CHƯƠNG VII NHỮNG BỨC THƯ CỦA SỰ PHÊ PHÁN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN
C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1995. Phiên bản điện tử: dangcongsan.vn | Nguyên văn tiếng Đức | Bản dịch tiếng Anh | Bản dịch tiếng Pháp.
1) QUẦN CHÚNG CÓ TÍNH PHÊ PHÁN
Có nơi đầm ấm hơn Chính gia đình mình ?70 Thể hiện ở ông Bau-ơ, sự phê phán có tính phê phán trong tồn tại hiện có tuyệt đối của mình, đã tuyên bố rằng nhân loại có tính quần chúng, - tức toàn thể cái nhân loại không phải là sự phê phán có tính phê phán, - là mặt đối lập của mình, đối tượng bản chất của mình: bản chất vì quần chúng tồn tại ad majorem gloriam dei 1*, vì vinh quang của sự phê phán và của tinh thần; đối tượng vì quần chúng chẳng qua chỉ là vật liệu của sự phê phán có tính phê phán. Sự phê phán có tính phê phán đã tuyên bố rằng quan hệ của nó với quần chúng là quan hệ có tính lịch sử toàn thế giới của thời hiện đại. Nhưng nếu chỉ tuyên bố sự đối lập của mình với toàn thế giới thì chưa thể biến mặt đối lập ấy thành mặt đối lập có tính lịch sử toàn thế giới. Người ta có thể tự cho mình là chướng ngại phổ biến vì do vụng về mà người ta thường va vấp vào người khác khắp mọi nơi. Muốn thành mặt đối lập có tính lịch sử toàn thế giới mà chỉ có tôi tuyên bố rằng thế giới là mặt đối lập của tôi thì vẫn chưa đủ, mà mặt khác còn cần là thế giới tuyên bố rằng, tôi là mặt đối lập bản chất của nó, coi tôi và thừa nhận tôi như vậy. Sự thừa nhận đó, sự phê phán có tính phê phán đạt được nhờ những bức thư dùng để chứng minh, trước toàn thế giới, công việc cứu thế có tính phê phán cũng như sự phẫn nộ phổ biến của thế giới do phúc âm có tính phê phán gây ra. Với tính cách đối tượng của toàn thế giới, bản thân sự phê phán có tính phê phán cũng là đối tượng của bản thân nó. Những bức thư có nhiệm vụ chỉ rõ sự phê phán có tính phê phán là sự phê phán có tính phê phán, là lợi ích thế giới của thời đại hiện đại. Sự phê phán có tính phê phán tự coi là chủ thể tuyệt đối. Chủ thể tuyệt đối cần có sự sùng bái. Sự sùng bái hiện thực đòi hỏi phải có yếu tố thứ ba, tức là những cá nhân tín ngưỡng. Như vậy là gia đình thần thánh ở Sác-lốt-ten-bua đã được những thông tín viên của nó sùng bái một cách xứng đáng với nó. Những thông tín viên cho nó biết rằng sự phê phán là gì và kẻ thù của nó tức quần chúng không phải là gì. Rõ ràng là sự phê phán đã tự mâu thuẫn với mình khi quan niệm như vậy rằng ý kiến của nó đối với bản thân là ý kiến của thế giới chung quanh, và biến khái niệm của nó thành hiện thực. Trong bản thân sự phê phán, hình thành một loại quần chúng, tức quần chúng có tính phê phán mà sứ mệnh giản đơn là làm tiếng vang không bao giờ tắt của những danh ngôn của sự phê phán. Để cho nhất quán từ đầu chí cuối thì sự tự mâu thuẫn với mình như vậy là có thể tha thứ được. Sự phê phán có tính phê phán không cảm thấy thế giới tội lỗi là nhà ở của mình nên phải xây dựng một thế giới tội lỗi ngay trong nhà ở của mình. Con đường của các thông tín viên của sự phê phán tuyệt đối, thành viên của quần chúng có tính phê phán, không phải là đầy hoa hồng. Con đường của họ là con đường phê phán, khó khăn, đầy chông gai. Sự phê phán có tính phê phán là một vị chúa duy linh chủ nghĩa, là tính tự phát thuần tuý, là actus purus1* không dung thứ cho bất cứ ảnh hưởng nào từ bên ngoài. Vì vậy thông tín viên chỉ có thể là một chủ thể bề ngoài, chỉ có thể biểu lộ tính độc lập bề ngoài đối với sự phê phán có tính phê phán, và chỉ có thể biểu lộ sự mong muốn bề ngoài thông báo cho sự phê phán một cái gì mới mẻ và độc lập. Trên thực tế, đó là vật sáng tạo của sự phê phán, là sự lắng nghe bản thân chỉ đối tượng hoá trong chốc lát dưới hình thức vật tồn tại độc lập. Vì vậy, những thông tín viên không bỏ lỡ cơ hội để không ngừng cam đoan với người ta rằng bản thân sự phê phán có tính phê phán biết, thấy, hiểu và thể nghiệm cái mà các thông tín viên làm ra vẻ báo cho nó trong lúc đó. Chẳng hạn, Txéc-lê-đơ đã dùng những câu như: "Anh có hiểu việc ấy không?"; "Anh biết"; "Anh biết" lần thứ hai, lần thứ ba; "Đương nhiên anh đã nghe khá nhiều để hiểu được tất cả". Phlai-sơ-ham-mơ, thông tín viên ở Bre-xlau viết: "Nhưng ... đối với anh cũng như đối với bản thân tôi, việc ấy khó mà nói là một câu đố". Hay Hiếc-txen, thông tín viên ở Xuy-rích: "Dĩ nhiên bản thân anh cũng biết rõ". Thông tín viên có tính phê phán sùng bái sự hiểu biết tuyệt đối của sự phê phán có tính phê phán đến nỗi gán cho sự phê phán tuyệt đối một sự hiểu biết ngay cả ở những chỗ nói chung không có gì để hiểu cả. Ví dụ, Phlai-sơ-ham-mơ viết: "Ông hoàn toàn" (!) "hiểu" (!) "ý tôi khi tôi cho ông biết rằng không thể ra phố mà lại không gặp những thầy tu Cơ Đốc trẻ mặc áo dài đen và áo choàng". Hơn nữa, trong sự sợ hãi, thông tín viên còn nghe sự phê phán có tính phê phán nói chuyện, trả lời, hò hét, chế giễu như thế nào! Chẳng hạn, Txéc-lê-đơ nói: "Nhưng... ông cứ nói đi. Tốt, vậy, hãy lắng nghe !" Hay Phlai-sơ-ham-mơ nói: "Phải, tôi đã nghe ông nói; tôi cũng chỉ muốn rằng...". Hay Hiếc-txen: "Thưa ngài, ngài kêu lên đấy à!" Hay một thông tín viên ở Tu-bin-gơ viết: "Ông đừng có chế giễu tôi !" Vì vậy, những thông tín viên còn dùng cả cách nói như sau: họ báo cho sự phê phán có tính phê phán biết những sự việc và chờ nó đưa ra một sự giải thích tinh thần, họ cung cấp cho nó những tiền đề và để cho nó rút ra kết luận. Hay là thậm chí họ xin lỗi về việc họ nhai lại tin tức mà nó đã biết từ lâu. Chẳng hạn, Txéc-lê-đơ nói: "Thông tín viên của ông chỉ có thể cung cấp cho ông một bức tranh, một sự miêu tả những sự việc. Cái tinh thần đem lại sự sống cho những sự vật ấy thì dĩ nhiên là ông biết rồi", hoặc "Bây giờ ông rút ra kết luận cho ông". Hay là Hiếc-txen nói: "Tôi không dám nói chuyện với ông về nguyên lý tư biện cho rằng mọi vật được sáng tạo ra đều do mặt đối lập cực đoan của nó sản sinh ra". Hay là những sự quan sát của các thông tín viên chẳng qua chỉ là sự thực hiện và chứng thực những lời tiên tri của sự phê phán. Chẳng hạn, Phlai-sơ-ham-mơ nói: "Lời dự đoán của ông đã thành sự thật rồi". Hay Txéc-lê-đơ nói: "Những xu hướng mà trong thư tôi đã nói với ông là ngày càng phát triển ở Thuỵ Sĩ thì hoàn toàn không nguy hại mà thực ra chỉ là đáng mừng ... chỉ chứng thực cho tư tưởng mà ông đã nhiều lần phát biểu ...", v.v.. Sự phê phán có tính phê phán đôi khi cảm thấy cần phải nhấn mạnh tinh thần chiếu cố của mình đến việc đọc và trả lời những bản tin của thông tín viên. Sở dĩ nó chiếu cố như vậy là vì thông tín viên đã hoàn thành tốt đẹp một bài nào đó mà nó giao. Chẳng hạn, ông Bru-nô viết thư cho thông tín viên ở Tu-bi-gơ: "Về phần tôi nếu trả lời thư anh thì thật là không nhất quán ...Nhưng mặt khác ... anh đã lại có những nhận xét rất trúng khiến ... tôi không thể từ chối sự giải thích mà anh yêu cầu ". Sự phê phán có tính phê phán muốn nhận được thư từ các tỉnh gửi về cho mình. Nhưng đây không phải là tỉnh hiểu theo ý nghĩa chính trị vì ai nấy đều biết ở Đức, không hề có loại tỉnh này, mà là tỉnh có phê phán lấy Béc-lin làm thủ đô. Béc-lin là chỗ ở của các vị gia trưởng có tính phê phán và của gia đình thần thánh có tính phê phán, còn các tỉnh là nơi ở của quần chúng có tính phê phán. Dân các tỉnh có tính phê phán chỉ dám xin nhà đương cục phê phán tối cao chú ý đến mình sau khi đã rập đầu tạ tội. Ví dụ một thông tín viên nặc danh viết cho ông Ét-ga, một thành viên đồng thời là một thủ lĩnh của gia đình thần thánh: "Kính thưa ngài ! cho phép tôi mạo muội thưa với ngài rằng thanh niên vui lòng tự nguyện kết bạn tâm giao trên cơ sở chí hướng chung (hai chúng ta chỉ hơn kém nhau có hai tuổi)". Người bạn cùng lứa tuổi đó của ông Ét-ga nhân tiện tự xưng là bản chất của triết học tối tân. Thư từ giao dịch giữa "sự phê phán" và "bản chất" của triết học chẳng lẽ không phải là việc tự nhiên hay sao? Nếu như bạn cùng lứa tuổi của ông Ét-ga cam đoan rằng y đã rụng răng thì đó chỉ là ám chỉ cái bản chất ngụ ý của nó mà thôi. "Bản chất triết học tối tân" này "đã học được của Phoi-ơ-bắc cách đưa yếu tố giáo dục vào cách nhìn khách quan". Nó cũng lập tức cung cấp kiểu mẫu về giáo dục và cách nhìn của mình bằng cách bảo đảm với ông Ét-ga rằng nó đã nắm được "cách nhìn toàn diện đối với cuốn tiểu thuyết của ông ": "Những nguyên tắc bất di bất dịch muôn năm !"71 và đồng thời lại công khai thú nhận rằng nó còn xa mới hiểu rõ tư tưởng của ông Ét-ga và cuối cùng làm mất ý nghĩa sự bảo đảm của mình về việc nắm cách nhìn toàn diện bằng cách đặt ra câu hỏi: "Hay là tôi hoàn toàn hiểu sai ngài chăng ?". Sau thí nghiệm đó mà bản chất của triết học tối tân có phát biểu ý kiến như sau về quần chúng thì cũng là điều hoàn toàn dĩ nhiên thôi: "Chúng ta phải chiếu cố, dù chỉ là một lần, đến việc nghiên cứu và cởi cái nút ảo thuật, nó ngăn cản lý trí thông thường của loài người tiến vào biển cả không bờ bến của tư tưởng ". Ai muốn có một khái niệm đầy đủ về quần chúng có tính phê phán, xin đọc bản tin Xuy-rích (số 5) của ông Hiếc-txen. Con người bất hạnh đó lặp lại những danh ngôn của sự phê phán với một tinh thần cần cù thực sự làm xúc động lòng người và biểu lộ một trí nhớ đáng khen. Ở đây, cũng có những câu ưa thích của ông Bru-nô về những trận đánh mà ông chiến đấu, những cuộc chinh phạt mà ông tham gia và lãnh đạo. Đặc biệt là ông Hiếc-txen đã làm tròn sứ mệnh của một thành viên của quần chúng có tính phê phán, khi ông căm phẫn về quần chúng vô đạo và về thái độ của quần chúng đó đối với sự phê phán có tính phê phán. Ông ta nói về quần chúng tự cho mình là người tham gia vào lịch sử, về "quần chúng thuần khiết", về "sự phê phán thuần khiết", về "sự thuần khiết của mặt đối lập đó" - "một sự đối lập thuần khiết đến nỗi chưa từng có trong lịch sử", - về "tâm trạng bất mãn", về "sự ngu dốt hết chỗ nói, sự kém tư cách, sự nhu nhược, lòng sắt đá, tính nhút nhát, sự cuồng bạo, sự hung tợn của quần chúng đối với sự phê phán", về "quần chúng chỉ tồn tại để bằng sự chống đối của mình làm cho sự phê phán trở nên gay gắt hơn, cảnh giác hơn". Ông ta nói về "vật sáng tạo được sinh ra từ mặt đối lập cực đoan", về chỗ sự phê phán đứng lên trên sự thù hằn và những tình cảm trần tục tương tự. Toàn bộ nội dung của bản tin của ông Hiếc-txen gửi đăng trên "Literatur-Zeitung" cũng chỉ gồm vẻn vẹn có cái mớ câu chữ có tính phê phán đó. Ông ta chê trách quần chúng chỉ thoả mãn với "tâm trạng", "nguyện vọng tốt lành, "lối nói", "tín ngưỡng", v.v.; với tư cách là một thành viên của quần chúng có tính phê phán, bản thân ông ta cũng thoả mãn với những "lời nói" diễn đạt "tâm trạng có tính phê phán", "tín ngưỡng có tính phê phán", "nguyện vọng tốt lành có tính phê phán" của mình và để mặc cho ông Bru-nô và đồng bọn "hành động, công tác, chiến đấu" và "sáng tạo". Mặc dù thành viên của "quần chúng có tính phê phán" vẽ ra một bức tranh khủng khiếp và sự bất hoà, có tính lịch sử toàn thế giới giữa thế giới vô đạo và "sự phê phán có tính phê phán", song bản thân sự bất hoà có tính lịch sử toàn thế giới ấy vẫn chưa được chứng thực, ít ra là đối với những kẻ không tín ngưỡng. Việc các thông tín viên lắp đi lắp lại một cách ân cần và không phê phán những "ảo tưởng" và "tham vọng" có tính phê phán chỉ chứng minh rằng những tư tưởng cố chấp của thầy cũng chính là những tư tưởng cố chấp của tớ. Đúng vậy, một trong những thông tín viên tìm cách căn cứ vào sự thực để chứng minh. Y viết thư cho gia đình thần thánh: "Ông thấy rằng "Literatur-Zeitung" đã đạt được mục đích của nó, nghĩa là nó không có tiếng vang nào cả. Nó chỉ có thể có tiếng vang trong trường hợp nó hoà nhịp với sự nghèo nàn về tinh thần, trong trường hợp ông hiên ngang tiến lên với những tiếng nhạc vang lừng của cả một dàn nhạc lính thị vệ Thổ gồm những phạm trù thông thường". Tiếng nhạc vang lừng của cả một dàn nhạc lính thị vệ Thổ gồm những phạm trù thông thường! Người ta thấy ngay vị thông tín viên có tính phê phán cố gắng làm trò ảo thuật bằng những câu nói "không thông thường". Sự giải thích của y về việc "Literatur-Zeitung" không có tiếng vang nào cả tất nhiên sẽ bị bác bỏ như một lời biện hộ thuần tuý. Đúng ra người ta có thể giải thích sự việc đó theo một ý nghĩa ngược lại, nghĩa là theo nghĩa sự phê phán có tính phê phán hoà nhịp với đông đảo quần chúng, tức với đông đảo quần chúng nhà văn không tìm đâu ra người hưởng ứng. Do đó, những thông tín viên có tính phê phán nói với gia đình thần thành bằng những lời lẽ phê phán coi đó là "lời cầu nguyện" đồng thời cũng là những công thức "nguyền rủa" quần chúng thì vẫn là chưa đủ. Cần có những thông tín viên không có tính phê phán và có tính quần chúng, cần có phái viên chân chính mà quần chúng cử đến với sự phê phán có tính phê phán để chứng minh là có sự bất hoà thực sự giữa quần chúng và sự phê phán. Do đó, sự phê phán có tính phê phán cũng dành một chỗ cho quần chúng không có tính phê phán. Nó cũng buộc các đại biểu trung hậu của quần chúng đó trao đổi thư từ với nó, thừa nhận rằng sự đối lập giữa quần chúng và sự phê phán là quan trọng và tuyệt đối, và thốt ra những tiếng kêu than tuyệt vọng cầu xin cứu cho thoát khỏi sự đối lập đó.
70 Trích dẫn ở cảnh bốn vở hài kịch một màn "Luy-xi-lơ" của nhà văn Pháp G. Ph. Mác-mông-ten. 1* - vì sự vinh quang của thượng đế 1* - hoạt động thuần tuý 71 Câu chuyện của B.Bau-ơ "Những nguyên tắc bất di bất dịch muôn năm!" đăng trong: A. Weill und E. Bauer, "Berliner Novellen", Berlin, 1843, (A.Vai-lơ và E.Bau-ơ "Những mẩu chuyện Béc-lin, Béc-lin, 1843). |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC