CHỐNG ĐUY-RINH ÔNG OI-GHEN ĐUY-RINH ĐẢO LỘN KHOA HỌC
Phần mở đầu
II. ÔNG ĐUY-RINH HỨA NHỮNG GÌ
FRIEDRICH ENGELS (1820-1895)
C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 20. Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2004. | Phiên bản điện tử: dangcongsan.vn | Nguyên bản tiếng Đức | Bản dịch tiếng Anh.
Những tác phẩm của ông Đuy-rinh liên quan trực tiếp nhất đến vấn đề bàn ở đây là những cuốn "Bài giảng về triết học", "Bài giảng về kinh tế chính trị và kinh tế xã hội " và "Lịch sử phê phán của khoa kinh tế chính trị và của chủ nghĩa xã hội"[1] của ông ta. Trước hết, chúng ta quan tâm chủ yếu đến tác phẩm thứ nhất. Ngay từ trang đầu, ông Đuy-rinh tự giới thiệu mình là "người đòi quyền đại biểua cho lực lượng ấy" (triết học) "trong thời của mình và trong thời kỳ phát triển sắp tới có thể thấy được của triết học". Như vậy, ông ta tự xưng là nhà triết học chân chính duy nhất của hiện tại và của một tương lai "có thể thấy được". Kẻ nào xa rời ông, kẻ ấy xa rời chân lý. Trước ông Đuy-rinh, đã có nhiều người nghĩ như vậy về bản thân họ, nhưng ngoài Ri-sác Vác-ne-vơ ra, ông ta đúng là người đầu tiên nói như vậy về mình một cách không ngượng ngùng. Hơn nữa, chân lý mà ông nói đến lại là "một chân lý tuyệt đỉnh cuối cùng". Triết học của ông Đuy-rinh là "Một hệ thống tự nhiên hay triết học của hiện thực... trong hệ thống ấy, hiện thực được suy nghĩ theo một phương thức loại trừ mọi mưu toan quan niệm thế giới một cách mơ mộng và hạn chế, chủ quan". Như vậy, triết học này có cái đặc tính là làm cho ông Đuy-rinh vượt ra ngoài những giới hạn của tính hạn chế cá nhân, chủ quan của ông ta mà bản thân ông ta cũng không thể phủ nhận. Cố nhiên điều ấy là cần thiết để ông ta có thể dựng lên được những chân lý cuối cùng tuyệt đỉnh, mặc dầu là cho đến nay, chúng ta chưa rõ là phép lạ ấy phải được thực hiện như thế nào. "Hệ thống tự nhiên" ấy "của tri thức, tự nó rất có giá trị đối với tinh thần", "đã xác lập một cách chắc chắn những hình thức cơ bản của tồn tại mà không để mất một chút nào tính chất sâu sắc của tư tưởng". Từ "quan điểm phê phán thực sự" của ông ta, ông ta đưa ra "những yếu tố của một triết học hiện thực do đó, hướng vào hiện thực của tự nhiên và của đời sống, - một triết học không thừa nhận một chân trời có thể giản đơn nhìn thấy được, mà trong sự vận động đảo lộn mạnh mẽ của nó, nó mở ra tất cả đất trời của tự nhiên bên ngoài và bên trong". Hệ thống này là một "phương pháp tư duy mới", và kết quả của nó là "những kết luận và những quan điểm hết sức độc đáo... những tư tưởng sáng tạo ra hệ thống... những chân lý đã được xác định vững chắc". ở đây, trước mắt chúng ta là "một công trình bắt buộc phải tìm sức mạnh của nó ở tính sáng tạo tập trung "- (dù cho điều này có nghĩa là gì chăng nữa)... là "một sự nghiên cứu đi đến tận gốc rễ... là một khoa học căn bản... là một quan điểm hết sức khoa học về vật và người... là một công trình tư duy thâm nhập đối tượng từ mọi phía... là một sự phác hoạ sáng tạo ra mọi tiền đề và mọi kết luận mà tư duy có thể ngự trị được ... là một cái tuyệt đối cơ bản”. Trong lĩnh vực kinh tế- chính trị học, ông ta không những đem lại cho chúng ta "những công trình bao quát đối tượng về mặt lịch sử và có hệ thống", thêm nữa trong đó những tác phẩm lịch sử lại còn được đánh dấu bởi "lối viết sử một cách cao siêu của tôi", và chúng đã mở đường cho "những bước ngoặt sáng tạo" trong khoa học kinh tế", mà ông ta còn kết thúc bằng một kế hoạch xã hội chủ nghĩa hoàn toàn do chính ông ta vạch ra cho xã hội tương lai, kế hoạch này là. "kết quả thực tiễn của một lý luận trong sáng và đi sâu đến tận gốc rễ cuối cùng", và vì thế nó cũng toàn thiện toàn mỹ và cũng có tính chất cứu nhân độ thế như cái triết học của ông Đuy-rinh; vì "chỉ có trong cái hệ thống xã hội chủ nghĩa mà tôi đã miêu tả trong cuốn "Bài giảng kinh tế chính trị và kinh tế xã hội " của tôi thì cái riêng thật sự của mình mới có thể thay thế cho sở hữu chỉ có tính chất bề ngoài và tạm thời, hoặc còn dựa trên bạo lực". Tương lai phải được giải quyết cho thích hợp với điều đó. Cái bó hoa những lời ca ngợi mà ông Đuy-rinh mang dâng cho ông Đuy-rinh sẽ có thể tăng lên gấp mười lần một cách dễ dàng. Song chỉ chừng ấy ngay giờ đây cũng đủ để gây cho bạn đọc một số nghi vấn, không biết rằng đây có phải thực là một nhà triết học hay không, hay là một...- nhưng chúng tôi yêu cầu độc giả hãy hoãn lời phán xét của mình lại cho đến khi tìm hiểu tỉ mỉ hơn nữa khả năng đi đến tận những gốc rễ cuối cùng đã nói ở trên. Chúng tôi cũng dẫn ra cái bó hoa những lời ca ngợi trên đây chỉ là để chỉ ra rằng trước mặt chúng ta, không phải là một nhà triết học và một nhà xã hội chủ nghĩa bình thường chỉ nói lên ý kiến của mình và để lịch sử sau này quyết định giá trị của những ý kiến ấy, mà là một con người hoàn toàn phi thường, tự cho mình là toàn thiện và toàn mỹ không kém gì giáo hoàng, và người ta phải đơn giản tiếp thu học thuyết của người đó nếu không muốn rơi vào tội tà giáo nặng nhất. Như vậy là, chúng ta hoàn toàn không phải đụng chạm đến một trong những công trình mà người ta thấy nhan nhản trong những sách báo xã hội chủ nghĩa ở tất cả các nước và gần đây ở cả nước Đức nữa,- những công trình trong đó những con người đủ các cỡ đã hết sức chân thành tìm hiểu những vấn đề mà để giải quyết có thể là họ thiếu ít nhiều vật liệu; những công trình đó tuy còn có những thiếu sót về mặt khoa học hay về mặt văn học, nhưng thiện chí xã hội chủ nghĩa của họ bao giờ cũng đáng được thừa nhận. Ngược lại, ông Đuy-rinh đưa ra cho chúng ta những luận điểm mà ông tuyên bố là những chân lý cuối cùng tuyệt đỉnh, những chân lý mà bên cạnh chúng, bất kỳ ý kiến nào khác cũng bị coi là sai lầm ngay từ trước rồi. Là người nắm chân lý độc nhất ấy, ông Đuy-rinh cũng nắm cả phương pháp nghiên cứu khoa học duy nhất chặt chẽ và bên cạnh nó thì mọi phương pháp khác đều không khoa học. Hoặc giả là ông ta đúng, - và như vậy là chúng ta đang đứng trước một thiên tài vĩ đại nhất của mọi thời đại, vị siêu nhân bậc nhất, vì đó là một con người toàn thiện toàn mỹ; hoặc giả là ông ta sai,- và ngay cả trong trường hợp này nữa, mặc dầu sự phán xét của chúng ta là như thế nào chăng nữa, mọi thái độ khoan dung hảo tâm của chúng ta đối với thiện chí có thể có của ông ta cũng vẫn sẽ là những xúc phạm ghê gớm nhất đối với ông Đuy-rinh. Khi người ta nắm được chân lý cuối cùng tuyệt đỉnh và tính khoa học duy nhất chặt chẽ thì lẽ dĩ nhiên là người ta phải có một thái độ rất khinh thị đối với cái bộ phận còn lại của nhân loại đang chìm đắm trong sai lầm và không hiểu biết khoa học. Cho nên chúng ta không nên ngạc nhiên khi thấy ông Đuy-rinh nói đến các tiền bối của ông một cách cực kỳ miệt thị và khi thấy chỉ có một vài vĩ nhân do chính ông ta nâng lên danh vị đó với tư cách là những ngoại lệ, là có thể được hưởng sự khoan dung trước sự sâu sắc triệt để của ông. Trước hết, chúng ta hãy nghe ông ta nói về các nhà triết học: "Lai-bơ-nít-xơ thiếu mọi tín niệm trung thực, đó là kẻ khá nhất trong tất cả những triều thần có thể có đang làm triết học". Can-tơ thì còn có thể tạm chịu được; nhưng sau Can-tơ thì tất cả đều hỗn loạn: Xuất hiện "những điều mê sảng ghê gớm và cũng phi lý như những điều điên rồ nhảm nhí của các hậu sinh trực tiếp, nhất là của một Pi-stơ và một Sê-linh nào đó... những biếm hoạ quái dị của một sự hồ đồ, ngu dốt về triết học tự nhiên... những điều kỳ quái của thời kỳ sau Can-tơ" và "những ảo tưởng mê sảng" mà "một gã Hê-ghen" đã tán thưởng. Gã này nói một thứ "tiếng lóng kiểu Hê-ghen" và truyền cái "bệnh dịch Hê-ghen" bằng "cái kiểu cách phản khoa học ngay cho đến cả trong hình thức", và những "quan niệm sống sượng" của hắn. Các nhà khoa học tự nhiên cũng bị quở trách không kém, nhưng trong số họ chỉ có Đác-uyn là được nêu tên, cho nên chúng ta buộc phải nói đến một mình ông thôi: "Lối thơ nửa vời của Đác-uyn và những trò ảo thuật biến hoá với tính thiển cận có tính chất cảm tính thô sơ trong nhận thức và khả năng phân biệt đã bị cùn đi của chúng... Theo ý chúng tôi, chủ nghĩa Đác-uyn đặc thù - tất nhiên là trừ những luận điểm của La-mác ở trong đó ra - là một đòn tàn bạo chống lại nhân loại". Nhưng những nhà xã hội chủ nghĩa là những người bị quở trách nhiều nhất. Có lẽ chỉ trừ Lu-i Blăng ra - một người ít quan trọng hơn cả - còn thì tất cả bọn họ đều là những kẻ có tội và không đáng với niềm vinh quang được liệt vào hàng đứng trước (hay đứng sau) ông Đuy-rinh. Như vậy là chẳng những chỉ xét về mặt chân lý hay về mặt tính khoa học, mà còn xét cả về mặt cá tính nữa. Trừ Ba-bớp và vài chiến sĩ Công xã 1871 ra, tất cả bọn họ đều không phải là những "con người". Ba nhà không tưởng được gọi là những "nhà thuật sĩ luyện đan xã hội". Trong ba người ấy, Xanh-Xi-mông còn được đối xử một cách độ lượng vì ông chỉ bị trách cứ là bị bệnh "cuồng nhiệt", hơn nữa người ta còn thông cảm mà nhận xét rằng ông mắc chứng cuồng tín tôn giáo. Khi nói đến Phu-ri-ê thì ông Đuy-rinh hoàn toàn không thể nào chịu đựng được nữa. Vì Phu-ri-ê "đã bộc lộ... tất cả những yếu tố của sự điên rồ... những ý kiến mà nói cho đúng ra là có thể tìm thấy trong các nhà thương điên... Những điều nhảm nhí hỗn loạn nhất... sản phẩm của sự mê sảng...Phu-ri-ê, một anh chàng ngu xuẩn không thể tả được ", cái "đầu óc trẻ con" ấy, kẻ "ngu ngốc " ấy, - thêm nữa thậm chí cũng không phải là một nhà xã hội chủ nghĩa; cái pha-lan-xte-rơ[2] của ông ta hoàn toàn không phải là một cái gì của chủ nghĩa xã hội hợp lý cả, - đó là một "cấu tạo quái dị xây dựng theo khuôn mẫu của sự buôn bán thông thường". Và cuối cùng: "Kẻ nào mà những ý kiến ấy" (ý kiến của Phu-ri-ê nói về Niu-tơn) "... còn chưa đủ để tin rằng trong cái tên Phu-ri-ê và cả toàn bộ chủ nghĩa Phu-ri-ê, chỉ có âm tiết đầu tiên là đúng"(fou - người điên), thì chính người đó cũng phải được liệt vào một loại người ngu ngốc nào đó". Sau rốt, Rô-bớt Ô-oen "có những ý kiến buồn tẻ và nghèo nàn... có tư duy hết sức thô sơ trong vấn đề đạo đức... một vài khuôn sáo thoái hoá thành những điều vô nghĩa... phương pháp nhận thức trái với lẽ phải thông thường và thô sơ... tiến trình tư tưởng của Ô-oen hầu như không đáng mất công phê phán một cách nghiêm túc... tính hư danh của ông ta", v.v.. Như vậy, nếu ông Đuy-rinh đánh giá một cách hóm hỉnh các nhà không tưởng theo tên của họ: Xanh-Xi-mông-saint (thánh), Phu-ri-ê-fou (điên), Ăng-phăng-tanh-anfant (trẻ con) thì ông ta chỉ thiếu thêm một điều nữa là: Ô-oen - than ôi [oweh!] nữa mà thôi, và cả một thời kỳ quan trọng trong lịch sử chủ nghĩa xã hội sẽ bị đập tan bằng bốn chữ. Và kẻ nào nghi ngờ điều đó thì "phải được liệt vào một loại người ngu ngốc nào đó". Trong số những lời nhận định của ông Đuy-rinh về các nhà xã hội chủ nghĩa sau này, thì để cho ngắn gọn, chúng tôi chỉ xin trích những lời nói về Lát-xan và Mác mà thôi: Lát-xan: "Những mưu toan tủn mủn thông thái rởm muốn phổ cập... triết học kinh viện rườm rà... một mớ hổ lốn kỳ quái những lý thuyết chung chung và những điều vớ vẩn nhỏ nhặt... sự mê tín kiểu Hê-ghen, không có hình thức và không có ý nghĩa... một tấm gương khiến người ta hoảng sợ... tính chất hạn chế vốn có... thái độ làm ra vẻ quan trọng với món hàng xoàng xĩnh nhất... vị anh hùng Do Thái của chúng ta... nhà văn châm biếm... tầm thường... sự ngả nghiêng bên trong của các quan niệm về đời sống và thế giới". Mác: "Tính chất hẹp hòi của các quan điểm... những tác phẩm và thành tựu của ông ta, tự nó và vì nó, nghĩa là đứng về mặt thuần tuý lý luận mà xét, thì không có ý nghĩa gì lâu dài đối với lĩnh vực của chúng ta" (lịch sử phê phán của chủ nghĩa xã hội), "còn đối với lịch sử các trào lưu tinh thần nói chung chỉ nhiều lắm cũng chỉ có thể được nhắc tới như là những dấu hiệu ảnh hưởng của một ngành triết học kinh viện bè phái cận đại... thiếu năng lực tổng hợp và phân loại... tư tưởng và thể văn lộn xộn, lối văn không xứng đáng... tính hám danh Anh hoá... sự lừa bịp.. những quan niệm kỳ quái, trên thực tế chỉ là sản phẩm lai căng của trí tưởng tượng có tính chất lịch sử và lô-gích... lối nói dối trá... tính hư danh cá nhân... thủ đoạn vặt ti tiện... trắng trợn... những câu pha trò và bông đùa để tỏ ra là hóm hỉnh... uyên bác kiểu người Tàu... lạc hậu về triết học và về khoa học". Vân vân và vân vân, - vì tất cả những điều dẫn ra ở trên cũng chỉ mới là một bó hoa nhỏ ngắt lấy vội trong vườn cảnh của ông Đuy-rinh mà thôi. Lẽ dĩ nhiên là lúc này chúng tôi hoàn toàn chưa đề cập xem những lời mắng mỏ đáng yêu đó- mà nếu có đôi chút giáo dục thì chúng chắc sẽ không cho phép ông Đuy-rinh tìm thấy bất kỳ một cái gì là có tính chất ti tiện và trắng trợn cả - có phải cũng là những chân lý tuyệt đỉnh cuối cùng không. Cho nên lúc này, chúng tôi cũng tránh biểu lộ chút hoài nghi nào về sự sâu sắc tới tận gốc rễ của những lời mắng mỏ đáng yêu ấy, của ông Đuy-rinh, bởi vì trong trường hợp trái lại thì thậm chí có thể là người ta sẽ cấm không cho chúng tôi chọn loại người ngu ngốc trong đó chúng tôi sẽ được xếp vào. Chúng tôi cho rằng chúng tôi chỉ có nhiệm vụ, một mặt, đưa ra một ví dụ về cái mà ông Đuy-rinh gọi là "mẫu mực của cách diễn đạt thanh nhã và khiêm tốn theo đúng nghĩa của từ đó", và mặt khác, xác nhận rằng đối với ông Đuy-rinh thì sự vô dụng của những bậc tiền bối của ông ta cũng được xác định một cách chắc chắn như sự toàn thiện toàn mỹ của bản thân ông ấy. Vì thế, chúng tôi xin hết sức tôn kính cúi rạp mình trước bậc thiên tài vĩ đại nhất đó của tất cả các thời đại... nếu quả thật là như vậy.
[1] E. Dühring. "Cursus der Philosophie als streng wissenschaftlicher Weltanschauung und Lebensgestaltung". Leipzig, 1875 (Oi, Đuy-rinh, "Bài giảng về triết học với tư cách là thế giới quan triệt để khoa học và sự tổ chức cuộc sống". Lai-pxích, 1975). E. Dühring. "Cursus der National-und Socialkửnomie einschliesslich der Haupipunkte der Finanzpolitik". 2. Aufl., Leipzig, 1876 (Oi, Đuy-rinh, "Bài giảng về kinh tế chính trị và kinh tế xã hội bao gồm các vấn đề cơ bản của chính sách tài chính". Xuất bản lần thứ 2, Lai-pxích, 1876). Cuốn sách được xuất bản lần đầu tiên ở Béc-lin vào năm 1873. E. Dühring. "Kritische Geschichte der Nationalửkonomie und des Socialismus". 2 Aufl., Berlin, 1875 (Oi. Đuy-rinh. "Lịch sử phê phán khoa kinh tế chính trị và chủ nghĩa xã hội". Xuất bản lần thứ 2. Béc-lin, 1875). Cuốn sách được xuất bản lần đầu tiên ở Béc-lin vào năm 1871. a Chữ in nghiên trong tất cả các đoạn trích từ tác phẩm của Đuy-rinh đều do Ph. Ăng-ghen nhấn mạnh. [2] Pha-lan-xte-rơ là những lâu đài tại đó, theo quan niệm của nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng Pháp S. Phu-ri-ê, những thành viên của hiệp hội sản xuất và tiêu thụ có thể sống và làm việc trong một xã hội xã hội chủ nghĩa lý tưởng. |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC