Chủ nghĩa Marx

Phong trào công nhân

TÌNH CẢNH CỦA GIAI CẤP LAO ĐỘNG Ở ANH - MỤC LỤC

 

TÌNH CẢNH CỦA GIAI CẤP LAO ĐỘNG Ở ANH.

 

Theo những sự quan sát của bản thân và

những nguồn đáng tin cậy

______________

 

PHONG TRÀO CÔNG NHÂN

 


C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1995, tr. 445-459. Phiên bản điện tử: dangcongsan.vn | Nguyên bản tiếng Đức | Bản dịch tiếng Anh | Bản dịch tiếng Pháp.


 

 

Dù cho những ví dụ mà tôi đưa ra có ít hơn nữa, thì mọi người vẫn phải đồng ý với tôi là công nhân Anh không thể cảm thấy hạnh phúc trong tình cảnh của họ, trong tình cảnh mà bất luận là cá nhân hay là toàn thể giai cấp cũng đều không thể sống, cảm giác và suy nghĩ như con người được. Hiển nhiên, công nhân phải tìm cách thoát khỏi cái tình cảnh đã biến họ thành súc vật ấy, phải đấu tranh cho một tình cảnh tốt hơn, hợp với con người hơn. Nếu họ không đấu tranh chống lại lợi ích của giai cấp tư sản - lợi ích đó chính là ở chỗ bóc lột công nhân - thì cố nhiên không thể đạt được điều ấy. Nhưng giai cấp tư bản lại dùng mọi thủ đoạn mà tài sản của chúng và cái chính quyền chúng nắm trong tay có thể cung cấp cho chúng để bảo vệ lợi ích của mình. Khi công nhân vừa tỏ ra muốn thoát khỏi tình cảnh hiện tại thì lập tức người tư sản trở thành kẻ thù công khai của họ.

Nhưng mặt khác, bất cứ lúc nào, công nhân cũng thấy giai cấp tư sản coi họ là đồ vật, là tài sản của chúng, chỉ một điểm này cũng đủ làm cho công nhân trở thành kẻ thù của giai cấp tư sản. Tôi đã đưa ra hàng trăm ví dụ, mà còn có thể đưa ra mấy trăm ví dụ nữa để chứng minh rằng trong những quan hệ hiện nay, công nhân chỉ có căm thù giai cấp tư sản và chống lại nó thì mới có thể cứu vãn được phẩm giá con người của mình. Sở dĩ giai cấp công nhân Anh có năng lực chống lại sự bạo ngược của bọn có của một cách mãnh liệt đến thế là nhờ họ tự giáo dục mình, hay đúng hơn là nhờ họ không được giáo dục, cũng như là nhờ trong dòng máu của họ có pha trộn dòng máu nóng của người Ai-rơ-len.

Người công nhân Anh không còn là một người Anh theo nghĩa thông thường, không phải là một con buôn chỉ biết tính toán như đồng bào giàu có của anh ta, tình cảm của anh ta dồi dào hơn nhiều; ở anh ta cái bản tính lạnh lùng của con người phương Bắc đã bị điều hoà bởi cái nhiệt tình sôi nổi không gặp trở ngại gì trên đường phát triển nó đã khống chế hẳn anh ta. Sự rèn luyện lý trí đã góp phần mạnh mẽ vào sự phát triển bản năng ích kỷ của người tư sản Anh, đã khiến tất cả mọi điều ham thích của hắn phải phục tùng sự ích kỷ và làm cho toàn bộ tình cảm của hắn chỉ tập trung vào một việc là chạy đua kiếm tiền; người công nhân không có sự rèn luyện lý trí ấy, nhờ đó nhiệt tình của họ cũng mạnh và không nén được như ở người nước ngoài. Ở người công nhân, những đặc trưng dân tộc của người Anh đã mất đi.

Như chúng ta đã thấy, khi ngoài việc phản kháng để chống lại tình cảnh của mình, người công nhân không còn một chỗ nào khác để biểu lộ tình cảm con người của mình nữa, thì hoàn toàn tự nhiên là chính trong sự phản kháng ấy họ đã biểu hiện đặc tính dễ thương nhất, cao quý nhất, nhân đạo nhất. Chúng ta thấy rằng toàn bộ lực lượng, toàn bộ hoạt động của công nhân đều nhằm vào hướng này, thậm chí mọi cố gắng để có được một ít giáo dục xứng đáng với con người đều có quan hệ trực tiếp với điểm ấy. Cố nhiên chúng ta phải nói đến một vài hành vi bạo lực, thậm chí thô bạo cá biệt, nhưng đồng thời chúng ta không bao giờ nên quên là ở nước Anh đang diễn ra một cuộc chiến tranh xã hội công khai; và nếu như điều mà giai cấp tư sản quan tâm là giả nhân giả nghĩa dùng chiêu bài hoà bình, thậm chí chiêu bài bác ái để tiến hành cuộc chiến tranh ấy, thì ngược lại, chỉ có vạch  trần sự thật ra, chỉ có lột cái mặt nạ giả nhân giả nghĩa ấy ra thì mới có lợi cho công nhân; bởi vậy, ngay cả những hành động thù địch bằng bạo lực dữ dội nhất của công nhân đối với giai cấp tư sản và tay sai của nó cũng chỉ là biểu hiện công khai không che đậy của cái mà chính giai cấp tư sản đã làm một cách kín đáo và lén lút đối với công nhân.

Công nghiệp phát triển chưa được bao lâu thì cuộc phản kháng của công nhân đối với giai cấp tư sản đã nổ ra và đã trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Ở đây không thể nói tỉ mỉ về ý nghĩa lịch sử của những giai đoạn ấy đối với sự phát triển của nhân dân Anh; đấy là chủ đề của một tác phẩm khác. Ở đây tôi chỉ thuật lại những sự kiện cần thiết để nói rõ tình cảnh của giai cấp vô sản Anh.

Hình thức sớm nhất, thô sơ nhất và ít hiệu quả nhất của sự phản kháng là phạm tội. Công nhân phải sống nghèo khổ, bần cùng mà lại thấy đời sống của kẻ khác khá hơn mình; anh ta không hiểu tại sao chính anh ta là người lao động cho xã hội nhiều hơn bọn nhà giàu ăn không ngồi rồi, mà lại phải chịu thiếu thốn như thế. Vả chăng sự quẫn bách lại thắng lòng tôn trọng quyền sở hữu cổ truyền của anh ta, cho nên anh ta ăn cắp. Chúng ta đã thấy theo với sự phát triển của công nghiệp, những vụ phạm tội ngày càng tăng lên, con số người bị bắt hàng năm tăng lên theo tỷ lệ đều đặn với số kiện bông được chế tạo.

Nhưng chẳng bao lâu công nhân đã phát hiện ra ngay là làm như thế chẳng đi đến đâu. Bằng hành động trộm cắp thì thủ phạm chỉ là một mình đơn phương độc mã chống lại chế độ xã hội hiện tồn, với tư cách là từng người riêng lẻ, mà xã hội thì có thể dùng toàn bộ quyền lực để đối phó và dùng ưu thế tuyệt đối để áp đảo kẻ địch đơn độc. Hơn nữa, trộm cắp là một hình thức phản kháng thô sơ nhất, vô ý thức nhất, cho nên riêng một việc đó không thể trở thành biểu hiện chung của dư luận công nhân, mặc dù trong lòng thì họ vẫn tán thành. Sự chống đối của cả giai cấp công nhân đối với giai cấp tư sản chỉ bắt đầu khi họ dùng bạo lực để chống lại việc sử dụng máy móc, tình hình này đã xảy ra trong buổi đầu cuộc cách mạng công nghiệp. Những người phát minh đầu tiên như Ác-crai-tơ và những người khác đã bị thứ bạo lực ấy hãm hại còn máy móc của họ thì bị phá huỷ; về sau lại nổ ra nhiều cuộc nổi dậy chống sử dụng máy móc, tình hình hầu như hoàn toàn giống tình hình những cuộc nổi dậy của công nhân in vải hoa ở Bô-hêm tháng Sáu 1844: công nhân phá máy móc, phá huỷ công xưởng.

Nhưng hình thức phản kháng ấy cũng có tính chất cô lập, hạn chế ở những khu vực cá biệt và chỉ nhằm vào một mặt của những quan hệ hiện hành. Hơn nữa công nhân vừa đạt được thắng lợi chốc lát thì quyền lực xã hội liền đem toàn bộ sức nặng của mình đánh vào những người phạm tội đã lại trở thành những người không có gì tự vệ, mặc sức trừng phạt họ, còn máy móc thì lại vẫn được dùng. Phải tìm ra một hình thức phản kháng mới.

Khi đó, một đạo luật được nghị viện cũ trước khi có cải cách, do đảng To-ri khống chế, thông qua đã giúp đỡ họ: sau đó khi dự luật cải cách đã công nhận sự đối lập giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản và đưa giai cấp tư sản lên địa vị thống trị thì đạo luật ấy sẽ chẳng bao giờ được hạ nghị viện thông qua. Đạo luật được thông qua vào năm 1824, nó thủ tiêu hết mọi pháp lệnh trước kia cấm công nhân liên hiệp để bảo vệ lợi ích của mình. Thế là công nhân có quyền lập hội là quyền mà trước kia chỉ quý tộc và tư sản mới có. Thực ra thì trước kia trong công nhân vẫn thường xuyên có những hiệp hội bí mật, nhưng vẫn chưa có thành tích gì đáng kể. Ví dụ ở Xcốt-len, theo lời Xai-mơn-xơ ("Nghề thủ công và thợ thủ công", tr. 137 và các tr. sau), ngay năm 1812 đã nổ ra cuộc tổng bãi công của thợ dệt ở Gla-xgô do một hiệp hội bí mật tổ chức. Năm 1822 lại nổ ra bãi công, có hai công nhân không chịu vào hiệp hội đã bị coi là phản bội giai cấp mình và đã bị đổ a-xít sun-phua-rích vào mặt làm cả hai bị mù. Năm 1818, hiệp hội thợ mỏ ở Xcốt-len đã mạnh đến mức có thể tiến hành tổng bãi công. Mỗi hội viên của hiệp hội này đã thề trung thành và giữ bí mật, có danh sách hội viên, có quỹ, có sổ sách và có các phân hội địa phương. Nhưng tính chất bí mật của toàn bộ hoạt động làm trở ngại cho sự phát triển của các hiệp hội ấy. Đến năm 1824, khi công nhân có quyền tự do lập hội thì những hiệp hội ấy lan rộng rất nhanh khắp nước Anh và có ảnh hưởng lớn. Trong mọi ngành lao động đều tổ chức những công liên như thế với chủ trương công khai là ra sức bảo vệ từng người công nhân riêng lẻ, chống những hành động bạo ngược và sự đối đãi tàn nhẫn của giai cấp tư sản. Mục đích của những công liên ấy là: quy định tiền lương, với tư cách là một lực lượng, tiến hành điều đình tập thể với chủ, điều chỉnh tiền lương theo lợi nhuận của chủ, tăng lương lúc nào cần thiết, và giữ vững mức lương mọi nơi đều như nhau cho mỗi nghề. Do đó, những công liên ấy thường đấu tranh đòi các nhà tư bản thực hiện một tháng lương chung, nếu nhà tư bản nào không theo thì sẽ tuyên bố bãi công với người ấy. Thứ nữa, công liên còn hạn chế việc tuyển thợ học việc để giữ vững nhu cầu về nhân công của bọn tư bản, do đó giữ cho tiền lương ở mức nhất định; cố gắng với mọi khả năng chống lại thủ đoạn gian trá của chủ xưởng định dùng máy móc và công cụ mới, v.v. để hạ thấp mức lương, cuối cùng, giúp tiền cho công nhân thất nghiệp. Việc này tiến hành hoặc trực tiếp bằng tiền quỹ hoặc gián tiếp bằng cấp một cái thẻ cho cá nhân công nhân, người mang thẻ đi từ địa phương này sang một địa phương khác, được bạn cùng nghề giúp đỡ và chỉ cho nơi nào dễ tìm việc. Cảnh sống nay đây mai đó như vậy của công nhân gọi là the tramp, còn người công nhân đi lang thang ấy thì gọi là tramper. Để đạt những mục đích ấy, công liên cử một chủ tịch và một thư ký ăn lương - vì không một chủ xưởng nào thuê những người ấy - và thành lập một ban chấp hành để thu hội phí hàng tuần và trông coi việc chi tiêu tiền ấy cho hợp với lợi ích của công liên. Khi có thể và có lợi thì các công liên ở từng khu liên kết lại thành những liên hiệp công liên và tổ chức những hội nghị đại biểu qua từng thời gian nhất định. Trong tình hình cá biệt, người ta đã thử tập hợp tất cả công nhân cùng một ngành thành một công liên lớn của cả nước Anh, và nhiều lần - lần đầu vào năm 1830 - người ta đã thử lập một liên hiệp công nhân thống nhất toàn quốc, đồng thời mỗi ngành nghề đều giữ tổ chức riêng của mình. Những liên hiệp kiểu ấy không duy trì được lâu, thậm chí rất ít thực hiện được; bởi vì chỉ có một cao trào đặc biệt rộng khắp mới có thể làm cho các liên hiệp như thế ra đời và có năng lực hành động.

Để thực hiện mục đích của mình, các công liên thường dùng những biện pháp dưới đây: nếu có một hoặc mấy chủ xưởng không chịu thừa nhận mức lương do công liên quy định thì công liên cử ngay một đoàn đại biểu gặp họ, hoặc gửi cho họ một lá đơn thỉnh nguyện (người ta thấy công nhân biết coi trọng quyền lực của chủ xưởng chuyên chế tuyệt đối trong vương quốc nhỏ của hắn). Nếu làm như thế không có kết quả gì thì công liên liền ra lệnh đình công; tất cả công nhân giải tán về nhà. Nếu một hay mấy chủ xưởng cự tuyệt không chịu theo mức lương do công liên đề xuất thì cuộc bãi công đó (turn-out hoặc strike) chỉ là cục bộ; nhưng nếu tất cả các chủ xưởng trong một ngành lao động nào đó không chịu thừa nhận, thì cuộc bãi công trở thành tổng bãi công. Đó là những thủ đoạn hợp pháp của công liên - chỉ là hợp pháp nếu trước khi bãi công đã có cảnh cáo trước; trong thực tế không phải bao giờ cũng xảy ra như thế cả. Nhưng nếu còn có công nhân chưa tham gia công liên, hoặc vì lợi ích trước mắt chủ xưởng ban cho mà sẵn sàng rút khỏi công liên thì biện pháp hợp pháp ấy rất ít kết quả. Đặc biệt là trong những cuộc bãi công bộ phận, chủ xưởng rất dễ dàng tuyển dụng những con chiên ghẻ ấy (gọi là knobsticks 1*) khiến sự cố gắng của những công nhân liên hiệp thành ra vô hiệu. Thường thường các đoàn viên công liên dùng biện pháp đe doạ chửi mắng, đánh đập hay các biện pháp hành hung khác, nói tóm lại là dùng mọi cách uy hiếp để đối phó với knobsticks ấy. Do đó bọn này kiện đến toà án, và vì kẻ bảo vệ pháp luật lại là giai cấp tư sản còn nắm chính quyền, cho nên chỉ cần xảy ra một hành vi phạm pháp, chỉ cần có một người kiện một đoàn viên công liên là lực lượng của công liên hầu như bị phá vỡ.

Lịch sử của những công liên ấy là một chuỗi dài những thất bại của công nhân, thảng hoặc có vài lần thắng lợi cá biệt. Lẽ dĩ nhiên là mọi cố gắng ấy đều không thể thay đổi được quy luật kinh tế quyết định mức lương theo quan hệ giữa cung và cầu trên thị trường lao động. Vì vậy công liên đành chịu bất lực không khắc phục nổi những nguyên nhân quan trọng nhất tác động đến mối quan hệ ấy. Trong thời gian khủng hoảng thương nghiệp thì công liên hoặc phải tự động hạ mức lương xuống, hoặc phải hoàn toàn giải tán, còn khi nhu cầu về lao động tăng nhiều thì nó cũng không thể tăng mức lương cao hơn mức do sự cạnh tranh giữa các nhà tư bản quy định. Nhưng đối với những nguyên nhân ít quan trọng hơn, có tính chất cục bộ hoặc địa phương thì công liên có thể có tác dụng thực sự. Nếu chủ không sợ sự phản kháng tập trung của quần chúng công nhân thì hắn đã hạ dần dần mức lương xuống để phát tài thêm; hơn nữa sự bắt buộc cạnh tranh với các chủ xưởng khác buộc hắn phải làm như vậy, cho nên tiền lương tất phải sụt xuống nhanh chóng đến mức tối thiểu. Những cuộc cạnh tranh như vậy giữa các chủ xưởng với nhau trong tình hình bình thường có thể bị hạn chế do sự phản kháng của công nhân. Mỗi chủ xưởng đều biết rằng mỗi lần hạ tiền lương, nếu không phải do những trường hợp chung cho cả bản thân hắn và người cạnh tranh với hắn quyết định thì đều đưa đến bãi công, mà bãi công thì chắc chắn là thiệt hại cho hắn, vì trong thời gian bãi công tư bản của hắn bỏ vào kinh doanh không được vận động, máy móc bị han rỉ. Đồng thời, hắn cũng không chắc là có thể hạ tiền lương được hay không, ngược lại hắn biết rất rõ là nếu hắn thành công thì kẻ cạnh tranh sẽ bắt chước ngay, sẽ hạ giá sản phẩm của họ và lợi nhuận mà hắn hy vọng sẽ không còn nữa. Ngoài ra, sau khi cuộc khủng hoảng kết thúc, đương nhiên là các công liên có thể đòi nâng mức lương lên nhanh hơn là khi các công liên không can thiệp. Khi mà sự cạnh tranh với các chủ khác chưa bắt buộc chủ xưởng phải tăng lương thì họ không tăng, nhưng vì có công liên cho nên hễ tình hình thị trường khá lên là bản thân công nhân sẽ đòi tăng lương và họ có thể lợi dụng tình hình bọn chủ xưởng cần nhiều nhân công mà dùng biện pháp bãi công để buộc chúng phải tăng lương. Nhưng như tôi đã nói, công liên lại bất lực trước những nguyên nhân tương đối quan trọng ảnh hưởng đến thị trường lao động. Trong tình hình như thế, đói khát buộc công nhân lại phải dần dần đi làm với bất cứ điều kiện nào, mà chỉ cần mấy người làm như thế là lực lượng của công liên bị phá vỡ, bởi vì khi trên thị trường vẫn còn một số lượng dự trữ hàng hoá nhất định, có được knobsticks ấy là giai cấp tư sản có thể gạt được mọi hậu quả nghiêm trọng nhất mà sự gián đoạn sản xuất có thể đưa lại. Quỹ của công liên rất chóng hết vì nhiều người cần được giúp đỡ; ngay những chủ hàng bán lẻ dần dần cũng không bán chịu với lãi cao nữa và sự quẫn bách buộc công nhân lại phải chui đầu vào cái ách của giai cấp tư sản. Nhưng các chủ xưởng, chính vì lợi ích của họ, - đương nhiên là vì có sự phản kháng của công nhân nên điều này mới thành lợi ích của họ - cũng cần tránh những cuộc hạ lương không cần thiết, trong khi bản thân công nhân thấy rõ mỗi lần hạ lương, dù ngay do tình hình thị trường gây nên là mỗi lần tình cảnh của họ thêm xấu đi nên hết sức lo đề phòng điều ấy; do đó mà phần lớn các cuộc bãi công đều kết thúc bất lợi cho công nhân. Người ta sẽ hỏi tại sao công nhân lại bãi công khi thấy biện pháp ấy là vô ích một cách rõ ràng như thế? Rất đơn giản, bởi vì công nhân có nghĩa vụ phải chống lại việc hạ thấp tiền lương, thậm chí phải chống lại bản thân tính tất yếu phải hạ thấp tiền lương, bởi vì họ nhất định phải tuyên bố rằng, là con người, họ không thể chiều theo hoàn cảnh, mà trái lại phải bắt hoàn cảnh thích ứng với bản thân họ, với con người, bởi vì sự im lặng của công nhân sẽ thoả hiệp với hoàn cảnh ấy, sẽ là thừa nhận giai cấp tư sản có quyền bóc lột công nhân trong thời kỳ thương nghiệp phồn vinh và trong thời kỳ tiêu điều thì có quyền bỏ mặc công nhân chết đói. Chỉ cần công nhân còn giữ được một chút nhân cách là họ không thể không phản kháng tình hình ấy, và sở dĩ họ phản kháng như thế mà không dùng phương thức nào khác là vì họ là những người Anh, những người thực tiễn biểu hiện sự phản kháng của mình bằng hành động, chứ không như những người Đức ưa lý luận chỉ cần ghi kháng nghị của mình vào biên bản và đưa vào ad acta1* rồi về nhà ngủ yên, để cho cả bản kháng nghị cũng ngủ yên ở hồ sơ như bản thân người kháng nghị. Trái lại, sự kháng nghị tích cực của người Anh không thể không có ảnh hưởng: họ hạn chế được lòng tham không đáy của giai cấp tư sản trong một phạm vi nhất định, làm cho sự phản kháng của công nhân chống quyền lực xã hội và chính trị vạn năng của giai cấp có của không bị lắng xuống; đồng thời sự phản kháng cũng chứng minh rõ cho công nhân rằng muốn đập tan thế lực của giai cấp tư sản thì ngoài công liên và bãi công ra, công nhân còn cần phải có cái gì khác hơn thế nữa. Nhưng số công liên ấy và những cuộc bãi công do công liên tổ chức có ý nghĩa trước hết là ở chỗ những hình thức ấy là những ý đồ đầu tiên của công nhân nhằm tiêu diệt cạnh tranh. Tiền đề tồn tại của các hình thức ấy là công nhân đã hiểu rằng sự thống trị của giai cấp tư sản chỉ xây dựng được trên sự cạnh tranh giữa công nhân với nhau, tức là xây dựng trên sự chia rẽ của giai cấp vô sản, trên sự đối lập giữa những loại công nhân này với những loại công nhân khác. Mà chính vì công liên cố gắng chống lại cạnh tranh, chống lại cái dây thần kinh sống của chế độ xã hội hiện tại, mặc dù sự cố gắng đó còn rất phiến diện và rất hạn chế, cho nên chế độ xã hội ấy mới coi nó là nguy hiểm đến thế. Để tiến công giai cấp tư sản và cùng với nó là toàn bộ chế độ xã hội hiện tại, công nhân không thể tìm thấy một chỗ nào hiểm yếu hơn chỗ ấy. Khi công nhân không còn cạnh tranh lẫn nhau nữa, khi mọi người đều hạ quyết tâm không để cho giai cấp tư sản bóc lột mình nữa thì vương quốc của chế độ tư hữu đến ngày tận số. Sở dĩ tiền lương chỉ phụ thuộc vào quan hệ cung và cầu, vào tình hình ngẫu nhiên trên thị trường lao động, chỉ là vì cho đến bây giờ công nhân vẫn để cho người ta coi mình là những vật có thể mua bán được. Khi nào công nhân quyết tâm không để cho người ta mua bán họ nữa, khi nào họ đã thấy rõ giá trị của lao động đúng ra là gì, khi công nhân không còn là đồ vật nữa mà là con người không những chỉ có sức lao động mà còn có ý chí, thì lúc ấy toàn bộ khoa kinh tế chính trị hiện đại và quy luật tiền lương sẽ đi đời. Đương nhiên, nếu công nhân chỉ nhằm sự tiêu diệt cạnh tranh lẫn nhau làm mục đích cuối cùng thì quy luật tiền lương rốt cuộc sẽ dần dần trở lại có hiệu lực. Nhưng công nhân không muốn từ bỏ phong trào từ trước đến nay của họ, không muốn khôi phục sự cạnh tranh lẫn nhau, thì họ không thể dừng lại ở đó được, nói một cách khác là họ không thể làm như vậy được. Tính tất yếu bắt họ phải tiêu diệt cạnh tranh nói chung, chứ không phải tiêu diệt một bộ phận của cạnh tranh thôi, và họ sẽ làm như vậy. Bây giờ công nhân ngày càng hiểu rõ cạnh tranh đã mang lại cho họ những tai hại gì, họ càng hiểu hơn giai cấp tư sản rằng cạnh tranh giữa những người có của cũng sẽ dẫn đến khủng hoảng thương nghiệp, do đó cũng tác hại đến công nhân, cho nên cũng phải tiêu diệt sự cạnh tranh ấy. Họ sẽ hiểu nhanh chóng rằng họ phải làm việc đó như thế nào.

Chẳng cần phải chứng minh rằng công liên đã góp phần tăng cường trên mức độ rất lớn lòng căm thù và phẫn nộ của công nhân đối với giai cấp có của. Trong những thời kỳ kích động đặc biệt, thì từ các công liên ấy nảy sinh ra - vô luận có được sự đồng ý của người lãnh đạo hay không - một số hành động cá biệt chỉ có thể giải thích được bằng sự căm thù đến tuyệt vọng và lòng say sưa man rợ không bờ bến. Thuộc về loại hành động ấy là trường hợp đổ a-xít sun-phua-rích làm bỏng người đã nói ở trên cũng như một loạt những sự việc khác nữa, mà ở đây tôi đơn cử một vài sự việc. Trong phong trào phản đối mãnh liệt của công nhân năm 1831, A-stơn, một chủ xưởng trẻ ở Hai-đơ gần Man-se-xtơ đã bị bắn chết vào một buổi tối ở ngoài đồng và không tìm ra hung thủ. Không còn nghi ngờ gì nữa, đó là một hành vi báo thù của công nhân - Các vụ đốt xưởng và mưu toan gây ra các vụ nổ rất thường xảy ra. Ngày thứ sáu, 29 tháng Chín 1843, có người mưu toan phá nổ xưởng cưa của chủ xưởng Pát-gin ở phố Hô-oác-đơ thuộc Sép-phin-đơ. Vật dùng là một ống sắt nhồi đầy thuốc nổ và bịt kín, sự thiệt hại khá lớn. Ngày hôm sau, 30 tháng Chín, ở Sen-lơ-Mua gần Sép-phin-đơ cũng xảy ra một việc tương tự ở xưởng làm dao và giũa Íp-bét-xơn. Ông Íp-bét-xơn bị công nhân thù ghét vì tích cực tham gia các tổ chức của giai cấp tư sản, trả lương thấp, chuyên môn mướn knobsticks và còn lợi dụng đạo luật về người nghèo để đạt lợi riêng (trong cuộc khủng hoảng năm 1842, hắn bắt công nhân phải nhận lương thấp, báo cho cơ quan trợ giúp người nghèo biết tên những người không chịu nhận lương thấp, nói là họ có thể có công việc mà không muốn làm, do đó không nên cứu tế). Vụ nổ gây nên thiệt hại khá lớn, và tất cả những công nhân có mặt ở nơi xảy ra vụ nổ ấy chỉ tiếc có một điều là "không nổ tung toàn bộ xí nghiệp cho rồi" - Ngày thứ sáu, 6 tháng Mười 1843, có vụ mưu đốt công xưởng En-sơ-ước-tơ và Grơm- tơn ở Bôn-tơn nhưng không thành công; trong một thời gian rất ngắn mà đó là lần thứ ba hoặc thứ tư mưu đốt công xưởng ấy. - Trong phiên họp của hội đồng thành phố Sép-phin-đơ ngày thứ tư, 10 tháng Giêng 1844, uỷ viên cảnh sát cho xem một quả tạc đạn bằng gang, chứa bốn pao thuốc nổ, có ngòi đã đốt nhưng bị tắt, tìm được ở trong xưởng của ông Kít-sen ở phố Éc-lơ thuộc thành phố Sép-phin-đơ. - Ngày chủ nhật, 20 tháng Giêng 1844, nhà máy xẻ gỗ của Ben-tli và Oai-tơ ở Bơ-ry (Lan-kê-sia) bị nổ do gói thuốc nổ ném vào đó và bị thiệt hại nặng nề. - Ngày thứ năm, 1 tháng Hai 1844, xưởng làm bánh xe Xô-hô ở Sép-phin-đơ bị đốt cháy sạch. - Trong vòng bốn tháng đã xảy ra sáu việc như vậy, tất cả đều do lòng căm thù cực độ của công nhân đối với chủ gây nên. Dưới chế độ xã hội như thế nào, mới có thể xảy ra những vụ như vậy thì chẳng cần nói nữa. Những vụ ấy đủ chứng tỏ rõ ràng rằng ở Anh, cuộc chiến tranh xã hội đã nổ ra và đang được tiến hành ngay cả trong thời kỳ phồn vinh của thương nghiệp như cuối năm 1843. Thế mà giai cấp tư sản Anh vẫn chưa tỉnh ngộ! Nhưng sự việc đột xuất nhất là vụ án về cái gọi là Thu-gơ 1)Gla-xgô mà toà án bồi thẩm của thành phố ấy đã xét xử từ ngày 3 đến ngày 11 tháng Giêng 1838. Qua cuộc thẩm vấn, người ta thấy rằng sự đoàn kết và lực lượng của công liên công nhân kéo sợi thành lập từ năm 1816 thực là hiếm có. Đoàn viên công liên phải thề phục tùng quyết định của đa số. Mỗi khi có bãi công, một ban chấp hành bí mật - mà đa số đoàn viên không biết - hoạt động, có toàn quyền sử dụng quỹ của công liên. Ban chấp hành ấy treo thưởng cho những vụ ám sát knobsticks và chủ xưởng đáng căm thù, cũng như cho những vụ đốt xưởng. Ví dụ, có một xưởng đã bị công nhân đốt sạch vì thuê nữ công nhân kéo sợi không vào công liên làm thay công nhân nam; một người mẹ của một thiếu nữ trong số những nữ công nhân ấy tên là Mác Phớc-xơn đã bị giết, và có hai hung thủ được công liên xuất tiền đưa sang Mỹ. - Ngay từ năm 1820, một knobstick tên là Mác-cu-ơ-ri bị bắn bị thương và công liên đã thưởng cho người bắn 15 pao xtéc-linh. Sau đó lại có một người tên là Grê-hêm bị bắn bị thương, người bắn được 20 pao xtéc-linh, nhưng lại bị bắt và bị kết án đày chung thân. Sau cùng vào tháng Năm 1837, ở một số công xưởng ở Ốt-ban-cơ và Mai-lơ En-đơn đã xảy ra rối loạn vì bãi công; có độ mười knobsticks bị đánh đau; tháng Bảy cùng năm đó, vụ rối loạn vẫn chưa yên, có một tên knobstick tên là Xmít bị đánh đến chết. Bấy giờ các uỷ viên ban chấp hành bị bắt và bị thẩm vấn. Chủ tịch ban chấp hành và các uỷ viên nổi tiếng bị truy tố về tội tham gia những đoàn thể phi pháp, về tội hành hung knobsticks và tội đốt công xưởng của Giêm- xơ và Phran-xít Vu-đơ, bị coi là phạm tội và bị kết án đày bảy năm. Đối với những việc ấy, những người Đức lương thiện chúng ta sẽ nói thế nào? 1).

Giai cấp có của, đặc biệt là bộ phận công nghiệp của nó, vì tiếp xúc trực tiếp với công nhân, nên chống lại các công liên kịch liệt nhất và không ngừng ra sức dùng rất nhiều luận điểm để chứng minh với công nhân rằng công liên là vô dụng; theo quan điểm của khoa kinh tế chính trị tư sản thì những luận điểm ấy hoàn toàn đúng, nhưng chính vì vậy mà là sai lầm trên một mặt nhất định và không thể có bất cứ một ảnh hưởng gì đến tư tưởng của công nhân. Chính cái nhiệt tình mà giai cấp tư sản biểu hiện đó đã chứng tỏ rằng việc ấy có quan hệ với lợi ích của chúng nhiều lắm; không nói đến những tổn thất trực tiếp do bãi công gây nên, thì tình hình thực tế là thế này: cái gì chui vào túi của chủ xưởng tất là phải móc ở túi công nhân ra. Dù cho công nhân không hiểu một cách đầy đủ rằng công liên có thể hạn chế một phần nào khát vọng điên cuồng của bọn chủ đua nhau hạ tiền lương, nhưng họ cũng biết rằng bảo tồn công liên là làm hại cho kẻ địch của mình là chủ xưởng, cho nên họ không rời bỏ công liên. Trong chiến tranh, bên này thiệt hại thì bên kia được lợi, và vì công nhân và chủ xưởng ở trong trạng thái chiến tranh cho nên trong trường hợp này họ cũng hành động như bọn vua chúa chí tôn khi chúng túm tóc nhau. - Trong tất cả bọn tư sản, kẻ địch điên cuồng nhất của công liên cũng vẫn là ông bạn quen biết của chúng ta, bác sĩ I-u-rơ. Ông ta tức giận đến sùi bọt mép khi nói đến "toà án bí mật" của những thợ kéo sợi bông - đội ngũ công nhân lớn mạnh nhất -, đến cái toà án tỏ ra có thể bắt bất cứ tên chủ xưởng nào không theo lệnh phải bó tay, "và do đó làm cho những người đã bao nhiêu năm nuôi nấng họ bị phá sản". Ông ta còn nói đến cái thời "mà đầu óc phát minh và quả tim khích động của công nghiệp sẽ bị nô dịch bởi những chân tay ở dưới không yên phận" - Ôi, Mê-nê-ni-út A-gríp-pa hiện đại ơi!113 Tiếc rằng công nhân Anh không giống như những người bình dân La Mã mà dễ bị những chuyện ngụ ngôn làm cho yên lòng ! Cuối cùng, U-rơ còn kể một câu chuyện lý thú dưới đây: Trước kia có thời những thợ kéo sợi kéo sợi thô trên chiếc máy mun đã lạm dụng bừa bãi sức lực của mình. Tiền lương cao không làm cho họ biết ơn chủ xưởng và lo trau dồi trí tuệ (tất nhiên là trong những ngành khoa học không có hại gì và thậm chí còn có lợi cho giai cấp tư sản nữa), trái lại, lại khiến cho họ trở thành ngạo mạn và cho phép họ có thể bỏ tiền ra để nâng đỡ cái tinh thần phản kháng trong những cuộc bãi công nổ ra liên tiếp trong các công xưởng hoàn toàn không có nguyên nhân. Khi loạt sự kiện bất hạnh ấy xảy ra ở Hai-đơ, Đa-kin-phin-đơ và các vùng lân cận, những chủ xưởng ở vùng ấy sợ sự cạnh tranh của người Pháp, người Bỉ và người Mỹ cướp mất thị trường, đã đến tìm xưởng chế tạo máy của Sác-pơ, Rô-bớt và công ty xin ông Sác-pơ trổ tài phát minh của ông để thiết kế một máy mun tự động nhằm "cứu vớt nền sản xuất khỏi sự nô dịch cay đắng và khỏi sự huỷ diệt đang đe dọa nó".

"Mấy tháng sau, một chiếc máy được chế tạo xong, hình như nó có đủ cả trí tuệ, cảm giác và ngón tay của một người công nhân thành thạo. Thế là con người sắt - công nhân gọi cái máy ấy như thế - theo mệnh lệnh của Mi-néc-vơ mà nảy sinh ra từ tay của Prô-mê-tê hiện đại. Đó là vật sáng tạo mang sứ mệnh khôi phục trật tự giữa các giai cấp công nghiệp và đảm bảo quyền thống trị của người Anh trong công nghiệp. Tin tức về cái kỳ công mới kiểu Héc-quyn ấy gieo sự sợ hãi vào công liên, và chưa bước ra khỏi nôi, vật sáng tạo kỳ diệu đó đã bóp chết con Hy-đrơ vô chính phủ".

Tiếp đó, I-u-rơ lại chứng minh rằng sự phát minh cái máy có thể in bốn, năm mầu một lúc là kết quả của sự náo động của công nhân in vải hoa, rằng hành động phản kháng của công nhân hồ sợi dọc ở công xưởng dệt lại dẫn đến sự ra đời của một cái máy hồ sợi hoàn thiện hơn, và ông còn dẫn ra một số sự kiện tương tự nữa 1). Trước đó không lâu, cũng ông I-u-rơ ấy còn cố hết sức chứng minh trên nhiều trang giấy rằng việc sử dụng máy móc là có lợi cho công nhân! - Nhưng không phải chỉ một mình I-u-rơ như thế; trong bản báo cáo về các công xưởng, chủ xưởng A-sơ-ước-tơ và nhiều người khác cũng không bỏ qua cơ hội nào để tuôn ra lòng phẫn nộ của họ đối với công liên. Cũng như một vài chính phủ, những nhà tư sản vô cùng thông minh ấy đem tất cả những phong trào mà họ không thể hiểu được đổ tội cho ảnh hưởng của những người cổ động có ác tâm, những kẻ âm mưu, kẻ mị dân, kẻ hay kêu la, và những thanh niên. Họ khẳng định rằng những người đại diện của công liên phải quan tâm đến việc cổ động, vì họ sống nhờ vào tiền lương của công liên; làm như là không phải chính giai cấp tư sản đã buộc công liên phải trả lương cho những người đại diện ấy, vì họ có chịu thuê mướn những người ấy đâu!

Những cuộc bãi công xảy ra rất nhiều là điều chứng minh rõ ràng nhất rằng cuộc chiến tranh xã hội lan tràn ở nước Anh đến mức độ nào. Không một tuần lễ nào, thậm chí hầu như không có ngày nào là không xảy ra bãi công ở nơi này hay nơi khác, khi thì vì chủ xưởng giảm tiền công, khi thì vì chủ xưởng không chịu tăng lương, khi thì vì chủ xưởng tuyển knobsticks vào xưởng, khi thì vì chủ xưởng không bỏ thói đánh chửi hay những chế độ ác nghiệt, khi thì vì chủ xưởng sử dụng máy mới hoặc do vô số nguyên nhân khác nữa. Đương nhiên những cuộc bãi công ấy mới chỉ là những trận đánh nhỏ ở tiền tiêu, thỉnh thoảng mới chuyển thành những trận chiến đấu tương đối quan trọng; chúng chưa giải quyết được gì, nhưng chúng chứng minh một cách rõ ràng chắc chắn rằng trận đánh quyết định giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản đã đến gần. Bãi công là trường học quân sự của công nhân, ở đấy họ được huấn luyện để chuẩn bị đi vào cuộc đấu tranh vĩ đại đã trở thành không thể tránh khỏi được; bãi công là bản tuyên ngôn của các đội ngũ của giai cấp công nhân tuyên bố tham gia phong trào công nhân vĩ đại; nếu đọc toàn bộ số báo của tờ "Northern Star" trong cả năm, tờ báo duy nhất đăng tin về mọi phong trào của giai cấp vô sản, thì có thể thấy rằng tất cả công nhân ở thành phố và ở các khu công nghiệp ở nông thôn đã họp thành công liên và thỉnh thoảng đã dùng tổng bãi công để phản kháng sự thống trị của giai cấp tư sản. Với tính chất là trường học đấu tranh thì bãi công là không thể thiếu được. Trong bãi công được biểu hiện tính dũng cảm đặc biệt của người Anh. Ở lục địa người ta thường cho rằng người Anh, nhất là công nhân, đều nhát gan, rằng hình như họ không thể làm cách mạng được; ý kiến đó dựa trên cơ sở cho rằng họ không như người Pháp lúc nào cũng sẵn sàng có thể nổi loạn, hình như họ chịu yên phận dưới chế độ tư sản. Những ý kiến đó hoàn toàn sai lầm. Về mặt dũng cảm thì công nhân Anh không kém công nhân bất cứ nước nào; họ không phải là an phận thủ thường hơn người Pháp, nhưng họ đấu tranh theo cách khác. Người Pháp có bản chất chính trị từ đầu đến chân, họ đấu tranh trên vũ đài chính trị chống lại những tệ hại xã hội. Còn người Anh coi chính trị chỉ là để phục vụ lợi ích riêng tư của xã hội tư sản, cho nên họ đấu tranh không phải chống chính phủ mà là trực tiếp chống giai cấp tư sản, và cuộc đấu tranh ấy lúc này chỉ có thể tiến hành có hiệu quả bằng con đường hoà bình. Do công nghiệp đình đốn và nỗi nghèo khổ lại đến theo nên năm 1834 ở Ly-ông đã nổ ra cuộc khởi nghĩa đòi thành lập nước cộng hoà, còn năm 1842 ở Man-se-xtơ đã nổ ra cuộc tổng bãi công đòi Hiến chương nhân dân và tăng lương. Nhưng so với khởi nghĩa, bãi công cũng đòi hỏi sự dũng cảm, thậm chí sự dũng cảm lớn hơn, thường là lớn hơn nhiều và đòi hỏi quyết tâm gan dạ và kiên định hơn nhiều, điều ấy rất rõ ràng. Quả vậy, đối với người công nhân qua kinh nghiệm đã biết nghèo khổ là thế nào, thì việc họ cùng với vợ con can đảm đón nhận sự nghèo khổ, chịu đựng đói rét, thiếu thốn hàng bao nhiêu tháng mà vẫn kiên định, không lung lay, đó thật không phải là việc nhỏ. Người công nhân Anh thà chịu chết dần vì đói, hàng ngày nhìn thấy vợ con đói khát, biết trước rằng một ngày kia giai cấp tư sản sẽ báo thù, họ thà chịu tất cả chứ không cúi đầu dưới ách áp bức của giai cấp có của, những cái ấy lại không so sánh được với cái chết hoặc cảnh tù đày đe doạ những người cách mạng Pháp hay sao! Dưới đây chúng ta sẽ thấy một ví dụ dũng cảm ngoan cường, không cái gì có thể thắng nổi của công nhân Anh, chỉ đến khi phản kháng không có lợi gì nữa và đã mất hết ý nghĩa thì họ mới chịu nhượng bộ trước bạo lực. Chính trong cái tinh thần kiên nhẫn trấn tĩnh ấy, trong cái quyết tâm bền bỉ mỗi ngày phải chịu hàng trăm lần thử thách ấy, công nhân Anh đã tỏ rõ cái khía cạnh đáng quý nhất của tính cách họ. Những người đã chịu đựng mọi đau khổ để bẻ gẫy sự phản kháng của một tên tư sản độc nhất, những người ấy có thể bẻ gãy lực lượng của toàn bộ giai cấp tư sản. Ngoài những cái ấy ra, người công nhân Anh cũng rất nhiều lần tỏ ra dũng cảm. Sở dĩ cuộc bãi công năm 1842 không thu được kết quả nhiều hơn, một phần vì công nhân bị giai cấp tư sản bức phải bãi công, một phần vì bản thân họ chưa nhận thức rõ về mục đích của cuộc bãi công và chưa được đoàn kết nhất trí. Nhưng trong những trường hợp khác, khi đã có mục đích xã hội rõ ràng thì nhiều khi họ đã tỏ ra rất dũng cảm. Không cần nói đến cuộc khởi nghĩa ở Oen-xơ năm 1839, khi tôi đang ở Man-se-xtơ (tháng năm 1843), ở đây đã nổ ra một cuộc chiến đấu thực sự. Một nhà máy làm gạch (Pô-linh và Hen-phri) tăng thêm kích thước của hòn gạch mà không tăng lương, mặc dù hòn gạch lớn hơn phải bán đắt hơn; công nhân đòi tăng lương bị cự tuyệt nên họ đình công, đồng thời công liên cũng tuyên bố tẩy chay hãng ấy. Nhưng hãng ấy bỏ nhiều công sức thuê được công nhân ở các vùng lân cận và trong knobsticks. Đối với những công nhân ấy, lúc đầu công liên chỉ có ý định đe doạ. Để bảo vệ nhà máy, công ty thuê mười hai tên đã từng đi lính hoặc làm cảnh sát và phát súng cho chúng. Vì đe doạ không có hiệu quả cho nên một hôm khoảng mười giờ tối, một toán công nhân làm gạch bố trí thành đội hình chiến đấu với hàng tiền vệ có trang bị súng, tấn công vào nhà máy ở cách trại lính của đơn vị bộ binh chỉ vẻn vẹn 400 bước1). Công nhân lọt vào khu vực nhà máy, thấy bọn bảo vệ liền bắn vào chúng, giẫm nát gạch phơi ở đất, xô đổ những đống gạch khô, gặp cái gì cũng phá huỷ, khi lọt vào trong một ngôi nhà, đập vỡ mọi dụng cụ trong nhà và đánh vợ một đốc công ở đó rất đau. Lúc đó bọn cảnh vệ nấp sau một hàng rào được hàng rào che có thể bắn không bị vướng gì. Những người tiến công dừng lại ở trước một lò gạch đang đốt, ánh lửa chiếu vào họ rất rõ khiến họ thành chiếc bia rất tốt cho địch, còn bản thân họ chỉ bắn hú hoạ. Tuy vậy hai bên bắn nhau hơn nửa giờ, cho đến tận lúc họ hết đạn và đạt được mục đích của cuộc tấn công là phá cho hết mọi cái có thể phá được ở trong nhà máy. Bấy giờ quân đội đến, công nhân rút về phía Ếch-cơn-xơ (cách Man-se-xtơ ba dặm Anh). Lúc sắp đến Ếch-cơn-xơ thì họ điểm danh theo số hiệu của mỗi người trong toán, rồi mới giải tán, đúng ra là chỉ để rơi vào tay cảnh sát từ bốn phía ập lại. Số người bị thương hẳn là rất nhiều, nhưng người ta chỉ biết số người bị rơi vào tay cảnh sát thôi. Một công nhân bị đạn ở ba chỗ: ở đùi, ở chân và ở vai, mà vẫn lê đi được hơn bốn dặm Anh. - Đó là những người đã tỏ ra rằng họ cũng có dũng khí cách mạng và cũng không sợ súng đạn. Nếu như một đám quần chúng tay không mà chính họ cũng không biết bản thân họ muốn gì đã bị bao vây ở một bãi chợ, chỉ có mấy tên long kỵ binh và cảnh sát đứng giữ các lối ra cũng trấn áp được như đã xảy ra năm 1842 thì điều đó còn xa mới chứng minh được rằng quần chúng thiếu dũng cảm; bởi vì lúc ấy, dù cho không có bọn tay sai của chính quyền nhà nước - tức là chính quyền tư sản - ở đó thì quần chúng cũng không làm nên gì cả. Những nơi nào mà nhân dân có mục tiêu rõ ràng thì họ tỏ ra có đầy đủ dũng khí, ví dụ cuộc tấn công công xưởng Bớc-li về sau phải dùng pháo binh để bảo vệ đã chứng minh điều đó.

Nhân dịp này, xin nói vài lời về tính chất thiêng liêng của pháp luật ở Anh. Đối với người tư sản, đương nhiên pháp luật là thiêng liêng, vì pháp luật vốn là do nó đặt ra, được ban bố với sự đồng ý của nó, để bảo vệ cá nhân nó và lợi ích của nó. Người tư sản hiểu rằng dù cho có một đạo luật cá biệt nào bất tiện cho nó nhưng toàn bộ hệ thống pháp luật là để bảo vệ lợi ích của nó, và chủ yếu là nó hiểu rằng tính thiêng liêng của pháp luật, tính bất khả xâm phạm của trật tự do một bộ phận người trong xã hội quy định một cách tích cực theo ý chí của mình, và do một bộ phận người khác tiếp thu một cách tiêu cực, vẫn là trụ cột vững chắc nhất cho địa vị xã hội của nó. Người tư sản Anh thấy bản thân mình được thể hiện trong pháp luật cũng như trong thượng đế, cho nên đối với nó pháp luật là thần thánh, cho nên đối với nó cái dùi cui của cảnh sát, thực chất là dùi cui của nó, có sức xoa dịu lạ thường. Nhưng đối với người công nhân thì đương nhiên không phải thế. Công nhân biết rất rõ và đã thể nghiệm nhiều lần rằng pháp luật đối với anh ta chỉ là cái roi do giai cấp tư sản làm ra, cho nên chỉ khi nào anh ta bị bắt buộc mới gọi đến pháp luật. Thật đáng buồn cười là có người cho rằng công nhân Anh sợ cảnh sát, khi mà mỗi tuần ở Man-se-xtơ đều xảy ra chuyện cảnh sát bị đánh, thậm chí năm ngoái họ còn định tấn công vào một đồn cảnh sát có cửa sắt và cửa chớp dày bảo vệ. Trong cuộc bãi công năm 1842 sở dĩ cảnh sát có uy lực, như đã nói ở trên kia, chẳng qua chỉ vì chính bản thân công nhân do dự.

Bởi vì công nhân không tôn trọng pháp luật, mà chỉ khi nào không đủ sức thay đổi pháp luật thì mới khuất phục, cho nên rất tự nhiên là ít ra họ cũng muốn đưa ra kiến nghị sửa đổi pháp luật, và họ ra sức lấy pháp luật vô sản thay cho pháp luật tư sản. Pháp luật do giai cấp vô sản đề ra như thế là Hiến chương nhân dân (People's Charter), về hình thức, văn kiện ấy có tính chất thuần tuý chính trị và đòi cải tổ hạ nghị viện theo nguyên tắc dân chủ. Phong trào Hiến chương là sự biểu hiện tập trung của sự chống đối giai cấp tư sản. Trong hoạt động của các công liên và trong bãi công, sự phản kháng ấy vẫn luôn luôn còn phân tán; vẫn là những công nhân cá biệt hoặc những bộ phận công nhân đấu tranh với những người tư sản cá biệt. Dù cho cuộc đấu tranh có lúc mang tính chất phổ biến, thì phần nhiều cũng không phải do công nhân tự giác; khi công nhân tự giác làm như vậy thì cơ sở của thứ tự giác ấy là phong trào Hiến chương. Trong phong trào Hiến chương toàn bộ giai cấp công nhân đứng dậy chống giai cấp tư sản, tiến công trước hết vào chính quyền của giai cấp tư sản, tiến công vào bức tường pháp luật mà giai cấp tư sản dùng để bảo hộ mình. Phong trào Hiến chương xuất phát từ Đảng dân chủ, đảng này phát triển từ những năm 80 của thế kỷ XVIII, đồng thời với giai cấp vô sản và ở trong giai cấp vô sản, lớn mạnh lên trong thời kỳ Cách mạng Pháp và sau khi ký kết hoà ước thì thành Đảng "cấp tiến". Bấy giờ trung tâm chủ yếu của nó là Bớc-minh-hêm và Man-se-xtơ, còn trước kia là Luân Đôn. Đảng ấy do sự liên minh với phái tư sản tự do chủ nghĩa đã buộc bọn đầu sỏ trong nghị viện cũ thông qua dự luật cải cách và từ đó nó đã càng ngày càng được củng cố trở thành chính đảng của công nhân đối lập với giai cấp tư sản. Năm 1835 một uỷ ban của Tổng hội liên hiệp công nhân (Working Men's Association) ở Luân Đôn do Uy-li-am Lô-vét đứng đầu đã thảo ra Hiến chương nhân dân gồm "sáu điểm" sau đây: 1) quyền phổ thông đầu phiếu cho mọi người đàn ông đến tuổi thành niên có tinh thần lành mạnh và không phạm tội; 2) nghị viện mỗi năm bầu lại một lần; 3) nghị sĩ có phụ cấp để cho người không có tài sản cũng có thể làm đại biểu được; 4) bỏ phiếu kín để ngăn ngừa sự mua chuộc và sự đe doạ của giai cấp tư sản; 5) phân chia khu bầu cử cho bình đẳng để bảo đảm quyền đại biểu bình đẳng; 6) thủ tiêu sự hạn chế tư cách đại biểu - vốn có tính chất thuần tuý hình thức và chỉ dành quyền ứng cử cho những người có địa sản ít nhất là 300 pao xtéc-linh - để cho mỗi cử tri đều có quyền ứng cử. - Sáu điểm ấy chỉ đề cập đến cơ cấu của hạ nghị viện, thoạt nhìn thì hiền lành thôi, nhưng vẫn đủ để quét sạch hiến pháp nước Anh với cả Nữ hoàng và thượng nghị viện. Sở dĩ cái gọi là thành phần quân chủ và thành phần quý tộc còn tồn tại trong hiến pháp cho đến ngày nay chẳng qua chỉ vì giai cấp tư sản thấy duy trì nó làm chiêu bài thì có lợi; có hai loại thành phần ấy hiện nay đều chỉ tồn tại bề ngoài mà thôi. Nhưng nếu hạ nghị viện được dư luận toàn quốc ủng hộ, nếu nó biểu hiện ý chí không những chỉ của giai cấp tư sản mà của toàn thể dân tộc thì nó sẽ thu được toàn bộ quyền lực về mình, khiến cho bọn quân chủ và quý tộc mất hẳn cái hào quang thần thánh cuối cùng ở trên đầu họ. Công nhân Anh không tôn kính gì những thượng nghị sĩ và Nữ hoàng, nhưng trong khi đó giai cấp tư sản lại tỏ lòng tôn kính họ như thần thánh, mặc dù trong thực tế rất ít quan tâm đến ý kiến của họ. Về chính trị, những người theo phái Hiến chương ở Anh là những người cộng hoà mặc dù họ hầu như không dùng hoặc rất ít dùng từ này; thực tế thì họ đồng tình với các đảng cộng hoà các nước, nhưng thích tự xưng mình là người dân chủ. Họ không phải chỉ là những người cộng hoà đơn thuần, và chủ nghĩa dân chủ của họ cũng không phải chỉ hạn chế ở mặt chính trị thuần tuý.

Đúng là ở bước đầu của nó từ năm 1835 phong trào Hiến chương chủ yếu là được truyền bá trong công nhân, nhưng vẫn chưa cách biệt hẳn với giai cấp tiểu tư sản cấp tiến. Chủ nghĩa cấp tiến công nhân cắp tay nhau cùng đi với chủ nghĩa cấp tiến tư sản. Hiến chương là khẩu hiệu chung của họ, hàng năm họ cùng nhau tổ chức "hội nghị quốc dân", và thành lập hình như chỉ là một đảng. Đó là do bấy giờ giai cấp tiểu tư sản sau khi cảm thấy tuyệt vọng vì kết quả của dự luật cải cách và vì sự đình đốn của thương nghiệp trong những năm 1837 - 1839 đang có tâm lý rất hiếu chiến và muốn đổ máu, và do sự cổ động nhiệt liệt của phái Hiến chương rất hợp với lòng họ. Ở nước Đức người ta không thể nào hình dung được tính chất quyết liệt của sự cổ động ấy. Người ta kêu gọi nhân dân cầm vũ khí, thậm chí kêu gọi nhân dân khởi nghĩa. Người ta chế tạo giáo mác cũng như ở thời Cách mạng Pháp trước kia. Năm 1838, trong phong trào có một giáo sĩ thuộc phái giáo lý tên là Xtê-phen nói với cư dân Man-se-xtơ như sau:

"Đừng sợ lực lượng của chính phủ, đừng sợ binh sĩ, lưỡi lê và đại bác của những kẻ áp bức các anh, - các anh có trong tay một thứ vũ khí có sức mạnh hơn tất cả những cái đó, - một thứ vũ khí mà lưỡi lê và đại bác không thể làm gì được. Vũ khi đó, đứa trẻ con lên mười tuổi cũng có thể sử dụng được. Chỉ cần một vài que diêm và một nắm cỏ khô tẩm hắc ín là đủ rồi! Tôi muốn xem nếu người ta dùng vũ khí đó một cách dũng cảm thì cuối cùng chính phủ và mấy chục vạn binh sĩ của nó sẽ làm gì để chống lại!"[1]

Nhưng đồng thời bấy giờ tính chất xã hội đặc biệt của phong trào Hiến chương của công nhân cũng được biểu hiện. Trong cuộc hội nghị có 20 vạn người dự ở Cớc-xôn - Mua mà chúng tôi đã nói đến là "Núi thánh" của Man-se-xtơ, giáo sĩ Xtê-phen ấy lại nói rằng:

"Các bạn, phong trào Hiến chương không phải là một vấn đề chính trị nhằm dành quyền bầu cử cho các bạn v.v..; phong trào Hiến chương là vấn đề bát đĩa; hiến chương tức là ở tốt, ăn ngon, lương cao, ngày lao động ngắn".

Vì vậy phong trào chống đạo luật mới về người nghèo và đòi dự luật mười giờ đã có liên hệ hết sức mật thiết với phong trào Hiến chương. Trong mọi cuộc mít-tinh thời ấy đều có mặt người thuộc đảng To-ri là Ô-xtơ-lơ và ngoài đơn thỉnh nguyện của quốc dân đòi thực hiện Hiến chương nhân dân đã được thông qua ở Bớc-minh-hêm ra, còn có hàng trăm đơn thỉnh nguyện về việc cải thiện tình cảnh xã hội của công nhân. Năm 1839, sự cổ động vẫn tiếp tục sôi nổi và đến cuối năm ấy, khi phong trào bắt đầu dịu xuống một ít thì Bát-xi, Tay-lo và Phrô-xtơ vội vàng tổ chức một cuộc khởi nghĩa trong cùng một lúc ở Bắc Anh, ở Y-oóc-sia và ở Oen-xơ. Vì kế hoạch của Phrô-xtơ bị kẻ phản bội cáo giác, ông ta buộc phải phát động khởi nghĩa quá sớm cho nên đã thất bại. Những người tổ chức khởi nghĩa ở miền Bắc biết được tin về ý đồ của Phrô-xtơ bị thất bại đã kịp thời rút lui. Hai tháng sau, tháng Giêng 1840, ở Y-oóc-sia đã nổ ra mấy cuộc gọi là bạo động cảnh sát (spy-outbreks) 114 - ví dụ ở Sép-phin-đơ và Brát-phoóc, - rồi sau đó phong trào dần dần lắng xuống. Trong khi đó giai cấp tư sản lại tập trung lực lượng xoay sang mưu tìm những dự án thực tế hơn, có lợi hơn cho họ, đó là việc phế bỏ các đạo luật ngũ cốc. Ở Man-se-xtơ đã thành lập hiệp hội chống các đạo luật ngũ cốc, hiệp hội ấy ra đời đã làm suy yếu sự liên kết giữa giai cấp tư sản cấp tiến và giai cấp vô sản. Công nhân hiểu rõ rất nhanh rằng bãi bỏ đạo luật ngũ cốc có lợi rất ít cho họ mà chắc chắn là có lợi rất lớn cho giai cấp tư sản, cho nên dự án đó của giai cấp tư sản không được họ ủng hộ. Thế rồi cuộc khủng hoảng năm 1842 nổ ra. Công tác cổ động lại sôi nổi lên như năm 1839. Nhưng lần này giai cấp tư sản công nghiệp giàu có cũng tham gia, vì họ bị thiệt hại rất lớn trong cuộc khủng hoảng này. Hiệp hội do các chủ xưởng ở Man-se-xtơ tổ chức, nay gọi là Đồng minh chống đạo luật ngũ cốc đã mang tính chất chiến đấu và cấp tiến rất cao. Báo chí và những người cổ động của họ bắt đầu dùng ngôn ngữ cách mạng công khai; một trong những nguyên nhân của tình hình ấy là từ năm 1841 Đảng bảo thủ nắm được chính quyền. Cũng như phái Hiến chương trước kia, bây giờ Đồng minh cũng bắt đầu công khai kêu gọi khởi nghĩa, còn những công nhân chịu đau khổ nhất trong cuộc khủng hoảng cũng không ngồi yên, cái đơn thỉnh nguyện năm ấy có 3 triệu rưởi người ký tên chứng tỏ điều đó. Tóm lại, nếu hai đảng cấp tiến ấy trước kia có hơi xa nhau thì bây giờ lại liên minh với nhau. Ngày 15 tháng Hai 1842, trong hội nghị liên tịch tổ chức ở Man-se-xtơ, Đảng tự do và phái Hiến chương thảo một lá đơn thỉnh nguyện yêu cầu huỷ bỏ các đạo luật ngũ cốc và thực hành Hiến chương; ngày hôm sau hai đảng đều thông qua đơn thỉnh nguyện ấy. Mùa xuân và mùa hè trôi qua trong cảnh cổ động náo nhiệt và tình hình nghèo khổ ngày càng nghiêm trọng. Giai cấp tư sản quyết tâm lợi dụng khủng hoảng, sự nghèo khổ do khủng hoảng gây ra và tình hình náo động phổ biến để nhằm đạt mục đích phế bỏ các đạo luật ngũ cốc. Vì lần này những người thuộc đảng To-ri nắm chính quyền nên giai cấp tư sản cơ hồ vứt bỏ cái lòng yêu quý pháp luật của họ: họ muốn có cách mạng, nhưng lại muốn mượn tay công nhân làm. Họ muốn bắt công nhân phải thò tay vào lửa lấy hạt dẻ cho họ, và vì họ mà chịu bỏng tay mình. Chỗ nào cũng lại đưa ra khẩu hiệu "tháng thần thánh" mà phái Hiến chương đề ra năm 1839, tức là tổng bãi công của công nhân; nhưng lần này không phải công nhân muốn nghỉ việc mà là chủ xưởng muốn đóng cửa nhà máy, đưa công nhân về nông thôn, đẩy họ đến những lãnh địa của bọn quý tộc, muốn dùng thủ đoạn ấy để buộc nghị viện và chính phủ của đảng bảo thủ phải bãi bỏ thuế ngũ cốc. Lẽ tự nhiên là cái đó có thể đưa đến khởi nghĩa, những giai cấp tư sản vẫn nấp trong bóng tối và có thể ngồi yên mà chờ kết quả, vạn nhất có thất bại thì cũng không nguy hiểm gì đến mình. Cuối tháng Bảy tình hình thị trường bắt đầu hơi khá một chút; không thể trì hoãn được nữa, và để khỏi lỡ thời cơ, ba công ty ở Xtê-li-brít-giơ đột nhiên hạ tiền lương xuống chính trong khi tình hình kinh tế đang khá lên (xem báo cáo về thương nghiệp của Man-se-xtơ và Lít-xơ cuối tháng Bảy và đầu tháng Tám). Họ tự động làm thế hay có thoả thuận với các chủ xưởng khác, đặc biệt là với Đồng minh, tôi không thể nói quả quyết được. Nhưng chẳng bao lâu hai công ty phải rút lui, còn công ty thứ ba, tức công ty Uy-li-am Bê-li và anh em thì vẫn không lay chuyển và tuyên bố đáp lại lời phàn nàn của công nhân, rằng nếu họ không thích thế thì tốt hơn hết là họ cứ việc đi dạo chơi một thời gian. Câu nói châm biếm ấy khiến cho công nhân la ó phẫn nộ và rời bỏ công xưởng toả ra khắp thành phố để kêu gọi tất cả công nhân bãi công. Chỉ sau mấy giờ tất cả các công xưởng đều ngừng việc, công nhân kết thành từng đoàn kéo đến Mốt-tơ-ram - Mua để họp mít-tinh. Bấy giờ là ngày 5 tháng Tám. Ngày 5 tháng Tám 5000 người kéo nhau đến A-stơn và Hai-đơ khiến mọi công xưởng và mỏ than đều ngừng việc, và tổ chức những cuộc mít-tinh ở khắp nơi, ở đấy không phải là nói về việc phế bỏ đạo luật ngũ cốc như giai cấp tư sản hy vọng, mà là nói về "tiền công phải chăng cho một ngày lao động phải chăng (a fair day's wages for a fair day's work)".

Ngày 9 tháng Tám họ kéo đến Man-se-xtơ; vì các nhà đương cục địa phương đều là người của Đảng tự do nên họ không gặp ngăn trở gì về phía các nhà đương cục, khiến mọi công xưởng ở đó đều ngừng việc. Ngày 11 tháng Tám họ đến Xtốc-phoóc; khi họ xông vào nhà tế bần, đứa con cưng của giai cấp tư sản, thì lần đầu tiên họ gặp sức kháng cự. Cùng ngày hôm ấy ở Bôn-tơn đã nổ ra tổng bãi công và nhiều cuộc náo động mà các nhà đương cục cũng không cản trở gì; chẳng bao lâu cuộc khởi nghĩa đã lan rộng đến mọi khu công nghiệp, trừ công việc gặt hái và công nghiệp thực phẩm, tất cả công việc khác đều đình chỉ. Nhưng các công nhân khởi nghĩa vẫn bình tĩnh. Không phải chính tự họ muốn nổi lên mà là bị bắt buộc: trừ một người, đảng viên đảng To-ri, ở Man-se-xtơ tên là Bớc-li ra, các chủ xưởng, đều làm trái với thói quen của họ, không chống lại bãi công. Sự việc đã bắt đầu nổ ra, nhưng bản thân công nhân không có mục đích rõ ràng. Thật ra tất cả họ hoàn toàn nhất trí ở một điểm là không có lý gì lại xông vào lửa đạn để bảo vệ lợi ích của bọn chủ xưởng chống đạo luật ngũ cốc, nhưng về các mặt khác, thì một số người đòi thực hiện Hiến chương nhân dân, một số khác lại cho rằng việc đó còn quá sớm và chỉ đòi khôi phục lại mức tiền lương năm 1840 thôi. Toàn bộ cuộc nổi dậy vì thế mà thất bại. Giả sử ngay lúc đầu nó đã là cuộc khởi nghĩa của công nhân tự giác, có mục đích rõ rằng thì nhất định nó đã thắng lợi được rồi. Nhưng quần chúng bị bọn chủ xua ra đường phố trái với nguyện vọng của họ, không có mục đích gì rõ rệt nên không thể làm được gì. Đồng thời giai cấp tư sản chẳng thèm nhúc nhích gì để thực hiện những điều thoả thuận ngày 15 tháng Hai, đã rất nhanh chóng hiểu ra rằng công nhân không muốn làm công cụ dễ sai khiến của họ, và cái hành vi không trước sau như một mà họ đã thể hiện trong việc họ né tránh con đường "hợp pháp" lúc này rất nguy hiểm cho bản thân họ; sau khi hiểu được điều đó họ bèn trở về lập trường tôn trọng pháp luật, chạy về phía chính phủ chống lại những công nhân do chính họ xúi giục, rồi sau đó bắt buộc phải khởi nghĩa. Giai cấp tư sản và tay sai trung thành của họ gia nhập các đội cảnh sát đặc biệt ở Man-se-xtơ, đến các nhà buôn người Đức cũng tham gia, tay cầm can, mồm ngậm xì-gà, đi diễu một cách hoàn toàn vô ích trên các đường phố; ở Prét-xtơn họ ra lệnh bắn vào nhân dân, thế là cuộc khởi nghĩa tự phát của nhân dân bỗng nhiên phải đối diện không những với lực lượng vũ trang của chính phủ, mà còn với toàn bộ giai cấp có của. Công nhân vốn không có mục đích gì rõ ràng nên đã dần dần giải tán, và cuộc khởi nghĩa kết thúc không có hậu quả gì nghiêm trọng. Sau đó, giai cấp tư sản còn làm nhiều điều bỉ ổi khác; họ tỏ ra ghê tởm những hành động bạo lực của nhân dân hòng tự bào chữa, thái độ ấy thực chẳng ăn khớp gì với những lời lẽ cách mạng mà họ đã phát ra hồi mùa xuân; họ đổ tất cả tội lỗi cho những "kẻ xúi giục" thuộc phái Hiến chương v.v., mặc dù để gây ra khởi nghĩa, chính họ đã làm nhiều hơn phái Hiến chương, họ lại trở về một cách vô liêm sỉ cực độ cái lập trường cũ của họ về tính thiêng liêng của pháp luật. Phái Hiến chương hầu như hoàn toàn không tham gia công việc chuẩn bị khởi nghĩa, họ chỉ làm cái việc mà chính giai cấp tư sản đã sửa soạn làm, tức là lợi dụng tình thế, nhưng họ lại bị toà án truy tố và xử tội, còn giai cấp tư sản thì không mất gì, mà trái lại trong thời kỳ đình công lại còn có thể bán hết được hàng hoá tồn kho để thu lợi.

Kết quả của cuộc khởi nghĩa này là sự tách rời hoàn toàn giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản. Phái Hiến chương trước đây cũng hoàn toàn không che giấu rằng họ sẵn sàng dùng mọi biện pháp để thực hiện Hiến chương của họ, thậm chí bằng cách mạng. Nhưng giai cấp tư sản lúc này bỗng nhiêu hiểu rõ rằng bất cứ sự biến chuyển bằng bạo lực nào cũng đều nguy hiểm cho họ, và không muốn nghe nói đến "lực lượng vật chất" nữa, mà chỉ muốn dùng "lực lượng tinh thần" để đạt mục đích của họ, dường như lực lượng tinh thần với sự đe doạ trực tiếp hay gián tiếp dùng lực lượng vật chất là hai cái khác hẳn nhau. Đó là một trong những điểm tranh cãi, nhưng về sau điểm tranh cãi ấy đã bị thủ tiêu do lời tuyên bố của phái Hiến chương, - phái này cũng đáng tin cậy như giai cấp tư sản tự do, - nói rằng họ cũng không cần đến lực lượng vật chất. Điểm tranh cãi thứ hai, và là điểm quan trọng nhất, giúp cho phong trào Hiến chương có được hình thức chân thực của nó, là vấn đề đạo luật ngũ cốc. Quan tâm đến việc phế bỏ đạo luật ấy là giai cấp tư sản cấp tiến chứ không phải là giai cấp vô sản. Vì thế Đảng Hiến chương trước kia liền chia làm hai đảng mà những nguyên tắc chính trị của hai đảng ấy trên lời nói hoàn toàn giống nhau, nhưng trên thực tế thì hoàn toàn khác nhau đến không thể điều hoà được. Tại hội nghị quốc dân Bớc-minh-hêm tháng Giêng 1843, đại biểu của giai cấp tư sản cấp tiến Xtuốc-giơ đề nghị bỏ cái tên Hiến chương ở trong điều lệ của Hiệp hội Hiến chương đi, lý do là sau cuộc khởi nghĩa cái tên ấy khiến người ta liên tưởng đến những hành động cách mạng bạo lực; nhưng mối liên hệ ấy đã có từ nhiều năm về trước mà trước kia ông Xtuốc-giơ chẳng phản đối bao giờ. Công nhân không muốn bỏ cái tên ấy và, khi biểu quyết vấn đề, ông Xtuốc-giơ bị thất bại. Anh tín đồ Cơ Đốc giáo ấy bỗng nhiên biến thành một giáo hữu trung thành, dắt đoàn người thiểu số rút khỏi hội trường và thành lập "Hiệp hội đấu tranh cho quyền đầu phiếu hoàn toàn" gồm những thành phần tư sản cấp tiến. Người tư sản mới cách đây ít lâu còn là Gia-cô-banh ấy bỗng thấy khó chịu với những hồi ức cũ, đến nỗi ông ta phải đổi từ ngữ quyền phổ thông đầu phiếu (universal suffrage) thành từ ngữ đáng buồn cười: quyền đầu phiếu hoàn toàn (complete suffrage). Công nhân chế giễu ông ta và vẫn thản nhiên tiếp tục đi theo con đường của mình.

Từ đó, phong trào Hiến chương đã trở thành một phong trào công nhân thuần tuý, không còn phần tử tư sản nào nữa. Các cơ quan báo chí đòi quyền đầu phiếu "hoàn toàn", - "Weekly Dispatch", "Weekly Chronicle", "Examiner", v.v.,- dần dần rơi vào giọng điệu nhạt nhẽo như những tờ báo khác của phái tự do, ủng hộ tự do buôn bán, công kích dự luật mười giờ và tất cả mọi yêu cầu đặc biệt của công nhân, nói chung là ít thấy chủ nghĩa cấp tiến. Trong mọi cuộc xung đột, bọn tư sản cấp tiến đều liên kết với Đảng tự do chống phái Hiến chương, họ đặt trọng tâm sự chú ý vào vấn đề về các đạo luật ngũ cốc, đối với người Anh vấn đề đó không phải gì khác hơn vấn đề tự do cạnh tranh. Do đó giai cấp tư sản cấp tiến đã hoàn toàn lệ thuộc vào ảnh hưởng của giai cấp tư sản tự do và hiện nay họ đóng vai trò hết sức thảm hại.

Những công nhân thuộc phái Hiến chương lại càng tham gia tích cực bội phần vào mọi cuộc chiến đấu của giai cấp vô sản chống giai cấp tư sản. Tự do cạnh tranh dễ gây nhiều đau khổ cho công nhân nên họ căm thù nó; những kẻ ủng hộ tự do cạnh tranh, bọn tư sản, là kẻ tử thù của họ. Tự do cạnh tranh hoàn toàn chỉ có hại cho công nhân thôi. Tất cả yêu cầu của họ từ trước cho đến nay - dự luật mười giờ, bảo hộ công nhân chống lại nhà tư bản, lương cao, chỗ làm bảo đảm, phế bỏ đạo luật mới về người nghèo - tất cả những yêu cầu ấy, ít ra cũng là một bộ phận không thể tách rời của phái Hiến chương như là "sáu điểm", trực tiếp chống lại tự do cạnh tranh và tự do buôn bán. Cho nên không nên lấy gì làm lạ rằng công nhân không muốn biết gì về tự do cạnh tranh, về tự do buôn bán, về việc phế bỏ các đạo luật ngũ cốc, ít nhất là rất thờ ơ với những yêu cầu ấy, thù ghét sâu sắc những người ủng hộ chúng, - điều ấy toàn thể giai cấp tư sản Anh không thể hiểu được. Chính ở vấn đề này mà giai cấp vô sản chia tay với giai cấp tư sản, phong trào Hiến chương chia tay với phong trào cấp tiến, và lý trí của người tư sản không thể hiểu được điều này bởi vì không thể hiểu được giai cấp vô sản.

Nhưng đó cũng là chỗ khác nhau giữa nền dân chủ của phong trào Hiến chương với mọi thứ dân chủ chính trị trước đây của giai cấp tư sản. Về bản chất, phong trào Hiến chương là một hiện tượng có tính chất xã hội. "Sáu điểm" đối với người tư sản cấp tiến là hoàn toàn đầy đủ rồi và nhiều lắm chỉ có thể gây ra một vài điều cải cách hiến pháp, còn đối với người vô sản thì chỉ là một thủ đoạn. "Quyền lực chính trị là thủ đoạn của chúng ta, hạnh phúc xã hội là mục đích của chúng ta", đó là khẩu hiệu của phái Hiến chương ngày nay được nêu lên rõ ràng. Lời của giáo sĩ Xtê-phen nói về "vấn đề bát đĩa", vào năm 1838 chỉ là chân lý đối với một bộ phận những người thuộc phái Hiến chương, đến năm 1845 thì đã là chân lý đối với tất cả mọi người. Trong phái Hiến chương không còn có những nhà chính trị thuần tuý nữa. Thực ra thì chủ nghĩa xã hội của họ còn ở trạng thái manh nha, mãi đến nay họ vẫn cho rằng biện pháp chia nhỏ ruộng đất (allment-system) là biện pháp chủ yếu để tiêu diệt nghèo khổ, mà biện pháp ấy đã thành lỗi thời do sự phát triển công nghiệp (xem "Lời nói đầu") và nói chung đại đa số kiến nghị về mặt thực tiễn của họ (những biện pháp bảo hộ vì lợi ích của công nhân, v.v.) xem bề ngoài đều mang tính chất phản động. Nhưng, một mặt, bản thân những biện pháp do họ đề nghị ấy hoặc không thể chịu nổi đòn của cạnh tranh - và bấy giờ tình trạng trước kia sẽ được khôi phục lại, - hoặc là phải tiêu diệt bản thân cạnh tranh; mặt khác, chính tình trạng mơ hồ hiện nay của phong trào Hiến chương và việc nó tách khỏi đảng chính trị thuần tuý tất yếu phải làm cho những đặc trưng của phong trào Hiến chương do bản chất xã hội của nó quyết định tiếp tục phát triển. Phong trào Hiến chương tất nhiên tiến gần đến chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là khi nổ ra cuộc khủng hoảng thường kỳ sắp tới, cuộc khủng hoảng này tất đi theo sau tình hình phồn vinh hiện nay của công nghiệp và thương nghiệp, chậm nhất là vào năm 18471), nhưng có lẽ là ngay sang năm cũng nên, - một cuộc khủng hoảng vượt xa tất cả những cuộc khủng hoảng trước kia về mức độ kịch liệt và sâu sắc, nó buộc công nhân càng phải tìm lối thoát khỏi cảnh nghèo khổ trong lĩnh vực xã hội, chứ không phải trong lĩnh vực chính trị. Công nhân sẽ thực hiện được Hiến chương của mình, dĩ nhiên là như thế, nhưng đến lúc đó họ sẽ hiểu rõ thêm rất nhiều việc mà họ sẽ có thể thực hiện được thông qua Hiến chương, nhưng bây giờ thì họ còn chưa hình dung được rõ ràng.

Đồng thời, việc cổ động cho chủ nghĩa xã hội cũng đang tiếp tục phát triển. Về chủ nghĩa xã hội Anh, ở đây chỉ nói đến ảnh hưởng của nó đối với giai cấp công nhân. Những người xã hội chủ nghĩa Anh đòi thực hiện dần dần chế độ công hữu tài sản bằng biện pháp lập những "khu di dân trong nước" gồm 2-3 nghìn người chuyên về công nghiệp hay nông nghiệp, hưởng quyền lợi bình đẳng và được tiếp thu giáo dục như nhau; những người xã hội chủ nghĩa Anh đòi: tạo những điều kiện dễ dàng cho việc ly hôn, thiết lập một chính thể hợp lý trong đó người ta có quyền hoàn toàn tự do phát biểu ý kiến, thủ tiêu các hình phạt và phải thay vào đó bằng cách đối xử hợp lý với tội phạm. Đó là những yêu cầu thực tiễn của họ; chúng tôi không chú ý đến nguyên tắc lý luận của họ ở đây.- Người sáng lập ra thứ chủ nghĩa xã hội Anh là một chủ xưởng, tên là Ô-oen. Cho nên chủ nghĩa xã hội của ông, về thực chất, đã vượt lên trên sự đối lập giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản, nhưng về hình thức thì vẫn hết sức khoan dung đối với giai cấp tư sản và ở nhiều mặt rất bất công đối với giai cấp vô sản. Những người xã hội chủ nghĩa hết sức hiền lành và ôn hoà; dù chế độ xã hội hiện tại có xấu như thế nào, họ vẫn thừa nhận nó, bởi vì ngoài sự tranh thủ dư luận xã hội ra thì họ phủ nhận mọi con đường khác để cải biến nó. Đồng thời, những nguyên tắc của họ trừu tượng đến nỗi nếu chúng vẫn giữ những hình thức hiện nay thì không bao giờ có thể tranh thủ được dư luận xã hội. Ngoài ra, những người xã hội chủ nghĩa còn luôn luôn than phiền đạo đức suy đồi của các giai cấp hạ đẳng; họ không thấy được những yếu tố tiến bộ trong sự tan rã đó của chế độ xã hội và không thấy được sự suy đồi đạo đức tệ hại hơn nhiều của các giai cấp có của giả nhân giả nghĩa, chỉ theo đuổi lợi riêng. Họ không thừa nhận sự phát triển lịch sử, cho nên họ mưu tính đưa đất nước vào tình trạng cộng sản chủ nghĩa ngay lập tức, chứ không phải bằng con đường tiếp tục triển khai cuộc đấu tranh chính trị cho đến khi hoàn thành và bản thân nó cũng thủ tiêu [sich selbst auflost] 1*. Cố nhiên họ không hiểu tại sao công nhân căm thù người tư sản, nhưng họ cho rằng lòng phẫn nộ, cái duy nhất có thể đưa công nhân tiến lên ấy, là vô ích, và họ đề cao lòng từ thiện và bác ái càng vô ích hơn trong thực tế hiện nay của nước Anh. Họ chỉ thừa nhận sự phát triển của tâm lý, chỉ  thừa nhận sự phát triển của con người trừu tượng không có liên hệ gì với quá khứ, trong khi toàn bộ thế giới, và cùng với nó là mỗi cá nhân riêng lẻ đều trưởng thành từ quá khứ đó. Vì vậy họ quá mọt sách, quá siêu hình, và kết quả của họ chẳng được bao nhiêu. Một phần môn đồ của họ là thuộc giai cấp công nhân, nhưng họ chỉ thu hút được một bộ phận rất ít, tuy đó là bộ phận có học nhất và kiên định nhất. Chủ nghĩa xã hội, trong hình thức hiện tại của nó, quyết không thể thành tài sản chung của giai cấp công nhân; muốn thế nó cần phải hạ thấp trình độ của mình và tạm thời trở về quan điểm của phái Hiến chương. Nhưng chủ nghĩa xã hội đã trải qua sự thử thách của phong trào Hiến chương, đã loại trừ được những thành phần tư sản, chủ nghĩa xã hội vô sản chân chính, hiện nay đã được hình thành ở rất nhiều người xã hội chủ nghĩa và nhiều lãnh tụ của phong trào Hiến chương - những người này hầu như là những người xã hội chủ nghĩa hoàn toàn1),- chủ nghĩa xã hội ấy không bao lâu nữa sẽ đảm nhiệm vai trò trọng yếu trong sự phát triển lịch sử của nhân dân Anh. Chủ nghĩa xã hội Anh có cơ sở rộng hơn nhiều so với chủ nghĩa cộng sản ở Pháp, nhưng về mặt phát triển 1* của nó thì lại lạc hậu hơn, nên tạm thời phải quay về quan điểm của người Pháp để sau này lại sẽ vượt xa hơn. Cố nhiên là đến lúc đó thì người Pháp cũng sẽ phát triển lên nữa. Chủ nghĩa xã hội đồng thời cũng là biểu biện kiên quyết nhất của thái độ không tín ngưỡng tôn giáo đang ngự trị trong công nhân, đồng thời biểu hiện gay gắt đến nỗi, công nhân, vốn có thái độ không tín ngưỡng tôn giáo một cách không tự giác và thuần tuý thực tiễn thôi, thường đâm ra sợ hãi sự gay gắt đó. Nhưng ở đây sự nghèo khổ cũng bắt buộc công nhân phải bỏ tín ngưỡng là cái điều mà họ càng ngày càng tin chắc chỉ có thể làm cho họ thành uỷ mị và yên phận, ngoan ngoãn phục tùng giai cấp có của là kẻ đang vắt cạn nhựa sống của họ.

Như vậy là chúng ta thấy phong trào công nhân chia thành hai phái: phái xã hội chủ nghĩa và phái Hiến chương. Phái Hiến chương lạc hậu hơn, ít phát triển hơn, nhưng họ là những người vô sản chân chính, thực thụ, là đại biểu của giai cấp vô sản. Những người xã hội chủ nghĩa nhìn xa hơn, đề ra những biện pháp thực tiễn để tiêu diệt nghèo khổ, nhưng họ có nguồn gốc từ giai cấp tư sản, cho nên họ không thể hoà mình vào giai cấp công nhân được. Sự hợp nhất giữa chủ nghĩa xã hội và phong trào Hiến chương, sự tái hiện của chủ nghĩa cộng sản Pháp vận dụng trong hoàn cảnh của Anh là việc tất sẽ xảy ra trong tương lai gần đây và đã chớm nở một phần rồi. Chỉ khi nào thực hiện được điểm ấy thì giai cấp công nhân mới thật sự trở thành chủ nhân của nước Anh; đồng thời sự phát triển chính trị và xã hội sẽ được đẩy mạnh và sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cái chính đảng mới ra đời ấy, cho bước phát triển sau này ấy của phong trào Hiến chương.

Những nhóm công nhân khác nhau ấy, khi hoà thành một dòng, khi đi riêng lẻ, - những đoàn viên công liên, những người Hiến chương và những người xã hội chủ nghĩa -, tự bỏ tiền ra lập rất nhiều trường học và phòng đọc sách để nâng cao trình độ trí thức của công nhân. Trong mỗi tổ chức xã hội chủ nghĩa và hầu như  trong mỗi tổ chức Hiến chương, cho đến cả nhiều công liên theo ngành nghề riêng, đều có những cơ quan ấy. Ở đây trẻ con được tiếp thu giáo dục thuần tuý vô sản, thoát khỏi mọi ảnh hưởng tư sản, và trong các phòng đọc sách báo cũng chỉ có, hoặc hầu như chỉ có những sách báo vô sản. Giai cấp tư sản cho những cơ quan như thế là rất nguy hiểm và đã loại trừ được ảnh hưởng của giai cấp vô sản tại một số cơ quan tức là ở những "Mechanics' Institutions"115 và biến chúng thành những cơ quan để truyền bá trong công nhân những tri thức khoa học có lợi cho giai cấp tư sản. Ở đấy người ta giảng dạy khoa học tự nhiên mà sự học tập làm cho công nhân thoát ly cuộc đấu tranh chống giai cấp tư sản hoặc còn có thể khiến cho một số người đi vào phát minh để tăng thêm thu nhập cho giai cấp tư sản. Nhưng đối với bản thân công nhân việc nghiên cứu thiên nhiên hiện nay hoàn toàn chẳng có ích lợi gì, bởi vì trong thành phố lớn, nơi họ sinh sống, với ngày lao động kéo rất dài thì không bao giờ họ nhìn thấy được thiên nhiên. Ở đấy người ta còn thuyết giáo về kinh tế chính trị học lấy tự do cạnh tranh làm thần tượng; từ môn khoa học này công nhân chỉ có thể rút ra kết luận duy nhất là điều hợp lý nhất đối với họ là cứ âm thầm nhẫn nại chịu chết đói. Ở đấy người ta chỉ dạy công nhân cúi đầu, nhũn nhặn phục vụ chính trị và tôn giáo thống trị, cho nên công nhân chỉ được nghe thuyết giáo về sự vâng lời, thụ động và yên phận. Lẽ tự nhiên là quần chúng công nhân không muốn biết đến những trường học đó; họ chỉ đến những phòng đọc sách vô sản và dự những cuộc thảo luận về những vấn đề có quan hệ trực tiếp đến lợi ích thiết thân của mình. Và khi đó giai cấp tư sản tự túc tự mãn thốt ra câu Dixi et salvavi 1* của nó, và quay đi một cách khinh bỉ không thèm nhìn cái giai cấp "chỉ thích nghe lời kêu gọi điên cuồng của những kẻ mị dân ác ý chứ không thích tiếp thu giáo dục đường hoàng". Nhưng công nhân cũng coi trọng cả "giáo dục đường hoàng", chỉ cần là trong đó đừng có xen lẫn cái khôn ngoan vụ lợi của giai cấp tư sản thôi; chứng cớ là trong những trường học hay những phòng đọc sách của công nhân, nhất là của những người xã hội chủ nghĩa, thường tổ chức những buổi diễn thuyết về những vấn đề khoa học tự nhiên, nghệ thuật và kinh tế chính trị học, và người ta đến nghe rất đông. Tôi từng gặp những công nhân tuy mặc áo cánh nhung sợi bông tồi tàn nhưng tỏ ra hiểu biết về địa chất học, thiên văn học và các khoa học khác thạo hơn một số người tư sản Đức có học. Những người đọc những tác phẩm kiệt xuất nhất về chính trị, triết học và thơ ca mới nhất hầu như hoàn toàn là công nhân, điều ấy đặc biệt chứng tỏ rằng giai cấp vô sản Anh đã đạt được thành tựu như thế nào về mặt tạo cho mình một nền giáo dục độc lập. Người tư sản là nô lệ của chế độ xã hội hiện hành và của các thiên kiến có liên hệ với chế độ ấy; anh ta lẩn tránh một cách sợ hãi và trừ bỏ tất cả những cái gì thực sự đánh dấu sự tiến bộ; người vô sản thì lại mở to mắt nhìn thẳng vào tất cả những cái ấy và nghiên cứu một cách thích thú và có kết quả. Về mặt này, những người xã hội chủ nghĩa đã làm được rất nhiều để giáo dục giai cấp vô sản, họ đã dịch những tác phẩm của các nhà duy vật Pháp như Hen-vê-ti-uýt, Hôn-bách Đi-đơ-rô, v.v., và xuất bản với giá rẻ để truyền bá những bản dịch ấy cùng các tác phẩm ưu tú nhất của các tác giả người Anh. "Cuộc đời của Giê-xu" của Stơ-rau-xơ, và "Tài sản" của Pru-đông cũng chỉ được lưu hành trong những người vô sản thôi 116. Sen-li, nhà tiên tri thiên tài Sen-li Bay-rơn, người có nhiệt tình say sưa và châm biếm sâu cay xã hội hiện tại, có độc giả phần lớn trong công nhân; người tư sản chỉ đọc cái gọi là "loại sách gia đình" tức những bản đã bị cắt xén và điều chỉnh cho thích hợp với cái đạo đức giả dối ngày nay. Các tác phẩm của hai nhà triết học thực tiễn lớn nhất của thời đại ngày nay là Ben-tamGốt-vin, đặc biệt là Gốt-vin cũng hầu như hoàn toàn là tài sản của giai cấp vô sản. Nếu như trong giai cấp tư sản cấp tiến còn có những đồ đệ của Ben-tam thì chỉ có giai cấp vô sản và những người xã hội chủ nghĩa mới vượt ông ta mà tiến lên. Trên cơ sở ấy, giai cấp vô sản sáng tạo nên sách báo riêng của mình mà đa số là báo chí và sách mỏng, nói về nội dung thì vượt xa mọi sách báo của giai cấp tư sản. Về vấn đề này, lần khác chúng ta sẽ trở lại.

Còn phải nêu ra một điểm nữa. Hạt nhân của phong trào công nhân là những công nhân công xưởng, chủ yếu là công nhân các công xưởng bông vải sợi. Lan-kê-sia nhất là Man-se-xtơ là nơi công liên vững mạnh nhất, là trung tâm của phong trào Hiến chương, là nơi có nhiều người xã hội chủ nghĩa nhất. Chế độ công xưởng thâm nhập vào một ngành lao động nào đó càng sâu thì công nhân của ngành đó được lôi cuốn vào phong trào càng đông. Sự đối lập giữa công nhân và tư bản càng gay gắt, thì ý thức vô sản trong công nhân càng phát triển, càng sâu sắc. Tuy các thợ cả nhỏ ở Bớc-minh-hêm cũng chịu đủ mùi cay đắng do khủng hoảng, nhưng họ còn ở vào địa vị trung gian rủi ro giữa phong trào Hiến chương vô sản và chủ nghĩa cấp tiến tiểu thương. Nhưng nói chung thì tất cả công nhân công nghiệp đều bị cuốn vào hình thức này hay hình thức khác của các cuộc đấu tranh chống tư bản và giai cấp tư sản. Họ đều nhất trí rằng họ là những "working men" 1* - đó là danh hiệu mà họ rất tự hào, danh hiệu phổ biến trong những cuộc hội họp của phái Hiến chương-, rằng họ họp thành giai cấp độc lập có những lợi ích và nguyên tắc riêng, có thế giới quan riêng, là giai cấp đối lập với mọi giai cấp có của, đồng thời cũng là giai cấp làm cơ sở cho sức mạnh và khả năng phát triển sau này của dân tộc.

 



1*) -  những kẻ phản bội trong cuộc bãi công

1* - hồ sơ

1)  Những công nhân ấy được gọi là Thu-gơ [thugs] theo tên của một giáo phái nổi tiếng ở Đông Ấn Độ, chuyên môn giết hại một cách độc địa tất cả những người lạ lọt vào tay họ.

1) "Một thứ tình cảm độc đáo như thế nào về  "quyền xét xử nguyên thuỷ" (wild-justice) đã chi phối tâm tư những con người ấy, khi họ hội họp bí mật rồi tuyên án với lý tính lạnh lùng các bạn công nhân của mình là đào ngũ khỏi giai cấp của mình và phản bội sự nghiệp của mình, khép họ vào tội tử hình và giao cho những đao phủ bí mật thi hành, vì thẩm phán và đao phủ của nhà nước không làm việc đó. Tất cả những cái đó đều giống như "toà án Phê-mơ" xa xưa hay những toà án bí mật thời hiệp sĩ dường như đột nhiên sống lại và hiện ra trước con mắt kinh ngạc của người ta, chỉ có điều là các quan toà mặc áo cánh bằng vải thô chứ không phải áo giáp, và toà án không họp ở trong rừng Ve-xtơ-pha-li mà là ở phố Ga-lâu-ghết xây dựng rất đẹp ở Gla-xgô! - Thứ tình cảm đó được truyền bá rộng rãi và rất mạnh trong quần chúng, mặc dù nó chỉ có thể biểu hiện dưới hình thức gay gắt như thế ở thiểu số thôi!" - Các-lai-lơ, "Phong trào Hiến chương", tr.40.

113 Theo truyền thuyết, nhà quý tộc La Mã Mê-nê-ni-út A-gríp-pa đã thuyết phục được những người bình dân khởi nghĩa năm 494 trước công nguyên bằng cách kể cho họ nghe câu chuyện ngụ ngôn về các bộ phận của cơ thể đã phản kháng không phục vụ cái dạ dày, vì dạ dày không chịu ăn, cho nên đã dẫn đến một tai hoạ lớn cho cơ thể.

1) I-u-rơ, "Triết lý về công xưởng", tr. 366 và các tr. sau.

1) Ở góc phố Crốt-lên và Ri-giân-Rốt. Xem bản đồ thành phố Man-se-xtơ.

[1] Chúng ta đã thấy những lời đó có tác dụng thế nào đối với công nhân.

114 Chỉ những cuộc xung đột giữa phái Hiến chương với cảnh sát do bọn khiêu khích gây ra ở Sép-phin-đơ, Brát-phoóc và nhiều thành phố khác. Những cuộc xung đột ấy đã dẫn tới nhiều vụ bắt bớ các lãnh tụ và thành viên của phong trào.

1)  (Năm 1892). Lời dự đoán đã được thực hiện đúng, (Chú thích của Ăng-ghen cho lần xuất bản bằng tiếng Đức năm 1892).

1)  (Năm 1892). Tất nhiên là những người xã hội chủ nghĩa theo nghĩa chung chứ không phải theo nghĩa hẹp của Ô-oen. (Chú thích của Ăng-ghen cho lần xuất bản bằng tiếng Đức năm 1892).

 

1*  Trong bản tiếng Anh năm 1887 và 1892, nửa sau của câu này đổi thành: "chứ không phải là do sự phát triển thêm nữa và hợp quy luật của đất nước, cho đến khi sự quá độ đó trở thành có thể được và tất yếu".

 

1* Trong bản tiếng Anh năm 1887 và 1892, trước chữ "phát triển" có chữ "về lý luận".

115 "Mechanics' Institutions" là một loại trường học buổi tối trong đó công nhân có thể học một số kiến thức phổ thông và kỹ thuật; loại trường này xuất hiện đầu tiên ở Anh vào năm 1823 (ở Gla-xgô) và năm 1824 (ở Luân Đôn). Đầu những năm 40 thế kỷ XIX đã có trên 200 trường, chủ yếu là ở các thành phố công xưởng thuộc Lan-kê-sia và Y-oóc-sia. Giai cấp tư sản lợi dụng những trường ấy để đào tạo công nhân kỹ thuật cần thiết cho công nghiệp và để nắm lấy những công nhân ấy.

1*  Dixi et salvavi animam meam - Tôi đã nói, và tôi đã cứu vớt được linh hồn của tôi rồi.

116 D. F. Strauβ, "Das Leben Jesu", Bd. 1 - 2, Tübingen, 1835 - 1836 (Đ. Ph. Stơ-rau-xơ, "Cuộc đời của Giê-su" Tập 1 - 2, Tuy-bin-ghen, 1835 - 1836). Về tác phẩm của Pru-đông, xem chú thích 14.

1* - "công nhân"

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt