Lao động nặng nhọc, thời gian lao động thất thường, thường phải làm đêm, nhất là ở trong những gian xưởng nhiệt độ cao (1000 - 1300 Pha-ren-hai), tất cả những cái ấy làm cho trẻ con toàn thân suy yếu, nhiều bệnh hoạn, phát triển không tốt, nhất là gây nên bệnh đau mắt, đau dạ dày, viêm phế quản và phong thấp. Rất nhiều trẻ con xanh xao, mắt đỏ, nhiều khi không trông thấy gì hàng mấy tuần lễ, bị buồn nôn dữ dội, oẹ mửa, ho, hay cảm mạo và phong thấp. Khi lấy thành phẩm trong lò ra, bọn trẻ con bắt buộc phải làm việc ở một nhiệt độ cao tới mức những mảnh ván lót dưới chân chúng phải bốc cháy. Công nhân thổi thuỷ tinh đại đa số chết rất sớm vì kiệt sức và lao phổi. (Líp-trai, "Báo cáo", phụ lục, phần II, tr. L2, §§ 11, 12; Pran-cxơ, "Báo cáo", phụ lục, phần II, tr. K7, § 48; Tan-crết, Văn kiện, phụ lục, phần II, tr. 176 v.v. tất cả đều ở trong "Báo cáo của Tiểu ban điều tra về lao động trẻ em").

Bản báo cáo đã chứng minh về đại thể rằng chế độ công xưởng dần dần thâm nhập không ngừng vào mọi ngành công nghiệp; điều đó đặc biệt biểu hiện ở chỗ sử dụng lao động phụ nữ và trẻ em. Tôi cho rằng không cần thiết chỗ nào cũng phải thuật lại tình hình tiến bộ kỹ thuật và tình hình thợ đàn ông bị gạt bỏ. Chỉ cần hiểu biết công nghiệp đôi chút là người ta có thể tự bổ sung ngay những điều tôi chưa nói tới: khuôn khổ cuốn sách này không cho phép tôi thuật lại tỉ mỉ cái khía cạnh đó của phương thức sản xuất hiện đại mà tôi đã trình bày kết quả khi nói về chế độ công xưởng. Đâu đâu cũng dùng máy móc, điều ấy đã thủ tiêu vết tích cuối cùng của tính chất độc lập của công nhân. Đâu đâu gia đình cũng bị phá hoại, do phụ nữ và trẻ con phải làm việc ở các công xưởng, hoặc quan hệ gia đình bị đảo lộn khi người đàn ông thất nghiệp phải ở nhà. Đâu đâu cũng thấy do cần thiết phải sử dụng máy móc mà bọn đại tư bản nắm được mọi xí nghiệp, đồng thời cũng nắm luôn cả vận mệnh của công nhân. Tài sản ngày càng tập trung một cách không thể ngăn trở nổi, tình hình phân chia xã hội thành đại tư bản và công nhân vô sản ngày càng rõ rệt, và sự phát triển công nghiệp của cả nước đang tiến bước rất mau đến một cuộc khủng hoảng không thể tránh thoát.

Ở trên tôi đã nói rằng về mặt thủ công nghiệp, thế lực của tư bản và đôi khi cả sự phân công lao động đã loại bỏ giai cấp tiểu tư sản và thay thế vào đấy những nhà tư bản lớn với những công nhân vô sản. Về những thợ thủ công ấy, thực tế không có gì nhiều phải nói, vì mọi điều có liên quan tới họ tôi đều đã nói tới khi nói về giai cấp vô sản công nghiệp nói chung; vả lại từ khi cách mạng công nghiệp bắt đầu tới nay, thì ở đây phương pháp làm việc và ảnh hưởng của nó đối với sức khoẻ của công nhân đều biến đổi rất ít. Nhưng sự tiếp xúc với công nhân công nghiệp thực thụ, sự áp bức của bọn đại tư bản, sự áp bức này nặng nề hơn nhiều so với sự áp bức của thợ cả nhỏ vì thợ bạn vẫn còn có quan hệ cá nhân với các thợ cả nhỏ, ảnh hưởng của các thành phố lớn và tình hình tiền lương bị sụt, tất cả những cái ấy đã khiến hầu hết các thợ thủ công tham gia vào phong trào công nhân một cách tích cực. Chúng ta sẽ nói tới điều này; nhưng bây giờ thì hãy xét tới một loại cư dân lao động ở Luân Đôn đáng chú ý đặc biệt vì họ chịu sự bóc lột cực kỳ tàn khốc của giai cấp tư sản có lòng tham không đáy. Ở đây tôi muốn nói những cô làm hàng thời trang và những cô thợ may.

Có điều thực lạ lùng là chính công việc chế tạo đồ trang sức cho các bà tư sản lại đưa đến những hậu quả cực kỳ bi thảm cho sức khoẻ của những công nhân làm việc ấy. Tình hình này chúng ta đã thấy khi nói về ngành sản xuất đăng-ten, còn ở đây chúng ta lại có những chứng cớ mới trong các cửa hàng thời trang ở Luân Đôn. Những cửa hàng ấy thuê mướn rất nhiều thiếu nữ trẻ tổng cộng có đến gần 15000 người, phần nhiều từ nông thôn ra, họ đều ăn ngủ ở nhà chủ, do đó đã trở thành nô lệ hoàn toàn của chủ. Trong mùa thời trang chừng độ bốn tháng trong một năm, ngay ở những cửa hàng tốt nhất, thời gian lao động cũng phải đến 15 giờ một ngày, và khi có hàng đặt gấp thì tới 18 giờ. Nhưng trong đại đa số cửa hàng, thời gian lao động ở thời kỳ ấy không có giới hạn nào cả, đến nỗi thời gian nghỉ ngơi và ngủ của những cô gái ấy không bao giờ vượt quá sáu giờ trong cả một ngày một đêm, mà thường thường chỉ được ba, bốn giờ, thậm chí có khi chỉ hai giờ. Như thế thì dẫu họ không làm việc thâu đêm - thực ra họ thường phải làm việc thâu đêm -, họ cũng phải làm việc từ 19 giờ đến 22 giờ trong một ngày đêm! Mãi tới lúc mệt quá, tay cầm kim không vững nữa, thì cái công việc liên miên của họ mới được ngơi. Đã từng có trường hợp chín ngày liền những con người đáng thương ấy không được cởi quần áo, chỉ có thể tranh thủ thời gian ngả mình chốc lát trên chiếc đệm; người ta dọn thức ăn đã thái nhỏ để họ có thể nuốt cho thật nhanh. Tóm lại, những cô gái khốn khổ ấy bắt buộc phải làm như nô lệ những công việc liên miên không ngớt dưới sự đe doạ của cái roi tinh thần - vì sợ bị đuổi -, những công việc mà ngay một người đàn ông tráng kiện cũng không chịu nổi, huống hồ là những cô gái yếu đuối tuổi từ 14 đến 20. Ngoài ra, do không khí ngột ngạt trong xưởng làm việc và nơi ở, do phải thường xuyên ngồi còng lưng gập ngực, do thức ăn không tốt, khó tiêu, nhưng chủ yếu là do thời gian lao động quá dài và thiếu không khí trong sạch, sức khoẻ của các cô gái bị tàn phá ghê gớm. Không mấy chốc họ đã thấy mệt mỏi, kiệt sức, suy nhược, ăn mất ngon, đau vai, đau lưng, đau thắt lưng, nhất là đau đầu; sau đó là cột sống bị vẹo, hai vai nhô cao và biến dạng, gầy mòn, mắt sưng, chảy nước mắt và nói chung nhức nhối, cận thị, ho, ngực lép, khó thở và mọi thứ bệnh phụ nữ. Trong nhiều trường hợp, mắt bị tổn hại nặng nề đến mù hẳn; thị lực hoàn toàn bị phá hoại: nhưng nếu con mắt còn giữ được đủ để có thể tiếp tục làm việc, thì bệnh lao phổi cũng sẽ kết thúc cuộc đời bi thảm, ngắn ngủi của những cô thợ làm hàng thời trang ấy. Đến cả những người đã rời bỏ được công việc ấy tương đối sớm, thường cũng không bao giờ khôi phục được hoàn toàn sức khoẻ đã mất; họ đau ốm luôn, nhất là sau khi lấy chồng, và sinh ra những đứa con cũng ốm yếu. Tất cả những thầy thuốc mà Tiểu ban điều tra về lao động trẻ em đã hỏi, đều nhất trí cho rằng thật khó tưởng tượng nổi một cách sống nào khác có thể làm tổn hại sức khoẻ và làm cho người ta chết sớm như cuộc sống của những cô làm hàng thời trang.

Những cô thợ may ở Luân Đôn, nói chung, cũng bị bóc lột tàn khốc như thế, nhưng chỉ ít trực tiếp hơn mà thôi. Công việc của những cô gái may coóc-xê rất nặng nhọc, vất vả, rất hại mắt. Tiền lương của họ ra sao? Tôi không rõ, nhưng tôi biết rằng người thầu khoán chịu trách nhiệm về số vật liệu phát ra và phân phối công việc cho các nữ công nhân, cứ mỗi đơn vị nhận được 11/2 pen-ni (15 phen-ni Phổ). Trong số này, hắn lấy về phần hắn theo tỷ lệ phần trăm ít nhất là 1/2 pen-ni, cô thợ may đáng thương kia chỉ nhận được nhiều nhất là 1 pen-ni. Những cô gái làm cra-vát mỗi ngày phải làm việc 16 giờ, một tuần chỉ được 41/2 si-linh, tức là 1 ta-le rưỡi tiền Phổ, nhưng với số tiền ấy, họ chẳng mua được gì nhiều hơn so với những thứ mua được với 20 din-béc-grô-sen ở một thành phố vật giá cao nhất ở Đức1). Nhưng sống khổ sở nhất là những cô gái may áo sơ-mi. May một chiếc áo sơ-mi thông thường chỉ được 11/2 pen-ni. Trước đây họ có thể được từ 2 đến 3 pen-ni, nhưng từ khi nhà tế bần Xanh-Păng-crát do những người tư sản cấp tiến quản lý nhận là 11/2 pen-ni một chiếc, thì những cô thợ may đáng thương ấy cũng buộc lòng phải nhận giá ấy. Mỗi ngày phải lao động mười tám giờ mới làm xong một chiếc áo sơ-mi vải mỏng thêu hoa và được 6 pen-ni tiền công, tức 5 din-béc-grô-sen. Như vậy là theo những điều các nữ công nhân và các thầu khoán nói thì mặc dù phải làm việc căng thẳng suốt từ sáng sớm đến đêm khuya, những cô thợ may ấy mỗi tuần chỉ được không quá 21/2 đến 3 si-linh tiền công! Nhưng dã man bỉ ổi nhất là bắt họ phải ký quỹ một phần giá trị những vật liệu người ta giao cho họ; đương nhiên họ chỉ còn cách đem một phần vật liệu ấy đi cầm - điểm này người chủ biết rất rõ - rồi sau lại chịu thiệt một ít mà chuộc lại, mà nếu không đủ sức chuộc lại thì họ sẽ bị đưa ra thẩm phán hoà giải, như tháng Mười một 1843 đã có một cô bị như thế. Tháng Tám 1844 lại có một thiếu nữ bất hạnh gặp phải trường hợp như thế, chẳng biết làm thế nào, phải nhảy xuống kênh tự tử. Những cô thợ may ấy thường phải ở những căn gác xép nhỏ hẹp, giống như ăn mày, và mỗi căn có thể nhét được bao nhiêu người thì nhét, và mùa đông, nguồn sưởi ấm duy nhất phần nhiều là hơi nóng tự nhiên toả ra từ cơ thể của những người sống ở đây. Tại đây, họ còng lưng xuống làm việc, may suốt từ 4 - 5 giờ sáng cho đến tận nửa đêm, và chỉ trong vài năm là cơ thể của họ bị huỷ hoại hoàn toàn, tuổi còn trẻ đã phải sắp sửa từ giã cõi đời, mà ngay những nhu cầu bức thiết nhất cũng không được thoả mãn 1), trong khi đó thì ở dưới đường phố, những chiếc xe ngựa sang trọng, lộng lẫy của bọn đại tư bản chạy vun vút, và có lẽ, gần đâu đấy, một thằng công tử hào hoa khốn khiếp nào đó đánh bài trong một buổi tối thua một số tiền lớn hơn cả số tiền họ phải làm cả năm mới có thể kiếm được.

Tình cảnh giai cấp vô sản công nghiệp ở Anh là như vậy. Nhìn vào đâu chúng ta cũng thấy cảnh nghèo khổ như là hiện tượng thường xuyên hoặc tạm thời, cũng thấy bệnh tật do điều kiện sinh sống hoặc do tính chất của bản thân lao động gây nên, cũng thấy đạo đức bại hoại; đâu cũng thấy tình hình tinh thần cũng như thể xác con người dần dần và không ngừng bị huỷ hoại. Lẽ nào tình trạng ấy lại có thể kéo dài được mãi sao?

Không, tình trạng ấy không thể kéo dài và sẽ không kéo dài. Công nhân là đại đa số trong nhân dân, không muốn như thế. Chúng ta hãy thử nghe xem bản thân họ đã nói những gì về tình trạng ấy.

 



1* - tuyệt đại bộ phận, cũng có nghĩa là chính cống

2* phen-ni là đơn vị tiền nhỏ bằng 1/100 đồng mác.

112 "Revue des deux mondes" ("Tạp chí Hai thế giới") là tạp chí văn học nghệ thuật và chính luận của giai cấp tư sản, ra hai tuần một kỳ, xuất bản ở Pa-ri từ năm 1829.

1*  - nền dân chủ công nghiệp

1* - bệnh nghề nghiệp của thợ nhuộm

1)  Xem "Weekly Dispatch", ngày 16 tháng Ba 1844.

1) Tô-mát Hút là người có tài nhất trong số các nhà thơ hài hước của nước Anh hiện nay, và cũng giống như một nhà thơ hài hước khác, là người giàu lòng ân cần chu đáo, song chẳng có chút nghị lực tinh thần nào, đầu năm 1844, khi những bài viết mô tả tình cảnh khổ sở của các cô thợ may đăng đầy các trang báo, ông đã đăng một bài thơ rất hay ("The Song of the Shirt") ("Bài ca áo sơ-mi"). Bài thơ ấy đã làm cho các cô con gái tư sản nhỏ bao nhiêu nước mắt cảm thương nhưng vô ích. Vì khuôn khổ quyển sách có hạn, tôi không thể sao lại bài thơ đó vào đây. Bài thơ ấy, đầu tiên được đăng trên báo "Punch", sau đó được đăng lại trên khắp mọi tờ báo. Bây giờ các báo đều bàn luận về tình cảnh những cô thợ may, cho nên cũng không cần phải viện dẫn riêng ra nữa.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt